Nguyên tác của ký giả PIERRE DARCOURT
Bản dịch của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa
VIỆT NAM QUÊ MẸ OAN KHIÊN là bản Việt ngữ của Dương Hiếu Nghĩa dịch từ VIETNAM -- QU’AS-TU FAIT DE TES FILS? của Pierre Darcourt ấn hành lần đầu tại Paris, tháng 11, 1975. Tác phẩm là một tập hợp tư liệu về các sự kiện chính trị, quân sự … cuối cùng tại miền Nam Việt Nam. Ký giả Pierre Darcourt rời SàiGòn vào trưa 29/04/1975, sau nhiều ngày có mặt bên cạnh các chiến binh giữa lửa đạn tại Xuân Lộc, Hố Nai… gặp gỡ các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Minh Đảo… cùng nhiều nhân vật chính trị, quân sự và chia sẻ nhiều thảm cảnh não nề của các đám đông dân chúng cố rời xa vùng cộng sản chiếm đóng.
Tác phẩm không chỉ dựng lại một đoạn đường khói lửa mà còn là tiếng gào thét phẫn nộ bất bình đối với các hành động tàn ác phi nhân và thái độ dối trá hèn mạt từng có ở khắp nơi trước những oan khiên nhức nhối cũng như ý chí kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam bị dồn vào cảnh bị bóp họng trói tay để buộc phải từ bỏ nguyện vọng duy trì cuộc sống trong tự do.
Theo Pierre Darcourt, cuộc chiến Việt Nam ngưng tiếng súng từ tháng 4, 1975, nhưng vẫn tiếp tục và trận tuyến đã mở rộng trên toàn cõi Việt Nam với một phía là tập đoàn cộng sản đam mê quyền lực tới mức thản nhiên trước mọi đau thương tang tóc của người dân và một phía là dân tộc Việt Nam đã bị tước đoạt mọi quyền sống tối thiểu của con người…
Tác phẩm gồm 27 chương và thêm phần Phụ Lục cùng một số hình ảnh thời sự về những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam đã được đài BBC đánh giá làmột tập sử liệu quý giá về cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt là tâm tư chia xẻ của tác giả với những thống khổ của đồng loại là người dân Việt Nam đã liên tục bị dập vùi giữa muôn vàn thảm họa tóc tang.
Pierre Darcourt kể lại: “Tôi đã đi xuyên qua một ngôi làng ở Dakson bị huỷ diệt bởi một tiểu đoàn Bắc Việt. Chân tôi bước trên những đống tro tàn còn hơi nóng, ngập đến mắt cá, tro của các căn nhà tranh bị đốt bằng súng phun lửa. 250 xác người Thượng trong đó có 103 trẻ em gục chết khắp nơi trên mặt đất đang âm ỉ cháy. Một cảnh tượng ghê rợn, tàn ác, không thể chịu nổi với các tử thi sình trương bị nướng phồng dưới ánh mặt trời, tương tự những con heo quay có đầu người…”
Và, tác giả ghi lại cảnh bắt gặp trên một đoạn đường giữa Biên Hoà và Long Thành ngày 23 tháng 4 năm 1975: “Tôi dừng tại một đoạn quốc lộ. Quốc lộ gần như vắng tanh. Dân chúng đã cân nhắc kỹ nên tránh xa quốc lộ, băng đồng mà đi. Xa hơn một chút, nhưng tôi hiểu ngay tại sao. Phía bên trái cách lề đường chừng 20 thước có 2 xe vận tải bị vỡ tan vì đạn pháo cộng sản, đang cháy và bốc lên một mùi khét rất khó chịu của dầu lẫn thịt người. Phía bên phải, một sườn xe nát vụn của chiếc xe ba bánh Lambretta làm tôi nổi da gà: tử thi một đứa trẻ khoảng 10 tuổi treo lủng lẳng phía sau thùng xe, hai tay lòng thòng, đầu bị mảnh đạn cắt đi quá nửa đến cặp mắt. Trong một góc thùng xe phía sau còn hai xác chết, một người đàn bà và một bé gái ôm nhau nằm bất động, ngực và mặt đều bể nát máu me vung vãi. Cách đó 2 thước gần một lỗ được đào hơi cạn dựa nền đường nhựa còn một mảnh kim khí cong vẹo đánh dấu nơi viên đạn rốc kết đã nổ và gây ra sự tàn sát bẩn thỉu mù quáng này…”
Mức oan khiên khắc nghiệt càng đau xót hơn:
“Lúc 23 giờ khuya 28.4.75 tại Tân Sơn Nhất, một tiếng nổ lớn làm rung cả hầm trú ẩn của tôi. Cách đó chừng 50 thước, một trực thăng vận tải Chinook đầy binh sĩ bị cháy và đang rơi xuống đất. Rất nhiều mảnh kim khí đỏ như lửa bắn tung tóe khắp phi đạo và thây người vừa bị cháy vừa bị bắn tung khắp một vùng khét lẹt mùi xăng dầu và thịt người bị cháy.
Từ xa, về hướng Đông, pháo binh vẫn nã vào Biên Hòa không dứt và đã biến vùng bị pháo kích thành một biển lửa vàng hực. Tôi biết những ngọn lửa trong đêm tối đó đã hủy hoại cả một thị trấn, những ngôi nhà sẽ sụp đổ sau nhiều loạt đạn pháo nối tiếp của cộng sản nghiền nát nhiều gia đình… Tôi nghĩ tới những tự vệ công giáo trẻ của Hố Nai, những thiếu niên 15, 16 tuổi chỉ với một khăn choàng cổ và hai quả lựu đạn vẫn đương đầu với các chiến xa cộng sản! Cùng lúc đó, dưới ánh sáng ở thánh đường, cha mẹ chúng quỳ gối cầu xin Chúa ban cho chúng đủ can đảm để không chùn bước trước cái chết…”
Khó có cảnh tuyệt vọng thương tâm nào lớn hơn cảnh cha mẹ quỳ gối nguyện cầu cho những đứa con chưa qua tuổi trẻ thơ đủ can đảm nhận cái chết để bày tỏ quyết tâm không cúi đầu trước uy lực của một tai ương. Nhưng người dân Việt Nam đã bị đẩy vào cảnh tuyệt vọng thương tâm đó sau hơn 30 năm quằn quại giữa mọi loại tai ương. Chính vì thế, tác giả đã ghi lại tâm sự của mình: “Tôi muốn gào lên, muốn hét thật to để cả thế giới cùng nghe: Hãy để cho họ được sống! Hãy chấm dứt sự đau khổ của họ đi!”
VIỆT NAM QUÊ MẸ OAN KHIÊN không chỉ ghi lại những thảm cảnh chiến tranh đó mà còn nhìn lại toàn bộ cuộc chiến Việt Nam để đưa ra bài học là chính tham vọng quyền lực bè phái và chủ trương độc quyền chân lý đã là nguồn cội gieo rắc những tai họa kinh hoàng, là động cơ thúc đẩy những tội ác ngoài mọi tưởng tượng. Theo Pierre Darcourt, hai cuộc chiến nối tiếp tại Việt Nam kể từ 1975 và sau 1954 đều là những tai ương có thể tránh khỏi nếu những người Cộng Sản không theo đuổi mục tiêu độc bá quyền lực.
Nhưng cũng theo Pierre Darcourt, dân tộc Việt Nam đã bị đánh bại vào tháng 4 năm 1975, nhưng cuộc chiến chưa chấm dứt và thời gian rất có thể lại đem thuận lợi về cho những kẻ đang bại trận hôm nay.
Sơ lược tiểu sử Pierre Darcourt
Là một cây bút quen thuộc của các tờ báo nổi tiếng như L'Express, L'Aurore, Sud-Ouest, Jiji Press…, Pierre Darcourt cũng là một trong số những chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Á châu. Ông là người Pháp, sinh năm 1926 tại Sài Gòn và từng theo học tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội trước 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, Pierre Darcourt tham gia lực lượng du kích chống Nhật tại Đông Dương và sau đó gia nhập binh chủng Nhảy Dù Pháp.
Rời khỏi quân ngũ năm 1954, Pierre Darcourt bước vào nghề báo với tư cách phóng viên chiến trường và đã sống với cuộc chiến Việt Nam qua hầu khắp các mặt trận từ Quảng Trị, Khe Sanh, Kontum, Pleiku tới An Lộc. Năm 1975, ông là một trong số những phóng viên có mặt tại trận đánh Xuân Lộc cho tới ngày cuối cùng và chỉ rời khỏi Sài Gòn vào buổi trưa 29 tháng 4 năm 1975.
Tác phẩm Vietnam, qu'as tu fait de tes fils? do Editions Albatros, Paris ấn hành lần đầu tháng 11 năm 1975 là tập hợp các ghi nhận về mọi diễn biến quân sự, chính trị cùng cảm nghĩ của tác giả vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam. Pierre Darcourt cũng là tác giả nhiều tác phẩm khác trong đó có một số tác phẩm về các nhân vật và biến cố tại Việt Nam trong thế kỷ trước như De Lattre au Vietnam, Une Année de Victoire và Bảy Viễn, le maître de Cholon…
Đọc “Vietnam – Qu'as-tu fait de tes fils?”
của Pierre Darcourt
bản chuyển ngữ của Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa,
do Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành
UYÊN THAO
Âm vang một đoạn đường khói lửa Ấn hành lần đầu tại Paris, tháng 11-1975, tác phẩm là một tập hợp tư liệu về các sự kiện chính trị, quân sự … cuối cùng tại miền Nam VN. Ký giả Pierre Darcourt rời Sài Gòn vào trưa 29.4.1975, sau nhiều ngày có mặt bên cạnh các chiến binh giữa lửa đạn tại Xuân Lộc, Hố Nai… gặp gỡ các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Minh Đảo… cùng nhiều nhân vật chính trị, quân sự và chia xẻ nhiều thảm cảnh não nề của các đám đông dân chúng cố rời xa vùng Cộng Sản chiếm đóng.
Tác phẩm không chỉ dựng lại một đoạn đường khói lửa mà còn là tiếng gào thét phẫn nộ bất bình đối với các hành động tàn ác phi nhân và thái độ dối trá hèn mạt từng có ở khắp nơi trước những oan khiên nhức nhối cũng như ý chí kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam bị dồn vào cảnh bị bóp họng trói tay để buộc phải từ bỏ nguyện vọng duy trì cuộc sống trong tự do. Theo Pierre Darcourt, cuộc chiến VN ngưng tiếng súng từ tháng 4.75, nhưng vẫn tiếp tục và trận tuyến đã mở rộng trên toàn cõi VN với một phía là tập đoàn CS đam mê quyền lực tới mức thản nhiên trước mọi đau thương tang tóc của người dân và một phía là dân tộc VN đã bị tước đoạt mọi quyền sống tối thiểu của con người… Pierre Darcourt chấm dứt tác phẩm bằng mối băn khoăn:
“ Phải chăng chỉ là giấc mơ không thể thực hiện nổi? – Giấc mơ tháo gỡ bức màn đẫm máu đã trùm phủ mảnh đất bị dày vò tàn nhẫn và nỗ lực nhận ra những gì có thể kiến tạo một đất nước không còn hận thù, chém giết giữa những người chung huyết mạch để cùng cố gắng tìm lại nẻo đường hạnh phúc.” (1)
Pierre Darcourt băn khoăn vì không thể bôi xoá các ấn tượng đã hằn sâu trong ký ức –
“Rất nhiều kỷ niệm và lý lẽ hiện ra trong trí tôi. Tôi đã trải nhiều biến cố, qua nhiều trận đánh hay các vòng vây hãm, đã theo sau nhiều võng cáng trên mảnh đất ngập tràn tang chế và đầy rẫy thây ma này”. Gần như mỗi địa danh Việt Nam đều là lời gợi nhắc một thảm cảnh kinh hoàng.
Huế là hình ảnh lúc khai quật những mồ chôn tập thể sau cuộc tàn sát ghê rợn Tết Mậu Thân 1968 trước những gương mặt thảm não, những dòng nước mắt chan hoà của hàng hàng lớp lớp người mẹ, người vợ, người con ngơ ngác với những mảnh khăn tang chen chúc tạo thành những con sóng nhấp nhô trắng xoá.
Quảng Trị là đoạn đường 40 cây số mà màu nhựa đen trên mặt đường phủ kín một lớp màu nâu đỏ sạm của máu khô với hàng chục ngàn xác chết gồm hầu hết là đàn bà, trẻ nít gục ngã bởi những chùm đạn pháo tập trung xối xả trút xuống, và tiếp tục bị tung lên nhiều lần xé thành mảnh nhỏ.
