Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Mặc Giao: Con thú điên cuồng ở chân tường!

Bài bình luận sau đây được trình bày trên Diễn Đàn PALTALK "chinhtri" (Diễn Đàn Tranh Luận Chính Trị Dân Chủ), là một trong các diễn dàn hội luận diễn ra mỗi tối Chủ Nhật hàng tuần lúc 7:00--10:00 giờ tối California (luân phiên giữa hai room "chinhtri" và "nguoidan")--- thực hiện bởi các anh chị em  yểm trợ Khối 8406 và đồng bào quốc nội đấu tranh cứu nước Việt Nam.

Nhà văn Mặc Giao, nguyên là cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, và ông hiện là Chủ tịch Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam. Sau đây là bài nhận định của ông Mặc Giao về những cuôc biểu tình liên tiếp tại Việt Nam, và bí mật về những thoả thuận giữa CSVN và Trung Quốc. Cũng nhân dịp này, ông Mặc Giao có đôi điều nhận dịnh về việc nhà nước Việt Cộng mới bắt giam trở lại linh mục Nguyễn Văn Lý.

 (Quý vị bấm vào đây nghe âm thanh)
http://www.freevietnews.com/audio/20110728Nv_MacGiao.m3u


Hải ngoại ngày 28.7.2011

NHỮNG PHẢN ỨNG ĐIÊN CUỒNG CỦA
CON THÚ BỊ DỒN ĐẾN CHÂN TƯỜNG

 Mặc Giao


Kính thưa quý vị

 Hôm nay tôi xin thưa với toàn thể quý vị về những cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra tại Việt Nam, và những biến chuyển mới của những cuộc biểu tình đó. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy có một vấn đề rất là quan trọng, đó là, rất có thể có những thoả thuận ngầm giữa cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cho nên cộng sản Việt Nam không dám có những hành động hay lời nói gì để bảo vể lãnh thổ và lãnh hải của Đất Nước, và luôn luôn chịu khuất phục, hay nói một cách khác là có một thái độ rất nhu nhược đối với Trung Quốc, vì họ đang bị một mối đe dọa gì đó rất lớn, đè nặng trên cổ họ.

Vậy tôi xin được trình bày và phân tích những vấn đề đó. Cuối cùng, chúng tôi cũng sẽ đưa nhận định về những lý do tại sao linh mục Nguyễn văn Lý lại bị cộng sản Hà nội bắt giữ trở lại.

Chúng ta đều biết rằng, Cộng sản VN vừa diễn xong tấn tuồng sắp xếp ban lãnh đạo mới cho quốc gia. Chưa cần nói tới vấn đề nguyên tắc ai cho phép một đảng tự nhận đại diện nhân dân để chỉ định những người lãnh đạo đất nước, chỉ cần nhìn vào thành phần được chỉ định, người ta đã ngao ngán thấy rõ tình trạng bình cũ rượu cũ, cũ đến độ khiến mọi người có cảm tưởng đảng cộng sản VN đã cạn kiệt mọi sáng kiến và cạn kiệt luôn cả nguồn nhân lực có khả năng lãnh đạo. Quay đi quay lại cũng tiếp tục đi con đường mòn đảng độc tôn đè đầu bóp cổ dân, cũng chỉ có một số bộ mặt cũ kỹ, vô tài thiếu đức, tự dàn xếp với nhau để chia chác chỗ ngồi.

 Chính vì họ tự biết mình không có tư cách đại diện cho ai, không được ai yêu mến cảm phục, nếu không nói là bị cả nước ghét bỏ, dĩ nhiên trừ đám tay sai, nên họ chẳng thương yêu gì dân, chẳng quan tâm tới quyền lợi của đất nước. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ chỗ ngồi và túi tiền của họ, kể cả đàn áp dân tàn nhẫn và bán nước cho ngoại bang.









     Tài kinh bang tế thế thì không có. Tài đàn áp dân thì vô địch. Cướp nhà cướp đất của dân rồi lại đánh đập, bắt nhốt những nạn nhân đi khiếu kiện. Ai lên tiếng đòi tự do, dân chủ và nhân quyền là bị công an sách nhiễu, đánh đập tàn ác và đưa ra tòa kết án tù. Hết hạn tù vẫn còn bị nhốt tại một nơi thân nhân không biết, bị mất một tay không rõ lý do. Đó là trường hợp blogger Điếu Cầy. Dân vô tội bị công an đánh chết ngoài đường. Nhiều người chết khi bị giam giữ tại đồn công an.

Đáng phẫn nộ nhất là công an hành xử một cách tàn bạo, đầy lòng thù hận với những người yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Công an ngăn cản, đánh đập người đi biểu tình, khiêng như khiêng heo ném lên xe chở về bót, thậm chí còn đạp vào mặt một người đã bị hai công an khác kẹp hai tay. Nếu không có lệnh của cấp trên, nếu không được dậy nuôi lòng thù hận với những người dám làm khác mệnh lệnh của đảng, thì công an không dám hành động như thế. Những lời phản kháng, những vần thơ bộc phát, đã làm rúng động lòng người: “Đạp vào mặt dân là đạp vào mặt tổ quốc”.

Dù bị đàn áp dã man như vậy, Hà Nội đã liên tiếp biểu tình 8 ngày Chúa Nhật và hứa hẹn sẽ còn biểu tình liên tục. Sài Gòn cũng đã rầm rộ xuống đường cùng với Hà Nội, và ngày 27/7/2011, các nhân sĩ trí thức Sài Gòn đã phối hợp với Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ cả hai chế độ Nam Bắc đã hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Dịp này, bà qủa phụ Trung Tá Ngụy Văn Thà, một hạm trưởng của Hải Quân VNCH đã hy sinh trong trận bảo vệ Hoàng Sa, cũng được mời. Bà đã dương cao tấm biển đả đảo Trung Cộng xâm lăng.

 Cũng trong tinh thần nhớ ơn những người đã hy sinh bảo vệ tổ quốc, cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày Chúa Nhật 24/7/2011 cũng có mục đọc tên vinh danh toàn thể các chiến sĩ, không phân biệt chiến tuyến, đã hy sinh tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tên của mỗi người, ngày và nơi hy sinh được viết trên một tờ bià và được người đi biểu tình trân trọng giơ cao. Đây là một thể hiện mới của lòng dân. Họ thách thức nhà cầm quyền. Họ không sợ những đàn áp. Họ khinh bỉ thái độ vũ phu và hèn nhát của những kẻ đại diện công quyền.

