Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện


Giỗ Nguyễn Chí Thiện năm thứ 3
http://chinhnghiavietnamconghoa.com/category/nguyen-chi-thien/

http://chinhnghiavietnamconghoa.com/buoi-tuong-niem-nhan-huy-nhat-thu-3-co-thi-si-nguyen-chi-thien0/Mãi mãi dòng thơ HOA ĐỊA NGỤC

Phim "Chúng Tôi Muốn Sống"
nói tiếng Việt có English subtitles
https://www.youtube.com/watch?v=J-yFyl-gDvg






(Độc giả muốn có sách biên khảo Biography "Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng", viết và tổng hợp bởi nhà văn Trần Phong Vũ, với 46 trang hình màu in trên giấy láng, bìa paperback, giấy màu ngà, tổng cộng 560 trang, trình bày trang nhã, nội dung giá trị,
ấn phí 
$25 (+$3 lệ phí bưu điện tại Hoa Kỳ).

 Quý vị và các bạn có thể liên lạc trực tiếp với tác giả Trần Phong Vũ qua (949) 485 – 6078 hoặc Email: tphongvu@yahoo.com. Có thể gởi Check, Money Order, Cashier Check "Pay to: VLAC/Tiếng Quê Hương" gởi về địa chỉ: P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044


Nguyễn Chí Thiện Tuổi 20

Gs Đỗ Mạnh Tri

Trừ một số rất ít người, những người cùng cảnh tù đày với anh, trước khi kiến diện  Nguyễn Chí Thiện, chúng ta đều đã gặp anh qua tiếng kêu từ đáy vực của anh; tiếng kêu chuyển tải những bông hoa trổ lên từ đáy ngục tù cộng sản như một thách thức. Hoa Địa Ngục chính là địa ngục chẳng những bị lật tẩy mà còn bị lộn ngược bởi ý chí của con người quyết liệt bảo vệ lương tri, ngọn đèn leo lét nhưng dai dẳng, làm nên nhân phẩm của con người, ngọn đèn không một quyền lực nào có thể dập tắt. Ngọn đèn ấy đã giúp anh sống xứng đáng với tên anh: Thiện.

Phải chăng vì nhận ra ngọn đèn đó chính là dấu ấn của Thiên Chúa ghi tạc nơi lòng người mà về cuối đời anh xin lãnh phép rửa để trở thành người công giáo? Tên thánh anh chọn lạ hoắc đối với người công giáo Việt Nam, Thomas More, càng khiến ta suy nghĩ. Thomas More (1478-1535), một tên tuổi lỗi lạc thời Phục Hưng, nổi tiếng khắp Âu Châu, từng làm tể tướng cho nhà vua Anh quốc, Henri VIII và cũng bị chính Henri VIII chặt đầu vì ông  cương quyết chống lại lối hành sử bất công của nhà vua.

 Nay Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn ra đi, nhưng tiếng gọi của anh vẫn còn đó. Tiếng gọi của lương tri. Con đường anh đi, vẫn là con đường của mỗi chúng ta, của tất cả chúng ta. Con đường đòi chúng ta kiên trì chống lại bạo tàn và dối trá để tiến tới tự do, công lý, sự thật, hòa bình. Tắt một lời: con đường vươn lên Chí Thiện.
Sự ra đi của anh gây thương tiếc muôn vàn, và những lời ca ngợi thắm thiết như chúng ta đọc được, nghe được nhiều trên mạng. Viết những dòng này, cá nhân tôi xin được trân trọng một Nguyễn Chí Thiện tôi đã gặp trong...sách.

                                                *
 Năm 1993, Soljénitsyne sang Pháp 2 tuần. Ông được phỏng vấn trên đài truyền hình. Mấy nhà báo Pháp nghi ngờ về sự hiểu biết của ông đối với thế giới bên ngoài, hỏi ông về vấn đề Việt Nam. Một nhà báo cho rằng tại Việt Nam cũng đảng cộng sản cai trị, nhưng khác với bên Liên xô, những người cộng sản Việt Nam đấu tranh trước hết cho độc lập tự do. Ông tỏ vẻ bỡ ngỡ trước sự ngây thơ của nhà báo và nói đại khái: đã là cộng sản thì đâu đâu cũng thế và ông khẳng định: rồi đây tại Việt Nam cũng sẽ có những Soljénitsyne.

Tác giả của Quần đảo Goulag nói đúng một nửa: cộng sản đâu đâu cũng thế, nhưng ông không biết rằng, trước khi ông được chính quyền Nga Xô (Kroutchev), năm 1962, cho phép Tờ Nova Mir in Một ngày của Ivan Denissovitcht, một tập sách mô tả hệ thống ngục tù trại cải tạo, thì năm 1961, tại Việt Nam, một chàng thanh niên trẻ tuổi đã bị tống ngục vì những vần thơ người ta gán cho anh và được lan đi từ Hải Phòng tới Hà Nội, từ địa phương đến trung ương.

Sau đây là chân dung chàng thanh niên đó trong một tập tiểu thuyết mang tính tự truyện, cuốn Con Chiên Lạc Bầy của Chúa.[1] Giá trị văn chương của tập tiểu thuyết trung bình thôi, nhưng giá trị lịch sử đáng quý, và về Nguyễn Chí Thiện, khá quan trọng.

1. Người kể chuyện. Ông Nhượng, một ông già bệnh tật, nghèo nàn nói về thời niên thiếu của mình vào những năm 60 thế kỷ trước. Thuộc loại thanh niên ưu tú, Nhượng thi đậu thủ khoa vào trường Sân Khấu và Điện ảnh tại Hà Nội. Nhưng sau mấy tháng học, bị đuồi khỏi trường vì trong lý lịch có dính líu tới Công giáo.

(Nhượng không công giáo. Nhưng bố Nhượng là con nuôi một gia đình công giáo. Ông của Nhượng là dân nghèo xơ xác sống bằng nghề chài lưới, lúc vợ chết phải bó chiếu chôn ở bờ đê, rồi bỏ nghề và trao con cho một dân chài người công giáo nuôi giùm. Sau này đứa bé khôn lớn, thành công, giàu có và cống hiến nhiều cho Cách Mạng). Sau khi bị đuổi, Nhượng trở về tiếp tục làm việc ở nhà máy cơ khí. Đây là một nhà máy lớn, có tới bảy ngàn công nhân, trực thuộc Bộ Công nghiệp và "luôn được các cơ quan tuyên truyền của Đảng đề cao" nhằm biến nó thành "trung tâm những vấn đề của giai cấp công nhân Việt Nam".

Công đoàn nhà máy chọn những người giỏi về văn học, nghệ thuật thành lập tổ chức "Sáng tác về đề tài công nhân". Nhượng, vì biết viết lách và đã có bài được đăng báo, nên cũng được kết nạp vào tổ chức. Tuy nhiên, vì có "vấn đề", anh không được làm văn phòng cho hợp với công tác sáng tác, mà vừa phải làm nghề, vừa sáng tác.
 
2. Gặp Nguyễn Chí Thiện. Nhờ Nhượng, "tổ sáng tác gần như có thêm hai người, tuy họ không làm ở nhà máy, nhưng tư tưởng cũng muốn hướng về giai cấp công nhân, nên thường xuyên có quan hệ". Đó là Hoàng Việt Ly và Nguyễn Chí Thiện. Ly là bạn thân từ thuở học vỡ lòng, rất tài năng, nhậy cảm, luôn luôn có những ý tưởng mới và đầy bất ngờ. Một trong những bất ngờ đó là chơi thân với Nguyễn Chí Thiện:

"Do Ly tôi quen Thiện, vừa quen đã thân nhau liền. Thiện hơn tôi vài ba tuổi, nhưng trông già dặn, tóc đã có mấy sợi bạc, vóc dáng cao lớn, nhưng chậm chạp lừ khừ như ông già; mắt cận lồi nhưng không chịu đeo kính, nên chúng tôi thường gọi là Thiện-trố. Anh đã đỗ tú tài phần một, nguyên học sinh trường Alber Sarô. Tuổi 20, nhưng Thiện ít nói, thâm trầm và rất quyết liệt. Khi tôi còn đang học đứt lưỡi chia động từ tiếng Pháp, thì Thiện đã dịch và nói tiếng Pháp như máy". (tr. 159-60)

Cũng qua Nhượng, chúng ta có thêm chi tiết về cuộc tù đày của anh Thiện. Số là trong đám bạn bè trẻ của Nhượng, nhiều anh em hăng say sáng tác thơ, văn, nhạc, kịch "phục vụ xã hội chủ nghĩa". "Hễ nhà máy, hoặc ngoài xã hội có sự việc gì "tiên tiến", mấy thằng tôi lại hò nhau đi tìm hiểu vấn đề để viết, vẽ, dựng kịch – tuyên truyền rùm beng trên các đài, báo trung ương và địa phương – làm ngày làm đêm – mệt đứt hơi, nhưng rất vui, chúng tôi đối xử với nhau thân thương, thật thà, trong sáng. Lúc nào cũng thích gặp nhau, mê nhau như tình nhân ấy. Trong túi có đồng tiền nào, lại nghĩ ngay tới nhau. Nhưng than ôi, chính sự hồn nhiên này đã thành tai họa".(tr. 160)

Do lý lịch có vấn đề, tôi không được làm văn phòng cho phù hợp với công việc sáng tác. Tôi ở xưởng cơ khí, suốt ngày quay búa, rất vất vả, và có rất ít thời giờ gần gũi bạn bè. Nhưng hễ được chút rênh rang, tôi lại theo anh em ra mấy quán nước ở ngoài nhà máy ngồi như các ông cụ non bàn chuyện sáng tác hoặc tán gẫu.

Thói đời, hết chuyện nghiêm chỉnh, chúng tôi lại bông đùa đủ thứ - trong đó có cái trò phong cấp hàm cho nhau bằng tiếng Pháp, dựa theo số con. Anh nhạc sĩ LT, có bốn con, được phong commandant (Thiếu tá), anh họa sĩ có ba con được phong hàm capitaine (Đại úy); chàng nhà văn trẻ vừa đi dự đại hội nhà văn trẻ trở về, có người yêu, được phong hàm sous lieutenant (Thiếu úy). Tôi chưa vợ là lính trơn (tr.158). Những khi đi uống với nhau như thế, họ gọi là đi 'vi vút'.

Họ không ngờ cái trò đùa ấy đã bị phòng bảo vệ nhà máy và công an theo dõi, rồi quy cho tội "có ý đồ lợi dụng hoạt động văn nghệ để thành lập tổ chức chính trị phản động". "Công an ghi lại từng giờ chúng tôi bỏ nhà máy đi uống trà, ở đâu, nói những chuyện gì – thậm chí cả cái ám hiệu mục đích để che giấu lãnh đạo mỗi khi rủ nhau đi "vi vút" cũng đã thành sự nghiêm trọng. Nó trở thành tên chung "Nhóm Vi Vút". Vụ Nhân Văn Giai Phẩm nhẹ hơn nhiều vì chỉ bị quy tội xét lại. Trong khi 'Nhóm Vi Vút' bi coi như một tổ chức chính trị.

Một lũ bị bắt giam, đưa ra tòa với bản án có sẵn. Người 6 năm tù, người 2 năm, một năm hoặc bị cảnh cáo.
 
Nhượng không bị ra tòa vì thường khi các bạn anh đi uống thì anh còn đang phải làm ca chiều. Nhưng cũng bị hỏi cung khá kỹ. Trích:
"Người công an hỏi: "Anh có biết bài thơ này của ai không?", vừa hỏi người đó vừa giở sổ tay đọc cho tôi nghe một bài thơ (Bây giờ tôi chỉ còn nhớ lõm bõm được một đoạn; đại để:

Chủ nghĩa xã hội là xếp hàng cả ngày
Là áo quần đồng màu phân phối
Gạo, thịt, rau, dưa cũng đều phân phối
Là đường đi một lối
Vâng lời
Không được ngó trước nhìn sau
Là yêu em
Anh không được đắm say

Tôi sửng sốt, không thể ngờ trong chúng tôi lại có người làm bài thơ đó. Mặc dù nghe khẩu khí, và thơ leo thang kiểu Trần Dần ấy, tôi ngờ của Thiện. Tôi trả lời: "Không biết".
(…)
Họ lại hỏi tiếp một câu nữa:
Hoa miền Bắc đều là hoa dại
Chẳng hoa nào dâng nổi em yêu

Tôi càng sửng sốt (…) trả lời: "Không biết". Thế là tôi bị hai người công an thay nhau tra hỏi suốt buổi chiều.

  3. Ngồi tù. Ly và Thiện, vì không phải cán bộ, công nhân nhà máy nên cũng không bị đưa ra tòa.

 Nhưng hai hôm sau, không tòa, không án, cả hai bị bắt. Sau khi ra tù, Ly tuyệt vọng và tự tử. "Cái chết của Ly sau ba năm tù oan khiên đã khiến Thiện quẫn trí chán chường, bỏ nhà đi lang thang. Từ ấy tôi không gặp lại Thiện nữa. Nghe nói sau đó anh lại đi tù vì tội nói năng bất mãn. Giải phóng miền Nam, anh được thả, rồi lại tù, vì tội vượt biên di tản. Lại được thả. Rồi lại đi tù vì tội văn thơ như thế nào đó" (tr.164).
 
Trong câu chuyện của Nhượng, có những điều anh trực tiếp chứng kiến và những điều anh chỉ nghe nói. Về chi tiết, như tuổi tác, ngày tháng của người và việc, trí nhớ trung thành tới đâu, có thể đặt dấu hỏi. Nhưng đại thể, gần sự thật.

Về những gì anh chỉ được nghe nói, chẳng hạn Nguyễn Chí Thiện "đi tù vì tội bất mãn", thì, lời giới thiệu trong bản dịch Pháp văn Hoa Địa Ngục (Fleurs du Mal) dưới sự kiểm chứng của chính tác giả, có viết:  "Năm 1961 (lúc đó Thiện mới 22 tuổi), dạy sử[2] cho một lớp cán bộ, anh giảng:"Quân Nhật đã đầu hàng không phải vì quân Nga thắng mà vì Mỹ đã thả hai trái bom nguyên tử".

Đọc lịch sử như thế là phản tuyên truyền. Anh bị tố cáo và bị phạt hai năm tù, nhưng rồi phải ngồi tù ba năm rưỡi". Hay "lại tù, vì tội vượt biên di tản', thì đọc trên mạng, tôi thấy trong một trang tiểu sử về Nguyễn Chí Thiện có viết: "Cuối năm 1954, (lúc đó còn ở Hà Nội) anh đi Hải Phòng để đưa một người bạn thiếu thời đi Nam: Nguyễn Ngọc Bội (Giáo sư văn hóa Võ Bị Đà Lạt trước 1975); hiện ngụ tại Westminster, CA."

Anh có dẫn bạn đi tản cư thật, nhưng sự kiện này không dính dáng gì với việc anh đi tù lần thứ hai. Theo lời giới thiệu nêu trên, năm 1966 anh đi tù vì những bài thơ phê phán chế độ được dân chúng truyền miệng nhanh chóng. Công an nghi anh là tác giả và bỏ tù anh mười một năm rưỡi. Năm 1977, sau khi miền Nam bị thôn tính, anh được thả cùng với mấy bạn tù khác. Viên công an còn mắng họ: "Tao chỉ thả những cái xác chết còn biết đi / Je ne relâche que les cadavres ambulants". Sau khi vào được Tòa Đại sứ Anh trao 400 bài thơ, anh đi ra để vào tù, lần này "mười hai năm, ba tháng và mười ba ngày" như anh nói giằn từng tiếng.
 
Điều quan trọng hơn cả là qua lời kể của Nhượng, chúng ta có chân dung của một Nguyễn Chí Thiện ở tuổi 20, vào cái thời mà Hải Phòng và toàn miền Bắc sống trong đói nghèo dưới chế độ công an toàn trị… còn đang kéo dài cho đến tận hôm nay. Đồng thời chúng ta cũng thấy Nguyễn Chí Thiện đứng tuổi đã lộ nguyên hình ở tuổi 20, và những vần thơ phản kháng của anh đã được lan rộng, đến nỗi Nhượng nghe một bài "khẩu khí và thơ leo thang kiểu Trần Dần" nhưng cũng ngờ là của Nguyễn Chí Thiện.

 

 





Thay lời kết.

Chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Chí Thiện rất nhiều lần bên Pháp và bên Hoa kỳ. Nhưng lần gặp chúng tôi ghi nhớ mãi mãi là khi được tiếp anh tại nhà ngày mồng 5 tháng 6 năm 2001. Chính anh đã ghi ngày này cho chúng tôi khi đề tặng bản dịch Pháp văn Hoa Đia Ngục/Fleurs De l'Enfer vừa mới in. Loan cũng như tôi, hết sức bỡ ngỡ thấy anh thư giãn và nhất là tươi cười. Chưa lần nào thấy anh như vậy.

Đây là vào mấy năm anh được Nghị hội Quốc tế các Nhà Văn (Parlement international des Ecrivains) tặng giải thưởng mấy năm ăn ở với điều kiện duy nhất, muốn viết gì thì viết. Trong một thời gian ngắn, anh đã viết Hỏa Lò và cùng dịch một số thơ chọn lọc của anh ra Pháp văn. Chứng tỏ những năm tù đày càng làm anh suy thoái về thể xác, càng khiến tâm hồn anh kiên vững. Và khi gặp môi trường thích hợp với anh, anh còn dư sức sáng tác.

Hôm đó anh cũng kể cho chúng tôi nghe chuyện anh chuyển thơ ra ngoài. Đầu tiên anh nhờ một linh mục cùng đi tù với anh về, dò xem có thể nhờ Hồng y Tổng giám mục Hà Nội  cầm tập thơ của anh ra ngoại quốc không, vì các chức sắc công giáo hay được đi ra nước ngoài và có lẽ không sợ bị khám. Nhưng Hồng y không dám. (Thật sự các giám mục Việt Nam đã từng bị khám).

Anh cũng viết thật nhỏ thơ anh, nhét vào một đôi giầy cao gót của phụ nữ, rồi tặng một người quen sắp đi ngoại quốc. Người này cũng sợ, không dám nhận. Anh lại còn một bản được chôn dưới nền xi măng của một bậc cửa.

Tiếng kêu thống thiết, bi đát nhưng không bi quan. Vì
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
 

Giáo sư Đỗ Mạnh Tri.
Paris. 10.10.2012.
 
[1] Tác giả: Trần Tự. nxb Thanh Niên. Hà Nội. 1992.. Khổ 13/19.. 296 trang.
[2] Anh chỉ dạy thế một buổi cho một người bạn bị đau.
 






























Collection thơ, audio, video
& các bài viết về Nguyễn Chí Thiện
Mãi mãi dòng thơ HOA ĐỊA NGỤC


NGUYỄN CHÍ THIỆN ra đi
nhưng để lại “TRÁI TIM HỒNG”

Mặc Giao

       Tính đến đầu tháng 10 - 2013, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã từ bỏ cõi trần được một năm. Ông ra đi, để lại cho nhân gian một trái tim hồng, như hai câu thơ trăn trối của ông

      Một trái tim hồng với bao chan chứa
      Ta đặt lên bờ dương thế, trước khi xa

      Nhà văn Trần Phong Vũ đã lấy lời và ý của hai câu thơ trên để đặt tên cho cuốn sách mới nhất của mình: “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành. Có lẽ tôi là một trong những người may mắn được đọc soạn phầm này rất sớm, dưới dạng bản thảo, trước khi được gửi sang Đài Loan in.

      Trần Phong Vũ suy nghĩ, tìm tài liệu và viết cuốn sách trong vòng chưa đầy 10 tháng. Có người nghĩ Trần Phong Vũ là bạn tâm giao với Nguyễn Chí Thiện trên 10 năm, nếu viết xong cuốn sách về bạn trong 10 tháng thì cũng không có gì đáng lạ. Sự thật không giản dị như thế. Có mấy ai gom góp, lưu trữ tác phẩm, tài liệu, bằng chứng, hình ảnh của bạn để chờ bạn chết là viết thành sách liền đâu? Trong đôi giòng trước khi vào sách, chính Trần Phong Vũ đã thú nhận:

      "Có thể vì một mối âu lo, sợ hãi thầm kín nào đó, tôi không muốn phải đối diện với nỗi đau  khi một người thân vĩnh viễn chia xa. (…) hơn một lần trao đổi với nhau về cái chết một cách thản nhiên, coi như một điều tất hữu trong kiếp sống giới hạn của con người. (…) nhưng trong thâm tâm vẫn tự đánh lừa mình theo một cách riêng để cố tình nhìn cái chết dưới lăng kính lạnh lung, khách quan, nếu không muốn nói là vô cảm. Nói trắng ra chuyện chết chóc là của ai khác chứ không phải là mình, là người thân của mình!...

Dù là một người viết, nhưng suốt những năm tháng dài sống và sinh hoạt bên nhau, chưa bao giờ tôi nghỉ tới việc chuẩn bị, tích lũy những chứng từ, tài liệu, dữ kiện và hình ảnh cần thiết để viết về một khuôn mặt lớn như Nguyễn Chí Thiện, nếu một mai ông giã từ cuộc sống".

      Vậy mà Trần Phong Vũ đã viết được một cuốn sách 560 trang, trong đó có 48 trang hình mầu, thêm phần Phụ Lục in những bài viết về Nguyễn Chí Thiện của 28 tác giả. Tác phẩm này là một tổng hợp có thể coi là đầy đủ về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người còn được gọi là "ngục sĩ" vì ông đã nếm cảnh ngục tù tổng cộng 27 năm trong số 56 năm ông sống trên quê hương.

Ông làm thơ rất sớm, và cũng đi tù rất sớm, trước tuổi 20, từ cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Ông viết những vần thơ phẫn nộ khi nhìn tận mắt những cảnh “đào tận gốc trốc tận rễ” của cuộc cải cách ruộng đất và cảnh đầy đọa những người dính líu xa gần tới vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cuộc đời, thi tài và nỗi lòng của ông đã được Trần Phong Vũ trình bầy chi tiết. Tôi chỉ chia sẻ một số cảm nghĩ qua những tiết lộ và khám phá của Trần Phong Vũ liên quan đến Nguyễn Chí Thiện.

      Khám phá đầu tiên là hành trình tâm linh của Nguyễn Chí Thiện. Tôi không muốn đem vấn đề tôn giáo ra tranh cãi với bất cứ ý định nào. Nhưng tôi buồn vì thấy đời độc ác qúa, tâm địa của một số người tối tăm, hẹp hòi quá. Một người làm thơ tranh đấu cho quyền của con người, đặc biệt con người Việt Nam, đã can đảm chấp nhận mọi đau khổ, thua thiệt, lãnh đủ thứ đòn thù, lúc gần chết ở tuổi 73 quyết định chọn một tôn giáo để theo, mà có những kẻ nỡ lòng lăng mạ ông “bị dụ dỗ lúc tinh thần không còn sáng suốt, để cho đám qụa đen cướp xác, cướp hồn (!)”

Qua những tiết lộ của Trần Phong Vũ, người ở bên ông trong 6 ngày cuối đời, người ta mới biết chính Nguyễn Chí Thiện ngỏ ý xin vào đạo lúc còn tỉnh táo. Đây không phải là một hành động bốc đồng trong một lúc khủng hoảng thần kinh, nhưng là kết qủa của một qúa trình tìm hiểu và suy nghĩ từ nhiều năm. Chính Linh Mục Nguyễn Văn Lý cho biết Linh Mục đã dậy giáo lý cho Nguyễn Chí Thiện tổng cộng trên một năm trời khi hai người cùng trong tù cộng sản.

Cụ Vũ Thế Hùng, thân sinh của LM Vũ Khởi Phụng hiện phụ trách giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, bạn đồng tù với Nguyễn chí Thiện, đã nhận nhau là bố con tinh thần. Không kể những liên hệ và gặp gỡ khác, chỉ cần hai trường hợp này đã đủ để chứng minh Nguyễn Chí Thiện không thể bị dụ dỗ và u mê lấy một quyết định quan trong về tâm linh vào lúc cuối đời. xin hãy tôn trọng niềm tin của nhau. Hận thù tôn giáo là một tội rất lớn vì nó đã gây biết bao tang tóc cho nhân loại, và vi phạm quyền tự do cao qúy nhất của con người.

      Về vấn đề tác giả và tác phẩm, có thể nói Trần Phong Vũ là người đầu tiên đã phân tích cặn kẽ về ý và lời của thơ Nguyễn Chí Thiện. Tác giả đã dành nguyên một phần của cuốn sách để trình bầy vấn đề này. Sau đó ông đưa nhận xét:

      "Trước hết, vì Nguyễn Chí Thiện là một nhà thơ có chân tài. Tài năng ấy lại được chắp cánh bay nhờ lòng yêu nước... Tất thảy đã trang bị cho nhà thơ một khối óc siêu đẳng, một cặp mắt tinh tế, một trái tim bén nhậy, biết thương cảm trước nỗi khổ đau của con người, biết biện phân thiện ác, chân giả giữa một xã hội điên loạn, gian manh, trí trá".

      Nhận xét của Trần Phong Vũ cũng không xa với ý kiến của TS Erich Wolfgang người Đức mà ông trích dẫn trong chương 5 để lý giải cho câu hỏi: “Chiến sĩ, Ngục sĩ hay Thi sĩ” với mục tiêu trả lại cho nhà thơ vị trí đích thực của ông:

      "Tình thương trong thơ Nguyễn Chí Thiện đã chọc thủng tường thành tù ngục và đã vượt mọi chướng ngại của đồng lầy để đến với chúng ta ở Đức, ở Cali, Maderia, hay bất cứ nơi nào khác".

      Ý thơ thì như vậy. Lời thơ, tứ thơ thì ra sao? Dĩ nhiên không thể tìm trong thơ Nguyễn Chí Thiện một thứ "yên-sĩ-phi-lý-thuần" (inspiration) về tình ái hay cảm hứng khi đối cảnh sinh tình, như giữa cảnh trăng tà, sương khói mơ hồ, ánh đèn chài le lói trên sông, mà xuất khẩu thành thơ

      Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
      Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

      Cảm hứng, ngôn từ trong thơ Nguyễn Chí Thiện phải là những lời diễn tả sự đau sót, phẫn nộ của một nhân chứng trước những cảnh đầy đọa mà đồng loại và chính mình là nạn nhân. Thơ của Nguyễn Chí Thiện là những bản cáo trạng, đề tài không thể là viễn mơ, thi từ không phải là thứ gọt dũa cho đẹp. Tôi rất tâm đắc với Luật sư nhà văn Trần Thanh Hiệp khi ông nhận xét về thơ Nguyễn Chí Thiện khi Nguyễn Chí Thiện còn đang ngồi tù ở Việt Nam:

      "Thơ của ông (Nguyễn Chí Thiện) là chất liệu của văn học Việt Nam từ đầu hậu bán thế kỷ 20. Trong đổ vỡ, hoang tàn, ông đã tồn trữ được cả một kho ngôn ngữ. Trong cuộc giao tranh giữa những thế lực tiến bộ và phản động của một xã hội đang chuyển mình để thay đổi vận mạng, ông cho thấy người làm thơ nên chọn thái độ nào. Ông đã đóng góp bằng tác phẩm Hoa Địa Ngục vào cuộc tranh luận rất cổ điển giữa hai quan niệm về thơ thuần túy và thơ ngẫu cảm. Ông lảm thơ như Goethe đã nói từ đầu thập kỷ trước - 'Thơ của tôi là thơ ngẫu cảm, xuất phát từ thực tế và dựa trên thực tế. Tôi không cần đến những loại thơ bâng quơ' " (Nguyệt San Độc Lập, 25/5/1988 được tác giả họ Trần trích dẫn trong cùng chương 5 và đưa nguyên văn bài viết vào phấn phụ lục).

      Đúng như vậy. Thơ của Nguyễn Chí Thiện không phải là thơ bâng quơ để chỉ phục vụ cái Mỹ, nhưng trước hết là thơ tranh đấu để đòi cái ChânThiện. Phải chăng chính vì thâm cảm được tấm lòng và ý chí bạn ông như thế -một tấm lòng, một ý chí đã có sẵn trong máu từ thuở nằm nôi-, nên tác giả Trần Phong Vũ từng viết: “…từ bên kia thế giới hẳn rằng song thân nhà thơ họ Nguyễn không thể khơng hài lòng vì đã chọn tên “Chí Thiện” đặt cho người con trai thứ của mình”.

      Tản mác trong suốt 12 chương chính của tác phẩm, khi đề cập nỗi lòng của nhà thơ, Trần Phong Vũ đã nhiều lần kể lại những lời tâm sự mà Nguyễn Chí Thiện đã chia sẻ với ông. Trong chương thứ nhất viết về “Những ngày tháng lưu đầy” nơi hải ngoại của cố thi sĩ, nhà văn họ Trần cho hay vào một buổi chiều trên bãi biển Huntington Beach, Nam California, tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục âm thầm thú nhận khi mới đặt chân ra ngoài này ông tưởng đây là cơ hội để ông thực hiện giấc mơ thời trẻ, đó là được tự do sống một đời giang hồ, phiêu bạt.

Nhưng không, "nó chỉ là cái bề mặt che dấu nỗi uất hận bùng bốc trong tim mà không có cơ hội bộc phát, tương tự như dung dịch phún thạch cháy đỏ chất chứa trong lòng hỏa diệm sơn". Ai cũng hiểu cái uất hận đó là gì. Nhất là khi nó được biểu lộ bằng hành động và lời nói của Nguyễn Chí Thiện khi ông đi khắp nơi trên địa cầu để tố cáo sự tàn ác, vô nhân của chế độ cộng sản Việt Nam, tìm cách ảnh hưởng dư luận quốc tế và kêu gọi đồng bào chung tay lật đổ chế độ này để cứu dân cứu nước.

      Ông có nỗi buồn bực khác không nói ra khi một số người xuyên tạc ông là Nguyễn Chí Thiện giả, được cộng sản Việt Nam đưa ra ngoại quốc để phá cộng đồng tỵ nạn. Chỉ cộng sản mới có lợi khi tung ra tin thất thiệt này, vì chỉ với một nghi ngờ không cần kiểm chứng, uy tín của Nguyễn Chí Thiện sẽ bị sứt mẻ, những lời tố cộng của Nguyễn Chí Thiện sẽ bị một số người bỏ ngoài tai.

Còn những người vu oan cho ông mà không phải là cộng sản thì sao? Chúng tôi không có thói quen thấy ai không đồng ý với mình thì lập tức cho mang cho họ dép râu, nón cối. Nhưng thú thật chúng tôi không thể hiểu nổi việc làm của những người đánh phá Nguyễn Chí Thiện khi trong thực tế nó còn tàn bạo hơn cộng sản. Cuối cùng chúng tôi chỉ dám tạm kết luận rằng ai biết được ma ăn cỗ? Ai biết được những âm mưu ẩn giấu bên trong việc tranh dành quyền lợi quanh nhân vật Nguyễn Chí Thiện? Ai rõ được những hận thù giữa các cá nhân và phe phái dùng câu chuyện Nguyễn Chí Thiện “thật/giả” để làm cái cớ tạo nên cảnh đánh đấm lẫn nhau?

Nguyễn Chí Thiện đã được nghệ sĩ Thanh Hùng, người cùng quê, quen biết nhau từ nhỏ xác nhận, đã được các bạn tù Nguyễn Văn Lý, Phùng Cung, Kiều Duy Vĩnh, Vũ Thư Hiên... thương mến, cảm phục, nhất là có người anh ruột Nguyễn Công Giân, trung tá trong quân lực VNCH, bảo lãnh sang Mỹ. Vậy mà họ vẫn nói đó là Nguyễn Chí Thiện giả!? Họ gạt bỏ luôn cả kết qủa giảo nghiệm chữ viết và nhân dạng/diện dạng của Nguyễn Chí Thiện trước và sau khi đi định cư tại Hoa Kỳ.

Họ cứ nằng nặc cho rằng đây là Nguyễn Chí Thiện giả do Hà Nội gửi sang Mỹ. Nếu đúng như vậy, chúng ta cầu cho cộng sản gửi ra hải ngoại thêm vài ngàn, thậm chí cả “mười ngàn Nguyễn Chí Thiện giả” cùng loại nữa như câu nói đùa của giáo sư Trần Văn Tòng, bào huynh liệt sĩ Trần Văn Bá[1] khi tâm sự với tác giả Trần Phong Vũ trong một loạt Email trao đổi giữa hai người cuối năm 2008, trước và sau cuộc họp báo của cố thi sĩ ở khách sạn Ramada, nam California tháng 10 năm ấy. Nội dung những Email này đã được đưa vào phần phụ lục tác phẩm “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”. Lúc đó chúng ta sẽ khỏi cần mất công làm công tác phản tuyên truyền cộng sản ở hải ngoại!

      Một nỗi buồn khác của Nguyễn Chí Thiện là sức khỏe suy yếu. Sau bao nhiêu năm tù đầy, thiếu ăn, thiếu thuốc, bị hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác, nên khi sang tới Mỹ, nhà thơ chỉ còn một cái đầu minh mẫn, thân xác thì vật vờ, "tim phổi nát bét cả rồi". Ông sống thêm được 17 năm ở hải ngoại là một phép lạ. Ông đã thổ lộ với Trần Phong Vũ:

      "Tôi biết tôi sẽ không còn sống nổi tới ngày chế độ cộng sản tàn lụi đâu, dù căn cứ vào tình hình đất nước gần đây, tôi phỏng đoán sẽ không còn bao xa nữa".

      Hy vọng ông sẽ sớm được chia niềm vui lớn với đồng bào, dù ông đang ở cõi khác.

      Cuối cùng là tiết lộ khá lý thú về chuyện tình ái của Nguyễn Chí Thiện. Ai cũng thấy nhà thơ sống độc thân, thái độ nghiêm túc, lời nói chuẩn mực, hầu như không biểu lộ một tình cảm riêng tư với một bà, một cô nào, dù con số những người khác phái quý mến ông không thiếu. Có người nghĩ nhà thơ đã chán hay không biết đến tình yêu.

Sự thật, ông đã kể hết cho Trần Phong Vũ về những mối tình của mình. Không nói chuyện xa xưa, ngay những năm tháng cuối đời, Nguyễn Chí Thiện cũng có vài ba mối tình một chiều từ phiá nữ và một mối tình hai chiều mà ông ấp ủ trong lòng. Ông đâu phải là gỗ đá, lại là người viết văn, làm thơ, nên phải thuộc nòi tình, như thi hào Tản Đà từng thú nhận[2]. Người tình hai chiều ở xa, muốn đến thăm ông tại Cali, ông không chấp thuận. Sao ông nỡ từ chối như vậy? Ông thổ lộ chỉ sợ khi gặp nhau, tình cảm sẽ đi xa hơn, ai biết được những gì sẽ xảy ra, hậu qủa chắc chắn sẽ buồn hơn là xa nhau mà thương nhau, nhớ nhau.

      Lý do ông không muốn gắn bó với một người tình nào vì ông biết mình nhiều bệnh tật, thiếu sức khỏe, không chiều chuộng, chăm lo được cho người yêu, và không muốn tạo nên cảnh bẽ bang cho cả hai nguời, nhất là không muốn người yêu lại trở thành một thứ y tá bất đắc dĩ cho mình sau này.

Ngoài ra, ông còn ôm những nỗi niềm riêng trong lòng, không thể đem cả thân xác lẫn tâm hồn để yêu nhau. Vì vậy, đành phải xa nhau tuy lòng rất đau đớn. Rất may là ông đã kịp làm một bài thơ để âm thầm giãi bày cùng nàng, trước khi rời khỏi trần gian. Nói là âm thầm, vì bài thơ ngắn này ông tính giữ cho riêng mình và chỉ đọc cho tác giả họ Trần nghe trong những ngày tháng cuối đời mà thôi.

      Tôi, một kẻ lạc loài
      Một gã đàn ông đã xa lắm rồi
      cái thời trai trẻ
      Nhưng em vẫn yêu tôi bằng mối chân tình
      mênh mông trời bể
      Điều nghịch lý là tôi cũng yêu em
      khi biết trước rằng mình không thể…
      Và như thế
      trong âm thầm
      cam đành
      lặng lẽ
      chia xa!
      Ngoài kia sương gió nhạt nhòa
      trăng buồn
      thổn thức

      Đúng là một mối tình buồn!

      Và ai dám nói đây là Nguyễn Chí Thiện “giả”, không biết làm thơ!?