An Lộc là đống gạch vụn và ngôi nhà thờ bay hết nóc với cả trăm thi hài chồng chất, thối rữa giữa các hàng ghế nát vụn dưới bục thờ Chúa. Hai tuần lễ trước, một chiến xa T.54 đã dùng đại bác bắn trực xạ vào đám tín đồ đang cầu nguyện giết không còn một ai và toàn bộ xác chết vẫn nằm tại chỗ.
Cùng chung một gợi nhắc là hàng loạt địa danh khác từ Khe Sanh, Đông Hà, Phù Ly, Phù Cũ tới Pleime, Dakto, Ben Het… và thậm chí từ cả những vùng đất không tên:
“Tôi đã đi xuyên qua một ngôi làng ở Dakson bị huỷ diệt bởi một tiểu đoàn Bắc Việt. Chân tôi bước trên những đống tro tàn còn hơi nóng, ngập đến mắt cá, tro của các căn nhà tranh bị đốt bằng súng phun lửa. 250 xác người Thượng trong đó có 103 trẻ em gục chết khắp nơi trên mặt đất đang âm ỉ cháy. Một cảnh tượng ghê rợn, tàn ác, không thể chịu nổi với các tử thi sình trương bị nướng phồng dưới ánh mặt trời, tương tự những con heo quay có đầu người…” “… Lúc 5 giờ chiều ngày 12-4-1975, một xe vận tải nhẹ từ Xuân Lộc đi liên lạc với Trảng Bom. Tôi nhảy lên xe đó… Đi được khoảng 3 cây số, cách chúng tôi hơn 100 thước, một xe chở dân chúng bị trúng một quả pháo. Tiếp theo tiếng nổ chói tai là bụi, lửa bắn lên tung tóe. Cả chiếc xe và người trên xe đều không còn gì! Chỉ còn trên đường một chấm đen lớn và vung vãi thịt xương tóc tai người chết với mấy mảnh kim khí của hộp số… Vậy là chỉ trong một giây đồng hồ, hơn 20 người vô tội đã bị xóa tên trên danh sách người Việt.” Những hình ảnh đó không thể không khiến dấy lên những băn khoăn. Với Pierre Darcourt là:
“Tôi muốn gào lên, muốn hét thật to để cả thế giới cùng nghe: Hãy để cho họ được sống! Hãy chấm dứt sự đau khổ của họ đi!” Nhưng tiếng gào của một cá nhân hay của cả một dân tộc chỉ là âm vang mong manh thoáng gợn rồi nhanh chóng rơi chìm giữa sa mạc mênh mông. Nguyện vọng hoà bình luôn được nhắc nhở như ngọn đuốc soi đường để thúc đẩy mọi nỗ lực, đòi hỏi mọi hy sinh… vẫn phải nhường gần trọn 5 năm cho các cuộc bàn thảo về một bản hiệp định ngừng bắn, trong đó có hơn 10 tuần lễ tranh cãi về hình dạng chiếc bàn hội nghị. Tầm mức hình dạng chiếc bàn là dài, tròn hay vuông không chỉ đo riêng bằng ngày tháng mà bằng xương máu của hàng chục ngàn nạn nhân vô tội đã cho thấy mọi lời lẽ tuyên xưng mục tiêu hoà bình chỉ là các mỹ từ vô nghĩa.
Cho nên, ngay sau khi hiệp định ngưng bắn Ba Lê được ký kết,
hoà bình vẫn xa thẳm.
Ngày 27 tháng Giêng 1973 được ghi lại như ngày chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ trên đất nước VN, nhưng trên thực tế chính là ngày mở ra một giai đoạn mới gia tăng gấp bội lần mức độ tàn phá. Với danh nghĩa vãn hồi hoà bình, bản hiệp định chỉ là bước chuẩn bị cho các mưu đồ hoàn toàn xa cách nguyện vọng hoà bình của dân tộc VN. Bằng các tính toán chi li, mỗi phía đều cần có bản hiệp định để đạt mục tiêu và việc ký kết không ngoài mưu đồ đó.
Với Nhà Trắng, bản hiệp định thành hình là điều kiện toàn hảo nhất về mọi mặt từ pháp lý, đạo đức tới uy danh để có thể rút chân khỏi vũng lầy mà 10 năm trước họ đã quyết lao vào bằng mọi giá với lý do giữ gìn truyền thống bênh vực tự do và học thuyết domino đòi hỏi củng cố một tiền đồn ngăn chống hiểm hoạ CS. Lý do vẫn còn đó nhưng những bất cập trầm trọng trong quyết định tham gia cuộc chiến, trong phương sách tiến hành chiến tranh đã dẫn đến tình trạng quyền lực bị đe doạ nặng nề và trở thành vấn đề nóng bỏng đòi hỏi cấp thời giải quyết.
Để vượt khó khăn mà vẫn có thể biện giải không buông rơi ngọn cờ chính nghĩa từng dựng lên, không rũ bỏ các cam kết từng tuyên hứa, ý nghĩ về tác dụng mở đường thoát hiểm bằng pháp lý qua một bản hiệp định đã hiện hình với quyết tâm biến thành thực tế bất kể cái giá phải trả ra sao.
Trên thực tế, có lẽ đã có sự cân nhắc cái giá phải trả là không nặng lắm đối với nước Mỹ.
Tổn thất hơn 50 ngàn binh sĩ và tốn phí 300 tỉ Mỹ kim là chuyện đã xong. Cái giá này ít nhất cũng đã giúp chuyển đổi cuộc cờ thế giới với thái độ mới của hai đối thủ Nga Xô, Trung Quốc. Cả hai thủ đô Mạc Tư Khoa - Bắc Kinh đều đã mở rộng cửa đón tiếp người cầm đầu Nhà Trắng là hiệu báo cụ thể về một thời kỳ mà học thuyết domino không còn lý do tồn tại. Từ đây, giá trị chiến lược của cái tiền đồn tự do Đông Nam Á là miền Nam VN đã giảm hẳn tầm quan trọng so với thời tổng thống Eisenhower.
Do đó, bản hiệp định có thể mang bất kỳ nội dung nào, dẫn tới bất kỳ hậu quả nào miễn là được ký kết để người Mỹ nắm trong tay một yếu tố pháp lý giúp thoải mái rút chân khỏi vũng lầy VN. Mọi chuyện tiếp nối ra sao đều không còn ý nghĩa với nước Mỹ, bởi cuộc cờ thế giới đã đổi thay và người dân VN dù bị dồn vào cảnh huống trói buộc khốn khó nào vẫn phải gánh trọn trách nhiệm về số phận tương lai của mình. Cho nên, ngay thời điểm đó, một nhà ngoại giao Đại Hàn đang có mặt tại Sài Gòn đã thốt ra những lời phát biểu đầy giận dữ:
“Nền hòa bình trong danh dự của ông Nixon hả? Chỉ là một trò gian lận quái đản của thế kỷ!” Ngày 27 tháng Giêng 1973, vì thế, chỉ ghi dấu thành tựu của Nhà Trắng trong nỗ lực tháo gỡ một tình thế nan giải bất chấp cách tháo gỡ sẽ trút xuống đầu người dân VN mọi hậu quả khốc hại (2), và đương nhiên không hề liên quan tới vấn đề vãn hồi hoà bình cho VN.
Với Bắc Việt, ngày 27 tháng Giêng 1973 trở thành ngày mở đầu hối hả cho các nỗ lực tăng cường chiến tranh, dù họ không ngừng nhắc hai tiếng hoà bình.
Ngay sau khi ký hiệp định, Bắc Việt đã đánh chiếm các quận Sa Huỳnh, Đức Phổ tại Quảng Ngãi ngày 29-1-73, căn cứ Cửa Việt tại Quảng Trị ngày 30-1-73. Căn cứ Cửa Việt do một đơn vị nhỏ Thuỷ Quân Lục Chiến trấn giữ nên bị tràn ngập nhưng tại Sa Huỳnh, Đức Phổ, lực lượng Bắc Việt bị Sư Đoàn 2 đẩy lui vào ngày 16 tháng 2. Các cuộc tấn công với mọi cấp độ của Bắc Việt tiếp tục lan rộng. Ngày 25-3-1973, quân Bắc Việt tràn ngập căn cứ Tống Lê Chân tại Bình Long, đồng thời chiếm căn cứ Đức Huệ tại Kiến Phong và nhiều làng xã tại Kiên Giang, An Xuyên, Chương Thiện…
Cuối tháng 10-1973, Bắc Việt mở chiến dịch tấn công Quảng Đức, đồng loạt uy hiếp các căn cứ Bu Prang, Bu Bong, Dakson, quận lỵ Kiến Đức. Trận đánh chỉ chấm dứt hơn một tháng sau khi quân đội miền Nam đẩy lui các đơn vị địch.
Tình trạng ngưng bắn da beo theo bản hiệp định cho phép Bắc Việt diễn tả bất kỳ vùng đất nào họ tiến chiếm sau ngày 27 tháng Giêng 1973 cũng là “vùng giải phóng” thuộc quyền kiểm soát hợp pháp của Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam (3) và mọi hành động chiến đấu tự vệ hoặc phản công tái chiếm của miền Nam đều bị buộc là hành động hiếu chiến, vi phạm hiệp định ngưng bắn.
Rõ ràng không hề có ngưng bắn và tình hình còn căng thẳng tới mức trong tháng 3 và tháng 5-1973 phòng không Bắc Việt đã ngang nhiên bắn hạ 2 trực thăng của Uỷ Ban Quân Sự Kiểm Soát Đình Chiến khiến Canada tuyên bố rút khỏi Uỷ Ban này ngày 7-5-1973, tức chỉ sau 3 tháng tham gia.
Tác động quốc tế cũng theo chiều hướng tương tự.
Trong khi Mỹ cắt giảm viện trợ cho miền Nam từ 2 tỉ 300 triệu xuống 964 triệu và cuối cùng bác bỏ luôn ngân khoản này thì Nga Xô tăng mức viện trợ quân sự năm 1974 cho Bắc Việt lên gấp đôi là 1 tỉ 700 triệu. Trung Quốc cũng gửi qua Bắc Việt 500 ngàn súng cá nhân với 90 triệu đạn, 21 ngàn súng cộng đồng với 4 triệu 500 ngàn đạn và ngót 3 triệu quân trang, quân phục… Trong khi quân đội Mỹ c ùng các quốc gia đồng minh rút khỏi miền Nam thì tàu hàng Nga Xô chở đầy ắp chiến cụ nối nhau cập bến Hải Phòng.
Cuối tháng 2-1973, tức vỏn vẹn 30 ngày sau hiệp định ngưng bắn, phi cơ quan sát đã ghi nhận 175 xe vận tải và 223 chiến xa Bắc Việt băng qua khu phi quân sự vượt đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập miền Nam. Cuộc xâm nhập không còn lén lút vì quân đội Mỹ đã rời cuộc chiến và hiệp định ngưng bắn cũng loại bỏ hoàn toàn khả năng ngăn chặn bằng không quân của quân đội Miền Nam. Cuối tháng 4-1975, tin ghi nhận cho biết đã có 18 ngàn lượt xe vận tải công khai chạy trên đường mòn Hồ Chí Minh chở vào Nam gần 80 ngàn quân cùng hàng trăm ngàn tấn chiến cụ, các loại đại pháo, hoả tiễn tối tân của Nga Xô và 650 xe tăng…
Giữa năm 1974, tin tình báo xác định 17 sư đoàn cơ giới chính quy Bắc Việt đầy đủ quân số và trang bị võ khí tối tân gồm nhiều loại đại bác hạng nặng, hoả tiễn phòng không… đã hiện diện tại miền Nam. Tin chi tiết cho biết lực lượng xâm nhập được bố trí 7 sư đoàn tại Vùng I, 5 sư đoàn tại Vùng II, 3 sư đoàn tại Vùng III, 2 sư đoàn tại Vùng IV. Ngoài ra, một l ực lượng trừ bị cũng đ ã tập trung tại nhiều căn cứ thuộc lãnh thổ Lào và Campuchia v ới quân số 40 ngàn tại Campuchia và 50 ngàn tại Lào. Mấy tháng sau, lực lượng xâm nhập được ghi nhận tăng lên 23 sư đoàn và một sư đoàn đặc công thành lập tại Nam Kinh, Trung Quốc đã được đưa về vùng Thượng Du Bắc Việt để sẵn sàng tham chiến.