 

     





Qua những hành động này, ai cũng phải hiểu những cuộc biểu tình liên tục không phải chỉ để phản đối Trung Quốc xâm lược, nhưng còn gián tiếp nhắm vào hàng ngũ lãnh đạo cộng sản VN. Những khẩu hiệu viết “Vì đâu? Vì ai? Hãy đứng dậy” và khẩu hiệu hô “Đả đảo Nguyễn Tấn Dũng” đã xuất hiện trong các cuộc biểu tình ở Hà Nội. Đồng bào biểu tình liên tục để tỏ ý chí, để thi gan với những người cầm quyền, để đánh thức lòng dân, để tập dược cho những cuộc tranh đấu lớn hơn, để tạo thời cơ cho một cuộc hội lớn của dân tộc. Cộng sản hiểu điều này nên rất lo sợ và càng gia tăng đàn áp.

        Một mối lo lớn khác của cộng sản VN là sợ Trung Quốc công bố thỏa thuận ngầm mà họ đã ký kết với Trung Quốc. Ngay sau khi bị tầu Trung Quốc cắt dây cáp của hai tầu tìm dầu và đánh đuổi nhiều tầu đánh cá của VN, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn đã phải đi ngay Bắc Kinh gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trương Chí Quân ngày 25-6-2011 và yết kiến đại đồng chí Đới Bình Quốc, Ủy viên Ngoại Vụ của Trung Ương đảng công sản Trung Hoa.

Sau cuộc yết kiến này, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi, trong cuộc họp báo ngày 28-6-2011, đã tặng cho Hồ Xuân Sơn một cái tát nẩy lửa khi khẳng định “Biển Nam Trung Hoa hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc là điều không thể bàn cãi”, nhất là đã buộc chặt VN vào cái gọi là “thỏa thuận đã đạt được”. Ý này cũng được lặp lại trong công bố chung được Tân Hoa Xã đăng tải: “Trung Quốc hy vọng phiá VN sẽ thực thi điều đã thỏa thuận với chúng tôi”

       “Thỏa thuận đã đạt được” là cái gì? 18 nhà trí thức VN đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao giải thích nhưng Bộ đã tìm cách né tránh. Mọi người đều muốn biết cộng sản VN đã thỏa thuận ngầm với Trung Quốc những gì mà Bắc Kinh cứ nhắc đi nhắc lại hoài để cột trói và đe dọa Hà Nội?.

Nếu không sợ há miệng mắc quai thì tại sao không dám công khai hóa những thỏa thuận ngầm với Trung Quốc? Nếu không sợ lòi bộ mặt phản dân, bán nước thì việc gì phải năn nỉ Trung Quốc giữ kín và sợ Trung Quốc “bật mí” đến thế? Như vậy thỏa thuận ngầm chỉ có thể là bán đứng các hải đảo và Biển Đông cho Trung Quốc để trả nợ cho hai cuộc chiến tranh và được bảo đảm sẽ được cứu khi có nội loạn hoặc ngoại xâm. Nếu không đúng như vậy thì chẳng có gì phải dấu kín.


      





Vì những lý do trên, cộng sản Việt Nam mới sợ các cuộc biểu tình của những người yêu nước. Nếu không bịt miệng những người chống Trung Quốc, nếu không cản những người xuống đường tiến đến tòa đại sứ và các tòa lãnh sự Trung Quốc, đàn anh Trung Quốc sẽ nổi giận, sẽ phá từ trong đảng phá ra và sẽ tiết lộ những thỏa thuận bán nước mà cộng sản VN đã ký với Trung Quốc. Lúc đó những người lãnh đạo ở Ba Đình sẽ ăn nói làm sao với nhân dân VN? Họ sẽ bị lộ bộ mặt bán nước. Dân Việt Nam sẽ phản ứng thế nào, chắc ai cũng đoán ra.

      Vụ cộng sản Hà Nội mới bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý trở lại nhà tù biết đâu cũng nằm trong âm mưu của Trung Quốc. Họ sai vây cánh của họ trong Bộ Chính Trị của đảng cộng sản VN thực hiện việc này để phá phe có khuynh hướng dựa vào Khối ASEAN và Hoa Kỳ để làm đối trọng (chưa dám nói tới chuyện chống) với Trung Quốc. Cũng có thể Hà Nội bắt lại Linh mục Lý để làm lá bài trao đổi với Mỹ khi thấy Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Mỹ lên giọng về nhân quyền

.






Dù sao việc bắt một nhà tu 64 tuổi, đang bị bệnh hoạn và tàn phế, chỉ vì tội ngồi tại chỗ đòi tự do dân chủ và nhân quyền, một lần nữa chứng tỏ những người lãnh đạo Việt Nam là những kẻ không có tình người, không có tình đồng bào, sẵn sàng làm mọi điều ác để duy trì quyền hành và lợi ích của riêng mình.

Hành động này đã bị dân Việt Nam trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, các chính phủ, đặc biệt Hoa Kỳ và Canada, nhất loạt lên tiếng phản đối và đòi trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý tức khắc và vô điều kiện. Thật đẹp mặt cho một nhà nước đòi ngồi chung chiếu với thế giới văn minh! Thật hổ thẹn cho Việt Nam!

       Cộng sản Việt Nam hiện nay tứ bề thọ địch. Họ như con thú điên cuồng, cố vùng vẫy và cắn càn để tự vệ vì đã bị dồn tới chân tường. Càng hung hăng lồng lộn càng tạo sự căm phẫn, chán ghét cho quần chúng. Đến khi những thỏa thuận mật ký với Trung Quốc được đưa ra ánh sáng, họ sẽ lộ nguyên hình những kẻ phản bội bán nước cầu vinh.

Nhân dân sẽ có những lý do rất cụ thể để dẹp bỏ tập đoàn phản quốc này. Cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, dẹp kẻ nội thù sẽ có mục tiêu sờ thấy được, nhìn thấy rõ, không xa vời, cao siêu và thuần ý niệm như tự do, dân chủ, nhân quyền, dù những lý tưởng này vẫn luôn luôn được trân quý.

 Mặc Giao

 (Quý vị bấm vào đây
  nghe âm thanh)

http://www.freevietnews.com/audio/20110728Nv_MacGiao.m3u

Nhà văn Mặc Giao, nguyên là cựu dân biểu Việt Nam
Cộng Hòa, và ông hiện là Chủ tịch Ủy Ban Canada
Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam.








Kính gởi đến Toàn thể Đồng bào
và Thân hữu quốc tế.
Xin vui lòng giúp phổ biến rộng rãi.

 

Bản Lên tiếng
của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền

về việc Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý
lại bị Cộng sản đưa vào tù.


            Kính thưa toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước,
            Kính thưa toàn thể Kitô hữu Việt Nam trong và ngoài nước,
            Kính thưa Hội đồng Giám mục Việt Nam,
            Kính thưa toàn thể các Linh mục Việt Nam.