      Được biết thêm về Nguyễn Chí Thiện qua cuốn sách của Trần phong Vũ, tôi càng thêm qúy mến cố thi sĩ, người tôi đã qúy mến ngay trong những lần gặp gỡ đầu tiên tại các thanh phố Edmonton và Calgary ở Canada, không lâu sau khi Nguyễn Chí Thiện đến Hoa Kỳ. Nhờ được giao công tác tiếp đón và giới thiệu nhà thơ trong các cuộc hội họp với đồng hương, tôi đã nhận ra lập trường, tài năng và nhân cách khác thường của tác giả Hoa Địa Ngục.

Sau đó, qua những lần gặp gỡ khác tại Hoa Kỳ, tôi càng thấy sự hy sinh chịu khó của Nguyễn Chí Thiện trong việc tham gia sinh hoạt với các tổ chức đấu tranh và các cơ quan truyền thông của đồng bào hải ngoại. Tấm thân già bệnh hoạn với những bước đi chậm chạp, nhưng khi đứng trước micro là giọng nói sang sảng, đanh thép vang lên, với những lập luận vững chắc, với những kinh nghiệm đã trải qua, tất cả dựa vào trí nhớ còn bén nhậy, không cần giấy ghi chi tiết. Nguyễn Chí Thiện là một chiến sĩ đã chiến đấu cho đến lúc hơi tàn lực cạn.

      Với cuốn “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, Trần Phong Vũ đã làm một việc cần thiết và hữu ích. Cần thiết vì ông đã dành hết tâm lực cuối đời để ghi lại được những di sản tinh thần quý giá của một nhà thơ chiến sĩ, đã hy sinh trọn tuổi thanh xuân để làm nhân chứng cho sự tàn bạo của cộng sản và để đấu tranh nhằm giải thoát quê hương, đồng bào khỏi sự tàn bạo ấy. Hữu ích vì tấm gương của Nguyễn Chí Thiện cần phải được phổ biến bây giờ và mai sau cho nhiều người, nhất là người trẻ, để họ đừng chỉ nghĩ đền mình, biết sống chan hòa với mọi người như cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, biết hy sinh tranh đấu cho sự thật, công lý và những giá trị thiêng liêng của con người.

      Trần phong Vũ đã vất vả hoàn thành tác phẩm trong một thời gian kỷ lục, nhưng sau đó chắc ông vui vì đã làm được một việc ý nghiã để tạ lòng người tri kỷ. Trần Phong Vũ đã viết hồi ký thay cho Nguyễn Chí Thiện. Một thứ hồi ký không xưng hô ở ngôi thứ nhất. Nhưng ở ngôi thứ ba.

      Cám ơn tác giả họ Trần, và ở cõi khác, hẳn rằng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không thể không ngậm cười vì những gì ông gửi gấm trong bài Trái Tim Hồng, được sáng tác vào năm 1988, sau 24 năm trong nhà tù cộng sản, khi thân xác ông hoàn toàn suy kiệt để trong một phút cảm khái đã viết nên bài thơ, như một lời trối gửi lại những đồng bào còn sống trước khi trở về với cát bụi.

“Ta có trái tim hồng ,
        Không bao giờ ngừng đập
        Cam giận, yêu thương, tràn ngập xót xa
        Ta đang móc nó ra
        Làm quà cho các bạn
        Mấy chục năm rồi
        Ta ngồi đây
        Sa lầy trong khổ nạn
        Như con tàu vượt trùng dương mắc cạn
        Mơ về sóng nước xa khơi
        Khát biển, khát trời
        Phơi thân xác trong mưa mòn, nắng rỉ
        Thân thế tàn theo thế kỷ
        Sương buồn nhuộm sắc hoàng hôn
       Ký ức âm u, vất vưởng những âm hồn
       Xót xa tiếc nuối!
       Ta vẫn chìm trôi trong dòng sông đen tối
       Lều bều rác rười tanh hôi!

       H
ư vô ơi, cập bến đến nơi rồi!
       Cõi bụi chờ mong chi nữa!
      Một trái tim hồng với bao chan chứa
      Ta đặt lên bờ dương thế… trước khi xa!

(1988 - Hoa Địa ngục –
       trang 348/349, Tổ hợp Xuất bàn Miền Đông)

    

       Mặc Giao
       Calgary, Canada một đêm cuối tháng 8 năm 2013   

 











BÀI GIẢNG LỄ GIỖ
CỐ THI SĨ THOMAS MORE
NGUYỄN CHÍ THIỆN


Bài Phúc Âm Lc 24, 13-35.

Trọng kính Đức Cha, Quý Cha
Kính thưa Quý Thân Hào Nhân Sĩ và Quý Khách,
Kính thưa cộng đoàn dân Chúa,

          Bài Tin Mừng hai môn đệ đi đường Emmaus có một khởi đầu buồn nhưng có một kết thúc vui.

         Khởi đầu cuộc hành trình Emmaus là một con đường làng bé nhỏ, gồ ghề, lầy lội. Người lữ khách mang tâm trạng buồn nản, thất vọng, thất thểu bước đi trong bóng trời chiều buồn bã. Nhưng trên đường trở về, Emmaus đã trở thành con đường hy vọng vì đã gặp Đức Kito. Đi xa về gần. Đi buồn về vui. Đi u ám về rạng rỡ. Đi thất vọng, về tràn trề hy vọng.

         Cuộc đời và cuộc hành trình đức tin của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng là một hành trình Emmaus mới. Có những bước đi rất gian nan, thống khổ, nhưng với niềm tin và hy vọng, sau cùng đã gặp gỡ Đức Kito, người lữ khách ấy thấy con đường về sáng lên ơn cứu độ.

         Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cây nghiêng chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy.” Quả thật, giữa cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Trung Tâm Công Giáo có một liên hệ đặc biệt:

         -Năm 1996, chỉ một năm sau khi đến Hoa Kỳ vào năm 1995, cố thi sĩ đã chọn TTCG để giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục 2, tức là tác phầm Hạt Máu Thơ để nói lên lòng yêu nước và thương yêu đồng bào của mình.

         -Năm 2001, cố thi sĩ lại chọn TTCG để giới thiệu tác phẩm “Hoả Lò” với sự hiện diện và giới thiệu của giáo sư Trần Huy Bích và nhà văn Trần Phong Vũ, hiện cũng có mặt hôm nay.

         -Năm 2005, cố thi sĩ đã giới thiệu tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolo II Vĩ Nhân Thời Đại” của nhà văn Trần Phong Vũ cũng tại TTCG nữa.

         Đây là lần thứ ba cố thi sĩ xuất hiện long trọng tại Hội Trường của TTCG, không kể những buổi sinh hoạt ra mắt sách khác nữa tại TTCG. Nhưng hôm nay thì khác, cố thi sĩ đã từ Hội Trường của TTCG để hân hoan bước lên Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của TTCG với danh xưng mới, cố thi sĩ Thomas More Nguyễn Chí Thiện.

         Trong danh xưng mới này, thì con người vốn thinh lặng và trầm ngâm ngày xưa ngồi ở Hội Trường TTCG, nay trở thành cởi mở, công bố và loan báo Tin Mừng của Đức Kito. Cố thi sĩ đã trở nên gần gũi và thân thương với tất cả mọi người chúng ta hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay, vì có cùng một lý tưởng quốc gia dân tộc, có cùng một đức tin vào Đức Kito, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.

         Bởi thế, đại diện cho TTCG, con cảm thấy được vinh dự chia sẻ đôi điều về cố thi sĩ, cho dù nhà thơ quá lớn đối với con xét về tài ba, danh tiếng, phong cách và kinh nghiệm. Con xin khiêm tốn chia sẻ trong tâm tình ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa như Đức Maria đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa và thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi”. Phải, đây cũng chính là tâm tình cuối đời của cố thi sĩ sau bao nhiêu năm lao tù cùng cực trên dương thế.

         1-Trước hết, chúng ta ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì cố thi sĩ đã có một lựa chọn khôn ngoan nhất.  Khôn ngoan trong việc lựa chọn cho mình một quyết định đúng nhất trong giây phút định mệnh quan trọng nhất của cuộc đời. Đó là chọn làm Kito hữu, làm con cái Thiên Chúa, bước theo gương của thánh Thomas More, bổn mạng của các chính trị gia luôn bảo vệ công lý và sự thật.

         Cố thi sĩ đã được chính thức rửa tội vào sáng Chúa Nhật ngày 30/9/2013 do Lm Giuse Cao Phương Kỷ. Nhưng trước đó, tôi thiết nghĩ cố thi sĩ đã chịu rửa tội trong đau khổ, trong máu và nước mắt vì công lý và sự thật trong suốt 27 năm tù.

         Thật đúng như lời Thánh Vịnh 1: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân. Chẳng bước vào đường quân tội lỗi.” Trong cuộc đời, cố thi sĩ đã có rất nhiều những lựa chọn độc đáo. Ông đã có lựa chọn can đảm nhất khi kiên định lập trường chống lại bạo quyền cộng sản trong 27 năm tù. Ông đã có lựa chọn liều lĩnh nhất khi đột nhập vào toà đại sứ Anh chuyển giao 400 bài thơ Hoa Địa Ngục. Ông đã có chọn lựa thẳng thắn nhất khi không ngừng đấu tranh chống lại sự dữ dù ở tù hay ở hải ngoại. 

Những lựa chọn này đã làm cho cuộc đời ông lao đao nhất, lận đận nhất với cùm gông trong xà lim của đêm tối, hay bị nghi ngờ miệt thị ở hải ngoại. Riêng chỉ có lựa chọn khôn ngoan nhất này, đó là lựa chọn làm con cái Thiên Chúa đã giải thoát ông vào “Trời mới đất mới”, nơi không còn đau khổ và nước mắt như lời sách Giáo Lý Công Giáo số 1215 đã dạy: “Phép Rửa Tội là hồng ân đẹp nhất và tuyệt vời nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa.” Chúng ta ngợi khen và tạ ơn Chúa vì ông đã có lựa chọn khôn ngoan nhất này đã mang lại cho ông sự may mắn duy nhất trong đời giữa bao nhiêu điều không may trong cuộc đời ông!

         2-Điểm thứ hai chúng ta ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì quyết định khôn ngoan này là hoa trái của cả một cuộc hành trình đức tin dài trong thao thức và tìm kiếm qua nhiều thập niên.

         Có thể chia hành trình đức tin của ông thành hai giai đoạn. Giai đoạn gặp gỡ những giáo dân, tu sĩ, ngoài đời và trong tù khi bị tống ngục lần thứ nhất năm 1961 đã nhen nhúm hạt giống đức tin trong lòng ông. Những chứng nhân đức tin sống động ông đã gặp gỡ như ông cụ Vũ Thế Hùng, thân phụ Lm Vũ Khởi Phụng, ông Nguyễn Ký, cựu đại uý Kiều Duy Vĩnh, các anh em biệt kích Công Giáo, quý tu sĩ, chủng sinh và linh mục ở trại Phong Quang.

Và có thể kể thêm những ảnh hưởng sau này ở hải ngoại qua sự gặp gỡ kết tình thân thiết với các anh em nhóm Gioan Tiền Hô, ban biên tập Diễn Đàn Giáo Dân, và đặc biệt là tình bạn gắn bó với nhà văn Trần Phong Vũ. Kế đến là giai đoạn quyết định xảy ra vào cuối đợt tù thứ ba (1990) ông đã may mắn gặp cha Tadeo Nguyễn Văn Lý ở trại tù Ba Sao. Tại đậy hai cha con đã có dịp cùng sống chung trong một phòng để trao đổi và học hỏi giáo lý hơn một năm trời với nhau.

         Trong các giai đoạn ngục tù trên, cố thi sĩ đã thể hiện niềm tin của mình nơi Ông Trời, Thượng Đế qua các vần thơ trong Hoa Địa Ngục. Niềm tin đó đã mang lại sức mạnh cho ông trong nghịch cảnh lao tù để cất lên những lời cầu xin tha thiết:

         “Nén quằn quại nổi chìm, đớn đau là thế,
         Bạc cả tóc râu dưới đáy vực dầu,
         Ta chỉ ngẩng đầu, cầu xin Thượng Đế”
                      (Dù Đời Ta 1973).
         “Cộng sản đầy ta sống trong chết dở,
         Muốn ta tàn tắt cùng thơ.
         Song ta tin có Trời kia cứu trợ,
         Tất cả dần dà ta sẽ vượt qua.”
                       (Tù Tội 1986)


 
         Khi sinh ra, sức khoẻ của ông đã yếu đuối. Tuy người cao ráo, nhưng lúc 17 tuổi đã bị bệnh lao, nên ông
cầu xin thống thiết vào lòng nhân từ của Thượng Đế:

         “Thượng Đế kia nổi tiếng nhân từ,
         Sao với tôi người chẳng vô tư.
         Sai bà mụ nặn tôi trong bụng,
         Một thân hình bệnh hoạn, tàn hư”
                   (Thượng Đế 1978)

         Khi nỗi bất hạnh gia tăng dồn dập với chán nản, buồn phiền thì lời van xin của ông càng da diết khẩn cầu:

         “Nếu cuộc đời không có những ngày mưa,
         Trời nắng ấm sẽ hoá thành nắng cháy.
         Nhưng Thượng Đế, đời con mưa quá nửa,
         Dột nát lắm rồi, Người ban nắng cho con”
                        (Những Ghi Chép Vụn Vặt)


         Đây là những lời cầu khấn liên lỉ, van xin tha thiết phát xuất từ một niềm tin tưởng cậy trông nơi Thượng Đế giống như tâm trạng của các ngôn sứ khi gặp nguy khốn, hay tâm trạng đau khổ của dân Israel như đã được diễn tả trong các Thánh Vịnh.

         Nhìn lại cuộc đời của cố thi sĩ, qua các vần thơ trong Hoa Địa Ngục và nhất là sau khi được rửa tội, tôi nhận ra hành trình đức tin của ông. Đó là một cuộc hành trình dài từ thời thơ ấu, vượt qua 27 năm tù tội, 17 năm ở hải ngoại. Đó là một sợi giây chuỗi nối kết nhau bằng các biến cố và được kết thúc đẹp đẽ bằng niềm tin nơi Thập Giá của Đức Kito.

         Nếu các biến cố thăng trầm trong lịch sử dân Do Thái được diễn tả trong các Thánh Vịnh với những lời van xin cầu khẩn tha thiết trông mong tình thương, ơn cứu độ, sức mạnh và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, thì những lời ai oán, uất hận, van xin trong Hoa Địa Ngục đối với sự hoành hành của sự dữ cũng không phải chỉ là của cá nhân cố thi sĩ, mà là của cả dân tộc Việt Nam thương đau, quằn quại, rên xiết trong bóng tối của gian ác và sự dữ do chủ nghĩa cộng sản áp đặt.

Bởi thế, có thể nói, tâm tình của cố thi sĩ trong Hoa Địa Ngục là lời van xin khẩn nguyện của cả dân tộc Việt Nam. Vì nỗi thống khổ của ông đại diện cho nỗi khổ đau của cả dân tộc trải dài khắp lịch sử Việt Nam thương đau. Và niềm tin của thi sĩ nơi Thượng Đế cũng là niềm tin và hy vọng của cả dân tộc Việt Nam chúng ta nữa.

         3-Điểm thứ ba, trong cách nhìn so sánh và đối chiếu như vậy, chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen và tạ ơn khác nữa. Đó là nhân cách của cố thi sĩ: một nhân cách và lối sống ngay thẳng, cương trực, và đáng kính trọng của một vị quân tử, một kẻ sĩ, một thi sĩ, một ngục sĩ, một chí sĩ, và một chiến sĩ. Nhân cách đó dường như là lối sống và phong độ của một vị Ngôn Sứ trong nghịch cảnh của khổ đau và thử thách vì chân lý và sự thật.

         -Sự cương trực và thẳng thắn: trong suốt 73 năm có mặt trên đời, ngoài những năm thơ ấu và những thời khoảng tự do nửa vời giữa ba lần nằm khám là 27 năm tù kèm thêm 17 năm như cánh chim trời phiêu bạt ở hải ngoại, cố thi sĩ luôn đứng thẳng cho dù nhiều phen sóng gió. Dù sống trong tù hay được tự do ở hải ngoại, con người, nhân cách, khí phách, và lối sống của ông vẫn không hề thay đổi. Cố thi sĩ vẫn giữ nguyên lối sống cũ, sống nghèo, sống đơn sơ. Ông không bị sức mạnh của tiền bạc giàu sang lôi cuốn với những quyến rũ của khoái lạc, sắc dục, mặc dù ông có rất nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời mình một cách chính đáng mà không phải hổ thẹn với lương tâm của mình.

         -Một nhân cách đáng kính trọng. Các bạn tù chung đều tỏ sự kính trọng nhân cách của ông. Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý đã chia sẽ với nhà văn Trần Phong Vũ qua điện thoại, được ghi nhận trong cuốn “Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng” như sau:

         “Qua những năm tháng ở tù cộng sản, tôi chưa thấy một tù nhân nào có được cái chí khí hiên ngang và tinh thần tự trọng như Nguyễn Chí Thiện. Như anh đã biết, trong cảnh tù, hầu hết tù nhân đều đói, đói triền miên, mà vì quá đói nên gặp thứ gì cũng ăn, bất kể sống, sượng hay độc hại có thể nguy hiểm tới sinh mạng…

Riêng Nguyễn Chí Thiện, anh thường khảnh ăn và ăn uống rất chừng mực. Trong những lần được thân nhân hoặc giáo dân tiếp tế, thăm nuôi, tôi thường đem ra chia cho anh em bạn tù, kể cả đám tù hình sự. Khi chia cho Nguyễn Chí Thiện, rất ít khi anh nhận. Anh thường từ tốn tìm cách thoái thác, hoặc chỉ nhận một phần nhỏ. Anh nói: “Con ăn ít lắm. Xin cha giữ lại chia cho những anh em cần hơn.”

                 Trọng kính Đức Cha, Quý Cha, và toàn thể Quý Khách,

         Trong đau khổ, tuyệt vọng, nhà thơ Phùng Quán đã tâm sự: “Có những giây phút ngã lòng, tôi đã vịn câu thơ mà đứng dậy.” Đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, ông đã không chỉ “vịn câu thơ mà đứng dậy”, nhưng vịn vào linh hồn bất tử của thơ mà đứng dậy. Ông đã vịn vào sức mạnh của niềm tin nơi Đấng Tối Cao mà đứng dậy. Ông đã ở tù ròng rã 27 năm trường, nhưng nhờ sức mạnh của thơ, của niềm tin vào linh hồn bất tử, vào sự nâng đỡ của Thượng Đế, nên ông vẫn bền lòng vững chí, như tên của ông là Nguyễn Chí Thiện. Với bản chất hiền lương, trong sáng, luôn hướng về Chân Thiện Mỹ, hướng về Đấng Chí Thánh, Đấng Chí Thiện như lời ông tự nhủ trong thơ:

         “Nhà thơ ơi, phải biết,
         Giữ linh hồn cho tinh khiết…
         Nhà thơ còn phải biết,
         Sống trong cõi đời như không bao giờ chết.”


          Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chính niềm tin vào Đức Kito Phục Sinh đã giúp họ trở về trong hy vọng, thì đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, cho dù cuộc đời ông phải chịu quá nhiều bất hạnh như lời Thánh Vịnh 89 diễn tả: “Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục… Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…” Nhưng với niềm tin vào Đấng Tối Cao, cố thi sĩ đã chấp nhận tất cả gian lao khốn khó và xem đó là sứ mệnh của mình:

         “Nhưng số phận ta quá nhiều khắc nghiệt
         Có lẽ Trời bắt ta phải chịu nhiều rên xiết
         Để cho ta có thể hoàn thành công việc
         Dùng lời ca ngăn hoạ đỏ lan tràn”


         Phải, niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào ơn gọi của mình đã biến đổi tất cả những đau khổ, gian lao trở nên có ý nghĩa, có một định hướng chung cho toàn thể những khổ đau trong cuộc đời của ông. Cuộc đời của một quân tử, một thi sĩ, một ngục sĩ, một chí sĩ, và một chiến sĩ. Nói chung, đó là ơn gọi của một NGÔN SỨ!

          Đây chính là đích điểm cuối cùng ông đã thực hiện khi chịu phép Rửa Tội vào Năm Đức Tin này để hoàn tất ơn gọi của mình như một ngôn sứ trước khi từ giã cõi đời này trong tâm tình ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa cùng với Đức Maria: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa và thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi.” Amen.

Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
Trung Tâm Công Giáo,

Santa Ana ngày 28 tháng 9 năm 2013
Lễ giỗ cố thi sĩ Thomas More Nguyễn Chí Thiên,
Lm Joseph Nguyễn Thái.








(Độc giả muốn có sách biên khảo Biography "Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng", viết và tổng hợp bởi nhà văn Trần Phong Vũ, với 46 trang hình màu in trên giấy láng, bìa paperback, giấy màu ngà, tổng cộng 560 trang, trình bày trang nhã, nội dung giá trị,
ấn phí 
$25 (+$3 lệ phí bưu điện tại Hoa Kỳ).

 Quý vị và các bạn có thể liên lạc trực tiếp với tác giả Trần Phong Vũ qua (949) 485 – 6078 hoặc Email: tphongvu@yahoo.com. Có thể gởi Check, Money Order, Cashier Check "Pay to: VLAC/Tiếng Quê Hương" gởi về địa chỉ: P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044

 Mãi mãi dòng thơ HOA ĐỊA NGỤC
 

Ngoài làm thơ, Nguyễn Chí Thiện còn viết văn. Nguyễn Chí Thiện được phóng thích năm 1991 và sang định cư ở Mỹ năm 1995. Năm 2001, tập truyện Hoả Lò của ông được nhà xuất bản Cành Nam ở Arlington, Virginia đem in cùng Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2001, rồi tái bản năm 2007.

Cũng trong năm 2007, tập truyện cùng với thơ ông được dịch ra tiếng Anh, nhan đề Hoa Lo/Hanoi Hilton Stories do Yale University Southeast Asia Studies xuất bản. Bản dịch có sự đóng góp của Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Điền, Vann Saroyan Phan và Nguyễn Kiếm Phong.

Năm 2008 Hai Truyện Tù/Two Prison Life Stories, một tác phẩm song ngữ Việt-Anh được xuất bản ở Mỹ với sự cộng tác của Jean Libby, Tran Trung Ngoc và Christopher McCooey”. (PV.VRNs)












Tang lễ đưa tiễn cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện
diễn ra ngày Thứ Bảy 6 tháng 10, 2012
tại Thánh Đường La Vang, miền Nam California,
Hoa Kỳ
. Tro cốt của ông được an vị trên
tầng lầu sáu, Nhà Thờ Kiếng, là Nhà Th
Chánh Tòa Orange County,
Nam California.

 

Kết thúc Tuần lễ Tưởng Niệm

Nhân Húy Nhật đầu cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện

 

Tuần Lễ Tưởng Niệm cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện khởi đầu từ Thứ Bảy 21-9-2012 đã kết thúc long trọng hôm Thứ Bảy 28-9-2013 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange.

Thánh Lễ:  Khởi đầu là Thánh Lễ đồng tế do Đức Giám Mục Mai Thanh Lương cử hành cùng quý LM Nguyễn Đức Minh, Vũ Hân, Nguyễn Thái từ 9 giờ đến 10 giờ sáng để cầu cho linh hồn Thomas More Nguyễn Chí Thiện. Đền Thánh đã không còn một chỗ trống khiến cả trăm giáo dân và đồng bào tham dự đã phải đứng dọc hai bên hành lang, tràn cả ra bên ngoài.

Trong bài thuyết giảng dịp này, LM Giám Đốc TTCG Nguyễn Thái nhắc lại cái cơ duyên thuở sinh thời thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã ba lần xuất hiện nơi đây. Trước hết là dịp giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục 2, tức là tác phầm Hạt Máu Thơ của ông năm 1996; Lần thứ hai là buổi ra mắt tác phẩm Hoả Lò năm 2001. Và lần thứ ba là năm 2005, cố thi sĩ nhận lời đọc và giới thiệu tác phẩm Giáo Hoàng Gioan Phaolo II Vĩ Nhân Thời Đại của nhà văn Trần Phong Vũ cũng tại hội trường Trung Tâm Công Giáo.

Sau khi gợi lại 27 năm đau thương, gian khổ mà cố thi sĩ đã trải qua trong các nhà tù cộng sản trên quê hương, trong phần kết thúc bải giảng thuyết, LM Nguyễn Thái nói:

“Trong đau khổ, tuyệt vọng, nhà thơ Phùng Quán đã tâm sự: “Có những giây phút ngã lòng, tôi đã vịn câu thơ mà đứng dậy.” Đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, ông đã không chỉ “vịn câu thơ mà đứng dậy”, nhưng vịn vào linh hồn bất tử của thơ mà đứng dậy. Ông đã vịn vào sức mạnh của niềm tin nơi Đấng Tối Cao mà đứng dậy.

Ông đã ở tù ròng rã 27 năm trường, nhưng nhờ sức mạnh của thơ, của niềm tin vào linh hồn bất tử, vào sự nâng đỡ của Thượng Đế, nên ông vẫn bền lòng vững chí, như tên của ông là Chí Thiện. Với bản chất hiền lương, trong sáng, luôn hướng về Chân Thiện Mỹ, hướng về Đấng Chí Thánh, Đấng Chí Thiện như lời ông tự nhủ trong thơ:

            “Nhà thơ ơi, phải biết,
            Giữ linh hồn cho tinh khiết…
            Nhà thơ còn phải biết,
            Sống trong cõi đời như không bao giờ chết.”

             Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chính niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đã giúp họ trở về trong hy vọng, thì đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, cho dù cuộc đời ông phải chịu quá nhiều bất hạnh như lời Thánh Vịnh 89 diễn tả: “Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục… Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…” Nhưng với niềm tin vào Đấng Tối Cao, cố thi sĩ đã chấp nhận tất cả gian lao khốn khó và xem đó là sứ mệnh của mình:

            “Nhưng số phận ta quá nhiều khắc nghiệt
            Có lẽ Trời bắt ta phải chịu nhiều rên xiết
            Để cho ta có thể hoàn thành công việc
            Dùng lời ca ngăn hoạ đỏ lan tràn”

 Hội Thảo:

Ngay sau Thánh Lễ là cuộc hội thảo về chủ đề “Nhìn lại Con Người, Cuộc Đời và những Di Sản Tinh Thần của cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện” khai diễn tại Hội Trường Trung Tâm trong gần ba tiếng đồng hồ. Cuộc hội thảo quy tụ ngót 300 đồng hương, trong số có những khuôn mặt trí thức tiêu biểu trong cộng đồng như quý giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Lưu Trung Khảo và quý phu nhân, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (Washington DC), Trần Huy Bích, Nguyễn Thanh Trang (San Diego), Đỗ Anh Tài, Nguyễn Đình Cường, Dương Khải Hoàn, cựu Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, các bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, Nguyễn Văn Quát, Trần Việt Cường, Trần Văn Cảo, cựu Nghị sĩ Trần Tấn Toan, kỹ sư Đỗ Như Điện, cựu đốc sự hành chánh Cao Viết Lợi, ký giả nhà văn Mặc Giao (Canada), nhà báo Huỳnh Lương Thiện (San Francisco), các nhà báo Khúc Minh, Vũ Thụy Hoàng, Trần Nguyên Thao, Đinh Quang Anh Thái, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Hải Hà, Anh Duy, Trần Thế Ngữ, các cựu sĩ quan QLVNCH thuộc mọi binh chủng như cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân Đoàn 3 Lê Văn Trang, nguyên Thiếu tá Giám độc đài phát thanh Sàigòn Phạm Bá Cát, các cựu Sĩ quan Không quân Phạm Đình Khuông, Nguyễn Đức Chuyện, luật sư Trần Thanh Hiệp (Pháp), bà giáo sư Jean Libby, một trong những người bạn thân của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện thuở sinh thời và đại diện các cơ quan truyền thông gồm hệ thống Truyền hình Free Việt Nam, các đài truyền hình VNA/TV, SET. VHN, Cơ sở Văn Hóa Lạc Việt, ký giả các nhật báo Viễn Đông, Việt Báo, Người Việt…

Sau phần chào quốc kỳ Mỹ Việt, tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã xả thân vì chính nghĩa dân tộc, đặc biệt những tù nhân lương tâm đã chết hoặc còn bị đày ải trong các nhà tù cộng sản trên quê hương mà điển hình là cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, buổi hội thảo với chủ đề “Nhìn lại Con Người, Cuộc Đời và những Di Sản Tinh Thần của cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện” khởi đầu.

Vì phu nhân bị bạo bệnh bất ngờ phải vào cấp cứu trong bệnh viện, Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi từ Đức quốc không thể hiện diện nên bài thuyết trình của ông với nhan đề “Duyên kỳ ngộ nơi miền ngôn ngữ của Goethe” đã được ông úy thác cho nhà văn Mặc Giao trình bày giúp..

 Theo Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi thì ngay từ đầu thập niên 80, khi nhà thơ nguyễn Chí Thiện còn bị đày ải trong ngục tù cộng sản ở quốc nội, ông đã được đọc những bài thơ tuyệt vời trong số 400 bài đầu của thi tập Hoa Địa Ngục dưới nhan đề xa lạ là “Bản Chúc Thư Của Một Người VN” . Từ đấy ông đã khám phá ra chân dung tác giả khi chưa ai biết là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện dưới hai khía cạnh: một người anh hùng chống cộng quyết liệt và một thi nhân có tài.

 Ông viết:

“Điều đầu tiên gây hứng thú cho tôi là nội dung chống cộng của tập thơ. Càng đọc tôi càng có cảm tưởng đã may mắn gặp một chứng nhân vẽ lên được một cách tường tận, đầy đủ hơn ai hết bức tranh toàn cảnh về tính chất bạo tàn của chế độ mà chính tôi đã chứng kiến và trải nghiệm phần nào trong thời niên thiếu lúc còn sống ở quê tôi Hà Tĩnh là nơi chính quyền cộng sản thống trị từ năm 1945. (…) Ngoài những nhà tù chính hiệu, NCT còn phác họa cái nhà tù khổng lồ bao trùm trọn miền Bắc Việt Nam (và như ta biết sau 1975 miền Nam cũng đã trở thành nhà tù bao la rập theo khuôn mẫu miền Bắc). Như người thợ nhiếp ảnh tài tình, NCT đã thu trọn vào ống kính bức tranh ảm đạm của một xã hội nghẹt thở đắm chìm trong thấp thỏm lo sợ.

Về giá trị thi ca trong Hoa Địa Ngục,
Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi nhận định:

“…đặc sắc của NCT không chỉ nằm trong đia hạt tố giác tội ác của cộng sản. NCT còn làm cho tôi bái phục hơn vì tài nghệ siêu cường trong địa hạt thi ca. Với tài nghệ đó ông đã cống hiến cho ta một tác phẩm mà văn học sử nước nhà sẽ mãi mãi lưu danh. Và trên trận tuyến chống bạo quyền, thi phẩm tuyệt vời của ông đã trở thành một hệ thống vũ khí vô cùng sắc bén. Thơ NCT không phải là một tác phẩm đấu tranh có tác dụng nhất thời mà mãi mãi sẽ là tiếng nói của con người muôn thuở.

Hủy diệt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, là đặc điểm của tất cả mọi thứ độc tài kim cổ và xưa nay đã có vô số người tố cáo. Nhưng bút pháp thần tình của NCT làm cho độc giả có cảm giác như sờ mó được cái độc hại, cái nguy hiểm của quái vật độc tài mà nanh vuốt là thủ đoạn "bỏ tù tiếng nói" dùng miếng ăn như một thứ xích xiềng để nô lệ hóa.

Thoát thai từ một thực tế phũ phàng cay đắng, toàn bộ thơ NCT đã lấy thực tế đó làm đề tài duy nhất, nhưng lời diễn tả thì thiên hình vạn trạng nhờ vào bút pháp phong phú linh động, chuyển biến theo từng cảnh ngộ trong cuộc sống và theo từng nhịp đập của con tim.

NCT đã có công tạo những danh từ, những hình ảnh đ phơi bày bằng nét bút sắc và đậm bộ mặt đa dạng của bạo lực. Ngôn ngữ của NCT đã có tác dụng của những quang tuyến diệu kỳ, của những "chiếu yêu kính" khiến cho hồ ly phải hiện nguyên hình và những ngụy trang lừa bịp không còn hiệu nghiệm. NCT vừa tố cáo tội ác trước công luận một cách hùng hồn vừa làm phong phú kho tàng ngôn ngữ chúng ta….”

Đọc lại những lời tâm huyết của cố thi sĩ kèm những vần thơ máu của ông khi liều mình đột nhập tòa Đại sứ Anh ở Hànội năm 1979 với khát vọng thiết tha là nó sẽ đánh động được lương tâm nhân loại trước những thảm cảnh mà dân tộc Việt Nam đang phải chịu đựng dưới chế độc độc tài CSVN, Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi tự thấy có trách nhiệm phải làm một cái gì để đáp lại tâm nguyện của nhà thơ. Và đấy chính là lý do thôi thúc ông để hết tâm huyết dịch thi phẩm Hoa Địa Ngục sang Đức ngữ. Được biết, hiện nay dịch phẩm này đã được dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh bậc trung học ổ Đức.

Chấm dứt bài thuyết trình trong gần nửa tiếng đồng hồ,
         diễn giả kết luận:

Nhìn lại sự xuất hiện và sự đón nhận thơ NCT tại Đức và Áo, tôi thấy đó là một cuộc gặp gỡ, một cuộc trao đổi lạ kỳ. Quả là mối duyên kỳ ngộ của NCT nơi miền ngôn ngữ của Goethe, đệ nhất văn hào Đức quốc.

 Diễn giả thứ hai trong buổi hội thảo là Tiến si Trần Huy Bích với đề tài “Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và thời đại chúng ta”. Mở đầu bài thuyết trình, TS họ Trần đã nhấn mạnh tới nhân cách vĩ đại và tấm lòng bao dung, bác ái có một không hai của cố Thi sĩ. Ông cũng nhắc lại mối liên hệ mật thiết với nhà thơ qua mối giao tình sâu đậm với những người thân trong gia đình cụ cố Vũ Thế Hùng, người từng một thời ở tù chung với tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục.

Đề cập thái độ khoan hòa, độ lượng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, Tiến sĩ Trần Huy Bích đã gợi lại những phản ứng điềm tĩnh, chừng mục, coi nhẹ mọi sự của cố thi sĩ trước hành vi đầy ác ý của những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi nhọ ông trong những năm tháng lưu đày nơi hải ngoại.

Sau khi đi sâu vào khía cạnh tình cảm trong thơ Nguyễn Chí Thiện và những căn nguyên khiến đảng và nhà nước CSVN căm hận, đày ải nhà thơ trong suốt 27 năm dài, diễn giả nhắc lại trường hợp hai nhà thơ tiền bối là Đặng Trần Côn và Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều với những trường thi Chinh Phụ Ngâm Khúc và Cung Oán Ngâm Khúc, đối chiếu với cảnh ngộ của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và nội dung 700 bài thơ của ông để đi tới kết luận:

“…nỗi khổ của chinh phu, chinh phụ … trong CPNK (cũng như nỗi buồn khổ của người cung phi trong cung cấm) không thấm vào đâu so với nỗi khổ của người dân VN trong xã hội CS mà NCT vừa là người chứng kiến, vừa là nạn nhân. “

Ngoài hai tác phẩm của Đặng Trấn Côn và Nguyễn Gia Thiều, TS Bích còn trưng dẫn nội dung Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của thi hào Nguyễn Du để dẫn tới kết luận là tất cả những nỗi khổ đau, ngang trái mà người dân phải gánh chịu do cuộc tranh bá đồ vương thời Trịnh Nguyễn không thấm vào đâu nếu so sánh với những gì những người tù như Nguyễn Chí Thiện và đồng bào ta dưới chế độ bạo tàn cộng sản, và ông nhấn mạnh:

“Trách gì NCT không phải viết lên những câu như:

’Tôi muốn kêu to trong câm lặng đen dày

Cho nhân loại trăm miền nghe thấy.’“

 Trước khi kết thúc, TS Trần Huy Bích đã trích dẫn nhận định sau đây của nhà văn Trần Phong Vũ trong “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, tác phẩm mới nhất của ông, do Tiếng Quê Hương vừa phát hành nhận dịp húy nhật đầu cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện:

“Tuy NCT đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong mắt và trong hồn tôi như vẫn hiển hiện hình ảnh cô đơn, cam đành, khiêm tốn và bất khuất của một con người mà khi sống cũng như khi chết đã để lại trong tâm hồn người quen biết ông những cảm tình quý mến không thể phai nhòa.” (TPV, trang 56).