Bản thống kê năm 1974 về tình hình an ninh miền Nam chỉ gồm các mũi tên hướng thượng với những con số ghi mức trung bình hàng tháng gia tăng gấp bội lần so với thời gian trước khi có hiệp định ngừng bắn: các vụ ám sát tăng từ 22 lên 48, các vụ bắt cóc tăng từ 50 lên 120, các cuộc tấn công tăng từ 200 lên 320…
Tình hình đã biểu hiện viễn cảnh miền Nam khó tránh bị vùi dập trong lửa đạn qua tiến trình chuẩn bị hối hả của cả Hà Nội, Bắc Kinh lẫn Nga Xô, đặc biệt là Trung Quốc công khai đưa lực lượng hải quân chiếm quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng Giêng 1974. (4)
Thời gian Lê Duẩn chỉ thị cho toàn quân tấn công miền Nam với trận đánh mở đầu tại Đồng Xoài dẫn đến việc Bắc Việt kiểm soát gần trọn lãnh thổ tỉnh Phước Long cũng là thời gian phái đoàn quân sự cao cấp Nga Xô do đại tướng tham mưu trưởng V. A. Jukilov cầm đầu liên tục tới VN hai lần, giữa tháng Chạp 1974 và đầu tháng Giêng 1975. Nối gót sau đó là Nicolai Firyubin, một nhân vật đặc biệt thuộc hàng ngũ ngoại giao cao cấp Nga Xô xuất hiện tại Hà Nội. Đối với giới quan sát quốc tế, cứ mỗi lần Firyubin xuất hiện ở khu vực nào thì gần như chắc chắn tại đó sẽ bùng nổ một đột biến quân sự hoặc chính trị.
Hơn 3 tuần sau, cuối tháng Hai 1975, tướng Yang Yung, cựu phụ tá tư lệnh chí nguyện quân tại Triều Tiên, cầm đầu một phái đoàn quân sự Trung Quốc cũng tới Hà Nội để thực hiện một cuộc viếng thăm kỳ lạ chưa từng có: viếng thăm dài hạn!
Mọi diễn biến tiếp nối không là chuyện ngạc nhiên.
Nhưng suốt thời gian từ sau ngày 27 tháng Giêng 1973, trên hầu khắp thế giới lại tiếp diễn liên tục một hiện tượng không thể không ngạc nhiên.
Ngày thứ tư 13-3-1975, Pierre Darcourt đã không kìm nổi sững sờ trước bản tin trên báo France Soir về trận tấn công của 3 sư đoàn Bắc Việt vào Ban Mê Thuột. Bản tin viết:
“ Trong khi các trận đánh ở Phnom Penh tiếp diễn thì MTGPMN chiếm một phần thị xã Ban Mê Thuột, sau khi chiếm quận lỵ Đức Lập. Tấn chiếm như vậy là kháng chiến quân miền Nam Việt Nam muốn ngăn chận một sự can thiệp của quân đội Sài Gòn vào Campuchia để giải vây cho Phnom Penh. Kế hoạch can thiệp này có sự không trợ từ không lực Hoa Kỳ được đề nghị với Tổng Thống Thiệu gần đây.
Vị nguyên thủ miền Nam Việt Nam đã dự trù tiến tới một hành động như vậy. Ông hy vọng có hai điều lợi: trên phương diện tài chánh ông sẽ được tăng cường một ngân khoản viện trợ từ phía Hoa Kỳ, trên phương diện chính trị sẽ tăng cường được vị thế... Sự tấn công của kháng chiến quân đặt lại tất cả mọi vấn đề, từ nay quân lực miền Nam có rất ít khả năng để hành động ở Campuchia.” Pierre Darcourt tự hỏi do đâu mà ký giả này biết chắc quân đội miền Nam sẽ tấn công Phnom Penh với hàng loạt chi tiết cụ thể như Hoa Kỳ yểm trợ không lực, tăng tiền viện trợ… trong lúc khoản viện trợ ngót 1 tỉ Mỹ kim do Nhà Trắng đề nghị dành cho miền Nam đã bị Quốc Hội Mỹ bác bỏ, do đâu mà ký giả này nắm rõ cả ý nghĩ đang trù tính cùng niềm hy vọng chỉ nhen nhúm trong đầu tổng thống Thiệu, và do đâu mà quân đội chánh quy cơ giới Bắc Việt trang bị chiến xa, súng phòng không, hỏa tiễn, đại pháo tầm xa hạng nặng lại biến thành “kháng chiến quân ” miền Nam?...
Càng gây sững sờ hơn là không chỉ riêng một tờ báo Pháp mà hầu hết báo chí Tây Phương kể cả báo chí Mỹ đều loan những tin tương tự, thậm chí có những tin mà Pierre Darcourt mệnh danh là hoang đường như tin xuất hiện trên tờ Le Figaro :
“ 14 thành phố, 13 quận lỵ và một tỉnh lỵ đã rơi vào tay ‘những người nổi dậy' từ khi Hiệp Định Paris được ký kết. Đó là do lực lượng cánh tả ở miền Nam đang đánh bật từng chốt do quân chính phủ Miền Nam kiểm soát”.
Cho đến khi tấn công thị xã Ban Mê Thuột, quân Bắc Việt chỉ vừa chiếm được tỉnh lỵ Phước Long nhưng bản tin trên đã xuất hiện trên báo Le Figaro . Tờ báo cũng cho xuất hiện một “lực lượng nổi dậy” tại miền Nam với lối gợi ý là dân chúng miền Nam đang đứng lên chống chính quyền Sài Gòn và chính quyền này đang trên đà thất bại. Tương tự, giữa lúc trận chiến Xuân Lộc tiếp diễn, hãng thông tấn Mỹ UPI cũng loan tin thị trấn này đã rơi vào tay quân Bắc Việt, một cách loan tin quen thuộc vào thuở đó.
Phóng viên quốc tế vẫn có mặt thường trực tại miền Nam và chứng kiến tận mắt từng sự việc, nhưng tin tức loại trên cứ thường trực xuất hiện trên nhiều tờ báo Tây Phương. Gần như đã có một dàn hoà tấu trỗi lên những tấu khúc nhịp nhàng bằng tiếng đại bác của quân đội Bắc Việt và các lời lẽ mô tả tình hình miền Nam VN trên báo chí quốc tế. Vào thời điểm hàng chục sư đoàn cơ giới Bắc Việt chiếm hết các tỉnh duyên hải miền Trung và tiến sát Sài Gòn, dàn nhạc hoà tấu lại trình diễn một tấu khúc mới diễn tả chính quyền Sài Gòn đang phá vỡ hiệp định Ba Lê.
Sự việc không chỉ giới hạn trong hoạt động báo chí.
Suốt thời khoảng này, chính giới từ Hoa Thịnh Đốn tới Paris cũng tập trung nỗ lực theo hướng loại bỏ mọi yếu tố pháp lý biểu hiện bằng quyền đầu phiếu của người dân và quan hệ quốc tế đã có của chế độ Cộng Hoà tại miền Nam VN, cùng ý chí tự vệ và mọi khả năng đề kháng không chấp nhận CS.
Quốc Hội Mỹ không những bác bỏ việc viện trợ cả về quân sự lẫn kinh tế cho miền Nam mà còn thông qua đạo luật giảm quyền hạn của người lãnh đạo Nhà Trắng không cho phép nhúng tay vào vùng Đông Nam Á.
Các giới chức từ Hoa Thịnh Đốn tới Paris luôn đề cao tác dụng vãn hồi hoà bình của hiệp định Ba Lê theo cách khăng khăng nêu rõ điều kiện thi hành hiệp định là chính quyền Sài Gòn phải được giao cho thành phần nhân sự phù hợp yêu cầu của Hà Nội – một điều kiện ngược ngạo không đặt trên nền tảng thuận tình hợp lý tối thiểu nào và cũng không hề có trong nội dung bản hiệp định. Các đạo quân cơ giới Bắc Việt với đủ loại khí giới tối tân tràn ngập gần khắp miền Nam trở nên hoàn toàn vô hình trong khi chỉ riêng sự hiện diện của chính quyền Sài Gòn bỗng biến thành một bóng đen khổng lồ đang phá bỏ bản hiệp định mà chính quyền đó là một thành viên ký kết.
Ngày 26-4-1975, tại Tân Sơn Nhất, phát ngôn viên Võ Đông Giang của phái đoàn CPLTCHMN vẫn mở họp báo tố cáo chính quyền Sài Gòn cản trở việc vãn hồi hoà bình và nêu một loạt đòi hỏi:
– Thi hành Hiệp Định Ba Lê.
– Loại bỏ tất cả những người đã nằm trong guồng máy của Thiệu.
– Từ bỏ đường lối hiếu chiến, phát xít, áp bức và đàn áp đối với nhân dân.
– Hủy bỏ tất cả luật lệ phản dân chủ. Bảo đảm tôn trọng tự do dân chủ.
Giữa tiếng súng tấn công của quân đội Bắc Việt đang nổ ran ngay tại Hố Nai, đòi hỏi trên không chỉ lộ hình xảo trá trắng trợn mà còn mang đầy tính bi hài nhưng vẫn được loan truyền như một sự việc nghiêm túc. Chuyện còn vượt xa mức tưởng tượng khi hình ảnh những đám đông trốn chạy khỏi các vùng sắp rơi vào tay quân miền Bắc được kèm theo lời tố cáo của đại diện CPLTCHMN tại Ba Lê về
“tội ác ép buộc dân chúng di tản của chính quyền Ford và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu”. Đại diện của cái chính phủ được chính quyền Pháp biệt đãi nhưng không người dân VN nào biết đến đã quả quyết “ hàng trăm ngàn người bị hăm dọa dưới họng súng đã phải lìa bỏ nhà cửa và nơi chôn nhau cắt rún để chết đói, chết bệnh trên đường di tản. Nhiều ngàn người khác đã bị hành quyết vì không chịu chạy trốn…!”
Hành vi biến đổi trắng, đen này không chỉ nhắm tạo thêm một “ tội ác Mỹ-Ngụy” mà chủ yếu nhắm diễn tả người dân miền Nam khao khát hướng về kháng chiến quân giải phóng. Nối theo việc bíến chính quyền Sài Gòn thành hung thần đe doạ hủy hoại nỗ lực vãn hồi hoà bình là việc vẽ lại hình ảnh người dân khiếp hãi CS đang lao vào cuộc trốn chạy đầy hiểm nghèo để hy vọng tìm tới nơi hợp với tâm nguyện. Những người dân này được choàng cho lớp áo nạn nhân khốn khổ của chính quyền Sài Gòn đang trông đợi sự che chở của Cộng Sản đã được cải danh thành kháng chiến quân giải phóng ho ặc lực lượng cánh tả đang nổi dậy – d ù mọi diễn biến thực tế vẫn phơi bày rõ cội nguồn cảnh ngộ tàn khốc kinh hoàng không thể tả nổi của hàng triệu người dân từ Cao Nguyên, từ các tỉnh địa đầu miền Trung…
Một cụ già còn giữ được mạng sống trong cuộc tháo chạy từ Pleiku về Phú Yên theo tỉnh lộ 7B đã kể với một nhà báo Sài Gòn về đoạn đường của mình:
“ "Chúng tôi gồm hơn 100 ngàn người đi bộ, gồng gánh tất cả những gì có thể mang theo… Con đường nhỏ xuyên qua rừng giữa những bụi rậm và tre dày đặc. Chúng tôi không có thức ăn, tuyệt đối không có gì để uống và đi suốt 3 ngày 3 đêm như vậy… Khi gần tới sông Ba thì từ trong rừng xuất hiện một toán bộ đội có người cầm cờ đi đầu. Người chỉ huy toán bộ đội phát loa ra lệnh cho chúng tôi ngừng lại và quay trở về. Nhưng làm sao được bây giờ vì có quá nhiều người ở phía sau cứ đùn chúng tôi đi tới. Tất cả bị dồn cứng thành một khối không nhúc nhích nổi. Thế là bọn cộng sản bắn với tất cả các loại súng họ đang có… các loại pháo nặng nhẹ, súng cối, súng không giật… nã thẳng vào chúng tôi dọc theo con lộ đang bị kẹt cứng. Tất cả đều nổ đồng loạt. Một trái đạn pháo đã chém ngang con gái tôi và hai đứa con của nó. Trên đoạn đường dài 3 cây số thây nằm la liệt, lẫn lộn kẻ chết người bị thương. Hàng trăm xe đủ loại bị cháy, nổ ì ầm như người ta ném đạn vào lửa vậy. Tôi ôm đứa cháu chín tuổi, cố gắng chạy bừa tới đâu hay tới đó. Đứa bé bị một mảnh đạn pháo xuyên qua lưng. Nó khóc thét lên nhắc đi nhắc lại: “Ông ơi, ngực cháu thủng rồi, đau lắm''. Rồi đùng một cái, tôi không nghe nó nói nữa. Tôi nhìn lại, đôi môi của nó đen hết rồi. Nó đã chết ”… Riêng Pierre Darcourt ghi lại hàng loạt sự việc…
– 15-4-1975 tại Xuân Lộc:
“Tôi nhập với đoàn người lánh nạn dài dặc rời khu đồng trống. Nhiều người bị thương, một ông già lạ thường áo trắng, nón cối kiểu thực dân, một vết thương to bằng nắm tay trên vai đang lảo đảo bước. Chừng trăm thước ông ngã quỵ xuống. Tôi cố đỡ ông dậy, nhưng ông không còn nhúc nhích nữa, ông chết rồi!… Bên phải tôi, một bà mặt mày lơ láo lo sợ và đau khổ, vừa đi vừa lớn tiếng cầu nguyện. Bà ôm cứng đứa con gái khoảng 4, 5 tuổi bị trúng đạn ở đầu, tóc tai bê bết máu…” – 23-4-1975 giữa Biên Hoà và Long Thành:
“Tôi dừng tại một đoạn quốc lộ . Quốc lộ gần như vắng tanh. Dân chúng đã cân nhắc kỹ nên tránh xa quốc lộ, băng đồng mà đi. Xa hơn một chút, nhưng tôi hiểu ngay tại sao. Phía bên trái cách lề đường chừng 20 thước có 2 xe vận tải bị vỡ tan vì đạn pháo cộng sản, đang cháy và bốc lên mùi khét rất khó chịu của dầu lẫn thịt người. Phía bên phải, một sườn xe nát vụn của chiếc xe ba bánh Lambretta làm tôi nổi da gà: tử thi một đứa trẻ khoảng 10 tuổi treo lủng lẳng phía sau thùng xe, hai tay lòng thòng, đầu bị mảnh đạn cắt đi quá nửa đến cặp mắt. Trong một góc thùng xe phía sau còn hai xác chết, một người đàn bà và một bé gái ôm nhau nằm bất động, ngực và mặt đều bể nát máu me vung vãi. Cách đó 2 thước gần một lỗ được đào hơi cạn dựa nền đường nhựa còn một mảnh kim khí cong vẹo đánh dấu nơi viên đạn rốc kết đã nổ và gây ra sự tàn sát bẩn thỉu mù quáng này…” Đã có 52 nhà báo ngoại quốc tử nạn suốt cuộc chiến VN, và người tử nạn cuối cùng là Michel Laurent bị bắn gục tại Hố Nai ngày 27-4-1975. Thảm cảnh tàn khốc mà người dân VN phải gánh chịu cùng diện mạo kẻ sát nhân cho tới cuối cuộc chiến không hề thiếu thực tế chứng minh. Nhưng Pierre Darcourt vẫn phải thắc mắc:
“Tại sao khắp nơi chỉ nhắc tới vụ thảm sát Mỹ Lai, chỉ nhắc tới tấm hình viên tướng miền Nam bắn hạ một cán bộ chỉ huy cộng sản giữa trận giao tranh trên đường phố Sài Gòn và tấm hình một bé gái trần truồng chạy giữa khói lửa đạn bom ?” Vài cảnh đau lòng đó chỉ là những hạt cát trong núi xương sông máu của cuộc chiến kéo dài mấy thập kỷ và mức ghê tởm trong hành vi điên loạn nhất thời của vài cá nhân không thể sánh với mức ghê tởm của các chủ trương thúc đẩy tội ác, nhưng các chủ trương này luôn được né tránh không hề nhắc tới.