            Thế là sau hơn một năm 4 tháng được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để cho ra ngoài chữa bệnh (kể từ 15-07-2010), linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đã bị công an đưa vào lại trại giam Nam Hà (còn gọi là Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vào chiều ngày 25-07-2011 vừa qua trong tình trạng sức khỏe chỉ mới hồi phục khoảng 60% (như chính lời Lm Lý yêu cầu ghi vào biên bản của công an trước khi bị chở vào lại nhà tù).

            Trước sự việc liên quan đến một thành viên của chúng tôi như thế, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền tuyên bố:

            1- Tái phản đối phiên tòa phi pháp ngày 30-03-2007 tại Huế và bản án bất công dành cho Linh mục Nguyễn Văn Lý (và các bạn cùng vụ), cũng như phản đối việc đưa Lm Lý vào lại nhà tù dù trong tình trạng sức khỏe thế nào chăng nữa. Linh mục Lý không có lý do gì để bị giam giữ, dù chỉ một ngày.

            2- Tố cáo nhà cầm quyền CSVN muốn báo thù Linh mục Lý vì Linh mục đã tiếp tục đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền trong thời gian tại ngoại chữa bệnh, nhất là đã cùng với nhiều người đâm đơn đòi truy tố Bộ Chính trị và Trung ương đảng CSVN về hai tội phản quốc và bán nước, rồi từ đầu năm 2011 đến nay, đã liên tục cảnh báo Đồng bào về Đại họa mất nước vào tay Tàu cộng do sự hèn nhát và đồng lõa của đảng CSVN.

            3- Thỉnh cầu các Chính phủ Dân chủ và các Cơ quan Nhân quyền trên toàn thế giới ra tay can thiệp để giải cứu vị Tù nhân lương tâm vốn đã 4 lần ngồi tù này, cũng như giải cứu mọi tù nhân lương tâm khác đang bị chế độ độc tài toàn trị, tàn ác dối trá, phi nhân bản và phản dân chủ tại Việt Nam giam cầm trong vô số nhà tù khắc nghiệt.

            4- Thỉnh cầu Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước mạnh mẽ và đồng loạt lên tiếng phản đối hành vi đàn áp Linh mục Lý và mọi tù nhân lương tâm khác. Sự đàn áp này là một trong những hình thức của chủ trương đường lối lệ thuộc Tàu cộng mọi mặt của đảng và nhà cầm quyền CSVN, vốn đã và đang bị Đồng bào trực tiếp và gián tiếp tố cáo qua các cuộc biểu tình, kiến nghị, lên tiếng từ lâu, nhất là suốt tháng 6 và tháng 7 năm 2011 này.

            5- Kiến nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Công lý Hòa bình, ra tay đòi lại công lý cho một trong những thành viên và chứng nhân nổi bật của Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện thời, một trong những tiếng nói ngôn sứ bất khuất đã luôn kiên trì đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền theo đúng đòi hỏi của Học thuyết Xã hội Công giáo và đòi hỏi của lương tâm Linh mục.

            6- Đề nghị các Linh mục Việt Nam (trong lẫn ngoài nước) mở chiến dịch Hiệp thông Cầu nguyện (cùng với các Giáo dân) cho một người anh em của chúng ta, vốn đã và đang tiếp tục lâm nạn vì muốn sống trọn vẹn sứ mạng chứng nhân cho sự thật và lẽ phải, cũng như cho mọi Đồng bào đang đấu tranh và đang chịu gian khổ vì yêu Tổ quốc, yêu công lý và yêu nhân quyền.

            Việt Nam ngày 27-07-2011

            Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền

            - Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế
            - Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải,Tổng Giáo phận Huế
            - Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
            Anh em Linh mục nào muốn cùng ký tên thì xin kính mời….

 

VIẾT TỪ CANADA

 

MẶC GIAO

 

TAM TÒA:CON ĐƯỜNG TỰ HỦY CỦA CỘNG SẢN

      Kể từ khi cộng sản đàn áp dã man giáo sĩ và giáo dân tại Tam Tòa vào tháng 7-2009, người lên tiếng mạnh mẽ nhất với những lý luận vững chắc nhất không phải là một giám mục nào, mà là Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thuộc Dòng Phanxicô, tu viện Đa Kao, Sài Gòn. Sau bài “Tam Tòa:chuyện nhỏ?!” được viết ngày 31-07-2009 (anh Trần Phong Vũ phân tích và bình luận trong số báo này), Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh đã giảng một bài rất thẳng thắn và sâu sắc trong thánh lễ ngày 9 tháng 8 tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, Sài Gòn. Thánh lễ này do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế gốc giáo phận Vinh tổ chức.

      Chúng tôi không thuật lại toàn bộ bài giảng, chỉ xin nhắc lại những điều chúng tôi cho là quan trọng và ý nghiã nhất:

      1/ Giáo Hội phải trả giá: Giáo Hội Công Giáo VN được phép xây cất những nhà thờ, chủng viện, tu viện hoành tráng, số chủng sinh, linh mục gia tăng, các giám mục, linh mục, tu sĩ được đi nước ngoài như đi chợ. Tất cả những thứ “được phép” này đã tiếp tay cho chiến thuật tuyên truyền về tự do tôn giáo của nhà cầm quyền và phải trả giá bằng sự im lặng trước những sự kiện dân oan đòi đất, những người tranh đấu cho nhân quyền bị bắt bớ, việc mất đất , mất biển và vụ bauxite. Việc làm thinh của Giáo Hội trước những vấn đề này đã khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội tự tách mình ra khỏi cộng đồng dân tộc.

      2/ Giáo Hội đã không làm bổn phận của mình: Giáo Hội xa lạ với người nghèo, lạnh lùng với các tôn giáo khác. Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội chỉ là cỗ máy trùm mền. Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, một định chế quan trọng của Giáo Hội, không được thành lập. Đạo chỉ còn là một thứ nghi thức bề ngoài.

      3/ Hậu qủa: Tất cả những điều trên đã biến Giáo Hội thành đồ trang trí cho chế độ, đã làm cho hình ảnh của Giáo Hội và của Chúa Kitô có nguy cơ bị biến dạng. Điều này làm chúng ta lo âu hơn là mất vài miếng đất.

      4/ Phải cầu nguyện cho những gì?: Không phải chỉ cầu nguyện cho việc đòi lại vài miếng đất bị chiếm bất hợp pháp, dù tôn giáo cần không gian cần thiết để cầu nguyện, nhưng phải nhìn vấn đề một cách toàn diện. Vì vậy phải cầu:

-         Cho những người cầm quyền biết chúng ta không chấp nhận mãi mãi bị đối xử bất công,

-         Cho chúng ta ý thức là chúng ta không sống trên cung trăng, trên sao hỏa, nhưng sống với đồng bào, với đất nước Việt Nam,

-         Cho khát vọng tự do, dân chủ, công lý phải là khát vọng của cộng đồng tín hữu,

-         Cho sự đồng tâm nhất trí của cộng đồng tạo nên sức mạnh của lòng tin,

-         Cho các vị lãnh đạo Giáo Hội VN không phải trải qua kinh nghiệm đau thương như Giáo Hội Ba Lan: một tổng giám mục phải từ chức vì là cựu điểm chỉ viên của cộng sản,

-         Cho các mục tử biết tích cực tham gia vào việc tái lập công lý và hòa bình, vì “Linh mục thì nhiều, mục tử chẳng có bao nhiêu” (Thánh Âu-cơ-tinh).