 Thuyết trình viên thứ ba trong buổi hội thảo là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một trong những người đã giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục cũng như tập truyện Hỏa Lò của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với quần chúng độc giả nói tiếng Anh. Qua đề tài Nguyễn Chí Thiện và “vạn ngàn cơn thác loạn”, giáo sư Bích lần lượt vẽ lại những chặng đường đã dẫn đưa thơ Nguyễn Chí Thiện đi vào các vùng trời thế giới ngay từ giai đoạn đầu khi chưa ai biết tung tích tác giả là ai cũng như khi thi phẩm Hoa Địa Ngục vừa được ấn hành đầu thập niên 80 thế kỷ trước dưới những tên gọi khác nhau như Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam.

 Sau khi nhắc lại những nỗ lực không ngừng của nhiều dịch giả như Nguyễn Hữu Hiệu, Huỳnh Sanh Thông, Nguyễn Ngọc Quý, Bùi Hạnh Nghi nhằm giới thiệu thơ Nguyễn Chí Thiện cho các độc giả ngoại quốc và sự đóng góp của nhiều nhạc sĩ như Phạm Duy, Phan Văn Hưng, Trần Lãng Minh, Xuân Điềm v.v…trong việc phổ nhãc nhiều bài thơ trong Hoa Địa Ngục. giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết thêm:

“Phần tôi, tôi đồng-hành với anh Nguyễn Chí Thiện từ khá sớm.  Dịch anh từ lúc thơ của anh mới ra ngoài này…:

Tháng 7/1982, tôi có bài trong Asiaweek giới-thiệu thơ anh và dịch trên 10 bài.

Tháng 9/1982, Hội Văn-hoá VN tại Bắc-Mỹ của tôi in Ngục Ca / Prison Songs, dịch 20 bài thành hát được.  Sau tăng bổ, cuốn này được Quê Mẹ ở Pháp in ra thành ba thứ tiếng.  Cuối năm 1996, nhóm Hoa Niên ở Úc lại xin phép in cuốn song ngữ của tôi để phổ-biến ở Úc.

Tháng 10/1989, Văn Bút Miền Đông in ra tuyển-tập tiếng Anh War & Exile: A Vietnamese Anthology ("Chiến-tranh và Lưu đày: Tuyển-tập Thơ văn VN Hiện-đại") nhằm giới-thiệu văn-học VN với thế-giới nhân Hội-nghị Văn Bút Quốc Tế ở Montréal, Canada.  Trong tập có giới-thiệu 30 trang thơ Nguyễn Chí Thiện.  Ít năm sau, Jachym Topol dịch thơ anh sang tiếng Tiệp là dựa vào mấy bản Anh-dịch của tôi….

Một tuần sau khi anh Thiện đến Mỹ, vào ngày 8/11/1995, anh được mời lên Quốc-hội điều trần về tình-trạng nhân-quyền ở VN (Nguyễn Ngọc Bích thông-dịch). Ngày 26/11/1995, anh ra mắt đồng-bào Thủ-đô Hoa-kỳ ở Trường Luật George Mason University trước một cử-toạ kỷ-lục, ngồi chặt cứng giảng-đường. Ngày 21/4/1996, ra mắt tập Anh-dịch song ngữ Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell do Nguyễn Ngọc Bích dịch gần như toàn-bộ Hoa Địa Ngục I (khoảng 5/6 trên 400 bài), cũng ở Trường Luật George Mason. Để chuẩn-bị cho chuyến đi sang Úc, tôi dịch thêm một tuyển-tập nhỏ (gần 100 bài) mang tên Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry (tức Hoa Địa Ngục II)….”

 Để kết thúc bài tuyết trình, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích lớn tiếng nói với cử tọa:

“Nguyễn Chí Thiện can đảm, điều đó khỏi nói.  Nhưng nếu chỉ can đảm thôi thì ta có thể ngưỡng mộ anh nhưng anh vẫn không thể thành một nhà thơ lớn.  Cái lớn của Nguyễn Chí Thiện nằm ở chỗ anh đánh trúng đối-tượng, từ những cái rất tầm-thường trong đời sống của người dân ("Bà kia tuổi sáu mươi rồi / Mà sao không được phép ngồi bán khoai?") đến cái khôi hài ("Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại! / Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai!"), ngộ nghĩnh ("Những thiếu nhi điển hình chế độ / Thuở mới đi tù trông rất ngộ. / Lon son không phải mặc quần / Chiếc áo tù dài phủ kín chân"), thương tâm ("Trên bước đường tù mà tôi rong ruổi / Tôi gặp hàng ngàn em bé như em.") để rồi cuối cùng điểm thẳng mặt kẻ thù ("Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó")...

“…năm 1975, khi nghe thấy miền Nam tự do thất thủ, Nguyễn Chí Thiện đã thốt lên:   ‘Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối,

Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
Cả nước đã quy về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương...
Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan
Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!”

 Ba vị được mời tham luận sau đó là bà Jean Libby, một người bạn thân của cố thi sĩ thuở sinh thời, luật sư nhà văn Trần Thanh Hiệp và một bạn trong nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước ở hải ngoại.

Xen kẽ những bài thuyết trình và tham luận trong buổi hội thảo là tiếng hát của Ban Tù Ca Xuân Điềm với những bài nhạc phổ từ thơ của cố thi sĩ. Ngoài nhiệm vụ chia sẻ vai trò MC với giáo sư Đỗ Anh Tài, dịp này nhà giáo Nguyễn Đình Cương cũng diễn đọc hai bài thơ Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do và Trái Tim Hồng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

 Phát hành sách:

Lồng trong khuôn khổ buổi hội thảo là phần phát hành tác phẩm Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng cuả nhà văn Trần Phong Vũ do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản vào tuần lễ tưởng niệm nhân giỗ đầu tác giả Hoa Địa Ngục. Trong dịp này, ông Trần Phong Vũ đã được mời lên diễn đàn để nói qua về nội dung và căn nguyên thúc đẩy ông bỏ công thực hiện tác phẩm này trong vòng 9 tháng, thới gian kỷ lục cho một tập sách về một con người vĩ đại như cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện.

 (Độc giả muốn biết thêm về tác phẩm Nguyễn Chí Thiện,"Trái Tim Hồng", có thể liên lạc trực tiếp với tác giả Trần Phong Vũ qua điện thoại (949) 485 – 6078 hoặc Email: tphongvu@yahoo.com)


 






DUYÊN KỲ NGỘ
NƠI MIỀN NGÔN NGỮ CỦA GOETHE

Diễn giả Bùi Hạnh Nghi

Kính thưa Ban Tổ chức
Kính thưa các bác, các anh chị

Lời đầu tiên tôi xin kính chào toàn thể quí vị nơi đây và quí khán giả đang xem chương trình này trên các đài truyền hình. Xin cám ơn Ban Tổ chức đã có nhã ý mời tôi tham dự Lễ Giỗ Đầu của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (NCT) và tạo cơ hội cho tôi chia sẻ cùng quí vị cơ duyên nào, duyên cớ nào đã thúc đẩy tôi dịch thơ NCT ra Đức ngữ để giới thiệu với quần chúng Đức và vợ chồng tôi đã có liên hệ nào, kỷ niệm nào với nhà thơ.

Tôi đã yêu thơ NCT khi còn chưa biết ông là tác giả của những bài thơ tôi yêu thích. Năm 1987 tôi tình cờ thấy tại nhà một người bạn ”Bản Chúc Thư của một người Việt Nam“ do Vivo tái bản và phát hành tại Hoa Kỳ năm 1981. Điều làm tôi ngạc nhiên là trên trang bìa không đề tên tác giả.  Nhưng vốn yêu thơ và bị kích thích bởi tiêu đề hơi lạ ”Bản Chúc Thư của một người Việt Nam“ nên tôi mượn bạn mang về nhà đọc ngay.

Mở đầu tác phẩm là bài trường thi ”Đồng lầy“. Tôi đã đọc một hơi hết bài thơ dài gần 500 câu này và tôi đã bị chấn động mãnh liệt bởi nội dung bi hùng và phẩm chất thi ca. Và tôi đã hứng thú đọc hết tác phẩm. Dầu chưa biết tác giả là ai, tôi vẫn hân hoan vì một sự tình cờ đã dun dủi tôi tự khám phá cho mình một thiên tài vừa là anh hùng chống cộng và là thi nhân tuyệt vời.

Anh hùng chống cộng

Điều đầu tiên gây hứng thú cho tôi là nội dung chống cộng của tập thơ. Càng đọc tôi càng có cảm tưởng đã may mắn gặp một chứng nhân vẽ lên được một cách tường tận, đầy đủ hơn ai hết bức tranh toàn cảnh về tính chất bạo tàn của chế độ mà chính tôi đã chứng kiến và trải nghiệm phần nào trong thời niên thiếu lúc còn sống ở quê tôi Hà Tĩnh là nơi chính quyền cộng sản thống trị từ năm 1945.

Tôi đã từng là nạn nhân của sự khủng bố tinh thần, bị ép buộc phải học thuộc lòng để lặp lại như vẹt những luận điệu tuyên truyền, đã sống những tháng ngày nghẹt thở đắm chìm trong sợ hãi âu lo, đã khiếp hãi trước uy quyền của Đảng và của các đảng viên càng ngu dốt càng hống hách luôn sẵn sàng ghép những ai có chút đầu óc vào thành phần phản động. Tôi đã đau lòng trước cảnh bà con bạn bè rình rập theo dõi tố cáo lẫn nhau. Và tôi sẽ không bao giờ quên những màn đấu tố cải cách ruộng đất rung rợn, những phiên tòa xét xử địa chủ mà con sen, thằng ở là chánh án, con cái là nhân chứng tố cáo cha mẹ và bản án tử hình đã được định sẵn, huyệt đã được đào sẵn bên cạnh đấu trường trước khi bắt đầu phiên xử.

Cuộc sống thường nhật trong lao tù đã được NCT ghi lại bằng những hoạt cảnh vừa linh động vừa thương tâm, nói lên sự thật đau lòng là chế độ lao tù tàn bạo bất nhân không những đày ải con người vào kiếp ngựa trâu mà còn làm con người mất hết cả nhân tính. Làm què quặt tâm hồn độc hại gấp trăm lần hành hạ thể xác. 

Ngoài những nhà tù chính hiệu, NCT còn phác họa cái nhà tù khổng lồ bao trùm trọn miền Bắc Việt Nam (và như ta biết sau 1975 miền Nam cũng đã trở thành nhà tù bao la rập theo khuôn mẫu miền Bắc). Như người thợ nhiếp ảnh tài tình, NCT đã thu trọn vào ống kính bức tranh ảm đạm của một xã hội nghẹt thở đắm chìm trong thấp thỏm lo sợ. Chính sách bỏ tù cả dân tộc đã được áp dụng một cách triệt để trong hai lãnh vực : Tận diệt quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và dùng miếng ăn để nô lệ hóa. Mục tiêu của chính quyền Cộng sản vừa nhằm vô hiệu hóa đối lập, tiêu diệt mọi mầm mống chống đối từ lúc chưa phôi thai, vừa để bưng bít tội ác trước dư luận, khoác lên nền chuyên chế một lớp áo tuyên truyền lừa bịp, đeo cho hỏa ngục chiếc mặt nạ khả ái của thiên đường.








Thi nhân tuyệt vời

Nội dung chống cộng của NCT mà tôi tâm đắc mới chỉ là một khía cạnh. Điều làm tôi thích thú hơn và thán phục tột đỉnh là phẩm chất thi ca và tính chất độc đáo của hình thức diễn đạt mà tôi không, tôi chưa tìm thấy trên văn thơ đấu tranh của một tác giả nào khác (xin qúi vị thứ lỗi cho lời khẳng định rất chủ quan này). 

Thật vậy, đặc sắc của NCT không chỉ nằm trong đia hạt tố giác tội ác của cộng sản. NCT còn làm cho tôi bái phục hơn vì tài nghệ siêu cường trong địa hạt thi ca. Với tài nghệ đó ông đã cống hiến cho ta một tác phẩm mà văn học sử nước nhà sẽ mãi mãi lưu danh. Và trên trận tuyến chống bạo quyền, thi phẩm tuyệt vời của ông đã trở thành một hệ thống vũ khí vô cùng sắc bén. Thơ NCT không phải là một tác phẩm đấu tranh có tác dụng nhất thời mà mãi mãi sẽ là tiếng nói của con người muôn thuở.

Hủy diệt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, là đặc điểm của tất cả mọi thứ độc tài kim cổ và xưa nay đã có vô số người tố cáo. Nhưng bút pháp thần tình của NCT làm cho độc giả có cảm giác như sờ mó được cái độc hại, cái nguy hiểm của quái vật độc tài mà nanh vuốt là thủ đoạn "bỏ tù tiếng nói" và dùng miếng ăn như một thứ xích xiềng để nô lệ hóa.

Thoát thai từ một thực tế phũ phàng cay đắng, toàn bộ thơ NCT đã lấy thực tế đó làm đề tài duy nhất, nhưng lời diễn tả thì thiên hình vạn trạng nhờ vào bút pháp phong phú linh động, chuyển biến theo từng cảnh ngộ trong cuộc sống và theo từng nhịp đập của con tim. Thơ NCT khi tả người và sự việc thì vẽ nên những bức tranh đậm nét chấn động não cân người đọc, khi than van thì khơi dậy niềm thương cảm xót xa vô hạn, khi buộc tội lên án thì tạo được niềm căm phẫn sục sôi, khi cổ võ kêu gọi thì lời văn hùng hồn có một sức thu hút mãnh liệt. Toàn bộ tập thơ tạo thành một bản đại hòa tấu bi hùng tràn đầy máu lệ mà cũng hừng hực chí khí quật cường.

NCT đã có công tạo những danh từ, những hình ảnh đễ phơi bày bằng nét bút sắc và đậm bộ mặt đa dạng của bạo lực. Ngôn ngữ của NCT đã có tác dụng của những quang tuyến diệu kỳ, của những "chiếu yêu kính" khiến cho hồ ly phải hiện nguyên hình và những ngụy trang lừa bịp không còn hiệu nghiệm. NCT vừa tố cáo tội ác trước công luận một cách hùng hồn vừa làm phong phú kho tàng ngôn ngữ chúng ta.

Lối diễn tả thần diệu của ông khi nói về tội trạng của chế độ, khi vẽ lên cảnh tù đày, đói khổ, bệnh hoạn hoặc niềm khao khát vô vọng của những kẻ "không còn gan nghĩ tới tương lai" đã là một minh chứng cho câu nói bất hủ của thi hào Musset: "Lời ca tuyệt vọng nhất cũng là lời ca tuyệt vời nhất" (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux ).

Đáp ứng lời kêu gọi của NCT

Tinh thần chống cộng và tuyệt bút thi ca của NCT là hai điều làm tôi say mê nhưng vẫn chưa phải là động cơ chính thôi thúc tôi dịch thơ NCT để giới thiệu với quần chúng Đức. Động cơ chính là tôi muốn đáp ứng một lời kêu gọi, một thông điệp mà NCT đã gửi đến tất cả những người được may mắn đọc ông, đó là: phổ biển thơ ông thật rộng rãi để thế giới bên ngoài biết thêm sự thật về Cộng Sản Việt Nam. Khi trao tác phẩm  của ông cho nhà ngoại giao Anh quốc tại Hà Nội, NCT đã kèm thêm bức thư ngắn trong đó có câu:

Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, chúng tôi – những nạn nhân – có nhiệm vụ phơi bày cho thế giới thấy những khổ nhục không ai tưởng tượng nổi của dân tộc“. Đọc lời tâm huyết này tôi đã nghe vang lên trong tâm tư lời mời gọi nhận lãnh sứ mạng thay ông gánh vác phần nào  nhiệm vụ phơi bày cho thế giới thấy những khổ nhục không ai tưởng tượng nổi của dân tộc. Rồi khi đọc đến câu cũng trong thư ấy: Cuộc đời tàn tạ của tôi chỉ còn lại một niềm ước mơ duy nhất là được thấy thật nhiều người nhận thức rằng Cộng Sản là hiểm họa của nhân loại“ tôi lại muốn góp phần giúp NCT đạt được phần nào ước mơ duy nhất“ đó. 

Qua mấy chục năm giam hãm tù đày, khi mọi liên lạc với bên ngoài hoàn toàn bị gián đoạn, NCT vẫn hằng ấp ủ trong lòng hoài bão nối được nhịp cầu với đồng hương bên kia song sắt nhà tù và với tất cả những người yêu chuộng tự do khắp năm châu bốn bể, để những sự thật ông phơi bày, những tâm sự ông thố lộ và những lời kêu than thống thiết mà ông phải "dùng tuổi thọ" để viết ra vượt mọi ngăn cách không gian, vượt mọi hàng rào ngôn ngữ đến với độc giả càng nhiều càng tốt. NCT chỉ mong thơ ông được "tự do như gió/ bay khắp địa cầu kêu cứu nhân gian/ trừ Cộng Sản".

Phổ biến thơ NCT là một nhiệm vụ thiêng liêng và dịch thơ NCT là để khiêm tốn góp phần vào việc thực hiện hoài bão soi sáng dư luận quốc tế mà ông hằng ôm ấp. Việc này càng trở nên cần thiết đối với tôi vì thời gian sau khi  thơ NCT phổ biến tại hải ngoại tôi đọc được môt số hồi ký của nhiều nạn nhân của chế độ sau khi rời khỏi nước đã tố cáo chính sách bạo tàn của chế độ khiến tôi lại càng bị thôi thúc phổ biến “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ vì thơ NCT chứa đựng một bức tranh toàn cảnh, một bản cáo trạng hùng hồn đanh thép nhất và một hệ thống vũ khí ngôn ngữ sắc bén nhất từ trước đến nay về thảm họa cộng sản Việt Nam. 

Dịch đã tốn nhiều thời gian và công sức, xuất bản lại càng khó khăn hơn. Có thể tự xuất bản và tự phát hành nhưng sách sẽ không được phổ biến rộng rãi, nghĩa là chỉ đến tay một số rất ít độc giả. Vì thế chúng tôi quyết định phải tìm cho được một nhà xuất bản Đức để có một hệ thống phát hành đi sâu vào thị trường sách tại Đức. Nhưng hỏi đến chỗ nào cũng chỉ nhận được trả lời: việc chọn tác phẩm để xuất bản thường không căn cứ vào tác phẩm hay hoặc dở mà chỉ căn cứ vào tên tuổi của các tác giả.

Còn NCT là một tác giả ngoại quốc chưa ai biết đến tại Đức, xuất bản tác phẩm của ông dầu hay đến mấy cũng là một bấp bênh, một rủi ro thương mại . Sau một thời gian vất vả tìm kiếm tôi đã tìm được nhà xuất bản R. G. Fischer nhận xuất bản với điều kiện tôi phải trả 9.000 DM lệ phí. Một số tiền khá lớn đối với chúng tôi lúc đó, lại còn thêm điều lệ rất khắt khe về tiền trả cho dịch giả từ số sách bán được. Nhưng chúng tôi vẫn bấm bụng chấp nhận. Kết quả là sách đã được phổ biến rộng rãi và đã được báo chí và truyền thông chú ý.

Sự đón nhận dịch phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“
                    tại Đức và Áo

Bây giờ tôi xin được phép kể lại cùng quí vị sự đón nhận dịch phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức và tại Áo vì Áo cũng là vùng nói tiếng Đức. Xuất bản song ngữ lần đầu mùa hè 1989 500 cuốn, 100 cuốn dành tặng truyền thông báo chí và giới thiệu với các tiệm sách. Một số độc giả người Đức trực tiếp mua, một số đồng hương mua để tặng bàn bè Đức. Sau hai năm rưỡi sách bán hết và tái bản năm 1992. 

Sau ngày xuất hiện trên thị trường, sách được một số báo chí đưa vào mục điểm sách. Thỉnh thoảng vài bài thơ được chọn đăng vào một số tuyển tập thi ca Đức ngữ, gần đây nhất là năm 2011, nghĩa là hơn hai mươi năm sau ngày xuất bản.

Một trong các bài điểm sách đáng kể là bài bình luận của nhà văn Hans Christoph Buch ở Berlin, đăng ngày 1 tháng 9 trên tuần báo Die Zeit (Được biết cựu thủ tướng Đức Helmuth Schmitt từng là đồng chủ nhiệm của tuần báo này). Hans Christoph Buch đã giới thiệu tường tận tiểu sử NCT với mấy chục năm tù đày và quả quyết rằng cuộc đời đầy đau thương của NCT là biều tượng cho con đường khổ nhục mà dân tộc ông đang phải trải  qua.

Hans Christoph Buch  chọn đăng ba bài thơ của NCT trong bài bình luận của ông, đặc biệt là bài “Con tầu rêu“ mà ông cho là có âm hưởng bài thơ tuyệt tác “Le Bateau Ivre“ của Rimbaud và gợi lại cảnh nổi trôi trên biển cả của các thuyền nhân Việt Nam. Kết thúc bài bình luận ông viết: “Các sinh viên Trung quốc đã đặt tượng đài Tự Do tại quảng trường Thiên An Môn. Tượng đài ấy không thể bị nghiền nát bởi xe tăng và sẽ không mãi mãi bị cùm kẹp trong chốn lao tù. Thi ca NCT là bằng chứng sống cho chân lý đó”.

Để chúng ta đánh giá đúng mức lời nhận định này nên biết rằng Hans Christoph Buch thuộc thế hệ 1968 tại Đức đã nhiều lần hăm hở xuống đường hò hét chống Mỹ và không ngớt gào thét điệp khúc “Ho Ho Ho Tchi Minh, Ho Ho Ho Tchi Minh” . Một nhà văn có quá khứ lầm lạc như vậy mà nay viết lên được nhận định sáng suốt kia chứng tỏ mình đã tỉnh ngộ và xoay chuyển lập trường chính trị 180 độ.


Một nhà văn khác đã viết bài bình luận rất đặc sác về thơ NCT, đó là Erich Wolfgang Skwara, người gốc Áo và hiện đang là giáo sư văn chương Đức tại đại học San Diego. Tôi gặp văn sĩ Skwara trong kỳ Đại Hội Văn Bút Quốc Tế  năm 1990 tại Madeira, Bồ Đào Nha. Hình như ông đã đọc đâu đó một vài bài điểm sách “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ nên trong khi trò chuyện ông đã hỏi tôi cặn kẽ về dịch phẩm.

Và tôi đã tặng ông một cuốn theo phép xã giao giữa bạn văn với nhau. Phản ứng của ông ngoài sức tưởng tượng. Ống đã viết một bài dài ca ngợi thi ca NCT mà ông gọi là “đại thi hào“ và đồng ý cho tôi in bài này vào dịch phẩm lúc tái bản. Đúng ra phải đọc hết bài của Skwara để quí vị thưởng thức nhưng thời giờ eo hẹp tôi chỉ xin trích dẫn vài câu tiêu biểu. Skwara viết: 

… Tôi đã đến Madeira để gặp nhà thơ NCT, một đại thi hào Việt Nam… Gặp, có nghĩa là tôi đã được biết ông qua một trong những sứ giả của ông, ông Bùi Hạnh Nghi, người đã dịch thơ ông ra Đức ngữ. Bùi Hạnh Nghi đã đến Madeira và đã tặng tôi tập thơ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ sắp được tái bản.

… Sau khi đón nhận tập thơ tôi đã ở miết trong phòng đọc một hơi từ đầu chí cuối …Và càng đọc tôi càng nhận rõ rằng tôi đã được biết thêm một nhà thơ mà tôi đặt ngang hàng với các thần tượng thi ca của tôi như Rimbaud và Trakl, như Benn và Hoelderlin, nghĩa là với những nhà thơ tuyệt vời nhất của chúng ta, của tôi, của mọi người. 

… Lâu nay, mỗi lần nói đến Việt Nam là chúng ta liên tưởng ngay đến Mỹ hoặc Pháp. Từ nay hai chữ  Việt Nam chỉ còn nhắc tôi nhớ đến một nền văn chương sán lạn và nhớ đến nhà thơ NCT. Không gì tốt đẹp bằng được dịp tìm hiểu một dân tộc qua một thi hào của dân tộc này. Chuyến đi Madeira của tôi đã trở thành một chuyến du lịch Việt Nam.

 Từ ngày “gặp“ NCT tôi đã nhiều lần giở tập thơ ra đọc lại. Những dòng thơ đầy tình thương trong thơ NCT đã mang lại cho tôi nhiều thú vị. Tình thương trong thơ NCT đã chọc thủng tường thành tù ngục và đã vượt mọi chướng ngại của đồng lầy để đến với chúng ta ở Đức, ở Cali, ở Madeira hay bất cứ nơi nào khác.

… Sau khi đọc NCT, tất nhiên người ta sẽ lên án chủ nghĩa cộng sản và chính sách ngu xuẩn bạo ngược của chúng một cách gắt gao hơn … Chúng là biểu tượng cho những sự trật đường rầy của lịch sử và trí tuệ. Nhưng những lầm lạc ấy làm sao thắng được một đại thi hào, bất quá chúng chỉ có thể bắt nhà thơ chịu giam cầm đầy đọa mà thôi.

Văn Bút Đức và NCT

Trong một kỳ Đại hội Văn Bút Quốc Tế tôi đã tặng nhà văn Heidenreich lúc đó là chủ tịch Văn Bút Đức dịch phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“. Ngay ngày hôm sau ông tìm gặp tôi để cho biết cảm tưởng tốt đẹp về cuốn sách và bày tỏ tình liên đới với người đồng nghiệp NCT bị đày đọa, đồng thời ông mời tôi gia nhập Văn Bút Đức. Từ đó ông luôn hỏi thăm tin tức NCT và tìm hiểu thêm về sự nghiệp vẻ vang của nhà thơ (nhất là các giải thưởng quốc tế) cho đến một ngày ông cho biết Văn Bút Đức muốn nhận NCT làm hội viện danh dự và nhờ tôi thông báo cho nhà thơ.

Thông thường Trung Tâm Văn Bút của các nước không tự động nhận hội viên danh dự mà phải do sự giới thiệu và yêu cầu của hội viên. Trường  hợp NCT là một luật trừ vinh dự. Sau ngày NCT ra khỏi tù và xuất ngoại Văn Bút Đức đã nhờ tôi chuyển lời mời ông đến tham dự đại hội thường niên tại Heidelberg. Bên cạnh những cuộc tiếp xúc và phỏng vấn riêng, Văn Bút Đức đã tổ chức hai buổi sinh hoạt đặc biệt để đón tiếp xứng đáng hội viên danh dự của mình ngày càng được nổi danh tại Đức và trên trường quốc tế: Một là buổi phát biểu của NCT trước khoáng đại hội nghị với sự hiện diện của mấy trăm văn sĩ Đức và của truyền thông và hai là buổi đọc thơ vào buổi tối bên lề các cuộc hội chính thức.

Thường chỉ đọc thơ văn tiếng Đức trong giờ sinh hoạt này nhưng hôm ấy ban tổ chức đã ưu ái mời NCT đọc thơ mình bằng tiếng Việt và tôi đọc lên bản dịch tiếng Đức khiến khán thính giả vừa người Đức vừa người Việt rất hoan nghênh. Ngay sau kỳ đại hội này NCT đã được đài phát thanh Cologne phỏng vấn và phát thanh bài phỏng vấn này.


Vài sự việc đáng nhớ

Còn nhiều điều đáng kể về sự đón nhận thơ NCT tại Đức và Áo, nhưng thời giờ không cho phép nên tôi chỉ xin tóm tắt mấy sự việc sau đây:

* Hàng năm Bộ Giáo dục tiểu bang Bayern (Bavaria) xuất bản một thư mục “Sách hay cho học đường“ gồm các sách xuất bản trong năm qua mà Hội Đồng Tuyển Chọn của Bộ (gồm 30 giáo sư) cho là đáng đưa vào thư viện các trường trung học tại Bayern. Năm 1990 “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ được đưa vào thư mục với lời giới thiệu:  Tác giả NCT sinh năm 1939. Ông bị chính quyền Cộng Sản Bắc Việt bỏ tù năm 25 tuổi và cho đến nay cuộc đời tù tội đã kéo dài trên 25 năm. Những bài thơ ông sáng tác trong tù được ông lưu giữ trong ký ức và đã được viết ra những thời gian ngắn ông được tạm tha. 

* Năm 1995 một nhạc sĩ người Áo, ông Günter Mattisch, đã làm 1 Album gồm 2 CD, 1 trong hai CD này dành riêng cho 14 bài thơ Đức ngữ của NCT do chính ông phổ nhạc và đã cho lưu hành trên thị trường âm nhạc Áo. Trên bìa của CD này có ghi đầy đủ tiêu đề của cả 14 bài thơ. Khi ông xin phép phổ nhạc thơ NCT tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng đồng ý ngay. Sau khi phát hành ông có gửi tặng tôi 1 Album và từ đó đến nay tôi không còn nhận được tin tức gì của ông nên cũng không biết quần chúng âm nhạc Áo đã đón nhận CD này ra sao. 

* Hằng năm Hiệp Hội các nhà Xuất Bản Đức và Văn Bút Đức tổ chức “Ngày Văn Nghệ Sĩ bị cầm tù“ tại Frankfurt với sự yểm trợ của Bộ Giáo Dục Tiểu Bang Hessen. Trọng tâm của ngày này là buổi sinh hoạt dành cho  một số nhà văn đã từng bị khủng bố hoặc tù đày được mời tới giới thiệu và trình đọc tác phẩm của mình. Có lần tôi cũng đã được mời tới nói chuyện về NCT và trình đọc thơ ông. Đài truyền hình của tiểu bang Hessen đã làm một thiên phóng sự về buổi đọc thơ này và đã phát hình ngay hôm đó.
* Tại Đại Hội Văn Bút Quốc tế năm 1991 ở Vienna, trong một buổi hội thảo thơ văn mệnh danh là “Hội ngộ, trình đọc và ứng khẩu“, một số văn thi sĩ, trong đó có Joseph Brodsky, người Hoa Kỳ gốc Nga giải Nobel Văn chương 1987, được mời tới trình bày tác phẩm hay dịch phẩm của mình. Hân hạnh cho NCT là tôi cũng được mời tới nói chuyện về con người và thi ca của ông trong buổi sinh hoạt văn chương quốc tế vẻ vang này. 

* Nhìn chung tôi rất mãn nguyện vì sự đón nhận “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức và Áo đã vượt quá sự chờ đợi của vợ chồng tôi. Cả hai điều chúng tôi ước mong đã được thực hiện là cho thế giới bên ngoài biết thêm về cộng sản Việt Nam và biết đánh giá đúng mức phẩm chất thi ca của nhà thơ mà Giáo sư Skwara trên đây đã xưng tụng là đại thi hào quốc tế .

Kỷ niệm với NCT

Bây giờ xin trình bày đôi điều về kỷ niệm của vợ chồng tôi với NCT.  
* Khi xuất bản và tái bản “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức nhà thơ còn ở trong tù nên chúng tôi không thể liên lạc được với ông. Phải chờ đến khi khi NCT ra khỏi tù, tôi mới có dịp gặp gỡ ông trên thư từ qua một người cháu gái của ông tên Phương ở Berlin. Cháu Phương trước đây qua lao động ở Đông Đức, sau ngày nước Đức thống nhất cháu và chồng con xin tị nạn để khỏi về Việt Nam nhưng không được chấp thuận.

Theo lời khuyên của cậu Thiện cháu Phương gửi thư xin Văn Bút Quốc Tế can thiệp dùm (Sau này mấy lần găp NCT tôi đã quên hỏi nhờ đâu mà ở trong nước ông đã biết được Văn Bút Quốc Tế để khuyên cháu liên lạc).  Văn Bút Quốc Tế chuyển sự việc cho Văn Bút Đức vì biết NCT là hội viên danh dự của Văn Bút Đức và cháu Phương sinh sống tại Berlin.

Văn Bút Đức một mặt can thiệp với cơ quan có thẩm quyền tại Berlin để xin cho cháu Phương được tị nạn, một mặt nhờ vợ chồng tôi làm trung gian liên lạc với  cháu và qua cháu với NCT . Vậy là nhờ cháu Phương mà chúng tôi đã có một đường giây an toàn để gửi thư và tiền về biếu NCT. Không thể tả hết nỗi xúc động của tôi lúc nhận lá thư hồi âm đầu tiên của nhà thơ. Thư viết tay với nét chữ y hệt như chữ trong lá thư gửi nhà ngoại giao Anh quốc. Cũng qua đường giây của cháu Phương tôi gửi về NCT dịch phẩm song ngữ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ vừa tái  bản. Trong thư cám ơn NCT cho biết ông rất xúc động về bài giới thiệu của tôi và nhất là về bài bình luận của nhà văn Skwara.

Ông viết: “Tôi thật không ngờ một người sống ở hải ngoại lâu năm như anh mà còn biết tường tận về cộng sản trong nước như vậy. Còn ông Skwara thì đã hiểu tôi hơn cả chính tôi.“ NCT còn xin chúng tôi gửi cho ông một cuốn văn học sử Đức bằng tiếng Pháp (Sau này qua mấy lần tiếp xúc tôi mới biết NCT rất giỏi tiêng Pháp và biết rành rọt về văn chương Pháp). Khi gặp nhau ở bên này ông kể đã chôn dấu cuốn sách ấy dưới nền nhà của bà chị ở Hà Nội, trước khi lên đường ra hải ngoại vì không mang theo được.

* Một thời gian sau khi qua Mỹ, NCT đến Frankfurt và được đồng hương tiếp đón vô cùng nồng hậu và ngưỡng mộ như một chính khách triển vọng. Vợ chồng tôi tổ chức liên hoan mừng NCT tại nhà, khách mời độ năm chục người vừa Đức vừa Việt, đặc biệt là ông Said Chủ tịch Văn Bút Đức và bà Setzer Chánh văn phòng thường trực cũng của Văn Bút Đức.

* Buổi liên hoan tại nhà được bắt đầu bằng giờ đọc thơ và thảo luận. Khách Việt hân hoan nghe chính tác giả NCT đọc thơ của mình và khách Đức thích thú lắng nghe dịch giả đọc bản Đức ngữ.

* Trong số khách mời còn có bà đại diện của nhà xuất bản R. G. Fischer. Có lẽ bà muốn nhân cơ hội này quảng cáo cho hãng mình với những tác giả/dịch giả chưa tìm được nhà xuất bản nên đã trình bày chi tiết về thể lệ xuất bản và phát hành sách, về số tiền phải đóng cũng như tiền chia cho tác giả 20 % từ mỗi cuốn sách bán được (bà lấy ngay ví dụ trường hợp sách Tiếng Vọng Từ Đáy Vực: đóng 9.000 Đức mã (DM), sách giá 29,80 DM, 20 % là 5,96 DM; chỉ cần làm một bài tính đơn giản cũng biết bán hết cả 400 cuốn sách tôi cũng chưa thu lại được một phần ba số tiền đã bỏ ra).

* Lúc mới ra hải ngoại NCT nhận lời của bất cứ ai tại Đức muốn mời ông nói chuyện với đồng hương hoặc tổ chức cho ông những buổi du thuyết. Vì chưa nắm vững tình hình nhân sự nên ông thiếu dè dặt và đã bị một số người lợi dụng muốn chiếm đoạt ông để làm bình phong quảng cáo cho cá nhân và phe nhóm của mình. Tôi đã lưu ý NCT nhưng ông không mấy lưu tâm mà còn sẵn sàng để bất cứ ai lợi dụng vì xem đó là dịp để ông cống hiến cho đại cuộc.