Trong tác phẩm
La mort du Viet Nam, tác giả Vanuxem ghi lại câu chuyện của bác sĩ Vincent, một bác sĩ Pháp trong nhóm Bác Sĩ Không Biên Giới có mặt tại Vũng Tàu cuối tháng 4-1975. Tại một bệnh viện dân sự, vị bác sĩ tiếp nhận 80 người bị thương gồm cả binh sĩ miền Nam lẫn dân chúng.
Khi quân Bắc Việt tiến vào, vị bác sĩ được lệnh ngưng tức khắc việc điều trị bệnh nhân. Kế tiếp, lại có lệnh chuyển hết bệnh nhân khỏi bệnh viện. Bác sĩ Vincent đang chưa biết giải quyết ra sao thì viên chỉ huy Bắc Việt lên tiếng:
“Chúng tôi đã có cách” . Dứt lời, y rút súng kê vào đầu người bị thương đang nằm ngay bên cạnh bóp cò. Bác sĩ Vincent la lên phản đối thì lập tức bị lôi đi và tiếng súng tiếp tục nổ trong các phòng bệnh viện. 80 bệnh nhân biến tức khắc thành các xác chết.
Sự kiện trên không chỉ xẩy ra lần đầu tại Vũng Tàu vào cuối tháng 4-1975 mà xẩy ra tại nhiều nơi như tác giả Michel Tauriac từng ghi trong tác phẩm
Vietnam, le Dossier noir du Communisme :
“Không xa Mỹ Lai bao nhiêu là một ngôi làng nhỏ Quảng Ngãi… Trong đêm Tết Mậu Thân 1968, quân Cộng Sản xông vào một bệnh viện tại đây. Y tá, bác sĩ, bệnh nhân nằm trên giường bệnh đều bị giết chết, súng cứ nhả đạn thả dàn. Khi người Cộng Sản ra đi, thần chết đã mang theo hết mọi người …” Và, Michel Tauriac cũng đã tự hỏi y hệt như Pierre Darcourt: “ Tại sao tới nay báo chí không thốt lên tiếng kêu khiếp hãi nào về những vụ tàn sát man rợ đó mà chỉ nói tới riêng vụ Mỹ Lai ?” ( 5) Cho đến tháng 4-1975, không ít tin tức và chứng nhân đã nhiều lần kể về lệnh xích chân binh sĩ trên chiến xa của quân đội Bắc Việt trong cuộc tấn công mùa hè 1972, về những cuộc “truy điệu sống” thương binh trước khi tàn sát họ để giảm nhẹ gánh nặng và hạn chế số binh sĩ miền Bắc rơi vào tay miền Nam hầu tránh các tác động tâm lý bất lợi, đặc biệt là cái khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam” phi nhân tới giờ này vẫn được đề cao như biểu hiện của tinh thần dũng cảm.
Ngay cả trường hợp hết thẩy thanh niên miền Bắc đều tự nguyện chấp nhận cái chết để xâm nhập miền Nam, hết thẩy đều tự nguyện đưa chân vào còng trên các chiến xa trước khi lâm trận, hết thẩy thương binh đều thanh thản xếp hàng để nhận những viên đạn của đồng đội kết thúc mạng mình thì tính nhẫn tâm tàn bạo của chủ trương trên vẫn không sút giảm để có thể không gọi là tội ác đối với nhân loại.
Trên thực tế không hề có tình trạng tự nguyện như vậy, vì không ít thương binh đã tìm mọi cách trốn để sau đó thành tù binh và kể lại mọi việc như anh bộ đội bị thương tên Danh đã gặp được một đơn vị miền Nam tại vùng Phương Lâm đầu năm 1970, cùng tâm tư của những người đã ngã trên các trận địa còn lưu lại qua chữ viết của họ, như mấy câu thơ ký tên Huyền Trân tìm thấy trên tử thi một bộ đội mà Bảo Tàng Viện Quân Sự Alberdeen, Maryland đang lưu trữ:
Từ buổi con lên đường xa Mẹ, Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung Non xanh nước biếc chập chùng Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ …………………………………………. Đã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu ……………………………………….. Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá cầu Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau Đã nhiều lần tay con run rẩy Khi gài mìn để rồi sau bỗng thấy Xác người tung máu đổ chan hoà Máu của ai, máu của bà con ta Của những người như con, như mẹ …………………………………. Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu Đời của con nay sương gió dãi dầu Con cảm thấy lòng của mình tê tái. Pierre Darcourt đã nghĩ tới một lời giải đáp: U tối hay xảo trá bất nhân?
Dù là gì thì lời giải đáp cũng hoàn toàn vô nghĩa nếu chỉ để hiểu lối nhìn vấn đề của những người xa lạ. Nhưng, đặt thắc mắc trong hướng nhận chân diện mạo một đoạn đường để xác định cội nguồn thảm hoạ mà người dân VN phải gánh chịu nhiều thập kỷ thì tìm lời giải đáp vẫn là một yêu cầu khẩn thiết.
Cuộc chiến VN thường được diễn tả như cuộc chiến chống ngoại xâm với tiếng súng mở đầu đêm 19-12-1946 tại Hà Nội chống thự c dân Pháp và sau đó, từ 1954 là chống ách đô hộ Mỹ tại miền Nam.
Cách diễn tả này hình thành từ sự có mặt đoàn quân viễn chinh Pháp và quân đội Mỹ trên một chiến tuyến và do đó đã khẳng định chiến tuyến bên kia là lực lượng dân tộc kháng chiến VN. Đây là cách diễn tả theo tuyên xưng của chính quyền Hà Nội được tán dương phổ biến bởi khối CS Quốc Tế từ Nga Xô, Trung Quốc tới hết thẩy các quốc gia Đông Âu và các tổ chức tả khuynh khắp thế giới.
Cách diễn tả này nhắm thúc đẩy dấy lên nỗi bất bình của dư luận với các lực lượng ngoại bang đồng thời thổi bùng nhiệt tình yêu nước từ đáy tim mỗi người dân VN và hình ảnh cuộc chiến chỉ đơn giản là hình ảnh trực diện đối đầu giữa người Việt Nam với những đoàn quân xâm lược .
Nhưng nhiều sử gia đã nhìn về các yếu tố hậu trường để cho rằng cuộc chiến VN không khởi từ tiếng súng kháng Pháp đêm 19-12-1946 tại Hà Nội mà từ giữa thập kỷ 1920 do chủ trương độc bá chính trư ờ ng của CS phủ nhận mọi lực lượng dân tộc đấu tranh. Võ khí ở thời điểm này là lời l ẽ đả phá, nhục mạ những người yêu nước không chấp nhận CS, là sự cộng tác với mật thám Pháp để phá vỡ các tổ chức yêu nước (6), là những mũi dao găm đâm lén trong bóng tối hạ sát các phần tử kiên quyết chối từ chủ thuyết CS …
Cuộc chiến tiếp diễn sau khi triều đình Huế tuyên cáo xé bỏ mọi hiệp ước ký kết với Pháp trong thế kỷ trước để mở đầu kỷ nguyên độc lập cho Việt Nam từ ngày 11-3-1945 (7) và căng thẳng hơn sau khi Bảo Đại tuyên bố trao quyền cho Hồ Chí Minh ngày 30-8-1945 – dù lúc này, các tổ chức yêu nước đều chủ trương đoàn kết mọi xu hướng với niềm tin người VN dù theo ý h ệ chính trị nào cũng đấu tranh vì dân vì nước như chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã phát biểu.
Chính niềm tin xuất phát từ nhiệt tình yêu thương đồng bào và đất nước này đã đẩy hàng ngũ dân tộc đấu tranh vào ngõ cụt. Với ưu thế nắm quyền lãnh đạo và trong tình trạng mở rộng vòng tay gần như buông lơi cảnh giác của các tổ chức bị coi là đối thủ, CS đã thẳng tay thanh trừng mọi phần tử khác chính kiến. Mọi phần tử thuộc hàng ngũ dân tộc đấu tranh nếu không chịu đóng vai công cụ cho CS đã chỉ còn lối thoát duy nhất để giữ mạng sống là trở về ẩn thân trong vùng Pháp đang chiếm đóng.
Cuối năm 1948, cuộc chiến vào một khúc quanh mới do cục diện thế giới và thực tế chiến trường buộc Pháp phải chuyển vai trò để duy trì ảnh hưởng tại bán đảo Đông Dương. Sự có mặt hàng ngũ dân tộc đấu tranh VN trên chính trường trở thành đòi hỏi mà Pháp phải đáp ứng dù hoàn toàn ngoài ý muốn. Do đó, cuộc chiến VN đã biến dạng không còn giữ tính chất chống ngoại xâm như những ngày đầu – không phải ngày 19-12-1946 tại Hà Nội mà từ ngày 23-9-1945 tại Sài Gòn.
Bởi, bên cạnh quân đội Pháp đã xuất hiện quân đội quốc gia Việt Nam và sau hiệp định Gen è ve 1954, khi Pháp chấm dứt vai trò thì Việt Nam biến thành hai phần lãnh thổ với hai xu hướng như Triều Tiên, Đức Quốc: Miền Bắc đặt dưới chế độ CS, miền Nam xây dựng chế độ Cộng Hòa và tính chất đối kháng từ thập kỷ 1920 sống lại mãnh liệt.
Các yếu tố thúc đẩy từ hậu trường là nền tảng hình thành quan điểm định tính cuộc chiến gắn kết với mục tiêu mà đảng CSVN nhắm tới. Ngay từ tiếng súng mở đầu ngày 23-9-1945 tại Sài Gòn cho tới năm 1949, dù khắp mọi trận địa chỉ là sự đối đầu giữa các lực lượng dân quân kháng chiến và quân đội Pháp, tính chất tranh thủ và bảo vệ chủ quyền dân tộc vẫn xa vời trên thực tế. Tính chất này có thực trong tâm tư người dân và những người có mặt trên chiến trường, nhưng không hề có trong mục tiêu tranh thủ của toàn cuộc chiến do những người CS nắm quyền chỉ đạo.
