Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng: Lưu truyền mãi với Sử Sách!

Giáo sư Nguyễn Lý-Tưởng là cựu Dân Biểu Việt Nam Cộng Hoà (tỉnh Thừa Thiên), Cựu Tù Nhân Chính Trị 14 năm tù dưới chế độ cộng sản Việt Nam sau 30/4/1975. Nhà văn, nhà báo, định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 7/1994 diện tỵ nạn chính trị, tiếp tục quan tâm yểm trợ cho cuộc tranh đấu giành lại tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

 


Hải ngoại ngày 4.4.2009


Lưu Truyền Mãi với Sử Sách


(nhân kỷ niệm Khối 8406 tròn 04 tuổi)


Kính thưa qúy vị,

Kính thưa đồng bào,

 

Cách nay 3 năm, ngày 30/3/2007, toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên đã kết án Linh Mục Tađêô Nguyễn Văn Lý 8 năm tù ở và 4 năm quản chế và các bạn trẻ trong đảng Thăng Tiến từ 18 tháng đến 6 năm tù qua một phiền toà ô nhục với một bản án đầy bất công.


Đây là một trò hề của tổ chức tư pháp bịp bợm, là một bằng chứng vi phạm nhân quyền, nhân đạo và tự do dân chủ. Và càng ghi thêm vào hồ sơ tội ác của tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam và toàn thế giới.

 

Ngày 5 tháng 4 năm 2007, cách nay ba năm, người Công Giáo trong tuần lễ nầy gọi là Tuần Thánh, tức là tuần lễ tưởng niệm ngày Đức Giêsu Kytô   chịu khổ hình, chịu chết, để cứu chuộc nhân loại. Trong tuần lễ nầy, Linh Mục Nguyễn Văn Lý và các bạn của ngài cũng chịu những sự đau khổ, những sự sỉ nhục công khai trước toà án và ngài bị bịt miệng không cho nói.















Hình ảnh đó đối với thế giới là một hình ảnh hết sức tồi tệ, hết sức xấu xa, và nói lên một chế độ hoàn toàn không có tự do dân chủ, không có các quyền tự do ngôn luận như ở các nước khác trên thế giới.

 

Từ sau ngày 30/4/1975 cho đến nay, đã 35 năm rồi, không một nơi nào, không một thời điểm nào mà không có những người yêu nước nổi lên tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, chống lại tập đoàn CSVN tàn bạo, dã man. Linh Mục Nguyễn Văn Lý là một trong những gương mặt đấu tranh bền bỉ nhất. Tinh thần can đảm, bất khuất của ngài đã được hậu thuẫn mạnh mẽ của đồng bào trong nước và hải ngoại.


Sự tranh đấu bất bạo động của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo khác và các nhà đấu tranh dân chủ (đặc biệt  Khối 8406) rất sôi nổi, tạo ảnh hưởng lớn trong dân chúng, khiến cho tập đoàn CSVN vô cùng bối rối và lo sợ.

 

Theo luật pháp của đế quốc La Mã ngày xưa: “người nào đã đem mạng sống mình để làm chứng thì chứng đó là chứng thật, chứng tuyệt đối”. Đức Giêsu Ky-tô đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng về Thiên Chúa, làm chứng lời của Ngài rao giảng là “Chân Lý” thì Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng đã chấp nhận hy sinh cuộc đời của mình, hy sinh cả mạng sống của mình để làm chứng những điều mình nói là “Sự Thật”.

 

Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã trải qua các đợt tù đày, biệt giam, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Dù cho có những dư luận chỉ trích từ hải ngoại hay từ phiá Cộng Sản trong nước, thì chúng tôi vẫn luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ và triệt để ủng hộ cuốc tranh đấu bất bạo động của ngài và các bạn của ngài cho tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.


Với lương tâm của một người tu hành, Linh Mục Nguyễn Văn Lý  không thể nào chấp nhận những chủ trương dã man, tàn bạo, độc tài, độc đảng của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Với tư cách một công dân, Linh Mục Nguyễn Văn Lý tranh đấu để đòi hỏi Cộng Sản phải thực hiện một chế độ tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền.


Những hành vi hay lời nói của ngài là của một con người công chính, dám nói lên sự thật, dám hy sinh bản thân mình, chấp nhận tù tội, chấp nhận bị ngược đãi dưới hình thức nầy hay hình thức khác, và ngay cả chấp nhận cái chết có thể đến với ngài bất cứ lúc nào trong hoàn cảnh tù tội.


Chúng tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh một vị Linh Mục hy sinh bản thân mình vì dân tộc, vì đồng bào.

 

Ngày 5 tháng 4 năm 2007, cách nay ba năm, là Tuần  Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Ngày đó, LM Nguyễn Văn Lý đang ở trong nhà tù CS và đang chịu khổ hình cùng với Chúa. Nhưng ngày hôm nay, 4 tháng 4 năm 2010, là ngày Chúa nhật Lễ Phục Sinh, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu Ky-tô đã sống lại, khải hoàn vinh quang.


Chúa Phục Sinh


Ngày hôm nay, chuông ở các nhà thờ reo vang và mọi người hát lên “Hãy vui mừng! Alleluiia! Vì Chúa đã sống lại!” Ý nghĩa của hai thời điểm xưa và nay hoàn toàn khác nhau!