* Tôi đặt nhiều kỳ vọng ở NCT không chỉ trong lãnh vực thi ca mà cả trong môi trường chính trị. Là vì tôi nghĩ với uy tín càng ngày càng tăng trưởng ông có thể thực hiện được vấn đề kêu gọi đoàn kết các phe nhóm quốc gia đang cực kỳ chia rẽ nhằm tạo thành một khối người Việt lớn mạnh ở hải ngoại khiến quốc tể nể nang (như Do Thái) và có sức yểm trợ đắc lực việc đấu tranh của đồng bào trong nước. Khi tôi bàn với NCT về hoài bão này ông tâm  sự với tôi là từng nghĩ tới chuyện đó và một đôi lần đã làm thử nhưng đã thất vọng và ông nói trong tiếng thở dài: “Cả đến Chúa Phật tái thế cũng không thể làm cho các ông ấy chịu ngồi lại với nhau đâu anh ạ.“

* Ai đã từng quen thân với NCT đều phải công nhận rằng ông rất quí tình bạn và khi bạn bè cần đến ông thì việc vất vả đến mấy ông cũng chẳng từ nan. Chỉ xin đan cử một ví dụ: Lần chúng tôi đến Cali giới thiệu cuốn tiểu thuyết Ngược Giòng Thời Gian của nhà tôi, ông đã vui vẻ đảm nhận vai trò chủ chốt trong việc giới thiệu sách. Sau đó, mặc dầu sức đã yếu, ông đã cùng anh Trần Phong vũ đi xe Bus từ Quận Cam lên San Jose để giới thiệu sách trên đó.

Thay lời kết
Nhìn lại sự xuất hiện và sự đón nhận thơ NCT tại Đức và Áo, tôi thấy đó là một cuộc gặp gỡ, một cuộc trao đổi lạ kỳ. Quả là mối duyên kỳ ngộ của NCT nơi miền ngôn ngữ của Goethe, đệ nhất văn hào Đức quốc.

            










Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

và thời đại của chúng ta

Tiến sĩ Trần Huy Bích


            Xin thành thật cám ơn Quý Bác, Quý Anh Chị trong Ban Tổ chức đã có nhã ý cho tôi góp ít lời về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong buổi tưởng niệm nhân kỳ giỗ đầu của ông. Tôi cũng rất vinh dự --và may mắn -- được tới đây cùng Ts. Bùi Hạnh Nghi vả Gs. Nguyễn Ngọc Bích, hai vị có thẩm quyền thật cao để nói cho chúng ta nghe về thơ NC Thiện. Gs. NN Bích đã “đồng hành” với nhà thơ NCT trên 30 năm, bỏ ra bao nhiêu tâm huyết và thời gian để dịch thơ NCT sang tiếng Anh, và đã giới thiệu thơ NCT trên tạp chí Asiaweek từ năm 1982.

Từ đó ông dịch thêm rất nhiều: gần trọn tập Hoa Địa Ngục I và gần 100 bài trong Hoa Địa Ngục II. Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của ông đã xuất bản thơ cùng tập truyện Hỏa Lò của NCT nữa. Trong khi ấy, Ts. Bùi Hạnh Nghi say mê đọc thơ NCT từ năm 1987 (cũng đã 26 năm, trên ¼ thế kỷ), dốc tâm huyết dịch thơ NCT sang tiếng Đức, tích cực trong việc phổ biến thơ NCT trên đất Đức và đất Áo (cũng dùng tiếng Đức), khiến thơ NCT được đưa vào chương trình “Đọc sách hay” tại nhiều trường Trung học bên Đức.

Ông đã hi sinh rất nhiều (kể cả về phương diện tài chánh) để thơ NCT được thế giới biết tới. Muốn dịch thơ, nhất là dịch với niềm chân thành và say mê, để  đem tâm tình và tư tưởng NCT tới với độc giả quốc tế, hai vị đã đọc thơ NCT rất kỹ. Ta có thể nói: trừ tác giả, nhà thơ đã khuất bóng, ít ai đủ “thẩm quyền” để có thể nói về thơ NCT, có thể phân tích thơ NCT thấu đáo được như hai ông.

            Hôm nay, vì chúng ta đã có bài tham luận của hai vị nên công việc của tôi nhẹ hơn. Xin được trình bày một khía cạnh khác: “cốt cách” của NCT, cùng tìm nguyên nhân “tại sao NCT đã sáng tác.” Tôi cũng xin điểm qua lý do sáng tác của một số thi nhân tiền bối trong văn học VN, và đối chiếu hoàn cảnh các vị ấy với hoàn cảnh nhà thơ NCT. Tôi cũng xin nêu một câu hỏi: Đa số chúng ta coi NCT là “một nhà thơ tranh đấu,” một “chiến sĩ.” Nhưng thực ra, bản tâm NCT có muốn là “một nhà tranh đấu,” có muốn sinh ra để thành một “chiến sĩ” hay không?

            Kính thưa toàn thể Quý vị,

            Tôi hoàn toàn tán đồng với nhà văn Trần Phong Vũ khi ông dành ra nguyên một chương (Chương 2) trong tập sách vừa được Tiếng Quê Hương xuất bản, Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng, để nói về tinh thần nhân ái, bao dung của nhà thơ NCT. Qua nhận xét của cá nhân tôi cũng như của nhiều thân nhân, thân hữu của tôi (có người bị giam chung với nhà thơ NCT trong nhiều năm, có người biết ông từ thuở còn là học sinh Trung học trước 1954 ở Hà Nội), đối với nhà thơ NCT, nhận thức của tôi không khác nhận thức của nhà văn TPV.

            Trước hết, xin được đọc một nhận xét sơ bộ của nhà văn TPV:

            1 (TPV, trang 57)

            Tôi có hoàn cảnh tiếp xúc với nhà thơ NCT khá nhiều trong 12 năm cuối của đời ông, nhất là từ khi ông tin cậy, giao cho tôi việc đọc và giới thiệu tập truyện Hỏa Lò của ông năm 2001 (cùng với nhà văn TPV). Sau đó, mỗi lần tới thăm ông, tôi thường đi với nhà tôi, cháu gọi cụ Vũ Thế Hùng, bạn đồng tù của ông trong nhiều năm, bằng cậu ruột. Biết nhà tôi là cháu của cụ Hùng, ông tỏ ra thân, và “cởi mở” với chúng tôi hơn.

Sau khi cụ Hùng qua đời, mỗi lần thân nhân ở Hoa Kỳ làm giỗ, tôi thường được giao nhiệm vụ gọi điện thoại mời ông tới dự lễ giỗ, nhiệm vụ lái xe tới đón, và sau đó đưa ông về. Mỗi lần ngồi với nhau như thế, chúng tôi có dịp chuyện trò, trao đổi riêng, và tôi hiểu ông hơn. Chúng tôi thân nhau thêm vì mỗi khi các con của cụ Hùng (tức những người em họ rất gần của nhà tôi) tới Nam California, có người là Linh mục từ VN qua, có người là một nhà thơ từ Bắc California xuống, bao giờ cũng yêu cầu tôi chở đến thăm ông. Chúng tôi cùng đi ăn trưa với nhau, rồi về nhà tôi ngồi nói chuyện cho tự do, thoải mái.

Giao thiệp giữa ông với nhà tôi và tôi mang tính cách “gia đình” như thế. Sau khi nhà tôi qua đời, tôi về hưu, về sống ở Orange County, không xa chỗ ông, chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên hơn. Một người bạn cùng dạy với tôi ở Văn Hóa Vụ trường VBQGĐL lại là bạn thân từ những ngày cùng đi học với ông ở trường Dũng Lạc, Hà Nội trước 1954. Vì những lẽ ấy, nhất là qua những điều được nghe từ ông cậu và các em con ông cậu của nhà tôi nói về ông, tôi thiết nghĩ có hoàn cảnh “hiểu” ông hơn là chỉ qua những phát hiện bên ngoài.

            Nhận xét đầu tiên của tôi (và của cả gia đình), là nhà thơ NCT rất hiền hòa, và luôn luôn quan tâm đến người khác, luôn luôn nghĩ đến người khác. Tôi không ngạc nhiên khi được nhà văn TPV cho biết là Lm NV Lý đã nói về NCT như sau:  “Trong những lần được thân nhân hay giáo dân tiếp tế, thăm nuôi, tôi thường đem ra chia cho anh em bạn tù … Khi chia tới NCT, rất ít khi anh nhận. Anh thường từ tốn tìm cách thoái thác, hoặc chỉ nhận một phần nhỏ. Anh nói: ‘Con ăn ít lắm. Xin cha giữ lại, chia cho những anh em cần hơn’. ” (trg. 81).

            Trong cuốn NCT : TTH, nhà văn TPV cho biết ông từng chứng kiến cảnh nhà thơ NCT móc ví vét đồng bạc cuối cùng nhờ chuyển về VN, tiếp tế cho thân nhân những nhà tranh đấu cho dân chủ đang bị tù tội, khi qua người này, khi qua người khác. Nhà văn TPV cũng nhắc một trường hợp cụ thể: khi một blogger tranh đấu cho dân chủ tới được Orange County tháng 6-2011, nhà thơ NCT đã tặng blogger ấy 200 MK, và gửi 500 MK nhờ anh đem về biếu 5 nhà tranh đấu cho dân chủ khác ở quốc nội. Nhà thơ NCT không giàu. Ông sống bằng tiền trợ cấp an sinh khoảng 800 MK mỗi tháng. Ông có một ngân khoản nhuận bút không quá lớn từ hai tác phẩm Hoa Địa NgụcHỏa Lò. Với tư cách một người gần nhà thơ NCT trong những năm gần đây, tôi xin xác nhận: điều ông TPV viết ra là đúng.

            Tôi cũng thấy nhà thơ NCT tỏ ra thông cảm, khoan dung, khi đưa ra những lý lẽ gần như bênh vực, bào chữa cho những người xuyên tạc, mạt sát ông. Chúng ta cùng nhớ có một thời gian trong cộng đồng sôi nổi với phong trào bôi bác NCT. Có một nhóm, một tờ báo, nói liên tiếp trong nhiều tháng: “Mấy trăm bài thơ in trong các tập TVTĐV, BCT của MNVN , hay Vô Đề … là của lãnh tụ đảng ĐV Duy Dân, nhà cách mạng tiền bối  LĐA,” và “NCT đến từ VN là một tên mạo danh, rất nguy hiểm và đáng phỉ nhổ.”

Chuyện ấy khiến NCT buồn. Nhưng ông nói: “Xét cho cùng, những người kia chỉ vì quá thương kính lãnh tụ đã khuất bóng, muốn uy danh của tổ chức được hồi sinh … nên đã hiểu sai và đả kích tôi, chứ thật ra họ cũng chằng có ý ghét bỏ, bôi nhọ một người không quen biết.” Ông không thù oán họ. Nhà văn TPV cho biết: Mỗi lần có người hỏi nhà thơ NCT “nghĩ sao” khi bị xúc phạm, ông thường từ tốn trả lời là “không quan tâm,”“cá nhân tôi chẳng là gì.” (trang 84). Tôi xin xác nhận: ông TPV viết đúng, vì chính tôi cũng từng được nghe nhà thơ NCT nói như thế.

            Chúng ta cùng biết một trí thức tương đối có danh tiếng trong cộng đồng, từng là giáo sư Đại học, Tổng trưởng VHGD của VNCH, cũng viết trong tờ báo nói trên rằng những bài thơ đó “đúng là của nhà cách mạng LĐA,” và “nhân vật NCT từ VN tới là một kẻ mạo danh.” Sau khi tới HK một thời gian, nhà thơ NCT điện thoại tới nhà trí thức, chỉ cho ông một chỗ sai quan trọng trong bài viết của ông. Vị giáo sư cám ơn, xin lỗi, và mong nhà thơ NCT “bỏ qua mọi chuyện.” Nhà thơ NCT trả lời, “Tôi không để ý. Trong việc nghiên cứu, lầm là thường.” Có một người quen hỏi nhà thơ, “Khi viết để bôi nhọ, đả kích anh, thì ông ấy công khai trên báo. Nay thấy sai và nhận lỗi, ông ấy cũng nên nhận một cách công khai. Chỉ nói riêng với anh như thế đã đủ chưa?” Nhà thơ NCT trả lời, “Thôi, chuyện đã qua rồi. Người ta đã biết là mình sai.” Với ông, như thế là đủ. Tôi tin rằng sự kiện NCT là một người bao dung, hiền hòa, không riêng gì nhà văn TPV, không riêng gì cá nhân tôi cùng toàn thể gia đình tôi, không riêng gì hầu hết các bạn của tôi, mà rất nhiều người trong chúng ta ở đây cũng nhận thấy như thế.

            NCT có nếp sống tình cảm rất sâu đậm. Trong bài “Có người mẹ,” ông đã nghĩ tới cha mẹ qua những câu như:

Có người mẹ gầy nhom mắt lóa, gần lòa
Có người cha quá già, quá yếu
Có người con bất hiếu là tôi
Hêt tù lại tội
Bệnh ốm không nuôi nổi thân mình.
Ôi người mẹ nặng tình yêu dấu
Ôi người cha hiểu thấu lòng con!

           

2 (TPV, trang 192)

Ông nghĩ tới anh chị em qua những câu như:

Ruột thịt chia lìa đớn đau
Gặp nhau, anh chị em mình sẽ khóc
Chìm đắm giữa tù đầy, chết chóc
Em vẫn cầu trời cho bốn anh chị em mình
có ngày được ăn bữa cơm đoàn tụ bên nhau.

 Ông nghĩ tới chị:

 Trong những năm dài tù tội
Chị hiền thay mẹ nuôi em
Đời chị nghèo, nuôi thân còn chẳng đủ
Mỗi miếng chị cho là mỗi miếng thương tâm!

Nghĩ tới người anh ruột vào Nam, không được gặp từ 1954:

 Ba chục năm trời không thấy mặt nhau
Non nước chia đôi, rồi tù lao thăm thẳm
Em vẫn mơ ngày tay anh, em nắm
Nước mắt sẽ trào ra, sung sướng, thương đau!

 Lòng yêu thương của tác giả Hoa Địa Ngục không chỉ dừng nơi con người. Tâm hồn ông mở rộng tới con chim non vì tai nạn, sớm phải rời xa cánh mẹ:

 Chim ơi chim, chim còn non dại lắm
Lông còn tơ chưa đủ che thân
Mỏ nhỏ xinh còn đượm ướt ân tình
Sao sớm vội xa rời đôi cánh mẹ?
Ta ve vuốt cho chim đừng lạnh nhé
Chiều đi rổi, sương giá xuống nơi nơi …

 Với một tâm hồn như thế, khi thấy những cảnh tượng như cảnh sau đây, ông ngồi yên sao được:

 Bà kia tuổi sáu mươi rồi
Mà sao không được phép ngồi bán khoai?

 Ông phải lên tiếng. Và lên tiếng thì đi tù, tổng cộng là 27 năm, trong “thiên đường” XHCN, như chúng ta đã thấy.                                                .

                                                            .                       .Chúng ta cùng thử nhìn lại lý do sáng tác của một số thi nhân tiền bối trong văn học VN.

1)     ĐTC viết CPNK  bằng chữ  Hán (rồi sau ĐTĐ, PHI, và một số nhà thơ khác dịch sang quốc âm) vì trong thời chúa Trịnh Giang, vừa bất tài, vừa tàn bạo và xa xỉ, nhiều đám loạn ở mặt đông nam (HD, QY, ở đông nam của kinh đô Thăng Long) nổi lên chống lại triều đình, binh sĩ phải đi đánh rất gian lao, cực khổ. Tác giả “nhìn những cảnh biệt ly của người đi chinh thú” cảm xúc mà viết ra. Những câu then chốt là “Chàng từ sang đông nam khơi nẻo” (nguyên văn: Tự tòng biệt hậu đông nam khiếu, Đông nam tri quân chiến hà đạo) và “Trên trướng gấm có hay chăng nhẽ?” (Cẩm trướng quân vương tri dã vô?).

 Nhưng nỗi khổ của chinh phu, chinh phụ … trong CPNK cũng chỉ là nỗi khổ của một đất nước nhiều loạn lạc, vẫn có từ xưa và ở nhiều nơi, không thấm vào đâu so với nỗi khổ của người dân VN trong xã hội CS mà NCT vừa là người chứng kiến, vừa là nạn nhân.

 2)     ONH NGT viết CONK để nói lên nỗi buồn khổ của những người cung phi phải chôn vùi tuổi xuân trong thâm cung của những vua chúa ích kỷ. Những câu then chốt là “Khoảnh làm chi bấy chúa xuân, Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi” hay “Tay Tạo hóa cớ sao mà độc, Buộc người vào kim ốc mà chơi.”

Nhưng sự buồn khổ đó cũng chỉ của một lớp người, một số lượng cung phi tuy khá đông nhưng chưa quá lớn trong toàn thể xã hội. Nỗi buồn khổ của những cung phi bị bỏ rơi, phải chôn vùi tuổi xuân trong thâm cung, tuy quạnh hiu, vẫn không thấm vào đâu so với nỗi khổ ghê gớm của con người VN dưới chế độ CS mà NCT đã trải qua và chứng kiến.

3)     ND viết VTTLCS  (cũng gọi là “Bài Chiêu hồn”) để bày tỏ niềm cảm thông với những người ở thời ông, vừa trải qua một giai đoạn tao loạn, từ Lê Trịnh sang Tây sơn, rồi sang Nguyễn. Bên cạnh những người chết do nghèo nàn, tai hoạ, có những binh sĩ chết trận, nhưng cũng có những người quyền quý sa cơ thất thế:

 Nào những kẻ màn loan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

Nhưng các chúa Trịnh, các thủ lĩnh Tây sơn, hay nhà Nguyễn dựng nên về sau, tuy tranh giành chinh chiến với nhau khiến nhân dân cực khổ, không ai tàn bạo như các lãnh tụ CS ở thời của NCT.

 Xin lấy một thí dụ nhỏ:

 Ở thời của NCT, trong nước VN dưới chế độ CS:

 -- Hơi nghĩ khác là đi tù mục xác
Tiếng thở lời than họa chụp vào thân.

 -- Thằng kia, sao dám thở dài?

-- Thằng này sao mặt mày hớn hở?
  (Hễ nghi là bắt, cứ chi tội tình).

 Tóm lại, đúng như nhận xét của NCT:

Toàn dân lương thiện, tội tình gì đâu.

 Chúng ta thử nhìn lại mối liên hệ giữa ND với các vua nhà Nguyễn:

Trong Truyện Kiều (ĐTTT), ND có những câu:

-- Rõ ràng một lứa đôi ta
Làm ra con ở, chúa nhà đôi nơi …

-- Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu …

(Không hề bị buộc tội, ND vẫn được vua GL tin cậy, thăng chức, vua MM cử đi sứ, vua TĐ đề cao tác phẩm)

 Nhận xét: Chế độ CS đúng là chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử VN từ trước đến nay.

Trách gì NCT không phải viết lên những câu như:
Tôi muốn kêu to trong câm lặng đen dày
Cho nhân loại trăm miền nghe thấy.

 Xét cho kỹ, bản chất NCT là một người hiền hòa, giàu tình cảm, luôn luôn quan tâm tới người khác, luôn luôn khoan thứ, bao dung. Ông chỉ không bao dung được cái Đại Ác.

 Người xưa có câu: “Bất bình tắc minh” (khi trong lòng có điều không yên thì phải thốt ra bằng thơ văn).

             Kết luận:  Tự xét không đủ trình độ, khả năng để “kết luận” về NCT.

1)     Mượn lời VHC:

             Hồng bay, để dấu bất bình
            Tuyết non cao thoắt hiển linh ý thần
            Nỗi đau ném chữ, gieo vần…

 

2)     Mượn lời TPV:

             “Tuy NCT đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong mắt và trong hồn tôi như vẫn hiển hiện hình ảnh cô đơn, cam đành, khiêm tốn và bất khuất của một con người mà khi sống cũng như khi chết đã để lại trong tâm hồn người quen biết ông những cảm tình quý mến không thể phai nhòa.”

(TPV, trang 56).

 





NGUYỄN CHÍ THIỆN

VÀ "VẠN NGÀN CƠN THÁC LOẠN"

Gs Nguyễn Ngọc Bích

            Cũng như rất nhiều người, tôi được biết đến thơ Nguyễn Chí Thiện từ ngày nó mới là "Tiếng Vọng Từ Đáy Vực" của một thi-sĩ "vô danh," nghĩa là từ tháng 9 năm 1980 khi Thời Tập của hai anh Viên Linh và Nguyễn Hữu Hiệu in tập thơ ra ở Arlington, Virginia.

             Mà "vô danh" thật vì dù như chúng ta có biết tác-giả đích-xác của tập thơ là Nguyễn Chí Thiện thì tên anh, cho tới lúc bấy giờ, không ai ở hải-ngoại biết gì về anh.  Ở trong nước thì tình-hình có hơi khác.  Nếu người ta truyền miệng thơ của anh từ những năm 1960 thì cũng không có mấy người biết tác-giả của nó là ai.  Bởi biết là rất nguy-hiểm, có thể vào tù như chơi.  Nhưng một khi đã vào tù rồi thì tình-hình có hơi khác. 

Chúng ta có những chứng-từ từ Vũ Thư Hiên (trong Đêm giữa ban ngày dù như anh Hiên không nhớ được hoàn-toàn như thơ của Nguyễn Chí Thiện ghi lại sau này), từ Kiều Duy Vĩnh (nay đã mất nhưng ngày ông sang Mỹ thăm bạn bè, ông đã đọc thuộc lòng được cho một số người nghe thơ của Nguyễn Chí Thiện mà ông đã học được từ chính tác-giả ở trong tù), từ ông Hùng ba của chị Vũ Triều Nghi (nhân-vật được mô-tả trong bài thơ "Bóng hồng dương thế," bài cuối của tập thơ Hoa Địa Ngục do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông in ra) v.v...

 Tập thơ gây chấn-động

             Nhưng dù "vô danh" tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực (mà khi Văn Nghệ Tiền Phong in ra thì lại đặt tên cho nó là "Chúc thư của một người Việt Nam," một tên hơi nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt) vẫn gây chấn-động khi nó ra ngoài này.  Phạm Duy gần như liền lập-tức phổ 10 bài thơ trong đó thành tập Mười Bài Ngục Ca do Nguyễn Hữu Hiệu tung ra cuối năm 1980.

Buổi đọc thơ Nguyễn Chí Thiện đầu tiên, có dịch sang tiếng Anh, là do Hội Sinh-viên VN tại UC Berkeley với sự tiếp tay của anh Bùi Văn Phú và năm tù-nhân của CSVN (Nguyễn Hữu Hiệu, Đoàn Văn Toại...).  Rằng thơ chống Cộng sâu sắc vang lên ở "lò phản chiến" Berkeley vào ngày Lễ Lao Động (lúc 7 giờ chiều thứ Sáu, 1 tháng 5/1981) chỉ sáu năm sau khi chiến-tranh VN kết thúc phải kể là một thành-tựu không nhỏ do chính tuổi trẻ VN thực-hiện trên đất Mỹ.

             Chưa đầy hai năm sau, Phạm Duy lại phổ nhạc thêm 10 bài nữa để thành tập song ngữ Ngục Ca / Prison Songs do Hội Văn-hoá VN tại Bắc-Mỹ, VICANA, in ra vào tháng 9/1982.  Đến đây thì chúng ta đã biết tác-giả của những bài thơ kia đích-xác là Nguyễn Chí Thiện và một đặc-điểm của tập Ngục Ca song ngữ này là toàn-bộ 20 bài đều được chuyển thành "English singing versions," nghĩa là những lời Anh trong đó đều có thể hát được theo nhạc-điệu thơ phổ nhạc của Phạm Duy.

 

            Tập Ngục Ca này đến cuối năm đó lại được Quê Mẹ ở Pháp in lại với thêm bản dịch sang tiếng Anh của Penelope Faulkner và bản dịch sang tiếng Pháp của Võ Văn Ái thành một tập tam ngữ NGỤC CA / Chants de prison / Prison Songs với những nhận-định của nhiều văn-thi-sĩ quốc-tế như Paul Goma (Rumani), Pierre Kende (Hunggari), Eduardo Manet (Cuba), Vladimir Maximov (Nga), Leonid Plioutch (Ukraina), Alexander Smolar (Ba-lan), Pavel Tigrid (Tiệp-khắc), nghĩa là đến đó thì thơ của Nguyễn Chí Thiện đã thành một tiếng thơ quốc-tế được người ta trọng vọng. 

Nhà văn, nhà thơ và giáo-sư đại-học người Đức, ông Erich Wolfgang Skwara, đã gặp thơ Nguyễn Chí Thiện ở Madeira trong một hội-nghị của Văn Bút Quốc Tế và từ đó ông "đã đặt [thơ ông] lên cùng bệ đá với những thần-tượng thơ khác của tôi như Rimbaud, Trakl và Hölderlin, nghĩa là tôi đặt ông ngang hàng với những nhà thơ lớn nhất của chúng ta, của cá-nhân tôi cũng như của nhân-loại."

             Nhưng sở dĩ thơ Nguyễn Chí Thiện bay cao và xa được như vậy cũng một phần nhờ ông có được những dịch-giả có hạng lo dịch sang nhiều thứ tiếng.  Thơ của ông được Nguyễn Hữu Hiệu dịch sang tiếng Anh và giới-thiệu trong Index on Censorship vào tháng 6/1982 rồi được chính tôi giới-thiệu trong một bài dài trên tuần-báo Asiaweek ở Hồng-kông trong số ra ngày 30/7/1982.  Chính bài này, "A Voice from the Hanoi Underground" ("Một tiếng nói chui ở Hà-nội"), có kèm theo hơn 10 bài thơ dịch từ Hoa Địa Ngục, đã được BBC World Service chuyển tải ra với thế-giới làm cho thơ của Nguyễn Chí Thiện, lúc bấy giờ còn ở trong tù, nổi tiếng khắp năm châu. 

Từ đó, thơ của ông tiếp-tục được dịch sang nhiều thứ tiếng khác, như dịch sang tiếng Tiệp bởi Jachym Topol (trong báo Revolver) hay Dominique Delaunay dịch sang tiếng Pháp dựa lên những bản dịch sang tiếng Anh của cá-nhân chúng tôi.

             Nhưng song song, cùng thời-gian đó, cũng có những nỗ lực của người khác dịch thơ Nguyễn Chí Thiện.  Ở Mỹ thì Nguyễn Thị Hằng dịch 129 bài rút từ tập Chúc thư của một người Việt Nam (do Văn Nghệ Tiền Phong in ra) trong khi ở Đức thì Bùi Hạnh Nghi dịch thành cuốn Echo aus dem Abgrund, được ghi rõ ràng ngay nơi bìa là dịch từ tập Tiếng vọng từ đáy vực.  

G.S. Huỳnh Sanh Thông ở Yale trong thời-gian này cũng dịch khoảng một nửa tác-phẩm này, tương-đương với Hoa Địa Ngục I, dưới tít chính-xác là Flowers from Hell do tiết-lộ của G.S. Patrick J. Honey ở Anh qua một bức thư trong đó ông Honey cũng cho biết tên tác-giả đích-xác là Nguyễn Chí Thiện.  Hai bản dịch của Nguyễn Thị Hằng và Huỳnh Sanh Thông ra gần như vào cùng lúc, tức năm 1984.  Còn bản Đức-dịch của anh Bùi Hạnh Nghi thì tới bảy năm sau mới ra mắt độc-giả, tuy-nhiên vẫn còn sớm hơn bản dịch sang tiếng Pháp của B.S. Nguyễn Ngọc Quỳ và nhà thơ Dominique Delaunay, xuất hiện chín năm sau (2000).

 Đồng-hành với Anh

             Phần tôi, tôi đồng-hành với anh Nguyễn Chí Thiện từ khá sớm.  Dịch anh từ lúc thơ của anh mới ra ngoài này, tôi có lẽ chỉ chậm chân hơn anh Nguyễn Hữu Hiệu một tí.  Nhưng rồi tôi cũng bắt kịp với anh Hiệu khá nhanh:

            Tháng 7/1982, tôi có bài trong Asiaweek giới-thiệu thơ anh và dịch trên 10 bài.

            Tháng 9/1982, Hội Văn-hoá VN tại Bắc-Mỹ của tôi in Ngục Ca / Prison Songs, dịch 20 bài thành hát được.  Sau tăng bổ, cuốn này được Quê Mẹ ở Pháp in ra thành ba thứ tiếng.  Cuối năm 1996, nhóm Hoa Niên ở Úc lại xin phép in cuốn song ngữ của tôi để phổ-biến ở Úc.

            Tháng 10/1989, Văn Bút Miền Đông in ra tuyển-tập tiếng Anh War & Exile: A Vietnamese Anthology ("Chiến-tranh và Lưu đày: Tuyển-tập Thơ văn VN Hiện-đại") nhằm giới-thiệu văn-học VN với thế-giới nhân Hội-nghị Văn Bút Quốc Tế ở Montréal, Canada.  Trong tập có giới-thiệu 30 trang thơ Nguyễn Chí Thiện.  Ít năm sau, Jachym Topol dịch thơ anh sang tiếng Tiệp là dựa vào mấy bản Anh-dịch của tôi.

            Trước cả khi anh Thiện qua Mỹ, Văn Bút VN Hải Ngoại, thời anh Viên Linh làm Chủ-tịch (1991-1993), đã đề nghị trao Giải Nobel Văn-chương cho Nguyễn Chí Thiện (hồ-sơ do Nguyễn Ngọc Bích đệ nạp vào năm 1993).

            Một tuần sau khi anh Thiện đến Mỹ, vào ngày 8/11/1995, anh được mời lên Quốc-hội điều trần về tình-trạng nhân-quyền ở VN (Nguyễn Ngọc Bích thông-dịch).

            Ngày 26/11/1995, anh ra mắt đồng-bào Thủ-đô Hoa-kỳ ở Trường Luật George Mason University trước một cử-toạ kỷ-lục, ngồi chặt cứng giảng-đường.

            Ngày 21/4/1996, ra mắt tập Anh-dịch song ngữ Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell do Nguyễn Ngọc Bích dịch gần như toàn-bộ Hoa Địa Ngục I (khoảng 5/6 trên 400 bài), cũng ở Trường Luật George Mason.

            Để chuẩn-bị cho chuyến đi sang Úc, tôi dịch thêm một tuyển-tập nhỏ (gần 100 bài) mang tên Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry (tức Hoa Địa Ngục II).

            Cuối năm đó, vào tháng 11 và 12/1996, đi một vòng nước Úc với anh Nguyễn Chí Thiện theo lời mời của Cộng-đồng Người Việt Tự do Úc-châu (Anh Võ Minh Cương, Chủ-tịch) đi sáu thành phố và tiểu-bang (Sydney, Melbourne, Canberra, Brisbane, Adelaide, Perth).  Đi đâu cũng được đồng-bào đón tiếp với hai cánh tay mở rộng.  Thơ của Nguyễn Chí Thiện được một vài chuyên-gia người Úc đánh giá là không thua gì thơ của Shakespeare.  (Cũng nhân dịp này, ông anh tôi, Nguyễn Ngọc Phách, cũng cho in một tuyển-tập thơ dịch sang tiếng Anh của riêng ông mang tên A Selection of Flowers from Hell do nhóm Hoa Niên in ra ở Melbourne.)

             Năm sau, anh Thiện được Nghị-viện các Nhà văn (Parlement des écrivains) ở Âu-châu mời đi dưỡng sức ở Strasbourg, miền Đông nước Pháp giáp giới Đức, là một trong những thành phố tiếp đón những nhà văn như anh và Vũ Thư Hiên làm khách quý.  Trong thời-gian ở đây, anh không phải làm gì ngoài chuyện, nếu có hứng thì viết.  Mấy năm anh ở Strasbourg và sau đó ở St. Lô, vùng Normandie của Pháp, anh âm thầm làm việc và đi diễn-thuyết.  Thời-gian này, có lần anh đã gặp Tổng-thống Pháp François Mitterrand nhân một chuyến đi diễn-thuyết ở Caen về đề-tài "Thơ đã cứu tôi."  Tháng 11/1999, tôi sang thăm anh ở St. Lô, được biết anh đang cùng B.S. Nguyễn Ngọc Quỳ ở Paris và nhà thơ Dominique Delaunay dịch một tuyển-tập thơ Hoa Địa Ngục sang tiếng Pháp (để sau này thành tập Fleurs de l'Enfer do Institut de l'Asie du Sud-Est in ra vào năm 2000).  Ông Delaunay dịch là dựa vào mấy bản dịch tiếng Anh của tôi.

             Về Mỹ ít lâu, tôi nhận được bản thảo tập truyện vĩ đại về kinh-nghiệm Hoả Lò của anh mà sau đó, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông in ra vào năm 2000.  Đây gần như chắc chắn là một trong những tập truyện thành công nhất ở hải-ngoại vì Tổ Hợp đã phải in đi in lại cả thảy 6 lần và cho phép bên Úc in lại một lần.  Tập truyện này cũng đã chóng vánh được dịch sang tiếng Anh, Hoả Lò / Hanoi Hilton Stories, trong đó tôi có đóng góp một phần (dịch 3 trong 7 truyện), và do Đại-học Yale in ra năm 2007.  Một tuyển-tập song ngữ, Hai truyện tù / Two Prison Life Stories, trích từ tập Hoả Lò cũng ra năm sau (2008).

            Ảnh-hưởng của Nguyễn Chí Thiện còn đi xa hơn thế nữa.  Bản dịch sang Đức-ngữ của anh Bùi Hạnh Nghi, chẳng hạn, đã gợi hứng cho một nhạc-sĩ người Áo, ông Hugo Mattisch, làm thành một "suite" nhạc khá đồ sộ, lần đầu tiên được trình bầy do một ban giao hưởng đại-hoà-tấu ở Klagenfurt, Áo-quốc (ngày 20/10/1995).  Và ở tiểu-bang Bayern miền Nam nước Đức, bản dịch Bùi Hạnh Nghi đã được đưa vào danh-sách các sách nên đọc ở Trung-học.

             Trong khi đó, cuốn từ-điển Who's Who in Twentieth-century World Poetry ("Ai Là Ai trong Thi ca Thế-giới Thế-kỷ 20") của Mark Willhardt, in lần đầu ở Anh (Routledge, 2000) và tái-bản hai năm sau ở Đức, đã dành cho Nguyễn Chí Thiện một chỗ trang trọng, dài hơn cả mục dành cho Pablo Neruda, nhà thơ Chile, giải Nobel Văn-chương năm 1971.

            Chưa hết, từ năm 2005, Dan Duffy thuộc Viện Đại-học North Carolina ở Chapel Hill, NC, đã tạo-lập ra Vietnam Literature Project (Dự-án Văn-học Việt-nam) với trang nhà www.vietnamlit.org, trong đó Nguyễn Chí Thiện và thơ văn của anh chiếm một chỗ rất vinh-dự.  Trong khi đó, ở miền Tây, tại Palo Alto, bà Jean Libby cũng có trang nhà VietAm Review, trong đó bà thu thập tối-đa hình ảnh, thơ văn và những bình phẩm về Nguyễn Chí Thiện.  Cả hai trang nhà đều dùng rất nhiều bản dịch thơ văn của Nguyễn Chí Thiện do tôi dịch.  Trang nhà của Dan Duffy lại còn có cả một tập truyện vui bằng tranh ("comics") viết và vẽ về Nguyễn Chí Thiện.  Có lẽ vì lý-do đó mà Dan Duffy, một người bạn của Việt-nam, đã bị công-an CS cho biết là anh ta đã bị vĩnh viễn cấm cửa không được vào VN ngày nào mà chế-độ CS còn cầm quyền ở đó.

             Tới đây, thiết tưởng cũng nên nhắc đến một sản-phẩm cuối đời của anh Nguyễn Chí Thiện, đó là nguyện-ước được thấy tất cả gia-tài đồ sộ thơ của anh được gom vào trong một cuốn sách để đời tương-đương với tập thơ độc-nhất và cũng để đời của Baudelaire, cuốn Les Fleurs du Mal ("Ác-hoa").  Cũng tương-tự, anh đã thực-hiện được giấc mơ này khi anh cộng-tác với Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ để gộp Hoa Địa Ngục I ("Tiếng vọng từ đáy vực" hay "Chúc thư của một người Việt Nam") và Hoa Địa Ngục II ("Hạt Máu Thơ") thành một tập duy nhất 700 bài thơ của anh, kèm theo với hình ảnh, nhạc phổ thơ của anh, các bìa sách dịch thơ của anh, trong đó anh đã sửa được cả hàng trăm lỗi còn tồn tại trong các ấn-bản trước đó.  Bản này mà tiếng Pháp gọi là "édition définitive," bản Hoa Địa Ngục của Tổ Hợp (2006) và tập Hoả Lò, cũng do Tổ Hợp in ra, có thể xem là hai "tượng-đài di-sản văn-học" của Nguyễn Chí Thiện.