Đã có không ít tài liệu ghi rõ hành động và ngôn ngữ của các lãnh tụ CSVN từ văn kiện chính thức tới những dòng hồi ký, xác nhận mục tiêu chống xâm lăng chỉ là chiêu bài của đảng CS với hai tác dụng chủ yếu cấp thiết. Trước hết, chiêu bài giúp che kín tung tích CS đã được nhận rõ là đang khiến nhiều giới e dè, nghi ngại.
Kế tiếp quan trọng hơn, chiêu bài có sức thu hút mạnh mẽ để thuyết phục và lôi cuốn quần chúng cùng dư luận trong nỗ lực duy trì và củng cố vị thế của đảng CS. Chiêu bài chống xâm lăng đã giúp CSVN khai thác sức mạnh đấu tranh của quần chúng để vượt qua mọi khó khăn đồng thời gặt hái sự tán trợ rộng rãi trong dư luận quốc tế để tăng cường uy l ực . Tuy nhiên, không vì thế mà tính chất cuộc chiến VN có thể thay đổi từ giành đoạt quyền lực phe phái thành kháng chiến chống ngoại xâm.
Kết luận của những sử gia nhìn vấn đề qua các yếu tố hậu trường là Việt Nam đã trải 30 năm khói lửa dưới chiêu bài kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng trên thực tế chỉ có cuộc chiến cốt nhục tương tàn do đảng CS tiến hành vì mục tiêu tranh thủ và tăng cường quyền lực.
Khởi từ hướng nhận thức này, đã có ý kiến cho rằng VN thậm chí không phải trải cuộc chiến mở rộng khắp nước vào năm 1946 nếu đảng CS không theo đuổi chủ trương độc bá chính trường bằng cách tiêu diệt các lực lượng khác chính kiến với cả cái giá bắt tay Pháp ký thỏa ước 6-3-1946 cho quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc. Sự kiện này là hành vi khuyến khích Pháp tái chiếm VN bằng võ lực và chính Hồ Chí Minh đã nhìn thấy hậu quả sẽ diễn ra. Nhưng Hồ Chí Minh lại nhìn thấy chiến tranh bùng nổ sẽ giúp tăng giá trị chiêu bài chống xâm lăng mà đảng CS đang vận dụng đồng thời mang về nhiều thuận lợi cho việc thanh toán mọi đối thủ chính trị. Vì thế, đảng CS đã đón sự kiện trên như một thắng lợi trong khi cái giá phải trả là xương máu của người dân VN đổ ra sau đó. (8)
Cũng thế, cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc không thể xảy ra nếu không vì mục tiêu mở rộng quyền thống trị của đảng CS. Lý do giải phóng người dân miền Nam đang bị hành h ạ , bóc lột dư ớ i ách đô hộ Mỹ tàn ác dù ngay lúc này còn được nhắc lại đã không cần phải chứng minh về tính chất ngụy tạo. Cuộc chiến được CS chuẩn bị ngay sau hiệp định Genève 1954 để khởi phát từ 1960 đã biểu hiện rõ mục tiêu theo đuổi. Sự trực tiếp can thiệp của quân đội Mỹ năm 1965 có thể đã được CSVN đón nhận như một tin vui, một thắng lợi tương tự khi thực hiện được hành vi mở cửa đón quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc năm 1946. Bởi sự xuất hiện của quân đội Mỹ đã giúp cơ hội phổ biến luận điệu phủ nhận hàng ngũ dân tộc đấu tranh không chấp nhận CS tại miền Nam và tô điểm thêm cho chiêu bài chống xâm lăng những sắc màu hấp dẫn để thúc đẩy quần chúng và cuốn hút dư luận.
CS đã thành công với chiến thắng 1975 trở thành lực lượng độc bá quyền lực trên toàn đất nước, nhưng cái giá mà người dân VN phải trả là hàng triệu người bị cướp mạng sống, hàng triệu người khác trở thành tàn phế. Song song là cảnh huống tan hoang của một đất nước bị bom đạn huỷ hoại với không biết bao nhiêu gia đình lâm cảnh tang tóc, chia lìa và những di họa chiến tranh khó thể kể xiết từ những dị chứng của chất độc da cam – như CS vẫn đang tố cáo – tới những vết hằn thù hận đau đớn mà chủ trương và sách lược đấu tranh CS đã khắc sâu vào tâm não những người cùng chung huyết mạch.
Những oan khiên này sẽ không bao giờ có, nếu người CS không theo đuổi mục tiêu độc bá quyền lực. Nhưng sau tiếng ‘nếu' này chỉ là một lời phủ định và mọi diễn biến đều đã hoàn tất. Không còn phép lạ nào có thể xoay chuyển tình thế đoạn đường đã qua của VN. Dù giăng mắc chông gai hay ngập tràn ánh sáng, đoạn đường đó đã trở thành dĩ vãng.
Điểm chủ yếu là đất nước VN đang trong thực tế nào?
Pierre Darcourt khẳng định cuộc chiến 30 năm tại VN không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Tất cả thảm cảnh mà mọi người muốn vượt qua và từ đó đã chấp nhận mọi hy sinh đau đớn đều còn nguyên vẹn . Cái giá phải trả quá kinh hoàng nhưng thành quả thu về chỉ là khoảng trống bao la. Khoảng trống này càng mở lớn hơn theo thời gian mà đời sống VN hiện nay là minh chứng.
Khi nhìn vào xã hội VN thập kỷ 1920 dưới chế độ Pháp thuộc, một văn hào Pháp – André Malraux – đã phải thốt lên là bất kỳ người VN nào có ý thức và lương tâm đều phải đứng lên chống lại bạo quyền.
Hiện nay, thực tế VN vẫn chất chứa những vấn đề của một trăm năm trước với mức độ tệ hại gấp bội. Sự đổi thay phải trả bằng cái giá kinh hoàng chỉ là đổi thay diện mạo kẻ nắm quyền thống trị. Thoái hoá, đói nghèo, bất công, áp chế vẫn ngự trị trong tình huống kéo dài cuộc chiến giành đoạt và củng cố quyền lực. Tiếng súng ngưng nổ năm 1975, nhưng cuộc chiến khởi nguồn từ thập kỷ 1920 chưa hề chấm dứt mà chỉ bước qua một giai đoạn mới trong đó kẻ thù được đặt tên là diễn biến hoà bình , là phản động , là vi phạm luật pháp , là chống phá chế độ … và người dân lại đứng trước đòi hỏi nhập cuộc để thẳng tay tận diệt.
Điều không thể phủ nhận là 30 năm khói lửa oan khiên 1945-1975 chính là cái Quả tất yếu của một Nghiệp Chướng mà hết thẩy nạn nhân đã tìm đến. Bởi, cuộc chiến dù được diễn tả bằng mục tiêu nào – kháng chiến chống xâm lăng hay tranh giành quyền lực – vẫn chỉ được nuôi dưỡng bằng con tim, khối óc và thân xác của chính người dân VN. Đây là điều kiện tối yếu để hình thành mọi trận tuyến, kiến tạo mọi sức mạnh và bảo đảm cho mọi mưu đồ. Bị cuốn hút bởi các chiêu bài để tự nguyện tham gia hay bị cưỡng chế phải cúi đầu tuân phục thì tất cả đều đã góp phần cho sự hình thành trận tuyến, đã vun bồi cho những mưu đồ và đã làm một công việc trớ trêu là nỗ lực huỷ hoại cuộc sống ước mơ của chính mình.
Những tấm gương hy sinh, những hành vi dũng cảm khó thể kể xiết suốt chiều dài cuộc chiến chính là những nhát búa giáng xuống đập tan mọi mưu cầu tốt lành vốn là động cơ thúc đẩy hình thành những tấm gương, những hành vi đó. Pierre Darcourt đã sững sờ trước nhận thức và thái độ bất chấp thực tế của dư luận về cuộc chiến, nhưng đáng sững sờ hơn chính là nhận thức và thái độ của hết thẩy nạn nhân đã có mặt trong lòng cuộc chiến.
Lời giải đáp mà Pierre Darcourt nêu ra là:
U tối hay xảo trá bất nhân? khi cố chối bỏ mọi sự thực hiển nhiên để tiếp tục biện minh và che đỡ cho tội ác – nhất là tội ác lại trút lên chính bản thân mình?Trả lời ra sao thì cũng không thể đặt mình ngoài vị thế duy nhất dành cho mọi người VN còn lương tâm và ý thức ở đầu thế kỷ 20 mà André Malraux đã nhắc.Bước đi tới vị thế đó dường như vẫn ngập ngừng và ngổn ngang chướng ngại dù con người bao giờ cũng ôm ấp các mơ ước tốt lành. Chướng ngại là vô vàn hiểm hoạ luôn hiển hiện, là trí óc chao đảo chưa hết ngờ vực… nhưng lớn hơn hết có lẽ là nỗi tiếc nuối những ảo ảnh ma mị đã tạo nên chính cái Nghiệp Chướng mà mình tìm tới. Đoạn tuyệt một quá khứ trong đó hình ảnh mình từng được điểm tô bằng các sắc màu chói lọi dù đượm đầy cay đắng vẫn có vẻ không dễ dàng, kế cả khi đã nhận thức rõ đó chỉ là đoạn đường ngập tràn tội ác.
Khi đả kích hướng thăng tiến lạnh lùng của chủ nghĩa tư bản, Karl Marx từng phát biểu: “Chỉ có loài thú mới xoay lưng trước những đau đớn của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của riêng mình”. Hồ Chí Minh vẫn suy tôn Karl Marx là thánh nhân, nhưng năm 1963, khi nói với Chu Ân Lai về cuộc chiến vừa phát động tại miền Nam đã khẳng định: “ Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm. Dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh”. Ba tháng sau đó, Hồ Chí Minh đã chỉ thị về phương cách tiến hành cuộc chiến tại miền Nam : “Ta vừa tiêu diệt, vừa tuyên truyền”.Và, đêm 26-1-1968, Hồ Chí Minh ngồi tại Bắc Kinh cùng bí thư Vũ Kỳ, khi nhận báo cáo từ Võ Nguyên Giáp cho biết đã đánh khắp miền Nam thì ánh mắt rực sáng niềm vui. (9)
Không kể những nạn nhân bị tàn sát tại Huế và khắp miền Nam, chỉ riêng số tử vong của miền Bắc theo Võ Nguyên Giáp là hơn 300 ngàn cán binh. Nhưng, trận đánh 1968 ngập ngụa máu xương và hủy hoại không biết bao nhiêu tổ ấm gia đình đã trở thành nguồn cảm hứng cho Hồ Chí Minh cầm bút làm thơ:
Đã lâu chưa làm bài thơ nào
Đến nay thử làm xem ra sao
Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy
Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.