 

Vì thấy Linh Mục Nguyễn Văn Lý đang bị bệnh nặng và có thể chết bất cứ lúc nào nên Cộng Sản Việt Nam đã cho Linh Mục trở về Toà Tổng Giám Mục Huế để đợi chết vì sợ ngài chết trong nhà tù sẽ khơi dậy một cuộc tranh đấu chống bạo quyền Cộng Sản ở trong nước cũng như ở hải ngoại.


Ngày hôm nay, chúng tôi chúc mừng Linh Mục Nguyễn Văn Lý hiện đang có mặt tại Toà Tổng Giám Mục Huế. Chúng tôi cũng chúc mừng Khối 8406 tròn 04 tuổi! Tinh thần bất khuất của Linh Mục Nguyễn Văn Lý và các bạn Khối 8406 đã làm cho cả thế giới khâm phục.


AoChangDoTuaRangPha

 

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử;

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”

(Làm người, xưa nay ai mà không chết;

chỉ có một tấm lòng son lưu truyền mãi với sử sách).

 

Nguyện xin sự bình an của Thiên Chúa luôn ở với Linh Mục Nguyễn Văn Lý và các bạn của ngài.

 

California, Hoa Kỳ ngày 4 tháng 4 năm 2010

GS Nguyễn Lý-Tưởng




KÍNH NHỜ CHUYỂN TIN CHO VIỆT NAM

           



Video Việt sử "Đất Nước Tôi"
với truyền thống dân tộc Đại Việt
hào hùng đánh dẹp giặc Tàu xâm lăng
http://vlink.com/video/datnuoctoi.html



Quý vị có trở ngại sử dụng computer?
Xin xem hướng dẫn và các mẹo vặt
http://levanbay.atspace.com




 











Tùy bút

 

                 Cố Đô Hoang Vu Điêu Tàn

                                       ngọc thủy

                  

   Đầu Xuân năm nay, người Việt hải ngoại đón thêm một cái Tết ly hương, nhớ nhà, sao vẫn còn xa xăm ngùi ngụi quá. Mở lòng đếm đốt nỗi đau đã thấy ba mươi ba năm trời xa quê, biệt xứ! Đón xuân này không những nhớ đến bao kỷ niệm rộn ràng đầm ấm những xuân xưa trên chính quê hương mình với bao mật thiết đượm nồng, mà còn nhớ đến quặn đau một mùa xuân đầy máu lệ Mậu Thân của dân tộc.

 

   Tháng 2 năm 1968 ngày nào là Tết Mậu Thân. Nhớ lại, dường như trong chớp mắt có giọt lệ rơi lăn xuống cõi lòng còn nhức buốt nỗi đau: những hình ảnh tang thương của ngày đầu xuân năm đó - ở quê hương Việt Nam, chất chồng bao đổ nát kinh hoàng trong khổ nạn!

 

   Tháng 2 năm 2008 bây giờ là Tết Mậu Tý. Có hơn ba triệu người Việt tỵ nạn Cộng sản, lìa xa quê hương sống khắp nơi ở các xứ sở tự do trên thế giới. Từ 1968 tới 2008 là hai cái Tết cách khoảng nhau bốn mươi năm, khởi đầu đều với chữ Mậu. Không phải đợi đến Tết Mậu Tý, chúng ta mới nhắc lại những gì diễn ra trong những ngày Tết Mậu Thân mà ngay từ trước 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta thường nghe và thấy hệ thống truyền hình, phát thanh cùng báo chí Sàigòn đều trình chiếu và viết những loạt bài gần như “hồi ức” về trận chiến Mậu Thân. Để làm gì ư? Để nhắc mọi người nhớ tới sự xảo trá của Việt cộng đã dùng những phương cách đê hèn, đánh chiếm miền Nam, giết hại dân lành vô tội một cách tàn bạo gớm ghê. Để nhớ mà đề cao cảnh giác sự tham tàn, bất chấp mọi thủ đoạn vô nhân của CSBV đã và vẫn tiếp tục cố tình xâm lấn miền Nam Tự Do. Để hiểu rõ hơn những con người Cộng sản theo chủ thuyết vô thần, không bao giờ biết quý yêu dân tộc bằng trái tim chân chính để đem lại điều ích quốc lợi dân, không bao giờ biết xót thương đồng bào để thực tâm mưu cầu cho muôn dân được an bình no ấm.

 

   Đối với những người yêu chuộng hoà bình thì bất cứ cuộc chiến tranh nào của loài người cũng đều là việc đáng sợ, đáng buồn, đáng tiếc cả. Nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam thì dẫu có nhân đôi nhân ba những điều ấy cũng chưa đủ, bởi hai bên thù nghịch đều cùng chung một giòng máu đỏ da vàng. Tôi nhớ ngày còn ấu thơ, mới đến tuổi được cắp sách đến trường, lần đầu được thầy cô giảng dạy cho biết về nguồn gốc tổ tiên mình. Dẫu còn non nớt nhưng tôi đã biết vui sướng tự hào về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên được sinh ra từ bọc một trăm trứng. Cha là giống Rồng tên Lạc Long Quân, mẹ là Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên, vì hai cảnh giới khác nhau nên mẹ đem năm mươi con lên núi còn cha đưa năm mươi con xuống biển. Cảnh chia lìa ấy, ngày nhỏ đối với tôi không phải là điều tan tác mà là hình ảnh tràn đầy cảm động và đẹp đẽ biết bao. Theo năm tháng lớn dần lên, càng nghĩ về sự tích cội nguồn của dân tộc Việt Nam, tôi càng thêm yêu quý tự hào.