 

      Nếu giáo dân viết ra những điều trên, chắc chắn sẽ bị lên án là “chống cha chống Chúa”. Khi một linh mục thẳng thắn nêu lên những sự thật đau lòng và những ước mong cho Giáo Hội phải dấn thân hành động để khỏi làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Kitô, hỏi có ai dám kết án vị linh mục này? Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh không làm công việc “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng vì “ở trong chăn” nên phải nói lên sự thật một cách can đảm. Sự can đảm càng lớn lao hơn khi những lời sự thật nhắm thẳng vào những vị lãnh đạo của Giáo Hội và giữa một bầy thú dữ luôn rình rập để phanh thây những ai dám tố cáo lòng lang dạ sói của chúng. Chúng ta hy vọng những lời sự thật này sẽ đánh động tâm tư các chủ chăn. Trong trường hợp các ngài đang có những suy nghĩ thận trọng để đưa ra một đường lối ôn hòa nhưng hữu hiệu, những lời phát biểu của Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh sẽ là một đóng góp giá trị cho một đường lối mới, nếu có.

      Khi kết thúc phần viết này, chúng tôi được đọc bản tin của Catholic World News đăng trên VietCatholic ngày 14-08-09, theo đó Hội Đồng Giám Mục VN cho phổ biến ngày 12-08-09 một lời tuyên bố kêu gọi đối thoại hòa bình về những cuộc đàn áp đang diễn ra nhắm vào giáo dân thuộc giáo phận Vinh. Hội Đồng Giám Mục tỏ mối quan tâm về những căng thẳng do việc tranh chấp đất đai giữa giáo dân và nhà cầm quyền địa phương, đặc biệt là những phương pháp cực đoan do chính phủ thi hành. Các giám mục cũng đòi hỏi nhà nước cải tổ luật đất đai và tôn trọng quyền sở hữu đất của công dân, nếu để nhà nước độc quyền quản trị như hiện nay, sẽ sinh ra lạm dụng và tham nhũng. Các giám mục cũng than phiền về việc các cơ quan truyền thông nhà nước không tôn trọng sự thật khi loan tin về các vụ tranh chấp. Như vậy là Hội Đồng Giám Mục VN đã có lên tiếng về vụ Tam Tòa thuộc giáo phận Vinh. Tuy nhiên, lời lên tiếng xem ra qúa yếu ớt, nếu không nói là qúa nể nang nhà cầm quyền trong khi đất nhà thờ bị phong tỏa, thánh giá Chúa bị lấy đi, 20 người trong đó có 2 linh mục bị đánh trọng thương, người gẫy tay, người bể đầu, người gần lòi con mắt, nhiều người khác bị bắt đi điều tra. Chúng ta không đòi hỏi một cuộc đối đầu mắt trả mắt, răng trả răng, nhưng lẽ ra Hội Đồng Giám Mục phải đòi truy nguyên trách nhiệm của những người gây ra vụ này, đòi bồi thường xứng đáng cho nạn nhân, trả lại đất nhà thờ và tự hậu chấm dứt những hành động dã man tương tự. Như vậy may ra nhà cầm quyền mới quan tâm phần nào và các nạn nhân cũng như toàn thể giáo dân mới được an ủi vì thấy con chiên không bị các chủ chăn bỏ rơi.

 

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN CỦA GIÁO PHẬN VINH

      Giáo phận Vinh nằm trên địa bàn của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, vùng đất cằn cỗi và nghèo nhất nước, lại lắm thiên tai, bão tố xảy ra hàng năm. Có lẽ điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã tạo cho dân vùng này một ý chí sắt đá và sự cố gắng phấn đấu vượt bực để sống còn và cạnh tranh với đời. Chính vì vậy mà vùng này đã sản sinh ra nhiều nhân vật có tài cũng như nhiều nhân vật có tật: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Hồ Tùng Mậu, Đồng Sĩ Nguyên… Ai theo cộng sản thì là thứ cộng sản ác ôn và qúa khích nhất. Ai chống cộng thì cũng là những người không thể đội trời chung với cộng sản. Trong giai đoạn 1947-1954, việc đối đầu giữa giáo dân tập hợp trong Liên Đoàn Công Giáo và cộng sản rất gay go, vụ Quỳnh Lưu đã gây rúng động dư luận khi dân làng này rào làng giữ đạo và bị cộng sản tàn sát. Ngay sau Hiệp Định Genève 1954, một phong trào đòi di cư vào Nam đã nổi lên rất mạnh tại vùng này nhưng đã bị cộng sản đàn áp và che đậy khiến cơ quan Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế không hay biết. Nhiều người bị nhốt tù. Nhiều người khác đã liều mạng vượt tuyến vào Nam hoặc trốn sang Lào. Theo tin từ trong nước, những năm gần đây, dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đã bí mật thủ tiêu nhiều cán bộ cộng sản ác ôn. Nhà cầm quyền không tìm ra manh mối và phải ém nhẹm tin này.

      Giáo dân địa phận Vinh là những người con của vùng đất này. Ngoài đức tin Công Giáo, họ cũng có đầy đủ cá tính của dân vùng “đất cầy lên sỏi đá”. Đó là cứng rắn, kiên cường, không sợ hãi, sẵn sàng tranh đấu cho điều mình tin. Cộng sản đụng tới giáo dân Thái Hà là húc đầu vào tường, nhưng khi đụng tới giáo dân địa phận Vinh là húc đầu vào đá. Sau khi sự việc xảy ra tại Tam Tòa, chỉ một lời kêu gọi của chủ chăn, Giám Mục Cao Đình Thuyên, đang tham dự Ad limina (gặp gỡ Đức Giáo Hoàng theo định kỳ) tại Roma gửi về là toàn bộ gần nửa triệu giáo dân tụ tập trong 178 nhà thờ ngày 2-8-2009 đã đồng thanh biểu lộ lập trường và dâng lời cầu nguyện. Ngày lễ Đức Mẹ lên trời 15-08-09, ngay từ 8 giờ sáng đã có hàng trăm ngàn giáo dân kéo về nhà thờ chính tòa Xã Đoài để dự lễ kính Đức Mẹ và cầu cho Tam Tòa. Đó là một cuộc tập họp đông đảo và nhiều ý nghiã. Cảnh đón chủ chăn trở về tại phi trường Vinh ngày 11 tháng 8 và suốt dọc đường dẫn tới nhà thờ chính tòa đã tạo một ấn tượng mạnh về tình đoàn kết và sự hiên ngang bầy tỏ lập trường của giáo dân. Các lãnh tụ cộng sản có nằm mơ cũng không thấy mình được đón tiếp đông đảo và chân tình như thế này. Ngoài việc tỏ nỗi hân hoan đón vị chủ chăn trở về với đoàn chiên đang gặp cơn bách hại, hành ngàn người với rừng cờ Hội Thánh còn muốn bầy tỏ cho nhà cầm quyền và những phần tử côn đồ biết là họ không sợ hãi trước những đe dọa và bạo lực.