Khó có đánh giá nào chính xác hơn phát biểu của Karl Marx về tính ác thú và cái giá tô điểm màu sắc rực rỡ của một bộ lông. Nhưng đã có bao nhiêu lời sám hối cất lên như Chế Lan Viên qua những câu thơ vào giờ giã biệt cuộc đời:Mậu Thân, hai ngàn người xuống đồng bằng Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi Ai trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó? Tôi? Một trong ba mươi người kia ở mặt trận trở về sau mười năm Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ ………………………………………….. Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm Mà tôi xấu hổ. ……………………………………………. Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ Có phải tôi viết đâu! Một nửa! ……………………………………………. Và thơ này rơi đến tay anh Anh bảo đấy là tôi? Không phải! Nhưng cũng chính là tôi: Người có lỗi! Mức oan khiên khắc nghiệt càng đau xót hơn khi chính các nạn nhân không hề biết mình đã hoá thân thành loài thú để tô điểm bộ lông bằng cách thản nhiên tàn sát đồng loại:Lúc 23 giờ khuya 28.4.75 tại Tân Sơn Nhất, một tiếng nổ lớn làm rung cả hầm trú ẩn của tôi. Cách đó chừng 50 thước, một trực thăng vận tải Chinook đầy binh sĩ bị cháy và đang rơi xuống đất. Rất nhiều mảnh kim khí đỏ như lửa bắn tung tóe khắp phi đạo và thây người vừa bị cháy vừa bị bắn tung khắp một vùng khét lẹt mùi xăng dầu và thịt người bị cháy. Từ xa, về hướng Đông, pháo binh vẫn nã vào Biên Hòa không dứt và đã biến vùng bị pháo kích thành một biển lửa vàng hực. Tôi biết những ngọn lửa trong đêm tối đó đã hủy hoại cả một thị trấn, những ngôi nhà sẽ sụp đổ sau nhiều loạt đạn pháo nối tiếp của cộng sản nghiền nát nhiều gia đình… Tôi nghĩ tới những tự vệ công giáo trẻ của Hố Nai, những thiếu niên 15, 16 tuổi chỉ với một khăn choàng cổ và hai quả lựu đạn vẫn đương đầu với các chiến xa cộng sản! Cùng lúc đó, dưới ánh sáng ở thánh đường, cha mẹ chúng quỳ gối cầu xin Chúa ban cho chúng đủ can đảm để không chùn bước trước cái chết… Khó có cảnh tuyệt vọng thương tâm nào lớn hơn cảnh cha mẹ quỳ gối nguyện cầu cho những đứa con chưa qua tuổi trẻ thơ đủ can đảm nhận cái chết để bày tỏ quyết tâm không cúi đầu trước uy lực của một tai ương.Nhưng, có khi nào những người vẫn bám giữ ánh hào quang vì nước vì dân đã nhìn lại thực tế bằng cái nhìn ngay thẳng và mối động tâm không thể thiếu của con tim chưa biến thành ác thú để tự hỏi về giá trị thực của những hành vi dũng cảm, những tấm gương hy sinh do chính mình từng thể hiện?Có khi nào những người từng lăn xả vào khó nguy để tàn sát chính đồng bào ruột thịt đã ý thức về mức độ huỷ hoại mà bản thân mình cũng phải nhận lãnh từ hành động của chính mình qua thực tế cuộc sống đang phơi bày?Có khi nào tất cả đã tự hỏi về phần trách nhiệm của bản thân trước những thảm cảnh – như Pierre Darcourt từng ghi lại:“Ngày 29-3-1975, tại Đà Nẵng, sáu trái hỏa tiễn rơi vào phi trường… Sự ra đi của những chiếc phi cơ cuối cùng đã tạo cảnh tượng hết sức kinh hoàng. Đám đông tị nạn ùa lại tranh nhau cố leo lên những chiếc phi cơ đã đầy ắp người. Một chiếc trực thăng cất cánh lắc lư làm rơi rụng mấy chùm người đang cố bám vào hai gọng sắt dưới lườn, giống như những con sâu nhỏ đeo vào một con bọ hung lớn. Họ rơi lả tả từ trên không, rớt xuống đất bẹp nát từng đống nhỏ không còn hình dạng con người, máu me be bét. Phụ nữ trẻ con gào khóc, van xin và cố trèo lên một chiếc khác cũng đã đầy cứng. Có những báng súng đập vào bàn tay và cánh tay của họ. Một số cố bám vào lườn một chiếc Boeing đang gầm rú để bốc lên khỏi đường bay. Khi đến Sài Gòn người ta tìm thấy tử thi bị xé nát của một người bị cuốn chặt vào hệ thống bánh xe hạ cánh của chiếc Boeing 707 nói trên”. Tất cả chỉ là thảm cảnh trốn chạy, nhưng có ai tự hỏi tại sao lại có sự trốn chạy để tìm một câu trả lời như người bạn của Pierre Darcourt:
“Tháng 3 năm nay (1975), khi nằm thoải mái trên ghế phô-tơi để xem truyền hình ở Ba Lê, cũng như tất cả người Pháp khác, tôi nghĩ người Việt Nam chạy trốn chiến tranh hoặc họ đã bị sự tuyên truyền chống cộng đầu độc. Thật sự tôi đã lầm! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người Việt Nam đã chạy trốn đầy đường. Không phải họ chỉ chạy trốn đạn pháo và các đơn vị cộng sản Bắc Việt. Thật sự họ chạy trốn bộ máy ở phía sau bộ đội cộng sản đó.” Vào thời điểm này đã có không thiếu bằng chứng hiển nhiên kéo dài nhiều năm tháng và trải khắp đất nước về mong muốn trốn chạy của người dân VN khỏi cái bộ máy đó. Nhưng,
“ Phải chăng chỉ là giấc mơ không thể thực hiện nổi?” – như mối băn khoăn đã có của Pierre Darcourt.
Câu trả lời chính xác cho thắc mắc này hoàn toàn thuộc về thực tế và thời gian.
Âm vang chủ yếu từ đoạn đường mà Pierre Darcourt ghi lại là đã có không ít sự việc chứng minh không thể có sự sống song hành hoà thuận giữa mọi con dân VN với bộ máy ở phía sau họng súng của người CS, vì bản chất ngược chiều với qui luật sống tự nhiên của bộ máy này.
Và, điều đáng trân trọng qua tác phẩm của Pierre Darcourt là tâm tư chia xẻ của tác giả với những thống khổ của đồng loại mà bất kỳ người VN nào cũng phải ao ước là sẽ hiện hình trong con tim của hết thẩy những người đang mang dòng máu VN.
Virginia 8-2007
Uyên Thao
_______________________Chú thích: (1) Est-ce un rêve impossible, enfin, que d'entrouvrir le rideau sanglant qui pèse sur cette terre torturée, pour essayer d'apercevoir ce que pourrait être un pays sans haine et sans guerre où des hommes d'une même race essaieraient de retrouver le chemin de bonheur. (2) Ngày 22-8-2007, khi nói chuyện với các cựu chiến binh ở Kansas, Missouri, tổng thống Bush khẳng định là nhìn lại cuộc rút chân của Mỹ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam không thể phủ nhận cái giá rất đắt mà hàng triệu người vô tội đã phải trả qua lời diễn giải: Sự khổ đau của họ đã sinh ra những từ ngữ mới trong ngôn từ chúng ta như “thuyền nhân”, “trại học tập cải tạo” và “những cánh đồng chém giết”. (3) Thành lập tháng 6-1969 theo sắp đặt của Bắc Việt và được Mỹ đồng ý để có thêm thành phần thứ tư tại hội nghị Ba Lê, một chính phủ không dân, không đất và chỉ thi hành chỉ thị của phái đoàn Bắc Việt tại Ba Lê. (4) Ngay thời gian đó đã có nhận định Việt Nam đang trở thành vùng đất tranh chấp của hai đối thủ mới là Nga Xô và Trung Quốc. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vì đã biết chắc Việt Nam sẽ bị Cộng Sản hoá và lúc đó đảng Cộng Sản Việt Nam đang ngả theo Nga Xô nên Trung Quốc chuẩn bị trước trận thế trên biển Đông để phòng ngừa đối phó với sự hiện diện của Nga Xô tại Việt Nam . Điều này cũng được kể là một trong số các lý do khiến Mỹ hoàn toàn im lặng trước sự việc vì đang thụ hưởng một “lợi tức” bất ngờ. (5) Tây Phương phẫn nộ về cuộc bắn giết Mỹ Lai và Hoa Kỳ đã truy tố trung úy Calley, kẻ ra lệnh nổ súng. Về tấm hình chụp viên tướng được coi như bằng chứng tàn ác của chế độ VNCH thì chính tác giả bức hình là nhiếp ảnh viên Adams đã nêu trên báo Times một câu hỏi với những người Mỹ kết tội viên tướng: “ … Hình ảnh chỉ là một nửa sự thật. Điều mà tấm ảnh đã không nói lên đư ợc là "Bạn sẽ làm gì nếu bạn là viên tướng vào gi ữa lúc đó, ở đúng cái nơi của một ngày h ực lửa mà bạn bắt được kẻ gọi là phá hoại ngay sau khi h ắn v ừa cho nổ tan xác một, hai hay ba ngư ời lính Mỹ?” – … They are only half-truths. What the photo-graph didn't say was, 'What would you do if you were the general at that time and place on that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away one, two or three American soldiers?'” (6) Chí sĩ Phan Bội Châu bị mật thám Pháp đón bắt ngày 15-6-1925 giữa cuộc du hành bí mật tại Thượng Hải. Năm 1928, Nam Đồng Thư Xã tại Hà Nội phát hành một tài liệu nêu rõ Lý Thụy và Lâm Đức Thụ đã báo cho mật thám Pháp về chuyến đi bí mật của cụ Phan để lãnh một khoản tiền rất lớn. Thuở đó Lý Thụy chỉ được biết đến như một nhân viên của tổ chức Viễn Đông Vụ thuộc Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản hoạt động tại Quảng Châu, vì mãi 15 năm sau Lý Thụy mới đổi tên thành Hồ Chí Minh để xuất hiện trước công chúng. Riêng việc Hồ Chí Minh lúc mang tên Nguyễn Ái Quốc cung cấp tài liệu cho mật thám Pháp khiến hàng trăm người yêu nước bị bắt ở cả trong nước lẫn tại Thái Lan, Trung Hoa thì chính Hà Huy Tập với tư cách tổng bí thư Cộng Đảng Đông Dương thuở đó đã ghi rõ chi tiết và còn ước định cả con số nạn nhân trong bản báo cáo gửi Đệ Tam Quốc Tế ngày 20-4-1935. (7) Ngày 17-6-1945, ngay tại Hà Nội, khi các đoàn thể tổ chức lễ tưởng niệm 13 liệt sĩ Yên Báy, cán bộ Cộng Sản đã kéo tới hành hung đập phá buổi lễ vì chủ trương chống đối các đoàn thể dân tộc đầu tranh trong đó có Việt Nam Quốc Dân Đảng. (8) Trong hồi ký, Võ Nguyên Giáp ghi l ạ i tại buổi họp Trung Ương Đảng ngày 3-3-1946, Hồ Chí Minh đã phân tích việc quân Pháp đổ bộ vào Bắc Việt sẽ giúp giải toả hậu thuẫn của các đoàn thể quốc gia là quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa đồng thời sẽ khiến không còn ai ưu tư về chủ nghĩa Cộng Sản vì bị đẩy tới thế trực diện đối đầu với Pháp. (9) Bài viết của Vũ Kỳ được đọc ngày 11-4-2001 tại trường Cán Bộ Giáo Dục Quản Lý Hà Nội. ***
Sơ lược tiểu sử Pierre Darcourt
Là một cây bút quen thuộc của các tờ báo nổi tiếng như L'Express, L'Aurore, Sud-Ouest, Jiji Press…, Pierre Darcourt cũng là một trong số những chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Á châu. Ông là người Pháp, sinh năm 1926 tại Sài Gòn và từng theo học tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội trước 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, Pierre Darcourt tham gia lực lượng du kích chống Nhật tại Đông Dương và sau đó gia nhập binh chủng Nhảy Dù Pháp.
Rời khỏi quân ngũ năm 1954, Pierre Darcourt bước vào nghề báo với tư cách phóng viên chiến trường và đã sống với cuộc chiến Việt Nam qua hầu khắp các mặt trận từ Quảng Trị, Khe Sanh, Kontum, Pleiku tới An Lộc. Năm 1975, ông là một trong số những phóng viên có mặt tại trận đánh Xuân Lộc cho tới ngày cuối cùng và chỉ rời khỏi Sài Gòn vào buổi trưa 29 tháng 4 năm 1975. Tác phẩm Vietnam, qu'as tu fait de tes fils? do Editions Albatros, Paris ấn hành lần đầu tháng 11 năm 1975 là tập hợp các ghi nhận về mọi diễn biến quân sự, chính trị cùng cảm nghĩ của tác giả vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam. Pierre Darcourt cũng là tác giả nhiều tác phẩm khác trong đó có một số tác phẩm về các nhân vật và biến cố tại Việt Nam trong thế kỷ trước như De Lattre au Vietnam, Une Année de Victoire và Bảy Viễn, le maître de Cholon…If ou le the reocities.com project you can donate bitcoins to: 1E8rQq9cmv95CrdrLmqaoD6TErUFKok3bF
Hồn Thiêng Sông Núi
Dương hiếu Nghĩa
Nhân đọc được sự tích của hai Ngài Lê văn Duyệt và Lê văn Khôi trong quyển "Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai" của anh bạn Nguyễn Lý Tưởng vừa gởi tặng (1/2004), tôi bỗng sực nhớ lại một "duyên kỳ ngộ" giữa cá nhân tôi và Ngài Tả Quân Lê văn Duyệt vào năm 1967 tại Châu Đốc. Đúng là một duyên kỳ ngộ, một chuyện không thể nào tin được mà là một chuyện hoàn toàn có thật, một cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa hai người bằng xương bằng thịt, giữa ông Tổng Trấn Gia Định Thành hồi thế kỷ thứ 19 (năm 1820 đời vua Gia Long) và ông Tư Lệnh Phó Lãnh Thổ của Sư Đoàn 9 Bộ Binh vào thế kỷ thứ 20 (năm 1967 thời đệ nhị Cộng Hòa của ông Nguyễn văn Thiệu).
Tôi xin viết lại một đoạn hồi ký sau đây, trích dẫn từ một số những dữ kiện mà tôi đã ghi lại được từ thời điểm năm 1967 cho đến những năm tháng kế tiếp, gọi là có liên quan trực tiếp tới cuộc đời binh nghiệp của tôi, cho đến ngày mất nước 30/4/1975 và những ngày tháng sau đó..... cả ở hải ngoại.