 

Trong đầu óc ngây thơ bé nhỏ của tôi, luôn luôn là hình ảnh đẹp về nửa đàn con theo mẹ Âu Cơ năm xưa, họ cùng nhau xẻ núi bạt Trường Sơn để mở rộng thêm bầu trời bao la, núi rừng thêm hùng vĩ thênh thang, để giang sơn Việt Nam thêm xanh thắm đẹp tươi. Còn lại năm mươi con theo cha vụt trở thành đàn thần ngư lẫm liệt trên sóng biển muôn trùng, là kình soái oai phong trên mặt nước đại dương, cánh tay họ đã gạt phăng tất cả những dữ dằn bão táp để trấn yên bờ cõi, đôi chân họ đào sâu thêm lòng mạch đất thành nghìn con suối, vạn con sông uốn lượn quanh co khắp các thôn làng, để bồi đắp đất đai thêm mầu mỡ phù sa, lúa ruộng phì nhiêu. Non Nước Việt Nam từ Cà Mau đến ải Nam Quan, từ khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam, từ cỏ cây đến đời sống dân hiền được chan hòa hạnh phúc ấm no qua những khởi công dựng nghiệp của hai đàn con cháu chia nhau gánh vác hai phần Nước & Non.

 

   Nhưng rồi hình ảnh đẹp ấy dần trôi tuột mất vào trang sách nhỏ ấu thơ từ bao giờ tôi chẳng nhớ. Chỉ biết có lúc mình đã nghe kể, đã biết thêm về tiếng súng nổ, đạn bom rơi, và hiểu rằng mình đang lớn lên từ một đất nước đang có giặc giã chiến tranh.

 

   Bởi vì đất nước cũng đã bị chia đôi thành hai phía: Quốc gia và Cộng sản. Làng quê bố mẹ tôi ở mãi tận miền Bắc xa xôi kia nhưng đến một ngày phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn vì không muốn sống dưới chế độ Cộng sản, theo làn sóng di cư năm 1954 để vào mảnh đất Tự Do. Nhờ vậy mà tôi đã được sinh ra và lớn lên ở miền Nam, được che chở dưỡng nuôi từ chính thể Cộng Hòa.

 

   Năm Tết Mậu Thân, tôi còn bé nhỏ lắm, đang sống bình yên ở Sàigòn, nhưng được thấy qua truyền hình, báo chí cùng những bài hát được nghe qua đài phát thanh hằng ngày, tôi cũng đã biết khóc thương cho những người vô tội bị thảm sát dã man ở Huế, biết thấm đau vớii niềm đau của Sàigòn, của Huế trong những ngày khói lửa tang tóc đó. Nên giờ đây, sau bốn mươi năm nhìn, nhớ lại, tôi xin phép được nhắc đến một số chi tiết được biết qua tài liệu, sách sử ghi chép, để cùng ôn lại trang quá khứ buồn đau với những người cùng chung hoạn nạn quê hương ngày ấy và cũng để con, cháu mình hiểu biết hơn về tội ác Cộng sản qua trang sử đẫm đầy máu và nước mắt của một thời chiến tranh đau khổ.   

 

   Tháng 5 năm 1954, khi dân tộc Việt Nam vừa thoát khỏi bàn tay đô hộ của thực dân Pháp đã ngự trị gần một trăm năm sau trận Điện Biên Phủ kết thúc, ngay trong giai đoạn này, Hiệp định Genève ra đời với 47 điều khoản được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 để chia đất nước Việt Nam làm hai. Miền Bắc do Hồ Chí Minh làm chủ tịch đã chính thức hợp hóa thành Xã Hội Chủ Nghĩa - Cộng Sản Việt Nam. Miền Nam thuộc phần đất của người Quốc Gia do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo và sau này là chí sĩ Ngô Đình Diệm khi ông trở thành vị Tổng thống đầu tiên của VN qua cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày 23 tháng 10 năm 1955, lập nên chính thể đất nước là Việt Nam Cộng Hòa & Quân đội Việt Nam Cộng Hòa kể từ ngày 26/10/1955.

 

   Cả hai phía đều được ngăn chia kể từ vĩ tuyến 17 đặt làm điểm mốc. Giữa lòng Bến Hải là một con sông bắt nguồn trên dãy núi Trường Sơn chảy tuôn về mạch đất Trung Lương - Quảng Trị, con sông hiền hòa như cái tên gọi của cây cầu Hiền Lương, được bắc ngang qua để nối sang bên kia bến Hới - Quảng Bình. Con sông đã bao năm miệt mài mang giòng nước trong lành thoát ra từ mạch sâu núi thẳm, nuôi dưỡng đất cằn khô thêm mượt mà tươi tốt lúa khoai, luân lưu gió mùa mưa lũ tuôn ra cửa Tùng biển Đông cho dân nghèo đỡ cơn bão lụt, nắng thiêu.