             Sở dĩ tôi phải đi vào chi-tiết như trên đây là để chứng minh rằng, từ một người tù với một niềm tin sắt đá vào công-lý và lẽ phải, Nguyễn Chí Thiện đã vượt lên được tất mọi trở ngại để tự cứu mình.  Trước hết là cứu tác-phẩm của mình bằng cách đột-nhập Tòa Đại-sứ Anh vào tháng 7/1979 để nhờ chuyển "con đẻ" của mình ra với thế-giới và giúp cứu nhân-loại. 

Thứ nữa là nhờ nổi tiếng sau đó mà người "tù lương-tâm" Nguyễn Chí Thiện đã tự cứu được mình sau khi thế-giới biết đến ông và can-thiệp để CS phải để cho ông đi.  Ba là nhờ thơ quá đặc-sắc và tài-năng của ông, ông đã vượt được hết cả những cái nhỏ nhen, dù là đến từ công-an CS hay những người ganh tỵ với ông chỉ vì họ không có tài như ông, để vươn ra trời cao và biển rộng đem lại sự thật và vinh-dự cho cả một dân-tộc.

 "Vạn ngàn cơn thác loạn"    

             Nguyễn Chí Thiện can đảm, điều đó khỏi nói.  Nhưng nếu chỉ can đảm thôi thì ta có thể ngưỡng mộ anh nhưng anh vẫn không thể thành một nhà thơ lớn.  Cái lớn của Nguyễn Chí Thiện nằm ở chỗ anh đánh trúng đối-tượng, từ những cái rất tầm-thường trong đời sống của người dân ("Bà kia tuổi sáu mươi rồi / Mà sao không được phép ngồi bán khoai?") đến cái khôi hài ("Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại! / Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai!"), ngộ nghĩnh ("Những thiếu nhi điển hình chế độ / Thuở mới đi tù trông rất ngộ. / Lon son không phải mặc quần / Chiếc áo tù dài phủ kín chân"), thương tâm ("Trên bước đường tù mà tôi rong ruổi / Tôi gặp hàng ngàn em bé như em.") để rồi cuối cùng điểm thẳng mặt kẻ thù ("Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó")...

             Gần đây, tôi có đọc và thương cảm cho những nhà trí-thức lớn ở miền Bắc, những Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo...  Tất cả đều chua chát nhận-định vào cuối đời là họ đã bị phản-bội, đánh lừa, đâm sau lưng chiến-sĩ, bế tắc.  Sở dĩ vậy là vì trong tâm tưởng của họ, họ không nhìn ra một sự thay thế.  Cân bằng, may ra chỉ có những người đã chọn lựa đi vào Nam, không phải vì miền Nam là lý-tưởng cao xa gì mà chỉ vì miền Nam mà đem so sánh thì nhất định hơn miền Bắc. 

Như vậy, những người chọn vào Nam là chọn cái tương-đối hơn trong thực-tế, còn không chọn vào Nam thì chỉ còn mỗi cách là đứng giữa một cái thực-tế chửi vào mặt lý-tưởng với một cái lý-tưởng không thể có được, nghĩa là chông chênh không chỗ đứng.  Đó là thảm-cảnh của các trí-thức miền Bắc trong suốt thời CS--cho đến ngày hôm nay--trong khi những Nguyễn Hữu Đang (sau khi vỡ mộng có tính vào Nam nhưng bất thành), Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện... đã giữ được cân-bằng tư tưởng vì biết rằng bên cạnh cái bất toàn, tệ hại của miền Bắc CS còn một chế-độ khác để lựa chọn, không hẳn lý-tưởng nhưng vẫn hơn xa cái thực-tế miền Bắc lúc bấy giờ.  Vì vậy mà năm 1975, khi nghe thấy miền Nam tự do thất thủ, Nguyễn Chí Thiện đã thốt lên:

            Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối,
            Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
            Cả nước đã quy về một mối
            Một mối hận thù, một mối đau thương...

để kết thúc:

            Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan
|           Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!

 

Viết tại Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ

cho ngày giỗ đầu Anh Nguyễn Chí Thiện

(28 tháng Chín 2013)

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nghĩ về Nguyễn Chí Thiện

Trần Phong Vũ


          Vài điều thưa trước – Tối Thứ Năm 25/09/2008, Phan Nhật Nam có nhã ý dành cho tôi một cuộc phỏng vấn trên đài SBTN về biến cố tòa Khâm sứ Hà Nội và Thái Hà. Trước khi kết thúc, anh nêu một câu hỏi ngoài lề: “Anh nghĩ gì về chuyện ‘Nguyễn Chí Thiện (NCT) thật – NCT giả’ vừa được khơi lại gần đây giữa lúc đang có những vấn đề nóng bỏng tại quốc nội? Nó có liên hệ gì tới điều dư luận cho là người ta muốn đánh lạc hướng sự quan tâm của bà con tị nạn ngoài này không?”

Sau khi trả lời vắn tắt, tôi đã công khai nói với anh cũng như quý khán thính giả đài SBTN là nếu có thì giờ tôi sẽ lên tiếng.

Và đây là tiếng nói của tôi, một người làm truyền thông, văn hóa tự do.

Trước hết, cần nói ngay để tránh ngộ nhận: những gì tôi viết trong bài này không phải để bênh vực hay biện hộ cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Giản dị: vì tự thân con người, nhân cách, lối sống của anh cho thấy anh không cần ai bênh vực hay biện hộ.

  Cách đây ít lâu, khi đọc được đây đó những lời lẽ gay gắt nhắm vào anh (vẫn không ngoài chuyện NCT thật - NCT giả, NCT chống cộng – NCT tay sai CS), tôi dọ ý xem anh có tính lên tiếng không thì nhận được câu trả lời: “Dứt khoát tôi sẽ không bao giờ lên tiếng, vì những ai tin tôi thì họ đã tin rồi. Còn những người không tin, hoặc cố tình không tin, thì dù có cải chính cách mấy cũng vô ích”.

 Hiểu rõ tâm tính anh, từ đấy tôi không thắc mắc nữa.

 Bài này cũng không phải để tranh luận hay phản bác quan điểm của những người chống đối, bôi bác Nguyễn Chí Thiện. Có thể không chia sẻ nhưng tôi tôn trọng ý kiến của mọi người theo cách riêng của tôi. Vì thế, trong bài viết ngắn này tôi chỉ giới hạn vào mục tiêu duy nhất là trình bày những gì tôi biết về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Tôi không có ý thuyết phục bất cứ ai phải nghĩ về nhà thơ này giống tôi, và càng không có dụng tâm trả lời hay tranh luận với những vị có những quan điểm, nhận thức khác tôi.


Những điều tôi biết

 Tôi được gặp và quen biết Nguyễn Chí Thiện (NCT) vào những năm đầu thiên niên thứ ba, thời gian linh mục Nguyễn Văn Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền nhân phẩm Việt Nam. Đây cũng là thời gian tôi cùng một số anh em bắt đầu thực hiện nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân để tiếp tay cho những nỗ lực của những người hoạt động dân chủ ở quốc nội, nhất là những nỗ lực của nhóm giáo sĩ Công giáo theo tinh thần cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, trong đó, LM Lý được coi là cánh chim đầu đàn.

  Cái biết và sự đồng cảm của tôi về nhà thơ NCT dựa trên hai nguồn chính:

  1/ Những nhân chứng mà tôi may mắn được gặp: (a) những người quen biết anh từ thời thơ ấu và (b) những nhân vật đã sống, đã trải nghiệm cùng với anh về những khổ đau nghiệt ngã và từng thông chia với anh những vần thơ uất nghẹn được nghiền ngẫm và ghi lại trong ký ức qua những tháng năm dài trong ngục tù cộng sản. Tất cả những vị này hiện còn sống và đang có mặt ở hải ngoại hoặc ở trong nước.

  2/ Những cảm nghiệm cùng những nhận định riêng của cá nhân tôi về con người và nhân cách NCT.


Danh tính, quê hương, gốc gác NCT

 

Chân dung NCT


 

Cách đây không lâu, trong một buổi giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục (do Cành Nam miền đông Hoa Kỳ của ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Trương Anh Thụy xuất bản) ở phòng sinh hoạt đài Little Sàigòn Radio ở quận Cam, ông Nguyễn Thanh Hùng, một giọng ngâm thơ nổi tiếng trong nhiều chương trình thi văn trên đài phát thanh quốc gia trước tháng 4, 1975, được mời lên diễn đàn.

Trước khi gửi tới cử tọa giọng ngâm điêu luyện, đa dạng và truyền cảm của anh, Nguyễn Thanh Hùng khua cây gậy chống (1)trước mặt tướng Nguyễn Bảo Trị và nhà thơ NCT trên hàng ghế đầu vừa cười vừa nhắc lại những kỷ niệm thời niên thiếu của anh với ông cựu tướng trong những năm sống ở Hà Nội trước 1954. Riêng với tác giả Hoa Địa Ngục, anh chỉ vào nhà thơ và lớn tiếng nói với mọi người: còn ông thi sĩ này tôi biết ông từ thời ông còn là một cậu bé ở làng Thượng Thọ, đồng hương của tôi, anh ruột ông là cựu trung tá QLVNCH Nguyễn Công Giân hiện cư ngụ trên DC, ấy thế mà cho đến nay vẫn có người còn nghi ngờ ông là NCT giả

  Tôi tin lời chứng của Nguyễn Thanh Hùng vì tôi quen biết anh từ hồi còn ở trong nước và hiểu rất rõ về nhân cách của anh. Ngoài thái độ tôn trọng sự thật, không có lý do nào buộc anh phải lên tiếng về trường hợp NCT.


Thời gian NCT bị cầm tù

  Những nhân vật giúp tôi biết về tác giả Hoa Địa Ngục trong những năm dài bị cộng sản cầm tù qua nhiều chặng thời gian và nơi chốn khác nhau gồm có các ông Nguyễn Ký (NK), hai linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Viết C. (2), ông Kiều Duy Vĩnh (KDV) và nhà văn Vũ Thư Hiên (trong số những vị này, hai ông NK, KDV và nhà văn Vũ Thư Hiên (VTH) thuộc nhóm bạn tù thân tín được NCT đọc thơ cho nghe. Riêng nhà văn VTH, thay vì kể lại những gì ông trao đổi trực tiếp trong những lần gặp gỡ ở Mỹ hoặc ở Pháp, tôi sẽ trích lại những chứng từ của ông trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1997 để độc giả dễ dàng tra cứu).

  Ông Nguyễn Ký: hiện cư ngụ trong vùng tiểu Sàigòn, nam California, Hoa Kỳ. Trong những năm đầu ở quận Cam, NCT sống chung với gia đình ông Ký ở thành phố Garden Grove. Bản thân tôi có nhiều dịp tới thăm NCT tại đây. Vì thế, tôi có cơ hội nói chuyện nhiều với ông Ký để có lần được cho biết: ông là người đầu tiên phát hiện NCT chính là tác giả thi phẩm đầu được lưu hành trong cộng đồng tị nạn ở HK dưới tiêu đề Tiếng Vọng Từ Đáy Vực khi chưa ai biết, kể cả những người in và phát hành tập thơ này.

 Trả lời câu hỏi của tôi là nguyên do nào ông quen biết NCT và đựa vào đâu ông có thể xác quyết thi phẩm này là của NCT, ông Ký cho hay:

  1/ Bản thân ông đã trải qua nhiều năm tù chung với NCT.

2/ Trong những thời khoảng bị giam chung, mỗi lần viết xong một bài thơ đắc ý, NCT thường lén đọc cho ông và một số bạn tù thân tín nghe. Nghe mãi rồi nhập tâm lúc nào không hay. Đầu thập niên 80 (khoảng năm 1982), thời gian ông mới tị nạn qua Mỹ, đang theo học tại ĐH Fullerton. Một hôm có đứa cháu cho biết vừa được coi tập thơ có tên là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, rồi hỏi ông khi ở tù có quen ai từng làm thơ và đi tù tới hơn hai chục năm không, ông hỏi có nhờ bài nào trong tập thơ không thì cháu ông cố nặn trí nhớ và đọc cho ông nghe câu “Bác Hồ rồi lại Bác Tôn”.

Ông nhẩm đọc lại câu thơ “có vẻ quen quen” và ngay lập tức cả một dĩ vãng tù đày hiện về trong tâm trí ông. Nhẩm lại câu thơ một lần nữa, rồi như một phản xạ của vô thức, miệng ông bật ra câu thơ kế “Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng”. Nhìn trân trân vào khoảng không, ông nói lớn: “đích thị là Nguyễn Chí Thiện rồi!”

  Chuyện này đến tai nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang (NĐQ). Qua nhạc sĩ NĐQ, ông Ký có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện đầu đuôi với ông Đỗ Ngọc Yến. Sau đó, với bút hiệu Minh Thi, ông Ký là người thứ nhất đã phát giác trên tờ nhật báo Người Việt: NCT chính là tác giả TVTĐV từ những năm đầu thập niên 80.

  Linh mục Nguyễn Văn Lý: người tù chung phòng với ông NCT trong hai năm 1990-1991 ở trại tù Nam Hà. Sau khi LM Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam vào năm 2000, tôi có nhiều cơ hội liên lạc với LM qua Email hoặc trực tiếp qua đường giây điện thoại viễn liên. Có lúc tôi đã hỏi về NCT và được LM Lý xác nhận tất cả những gì anh đã thuật lại với tôi.

 Linh mục Nguyễn Viết C.: hiện còn ở Việt Nam. Khoảng vài tháng trước, vị linh mục này qua thăm thân nhân ở Mỹ. Trong một bữa ăn ở nhà hàng Song Long đường Bolsa gồm có 5 người: ông Ký, NCT, linh mục C, linh mục Đức Minh (3) và tôi. Dịp này, LM C. đã ôn lại nhiều kỷ niệm trong hơn 10 năm ngồi tù, kể cả thời gian bị đày ải lên Cổng Trời, trong đó có khoảng 7 năm tù chung với tác giả Hoa Địa Ngục. (LM C. phải vào tù ngay từ sau tháng 7, 1954 khi còn là một chủng sinh. Sau khi được trả tự do ông trở lại chủng viện tiếp tục con đường tu học và mãi tới đầu thập niên 90 mới được chịu chức linh mục).

 Ông Kiều Duy Vĩnh (KDV): hiện ở Hà Nội. Trong tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có nhắc tới một nhân vật đồng tù tên Kiều Xuân Vĩnh. Đấy chính là KDV mà vì lý do riêng tác giả họ Bùi đổi tên đệm của ông Vĩnh. Trước tháng 7 năm 1954, KDV là đại úy tiểu đoàn trưởng trong quân đội quốc gia. Ông là SVSQ trừ bị khóa đầu ở Nam Định. Sau nhiều lần bị từ chối, cách đây mấy năm ông được sở CA Hà Nội cho phép qua Mỹ thăm thân nhân.

 Trong buổi gặp gỡ anh em ở hàng hiên tòa soạn tuần báo Viettide (khi ấy còn ở đường Moran và là tòa soạn của tờ Việt Báo hiện nay), nhờ anh Đỗ Việt Anh thông báo tôi tìm tới góp mặt. Nếu trí nhớ của tôi không quá tệ thì bữa ấy có sự hiện diện của các anh Vũ Thư Hiên, NCT, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Việt Anh, Phạm Phú Minh, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Mai Khanh và một số anh em khác tôi không nhớ hết, nhà văn Nhật Tiến có mặt nhưng vì bận bên trong tòa soạn nên ít xuất hiện… Trên bàn có bia và đồ nhậu (gà vịt quay, đồ phá lấu, bánh mì).

  Tôi nhớ trong buổi gặp gỡ hôm ấy, KDV uống khá nhiều, gần như ông không ăn hoặc ăn rất ít. Ông kể lại đủ thứ chuyện: chuyện cùng với Phan Hữu Văn theo chân và chỉ đường vẽ lối cho mấy chuyên viên truyền hình người Pháp toan tính đột nhập trại Thanh Cẩm để phỏng vấn tù nhân Đoàn Viết Hoạt nhưng bất thành, chỉ lấy được ít hình quanh trại. Những pha đứng tim mà anh và Phan Hữu Văn (thời gian hai người được tự do đang ở Hà Nội) trải qua trong cuộc phiêu lưu đầy bất trắc ấy.

KDV cũng nói tới lý do ông kẹt lại Hà Nội năm 1954 rồi bị cộng sản tống vào nhà tù ngót 20 năm: vì chữ hiếu phải vâng lời song thân khi ấy mang ảo tưởng là cộng sản sẽ buông tha cho gia đình nhờ có công với kháng chiến (trước đây hai cụ đã đóng góp nhiều cho Mặt Trận Việt Minh). Nhưng các cụ đã lầm: chỉ ít lâu sau khi đất nước chia đôi, KDV bị tống giam và thân phụ ông bị đấu tố đến chết!

  Có lúc ông khóc ngất. Có lúc ông cất tiếng cười như ngây, như dại. Giữa giòng lệ KDV cao giọng chửi đổng những kẻ may mắn được thoát thân ra hải ngoại, được hưởng đủ thứ tự do thế mà lại manh tâm mon men tìm về làm tôi mọi cho một chế độ bạo tàn!

  Rồi ông đứng dậy cất giọng sang sảng ngâm thơ. Hết thơ Phạm Thái tới thơ NCT. Ngây ngất nhìn bóng dáng cao lớn của KDV, nghe ông ngâm thơ mà tôi như thấy thấp thoáng trước mắt, trong hồn, hình ảnh uy dũng mang vẻ man dại, hoang đường của một mẫu tráng sĩ thời xưa. Ông ngâm hết bài này đến bài khác, nhất là những trích đoạn ẩn giấu tâm trạng bi phẫn trong bài thơ dài có tên Đồng Lầy (4). Những vần thơ hào sảng như nằm sẵn trong ký ức cứ thế tuần tự trào ra. Có một lúc, NCT hích vào vai tôi nói nhỏ: trí nhớ thằng Vĩnh thật khiếp đảm! Anh có nhận ra bài nó vừa ngâm không? Nó nói của tôi mà chính tôi cũng không còn nhớ nữa.

  Ngày hôm sau, như đã ước hẹn trước, tôi tới nhà cựu trung tá Khanh thuộc binh chủng không quân đón KDV đi thăm một nhóm bạn bè, phần đông là những người chưa hề biết ông. Trong khi trao đổi, chuyện trò với anh em, ông tâm sự: “vợ tôi là người Công giáo, chúng tôi lấy nhau nhưng đạo ai nấy giữ. Tuy vậy, vì chiều vợ, tối tối tôi thường cầu kinh chung với bà và các con tôi.

Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha đến câu ‘…như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ là tôi khựng lại. Tội không muốn đọc tiếp. Không phải là người quá khích, tôi có thể tha bất cứ ai, riêng tụi cộng sản bất nhân đã làm tan nát gia đình tôi, tôi không thể nào tha được!”

  KDV cũng kể cho tôi và các bạn tôi nghe nhiều chi tiết về NCT trong những năm tháng ở tù chung, kể cả những gặp gỡ sau này vào những thời gian hai người được trả tự do. KDV cho biết, chính trong những thời khoảng ấy, ông được NCT đọc cho nghe những vần thơ được viết ra bằng máu lệ của anh, đến nỗi lâu ngày đã nhập tâm, cho đến nhiều năm sau ông vẫn còn nhớ.

  Trong dịp này, theo lời yêu cầu của KDV tôi đã tìm gặp thân nhân, bạn bè xin được một số kính lão, kính cận đủ thứ để tặng ông, vì theo ông, những cặp kính đáng vứt đi hoặc bi bỏ xó bên này nhưng lại rất cần cho bà con bên nhà phần đông là những người nghèo khổ không có khả năng mua kính mới. Tôi và nhóm bạn bè tôi cũng tặng anh một ngân khoản, giúp anh trang trải một phần những chi phí bắt buộc cho chuyến đi thăm thân nhân. Dịp Uyên Thao về thăm Việt Nam vài năm trước tôi cũng gửi mấy trăm để biếu người bạn mới này.

  Nhà văn Vũ Thư Hiên: Để khỏi phải kể lại những gì tôi được nghe từ chính cửa miệng VTH trong một lần gặp gỡ bên Pháp và nhiều lần ở Mỹ, tôi xin trích lại vài đoạn trọng tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của anh do Văn Nghệ xuất bản tại California, HK lần đầu năm 1997 (5).

 Trang 725 Đêm Giũa Ban Ngày (ĐGBN) giòng thứ 6 tính từ đầu trang:

  “Anh Nguyễn Chí Thiện, một tù nhân có thâm niên đáng kính, một nhà thơ được ưu ái trong tầng lớp trí thức của xã hội tù…”

 Trang 726 ĐGBN từ giòng thứ tư đến cuối và qua 25 giòng đầu trang 727:

 

Vũ Thư Hiên


 

“Nguyễn Chí Thiện làm nhiều thơ. Chiều chiều chúng tôi tụ họp nhau ở sau trại ngắm hoàng hôn, uống trà và nghe thơ. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Tôn Thất Tần…, kẻ đứng người ngồi trong ráng chiều bàng bạc của một vùng rừng núi âm u bắt đầu ngả sang màu tím, tôi nhớ tới bức tranh vẽ Những Người Tháng Chạp (6) trong cảnh lưu đày ở Sibir thời Nga Hoàng.

 Những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện không hợp với tạng tôi. Thơ của anh trần trụi, bỗ bã, nói thẳng vào vấn đề, mà tôi thì lại thích thơ gợi, thơ kích thích trí tưởng tượng, thứ thơ cho phép người đọc được tham gia thêm vào cái đã có sẵn trong bài thơ, câu thơ một chút tâm hồn mình. Nhưng cũng có bài của anh đọng lại trong trí nhớ:

 Không có chỗ cho con tàu trái đất
Tôi là người hành khách bơ vơ.
Lỡ chuyến, lầm ga, mất cắp, bây giờ
Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt,
Cái toa đen dành cho súc vật.

 Hoặc:

  Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ quê hương…
Còn tôi đây ngẩng đầu
nhìn nhện chăng tơ vướng
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương…
(7)

 Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn Chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau chúng là cặp mắt lồi ngơ ngác.

Bộ quần áo trại phát, dự tính cho người tù có chiều cao trung bình, quá cũn cỡn trên người anh, làm thò đôi cẳng chân khẳng khiu ra ngoài. Thiện không bao giờ đi dép, tứ thời anh diện đôi guốc mộc tự đẽo, làm anh cao thêm mấy phân nữa. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai vào bất cứ lúc nào.

Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác. Có vẻ lúc nào anh cũng ngơ ngác, cũng ngạc nhiên trước cuộc đời bụi bậm và uế tạp. Anh ghê tởm nó, nhưng cũng không có ý định dọn dẹp nó hay sửa chữa nó. Nói tóm lại anh chẳng gây sự với cán bộ trại giam. Nhưng đó là một người tù không thể bẻ gẫy. Tinh thần bất khuất trong những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.

 Có lần đi lao động về tôi thấy Nguyễn Chí Thiện đã bị khóa cánh tiên ngoài cổng trại. Trông anh như bộ xương người trong giờ cách trí –lồng ngực ưỡn ra nhìn rõ từng rẻ sườn. Nhìn thấy tôi Thiện mặt đỏ gay còn cố mỉm cười thay lời chào.

 Trình Hàng Vải thì thào với tôi:

- Chúng nó bắt được mấy bài thơ của Thiện.

 Những người tù số lẻ lặng lẽ đi ngang bạn mình đang bị hành hạ. Mặt họ đanh lại. Tôi nghĩ: chỉ cần nhìn thấy cảnh này chứ không cần nếm nó người dân cũng khó mà yêu được chế độ.

 Kiều Duy Vĩnh đánh giá cao cái ngoại lệ mà người tù chống cộng cực đoan dành cho tôi.

- Thiện nó tin anh lắm đấy! Mà cũng trọng anh lắm đấy! Nếu không nó chẳng đọc thơ cho anh nghe đâu…”

 Nói chuyện trực tiếp qua đường giây điện thoại với tác giả ĐGBN chiều Thứ Tư 01/10/2008, tôi được Vũ Thư Hiên xác nhận là những đoạn liên hệ tới NCT trong hồi ký, anh viết từ những năm 1993, 1994, tức là thời gian NCT còn ở trong nước chưa qua Hoa Kỳ. Theo tôi, đây là một sự kiện đáng chú ý.


Những trải nghiệm riêng

  Tám năm trời quen biết, tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với NCT trong nhiều sinh hoạt cộng đồng. Không phải chỉ ở quận Cam, mà còn ở nhiều nơi. Những lần cùng anh xuất hiện trong những cuộc họp báo, những cuộc phỏng vấn, những buổi hội luận trên các đài phát thanh, các chương trình truyền hình ở nam hoặc bắc California.

Những lần giới thiệu sách cho bản thân, cho những bằng hữu thân quen như tác giả Đỗ Mạnh Tri (Pháp) với các tác phẩm Hiện Tượng Nguyệt Biều - Di Sản mác-Xít Tại Việtnam; như nhà biên khảo Minh Võ (San Diego, HK) và các tác phẩm Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp - Sách Lược Xâm Lăng Của CS; hay tác giả Tường Lam (Đức quốc), Ngược Giòng Thới Gian; anh cũng đề tựa cuốn Ai Giết Hồ Chí Minh của Minh Võ…

  Qua những sinh hoạt này, tôi nhận ra nơi NCT:

* Một mẫu người có trí nhớ đặc biệt, óc nhận xét, phán đoán tinh tế, sắc bén.

* Một lối sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng với tha nhân.

* Một nhân cách khác thường: trọng điều nhân nghĩa hơn tiền bạc, dứt khoát chọn lối sống khắc khổ, tự chế như một nhà tu.

  Quan trọng hơn hết, nơi anh tôi bắt gặp một người có một tinh thần quốc gia không dời đổi, một lập trường chống cộng – nói chính xác hơn là chống cái ác – dứt khoát, kiên định. Có lần Đỗ Mạnh Tri nói với bạn bè anh: “đối với tôi, chỉ với Hoa Địa Ngục, Nguyễn Chí Thiện đã là một Monument, một Tượng Đài sống”. Riêng người viết những giòng này đã hơn một lần thú nhận với những người thân quen: cùng một đề tài vạch trần tội ác cộng sản, một tiếng nói của NCT nặng gấp trăm lần tiếng nói của tôi.

  Sau đây là vài dấu chứng cụ thể.

  Về nhân cách NCT: Chưa bao giờ tôi thấy anh thất hứa với bạn bè. Chưa lần nào anh tỏ ra là kẻ chuộng hư danh, ham tiền bạc. Dù cuộc sống đơn nghèo, đạm bạc – trước khi được hưởng tiền trợ cấp SSI dành cho những người trên 65 tuổi, anh sống bằng tiền nhuận bút của hai tác phẩm Hoa Địa NgụcHỏa Lò do nhà xuất bản Cành nam ở miền Đông chi trả (8) và trong ba năm ở Pháp do tổ chức IPW (International Parliament of Writers) đài thọ chi phí ăn ở – anh luôn khảng khái khước từ sự giúp đỡ của anh em, dù nhiều hay ít, kể cả trường hợp những tác giả nhờ anh đi đây đó giới thiệu sách và tỏ ý muốn biếu tặng anh một số tiền như một cách để cám ơn anh.

  Gần đây, vì Phan Nhật Nam có ý bán căn nhà nhỏ của anh trong khu mobilhome trên đường McFadden (nơi NCT đang ở chung), anh hỏi tôi xem có chỗ nào cho share phòng không, tôi tâm sự với một người bạn. Ngay sau đó người bạn này và chủ nhà vốn là người thân của anh mời tôi và NCT tới coi một căn hộ thật khang trang trên lầu một, với đầy đủ tiện nghi: phòng ngủ, bếp, phòng tiếp khách, trang bị đồ đạc tươm tất, sẵn sàng để dọn vào.

Trong một buổi ăn chiều hôm sau ở nhà hàng Bon Ami trên đường Euclid, trước mặt tôi và anh bạn, chủ nhân thẳng thắn ngỏ lời mời NCT đến ở vô điều kiện, không phải trả bất cứ chi phí nào, kể cả tiền nhà. Anh cám ơn và khất sẽ trả lời sau khi đi San Franciso, theo lời mời của tổ chức Pháp Luân Công, trở về. Nhưng khi ra xe, anh nói nhỏ với tôi: “vì không muốn làm buồn lòng một người có lòng tốt với mình, tôi chưa trả lời ngay. Nhưng trong thâm tâm tôi đã quyết định từ chối. Anh nghĩ coi, làm sao tôi có thể nhận một ân huệ lớn lao một cách khơi khơi như vậy được!”

  Lần anh giúp giới thiệu tác phẩm Di Sản Mác-Xít Tại Việt Nam, tác giả là Đỗ Mạnh Tri nhờ tôi chuyển biếu anh 300 MK, nhưng anh dứt khoát chối từ. Viện cớ là không có nhu cầu. Bị ép quá, anh nhận, nhưng ngay sau đó đã tặng lại cho nguyệt san DĐGD vào lúc tờ báo còn ở giai đoạn phôi thai. Lần anh giúp giới thiệu tác phẩm Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp và viết lời tựa cho cuốn Ai Giết Hồ Chí Minh trước đó của nhà biên khảo Minh Võ, anh cũng nhất định từ chối không nhận tiền, mặc dầu tôi và anh Minh Võ hết sức nài ép.

Trường hợp anh giới thiệu tác phẩm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại của tôi ở nam California ấn bản đầu năm 2005 và lần tái bản năm 2006 trên San Jose cũng tượng tự như thế. Rồi đến lần ông Bùi Hạnh Nghi, phu quân tá giả Tường Lam từ Đức quốc qua nhờ anh giới thiệu cuốn Ngược Giòng Thời Gian ở quận Cam và San Jose anh vẫn giữ nguyên tắc bất di dịch là một mực chối từ mọi thứ thù lao, mà theo lẽ công bằng anh có quyền nhận.

  Cuối cùng, tôi đành bịa ra vài lý do để gián tiếp giúp anh.

  Thứ nhất, đưa tiền nhờ anh chuyển biếu những nhà văn trong nước mà anh thường giúp đỡ (vì trong quá khứ tôi đã chứng kiến nhiều lần anh trao tiền tận tay cho nhà văn Vũ Thư Hiên, khi 200 khi 100 để nhờ chuyển về VN tặng những người bạn tù ngày xưa, trong khi tôi biết rõ bản thân anh lúc ấy cũng không dư giả gì.) Những dịp như vậy có lần anh nhận và cũng có lần anh từ chối với lý do vừa mới gửi rồi.

Thứ hai, khi nhà xuất bản Cành Nam tái bản cuốn Hoa Địa Ngục, tôi đã trao anh một số tiền mặt nói là để đặt mua trước mấy chục cuốn tặng bạn bè ở xa. Cách này thật ra cũng chỉ có giá trị tượng trưng vì thực ra sách của anh mỗi lần tái bản và giới thiệu đây đó đều được độc giả nhiệt tình chiếu cố không còn một cuốn.

Tôi còn nhớ hôm giới thiệu sách ở hội trường đài Little Sàigòn Radio, theo lời căn dặn trước của NCT, ông Nguyễn Ký, một trong những người tình nguyện giúp anh trong buổi sinh hoạt hôm ấy, đã gói sẵn số sách tôi đặt mua. Nhưng vào phút chót, khi thấy vẫn có người cần mà sách đã hết, tôi nói ông Ký mở ra để bán. Phần tôi sẽ chờ lấy đợt sau.

  Về khả năng và trí thông minh: Có nhiều cơ hội nói chuyện trực tiếp với NCT và qua những lần nghe anh phát biểu về nhiều lãnh vực, từ chính trị tới văn hóa, thi ca đông tây kim cổ (9), thấy anh quán triệt gần như tất cả mọi vấn đề, tôi không khỏi ngạc nhiên khi đối chiếu với tuổi tác và thời gian vướng vòng lao lý rất sớm của anh.

 * Về khả năng Pháp ngữ, tôi phải thành thật thú nhận là tôi không đủ tư cách để đưa ra nhận xét riêng. Nhưng dựa vào những gì nguyên luật sư kiêm nghị sĩ Nguyễn Văn Chức nói với tôi, tôi tin NCT là người có trình độ. Tôi thường tự hỏi: do đâu mà một người sinh năm 1939, bị đi tù rất sớm như NCT lại có được một khả năng hiểu biết về Pháp ngữ như thế?

Theo tôi phỏng đoán thì có lẽ nhờ trí thông minh, có năng khiếu về ngoại ngữ, dựa vào cái nền của những năm ở bậc tiểu, trung học và tổng cộng thời gian 27 năm ngồi tù giúp anh có cơ hội học hỏi qua sách vở và các bạn đồng tù, nên mới được như thế chăng? Trong tác phẩm Viết Về Bè Bạn, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có nói tới trường hợp nhà văn Dương Tường, một người ngồi trên ghế nhà trường không được bao lâu, tham gia kháng chiến, đi bộ đội từ thời niên thiếu, rày đây mai đó, nhưng vì hiếu học, chiếc ba lô trên vai lúc nào cũng đầy nhóc sách vở. Nhờ thế sau này không những Dương Tường nối tiếng là người viết và là nhà phê bình văn học có hạng mà còn là người thông thạo nhiều sinh ngữ.

Ông quen biết rất nhiều tác giả Âu Mỹ. Mỗi khi những vị này ghé qua Việt nam đều phải nhờ tới vai trò trung gian của ông. Tiết lộ của nhà văn họ Bùi giúp tôi lý giải một phần thắc mắc về trường hợp NCT.

  Trở lại những điều ông Nguyễn Văn Chức nói với tôi về NCT, có lúc tôi ngần ngại không muốn nhắc tới trong bài viết này, vì sợ do một căn nguyên nào đó sẽ bị phủ nhận. Nhưng tin rằng sự thật trước sau vẫn là sự thật, và hẳn luật sư Chức, dù trong hoàn cảnh nào, cũng chia sẻ một niềm tin như tôi về điều này, do đó tôi xin phép ghi lại vài lời, vẫn chỉ với mục tiêu duy nhất là trình bày những gì tôi biết về NCT mà thôi.

  Năm 1996, khi tôi viết xong tập biên khảo Một Thoáng Nhìn Về GHVN Qua Biểu Tượng Đức Gioan Phaolô II, tôi được ông Nguyễn Văn Chức viết Lời Tựa cho cuốn sách. Từ đấy chúng tôi thường liên lạc với nhau. Một hôm (tôi không nhớ đích xác năm nào), trong khi đàm đạo nhiều chuyện qua đường giây điện thoại viễn liên, luật sư Chức đề cập tới NCT. Ông cho hay đã có lần NCT ở chơi trong nhà ông cả tuần lễ.

Trong thời gian ấy, NCT lúc nào cũng quanh quẩn bên tủ sách của ông, trong đó hầu hết đều là sách tiếng Pháp và tiếng Anh, văn học, thi ca, chính trị, luật pháp, đủ loại. Ban đầu ông hoài nghi trình độ đọc và hiểu Pháp ngữ của NCT, vì thế nhân một lúc thuận tiện ông gợi lại tên và tác phẩm của một vài tác giả Pháp để dò ý NCT. Và qua cuộc trao đổi hôm ấy ông nhìn nhận là NCT có một trình độ khá vững về Pháp ngữ cũng như am tường về nhiều tác giả, tác phẩm thời danh của Pháp. (10)

  * Về trí nhớ và óc phân tích, tổng hợp: Qua những lần cùng NCT lên tiếng trong những buổi hội luận hoặc phỏng vấn trên TV, Radio, hoặc những lần nghe anh nói chuyện đây đó, điều tôi hết sức cảm phục là trí nhớ đặc biệt và óc phân tích, tổng hợp sắc bén, nhanh nhạy của anh. Ký ức của NCT không chỉ giới hạn trong hàng trăm bài thơ của anh, hay của một vài tác giả nào đó mà anh đã nhập tâm từ thuở nào.

Nó còn bộc lộ cả trong những trích dẫn bất chợt về câu nói của một văn nhân, nghệ sĩ, một chính trị gia, một nhà khoa học đông tây, kim cổ nào đó khi anh cần minh chứng hoặc làm sáng lên ý tưởng của một vấn đề anh vừa đề cập. Trong những lần NCT được mời thuyết trình, tôi chưa bao giờ thấy anh phải viết ra giấy, dù chỉ là một dàn bài sơ lược.