Một ngày cuối tháng 6 năm 1967:
Với tư cách là Tư Lệnh Phó Lãnh Thổ của sư đoàn 9 bộ binh / khu 41 Chiến Thuật, tôi đến Châu Đốc để thanh tra, một cuộc thanh tra định kỳ các đơn vị Địa phương quân trong Khu 41 và luôn tiện thanh tra luôn pháo đội 105 thuộc sư đoàn 9 đang được biệt phái cho tiểu khu Châu Đốc và đang đóng quân tại đó để yểm trợ cho tiểu khu ...
Sau khi thanh tra xong các đơn vị của tiểu khu trong suốt 3 ngày liền, tôi đến vị trí dã chiến của pháo đội ở Núi Sam vào một buổi chiều, sau khi dùng xong cơm trưa tại tỉnh.
Vào lúc 3 giờ chiều, lúc đang xem kho đạn của pháo đội thì tự nhiên tôi thấy quá sốt ruột, không biết có việc gì xảy ra và cũng không hiểu tại sao tôi lại nóng ruột muốn ra về ngay. Tôi nói với trung úy pháo đội trưởng là ngày mai tôi sẽ trở lại, và tôi lên xe trở về tỉnh ngay sau đó.
Thay bộ quân phục ra, tôi mặc một áo sơ mi trắng và mượn ông tỉnh trưởng chiếc "ho bo" và một chú tài xế, rồi ung dung bước xuống tàu bảo chú chạy dọc theo bờ sông phía Tân Châu đi ngược về hướng Bắc, mà không có một chủ đích nào đặc biệt hết.
Chạy được chừng 200 thước, tự nhiên chiếc "ho bo" chết máy. Chú tài xế cố giật máy năm bảy lần nhưng máy vẫn không nổ, chiếc "ho bo" lúc nầy chỉ cách bờ bên kia (đối diện với tỉnh) chừng 6, 7 thước.......
Bỗng có một giọng nói từ trên bờ nói vọng xuống:
"Thôi trung tá ơi, máy không nổ được đâu. trung tá ghé vào đây chơi giây lát, uống tách trà với chúng tôi đi, xong rôì hãy về, không sao đâu, còn sớm mà, chừng đó tôi bảo đảm với trung tá là máy khỏi cần sửa, giật là nổ ngay, không có sao hết."
Tôi giật mình tự nghĩ : mình không mặc quân phục, tại sao người ta lại gọi mình là trung tá ? Quen chăng ? Không . Nhất định là không rồi! Nhưng tại sao ?......
Dòm lên bờ tôi thấy môt người đàn ông còn trẻ, tuổi không ngoài 30, mặc bộ dồ bà ba trắng, tóc để dài xõa xuống tận vai, mới trông qua hình dung và tướng tá hao hao mường tượng như Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo vậy, gương mặt hiền hậu mà đôi mắt sáng quắt, lời nói nghe nhẹ nhàng nhưng sao mà như một cái lệnh cho mình vậy ?
Đang suy nghĩ miên man thì chiếc "ho bo" đã tấp vô cây cầu chùi lúc nào không hay. Tôi "riu ríu" bước lên cầu theo lời của người lạ mặt trên bờ :
- "Lên đây lên đây, vô nhà uống trà đi trung tá."
Lại một lần ngạc nhiên quá đỗi nữa, nhưng chưa kịp lên tiếng hỏi thì ông ta lại bảo:
-"Đừng thắc mắc tại sao Ta biết ông là trung tá. rồi sau nầy ông cũng sẽ biết tại sao. Với lại Ta không phải là Ông Huỳnh phú Sổ đâu nghe ! Vô nhà đi.....vô đây, vô đây."
Lạ quá, hình như ông nầy đọc được tư tưởng của mình vậy ! Mình vừa suy nghĩ chưa kịp nói ra, là ông ta lên tiếng liền gần như trả lời thẳng cho mình vậy.
Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác khi ông ngồi xuống ghế và chỉ chiếc ghế đối diện bên đây chiếc bàn dài cho tôi ngồi, và gọi người mang trà ra:
- " Tư ơi Tư, đem trà ra đây con !
Người mang bình trà ra là một ông già râu tóc bạc phơ, mà nhìn kỹ lại thì quá quen thuộc với tôi cách đây 13 năm. Đó là trung tá Trọng, một nhân sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, đã từng là Tiểu khu trưởng tiểu khu thuộc Phân Khu Vĩnh Long năm 1954, lúc tôi còn là trung úy Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 Thám Thính (thiết giáp) đóng tại Ngã Tư Long Hồ. (lúc đó còn người Pháp, thì tiểu khu được gọi là sous secteur, và Phân Khu là sub-division). Giờ nầy ông đã quá lớn tuổi, (tôi nghĩ cũng phải trên 80) râu bạc trắng dài xuống tới ngực, nhưng tại sao người kia lại gọi ông Trọng là "con" ? Vì so tuổi tác với nhau thì phải ngược lại mới đúng, và trông ông có vẻ khúm núm, khép nép, đặt bình trà lên bàn rồi cúi đầu xuống lùi ra, yên lặng đi xuống nhà dưới, làm tôi quá đỗi kinh ngạc và bỡ ngỡ đến nổi không kịp chào cấp chỉ huy lãnh thổ cũ của mình.
-"Nó là một trong hai người giúp việc ở đây cho tôi đó"
- "Dạ". Tôi lúc nầy chỉ biết có một tiếng "dạ" mà thôi ! Sau đó Ngài quay sang tôi nói :
- Ta cho gọi "con" từ Núi Sam đi về đây đó, rồi cho tàu của "con" tấp vô đây đó. Ta với con có chút duyên phận "Thầy Trò" .
Tôi vừa nghĩ không biết ông nầy là ai, thì Ngài nói tiếp:
- "Rồi đây cũng sẽ có một ngày nào đó thằng trung tá con sẽ biết Ta là ai, con đừng suy nghĩ mất công. Ta cũng ở Gia Định, gần nhà con đó, Đây, con uống với Ta tách trà nầy, coi như đánh dấu ngày hai Thầy trò ta hạnh ngộ !.
Tôi lật đật đứng dậy, xô ghế định bước ra ngoài để làm lễ "bái sư" cho đúng thủ tục, nhưng Ngài khoác tay ra dấu cho tôi ngồi xuống và nói ngay :
"Đừng có chi tiết ! Ta không chú trọng ở lễ nghi bề ngoài đâu, miểng là trong Tâm con lúc nào cũng có hình ảnh của Ta là được rồi, là quí rồi.
Thật đúng là ông nầy "đi guốc trong bụng" mình rồi, nhưng chắc chắn là ông đọc được dòng suy nghĩ của mình. Đang suy nghĩ miên man thì bỗng Ngài bảo :
- "Con đưa cho Ta xem ông Phật con đang đeo đó coi.
Tôi rất ngạc nhiên vì tượng Phật mà tôi đeo, đang nằm kín dưới hai lớp áo T-shirt và chiếc sơ mi của tôi khó ai mà có thể nhìn thấy được lắm. Tôi lật đật cởi dây đeo ra đưa hết ông Phật và cả dây đeo cho Ngài. Vị Phật nầy đã được một vị Sư già ở Cheng Mài (Thái Lan) cho tôi từ năm 1964, mà theo lời của vị Sư nầy thì đây là vị Thần hộ mạng của tôi, nên lúc nào tôi cũng đeo trong người, nhất là khi tôi đi hành quân... .
Ngài cầm ông Phật độ chừng môt phút, xong ông nói ngay:
-"Vị nầy cũng khá đó, hình như con thỉnh vị nầy ở Thái Lan phải không ? Cũng khá lắm nhưng chưa đi đến đâu, để ta thử cho con coi nghen.
Đoạn ông lên tiếng gọi :
- "Thằng Tư đâu? con ra đây ông nhờ chút coi con."
Ông Trung tá Trọng lại xuất hiện. Tôi cũng chưa kịp có thì giờ chào ông, vì ông đang đứng chờ lịnh, thì Ngài nói :
-"Con đeo ông Phật nầy vô..... Thằng Năm đâu con ? lấy cây dao dâu ra đây coi con."
Sau một tiếng "Dạ" lớn từ trong nhà, một ông già khác cũng râu tóc bạc phơ nữa, lại xuất hiện, tay cầm một cây dao dâu, một loại dao cán dài khoản trên 7 tấc với lưởi mỏng, dài chừng 5 tấc ngang chừng một tấc mà người dân quê thường dùng để xắc chuối cho heo ăn,
"Bây giờ thằng Năm, con chém thằng Tư năm dao cho Ta coi! Chém ngang lưng và chém thẳng tay cho thật mạnh nghen! Ta muốn thử ông Phật của thằng trung tá nầy coi có khá hay không vậy mà....
Ông già tên Năm làm đúng theo lệnh được truyền, chém ông Trọng năm phát thật mạnh vào lưng khoảng ngang lưng quần. Tôi cảm thấy rợn người! Trong lúc tất cả 3 người kia đều bình thản, người bị chém vẫn bình thản đứng yên cho người kia bình thản chém! Và người ra lệnh chém vẫn bình thản ngồi yên nhìn cảnh người chém người, mặt không một chút dao động! Chỉ có một mình tôi là vừa kinh sợ, vừa lo âu (nhỡ có việc gì thì sao ?) mà không nói được một lời nào !
- "Được rồi, thằng Tư, con đem cái lưng lại cho Ta xem. Ông Trọng lại bên bàn, xoay lưng lại cho Ngài vén áo lên xem. Ngài nói ngay:
- Cũng khá lắm, nhưng chưa hoàn toàn đúng như Ta đã thấy! Tuy lưỡi dao không cắt đứt được da thịt nhưng vẫn để lại dấu vết trên lưng! Vẫn còn mấy lằn đỏ ửng nằm vắt trên lưng rất rõ ràng. Thằng Tư con xoay lưng lại cho thằng trung tá coi xem có đúng như vậy không ?
Thật đúng như Ngài nói! Vẫn còn rõ mấy lằn dao đỏ ửng nằm vắt ngang trên lưng người bị chém!
- Thằng Tư con cởi ông Phật đưa lại cho Ta.
Ngài đưa tay trái ra cầm ông Phật và dùng ba ngón ta chà chà xát xát chừng một phút, xong lên tiếng gọi:
- Thằng Năm con lên đây coi, con đeo ông Phật nầy vô, rồi hãy để cho thằng Tư nó chém con lại năm dao, để con khỏi mang nợ nó sau nầy! Thằng Tư đâu, đem con dao dâu ra đây và con chém thằng Năm lại đủ năm dao! Cũng phải chém mạnh như nó đã chém con lúc nãy vậy nghen .Vậy là huề nghen, không đứa nào thiếu nợ đứa nào hết nghen!
Ông Trung tá Trọng từ trong nhà trong đi ra tay cầm con dao dâu dài, sắc bén lúc nãy! Và cảnh cũ lại tái diễn trước mặt tôi, chỉ cách có một thước ! Cũng vẫn không khí bình thản, người ra lệnh chém, người chém cũng như người bị chém, cả ba người đều không thay đổi nét mặt, thật khó mà có thể tin được!!!!
Lần nầy tôi được bớt sợ, bớt lo, và bình tĩnh quan sát kỹ hai ông già, nhất là người cầm dao chém. Có lẽ tôi bị lây cái trạng thái bình thản, nên tôi nhận thấy rất rõ cái "lực" của cây dao khi nó chạm vào người của ông Trọng. "bực, bực... bực...nghe rất rõ và rất mạnh, không có gì gọi là "diễn xuất" hết ! Và không có gì có thể gọi là "mà con mắt" của tôi được hết! Đúng vào lúc tôi có ý nghĩ như vậy thì Ngài lại ngó qua tôi và nói :
- "Nó chém thiệt chớ đâu có chém giả!! Thôi, đủ năm dao rồi, đưa lưng đây cho ta coi ......Được quá, thằng trung tá con xem nè, chém mạnh như vậy mà không có một vết tích nào của lằn dao trên lưng của thằng Năm. Như vậy đó mới được chớ !
Vừa nói ông vừa bảo ông Năm tháo ông Phật ra và trao lại cho tôi đeo. Bây giờ tôi mới khấp khởi mừng thầm, vì thấy cái "bùa hộ mạng" của mình đã hiệu nghiệm nhiều nhờ có sự giúp đỡ của Ngài. Tôi vừa đưa hai tay ra nhận lại ông Phật của mình vừa nói:
- Dạ cám ơn Ông.
- Thầy giúp cho trò mà cám ơn gì ! Sẵn đây Ta cũng nói cho con biết luôn để quên: sắp tới đây là con phải về nhận cái tỉnh Vĩnh Long đó nghen!