 

Ngờ đâu đến một ngày con sông ấy phải thấm thêm bao giòng nước mắt còn hơn mưa lũ trên ngàn của cả triệu người từ Bắc trốn chạy chủ nghĩa bạo tàn Cộng sản để vô Nam đi tìm cuộc sống Tự Do. Bao nhiêu bước chân vội vã đi trên nhịp cầu Hiền Lương trong ngày tháng ấy vẫn còn vang vọng lời giã từ đau đớn khôn nguôi, và ai ra đi cũng đã một lần để rơi hạt nước mắt sầu đau của mình xuống lòng sông chia cắt, lúc qua cầu còn cố ngoảnh nhìn lại làng thôn yêu dấu đã dần mờ xa, xa khuất nẻo về.

 

   Cuộc sống người dân rồi cũng tạm được yên vui trong mấy năm đầu khi Tổng thống Ngô Đình Diệm mở rộng công việc bình định đất đai, phát triển nông thôn, giúp đỡ cải thiện đời sống người dân sớm an cư lạc nghiệp ấm no. Tôi được sinh ra trong những năm đầu còn êm đẹp ấy. Nhưng rồi khói lửa chiến tranh bắt đầu loang phủ khắp mọi nơi khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bắt buộc phải chống trả những đòn xảo trá, mưu toan xâm lược của Bắc Việt hòng thôn tính miền Nam cùng bành trướng đế quốc Cộng Sản do các nước đàn anh Liên Xô và Trung Cộng lãnh đạo. Họ luôn luôn tìm hết mọi cách đánh phá xóm làng và ngay cả thành thị khi có cơ hội. Họ còn cố tình tuyên truyền một cách sai lạc để lung lạc và dẫn dụ lòng dân rằng: họ có chính nghĩa chống Mỹ xâm lăng để cứu nước. Luận điệu xuyên tạc này chỉ có thể lừa gạt được nhân dân miền Bắc trong sự ngụy tạo xảo trá và cố tình bưng bít. Vì chính CSBV mới là kẻ chủ trương đánh phá, xâm chiếm phần đất của miền Nam Tự Do, bất kể những thủ đoạn tàn khốc gieo rắc cho dân lành vô tội.

 

   Vượt qua những điều quy ước từ Hiệp Định Ba Lê (ký ngày 20/07/1954), chính phủ miền Bắc, cũng là Đảng Cộng Sản Việt Nam (núp dưới tên Đảng Lao Động Việt Nam) thành lập cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đã gài người ở lại miền Nam để nằm vùng hoạt động theo sách lược chính trị có nghĩa là tuyên truyền và tìm cách ám sát những người trong guồng máy Quốc Gia. Hoặc chủ trương chiến dịch “bắt trẻ đồng xanh” dụ dỗ hoặc bắt cóc những em thanh thiếu niên đầu óc còn ngây thơ trong sáng ra ngoài Bắc tập kết để nhồi sọ chủ thuyết Cộng sản, huấn luyện cách hoạt động nội tuyến rồi cho trở vào Nam với gia đình để nối đường giây Bắc & Nam thành một chuỗi liên kết hoạt động. Vì thế những kẻ “đặc công” nội thành này đã len lỏi vào mọi thành phần giới chức, cơ sở của Quốc Gia để bí mật hoạt động cho tổ chức.

 

Sau vài năm hoạt động theo kế hoạch đó, CSBV thay đổi sách lược, biến chiến tranh chính trị thành chiến tranh quân sự theo nghị quyết 15, để bắt đầu xâm nhập vào miền Nam từ tháng 5 năm 1959 và tới năm 1960 thì CSBV chính thức tấn công miền Nam bằng vũ khí, quân sự bất kể điều đó gây tang tóc khổ đau cho dân lành vô tội. Mà nay, sau hai mươi năm chống trả lại sự “Giải Phóng’ ấy, miền Nam đã thực sự rơi vào tay CSBV kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975. Sau biến cố đó, cả miền Bắc lẫn miền Nam mới thực sự biết rõ hơn, nhiều hơn về sự “Giải Phóng” đã đưa tiền đồ dân tộc và toàn thể đất nước VN đến vực sâu đen tối ra sao?!

 

   Sự xâm lăng từ phía Cộng Sản Bắc Việt và sự chống trả từ phía miền Nam Quốc Gia đã trở thành cuộc chiến tranh đẫm máu - lệ oan khiên suốt hai mươi năm dài. Trong hai mươi năm đau thương do CSBV gây ra, phải kể đến sự tàn bạo dã man nhất của Việt Cộng là trận đánh chiếm vàoTết Mậu Thân 1968.

 

   Dù đang sống trong thời điểm đất nước có chiến tranh, nhưng người dân miền Nam VN yêu chuộng hòa bình và luôn trân trọng ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết Nguyên Đán. Người ta có thể làm lụng vất vả quanh năm, hoặc vì sinh kế, công việc mà phải đi làm ăn xa đâu đó nhưng ngày Tết họ đều tìm đường về xum họp gia đình hoặc gác bỏ mọi chuyện khó khăn để chuẩn bị cúng giỗ Tổ Tiên - Ông Bà, cho ba ngày tết trong gia đình được đầm ấm vui vẻ, thuận hòa.