  NCT có một lối nói dễ dàng, giản dị, không cầu kỳ, làm dáng. Anh luôn tỏ ra là người biết tôn trọng đối tượng anh nói với, và vì thế anh được cử tọa, dù thuộc thành phần thượng lưu, trí thức hay bình dân quý mến và nồng nhiệt đón nhận. Một phần quan trọng, theo nhận định của tôi, là mỗi khi đến với cử tọa, với khán thính giả, anh đến bằng tấm lòng, bằng trái tim chứ không chỉ bằng ngôn ngữ. Những gì anh nói ra xuất phát từ tấm lòng chân thành, ngay thẳng của mình.

  * Về lập trường chính trị: Nguyễn Chí Thiện không phải là một chính trị gia. Anh không xếp hàng trong bất cứ đảng phái chính trị nào. Nhưng anh là người có một lập trường chính trị rõ rệt, dứt khoát, không dời đổi. Đó là lập trường quốc gia, chống lại mọi thế lức gian dối, độc ác mà chủ nghĩa nô bộc cộng sản được anh xếp lên hàng đầu. Trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên xếp NCT vào loại “chống cộng cực đoan”. Ở một khía cạnh nào đó, nhận xét này không sai. Nơi cuối trang 725 và đầu trang 726, nhà văn họ Vũ viết:

  “– Nạn đói là kinh niên đối với một nước như Trung Quốc –tôi nói với Thiện-. Không phải những người cộng sản là nguyên nhân duy nhất. Thời Tưởng, tôi biết, nạn đói còn xảy ra nhiều hơn. Hãy nhớ lại bọn Tàu phù sang ta năm 1945. Không phải chỉ đói, mà còn man rợ nữa…

 Thiện trợn mắt. Anh không thích một câu đế ngang xương như thế. Với anh, cộng sản là xấu, là tồi tệ, là kinh tởm, chấm hết. Không một cái gì của cộng sản có thể là tốt.

 Cái cách tôi đánh đồng loại chính quyền Tưởng Giới Thạch với chính quyền Mao Trạch Đông như thế là không được. Không hiểu sao anh vẫn chấp nhận tôi…”

 Có lẽ chỉ với hai tác phẩm Hoa Địa Ngục, Hỏa Lò và với những chứng từ trên đây của nhà văn Vũ Thư Hiên đã quá đủ. Tôi không cần phải nhắc lại những gì chính tai tôi được nghe trong những buổi thuyết trình, hội luận, phỏng vấn ở nhiều nơi mà NCT là diễn giả chính, để chứng minh lập trường quyết liệt và dứt khoát của anh đối với chủ nghĩa độc tài chuyên chính cộng sản. Ngay lúc đang ở trong nhà tù cộng sản mà NCT đã như thế thì khi được tháo cũi, xổ lồng, anh có bôn ba đây đó để vạch trần bộ mặt thật nhơ nhớp, phản bội đất nước, phản bội dân tộc của chế độ cộng sản thì chỉ là chuyện đương nhiên, không cần tranh cãi.

  Nhắc tới nguồn dư luận cho rằng NCT đang ở hải ngoại là NCT “giả” do cộng sản dựng lên để phá đám, một người bạn nói đùa với tôi: nếu đúng như vậy thì tôi mong cộng đồng mình ở ngoài này được đảng và nhà nước chiếu cố cung cấp thêm cho vài ba chục hoặc 100 NCT khác nữa. Dù là câu nói đùa, tự thâm tâm tôi chia sẻ ước mong này của anh bạn.


Vài giòng trước khi kết thúc

Tác giả

Trần Phong Vũ
Nguồn: Ảnh Tần Minh Tâm


 

Trên đây là tất cả những gì tôi biết về con ngưới, tác phong, tư cách và lập trường của nhà thơ NCT. Cái biết ấy căn cứ vào những gì chính tôi nghe được, đọc được qua những chứng từ của những nhân vật hiện còn sống ở trong nước hoặc hải ngoại, trong đó có những chi tiết trích dẫn nguyên văn trong tập hồi ký đồ sộ của nhà văn Vũ Thư Hiên: tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày.

  Tôi không che giấu tình cảm kính trọng và quý mến của tôi đối với Nguyễn Chí Thiện.

  Vì nhân cách của anh. Nhất là vì ở anh, tôi tìm được một mẫu người đồng tâm, đồng chí. Cả anh và tôi đều không trực tiếp làm chính trị, không có tham vọng chính trị, nhưng chúng tôi có chung một ý thức và quan điểm chính trị: ngày nào còn sống, còn thở, chúng tôi quyết tâm tiếp tục dấn thân tiếp tay với những cá nhân, những tập thể đang đấu tranh tiêu diệt mọi thế lực gian dối, độc ác để xây dựng một một thể chế dân chủ, tư do, trong đó nhân quyền, nhân phẩm của 84 triệu đồng bào phải được triệt để tôn trọng trên quê hương Việt Nam khốn khó.

Nam California, ngày 02/10/2008

 

 Những gì tôi “biết thêm”
về Nguyễn Chí Thiện

Trần Phong Vũ

 Vài lời thưa trước:

 Cũng như bài viết đã đăng trên ĐCV.net trong những ngày thượng tuần tháng 10-2008 và sau đó được nhiều nhật báo, tuần báo và các tạp chí ở nam, bắc California, ở DC và nhiều nơi khác đăng tải, trong bài này, người viết vẫn giữ nguyên ý định là tuyệt đối không bài bác, tranh luận với bất cứ ai và cũng không có tham vọng phủ nhận hay thuyết phục những người có quan điểm khác về con ngươi, lập trường, nhân cách hoặc những gì liên quan tới nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (NCT). 

 Nội dung những điều được trình bày tiếp lần này vẫn chỉ giới hạn trong những gì tôi biết thêm về tác giả Hoa Địa Ngục. Ở phần nói về những trải nghiệm riêng đối với NCT trong bài viết trước, tôi đã công khai bày tỏ tình cảm quý mến và cảm phục mà từ lâu tôi đã dành cho anh. Cảm tình ấy lúc này vẫn không thay đổi. Vì thế, tôi không ngần ngại nhận lời giúp anh làm người điều hợp cuộc gặp gỡ báo chí và đồng hương ở nam California hôm Thứ Bảy 25-10-2008[1], dù biết trước những rủi ro, bất trắc và những hệ lụy có thể đem đến cho tôi.

 Giản dị vì tôi vẫn xác tín:

* NCT, tù nhân lương tâm trong hơn một phần tư thế kỷ trong nhà tù CsVN, với NCT đang sống và sinh hoạt giữa cộng đồng VN tị nạn ở hải ngoại là một.

 * Thi phẩm Hoa Địa Ngục I (còn được mệnh danh là Vô Đề hoặc có những tên khác như Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam hay Tiếng Vọng Từ Đáy Vực khi xuất hiện ở hải ngoại đầu thập niên 80) chính là đứa con tinh thần của NCT “duy nhất”, người đã chấp nhận mọi hệ quả thương đau, vượt hàng rào an ninh CS đột nhập tòa đại sứ Anh năm 1979 để gửi gấm những vần thơ bằng máu và nước mắt của mình ra phổ biến ở nước ngoài.

 Cũng cần nói thêm, đây là quan điểm riêng của tôi, không liên hệ tới bất cứ ai, tổ chức nào. Sau đây là vài chi tiết tôi biết thêm về NCT.

 

NCT “chết” năm 1987?

Tác phẩm Cruel Avril của Olivier Todd do nhà xuất bản Robert Laffont, Paris ấn hành lần đầu năm 1987 và tái bản năm 2005, viết rằng “NCT đã chết trong tù mùa hè năm 1987”. Chi tiết này củng cố nghi vấn NCT hiện nay là NCT “giả” và NCT “thật” không còn hiện hữu trong đời! Vì biết giáo sư Trần Văn Tòng[2] hiện ở Paris là người có nhiều liên hệ thân thiết với nhà văn Olivier Todd, trung tuần tháng 10 vừa qua, tôi đã liên lạc để nhờ ông phối kiểm lại với tác giả Cruel Avril chi tiết kể trên.

 Trong email hồi âm ngày 14-10-08, từ thủ đô Pháp quốc, giáo sư Tòng cho biết:

 “…2) Về vấn đề Olivier Todd viết trong tác phẩm "Cruel Avril" (NXB Robert Laffont, 1987) là Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù vào mùa hè 1987 (Cruel Avril trang 418) thì sau đây là những chi tiết cần biết :

a) Khi Olivier Todd chuẩn bị viết quyển "Cruel Avril" tôi có giới thiệu cho anh ký giả Lâm Ngọc Loan để giúp anh thu thập và kiểm chứng các tài liệu bằng Việt ngữ, cùng thực hiện các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt. Tin Nguyễn Chí Thiện chết trong tù năm 1987 là do Lâm Ngọc Loan lấy nguồn từ tạp chí "Quê Mẹ" của ông Võ Văn Ái và chuyển lại cho Olivier Todd.

b) Khi Nguyễn Chí Thiện đến Paris lần đầu, Oliver Todd và tôi có tham dự buổi họp mặt với Nguyễn Chí Thiện do chùa Khánh Anh tổ chức. Và Olivier Todd có phát biểu trong dịp nầy một cách rất nồng hậu về Nguyễn Chí Thiện trước cử tọa.

c) Dĩ nhiên Olivier Todd ý thức nhu cầu cần phải sửa chữa đoạn viết về Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù năm 1987 trong quyển "Cruel Avril". Khi chuẩn bị ấn bản năm 2005 của tác phẩm, để đánh dấu 30 năm Sàigòn thất thủ, Olivier Todd có nhờ tôi sắp xếp việc hiệu chính và sửa chữa các điểm sai trong tác phẩm. Trong dịp nầy chúng tôi có nêu lên việc sửa chữa đoạn về Nguyễn Chí Thiện. Sau đó vì bận công việc phải xa nước Pháp một thời gian khá lâu, nên tôi không thể theo dõi ấn bản 2005 của quyển Cruel Avril. Và rất tiếc cái đoạn nói vế Nguyễn Chí Thiện đã chết năm 1987 vẫn không được sửa chữa.

Hiện Olivier Todd bận công việc không có mặt ở Paris. Nhưng tôi sẽ liên lạc với anh, và chắc chắn anh sẽ làm những điều cần thiết để đính chính vế cái tin Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù năm 1987”. (Email của giáo sư Trần Văn Tòng: tranvantong@yahoo.fr)

 

Trong cuộc gặp gỡ báo chí và đồng hương tại khách sạn Ramada chiều Thứ Bảy 25-10-08, NCT đã công bố nội dung lá thư nguyên văn Pháp ngữ của tác giả Cruel Avril gửi anh ngày 18-10-2008 kèm phần chuyển ngữ. Sau đây là vài trích đoạn trong thư của nhà văn Olivier Todd:

 “… một sai lầm ( trang 418) trong quyển sách «Cruel Avril» của tôi (Nhà Xuất Bản Robert Laffont, Paris 1987). Tôi viết là ông đã chết trong tù vào mùa hè 1987. Tin tức sai lầm nầy do một cộng tác viên chuyển đến cho tôi. Cô ấy đã lấy tin đó trong một bài báo của tập san Quê Mẹ”.(une erreur (page 418) de mon livre Cruel Avril (Edition Robert Laffont, Paris 1987). J’écrivais que vous étiez mort en prison en été 1987. Cette fausse information m’a été communiquée par une collaboratrice. Elle l’a tenue d’un article de la revue Quê Me).

 

“Tôi rất tiếc đã không sửa chữa sai lầm của tôi trong ấn bản 2005 của quyển ‘Cruel Avril’. Tôi xin thành thật cáo lỗi cùng ông – và hân hoan chúc tụng ông bởi vì ông vẫn còn sống đây và vẫn tiếp tục tranh đấu. Bạn tôi, Trần Văn Tòng, anh của Bá, có mặt trong buổi gặp gỡ của chúng ta vào tháng 5 năm 1996. Thân mến và xin phép hẹn ông ‘ngày mai ở Sàigòn!’» (Je regrette de ne pas avoir corrigé mon erreur dans l’édition de 2005 de mon livre ‘Cruel Avril’. Je vous présente mes sincères excuses – et toutes mes félicitations puisque vous êtes en vie et que vous vous battez. Mon ami Tran Van Tong, frère de Ba, était présent à notre rencontre de mai 1996. Mes amitiés et si vous le permettez : ‘demain à Saigon!’)

 

Được biết thư này do GS Trần Văn Tòng chuyển cho NCT (coi Email của GS Tòng trong phần trích đoạn điện thư của ông gửi cho tôi).

 

Vấn đề so sánh “tự dạng” (nét chữ viết)

 Là nạn nhân của một chủ nghĩa độc tài, bạo ngược và gian dối, cũng như đa số đồng hương tị nạn, trong những năm đầu khi NCT mới qua Mỹ, nghe những lời đồn đại về chuyện NCT “thật”, NCT “giả” và ai thực sự là tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục I, cá nhân tôi không khỏi phân tâm. Rồi từ phân tâm trở thành nghi vấn.

Nhưng khi được anh bạn Nguyễn Sỹ Hưng, người cùng làm việc chung với tôi trong nhật báo Sóng Thần ở Sàigòn trước tháng 4-1975 cho hay: Ngay từ cuối năm 1995, thời gian NCT mới qua Mỹ và trong cộng đồng tị nạn đang dấy lên nguồn dư luận “thật, giả” về nhân vật này, chính anh đã nhờ văn phòng của chuyên gia Dorothy Brinkerhoff (Master Certified Graphoanalyst) ở Long Beach làm một cuộc giảo nghiệm tự dạng giữa thủ bút lá thư Pháp ngữ kèm bản thảo thi tập Vô Đề (Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, Hoa Địa Ngục I) được đưa vào tòa đại sứ Anh ở Hànội năm 1979 và hai trang viết tay khác (a) trang đầu bài thơ Đồng Lầy (b) phần kết lá thư viết từ Virginia ngày 07-11-2005 của NCT, một phần nghi vấn của tôi đã được giải tỏa.

Chuyên viên giảo nghiệm kết luận: tuồng chữ của tất cả những văn kiện trên đều do MỘT NGƯỜI viết. (Anh Hưng đã gửi cho NCT bản giảo nghiệm này)

 Địa chỉ cùa chuyên gia Dorothy Brinderhoff:

4316 Boyar Avenue
Long Beach, CA 90807
ĐT (310) 427-2005

 Trong cuộc tiếp xúc với báo giới và đồng hương hôm 25-10, anh Nguyễn Sỹ Hưng đã được mời lên làm chứng sự kiện trên đây. Dịp này, trước đại diện các cơ quan truyền thông Việt ngữ và đông đảo đồng hương, ngoài bản của anh Hưng, NCT cũng công bố kết quả cuộc giáo nghiệm tự dạng thứ hai do chính anh mới thực hiện hôm 15-10-08 tại văn phòng A and M Matley (Examiner of Documents & Handwriting) có trụ sở ở San Francisco, CA Hoa Kỳ.

Những tài liệu để giảo nghiệm gổm:
(1) thủ bút lá thư bằng Pháp ngữ kèm bản thảo thi phẩm Hoa Địa Ngục I được đưa vào tỏa đại sứ Anh năm 1979
2) thủ bút trang đầu bài thơ Đồng Lầy
(3) thủ bút lá thư NCT viết gửi giáo sư Nguyễn Ngọc Bích ngày 06-12-1995 và
(4) một trang thủ bút bằng Anh ngữ của NCT giải thích những thuật ngữ dùng trong nhà tù CsVN.

 Bản kết quả giảo nghiệm dài hơn 5 trang trình bày chi tiết phương phảp thực hiện với lời kết luận: sẵn sàng làm chứng trước tòa của chuyên gia giảo nghiệm tự dạng Marcel B. Matley.

 Địa chỉ của A and M. Matley:

Marcel B. Matley
Board Certified, Nade
Publications. Seminars

www.handwritingexpertsofcalifornia.com

3092 Army Street CA 94110
Post Office Box 882401
San Francisco, CA 94188
ĐT: (415) 753-2832
Fax: (415) 753-3346
Toll Free: 1-800-367-8403
E-Mail:
MMATLEY@AOL.COM

 

Vấn đề so sánh “diện dạng”
(hình dạng khuôn mặt)

 Cũng trong cuộc gặp gỡ báo giới và đồng hương hôm Thứ Bảy 25-10-08, NCT còn cung cấp cho đại diện các cơ quan truyền thông Việt ngữ trong cộng đồng hai tài liệu giảo nghiệm về diện dạng của anh bởi văn phòng Stutchman Forensic Laboratory (Audio & Video Forensics. Forensic Photography) do Gregg M. Stutchman và Stephen C. Buller đứng tên thực hiện trong hai thời điểm: 29 tháng 6 năm 2006 và 03 tháng 8 năm 2006. Việc giảo nghiệm dựa trên
(1) tấm hình đen trắng chụp anh thời trai trẻ,
(2) hình chụp lúc anh ở tù CS năm 1991 (sau khi NCT qua Mỹ, tấm hình này được dùng làm bìa cuốn Hạt Máu Thơ) và
(3) một số hình chụp trong thời gian NCT đã ra hải ngoại. Những tấm hình này được kèm theo bản giảo nghiệm diện dạng, và cũng như các bản giảo nghiệm tự dạng, tất cả được sao ra để trong tập hồ sơ phổ biến tới báo giới .

 Nội dung cả hai bản giáo nghiệm đều đưa tới kết luận chung là tất cả những tấm hình này chứng tỏ được chụp từ MỘT NGƯỜI, tức là NCT ngày nay.

 Địa chỉ Stutchman Forensic Laboratory:
421 Walnut Street, Suite 120
Napa, CA 94559
ĐT: (707) 257-0828
FAX: (707) 257-3240

www.stutchmanforensic.com
Email: stutchman@earthlink.net

 

Quý đồng hương nào muốn có để tham khảo có thể liên lạc thẳng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ở địa chỉ:

Nguyễn Chí Thiện
9501 Oasis Avenue
Garden Grove, CA 92844

 

“Biết” để “cảm thông” và
cùng nhau bước tới.

 Trong bài Nghĩ Về Nguyễn Chí Thiện được đưa lên DCV.net đầu tháng 10-2008, tôi đã được anh bạn Nguyễn Thanh Hùng[3] chỉ cho “biết” quê hương bản quán NCT là làng Thượng Thọ, đồng hương với anh bạn, và là em ruột cựu trung tá an ninh QLVNCH Nguyễn Công Giân[4]. Người viết cũng trực tiếp được gặp gỡ một số bạn đồng tù thân thiết một thời của NCT như các ông Nguyễn Ký[5], Kiều Duy Vĩnh[6], Linh mục Nguyễn Viết C.[7].

Nhờ thế tôi may mắn có được một số dữ kiện cụ thể liên hệ, gắn bó với người thật (NCT) và việc thật (những bài thơ tù do NCT sáng tác và âm thầm, kín đáo trao đổi, ngâm nga với các bạn tù của anh) để “biết” và hiểu NCT hơn. Một cách gián tiếp, xuyên qua tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên[8] và tác phẩm Con Chiên Lạc Bầy Của Chúa của tác giả Trần Tự[9] cũng cung ứng cho tôi một số hiểu biết về khả năng và nhân cách của NCT trong đời thường hay trong cảnh tù ngục.

Lá thư gửi ra hải ngoại gần đây của linh mục Phan Văn Lợi[10] và những dịp nói chuyện qua đường giây điện thoại viễn liên với cha Nguyễn Văn Lý, thời gian ngài chưa bị tù trong phiên tòa bịt miệng, giúp tôi xác tín thêm những gì tôi đã thấy, đã biết về anh.

Dù vậy, tôi rất hiểu và thông cảm những băn khoăn, nghi ngại của một số những anh chị em đồng hương còn bị vương mắc bởi những nghi vấn về NCT trước những nguồn dư luận được đổi thay, điều chỉnh, nâng cấp từng ngày[11]. Giản dị vì, như đã nói ở trên, chính bản thân tôi có lúc cũng không khỏi phân tâm, ngờ vực!

Sau khi nghi vấn NCT “thật”, NCT “giả” và những cái đuôi nối dài bất tận của nó không còn sức thuyết phục nữa, tuồng như lúc này thiểu số những thành phần quyết tâm đốn ngã NCT tạm ngừng lại ở phán quyết (không biết đã là phán quyết cuối cùng chưa?): cha đẻ của thi phẩm Hoa Địa Ngục (tức thi phẩm Vô Đề, Bản Chúc Thư…, Tiếng Vọng…) không phải là NCT mà là một tù nhân khét tiếng nào khác đã bị CsVN thủ tiêu! Phán quyết này dẫn tới hệ luận: NCT là kẻ đạo văn!

Từ đấy nảy sinh điều gọi là “một vụ án văn học lớn nhất thế kỷ”! Ghê gớm hơn nữa là người bị lên án trước công luận không chỉ giới hạn là kẻ “cầm nhầm” thơ văn người khác, mà còn là một tên tội đồ của dân tộc, một thứ gián điệp do cộng sản đào tạo và đạo diễn để tìm cách đột nhập lãnh thổ xứ Cờ Hoa với âm mưu khuynh đảo mang tính quốc tế –một tội danh có khả năng khiến kẻ được gán ghép có thể bị trục xuất, bị ngồi tù hoặc tệ hơn là lên ghế điện!

 Dưới đây là công trình ráp nối, đúc kết của một người bạn gửi lại cho tôi để minh họa về những suy diễn chính anh nghe, đọc được đây đó nhằm lý giải luận cứ cho rằng thi phẩm Hoa Địa Ngục I là của người khác, không phải của NCT:

 … Sau khi thủ tiêu tác giả “chính hiệu” của thi tập Vô Đề, đảng và nhà nước CsVN tìm một thiếu niên có tên NCT nhốt vào tù nhiều phen, tổng cộng 27 năm; ngày ngày buộc phải học thuộc lòng mấy trăm bài thơ đào cha bới mẹ “Bác” và “Đảng”; phải tự tay chép lại từ bài đầu đến bài chót, lâu lâu hé ra cho các bạn đồng tù cỡ KDV, NK, VTH, LM/NVC nghe chơi vài bài -hẳn là với dụng ý đề phòng sau này có người làm chứng cho chắc ăn (!?)-; lại phải học tiếng Pháp để viết một lá thư, rồi đúng vào giờ N trong một ngày đẹp trời năm 1979, nhân thời gian được tạm trả tự do, tìm cách đột nhập tòa đại sứ Anh quốc ở Hànội trao tận tay thi tập kèm lá thư cho một nhân viên sứ quán.


Và dĩ nhiên khi vừa ra khỏi hàng rào sứ quán lại bị cho vào nằm nhà đá hơn 10 năm sau đó, chờ đúng ngày đúng giờ đảng đã ấn định, được nhập cảnh Mỹ để… làm gián điệp (!), không chỉ là gián điệp của Hànội mà còn là của Bắc Kinh!

 

Bị hớp hồn vào những ngõ ngách, tình tiết, lớp lang của câu chuyện mang nội dung gay cấn, giật gân kiểu Z28 trên đây, có lúc người viết những giòng này tưởng chừng cũng sa đà vào tình trạng hoang mang, hoài nghi bất định. Hiện tượng này có thể do tình trạng suy thoái về tâm sinh lý của một người đã luống tuổi. Cũng có thể vì tinh thần chống cộng quá cao, quá hăng say mà ra chăng. Nhưng vẫn còn may là nếu những người già có những nhược điểm như mắt mờ, chân chậm, trí nhớ lãng đãng như khói mây, thì cũng còn có cái ưu điểm là thận trọng, không còn nóng vội như thời trai trẻ.

 Nhờ thế, sau những phút giây lạc lòng, bị hớp hồn đắm đuối vào khoảng trống của vô thức, người viết bài này vẫn còn đủ tỉnh táo để suy đi tính lại. Từ đấy những câu hỏi bất chợt nảy sinh:

 - Câu chuyện mang tính giả tưởng trên đây có thực không? Nếu thực thì khổ công làm như vậy đảng và nhà nước CsVN được gì và mất gì?

 - Nếu quả đúng là NCT đã “cầm nhầm” thi phẩm Hoa Địa Ngục thì ai (hoặc những ai) có đủ tư cách và thẩm quyền nhờ công luận (kể cả công lý) giúp cho “châu về hiệp phố”, đưa kẻ đạo văn (nhất là đạo văn không phải chỉ để đánh bóng mình mà còn để thi hành mưu toan làm gián điệp) vào vị trí mà luật pháp xứ sở này dành cho đương sự?

 Từ những câu hỏi trên đây, lá thư của cựu thẩm phán Nguyễn Cần (có bút danh quen thuộc là Lữ Giang và Tú Gàn) được công bố trên NET gần đây để trả lời những vấn nạn do ông Trần Văn Hòa nêu ra, đã củng cố cho những điều tôi biếttin về NCT.

 Ngoài những chi tiết liên quan tới vấn đề giảo nghiệm tự dạng, hai trong 4 câu trả lời trong thư của anh khiến tôi chú ý. Xin được chép lại nguyên văn sau đây:

 Trong câu 1, cựu thẩm phán Nguyễn Cần viết:

 “1.- Trên nguyên tắc, một khi Nguyễn Chí Thiện xuất trình tập thơ Vô Đề và xác nhận tập thơ đó là của ông, sự xác nhận đó có giá trị cho đến khi có phản chứng. Người nào muốn phủ nhận sự xác nhận đó, có trách nhiệm phải đưa phản chứng

 

Và trong câu 4, anh viết:

“4.- Hậu quả pháp lý: Nếu quả thật có một phương pháp nào đó có thể xác định Nguyễn Chí Thiện không phải là tác giả của tập thơ Vô Đề, chính tác giả của tập thơ đó mới có quyền đòi Nguyễn Chí Thiện chịu trách nhiệm dân sự trước pháp luật.

(Những đoạn tô đậm do người viết)

  Cá nhân tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm và cách lý luận trên đây của tác giả lá thư. Nó giúp tôi xác tín thêm những gì mình biết về NCT

  Có lần, trong lúc trà dư tửu hậu, một anh bạn thân nửa đùa nửa thật nói với tôi:

  “Không biết ngoài tâm bút Niềm Đau Của Huế (NĐCH), trường ca Mùa Hợp Tấu, hồi còn ở trong nước ông có làm thơ viết văn nhiều không hay chỉ chuyên viết sách giáo khoa, bình luận, tham luận chính trị, thời sự trên báo chí, đài phát thanh? Nhưng căn cứ vào sự kiên: trong số 8 tác phẩm của ông xuất bản ở ngoài này có tới 5 cuốn biên khảo hoặc suy tư mang tính tôn giáo, nên nếu bây giờ có một nhân vật nào đó khơi khơi tuyên bố tâm bút NĐCH là của y rồi ngang nhiên ấn hành ở đây thì tôi đố ông có cách nào để làm sáng tỏ trước công luận?

Đấy là chưa kể là ông sẽ lý giải ra sao cho xuôi nếu có người nêu câu hỏi là xưa nay đọc ông, người ta chỉ thấy những bài phân tích, nhận định với những lý luận khô cứng, làm gì có khả năng viết một tác phẩm vừa bóng bẩy, lãng mạn, vừa sâu lắng cuốn hút người đọc như tác phẩm NĐCH?”

  Nghe người bạn nêu lên câu hỏi mang tính giả tưởng ứng vào trường hợp chính bản thân mình, ban đầu tôi hết sức ngỡ ngàng, không khỏi liên tưởng tới trường hợp NCT và hoàn cảnh éo le của anh. Nhưng khi đọc luận cứ của cựu thẩm phán Nguyễn Cần, tôi chợt hiểu ra vấn đề.

Nếu quả thật có chuyện lạ đời xảy ra cho tôi như lời anh bạn, thì cho dù hiện không còn giữ được bản thảo hoặc bản in cuốn NĐCH trong tay những tôi vẫn có rất nhiểu phương cách để chứng minh tác phẩm ấy là của tôi. Trước hết và trên hết: đấy là sự thật vì tôi vẫn còn hiện hữu bằng xương bằng thịt nơi đây. Và sự thật này còn được nhiều người làm chứng: nữ sĩ Trung Dương và nhà văn Uyên Thao, chủ nhiệm và chủ bút nhật báo Sóng Thần ở Sàigòn trước tháng 4-75.

Ngoài ra còn có nhiều nhân chứng khác như các ký giả Vũ Thanh Thủy, Dương Phục, Lê Thiệp, Duy Đăng, Nguyễn Tuyển, Thiên Ân, Lê Phú Nhận, Vũ Ánh, bình luận gia Lý Đại Nguyên (tất cả đều đang định cư tại Mỹ). Bởi vì trước khi được in thành sách vào những ngày Sàigòn náo động cuối năm 1974, đầu năm 1975, tâm bút NĐCH đã được đăng hàng ngày trên nhật báo Sóng Thần suốt thời gian gần một năm tôi làm việc tại đài phát thanh Huế (ngay sau biến động Mùa Hè Đỏ Lửa 1972).

  Ứng dụng vào trường hợp khúc mắc của NCT và thi phẩm Hoa Địa Ngục I (Bản Chúc Thư…, Tiếng Vọng…, Vô Đề), mọi thắc mắc còn lại nơi tôi đều được giải tỏa. Theo cách lý giải của nguyên thẩm phán Nguyễn Cần thì chỉ có nhân vật tự xưng mình là tác giả của thi phẩm này (hoặc vợ con, thân nhân đương sự, nếu đương sự đã qua đời hoặc thất tung) mới có khả năng và thẩm quyền đưa ra những phản biện (dĩ nhiên phải là những phản biện khả tín) để “lật mặt nạ những khúc mắc, gian dối” của sự việc, nếu có, và để trả lại công bằng, sự thật cho vấn nạn được đặt ra lâu nay và để bảo toàn không khí an vui, đoàn kết trong cộng đồng tị nạn để mọi người cùng nắm tay nhau đi tới trong nỗ lực góp phần vào cuộc đấu tranh giải thể chế độ bạo tàn cộng sản trên quê hương.

Trái lại, sẽ chỉ là những tố cáo vu vơ có khả năng dẫn tới những hệ lụy khôn lường cho chính những thành phần tung tin thất thiệt vì đã xúc phạm tới phẩm giá, danh dự và sự an toàn đời sống của nạn nhân bị vu cáo. Đấy là chưa nói tới những hệ quả tại hại cho những mục tiêu chung của đồng bào tị nạn.

  Trong khi suy tư để viết ra những điều biết thêm về NCT, tôi thường đẩy trí tưởng tượng của mình đi xa hơn, mong tìm được giải đáp cho câu hỏi là nhà nước và đảng CsVN đã “được” và “mất” những gì nếu quả thật như lời đồn đoán của một vài nguồn dư luận là họ đã bó nhiều công sức, tâm trí và thời gian “nặn ra” một NCT nhằm tiến hành một điệp vụ ghê gớm nào đó?

  Câu trả lời tìm thấy là họ đã mất quá nhiều và chẳng gặt hái được gì hết. Cho nên tất cả tuồng như chỉ là “giả vấn đề” mà thôi, khó có chuyện thật như thế xảy ra.

  Suy nghĩ một cách thuận lý thì nếu quả thật có một tác giả “thứ thiệt” nào đó có thể gây nên những nguy hại cho chế độ đến nỗi đảng và nhà nước phải thủ tiêu (nhất là khi cái đầu mối tạo nên những nguy hại này lại là những bài thơ bốc lửa đương sự đã viết ra) thì hà cớ gì họ không thủ tiêu luôn toàn bộ tập thơ đi cho gọn mà lại tạo cơ hội cho nó tung bay khắp bốn phương trời hải ngoại, trở thành thứ vũ khí vạn năng đánh thẳng vào đầu não của chế độ như trong suốt hơn một thập niên qua?

Hẳn sẽ có phản biện: đối phương muốn dùng chính “của độc” này để củng cố uy tín cho NCT ngõ hầu đương sự dễ dàng thực hiện mưu sâu làm “gián điệp” –không phải chỉ cho Hànội mà cho cả Bắc Kinh, cũng không phải chỉ nhắm lũng đoạn cộng đồng người Việt ở hải ngoại mà còn là cả Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ!

  Từ vấn nạn trên, ngay lập tức một số câu hỏi tiếp theo lại được đặt ra:

  * Trong suốt 13 năm qua, NCT đã nói gì và đã làm gì?

* Cũng trong thời khoảng ấy, CS, nói chung và CsVN, nói riêng, đã thủ đắc những lợi lộc nào qua việc nặn ra một NCT để đưa ra hải ngoại?

Dựa vào những hiểu biết của riêng mình, căn cứ vào chứng từ của bè bạn và đồng hương khắp nơi và nhất là nhân danh một thành phần trong cộng đồng tị nạn Việt Nam không chấp nhận chế độ cộng sản, tôi khẳng quyết rằng: bất cứ ở đâu và trong tường hợp nào, từ hành vi tới ngôn ngữ, NCT luôn chứng tỏ là kẻ thù bất cộng đái thiên với chủ nghĩa cộng sản, với cá nhân kẻ tội đồ của dân tộc là Hồ Chí Minh, với tập đoàn lãnh đạo ăn trên ngồi trước hiện tại ở Bắc Bộ Phủ. Trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, chương 40 (trang 727 ấn bản năm 1997 của nhà xuất bản Văn Nghệ, và trang 751 ấn bản đặc biệt của tủ sách Tiếng Quê Hương năm 2008), tác giả viết về NCT như sau: “…đó là một người tù không thể bẻ gẫy”.

- Ai không thể bẻ gẫy: những sát thủ trong đảng và nhà nước CsVN.

- Và cái gì không thể bẻ gẫy: nhà tù CS và những cực hình man rợ nhất của chúng.

  Trước nguồn dư luận về NCT “giả” và NCT “thật”, dựa vào những kinh nghiệm về nhà thơ này, một người bạn của tôi thường công khai bày tỏ lòng mong ước hão huyền là phải chi cộng đồng mình có được vài ba chục, một trăm NCT như thế thì may mắn biết mấy. Không ngờ từ bên trời Tây có người còn nuôi ước vọng hão huyền gấp trăm lần ông bạn ở Mỹ. Trong email hồi âm cho tôi hôm 14-10 liên hệ tới điều sai lầm của tác giả Olivier Todd trong cuốn Cruel Avril là NCT đã chết trong tù năm 1987, giáo sư Trần Văn Tòng viết:

  “ Mặt khác, trong dịp gặp anh NCT vào tháng 2 năm 2008 tại Orange County, California, tôi có hỏi anh về các chiến dịch tố cáo NCT “giả” nay đã đi đến đâu và nói đùa với anh: ‘tôi không biết người ngồi ăn tối với tôi hôm nay là NCT “thật” hay NCT “giả”, nhưng nếu người như anh là NCT “giả”, thì tôi nghĩ là Việt Nam cần có thêm 10 ngàn NCT “giả” như thế!”

(Những chữ tô đậm do người viết)

 

Một câu hỏi chót được đặt ra.

* Những Xịa Lớn, Xịa Nhỏ của người Mỹ nghĩ gì và sẽ hành sử ra sao trước nguồn dư luận cho rằng có một gián điệp thuộc loại quốc tế đang lộng hành trên đất nước này?

Hẳn khó ai trong tập thể người Việt tị nạn chúng ta có điều kiện trả lời, ngoại trừ những  người có trách nhiệm trong guồng máy trị an của xứ Cờ Hoa.

 Nam California ngày 04-11-2008

 

[1] Cũng xin nói thẳng, nói thật một điều: vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, tôi không hài lòng về vấn đề tổ chức, nội dung, diễn tiến kể cả kết quả buổi gặp gỡ báo chí và đồng hương hôm 25-10. Tôi đã thấy rõ điều này rất sớm, nhưng vì lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm, buộc tôi phải ở lại đến phút cuối.

[2] Trưởng nam của cố bác sĩ Trần Văn Văn và là bào huynh của liệt sĩ Trần Văn Bá, người vừa được đồng hương vinh danh trong một buổi lễ long trọng tổ chức tại tòa Thị Chính Quận 13, Paris hôm 27-9 vừa qua.

[3] Người có giọng ngâm thơ thiên phú trong chương trình thi văn Tao Đàn của cố thi sĩ Đinh Hùng trên đài phát thanh Quốc gia trước đây. Hiện anh định cư ở bang Texas.

