Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, là một nhà hoạt
động kiên trì và tích cực ở hải ngoại vận động nhân quyền Việt Nam. Tổng Giám Đốc
Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS, với chương trình LAVAS đã cứu giúp hơn 18,000
thuyền nhân tới Hoa Kỳ định cư, sau khi họ bị cưỡng bách hồi hương. Sáng lập
viên của CAMSA là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu. Là tác giả quyển sách
biên khảo "Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm".Muốn Có Đổi Thay,
Chúng Ta Phải Hành Động
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
Trước thềm năm mới, tôi cầu chúc đồng bào thân
thương ở trong nước và tất cả đồng hương quý mến trên khắp thế giới năm Bính Thân được sức khoẻ
dồi dào, hưởng hạnh phúc
trong gia đình, và đạt thắng lợi ngoài trường đời.
Đối với non sông đất nước Việt Nam, chúng ta hãy
cùng nhau ước vọng sự đổi thay sẽ sớm đến, để sao cho xã hội được
cởi trói, người dân được tôn trọng về nhân quyền và nhân phẩm, và quê
hương được mãi mãi vẹn toàn và độc lập.
Nhưng chúng ta không thể chỉ ước vọng. Muốn có
đổi thay, chúng ta phải hành động. Muốn có dân chủ thì người dân phải chủ động để
thay đổi cán cân thế và lực giữa mình và chính quyền. Muốn thay đổi
cán cân ấy thì người dân phải tập hợp lại thành những tổ chức ngày
càng chặt chẽ về quy củ và càng lớn rộng về quy mô, độc lập với
chính quyền để rồi sẽ có ngày kiểm soát chính quyền.
Một cách cụ thể, hãy củng cố và phát huy cộng
đồng tôn giáo hay tổ chức xã hội dân sự của mình nếu đã có. Còn
nếu chưa có thì hãy đến với nhau để thành lập những cộng đồng tôn
giáo hay tổ chức xã hội dân sự mới. Rồi phát triển chúng về nội
lực, về số lượng và về tầm ảnh hưởng lên toàn xã hội. Đó là
trách nhiệm của đồng bào ở trong nước.
Còn trách nhiệm của người Việt ở hải ngoại là
tạo ra khoảng không gian an toàn cho người ở trong nước tập hợp lại
với nhau mà không bị đàn áp. Người Việt ở hải ngoại có một lợi
thế rất lớn. Đó là tư cách công dân của các quốc gia mà chế độ ở
Việt Nam đang cầu cạnh, như là Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Úc,
Nhật... Chúng ta hãy tận dụng tư thế ấy để vận động quốc tế nhằm
ngăn ngừa sự đàn áp và đẩy lùi khi nó xẩy ra cho đồng bào ở trong
nước.
Với hai bước trong-ngoài nhịp nhàng, chúng ta sẽ
xoay chuyển vận nước. Trong số gần 200 quốc gia trên thế giới, đến nay
3/4 đã đạt dân chủ hay đang tiến đến dân chủ, mà mới đây nhất là
Miến Điện. Thì tại sao chúng ta, người Việt Nam, không làm được?
Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được nếu Xuân này
chúng ta cùng nhau quyết tâm bắt tay vào những việc cụ thể và thiết
thực như vừa trình bày để sớm đem mùa xuân dân chủ về trên quê
hương.
Kính mến,
Nguyễn Đình Thắng