 

   Nắm chắc được điều đó, CSBV đã soạn thảo kế hoạch “Tổng Công Kích” để tấn công miền Nam vào ngay thời điểm Tết Mậu Thân 1968. Từ đầu năm 1967, CSBV đã âm thầm chuẩn bị kế hoạch này bằng cách ráo riết kềm cặp đôn đốc binh lính. Phân chia, cắt cử từng ổ đánh khắp nội thành, ngoại thành ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam cùng một lượt theo chiến lược đột phá. Một mặt vào cuối năm đó, CSBV tuyên bố sẽ hưu chiến vào các dịp lễ lớn và thiêng liêng là ngày lễ Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán.

 

Giáng Sinh và Tết Dương Lịch năm ấy trôi qua yên bình như lời cam kết để Quân Đội VNCH thêm một lần tin vào thiện chí của CSBV và người dân cảm thấy được tạm yên vài ngày tai không nghe tiếng đạn bom cày xới lòng đất Mẹ thân yêu như hằng ngày hằng đêm phải nghe, phải hứng chịu từ nhiều năm qua. Bởi người Việt Nam Quốc Gia vốn chân thật hiền hòa, yêu chuộng hòa bình, biết quý mạng sống con người đến quý từng tấc đất cỏ cây đất nước, là người đang sống trên đất sáng tự do nên quên cảnh giác quân thù nấp trong bóng tối mưu mô toan tính bao điều gian ác bạo tàn.

 

   Ngay đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968, tiếng pháo mừng đón Năm Mới tràn đầy niềm tin vui chợt hòa vang thêm những tiếng nổ long trời. Trời Phật ơi, tiếng nổ gì nghe dễ sợ, làm rung chuyển cả bàn thờ Tổ Tiên suýt bổ nhào hoặc đã lăn rơi xuống đất. Có những thây người chợt gục xuống cùng máu đổ thịt rơi. Hỡi ơi, đó là tiếng súng tấn công của Việt Cộng vào Sàigòn ngay đêm mùng một Tết, lợi dụng lúc cửa ngỏ đô thành và binh lính Việt Nam Cộng Hòa không phòng bị vì phần đông được phép về xum họp đón Giao Thừa với gia đình. Ngay cả Tổng Thống cũng cùng gia đình về Mỹ Tho ăn Tết, đến sáng hôm sau ông mới trở lại được Sàigòn, và ngay trưa mùng Một Tết (ngày 30/1/1968) TT Nguyễn Văn Thiệu lên tiếng hủy bỏ lệnh ngưng bắn và ra lệnh Tổng Phản Công cùng lời trấn an dân chúng.

 

   Quân Bắc Việt dù đã tràn ngập khắp Sàigòn - Chợ Lớn và các vùng ngoại ô Hàng Xanh, Gò Vấp, Hóc Môn.v.v... nhưng thay vì chiêu dụ quần chúng nổi dậy theo lời hô khẩu hiệu “Tổng Khởi Nghĩa” thì lại bị chính những người thường dân ấy lột bộ mặt hại dân hại nước của họ như câu chuyện chị Ba Hàng Xanh với khí thế: Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh. Và dù đã vào được Tòa đại Sứ Mỹ nhưng cũng bị tiêu diệt ngay. Cùng lúc, Bộ TTM Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa điều động chiến dịch Trần Hưng Đạo để đẩy bật Việt cộng ra khỏi vòng đai Sàigòn với thời gian rút ngắn chừng nào bớt đổ máu quân binh lính cùng dân lành vô tội chừng ấy.

 

   Riêng tại Huế, với lực lượng đông đảo cùng nhiều nội tuyến “Ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản”, Việt Cộng đã tấn công thành phố Huế ngay sáng mùng hai Tết và chiếm giữ gần một tháng nơi đây, tha hồ tàn sát những ai mà họ nghi ngờ hoặc qua sự tố cáo của những tay sai nội tuyến là những người làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoặc cho các cơ quan của Mỹ. Số người bị tàn sát lên đến sáu, bẩy ngàn người, Cách giết rất dã man rồi đem chôn tập thể. Đó là chưa kể tới số người bị bắt mang đi mất tích. Ôi bao nhiêu máu lệ đã thấm xuống thành phố Huế ngày ấy, và đong hứng bao nhiêu cho vừa những giòng nước mắt khổ đau khóc cho cha mẹ, anh  chị em, con cháu bạn bè bị bắn giết tức tủi oan khiên, khi chết còn bị trói tay cột chặt người này qua người kia như từng xâu ốc, cong mình dẫy dụa trong lớp đất phủ vùi.

 

“Ai? nữa? những người trong đất đá

trong từng khu mộ xác từng xâu

Huế xưa,,, thành phố bao nhiêu tượng

ai cải táng dùm để thấy nhau”

n.t.

   Trong những ngày tháng phản công, chiếm giữ lại thành phố thân yêu cùng cuộc sống yên lành cho người dân, những người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa đã xả thân chiến đấu từng ngày từng giờ giữa bom đạn tơi bời. Sự chống trả mãnh liệt của họ anh dũng biết bao. Sự hy sinh của họ cao cả biết dường nào. Và... đã không biết có bao người chiến sĩ anh hùng ngả xuống cho quê hương, cho Huế năm Mậu Thân ấy?! 