      Vị mục tử của giáo phận Vinh, Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, cũng là người của vùng đất này. Ngài sinh năm 1927 tại Hà Tĩnh, năm nay 82 tuổi. Tuy là vị cao niên nhất trong hàng giám mục Việt Nam, ngài vẫn còn khỏe mạnh về thể chất và minh mẫn về tinh thần. Ngài là vị mục tử nhân từ và năng động, có lập trường rõ ràng, dứt khoát. Khi vụ Thái Hà xảy ra, ngài đã dẫn ngay một đoàn linh mục Vinh đến Thái Hà để tỏ tình liên đới và tuyên bố: “Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh”. Trong thánh lễ mừng Đức Mẹ lên trời tại nhà thờ chính tòa Xã Đoài ngày 15-08-2009, Đức Cha đã tuyên bố một câu đánh động lòng người và biểu tỏ sự đồng tâm nhất trí giữa chủ chăn và đoàn chiên của giáo phận Vinh: “Giáo phận Vinh không phải chỉ có một Cao Đình Thuyên mà có cả 500,000 Cao Đình Thuyên”. Với bản lãnh kiên cường và với tuổi đời như vậy, ngài đâu có sợ hãi gì. Cộng sản sinh sự với linh mục và giáo dân của ngài là chắc chắn sẽ phải đương đầu với một khối “vững như bàn thạch”.

 

CON ĐƯỜNG TỰ HỦY

      Theo lẽ thường của trời đất, người cai trị dân phải dùng “đức trị” để dân được sống an bình, thương yêu nhau và kính trọng người cai trị. Nếu dùng “lực trị” sẽ chỉ gây oán hờn và đưa đến bất ổn xã hội. Người quân tử dùng đức, kẻ tiểu nhân dùng lực: “Quân tử dĩ đức, tiểu nhân dĩ lực” (Tuân Tử). Chúng ta chẳng dám mong cộng sản biết dùng đức vì họ không phải là quân tử, nhưng chúng ta đã từng hy vọng ít ra họ phải có sự khôn ngoan tối thiểu cần thiết, biết tạo một xã hội ổn định, biết giải trừ những bất mãn giữa người dân và người cầm quyền để có thể cai trị dễ dàng và lâu dài. Ngược lại họ chỉ chủ trương gây chia rẽ và oán thù. Đuổi nhà, chiếm đất của người dân, tịch thu đất và cơ sở thờ phượng của các tôn giáo. Khi người ta đòi lại thì cho công an đánh đập thẳng tay, lại còn thuê côn đồ hoặc cho công an giả dạng thành nhân dân tự phát để chửi rủa, hành hung các nạn nhân trước sự vô cảm và bất động của các lực lượng an ninh đứng canh gác ngay đó. Hiện nay giáo dân Tam Tòa vẫn còn tiếp tục bị khủng bố. Theo tin từ Đồng Hới gửi đi ngày 11 tháng 8, bất cứ một giáo dân nào ra đường cũng có thể bị công an hay côn đồ hành hung. Một giáo dân bị người lạ đập vỡ cửa nhà, phá nát tivi, đồ đạc trong nhà, trong khi công an đứng bên ngoài bảo kê cho kẻ đập phá. Một số giáo dân buôn bán ở chợ đã bị bọn côn đồ xúi dục để những thành phần bất hảo ném những thứ dơ bẩn vào hàng quán của họ khiến họ hết đường sinh sống. Hình ảnh giáo dân tham gia các cuộc cầu nguyện được phóng lớn và dán trên các thân cây để bọn đánh thuê chém mướn dễ nhận diện và giở thủ đoạn. Các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương suốt ngày xuyên tạc giáo dân Tam Tòa, kết án họ là những kẻ làm loạn, phá vỡ trật tự xã hội và an ninh công cộng. Việc này khiến đồng bào không Công Giáo hiểu lầm giáo dân là bọn phá hoại, chuyên môn đòi đặc quyền. Sự hiểu lầm này sẽ gây hậu qủa trầm trọng cho tình đoàn kết dân tộc và liên hệ hài hòa giữa các tôn giáo. Nó sẽ tác hại lâu dài, cả sau khi chế độ cộng sản xụp đổ. Nói tóm lại, những người cộng sản không quan tâm gì tới dân, tới nước, tới tương lai dân tộc. Họ chỉ cần giữ quyền bằng bất cứ giá nào, bất cứ phương tiện nào. Phương tiện ưu tiên họ dùng là gian dối, chia rẽ và bạo lực. Họ không có lương tâm, bất cần lẽ phải và nhất là bất cần dân. Điều này sẽ đưa họ vào con đường tự hủy, vì như Tuân Tử đã viết: “Vua là thuyền, thứ dân là nước. Nước chở thuyền, nhưng nước lại đánh đắm thuyền” (Quân giả chu dã, thứ dân thủy dã, thủy tắc chế tài chu, thủy tắc phúc chu).

 

Sau khi gây ra vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà, cộng sản tưởng cứ áp dụng biện pháp bạo lực và dối trá là sẽ dẹp yên mọi chuyện. Sự thật, vấn đề Tòa Khâm Sứ và Thái Hà vẫn còn nguyên đó, ngọn lửa đã hạ nhưng lớp than hồng vẫn tiếp tục nóng, chỉ cần một cơn gió nhẹ là sẽ bùng trở lại. Cộng sản đã tính sai khi áp dụng cùng một biện pháp với giáo dân Tam Tòa. Phản ứng Tam Tòa còn mạnh hơn, đồng bộ hơn phản ứng Thái Hà. Thay vì làm cháy nhà, họ đã làm cháy rừng. Họ hãy chờ hậu qủa. Chúng ta không mong máu đồng bào phải đổ, người vô tội bị đánh đánh đập và bị bắt vào tù. Nhưng nếu có thêm những vụ Thái Hà, Tam Tòa xảy ra dưới vĩ tuyến 17, từ Quảng Trị vào đến Cà Mau, thì ngày tàn của chế độ cộng sản sẽ đến nhanh hơn. Ung nhọt khi xưng tấy lên thì phải bể mới mong lành. Việc gì lãnh đạo các tôn giáo không làm thì tín đồ sẽ làm vì họ có đức tin và không có chức, quyền và lợi để sợ mất. Việc gì các đảng phái chính trị chưa thể làm thì nhân dân sẽ làm. Đừng coi thường dân và chê họ như rắn không đầu. Họ sẽ tạo ra đầu mới để thay thế những cái đầu cũ sơ cứng và hèn nhát. Con giun bị xéo mãi cũng quằn. Dân Việt Nam sẽ dùng nhiệt huyết và lòng tin để vùng lên đòi lại quyền sống của mình và tương lai đất nước. Lòng tin sẽ trở thành vô địch. Lòng tin không sợ gươm dáo vì lòng tin được dậy rằng: “ Kẻ nào dùng gươm sẽ phải chết vì gươm”.