[4] Ông Giân từng là tù nhân của chế độ CsVN trong hơn 10 năm, được qua Mỹ theo diện HO và hiện định cư ở DC. Ông Giân đã bất ngờ xuất hiện trong cuộc gặp gỡ giới truyền thông của NCT ở khách sạn Ramada hôm 25-10-2008.

[5] Ông Ký cũng bị ở tù cộng sản trong vòng 15 năm. Vượt biển qua Mỹ đầu thập niên 80, hiện là cư dân Quận Cam. Ông là người đầu tiên phát hiện danh tính tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục I ngay khi mới được ấn hành ở Mỹ dưới tiêu đề do nhà xuất bản tự đặt là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Phát giác này đã được ông Ký công bố trên tờ Người Việt hồi ấy dưới bút hiệu Minh Thi.

[6] Trước tháng 7-1954 KDV là đại úy tiểu đoàn trưởng trong quan đội quốc gia. Ông ở lại Hànội và sau đó bị chế độ CS tống giam nhiều đợt, tổng cộng trên 15 năm. Sau nhiều lần bị từ chối, vài năm trước ông được qua Mỹ thăm thân nhân, dịp này tôi may mắn được trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với ông nhiều chuyện.

[7] Vị LM này hiện ở VN. Theo lời căn dặn của LM Đức Minh (nguyên giáo sư đại chủng viện St John HK, thày dạy thày C. ở tiểu chủng viện Vinh từ năm 1950 đến 1954 và cũng là người đã tạo dịp cho tôi gặp cha C. khi ngài qua thăm thân nhân ở Mỹ cách nay vài tháng), vì lý do an ninh không nên nêu rõ tên thật ngài.

[8] ĐGBN do Văn Nghệ xuất bản lần đầu năm 1987, tiếp đó được tái bản nhiều lần, ở nam California, HK và gần đây tủ sách Tiếng Quê Hương mới in lại trên khổ lớn, bìa cứng, bìa bọc ngoài offset 4 màu.

[9] Do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 1992 ở Hànội. Coi lại chi tiết trong bài trước.

[10] Đăng tải trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số 84 phát hành tháng 11-2008.

[11] Trước khi “biết” để quý mến và đồng hành với tác giả của những vần thơ có sức mạnh vạn năng làm lay chuyển đến tận gốc rễ chù nghĩa cộng sản bất nhân, cũng như mọi người Việt Nam nặng lòng với quê hương dân tộc, bản thân tôi cũng không khỏi có lúc vẩn lên những câu hỏi.


(bài đọc thêm)

Chuyện Một Nguời Tù Cải Tạo

» Tác giả: Chu Tất Tiến

1. Chuyện Một Nguời Tù Cải Tạo


Trên thế giới có lẽ không có trại giam nào khủng khiếp hơn các nơi gọi là Trại Tập Trung Cải Tạo, bởi vì kẻ giam giữ đối xử với những người tù như những con vật, không cấp thuốc men, chỉ cung cấp lương thực để khỏi chết đói tại chỗ, trong khi bắt làm việc cật lực từ sáng đến tối. Các tù nhân phải dựng nhà cho cán bộ, khai quang, làm đường cho xe bộ đội chạy, trồng rau cho cán bộ vưà ăn vưà bán. Ngoài ra, còn phải làm dụng cụ, tiện nghi cho cán bộ, như rèn dao, làm vali bằng tôn, đóng bàn ghế, và đan giỏ mây. Trong khi đó, kẻ giam giữ có toàn quyền sinh sát, muốn hành hạ, muốn bắn muốn giết lúc nào cũng được, không cần tòa án. Không kể những lần xử bắn tù nhân vì trốn trại, mà tù nhân lúc nào cũng có thể bị đạn bay vào mình. Tôi nhớ có lần đang gánh củi, một anh nói đùa với bạn:

-Mày trông như xì-ke.

Tên lính gác đang dẫn toán đi làm việc, đột nhiên nổi giận, lấy súng ra khỏi vai, nhắm luôn vào chân anh kia bắn một tràng:

-Ð. M. mày! Nói ai xì-ke?

Lần khác, toán chúng tôi đi làm rừng. Tới chỗ cổng gác, không thấy ai đứng đấy, anh trưởng toán bảo "thôi, cứ đi!" Vừa ra khỏi cổng chừng 10 thước, tên lính gác núp sau một thân cây, nhẩy ra, chĩa súng vào đám người ngơ ngác, nổ liền mấy phát, vừa nổ, vừa chửi:

-Ð.M. chúng mày! Ði mà không báo cáo ông à?

Anh em chúng tôi vừa thấy mũi súng chĩa ngang, liền nhẩy ngay xuống cái rãnh cạnh đấy, nghe đạn nổ trên đầu veo veo. Bắn hết một tràng, tên gác quát nạt chúng tôi leo lên, đứng xếp hàng cho hắn chửi đã đời.

Khi được thăm nuôi, anh em chúng tôi cứ phải đi từng đoàn, ra về lẻ tẻ, phải có anh em đi đón, kẻo gánh quà đi một mình, thì nhất định sẽ bịbộ đội bao vây, lột hết đồ thăm nuôi, rồi bị đuổi về trại, tay không:

-Ð. M. Ðằng sau quay, đằng trước bước! Chạy về trại, đứng lại láng cháng, ông bắn bỏ mẹ!

Tụi lính gác trấn lột hết quà của anh em như thế, nhưng đến đêm, lại bò vào trại, cầm từng gói đường, gói đậu mà bán lại cho anh em, lấy tiền!

"Ðường đây! Một kí lô ba đồng! Ðậu xanh đây! Ba đồng một kí!"

Có một đêm, anh bạn T. vừa mua xong kí đường, giận dữ kêu lên:

-Mẹ nó! Ðúng cái hộp Ghi gô đựng đường này, vợ tớ mới cho tớ hồi sáng! Nó cướp của tớ, giờ đem bán lại.

Trong Cà Tum, vì bộ đội ra vào trại rất thường, anh em có nhờ một tên bộ đội mua giùm đường, đậu. Tên này nhận lời, nhắn anh em gom tiền lại, hắn mua giùm. Lần đầu sòng phẳng, tiền trao cháo múc. Lần thứ hai, anh em gom lại, gần như toàn trại một số tiền lớn, nhờ mua giùm. Tên bộ đội hẹn giờ ra lấy hàng. Hai anh đại diện gánh một cái sọt lớn, ra rừng chờ đợi. Hàng trao xong, hai bạn gánh về. Chưa được trăm thước, thì một lũ lâu la hiện ra, tay súng gườm sẵn, hò hét um xùm:

-Bỏ gánh xuống! Hàng ăn trộm!
 Biết điều bỏ xuống, chúng ông bắn bỏ mẹ!

Thế là hai bạn đành bỏ hàng, chạy lấy người.

Cuộc sống truân chuyên như thế, ngày tháng dài bất tận như thế, ăn uống thiếu thốn như thế, lại thêm mỗi tối tẩy não, khiến cho đời sống tù ngục căng thẳng hơn. Năm 1975, tôi ở Trảng Lớn. Năm 1976-1978, tôi ở Kà Tum, Khối 2, L 1 T 2 (?) có anh Mừng, Quân Cảnh, làm khối trưởng, Ngô Phước Cương (ca sĩ), Ngô Phuớc An (nhạc sĩ chơi Mandoline), Tuấn (Hải quân, độc tấu ghi-ta), Hùng "rống" (ca sĩ).

Tôi làm Trưởng ban văn nghệ, kiêm quản ca. Ðúng ra, Tuấn được anh em đề cử làm Trưởng ban, nhưng trong lần đầu tiên, tập hát cho anh em, bị kẹt vì thiếu sư phạm, nên đánh nhịp tới lui, cũng không ai biết hát. Anh em la ó ầm trời. Thấy Tuấn vất vả, toát mồ hôi, tôi vì biết nhạc lý, nên nhẩy vào "cứu bồ", giữ nhịp cho anh em hát êm xuôi. Tối hôm đó, Tuấn qua lán tôi, thuyết phục tôi làm Trưởng Ban, và hứa sẽ đàn hát "số dách" cho tôi nhẹ gánh. Tuấn còn biểu diễn cho tôi nghe những bản nhạc Flamenco bất hủ cuả anh. Anh đánh đàn tay trái. Tay phải vưà gẩy dây đàn, vưà kẹp dây lại, biến thành trống. Những ngón tay trái vừa nhấn phím, vừa móc dây! Nghe anh đánh đàn, từ "Chinese Rose, đến "La Cumpasita".. hồn nguời nghe như bay vút đến một thiên đuờng nào. Dĩ nhiên là tôi nhận lời và sau đó, buổi trình diễn văn nghệ đầu tiên, lại là hát nhạc vàng!

Tôi vừa được thăm nuôi, có đậu, có đường, nên nấu một nồi chè khổng lồ, mời Tuấn, Cương, An, Hùng đến hát "chui". Ban nhạc ngồi ở chiếc bàn tre thấp, quay ra sân trống, truớc cửa B1. Tuấn chơi ghi-ta, An chơi Mandoline, Cương và Hùng thay nhau hát. Tôi đứng đằng sau ban nhạc, dặn đi dặn lại các anh là nếu thấy tôi đá chân vào bàn, lập tức chuyển "tông" sang "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" và các bài khác. Ðể tránh bị bộ đội đột kích bất ngờ, tôi cử hai anh làm "lính gác giặc", đứng ở cuối sân, chỗ gần cổng ra vào.

Tối hôm đó, trăng sáng mông mênh. Cả vài trăm anh em ngồi xếp bằng ngoài sân, nghe những ca sĩ "tù" hát "Love Story", "Anh đến thăm em một chiều mưa"... Trong ánh trăng bàng bạc, cảnh tượng một nhóm đông người ngồi yên lặng nghe nhạc, gợi lên trong chúng tôi, những tình cảm bàng hoàng không thể tả được. Tôi đứng lặng người, say sưa nghe hát. Bất ngờ, cảm giác thấy có hơi thở dồn dập gần tai, tôi vội quay lại, và điếng người khi thấy tên Chính Ủy đang đứng sát tôi, chăm chú lắng nghe! Vội vàng, lật bật, tôi đá chân vào bàn "lạch cạch, lạch cạch". Tuấn nhận ra dấu hiệu trước nhất, anh chuyển "tông" ngay sang "Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi dép không mòn..."

Cả ba bạn kia lập tức họa theo. Tên chính ủy đứng thêm một lúc, thấy hát nhạc "cách mạng" thì thở dài:

-Tưởng gì! Nghe nhạc này, chán bỏ mẹ!

Rồi quay đi. Cả bọn tôi thở dài. Phen này, cả lũ xuống hố rồi! Hai ông bạn làm "lính gác giặc" vì mê say nghe nhạc quá, đã từ từ bỏ vị trí vào tuốt bên trong, nên khi tên chính ủy vào, chả ai biết. Chương trình văn nghệ chấm dứt. Anh em lục tục về lán.

Ngày hôm sau, anh Mừng đi họp sớm về, gọi tôi vào:

-Này, tên chính ủy nó hỏi tôi, ai tổ chức, tôi đành phải bảo tên ông, vì không thể nói tên anh em khác. Nó bảo tôi : "Bảo thằng Tiến dẹp đi! Lần sau mà còn tổ chức hát nhạc đồi truỵ nữa, tao bắn bỏ mẹ!"

Thái độ hăm dọa nhẹ nhàng đó, có lẽ vì anh em hát hay qúa! Nhất là Ngô Phước Cương, giọng ca điêu luyện hơn các ca sĩ ngoài rất nhiều. Khi anh hát bài "Love Story" đến đoạn điệp khúc, giọng anh cao vút, khiến ai cũng mê mẩn.

Ban Văn Nghệ cuả chúng tôi, hồi đó, còn Ðiền, một nhạc sĩ trẻ. Anh chơi ghi-ta sôlô hay lắm, nhưng rất tiếc, anh không thuần nhịp. Khi vào ban nhạc, có bass, có ghi-ta "lead", có đàn "accord", tiếng đàn solo cuả anh lạc điệu. Tuấn cố gắng chỉnh hoài, nhưng không đuợc, nên đành cho anh ra ngoài ban, chỉ chơi solo một mình. Ðiền buồn lắm. Anh chỉ còn một nguời bạn thân, là con chim trắng có ngù, đẹp tuyệt, mà anh đã dậy bao ngày.

Con chim cứ nằm trong túi áo cuả anh, thỉnh thoảng thò đầu ra, duơng ngù lên như chiếc mũ cuả lính La Mã. Số phận đắng cay không tha anh, khi qua Suối Máu, anh bị ung thư ruột. Những ngày cuối đời, tôi cứ phải sang anh vào buổi tối để làm massage cho anh ngủ, nếu không, thì anh đau lắm, gào thét kinh hoàng. Ðiền ra đi, khi anh vưà mới độ ba muơi.

Không được tổ chức nhạc vàng nữa, mỗi tối, tôi bắt đầu kể chuyện phim cho một số bạn bè thân thiết nghe. Trong số đó có Thanh, Huệ, Tập (Khối Phó Khối 3), Nguyễn Vũ (họa sĩ), Ngô Ngọc Trác (QGHC), Thắng và vài anh em khác. Nếu tôi nhớ không lầm, trong khối 3 có nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Hữu Ủy. Vì việc kể chuyện phim như vậy, mà anh em gọi tôi là "Máy chiếu phim" hay "Nhà sản xuất phim ảnh". Mỗi lần kể, là được một chén trà "quặu", đặc quánh. Kể chuyện phim mãi cũng hết, tôi quay sang chuyện "chưởng". Tôi thuộc hai bộ "Lộc Ðỉnh Ký" và "Cô gái Ðồ Long" như húp cháo. Từ khi kể chuyện "chưởng", số người nghe tăng lên dần. Từ 5, 6 bạn đến vài chục người. Mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, là anh em giục giã:

-Nhà chiếu phim đâu rồi! Ra đây! Ra đây mau lên! Khán giả đang chờ!

Và cứ thế, tháng ngày ở Kà Tum trôi qua, trôi qua!

Ðến năm 1978, chúng tôi chuyển trại về Suối Máu. Tôi được bổ vào Ðội 3, Nhà 12, K 4. Anh Mừng vẫn làm Ðội (Khối ?)Trưởng. Số tôi vất vả, nên sau khi các đội, khối họp lại, anh em vẫn chỉ định tôi làm Trưởng Ban Văn Hóa, Văn Nghệ, nghĩa là vừa Múa, hát, đóng kịch, vừa làm Bích báo mỗi khi có lễ, tết. Cùng làm việc với tôi có Tống Châu Khôi, Tham Sự Hành Chánh, làm Trưởng Ban Thể Thao. Tôi kiêm luôn Trưởng Ban Vũ, phải lựa 5 bạn có chân tay dẻo cùng với tôi làm thành một ban Vũ gồm 6 người, đi múa cho các trại bạn coi chơi.

Với anh Hùng làm cố vấn, chúng tôi tập cho anh em múa Sạp bằng thanh tre. Vì không có nữ, nên tôi chuyên giả gái! Múa Guatamela, thì làm cô Mễ, múa Lơ thơ tơ liễu buông mành, tôi làm cô thôn nữ, vấn khăn mỏ quạ, áo tứ thân, yếm hồng, tay cầm quạt giấy, uốn éo. Cùng với Minh "lùn" (chuyên viên làm ảo thuật), cặp chúng tôi làm anh em cười bò lăn, vì cô thôn nữ quá cao, trong khi anh chàng kia qúa thấp. Sau khi tôi múa xong, bạn bè chạy vào nắm tay, sờ má tôi, nói:

-Mẹ kiếp! Cô này là cô Tây Lai, chứ con gái Việt nam sao mà cao quá!

Vài anh chạy lại, quơ tay quơ chân. Tôi giả bộ uốn qua uốn laị, tránh né. Chúng tôi cười nghiêng ngả cho quên buồn.

Thực tế, những niềm vui ấy chỉ hiếm họa mới xẩy ra một năm hai, ba lần, còn lại lao động cật lực.

Những ngày tháng buồn tẻ, mệt mỏi duờng như dài hơn thuờng lệ. Tôi trở lại với chuyện "chuởng", với Ðồ Long Ðao, Truơng Vô Kỵ và Triệu Minh. Nhà 12 cuả tôi, buổi tối, biến thành sân khấu. Tôi ngồi trên võng đầu nhà, anh em ngồi nghe chăm chú. Bên cạnh tôi, luôn luôn có một ly nuớc trà, hay một chén chè ngọt. Kể chuyện như thế, đời tôi qua đi trong hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc tái nguời.

Một hôm, tôi đang kể đến khúc Truơng Vô Kỵ đang ở nhà cuả hai chuởng môn phái Côn Lôn là Hà Thái Xung và Ban Thục Nhàn để chưã bệnh cho nguời vợ thứ năm cuả Hà Thái Xung bị hai con Kim Ngân, Huyết Xà cắn, bỗng nhìn thấy mặt anh em tự nhiên căng thẳng lạ lùng, cứ nhìn lên đầu võng mình chăm chăm. Tôi giật mình quay lại, thì thấy tên Chính Uỷ đang đứng ngay đầu võng cuả mình. Phen này thật khó sống yên. Trong một tích tắc, não tôi làm việc không ngừng, tôi cứ tỉnh bơ, coi như không có gì, tiếp tục kể, nhưng về các phuơng thuốc Nam! May mắn là đúng vào lúc mà Vô Kỵ đang tìm cách chữa bệnh cho cô Năm, nên tôi nặn óc tiếp theo:

-Mỗi buổi sáng, với nguời bị loại rắn Kim Ngân này cắn, phải tìm cho ra các vị sau đây: Lan linh chi, một gói, tì suơng hai chỉ, lạc đỉnh hồng, một cân, khổng tuớc đàm một chỉ. Hoà tất cả vào trong một ly nuớc. Cất chừng 3 tiếng đồng hồ, còn lại một chút cặn, đổ thêm nuớc vào, nấu tiếp cứ 3 thành 1. Cho nguời bệnh uống... Với nguời bị Huyết xà cắn thì khác hơn, buổi sáng ra ngoài vuờn , tìm ra cây Nhị tiên Hồng, có hoa mầu đỏ mềm, cánh nhỏ, đào xuống ba tấc...

Tôi cứ vừa mở miệng nói, vưà dùng óc, nặn ra các toa thuốc không có trên thế gian này, vưà nhìn thẳng vào anh em, như đang mở lớp dậy thuốc Nam vậy. Tên Chính Uỷ nghe mấy danh từ quái đản này khoảng 15 phút thì chán, bỏ đi. Sau khi hắn vưà ra khỏi nhà, tôi gục xuống liền. Vì động não quá sức, cứ cố tìm ra các tên thuốc tầm bậy tầm bạ, nên mệt lử, nằm thẳng cẳng.

Nhưng không vì vậy mà chuơng trình chuyện "chuởng" chấm dứt. Tôi kể hết nhà 12 thì sang nhà 16, đội 4, kéo dài cả năm trời. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn xong, Tống Châu Khôi, nhà 16, chạy qua nhà 12:

-Sư phụ! Sư phụ qua mau, anh em đang chờ.

Tôi còn mệt mỏi, tần ngần chưa qua, thì Tống châu Khôi tiến lại:

-Sư phụ để đệ tử cõng qua.

Việc phục vụ anh em hình như đã nằm trong máu tôi, nên không có cơ hội nào bảo vệ đuợc anh em, mà tôi lại không làm.

Một buổi tối, khoảng 7 giờ, đột nhiên tên Chính Uỷ mặt nám (mặt tên này bị một miếng nám đen ngay má), cho gọi tôi ra hội truờng, nơi treo bích báo kỷ niệm 2 tháng 9. Nhà tôi ngay cạnh hội truờng, nên vưà buớc ra khỏi cửa đã thấy anh Trần Ðức Thịnh, Ðại diện trại và tên mặt nám đứng đó. Anh Trần đức Thịnh, giáo sư Nguyễn bá Tòng, (hiện đang ở Canada) là nguời cứu mạng tôi hôm đó. Không có anh, đời tôi đã tiêu diêu miền nào rồi.

Tên mặt nám vẫy tôi vào chỗ treo tờ bích báo cuả Ðội, gằn giọng:

-Anh vẽ gì đây? Bôi bác chế độ hả? Vẽ gì mà tay què, tay cụt? Chê công nghiệp mất cân đối hả?

Nhìn lại tờ bích báo, thấy trên phần tưạ đề "Quyết Tâm", có hình một anh công nhân đội mũ bảo hiểm, một tay giơ lên, tay kia bỏ xuống, nhưng vì chỉ có một khung ngang, nên phần duới không có. Tôi nhún vai:

-Anh coi lại đi! Nếu tôi vẽ giơ cả hai tay lên, thì anh nói là "đầu hàng", nếu để cả hai tay xuống, thì lại là cụt cả hai tay sao? Ở đây, cái khung ngang, hẹp, nên tôi chỉ có thể vẽ một tay giơ lên thôi. Ðâu có gì là công nghiệp mất cân đối đâu!

Tên chính uỷ lại chỉ vào một logo cuả anh Minh vẽ hình chiếc xe máy cầy:

-Còn cái này nữa, bánh xe gì mà bị dây kẽm gai cuốn vào? Ý đồ muốn ám chỉ là công nghiệp Xã hội chủ nghĩa bị trì kéo lại hả?

Tôi bắt đầu mất bình tĩnh:

-Anh nói sao? Ðây là cái xe mới cáo. Bánh xe còn nguyên gai cao su, chúng tôi chỉ vẽ đại khái thôi, làm sao mà có kẽm gai ở đây?

Chưa thôi, tên Mặt Nám lại gõ tay vào bài viết cuả anh Giáo Sư Nguyễn văn Phú, (sau làm giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật Thành Phố):

-Này, xem này! Ðúng là kêu gọi anh em Trở Cờ, chống phá cách mạng. Còn cãi cái gì nữa?

Tôi đọc lại bức thư. Thì ra, đó là hai câu viết cho bạn bè ở nhà. Câu trên viết: Tôi mong có ngày chúng ta cùng "Trở". Hết hàng, xuống dòng, câu sau: để cùng nhau có cơ hội mà chơi "Cờ"... Hai chữ "Trở" và "Cờ" viết ở cuối hàng một cách vô tình, nhưng tên Mặt Nám này cố tình hãm hại nguời ngay. Thái độ cố tình gán ghép này để tìm ra một con dê tế thần đây. Ðột nhiên, tôi nổi điên lên:

-Tôi nói cho anh biết. Anh chỉ bới bèo ra bọ! Chẻ sợi tóc làm tư làm tám. Kiếm cớ hại nguời. Chúng tôi đâu có ngu. Ở tù như cá nằm trên thớt, anh muốn bắn, muốn giết lúc nào chả đuợc. Chúng tôi có chống anh, thì chống ở trong đầu đây nè, đâu có ngu mà chống trên giấy trắng mực đen như thế! Hai chữ này ở hai hàng khác nhau. Vô tình mà viết ra như thế. Anh muốn kiếm cớ để bắn tuị tôi chứ gì? Mẹ kiếp! Ðã thế, tôi nói cho anh biết, bắn thì bắn mẹ nó đi, đừng nói lòng vòng. Tôi đây này. Muốn bắn muốn giết thì cứ ra tay nhanh đi!

Thấy tôi nổi cơn nói một tràng, tên Mặt Nám cũng nổi cơn theo. Hắn chụp tay xuống bao súng, quát lên:

-À, thằng này chống đối cách mạng hả!

Anh Thịnh, cứu tinh, ngay trong phút giây ấy, vội giơ tay cản tên Mặt Nám:

-Khoan! Khoan! Cán bộ! Anh Tiến chiều nay bị "ấm đầu". Anh ấy mê sảng, nói tầm bậy, tầm bạ. Cán bộ đừng để ý.

Rồi anh quay về phiá nhà tôi, nói to:
-Anh em ơi! Ra cạo gío cho anh Tiến đi này! Anh ấy bắt đầu nói sảng rồi!

Trong khi tôi bị gọi lên hội truờng, một số anh em đã đi theo, đứng ngoài cưả ngó vào. Vưà nghe thấy anh Thịnh gọi ầm lên như thế, hai ba anh chạy ra ngay. Mấy anh đè ngay tôi ra đất, lột áo lên, làm massage liền, trong khi đó, A Cửu, Vua đan giỏ, đổ dầu gió vào lưng tôi, cạo soẹt soẹt.

Tên Mặt Nám đứng ngớ nguời ra, tay buông khỏi cây súng, rồi phải bỏ về. Anh Thịnh trách tôi:

-Anh nóng quá! Phải bình tĩnh để sống còn. Mai mốt trả thù không muộn. Hồi nãy, tôi không nhanh trí, thì anh mất mạng rồi! Còn đâu mà trả hận nữa!

Tôi cám ơn anh Thịnh và dặn lòng đừng làm Truơng Phi nữa. Ngày hôm sau, tên Mặt Nám kêu tôi lên phòng, chỉ vào mặt, mắng:

-Anh là thằng phản động, nhưng may mắn. Lần sau mà còn thế nữa, tôi bóp cò không tha!

Tôi chỉ mím môi, không nói chi, và gật đầu, đi về. Không làm Truơng Phi, đôi khi cũng hay.

Nhưng chỉ đuợc một thời gian, tính nào tật ấy, không bỏ đuợc, xém mất mạng. Lần này, đau đớn hơn, không mất mạng, mà mất danh dự.

Hôm ấy, như mọi ngày, nhà 12 chúng tôi trách nhiệm gánh phân tuơi ra đổ ngoài ruộng rau cho cán bộ. Khoảng gần 30 nguời lê buớc duới nắng gắt cuả trại Suối Máu, Biên Hoà về đến cổng trại cỡ 1 giờ trưa, đói lả. Vưà tới cổng trại, bỗng nhiên tên Sáu Méo, (chúng tôi đặt tên thế vì miệng hắn bị méo) quản giáo đội 3, hô lớn:

-Ðứng lại!

Tất cả ngơ ngác đứng nhìn tên Sáu Méo. Hắn tiếp tục hô to:

-Dàn hàng ngang ra, nguời này cách nguời kia một thuớc.

Lại đứng dàn hàng ngang, cách nhau một thuớc. Tôi cũng đứng theo lệnh, nhưng đến khi lệnh kế tiếp thì khựng lại:

-Tất cả quỳ xuống, dang tay ra!

Anh em chới với, trợn mắt. Thấy chưa ai thi hành, Sáu Méo gào to:

-Tôi "lói": quỳ xuống! Dang tay ra!

Sáu Méo rờ tay vào cây súng lủng lẳng bên hông:

-Nghe không? Quỳ xuống!

Ở đầu hàng bên kia, sát với chỗ Sáu Méo đứng, một vài anh lục tục cử động, có vẻ muốn quỳ. Ðột nhiên, tôi lại lên cơn điên. Tôi giơ tay, nói lớn:

-Chúng tôi không quỳ! Yêu cầu anh cho biết lý do.

Thấy một tên phản động lớn tiếng, Sáu Méo nhẩy ngay lại, tay phải rút súng, tay trái chỉ mặt tôi:

-A! Thằng "lày"! Mày chống đối cách mạng hả?

Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn:

-Không chống đối chống điếc gì cả! Nhưng chúng tôi không quỳ! Anh có thể cùm giam chúng tôi, nhưng không đuợc làm nhục nhân phẩm chúng tôi.

Tên kia cũng bắt đầu nổi điên. Hắn lên đạn cái xoẹt, chiã ngay súng vào mặt tôi:

-Mày dám?

Nhìn thấy họng súng đen ngòm chĩa ngay vào mặt, tôi nổi xung thiên:

-Bắn hả? Bắn đi! Tôi nói cho anh biết, có bắn thì cứ bắn ngay mặt nhé! Ðừng bắn sau lưng, đừng bịt mắt! Tôi không sợ! Chỉ tức cái vô lý thôi! Tự dưng bắt quỳ mà không có lý do, muốn nhục mạ nhân phẩm Sĩ Quan Quân Lực Cộng Hoà à? Ðừng hòng! Chuyện gì cũng phải có lý do.

Sáu Méo, dân Bắc Kỳ vùng cao, thấy tôi cứng cưạ, cũng tự nhiên chùn tay. Hắn hậm hực:

-"Ní" do hả? "Lói" thì "nắm", "nàm" thì "nuời". "Nàm" không chất "nuợng". Ði đứng uể oải, như một lũ công tử bột!

Tôi chỉ tay vào đống quang gánh:

-Nhìn kià! Sáng nào tụi tôi cũng gánh đúng 50 kí lô phân tuơi, đi bốn lần, mỗi lần 5 cây số, tổng cộng là hai muơi cây số, mà cho ăn chỉ có hai củ khoai mì bằng hai ngón tay chéo. Lấy sức đâu mà làm? Anh chạy xe gắn máy, cũng phải đổ xăng thì xe mới chạy. Tụi tôi không có ăn, làm như vậy là quá sức rồi, còn thế nào nưã mới đủ chất luợng?

Nghe tôi nói một tràng như bắn ra-phan, tên Sáu Méo ngẩn nguời ra. Hắn đứng suy nghĩ một hồi, rồi hậm hực đút súng vào bao, hất hàm:

-Ðuợc rồi! Ðể đấy, về trại đi, tôi kiểm tra, anh mà "lói náo", tôi xử lý anh ngay.

Tôi cũng hất hàm:

-Cứ kiểm tra. Nếu tôi nói không đúng, anh cứ việc bắn liền. Thoải mái!

Tên Sáu Méo ra lệnh cho anh em nhà 12 về. Tôi vưà ngồi, thở ra đuợc một lúc, thì đã thấy Sáu Méo đến gọi "ra đây!" rồi đi truớc, tới nhà bếp. Tôi lẳng lặng theo sau, đầu cúi xuống, vì mệt mỏi. Con đuờng từ nhà 12 , đội 3 đến nhà bếp phải qua đội 2 gồm 4 dẫy nhà đâm ngang ra con đuờng đi chung. Sau đó, tới đội 1, gồm 4 căn nhà nữa, mới tới bếp. Ðây là con đuờng đau khổ nhất cuả cuộc đời tôi, vì chính nó đã làm cho tôi "thân bại, danh liệt". Ðang lầm lũi đi theo sau tên Sáu Méo đến nhà bếp để chứng minh, đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng nói nhỏ, phát lên từ một căn nhà đội 2:

-Ð.M. Ăng ten đi báo cáo!

Nghe mấy tiếng ấy, tôi rùng mình, muốn ngừng thở. Tôi liếc về dẫy nhà đội 2, thấy mấy cặp mắt đang trừng trừng nhìn tôi. Lạy Chuá! Sao lại có chuyện như vậy đuợc? Chân tôi như tê dại đi. Tim đập thật mạnh đến nỗi tôi hơi lảo đảo. Tôi muốn kêu lên, nhưng miệng tắc nghẽn. Nhưng tôi vẫn phải đi theo tên quản giáo kia. Không thể đứng lại và phân bua...

Tôi không trách loài nguời, không trách Chuá, nhưng chỉ trách số phận tôi không may mắn. Oan ơi! Oan!

Run rẩy mãi cũng đến nhà bếp. Sáu Méo gọi to tiếng:

-Quản cơm đâu?

Anh Hai "néo", bếp truởng chạy ra. Quản giáo Sáu Méo chỉ tay vào một trong những cái xô nhôm đựng khoai mì mà hỏi:

-Mỗi cái xô này cho mấy nguời ăn?

Hai "néo" trả lời:

-Thưa cán bộ, 10 nguời.

Sáu Méo tiến lại, thò tay vào đếm số khoai, mỗi miếng chỉ dài hơn ngón tay giữa một chút. Tổng cộng có 19 miếng, không đuợc 20. Sáu Méo không nói gì, lẳng lặng ra về.

Ngày hôm sau, hắn tập họp đội 3 lại, phân công theo "tua", mỗi nhà đi một ngày. Ngày chẻ củi, ngày lấy phân, ngày gánh nuớc.. Nhà 12 chúng tôi không còn phải mỗi ngày mỗi đi lấy phân như truớc. Anh em hả dạ, nhưng riêng tôi, đau xót như có ai đâm vào tim mình. Thà nó bắn tôi lúc trưa ngày hôm qua... Trời ơi! Nuớc mắt tôi ứa ra. Tính tôi không hay khóc, nhưng khi đó, thì nuớc mắt chẩy đầy môi, mặn đắng. Tôi mà làm ăng ten ư? Trời! Bố tôi bị đấu tố, mẹ tôi bỏ xứ ra đi, chịu nghèo khổ kinh hoàng. Nhà có ba anh em, hai anh tôi thì động viên. Còn tôi, lính tình nguyện. Tôi đã từng làm đơn xin đi Nhẩy Dù mà bị bác. Sau đó, lại xin đi Bến Hải, Cà Mâu, cũng bị bác đơn. Giờ này, lại bị mang tiếng "ăng ten"! Ðau hơn dao cắt thịt.

Nhưng số phận đã như vậy rồi, đành chấp nhận khi không thể tránh. Tuy thế, sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha. Chắc kiếp truớc tôi làm ác, nên kiếp này, đành trả.

Một buổi trưa nắng, tôi mang cái long ghi-gô vào bếp, để hâm lại môn "cháo khoai mì", cháo làm bằng khoai mì, trộn thêm nuớc, rồi bóp cho mềm, đổ thêm muối, bỏ vào lòng bếp, một lúc sôi lên, thì là một món ngon lành. Vì bếp rất cao, tôi ngồi xổm một mình ở đó, không ai thấy, nên tình cờ tôi mới rõ một sự việc khiến cho tôi bị hoạ lớn.

Vừa lúc lon ghi-gô sôi sùng sục, tôi nguớc lên về phiá cổng gác, tới chỗ nhà cuả quản giáo, tôi thấy Tống Châu Khôi, Tham Sự Hành Chánh, nguời vẫn xưng là "đệ tử" với tôi, nguời vẫn cõng tôi đi kể chuyện "chuởng", vưà lùi lũi buớc ra khỏi nhà cuả tên Sáu Kéc, quản giáo đội 4, trên tay còn cầm quả banh! Tống Châu Khôi liếc tới liếc lui, không thấy ai, nên dọt lẹ vào cổng. Hắn không nhìn thấy tôi ngồi thấp hơn cái bếp. Tôi muốn nổi cơn lên nưã...

Ðợi cho Khôi hấp tấp buớc qua chỗ núp, tôi gọi lớn:

-Khôi! Ðứng lại!

Tống Châu Khôi giật mình, nhìn quanh. Thấy tôi, hắn lúng búng:

-Tớ.. tớ đi bơm banh!

Tôi nghiến răng, vung tay vào mặt hắn, chửi liền:

-Ð.M. Mày làm ăng ten phải không? Mày đâu có nhiệm vụ bơm banh. Bơm banh đã có Thịnh lo, không phải mày. Mày báo cáo cái gì đó?

Tống Châu Khôi sợ hãi, xuống giọng:

-Tớ.. tớ nói thật mà! Ðây, banh nè!

Tôi nổi nóng, tiến tới, tính dọng cho hắn một quả. Hắn co cẳng chạy tuốt.

Ðã tính ruợt theo, rồi thôi. Ðã tính báo cho anh em hay, rồi cũng thôi. Tôi nghĩ rằng tên này sẽ hết dám. Thôi, tha Tào! Ðâu có ngờ vì sự yếu đuối cuả tôi, mà đời tôi tan nát.

Cuối năm 78, bộ đội bỏ đi, bàn giao lại cho Công An. Khi Công an tới, chúng khôn ngoan, không tỏ thái độ gì, chỉ xào lại danh sách. Từ K4 sang K3, từ K1 qua K2... Nghĩa là không cho bạn bè gần nhau nữa. Trại K4 nơi tôi ở toàn mặt mới. Không còn mấy nguời cũ đã từng nghe tôi kể chuyện, đã từng chứng kiến tôi đối đầu với quản giáo, hoặc ca hát, muá may cho anh em coi. Không khí căng thẳng hẳn lên. Nhiều xung đột xẩy ra, dẫn đến đánh nhau. Khi nghe báo cáo có mấy việc đánh nhau, tên quản trại chỉ nói:

-Việc cuả các anh, tôi chỉ quản lý nhân số thôi.