 

   Xin được thắp nén tâm nhang tưởng niệm đến những người chiến sĩ của miền Nam anh dũng như khi tôi đến Huế một hôm nào đã xa... lòng vương mang nỗi ngậm ngùi thương tiếc:

 

“tôi đi tìm một đôi giày trận

thấy lá vàng bay... thương quá thương

nếu quả người xưa thành khói, gió

thì tôi xin hứng hết những mù sương!

tôi muốn làm thơ cho trái tim

nghe trong thầm lặng đóa hoa sim

nở trên Huế mộng năm nào đó

gió trở mình bay lạc nẻo quên...!”

n.t. 

 

   Tới bây giờ, đọc lại cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế của nhà văn Nhã Ca khi chị từ Sàigòn ra Huế thăm Mẹ thăm em trong dịp Tết Mậu Thân, rồi bị kẹt lại trong giòng lũ điên cuồng ấy để thành một chứng nhân lịch sử trước tội đồ CSBV bằng quyển sách dầy mấy trăm trang kể lại những ngày nát tan của thành phố mộng mơ. Có những đoạn tôi không ngăn được giòng nước mắt như khi chị kể về những nỗi đau đứt ruột của người dân xứ Huế:

   “Không biết tiếng súng đầu tiên nổ vào giờ khắc nào. Giữa đêm, tôi đã choàng tỉnh dậy vì tiếng nổ xé toạc cả những giấc mơ vụn....”

    Từ phút đầu tiên kinh hoàng trong những tiếng nổ long trời giáng xuống Huế oằn mình hứng chịu, tới hình ảnh chạy giặc tơi bời trước khung cảnh chết chóc kinh hoàng của ngày đầu xuân năm mới:

 

   “Qua được cầu rồi, lúc này tôi mới dám nhìn hai bên đường phố. Chợ An Cựu như một bãi chiến trường, máu còn chưa khô, máu in đỏ trên những bức tường loang lổ vết đạn. Một chiếc xe tăng lủi vào lề đường, đâm vào một căn phố, tấm bảng hiệu còn treo lủng lẳng. Hai, ba căn phố không còn hình dáng gì, không một căn nhà nào còn nguyên. Giữa đường đầy rẫy chướng ngại vật, máu me, quần áo, rác, sắt vụn, gỗ ván .v.v.... Chúng tôi len lỏi mà đi. Không một đôi mắt nhìn ra cửa, những căn nhà như đã hoang vắng hết. Không còn biết đâu yên mà chạy tới nữa... Tôi cố ôn lại những phút kinh hoàng đầu tiên của thành phố Huế. Và cũng để quen dần với biến cố khủng khiếp đang kéo dài. Mới chưa qua một ngày mà thgời gian như cả tháng, cả năm...!”.

 

   Tôi rùng mình khi đọc mẫu đối thoại của người đàn ông dắt díu mấy đứa con thơ đang lả đi vì sợ hãi và khát đói trong đoạn đường chạy giặc:

 

   “Mấy ông vô tới nơi là khổ rồi. Bét mắt đã thấy họ đầy nhà, đầy vườn. Cha nào cũng ốm cà tong cà teo, đói đeo vàng hai con mắt mà toàn nói phách tấu không rứa. Người sống bấn loạn, người chết người bị thương cũng bấn loạn khiêng vất trong sân nhà người ta, rồi vô nhà thấy chi cũng vơ cũng vét. Con trai, con gái mới lớn bắt đi tải thương, chôn xác. Vô nhà kêu gọi nấu cơm cho quân giải phóng, mượn gạo, mượn mắm muối. Nói là mượn chớ cướp của dân thôi mấy ông mấy bà ơi... Nhà tui con đông, khi mô cũng trữ gạo, đồ khô, cá mắm. Rứa mà họ chở đi hết, không chừa cho tui một nạm, còn nói phách, bữa mô Bác vô, gạo phát không cho dân... Ở nhà cũng chết đói, thôi liều mạng chạy tới nhà thờ xin Cha giải cứu mấy đứa con nít trước đã...”!

  

   Trong đêm tối mịt mùng kinh khiếp, chỉ cháy bùng lên những mảnh vỡ đạn bom như mảnh cứa cày sâu đất nước tan hoang, thây người đổ xuống như rạ. Nhưng trong lớp người chạy giặc vẫn có những tia hy vọng để đặt niềm tin sống còn trong biển lửa kinh hoàng:

 