 

VÀI CẢM NGHĨ SAU CHUYẾN HÀNH HƯƠNG

      Mùa hè năm nay, chúng tôi đã lập chương trình 5 tuần đi thăm viếng thân nhân bạn bè ở châu Âu và hành hương những nơi thánh địa. Việc thăm viếng không có gì đáng nói dù chúng tôi vắng mặt ở châu Âu cũng khá lâu, 14 năm kể từ lần thăm viếng trước. Anh em, bạn bè gặp lại nhau chắc chắn phải vui. Về chương trình hành hương, trọng điểm của chúng tôi là Đất Thánh. Chúng tôi đã đi theo chương trình thăm viếng do một công ty du lịch Do Thái tổ chức. Trong một tuần lễ, chúng tôi đã được đi gần khắp nước Do Thái. Tôi không dám dài dòng kể lại những chi tiết. Tôi chỉ xin nêu một vài suy nghĩ và kinh nghiệm để chia sẻ với qúy độc giả.

      Khi thăm biển Hồ Galilée (còn gọi là hồ Tiberias) và vùng lân cận ở miền Bắc Do Thái, nơi Chúa Giêsu đã khởi đầu ba năm rao giảng bằng việc kết nạp các tông đồ, đa số là những người đánh cá trên hồ này, tôi mới thấm thiá câu: “Con chim có tổ, con cáo có hang, Con Người không nơi dựa đầu” vì thấy toàn cảnh vùng này, cũng như hầu hết lãnh thổ Do Thái, trừ vùng sa mạc phiá Nam, toàn đồi núi lên đèo xuống lũng. Chúa và các môn đệ chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất là lội bộ. Ban ngày giảng dậy và ngồì nghỉ dưới bóng mát của những cây vả (figues).

Ban đêm ngủ bờ ngủ bụi, may mắn thì kiếm được một hang đá trên triền núi. Tôi tự hỏi làm sao chỉ trong ba năm, Chúa làm được nhiều việc như thế? nhất là phải đi bộ qua những vùng núi non cách nhau hàng trăm cây số từ Nazareth lên vùng Galilée rồi lại xuống Jerusalem. Đúng là Chúa không đòi tiện nghi, không cần ăn ngon, không cần nệm êm chăn ấm. Chúa bắt đầu đi giảng lúc tuổi 30 là thời điểm tốt nhất. Trước tuổi đó thì còn non. Sau tuổi đó thì qúa mệt mỏi cho thể xác con người.

      Chúa đã làm nhiều phép lạ trên biển hồ Galilée (đi trên mặt nước, cho các tông đồ bắt được nhiều cá) và trên những sườn núi ngay cạnh hồ. Khi chúng tôi được đi thuyền trên biển hồ từ Capernaum lên thăm địa điểm nơi Chúa làm phép cho hai con cá và năm tấm bánh thừa nuôi 5,000 người (trong nhà thờ Church of Multiplication) và nhất là thánh đường trên sườn núi Mount of the Beatitudes, nơi Chúa giảng Tám Mối Phúc Thật (Bài giảng trên núi), tôi nghĩ rằng Chúa là người rất yêu cảnh thiên nhiên và có óc thẩm mỹ, nếu không nói là có máu nghệ sĩ, bởi vì Chúa toàn chọn những nơi tuyệt đẹp để giảng dậy và làm phép lạ.

Chẳng hạn nơi Chúa giảng là một sườn núi với cây cỏ xanh tươi, nhìn xuống hồ Galilée gợn sóng xanh lơ. Chẳng những Chúa “enjoy” những cảnh này mà còn cho con cái ngàn đời sau cũng có cơ hội thưởng lãm khi viếng thăm những nơi Chúa đã dừng chân.

      Khi thăm Nazareth, làng xưa của Đức Mẹ và Thánh Giuse, tôi thấy nơi Đức Mẹ được Thiên Sứ truyền tin (nay có vương cung thánh đường Basilica of Annunciation) là nhà của Đức Mẹ, chỉ cách nhà Thánh Giuse (nay là nhà thờ Thánh Giuse) một sân rộng. Như thế đối với thánh Giuse, Đức Mẹ là “Cô láng giềng”. Cưới được cô láng giềng thánh thiện, nhan sắc và có phúc được làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa, Thánh Giuse thiệt có tài và có phước lớn. Được vậy thì dù phải chịu cảnh “có tiếng không có miếng” cũng vẫn vui lòng!

      Trọng tâm của cuộc hành hương là Jerusalem, nơi Chúa hoàn tất việc cứu chuộc nhân loại. Chúng tôi đã viếng vườn cây dầu ở ngoài vòng thành, nơi Chúa thường nghỉ ngơi và dậy dỗ các tông đồ và là nơi Chúa đã cầu nguyện trong đau đớn tột cùng đến nỗi toát cả mồ hôi pha máu trước khi nạp thân cho quan quân đưa đi hành hình. Trong vườn này, tôi thấy những cây dầu (olive) cổ thụ, gốc bự có những rễ lớn quấn quanh nhưng cành lá phiá trên vẫn xanh tươi. Người ta nói đó là những cây còn lại từ thời Chúa Giêsu. Tôi trầm tư không biết cây nào là cây Chúa đã qùy bên cạnh và thốt lên lời cầu nguyện: “Nếu có thể được, xin Cha cất chén đắng này. Nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha”, cây nào là nơi Chúa đã nói với các môn đệ: “ Các con không ở cầu nguyện với Thầy một giờ được sao? Tinh thần thì sáng suốt nhưng thân xác thì nặng nề”? Cảnh xưa còn đây. Người xưa đâu rồi?