Thế là bùng lên một làn sóng dư luận sôi nổi. Nào là "công an sắp bàn giao cho Mỹ rồi", "Cờ ba sọc đã đuợc kéo lên ở Dinh Ðộc lập rồi", "Nguyên soái Nguyễn Cao Kỳ đã về đến Trảng Bom rồi"...Nghe tin này, nhiều anh em hùng khí nổi lên, đi đánh "ăng ten" lia chia. Tôi thấy tình hình hỏng bét, lên tiếng báo động:

-Anh em không biết đâu. Công an có nghề cuả chúng. Bây giờ, mới bàn giao, chúng cần tìm hiểu xem ai là ăng ten, ai chống đối. Chúng chờ cho ta ra mặt là chúng vớt, y như vớt bèo trong ao. Ðừng có nóng vội!

Ðang lúc xung động, đang hăng say đi đánh ăng ten mà không gặp trở ngai, những lời khuyên chí tình cuả tôi, như dầu đổ vào lửa. Mấy nguời mới đến nhìn tôi, nghi hoặc. Một chiều, nguời nằm sát tôi nhiều năm là Hưá Sang, Thiếu Uý Nhẩy Dù, ghé tai tôi nói nhỏ:

-Chết mẹ! Chúng nó định đánh anh rồi!
 Tôi cố cản, nhưng coi bộ không xong!

Tôi hỏi Sang:

-Cậu nằm trong ban "hành động", vậy mà
 cậu không bênh vực cho công lý ư?

Sang buồn bã:

-Anh hiểu cho tôi. Cả băng chúng nó, toàn thằng mới,
 có mình tôi, nói ai nghe.

Thuyết mập, ở nhà 16, nguời say mê nghe tôi kể chuyện, cũng chạy sang:

-Ông cẩn thận, có thằng nó tố ông là ăng ten.
  Tôi đang thuyết phục tụi nó.

-Ai tố tôi vậy?

-Không biết ai nữa!

A Cửu thì cẩn thận hơn:

-Tôi đi lanh quanh gần ông. Ðưá nào đụng đến ông,
 tôi nhẩy vào can thiệp.

Còn Hùng, Hoàng (Ðại Uý Công Binh) là những nguời cùng ở với tôi một thời gian dài thì chỉ nhìn tôi, thở dài. Nhìn quanh, toàn khuôn mặt mới lạ, đằng đằng sát khí.

Tôi vẫn cố khuyên bạn bè:

-Các bạn nhớ là công an nó sẽ vớt các bạn đó. Nên cẩn thận.

Còn cá nhân tôi, bình tĩnh chờ đợi. Khi không thể tránh đuơc rủi ro, thì cứ nhìn thẳng vào mặt nó.

Ðêm ấy, tôi hơi buồn. Bạn bè ra ngoài hội truờng hết rồi. Không khí căng như dây đàn. Tôi lấy cây đàn thân yêu ra ngồi xổm duới đất, chơi mấy bài nhạc cũ. Bất ngờ, đèn tắt phụp. Vưà ngơ ngác nguớc lên, thì "bụp", một cú đá bay vào giưã mặt! Với phản ứng quen, tôi lộn nhào ra sau, tránh đuợc cú thứ hai, và đứng dậy luôn. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy có bốn khuôn mặt lạ hoắc, chưa hề biết là ai, đứng nhìn tôi chằm chằm.

Bình tĩnh lau máu từ mũi chẩy ra, tôi hỏi:

-Các anh là ai? Tại sao lại đánh tôi?

Mấy nguời kia không nói nửa lời. Họ không tấn công nữa, khi thấy tôi thủ tấn vững vàng. Nhìn tôi chừng vài phút, nhóm nguời lẳng lặng bỏ đi. Tôi buồn bã lê buớc về chỗ ngồi. Vừa lúc ấy, Hưá Sang chạy về, hốt hoảng:

-Chúng nó đánh anh rồi hả?

Tôi gật đầu. Hưá Sang đẩy tôi ngồi xuống, lấy khăn mù xoa ra thấm máu cho tôi, rồi vắt khăn đi. Vì bị đá bằng một bàn chân rất mạnh, mũi tôi bị vỡ toang, xuơng bị dập, máu ra nhiều đến nỗi vắt đuợc thành giòng. Cùng lúc đó, A Cửu cũng chạy về, thấy máu tôi ra đầy áo, A Cửu lột áo tôi, và thay áo mới. Hùng kinh nghiệm hơn, giục Hứa Sang:

-Mày ra lấy nuớc, tao đun cho ảnh một chậu nuớc nóng.

Cả ba chăm sóc tôi kỹ luỡng như những Ma Sơ. Tôi bồi hồi nhìn các bạn, cám ơn nghẹn lời. Liếc qua cửa, tôi thấy ba bốn khuôn mặt vưà đánh tôi cũng đang ngạc nhiên nhìn vào, không hiểu sao một tên ăng ten lại đuợc anh em thuơng như vậy.

Sau khi thay quần áo xong, Hưá Sang, với hai bàn tay cứng cáp, bóp tay chân, lưng, cổ cho tôi. Mãi một lúc sau, Thuyết mới về tới. Cả Thắng "ròm" nữa. Bạn thì sưả lại cây đàn, bạn xếp dọn chỗ nằm cho tôi. Tôi vừa nói lời cám ơn thì tất cả đều gạt đi. Cùng lúc ấy, điều tôi tiên đoán đã xẩy ra. Sau nhiều ngày bỏ mặc, Công an đã bất ngờ nhẩy vào, bắn súng ầm ĩ, đạn chạm vào mái tôn, bật ra, kêu leng keng. Bọn chúng tràn vào như chó sói:

-Ở đâu, yên đó. Nhúc nhích, bắn chết mẹ!

Thế là anh em bị dính trấu. Không chạy kịp về phòng mình, một số anh bị còng ngay. Lần luợt, công an vào từng nhà, lôi các nguời bị đánh đi hết sang K.30 là khu bệnh xá. Tới luợt nhà 12, hai tên công an buớc vào hỏi ầm ĩ:

-Nhà này! Có ai bị đánh không?

Vì tôi không muốn xa anh em, nên lẳng lặng gục đầu xuống, dấu bộ mặt máu me. Ðã tuởng thoát nạn, tên công an sắp buớc ra, thì anh Hoàng, nhà truởng, lại đột nhiên đứng dậy, chỉ tay vào tôi. Tên Công an tiến tới:

-Anh này, quay mặt ra đây coi!

Không còn cách nào khác, tôi phải quay ra, và phải đi theo tên công an kia, sang K 30 bên cạnh. Lòng buồn như chết.

Ngay buổi sáng hôm sau, bọn công an uà vào trại, bắt ráo những nguời trong ban "hành động". Chúng khai thác tôi rất kỹ, nhưng tôi nhất định không khai. Tôi nói vì tắt đèn tối thui, tôi không nhìn thấy ai. Vì thế, mà chỉ đến ngày thứ ba, sau vụ đánh, thì anh em mới hiểu là họ đã mắc mưu kẻ chia rẽ rồi.

Lý do đơn giản: tất cả những ai ở trong ban Hành Ðộng, lập danh sách, và đi đánh nguời đều bị nhốt con-nếch hết. Còn nhóm đánh tôi đều bình an! Tối hôm thứ ba, anh Nguyễn Lê Tuấn, gốc K.3, liều mạng chui rào qua thăm tôi! Anh là một chủ chốt trong nhóm "hành động". Việc anh liều chui qua hai lần hàng rào để thăm tôi là một hành động nguy hiểm, lính canh mà thấy là ăn đạn ngay.

Anh nói nhỏ:

-Tôi thay mặt nhóm để xin lỗi ông! Bây giờ, hỏi thăm anh em cũ, mới biết mình lầm. Ông chính là anh hùng của trại, lại bị oan, rồi kiên quyết không khai anh em, bọn tôi xin lỗi.

Tôi bồi hồi, xúc động:

-Không sao! Ở đời, ai chẳng có lúc nhầm. Biết đuợc mình nhầm, mà nhận lỗi, mới là anh hùng thiệt. Cám ơn các bạn.

Nguyễn Lê Tuấn trầm ngâm một lúc, rồi đưa ra đề nghị làm tôi tá hoả tam tinh:

-Tuị tôi.. mong ông trở về trại, lãnh đạo anh em!

Nghe Tuấn nói, tôi ngẩn nguời, lắp bắp:

-Ông nói sao?

Tuấn nghiêm mặt:

-Tụi tôi muốn ông làm lãnh đạo. Ông vừa can truờng, vừa tình cảm. Mong ông nhận lời.

Tôi bối rối quá, không biết nói sao, chỉ biết ú ớ:

-Nhờ ông chuyển lời giùm tôi, cám ơn anh em. Ðã hiểu nhau, là vô cùng cảm động rồi, lại đuợc anh em thuơng mến, tôi xúc động lắm. Xin anh em tha thứ cho tôi, khi hiện giờ, tôi không thể làm chi đuợc. Xin chờ cho tôi có cơ hội về lại trại nhe.

Cầm lấy tay Tuấn, tôi muốn khóc:

-Ông cẩn thận khi về trại. Bọn gác mà biết, nó bắn ông, không tha.

Nhìn theo bóng Nguyễn Lê Tuấn len lách, chui bò qua hàng rào, mà ruột gan tôi nóng bỏng. Tôi run nguời, chỉ sợ nghe thấy tiếng la "Ðứng lại" là một anh hùng ngã xuống.

May sao, không có chi. Bóng tối đã che chở. Ðuợc thể, tối hôm sau, Thắng "ròm" chui qua, dúi vào tay tôi mấy viên thuốc đau nhức:

-Ông cầm lấy, tôi biết ông bị đau lắm!

Tôi ôm lấy bạn hiền, mà nuớc mắt ưá ra.

Tối hôm ấy, tôi phải một phen lo sợ. Vưà lúc sắp đưa Thắng về, tự nhiên, tên gác nghi ngờ, buớc vào phòng, la to:

-Ở đâu, yên đấy! Không đuợc di chuyển.

Không biết làm sao hơn, tôi đẩy Thắng chui ngay xuống gầm cái chõng tre tôi đang nằm, rồi giải tấm chăn ra, cho thòng xuống hai bên. Tôi nằm trong chăn, trợn mắt méo mồm, như đang bệnh nặng. Tên gác đi qua, nhìn tôi rồi bỏ đi. Tim tôi đập mãi như trống làng cho đến khi biết chắc tên gác đã về, tôi mới đẩy Thắng ra.

Ngày kế tiếp, vì không muốn cho anh em lây hoạ về mình, tôi quyết định cũng vuợt rào về trại cũ. Ðợi khi khuất bóng trăng, tôi chùi xuống đất, vưà bò vưà gạt kẽm gai, vào tới đất trại cũ, tôi vui mừng đi kiếm bạn. Gặp ngay Trần Ðức Thịnh, anh kều tôi vào nhà, rót cho tôi một ly trà nóng, và xác nhận:

-Có tên... lập danh sách đánh ông để trả thù cá nhân. Nguời cũ, ai cũng biết nó là ăng ten, chỉ trừ có những anh em mới, không rõ, nên mới mắc mưu nó. Bây giờ mới hiểu, họ cô lập nó rồi. Nó không dám gặp mặt ai, cứ trốn trong nhà như chó cún.

Tôi cuời:

-Thôi, kệ nó với Trời. Kẻ nào gieo ác thì sẽ gặp ác.

Rồi tôi chaỵ đi kiếm Hưá Sang, Hùng, A Cửu, Thuyết. Gặp nhau .. băng đã đánh tôi hôm nọ. Mấy anh đang ngồi chơi, thấy tôi vào thì giật mình. Tôi vẫy tay chào họ, mỉm cuời. Họ hơi gật đầu chào lại. Không muốn làm cho họ khó chịu, tôi đi chỗ khác chơi.

Bắt tay, trò chuyện một hồi, đã tới nửa đêm, tôi phải chui rào về lại K.30. Biết một đi là không có dịp gặp lại, lòng tôi nao nao. Rồi K. 30 cũng giữ chân tôi thêm vài năm, thêm bao kỷ niệm, truớc khi đuợc tha vào cuối năm 1980.

Cũng tại K.30, trạm y tế của toàn trại, tôi lại đụng độ với một tên ăng tên thứ thiệt, Huỳnh Văn Á, Sĩ quan không trợ tiểu đoàn. Á người to, cao, mặt khô, gân guốc. Khi chiến dịch đánh Ăng Tên nổ ra, Á bị đánh te tua, và cũng bị đưa sang K.30, cùng với nhóm Ăng Tên của các trại khác như Hoàng Hữu Hệ, trung tá quân nhu; Đào Thành Phụng, thiếu tá. Hai tay này bản chất nịnh hót, ngu xuẩn, không có chi đáng nói. Hệ có một lần muốn lấy điểm với cán bộ, đã ngồi lọ mọ dịch cuốn thơ của tên Hồ già sang tiếng Anh, bất ngờ bị tên lính i-tờ-rít bắt được, đem lên giã cho một trận vì tội “viết tiếng ngoại”. Hệ phải cải chính chối chết, mới thoát đòn.

Trở lại chuyện tên Á. Hồi đó, tôi có một cây đàn ghi ta, là người bạn thân quý của tôi, giúp tôi viết nhạc tù, nhạc chiến đấu và hát nhỏ nhỏ cho từng anh em nghe. (Trong khoảng thời gian gần 6 năm tù, tôi đã viết hơn 30 bài nhạc tù như thế). Buổi tối, làm bộ đi vòng vòng với bạn, tôi hát ư ử từng bài cho từng người thân, vì biết hệ thống ăng tên của chúng nó rộng lắm. Nếu lọt ra, thì bản án tử là cái chắc. Do đó, cây đàn như là trái tim tôi, linh hồn tôi, giúp cho tôi sống mạnh mẽ.

Bất ngờ, một hôm, trong khi tôi đang lau đàn, tên công an quản giáo, một tên tre trẻ, khoảng trên dưới 30, mặt non choẹt, đến cửa phòng tôi, đứng phía sau lưng tôi, nói lớn tiếng:

-Anh Tiến! Cho tôi mượn cây đàn!

Câu hỏi mượn đàn đến vào đúng lúc tôi đang nâng niu, âu yếm với “người tình”, làm tôi cụt hứng và đột nhiên, cơn điên, hận Cộng Sản vẫn đè nén trong tôi, cộng với nỗi nhục vì bị anh em hiểu lầm chợt bùng lên. Tôi vẫn quay lưng về phía tên công an, chụp tay xuống mớ dây đàn, giật mạnh đồng thời gào lên:

-Đ.M. Con C. Đéo cho công an mượn đàn!

Xong, tôi quay lại, giơ cao cây đàn lên, nói gằn giọng:

-Báo cáo anh, đàn tôi đứt giây rồi!

Tên công an ngẩn người ra trước hành động điên rồ của tôi, không biết nói sao, chỉ lẳng lặng quay bước đi, còn tôi, ngồi rũ xuống, ôm cây đàn mà khóc rưng rức. Tôi buồn quá, vì biết rằng còn lâu lắm có dây đàn mới!

Sau đó, bình tĩnh lại, tôi hát nho nhỏ một bài mà tôi mới sáng tác: “Ngày nay đây đời trai, còn giam trong ngục tối. Còn bao quanh bằng gai, bằng súng gươm của người. Ngày nay đây đời trai còn nén sâu hờn oán. Dấu trong lòng bao khát vọng không nguôi. Dù năm hay mười năm, tuổi trai không sờn chí. Dù chông gai hiểm nguy, ta quyết tâm không lùi. Còn đôi môi, còn hơi. Còn cất cao lời hát, dẫu âm thầm nhưng cũng rất vang xa…” Rồi tôi chờ đợi…tên công an sẽ “chơi” tôi, trả thù!

Đúng như thế. Tối đó, tên công an triệu tập một cuộc kiểm điểm bất ngờ. Tất cả các tù nhân phục vụ của trạm y tế gồm Bác Sĩ Nhân, Bác Sĩ Khánh, Bác Sĩ Lộc, Nha Sĩ Đào, Bác sĩ Đàm, và một số phục vụ khác, ngồi xếp bằng tròn dưới đất trên các ghế nhỏ xíu tự đóng lấy, tên công an chủ tọa. Dặng hắng một cái, tên cai tù hất hàm cho mọi người phát biểu. Không ai nói một lời, thì tên Á giơ tay, nói trước:

-Báo cáo cán bộ! Chúng tôi là những kẻ phản quốc! Chúng tôi đã phản lại dân tộc, nhân dân, chúng tôi đã lầm đường lạc lối theo chân đế quốc…

Nghe những lời chói tai này, cộng với cơn buồn chưa nguôi, tôi giơ tay, cản tên Á lại, không cho nó nói tiếp, và chỉ ngay ngón tay vào mặt nó:

-Anh Á! Yêu cầu anh nói lại! Nếu anh phản quốc, nếu anh phản bội dân tộc, lầm đường lạc lối, thì anh chỉ nên dùng danh xưng là “tôi”, không được dùng chữ “chúng tôi!” Chúng tôi ngồi đây, không ai phản quốc hết. Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, chưa hề bao giờ nghĩ là mình phản bội dân tộc cả… Hiểu chưa?

Tên Á đang ngồi, vùng đứng phắt dậy, chỉ tay vào tôi, gào lớn:

-Báo cáo cán bộ!  Thằng Tiến này chính là thằng phản cách mạng! Sáng nay, cán bộ tới mượn nó cây đàn, chính  nó đã giật đứt dây đàn rồi nói “Đ.M. Con C. Đéo cho cán bộ mượn đàn!”…

Tên công an đớ người ra trước thái độ của tôi và cũng thấy xấu hổ vì bị tôi chửi tục mà không làm gì được, đàng xua tay:

-Thôi! Thôi! Anh Á! Ngồi xuống!

Tên Á vẫn tiếp tục đứng và gân cổ:

-Báo cáo cán bộ! Nó chính là thằng vẫn viết nhạc phản động chống đối cách mạng…

Tên cai tù càng bối rối hơn. Một kẻ địch nguy hiểm thế mà không biết! Hắn quát lớn:

-Anh Á! Ra ngoài! Ra ngoài! Tôi nói anh ra ngoài! Không được nói nữa!

Tên Á đành lủi thủi ra ngoài, còn tên cán bộ thấy tình hình đảo ngược, bèn giải tán buổi   kiểm điểm dự định mà không biết làm gì với tôi. Sau khi tan hàng, anh em cười hí hí, vui vì đã cho tên ăng tên kia một bài học cũng như sự thua trận của tên cai tù không kinh nghiệm. Còn tên Á, đi phao tin tùm lum: “Đ.M. thằng Tiến! Kể từ giờ phút này, bước chân của nó đi đâu là có tôi theo đó. Tôi sẽ tự tay bóp cổ nó!”

Số phận tên khốn này không khá. Vài tháng sau, nó được tha về. Nhưng trời không dung, ngay ngày hôm sau nữa, thấy nó nặng nề vác cái bao vải lính cũ, lê vào cổng trại!

Anh em ngạc nhiên quá chừng, chẳng hiểu sao. Buổi kế tiếp, một tên công an khác, vẫn thường nhận thuốc lá của Bác Sĩ Lộc, người nhận nhiều quà nhất từ gia đình, vẫn thí cô hồn cho công an vài bao thuốc lá 555, bước vào vào cho Bác Sĩ Lộc hay là “Tên Á về đến nhà bị vợ và bà con đuổi vì tiếng vang “ăng tên”, không có chỗ nương tựa, lại chạy lên trại xin làm việc để sống sót! Trại thương tình cho nó ở lại vài hôm rồi cũng đuổi! Ai nhận một thằng tù mới ra trại!

Đáng đời một tên khốn kiếp.

Đầu năm 1981, tôi được thả về, đi tìm anh em bạn tù, lại gặp Nguyễn Lê Tuấn, bán vật liệu xây dựng ở Lý Thuờng Kiệt, Tân Bình. Gặp Trần Ðức Thịnh (ân nhân cứu mạng), gặp Phạm Thanh Tâm, đội 2, Mùi "rỗ", Truờng "lắc", Hùng "Rống". Gần 10 năm sau làm thằng tù trong nhà tù lớn, rồi qua Mỹ lại gặp biết bao nguời xưa. Mừng mừng vui vui. Kể chuyện về trại tù như một thời gian rèn luyện tâm hồn. Từ đó, mà tôi liều mình đứng ra tổ chức Cây Mùa Xuân H.Ô năm 1991 và 1992 có sự tham dự của hơn 1,000 người tại Westminster Civic Center, trong đó rất nhiều bạn tù Suối Máu, nơi tôi bị mang nỗi oan đau đớn là “ăng tên”.

Với sự tiếp tay cuả các bạn đồng tù, các bạn H.Ô, tôi lại tổ chức Tù Ca năm 1993 và 1994. Qua các cơ hội này, gặp thêm bao nhiêu bạn bè, chỉ nhớ mặt, mà không nhớ tên. Lần đông đảo nhất là lần cùng với Nam Lộc và Tổng Hội Sinh Viên tổ chức gây quỹ xây Tuợng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Những khuôn mặt phong suơng nhưng quả cảm cuả nguời Chiến Sĩ Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà lúc nào cũng toát lên niềm kiêu hãnh cuả một quân đội Bách Chiến, nhưng thua vì chính trị đểu cáng. Thôi, đành mong lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ thân yêu mãi mãi tung bay khắp miền thế giới. Mọi tranh chấp rồi cũng qua đi. Con nguời rồi cũng qua đi. Chỉ còn lịch sử tồn tại muôn đời.

 Chu Tất Tiến

09/11/2008


 

Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận

(xuất bản và phát hành tại Việt Nam - không xin phép)

Trang này lưu trữ các số báo từ 207, trong dạng EPUB. Quý độc giả có thể download để đọc trên iPad, iPhone hoặc các tablet, smartphone khác.

Cảm nhận với cuốn

“ Ngày Long Trời – Đêm Lở Đất“

Tác giả: Trần Thế Nhân (hiện còn ở trong nước) Do “ Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ” ấn hành năm 2010.

Đoàn Thanh Liêm ghi chú.


Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ lại vừa cung ứng cho công chúng một tác phẩm mới nữa, đó là cuốn “Ngày Long Trời – Đêm Lở Đất”. Cuốn sách dày trên 350 trang này là cuả một nhà văn trong nước với bút danh là Trần Thế Nhân, mà vì nhận thấy không thể xuất bản ở trong nước, nên tác giả đã phải tìm cách cho nó “vượt biên ra hải ngoại”. Nhờ vậy mà chúng ta mới có cơ hội được biết đến một số sự thật mà luôn bị cấm kỵ, không cho một ai ở trong nước được nói ra, hay được biết một cách tường tận.

Được viết dưới dạng tiểu thuyết, cuốn sách trình bày khá chi tiết rành mạch về những chuyện tàn bạo dã man, khốc liệt đến kinh hồn do chiến dịch “Cải cách ruộng đất” cuả chánh quyền cộng sản gây ra cho giới nông dân ở miến Bắc nước ta,vào hồi giưã thập niên 1950, chủ yếu là sau năm 1954, khi họ đã củng cố được bộ máy độc tài toàn trị trên phân nưả cuả đất nước Việt nam chúng ta.

Cách đây không lâu, nhà văn Tô Hoài cũng đã viết một cuốn truyện nhan đề “Ba Người Khác” mô tả về mấy nhân vật trong Đội Cải Cách trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, nhưng nhà văn này cũng vẫn chưa dám lột tả ra tất cả sự tàn ác rùng rợn cuả loại đấu tố và giết người hàng loạt, xảy ra khắp nơi trên đất Bắc cách nay đã trên nưả thế kỷ. Phải nhờ đến bài viết rất công phu với phân tích chi tiết rất phong phú cuả ông Nguyễn Minh Cần hiện sinh sống tại nước Nga, mà người đọc mới có thể cảm nhận được lối hành văn mô tả và tường thuật rất là mới lạ và độc đáo cuả tác giả cuốn sách này.

Sách được viết dưới dạng kể chuyện giữa những người ở “Bên Này” và người ở “Bên Ấy”, tức là giữa người còn sống ở trên dương thế này với người ở “cõi Âm” bên kia. Tác giả phải dùng lối hư cấu như thế, thì mới dám “nói hết Sự Thật” về những vụ đấu tố, nhục mạ, đánh đập và giết người với lòng căm thù tột độ, mà hầu hết do Đội Cải Cách xúi giục, thúc đảy người nông dân phải làm những chuyện bịa đặt “tố điêu, tố gian” đối với những “đối tượng” mà Đội đã lựa chọn sẵn. Có tài liệu ghi rằng : Các Cố vấn Trung quốc đã ấn định chỉ tiêu sẵn là “Phải có đúng 5% số nông dân là thuộc thành phần điạ chủ, phản động”. Vì thế mà các Đội Cải Cách cứ phải khiên cưỡng đôn con số điạ chủ bị đưa ra đấu tố, trừng trị lên thật cao, cho đủ số chỉ tiêu 5% đó. Vì thế mà đã tạo ra không biết bao nhiêu là oan ức, tàn bạo sắt máu hãi hùng rùng rợn tại các vùng nông thôn vào giai đọan thảm thương đen tối đó .

Điểm đặc biệt trong cuốn sách này là tác giả đã sử dụng một bút pháp khá độc đáo, táo bạo trong lối hư cấu, nhằm nói lên hết được những hồi ức, suy tư và cảm nghiệm của người nạn nhân, mà lúc sinh tiền đã không có cơ hội nào đễ giãi bày tâm sự với ai, kể cả người thân thiết ruột thịt trong gia đình. Đây là một kỹ thuật bút pháp khá mới mẻ đối với người đọc ở nước ta. Và nói chung, tác giả đã tỏ ra khá thành công trong chủ đích trình bày với công chúng sự việc điển hình bi thảm tột cùng, như đã xảy ra tại một địa phương cụ thể là trong tỉnh Thanh Hóa thuộc miền bắc, cách nay đã trên nửa thế kỷ trong giai đọan “cách mạng long trời lở đất” hồi giữa thập niên 1950 ở phía bắc vĩ tuyến 17 nước ta.

Và như đã ghi ở trên, ông Nguyễn Minh Cần, vốn là một cán bộ cao cấp của chế độ Hanoi hồi giữa thập niên 1950, thì ông đã viết bài giới thiệu và phân tích rất chi tiết và đày đủ cho cuốn sách này rồi. Vì thế, tôi chỉ xin ghi lại ở đây một cách thật ngắn gọn mấy cảm nhận riêng của mình, sau khi được đọc cuốn sách do nhà xuất bản gửi cho vào đầu tháng 6 vừa đây, vào lúc tôi sắp sửa phải rời thành phố Washington DC để đi nơi khác.

1/ Trước hết, cuốn sách được phân bố trong tất cả là 46 chương, mà có chương chỉ dài có vài ba trang, nên thật dễ cho bạn đọc không có nhiều thời giờ để đọc liền một lúc trong một vài giờ. Như vậy, người đọc nào cũng có thể đọc từng chương một mỗi khi rảnh rỗi, hoặc có thể đọc lại một vài chương nào mà mình thấy cần phải coi lại cho thấu đáo hơn. Cách phân bố như vậy, quả thật là rất thuận tiện cho lớp độc giả lớn tuổi, hay cho người quá bận rộn không thể dành nhiều thời gian liên tục cho việc đọc cuốn sách này được.

2/ Tuy đây là một cuốn tiểu thuyết với sự hư cấu cần thiết, nhưng tác giả đã căn cứ vào những sự kiện rất cụ thể xác thực, cũng như nêu cả danh tánh của nhiều nhân vật trong chế độ công sản thời đó, mà ai cũng có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng. Như vậy, cuốn sách này có độ khả tín và chính xác rất cao. Người đọc có thể yên tâm, vì sau trên 50 năm, các điều mô tả trong suốt cuốn sách đã ăn khớp với tất cả những chứng từ rất đáng tin cậy từ các nguồn cung cấp khác nhau. Điển hình như bản sao “Giấy khai tử của nạn nhân Kiều Văn Nhạ” bị hành hình trong một cuộc đấu tố ở ngọai ô thành phố thủ đô Hanoi vào cuối năm 1955, do chính nhà chức trách địa phương đã cấp cho người vợ của nạn nhân vài năm sau đó, thì giấy khai tử này đã được đăng trên tạp chí “Thế Kỷ XXI” xuất bản tại California vào năm 2002. Cụ Kiều Văn Nhạ đây lại chính là thân phụ của người tù cũng nổi danh là ông Kiều Duy Vĩnh, một cựu sĩ quan của Quân đội Quốc gia hồi trước năm 1954.

3/ Mặt khác tác giả đã trình bày sự việc một cách hết sức bình tĩnh, khách quan, thanh thóat, mà không hề có luận điệu hằn học, thù óan gì đối với những kẻ đã gây ra tội ác rùng rợn khủng khiếp đó. Tác giả cũng khá công minh trong việc nêu ra được sự động lòng cảm thương của một số người nông dân đối với các nạn nhân bị hành hạ tàn nhẫn, bị làm nhục nhã cực độ bởi các người phản phúc, mà trước đây đã từng chịu ơn từ chính gia đình của nạn nhân.

Tuy vậy, cái ưu điểm nổi bật nhất trong cuốn sách này chính là ở chỗ tác giả đã vạch mặt chỉ tên đích danh thủ phạm có trách nhiệm chính yếu nhất, đó là người “lãnh tụ tối cao” Hồ Chí Minh, mà tác giả viết rất mỉa mai khôn khéo là “Hòang Thượng”, là “Đấng Chí Tôn, Chí Linh, Chí Thánh, Chí Thần”. Trong chương 4, tác giả đã mô tả khá chi tiết về thảm cảnh của “người cung nữ mà có con với Hòang thượng”, rồi bị giết một cách hết sức dã man tàn ác. Đó là chuyện của Cô Nông Thị Xuân đã ăn ở với ông Hồ vào năm 1955 và sinh ra một người con trai là Nguyễn Tất Trung, rồi cô bị Bộ trưởng Công An là Trần Quốc Hòan hãm hiếp , sau đó lại sai thuộc hạ đập đầu cho chết để phi tang. Vụ việc động trời này đã được nhiều người thuật lại, mà cụ thể nhất là do nhà văn Vũ Thư Hiên đã viết khá chi tiết trong cuốn Hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997 tại hải ngọai, mà sau đó đã được tái bản nhiều lần.

Có thể nói rằng cuốn “Ngày Long Trời – Đêm Lở Đất” này sẽ có tác dụng rất mạnh trong việc góp phần vào chiến dịch “Giải trừ Huyền thọai Hồ Chí Minh”, mà Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trung Tá Trần Quốc Bảo đã phát động từ mấy năm nay vậy. Tác giả đã không đại ngôn, đao to búa lớn khi dành cả chương thứ 40 để viết về “Quỷ Người – Người Quỷ” để mô tả cái xã hội do người cộng sản tạo ra. Và trong chương thứ 41 liền theo đó, với nhan đề là :” Đấng Chí Tôn, Chí Thánh, Chí Thần…”, tác giả đã mô tả về sự xuất hiện và phát biểu của “Đấng Tối Cao”, mà người đọc nào cũng có thể nhận ra được, đó chính thực là chân dung của Hồ Chí Minh.

Để tóm tắt lại, bài này chỉ ghi lại một vài cảm nhận riêng của người viết, sau khi vừa được đọc cuốn sách trên đường đi công tác tại khu vực miền Đông Nam nước Mỹ. Tác giả xin ghi lời cảm ơn đặc biệt đối với nhà văn Trương Anh Thụy đã thay mặt Nhà Xuất bản để gửi tặng cho cuốn sách đang được chuẩn bị để ra mắt độc giả tại vùng thủ đô Washington và tại California trong tháng 6 và 7 năm 2010.

Nhân tiện, người viết cũng xin ghi thêm một điểm son nữa cho Nhà Xuất Bản vì đã kèm theo thêm mấy phụ bản rất có giá trị để minh họa cho cuốn sách quý này. Đặc biệt là bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Liên Xô Dmitri Baltermants chụp tại Bắc Việt vào năm 1955, ngay “ nơi hiện trường đấu tố”. Và nhất là bản sao 2 bức thư của Ông Hồ Chí Minh viết tay bằng tiếng Nga gửi cho ´Đồng chí Stalin” hồi tháng 10 năm 1952 kèm theo bản “Dự thảo về Cương lĩnh Ruộng Đất của Đảng Lao Động Việt nam”, được sọan thảo với sự cố vấn của Lưu Thiếu Kỳ là một nhân vật lãnh đạo nòng cốt của Đảng Cộng sản Trung quốc vào thời đó.

Và cuối cùng, người viết xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc : Đây là một cuốn sách rất có giá trị, cả về hình thức văn phong tân kỳ độc đáo, cũng như về nội dung sự việc được trình bày một cách rất chính xác và công minh, với sức hấp dẫn thuyết phục rất cao vậy đó

Tennessee, ngày 7 tháng Sáu 2010 - Đòan Thanh Liêm

Posted on 04 Oct 2013
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • CORONAVIRUS collection
  • THANK YOU VIETNAM VETERANS
  • FLAG PARADE MAY 2018
  • Candlelight Vigil July 28-2018
  • Candlelight Vigil_Spokane 2018
  • Vietnam Freedom movement
  • www.9binh.com-- Trung cộng tàn ác
  • Kỹ Thuật Biểu Tình + Biểu Ngữ
  • GIAI AO THOI SU:TS Nguyen Xuan Nghia
  • Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!
  • VIETNAMESE HERITAGE DAY 2018
  • Proclamation 4-point, Spokane, WA 2018
  • Hữu Loan: cố thi sĩ bất khuất của Nhân Văn Giai Phẩm
  • Freedom Flag Parade Spokane 5/20/2017
  • (2) VIETNAMESE HERITAGE DAY 2017
  • Slideshow: My Nation - Dat Nuoc Toi
  • Vietnamese Heritage Day 2017, Spokane
  • PROCLAMATION+Vietnamese Heritage Day 2017
  • GS Vũ Quý Kỳ: Cuộc Bầu cử Hoa Kỳ 2016
  • Trung cộng làm cá chết, biển độc
  • Cố Gs Lưu Trung Khảo: Lạc Quan, Tin Tưởng và Hy Vọng
  • PARADE + VIETNAMESE HERITAGE DAY 2016
  • PROCLAMATION 2016 --SPOKANE
  • Trần Phong Vũ: Một chế độ bạo tàn, không tim óc
  • 25 AUDIO NHẬN ĐỊNH VÀ CHÚC TẾT 2016
  • Gs Nguyễn Ngọc Bích: Chế độ đã đến ngày tàn!
  • Gs Nguyễn Lý Tưởng: Cùng tắc biến, biến tắc thông
  • Đức Giám Mục Nguyễn Văn Long: Hãy cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi!
  • Mặc Giao: Can trường cứu Nước cứu nhà!
  • Nguyễn Tầm Thường: suy niệm & cầu nguyện
  • AUDIO Hồi Ký, Bút Ký, Bình Luận
  • Chữ và Nghĩa (Đoàn Thế Ngữ)
  • 40 Năm: Lm Phan văn Lợi nghĩ gì?
  • Gs Vũ Quý Kỳ: 30/4/75 Lesson
  • GS Nguyễn Lý Tưởng: TS Roland Jacques & Quốc Ngữ
  • THƯƠNG TIẾC VIỆT DZŨNG!
  • Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện
  • Collection 2_ Sinh Hoat Ca (32)
  • Collection 1_ Sinh Hoat Ca (40)
  • 28 AUDIO Quý Tỵ 2013 từ Hoa Kỳ
  • 70 NĂM TÂN NHẠC MIỀN NAM (1930-2000)
  • Công Giáo Miền Bắc chống nhà nước VC!
  • Mãi mãi dòng thơ HOA ĐỊA NGỤC
  • Tôi Phải Sống -- Hồi ký đời tù của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
  • Tiến sĩ Nguyễn văn Lương: HẠN CHẾ DU LỊCH & GỞI TIỀN
  • TỘI ÁC KINH KHỦNG của Đảng Cộng Sản Trung Quốc!
  • Buồm cao ghi dấu can trường
  • 4 cuốn Sách Pháp viết về 30-4-1975: Pierre Darcourt, Jean Lartéguy, Olivier Todd, Vanuxem
  • VIỆT KHANG: Lòng nào làm ngơ trước NGOẠI XÂM?
  • 33 BÀI NHẬN ĐỊNH & CHÚC TẾT ĐỒNG BÀO VIỆT NAM
  • THÁI HÀ đấu tranh quyết liệt!
  • LM Nguyễn văn Khải: giáo dân xông vào nơi hiểm nguy!
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)