    “Ở ngoài đường tôi thấy từng tốp lính từ phía ngoài quốc lộ đi vào thành phố, qua An Cựu. Họ mang ba lô, súng ống, người này cách người chừng nửa thước và hoàn toàn im lặng. Họ không ngó ngàng hai bên nhà cửa, đường phố. Thái nhận ra là lính Biệt Động Quân rồi một đoàn nữa là lính Nhẩy Dù, rồi Thủy Quân Lục Chiến... Dù má tôi ngăn cản, Thái cũng chạy ra đường giơ tay vẫy, tôi cũng chạy theo. Ở một vài sân nhà khác, cũng có nhiều người ra đứng, giơ tay vẫy và hỏi thăm. Những người lính này như ở xa đến, người họ còn đầy bụi và có vẻ lo lắng mệt mỏi. họ mỉm cười trả lời những bàn tay vẫy, những lời thăm hỏi và liệng cho chúng tôi vài thỏi kẹo và ít đồ hộp. Mấy người lính đi sau tiếp tục la hét. Những bàn tay vẫy đưa trở lại, những nụ cười chào nhau tiếp theo. Đoàn lính đi qua dần, đầu tôi cầm chặt thỏi sô cô la trong tay và bóp vụn nát lúc nào không biết nữa. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy những người lính dễ thương như thế. Họ là lính miền xa đến để chết ở Huế. Họ người Sàigòn, người Bắc di cư, người các tỉnh miền Trung, Nam, Bắc. Họ đến để chết với Huế... Có tiếng súng xa xa vọng lại rồi. Chắc lại đánh nhau. Tôi nghĩ đến những người vừa liệng cho chúng tôi những hộp thịt, những thỏi kẹo. Họ cười đó nhưng lúc này đã có người ngã xuống. Huế sẽ làm gì cho họ trong những ngày sắp tới. Không, Huế cũng trơ xương da rồi, tan nát hết rồi. Nhưng chắc chắn Huế sẽ còn, dù bằng tàn lửa, bằng tro nguội, bằng xương người. Các anh sẽ có người còn sống, còn trở về lại quê nhà và còn trở lại để giữ Huế...”   

    

   Đó là vài đoạn ngắn mà tôi trích từ một tập sách dầy hơn sáu trăm trang của nhà văn Nhã Ca: Giải Khăn Sô Cho Huế, một chứng tích đau thương nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Thời mà chúng tôi sống, trải qua và lớn lên từ khói lửa đạn bom với hận thù phân tranh giữa hai giới tuyến Quốc Gia & Cộng Sản, mà tất cả máu đổ thịt rơi đều chẩy ra từ một giòng máu đỏ da vàng. Quê hương khắp chốn điêu tàn chỉ vì một chủ thuyết vô thần đã vung kiếm dọc ngang, xé nát mảnh dư đồ thêm rách nát tả tơi.

 

   Ôi, bánh vẽ thiên đường nào đã lôi kéo bao nhiêu người nhập cuộc, hăm hở vào Nam tàn sát dân oan. Họ cần thảm sát dân lành để lấy máu tô vẽ lên mục đích Giải Phóng miền Nam đến mức không còn nhân tính, bất kể tình người chớ nói chi tới tình đồng bào ruột thịt tới mức dã man tàn bạo đến thế sao???!!!!

 

   Bao nhiêu mồ chôn tập thể mà Cộng quân Bắc Việt bắt phải đào nông để có thể vùi chôn vội vả hơn sáu ngàn nạn nhân vô tội giữa lúc trời xuân còn nắng đẹp khắp không gian? Lòng tham không đáy nào nỡ bắn giết không gớm tay xuống người dân vô tội để thây người ngổn ngang be bét giữa lúc mai vàng còn đang tươi nở rộn ràng nơi góc vườn, ngoài ngõ, trong sân, trước ban thờ Tổ Tiên? Tiếng súng AK, chất nổ TNT là vũ khí giết người gớm ghê sao Việt cộng quăng chĩa vào phố phường, giết hại muôn người, ngang nhiên gầm thét giữa trời đất phương Nam, át che đi tiếng pháo Giao Thừa thiêng liêng của ngày Tết dân tộc đang đón mừng năm mới tràn đầy hy vọng hạnh phúc Tự Do?!

 

    Làm sao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những bài ca dành cho những xác người như Chiều Đi Trên Bãi Dâu khi ông đi trên xác người vô tội bị Việt Cộng thảm sát ngay chính trên phần đất quê ông trong ngày Tết Mậu Thân: “Xác người nằm trôi sông, phơi trên những ruộng đồng. Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu... Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn ngây thơ. Xác nào là em tôi dưới hố hầm này trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai... Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn... những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em...”.

 

   Và còn biết bao những bài hát viết thay lời than oán của hằng ngàn nạn nhân chết đớn đau tức tưởi cùng bao thảm cảnh tang thương mất con, mất anh em, chồng vợ, mẹ cha như câu Chuyện Một Đêm Khuya của nhạc sĩ Anh Bằng: “Chuyện một đêm khuya nghe tiếng nổ, nổ vang trời. Chuyện một đêm khuya ôi máu đổ, đổ lệ rơi. Chuyện một đêm khuya nghe tiếng than trong xóm nghèo, mái tranh lửa cháy bốc lên ngun ngút trời cao. Bà mẹ đau thương như muối đổ, đổ trong lòng, chạy giặc ôm con qua những cảnh, cảnh lầm than. Và người con yêu đã chết trên tay lúc nào, xót xa vạt áo trắng hôm nay hoen máu đào. Ai, ai giết con tôi. Ai cướp con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình...?!”.

 

   Nhạc sĩ Phạm Duy cũng phải thốt lời run sợ trong bài Nợ Xương Máu ghi lại những thảm kịch hãi hùng khi CSBV vô nhân, vô thần làm đẫm nát non sông: “Giờ đây xương máu đã phơi đầy đồng, giờ đây máu hồng đã nhuốm non sông. Quân giặc tiến qua làng, từng thanh kiếm đứt ngang, từng lớp áo rách mướp, từng cánh tay rụng rời...’.