      Trong nội thành, chúng tôi đã đi trên con đường ngày xưa Chúa vác thánh giá đi đến nơi chịu đóng đinh. Con đường không bằng phẳng, khi lên khi xuống. Tôi đi bộ còn thấy mệt huống chi Chúa phải vác thánh giá nặng và bị đánh đòn. Vì vậy Chúa đã phải ngã ba lần. Nơi Chúa ngã lần đầu còn di tích là những viên đá lót đường được giữ nguyên từ thời Chúa ngã. Đường thánh giá dẫn đến nơi Chúa chịu chết và được an táng. Nơi này đã biến thành một nhà thờ do nhiều hệ phái Công Giáo (Orthodox, Coptic, Arménien, Công Giáo La Mã…) chia nhau thờ phượng và quản trị nên được gọi là Church of All Nations. Chúa dậy phải thương yêu, hợp nhất, nhưng con cái Chúa đã không nghe lời. Ngay nơi Chúa được an táng, phe Arménien thì cho rằng mộ Chúa ở tầng cao của nhà thờ. Họ lập bàn thờ nguy nga ngay trên nơi họ tin là mồ Chúa.

Các phái khác, kể cả Công Giáo La Mã, thì cãi rằng mộ Chúa ở tầng trệt của cùng nhà thờ, nên lập bàn thờ ở dưới. Chúng tôi chẳng biết tin ai nên viếng cả hai nơi cho chắc ăn. Khổ nỗi sau khi viếng mộ Chúa ở tầng trên, lúc xuống viếng mộ Chúa ở tầng dưới thì thấy dân chúng xếp hàng qúa dài. Theo ước lượng phải chờ 45 phút mới tới lượt mình, trong khi chúng tôi chỉ có thể lưu lại thêm 10 phút trước khi phải đi theo đoàn.

Thấy chúng tôi băn khoăn, người hướng dẫn du lịch đề nghị chúng tôi chi 20 Đô la cho người giữ trật tự là sẽ được vào ưu tiên. Tôi đồng ý, đưa tiền cho ông ta. Không biết ông ta điều đình cách nào mà chỉ sau vài phút, chúng tôi được người hướng dẫn ngang nhiên mở cửa sắt dẫn vào mộ Chúa như những VIP trước một hàng dài dân chúng đang xếp hàng chờ. Lậy Chúa! Vì ham được viếng mộ thứ hai của Chúa mà con đã phạm tội hối lộ. Con đáng được Chúa quất dây lưng cùng với bọn buôn thần bán thánh và bị Chúa quở: “Nhà Cha ta là nơi cầu nguyện, không phải hang ổ trộm cướp”.

      Khi viếng Bethlelem nơi Chúa sinh ra, tôi lại thấy con cái Chúa không có tình thương yêu hợp nhất. Nhà thờ xây trên nơi Chúa ra đời là độc quyền của Chính Thống Giáo Hy Lạp. Du khách và khách hành hương được viếng nhà thờ và hang Chúa ra đời. Nhưng ngay tại hàng song sắt bao quanh cung thánh, lúc nào cũng có mấy giáo sĩ râu xồm, mặc đồ đen, mặt hầm hầm ngồi canh gác, không cho ai tiến vào cung thánh, không cho làm ồn và nhất là không cho đọc kinh cầu nguyện lớn tiếng. Việc cầu nguyện và tế tự trong nhà thờ này chỉ dành riêng cho các giáo sĩ của nhà thờ. Mỗi giờ họ hát kinh và đi xông hương hang Chúa giáng sinh một lần.

Tín hữu của các hệ phái khác nếu muốn chia sẻ lời Chúa, hát hoặc đọc kinh thì xin mời sang nhà thờ Công Giáo bên cạnh do người Pháp xây. Lậy Chúa! Có những người muốn độc quyền yêu Chúa và thờ Chúa theo kiểu riêng của họ. Ai làm khác họ là bị ghét bỏ, xua đuổi, lên án. Con nghe kể tại một thánh đường ngay giữa Jerusalem, có lúc các giáo sĩ của các hệ phái khác nhau đã tranh chấp đến đổ máu. Họ đánh đấm nhau nhân danh Chúa, nhưng thật ra chỉ là để thỏa mãn tự ái và bảo vệ quyền lợi của họ. Buồn thay, tệ nạn này đến nay vẫn chưa chấm dứt.

      Không xa thành Jerusalem là vùng thung lũng xanh tươi Ein Karem, có nhà thờ Viếng Thăm (Church of Visitation) đánh dấu nơi Đức Mẹ đến thăm người chị họ là Thánh nữ Elizabeth. Thánh nữ đang có thai Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Mẹ cũng vừa mang thai Chúa Giêsu. Theo Thánh Kinh, khi hai chị em gặp nhau thì Thánh Gioan nhẩy mừng trong lòng mẹ.

Như vậy chắc bụng Thánh Elizabeth phải đau lắm nhưng Bà vẫn vồn vã chào hỏi người em họ: “Tôi có phúc gì mà được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi?”. Lúc đó Đức Mẹ cất lời ngợi khen Chúa mà chúng ta quen gọi là kinh Magnificat :”Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và lòng trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa Đấng cứu chuộc tôi…”.

Gần đó có một con suối bây giờ vẫn còn chảy mà người ta tin rằng Đức Mẹ ra đây lấy nước mỗi ngày trong suốt thời gian ba tháng ở lại chơi với chị họ Elizabeth. Điều tôi thắc mắc là làm sao “bà bầu” Maria có thể vượt núi băng đèo đi bộ trên 80 cây số đường chim bay, thực tế phải trên 100 cây số đi vòng núi, từ Nazareth tới Ein Karem để thăm “bà bầu” Elizabeth? Rồi khi lưu lại đây, “bà bầu” Maria còn phải ra suối lấy nước mỗi ngày.

Xét theo lý luận của người trần mắt thịt ngày nay thì thai nhi trong bụng mẹ phải rất khỏe, rất hiền, không quậy phá, không làm mẹ bị động thai khi mẹ leo núi đường xa và lội suối lấy nước. Về phần Mẹ Maria, chắc chắn Mẹ phải có một sức khỏe rất tốt, thích hợp với cách sống thời đó, nơi đó. Thêm nữa, Đức Mẹ còn rất trẻ khi mang thai nên không ỳ ạch như những bà uống thuốc ngừa thai hàng chục năm mới chịu có bầu. Nhưng điều quan trọng hơn hết là niềm hạnh phúc trong lòng đã giúp Mẹ vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Niềm hạnh phúc trở nên lớn lao hơn khi được chia sẻ với người khác, trong trường hợp này là với bà chị Elizabeth, đúng theo luật tự nhiên:“niềm vui sẽ lớn hơn, nỗi buồn sẽ nhò đi khi được chia sẻ”.

      Nói chung, cuộc hành hương Đất Thánh đã cho chúng tôi cơ hội củng cố thêm đức tin vì nhìn thấy tận mắt nguồn cội đức tin của mình, đuợc viếng những nơi Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Elizabeth và các Thánh Tông Đồ đã sống, được đi trên những đoạn đường Chúa đã đi.

Chỉ có một điều đáng tiếc là vì đi theo đoàn với chương trình bận rộn, thăm bốn năm nơi mỗi ngày, nên không có thời giờ ở lại lâu nơi mình thích, không có thời giờ để trầm tư, cầu nguyện và đưa hồn về qúa khứ. Tuy nhiên khó có cách lựa chọn nào khác vì hầu hết khách hành hương đều bị hạn chế về thời giờ, phương tiện nên phải đi theo đoàn mới có thể thăm viếng được nhiều nơi trong một thời gian ngắn.

      Về kinh nghiệm hành hương Thánh Địa, tôi thấy chúng ta nên chọn thời gian hành hương vào mùa Thu hay mùa Xuân. Mùa Đông thì lạnh lẽo và âm u. Mùa Hè như thời gian chúng tôi đi thì qúa nóng, có ngày nhiệt độ lên tới 41 độ Celsius. Đừng quên rằng khi đi thăm nhiều nơi thì phải đi bộ ngoài trời, trèo cao, xuống dốc giữa cảnh đồi núi Do Thái. Vì thế phải kiếm một đôi giầy mềm mại, đế thấp. Bà nào cô nào làm điệu đi giầy kiểu đế cao là có dịp ôm chân khóc chỉ sau ngày hành hương đầu tiên. Kinh nghiệm cuối cùng là nếu muốn đi thăm Đất Chúa thì phải đi lúc còn khỏe mạnh. Đợi tới khi gối mỏi chân chồn mới đi thì chỉ có nước nằm ôm giường khách sạn.

       Sau khi rời Do Thái trở lại Pháp, chúng tôi đi hành hương Paray Le Monial, nơi Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Magueritte Marie vào cuối thế kỷ 17, tỏ cho thánh nữ trái tim thương yêu của Người và truyền cho thánh nữ phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Chúng tôi cũng trở lại viếng Đức Mẹ Lộ Đức sau nhiều năm vắng mặt để cầu nguyện và để tìm lại khung cảnh thân thương và thánh thiện nơi hang Đức Mẹ hiện ra, suối nước thiêng, đàng thánh giá đi quanh núi, giúp tâm hồn lắng đọng sau những ngày tháng sống giữa cuộc đời bon chen, sôi nổi.

      Điểm hành hương cuối cùng gây cho tôi rất nhiều xúc động là làng Ars trong vùng Bourgogne, không xa thành phố Lyon, nơi Thánh Jean-Marie Vianney đã sống như một cha sở nhà quê khiêm hạ. Cha sinh năm 1786, tạ thế năm 1859, thọ 73 tuổi. Sau khi chịu chức linh linh mục, Cha được cử đến coi một nhà nguyện tại làng Ars nghèo nàn, chỉ có 230 người dân. Từ hai bàn tay trắng, Cha đã xây cất thánh đường và biến nơi đây thành một xứ đạo sốt sắng, năng động.

Nhưng không phải những cơ sở vật chất làm Cha được kính phục, chính đời sống linh mục gương mẫu, khiêm nhường, tận hiến và nghèo khó đã làm cho Cha trở thành một vị thánh lẫy lừng. Cha thương lo cho từng con chiên, tìm cách cứu rỗi từng linh hồn, thăm viếng từng người già yếu bệnh tật, nuôi trẻ mồ côi, giúp ơn kêu gọi, lập nhà nữ tu, thức dậy từ 1 giờ sáng để qùy trước Thánh Thể, sau đó giải tội cho hàng ngàn người. Mỗi ngày Cha ngồi tòa giải tội từ 14 đến 16 tiếng. Bổn đạo quanh vùng và cả những nơi xa kéo nhau tới xưng tội với Cha để được Cha soi thấu tâm can, cho những giải gỡ nhân từ, những lời khuyên dịu ngọt có khả năng thay đổi cả cuộc đời.

      Làm việc nhiều như thế nhưng Cha không lo gì cho bản thân mình. Thực đơn của Cha là bánh mì đen và khoai tây luộc. Khi thăm khu nhà Cha sinh sống, chúng tôi thấy chiếc nồi luộc khoai còn treo trên bếp và được kể rằng Cha luộc khoai một lần ăn trong 5 ngày, trong khi lúc nào Cha cũng có một ổ bánh trong người để gặp ai đói thì cho. Chúng tôi cũng thấy chiếc áo chùng thâm rách do Cha tự tay vá lại với những sợi chỉ thô và đường vá vụng về. Mọi thứ đồ dùng của Cha đều thô sơ, nghèo khó, trừ tủ sách bià da gáy mạ là tài sản đáng giá nhất của Cha. Trước cảnh này, tôi ao ước các linh mục nên đến hành hương nơi đây để suy nghĩ, tự kiểm điểm và học hỏi tấm gương sống động cho đời linh mục, thay vì đi du lịch Việt Nam hay những nơi vui vẻ khác.

      Cha Thánh Vianney không làm việc gì vĩ đại lừng lẫy, nhưng sự tận tụy hy sinh mỗi ngày của Cha cho con cái Chúa đã khiến Cha trở thành một vị đại thánh, một gương mẫu tuyệt diệu cho các linh mục. Ngày 12-04-1905, Đức Giáo Hoàng Pio X ra sắc chỉ phong Thánh Linh mục Gioan-Maria Vianney, Cha Sở họ Ars, là quan thầy tất cả các linh mục Pháp và các lãnh thổ thuộc nước Pháp.

Ngày 20-12-1935, Đức Giáo Hoàng Pio XI ra tông thư công bố đặt Cha Thánh Gioan-Maria Vianney là Thánh Bổn Mạng của toàn thể các cha sở trên hoàn vũ. Đúng là “Chúa đã trông đến sự thấp hèn của tôi tá Chúa và từ nay muôn đời sẽ khen tôi là người có phúc” (Kinh Magnificat).

     Khi qùy trong nhà nguyện trước trái tim của Cha Thánh được đặt trên bàn thờ, tôi đã thành tâm cầu nguyện cho tất cả các linh mục, những vị tôi quen biết và những vị tôi chưa hề gặp, những vị đã làm ơn cho tôi cũng như những vị không thuận hảo với tôi. Tôi nhìn bức vẽ chân dung phóng lớn của Cha đặt trước bàn thờ và nổi gai ốc khi đụng đôi mắt Cha. Tia mắt sắc và hóm hỉnh của Cha như muốn nói với người đối diện: “Ta biết hết lòng dạ của anh rồi!”. Lúc đó chỉ còn cách xưng tội với Cha như lúc Cha ngồi tòa thuở xưa. Sợ, nhưng thật hạnh phúc!

 

 



Posted on 02 Aug 2011
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • Mặc Giao: Con thú điên cuồng ở chân tường!
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)