 

   Có bao giờ trong một thành phố cổ kính nhỏ xinh như Huế vào những ngày đầu xuân, màu tang tóc phủ trùm lên hàng trăm hàng nghìn gia đình chưa khô ráo lệ, phải gục đầu dằn lòng thảm thiết để lo chôn cất những người ruột thịt thân yêu bị chết oan uổng như trong Mùa Áo Quan khủng khiếp chưa từng có: “Mùa này tôi thấy bao nhiêu áo quan về. Ngày tựa chiêm bao, đêm khuya mộng mị. Đường mòn buốt dấu, hàng vạn chân đi. mẹ già con thơ, giọng người kêu la, bờ cỏ ngu ngơ, đêm khuya giật mình. Trời nồng khói súng, đường mìn lô nhô. Đoàn người đi qua, vương xương thịt đỏ. Ruộng vườn xác xơ, bao nhiêu cửa nhà, ôi phố phường tôi, chiều thắm tựa máu đào...”.

 

   Trong khi đó, nơi đồn Mang Cá, vị Tư Lệnh Quân Đoàn I là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã đề cao cảnh giác nên ông và các quân binh sĩ không nghỉ phép trong tuần lễ Việt Cộng xin hưu chiến, mà vẫn túc trực trong tư thế sẵn sàng ứng chiến khi có việc cần. Trong chiến dịch tổng tấn công của Việt Cộng vào các tỉnh miền Nam, chủ yếu là ba địa bàn chính; Sàigòn - Chợ Lớn - Huế. Ngay mấy ngày đầu Việt cộng và tay sai ra mặt tấn công Huế, vị Tướng nghiêm kỷ của vùng I đã kịp điều quân chặt chẽ.

 

Thế mà cũng trớ tay không kịp với những mưu mô xảo trá, tàn khốc của CSBV là quyết đánh thẳng vào dân, thảm sát không nương tay để thế cờ quân sự của Việt Nam Cộng Hòa phải nao núng trước sự an nguy của dân chúng toàn thành phố. Trong khi CSBV lấy nhà dân làm nơi ẩn nấp, đẩy mạng sống người dân thành bình phong che chắn, ta đâu thể nào bắn xả vào đồng bào vô tội, phá nát nhà cửa dân hiền như CSBV đã thực thi theo mệnh lệnh Đảng tàn sát dân oan.

 

   Trước tình thế nguy nan của đất nước, những người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng gánh vác. Họ có mặt khắp các trận địa để phản công, chận đứng bước xâm lăng tham tàn của Việt cộng với mục đích thôn tính miền Nam. Sau khi Sàigòn, Chợ Lớn và các vùng phụ cận nhanh chóng bị đẩy bật, những người chiến sĩ ấy lại tiếp tục có mặt ở miền Trung để cùng diệt giặc, tránh cho dân lành thêm đói khổ và bị thảm sát bởi quân cộng khát máu.

 

   Thương làm sao những người chiến sĩ bao lần bạc phai mầu áo trận bởi dãi dầu sương gió, đó đây khắp biên thùy hỏa tuyến như bài thơ Mười Hai Tháng Anh Đi tức Hành Trình Thủy Quân Lục Chiến của chiến sĩ Cọp Biển Phạm Văn Bình qua giòng nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy:

 

“tháng Giêng xuôi quân ra Huế

 Cố Đô hoang vu điêu tàn

 bãi học chiều, em vắng bóng

tóc thề đã quấn khăn tang

tháng Hai về trấn ven đô

chong mắt hỏa châu, giữ cầu

gió thoảng vào hơi rượu mạnh

qua làn sương ánh đèn mầu...”

 

   Thành phố Huế có một lần không còn bóng dáng con người, chì có loài quỷ đỏ đang đốt phá quê hương!

  Đón tết Mậu Tý, dẫu có mừng vui náo nức với bao niềm hy vọng mới, nhưng sao trong tâm tư tôi vẫn chất nặng điều gì khắc khoải lẫn ước mong:

“xuân mới lại về trên thế giới

cầu sao tươi thắm nước non mình

ba mươi ba năm ngừng chinh chiến

đất nước hình như chưa thái bình...!”

n.t

   Ngày Tết là ngày vui, ngày hội lớn của dân tộc, nhưng hai chữ Mậu tự dưng khiến chúng ta giật mình nhớ tới Tết Mậu Thân. Đã bốn mươi năm trôi qua mà sao vẫn thấy còn ngậm ngùi đau xót quá. Niềm đau ấy là niềm đau của cả dân tộc, bởi người Việt Nam luôn hiền hòa, yêu nước, yêu hòa bình, chuộng tự do, quý tài nguyên giang sơn và luôn bảo vệ quê hương!

 

ngọc thủy     

suoi_van@yahoo.com

 

Nhà văn Ngọc Thủy là chủ bút tạp chí Suối Văn,

phát hành ở vùng Bắc California. Giám đốc chương

trình Radio Tiếng Việt Mến Yêu phát thanh hàng

ngày trên làn sóng  AM 1120.

  

  

  

Posted on 15 Apr 2010
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng: Lưu truyền mãi với Sử Sách!
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)