Ngừng chừng 2 phút, Ngài lại nói tiếp:
- " Cũng gặp nhiều khó khăn lắm đó.... giặc giã mà ! Nhưng không sao, để Ta bảo "thằng Giản" nó lo cho con.
Nghe tới đây tôi đâm hoảng thật sự. Không lẽ mình bị thương? Nên phải nhờ ông bác sĩ Giảng ? (tôi biết ông Bác sĩ Giảng là bác sĩ trưởng của bệnh viện tỉnh Vĩnh Long)
Nhưng vừa nghĩ quẩn như vậy thì Ngài nói ngay :
- Không, không ! không phải bác sĩ Giãng của bệnh viện Vĩnh Long đâu, mà là thằng Phan thanh Giản, đền thờ của nó là Văn Thánh Miếu ở quận Châu Thành Vĩnh Long đó!
- Dạ
À, thì ra là Ngài Phan Thanh Giản. Mà tại sao Ngài lại gọi là thằng? Chắc Ngài phải lớn hơn ngài Phan thanh Giản nhiều nên Ngài mới gọi bằng thằng một cách rất tự nhiên như vậy? Đang suy nghĩ như vậy thì Ngài nói:
- "Ta sẽ bảo nó giúp cho con, dĩ nhiên nó cũng phải lo cho dân chúng Vĩnh Long ! Thôi Thầy trò ta gặp nhau như vậy là quá đủ rồi, đừng nghĩ vẩn vơ gì nữa hết. Rồi một ngày nào đó con cũng së biết Ta là ai thôi! Bây giờ con về đi, cũng tối rồi. Máy "ho bo"đề là chạy rồi, không cần sửa gì hết. Thỉnh thoảng có rảnh thì con lên đây chơi với Ta, ăn cơm với Ta nghen, ăn mặn chớ không có ăn chay đâu mà lo. Ta ăn mặn chớ không có ăn chay" .
- Dạ, Thưa Ông con về.
Ngài đi với tôi ra đến bến nước, tôi bước xuống tàu rồi mà Ngài vẫn còn đứng đó. Tàu nổ máy chạy rồi, tôi nhìn lại mới thấy là trên bờ không còn có ai ..... Tôi định bụng lên tiếng chào ông Năm và ông Tư (cựu Trung tá Trọng) trước khi về, nhưng rồi hai ông cứ ở nhà sau nên rồi tôi cũng không gặp được .
Ngày 8 Tháng 10 năm 1967
Tôi lại có dịp lên Châu Đốc, tôi lại đến căn nhà hôm trước. Lần nầy Ngài đi vắng nhà 2 ngày rồi. Tôi vào nhà chỉ gặp ông Trọng và ông Năm. May quá, hôm nay tôi mới chào được người chỉ huy lãnh thổ cũ của tôi là Trung tá Trọng. Mừng rỡ với nhau một hồi. Ông còn nhớ tôi rất rõ và ông nói là trưa nay Ngài về, và ông Trọng được lệnh giữ tôi lại ăn cơm.
- Trưa nay Ngài về , và trước khi đi Ngài có dặn tôi là phải giữ anh lại ăn cơm với chúng tôi trưa nay.
- Nhưng Trung tá làm ơn cho tôi biết Ngài là ai vậy ?
- Có hai ông ở thường trực với xác của Ngài : ông "Đại Bạch Hổ" và ông "Tiểu Bạch Hổ" . Hễ ông "Đại" đi vân du thì ông "Tiểu" giữ xác, và hễ ông "Tiểu" đi thì ông "Đại" giữ xác. Hai ông không có ở trong xác Người cùng một lúc. Chúng tôi nghe tiếng nói thì biết là ông nào ngay. Người nói chuyện với anh hôm trước là "ông Đại Bạch Hổ".
- Nhưng ông "Đại" là ai? Và ông "Tiểu" là ai vậy Trung Tá ?
- Ngài đã căn dặn chúng tôi là chỉ cho anh biết bấy nhiêu thôi, đến một thời điểm nào đó thì tự nhiên anh nhận ra ngay! Chúng tôi không dám trái ý Ngài đâu anh Nghĩa ."
Vừa nói đến đây thì nghe có tiếng của Ngài ngoài cổng. Hai ông già im bặt ngay.
Tôi thấy rõ là Ngài cố ý về hơi trưa để cho tôi được tiếp xúc với Trung tá Trọng, cốt cho tôi một ít thời gian đủ để biết được bấy nhiêu thôi. Và thật tình tôi chỉ được cho biết có bấy nhiêu thôi. Có tính toán hết!
Ngài bước vào, tôi đứng dậy chấp tay lại vái chào Ngài. Ngài cười lớn và nói ngay:
- Hay lắm ! Hôm nay thằng trung tá con ở lại đây ăn cơm với Ta nghen, có canh chua cá bông lau, có cá bông lau chiên tươi..... đúng không thằng Tư ?
- Dạ thưa đúng vậy, thưa Ông, ông Trọng đáp nhanh.
- Dạ (tội nghiệp, tôi lúc nào cũng chỉ biết có chữ Dạ mà thôi )
- Con sắp phải đi xuống Vĩnh Long rồi đó nghen, con có vẻ lo lắng ? Đừng có lo, tuy có nguy hiểm đôi chút đó, nhưng con thì không sao cả. Và rồi sang năm mới thì hanh thông hết. Tất cả đều do định mệnh an bài hết. Con "phải nằm lòng câu nầy luôn" thì Tâm con mới an được. Nhớ nghen. Con đừng có lo chi cho mệt nghen.
Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện Ngài nói mấy tháng trước.
Ông Năm và ông Tư Trọng đã dọn cơm lên và theo lệnh Ngài, hai ông cùng lên ngồi ăn cơm với chúng tôi. Bữa cơm có canh chua cá bông lao và cá chiên tươi. Cũng như hai ông già, tôi ngồi ăn yên lặng không nói một lời nào. Vả lại có muốn nói cũng không biết nói gì !
- "Sao, ăn được không con ? Ngài lên tiếng.
- Dạ cá bông lau ươi ngon lắm
- Thỉnh thoảng con lên đây chơi, ăn cơm với Ta, thì có cá bông lau ăn hoài !
- Dạ ...
Ăn cơm xong, tôi xin phép ra về, Ngài còn dặn vói theo :
- Đừng có quá lo lắng nghen !
- Dạ..
Ngày 27 Tháng 12 / 1967
Vào khoảng 6 giờ chiều, lực lượng hành quân của tiểu khu Vĩnh Long trên đường về bị rơi vào ổ phục kích của Việt Cộng. Cả tiểu khu trưởng và tiểu khu phó đều bị thương. Cố vấn trưởng Mỹ thì tử thương ngay từ đầu. Từ Ngã Tư Long Hồ, trung đoàn 16 / thuộc sư đoàn 9 được lệnh tiếp viện ngay. Tôi và anh Trần Bá Di tham mưu trưởng sư đoàn đều phải thay phiên nhau bay lên tại chỗ, để điều khiển cuộc hành quân giải tỏa và tản thương.
Đến 12 giờ khuya trong lúc tôi đang bay thì được lệnh của Thiếu tướng sư đoàn trưởng/kiêm khu 41 Chiến Thuật : "đáp xuống sân bay và vào Vĩnh Long tạm thời thay thế đại tá Huỳnh Ngọc Diệp trong nhiệm vụ Tiểu khu Trưởng, tiểu khu Vĩnh Long ". Và khi tôi vào đến tiểu khu là đúng 2 giờ 30 sáng.
Như vậy là đúng như lời Ngài đã nói với tôi từ tháng 6 và lần chót nhất vào ngày 8 tháng 10 vừa qua ! Đúng là "định mệnh đã an bài" một câu mà Ngài bảo tôi phải luôn nằm lòng !
Tôi tạm thay thế bạn Diệp (trong tình trạng dưỡng thương) trong chức vụ "quyền tiểu khu trưởng Vĩnh Long" ngay từ lúc đó, cho đến ngày 28 tháng chạp năm Đinh Mùi... Tình hình trong tỉnh gần như đã được ổn định nên tôi xin sư đoàn cho tôi mấy ngày phép về ăn Tết với gia đình ở Gia Định.
Ngày mồng 1 Tết Mậu Thân 1968
Hai vợ chồng chúng tôi đi chùa Xá Lợi và Lăng Ông (Bà Chiểu) xong về đến nhà là vào khoảng 10 giờ đêm. Đại tá Tuấn ở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp gọi điện thoại nhắc tôi đêm nay nhớ lên nhà anh đánh mạc chược như đã hứa hôm qua .. Nhưng hôm nay không biết tại sao tôi lại từ chối hết sức tự nhiên, làm hai ông bà Tuấn cự nự quá.
Vào khoảng 2 giờ đêm đang ngủ mê man thì lại nghe điện thoại reo. Tôi lại tưởng đại tá Tuấn gọi nên không muốn nghe. Nhưng rồi điện thoại cứ reo mãi, vợ tôi nhấc lên nghe, xong gọi tôi :
- Chú Tám gọi (Chú Tám là Dương Bá Nhẫn, em ruột tôi, thượng sĩ truyền tin ở Bộ Chỉ huy Thiết Giáp).
- Anh Sáu hả ? Việt Cộng chiếm hết Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp rồi, tôi đang ở trên lô cốt sát đường, giáp với kho đạn gọi anh đây!
- Mầy nói chơi hay nói thiệt đó mậy ? Tết nhất đừng có đùa dai nghe !
- Trời ơi, tôi chạy trối chết mới thoát lên đây được và gọi cho anh đây! Chắc tụi nó đang lục soát trong đó, nên không thằng nào để ý tới lô cốt nầy đâu. Anh báo động cho các nơi giùm đi.
Tôi tỉnh ngủ hẳn, ngồi nghĩ xem coi phải làm sao đây!? Và lúc đó tôi mới nghe được tiếng súng nổ ròn tan ở một vài nơi xa xa... Tôi gọi quận Gò Vấp. Sĩ quan trực cho biết là có nhiều tiếng súng và lựu đạn nổ dữ dội ở Hạnh Thông Tây, ở hướng các Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Pháo Binh và Quân Cụ và ở hướng bệnh viện Cộng Hòa hay Tổng Tham Mưu gì đó.
Sáng mồng 2 Tết, vừa 6 giờ sáng, tôi lái xe lên Hạnh Thông Tây ....từ đó tôi bị kẹt luôn với chiến sự Tết Mậu Thân ở vùng nầy mãi đến ngày mồng 5, chiếm lại xong khu Hạnh Thông Tây tôi mới về nhà ngủ lấy sức lại. Vào được Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp ngay sáng mồng 3, tôi mới biết cả nhà đại tá Tuấn (2 vợ chồng và 3 đứa con) đều chết ngay tại hầm trú ẩn trong căn nhà ông đang ở, tại Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp! Và cả vợ chồng đại tá Huỳnh Nọc Diệp (Thiết Giáp), bà mẹ và 2 đứa con ông cũng đều bị bắn chết, ngay tại căn nhà trong trại gia binh Thiết Giáp . . Chừng đó tôi mới hú hồn, vì nếu đêm đó tôi lên chơi mạc chược với đại tá Tuấn, thì coi như cuộc đời binh nghiệp của tôi được chấm dứt sớm ở đây !
Ngày mồng 8 Tết Mậu Thân 1968
Sáng ngày mồng 8 Tết một chiếc M. 113 đến nhà đón tôi lên Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp. Ở đây tôi nhận được lệnh của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ "phải về gấp Vĩnh Long" vì ở Thủ Đô đã tạm yên rồi. Tôi phải qua trại Phi Long để đợi phương tiện bay về dưới. Trong khi chờ đợi tôi đến "Nhà Vĩnh Biệt" của Không Quân đốt nhang và lạy một hàng 5 chiếc quan tài của gia đình Đại tá Tuấn (do người em của anh Tuấn mang về tẩm liệm và sẽ chôn cất sau), trước khi lên một chiếc phi cơ vận tải vừa dứt nhiệm vụ "thả trái sáng" trong đêm.
Tôi là hành khách duy nhất và bất đắc dĩ của chiếc vận tải cơ C.47 nầy, trên đường về Miền Tây. Quan sát tình hình quốc lộ 4 tôi thấy từ Trung Lương xuống bến phà Mỹ Thuận có một số cầu bị sập, nhất là cầu An Hữu bị sập cả 2 nhịp, lưu thông bị bế tắc. Đến phi trường Vĩnh Long phi cơ không đáp xuống được, vì phi đạo và một số lô cốt và cơ sở đã bị địch chiếm. Phi cơ phải bay qua Cần Thơ. Ngay tại phi trường tôi gặp Thiếu tướng Trần Văn Minh tại Bộ chỉ huy Hành Quân, và ông cho trực thăng chỉ huy của ông đưa tôi về Vĩnh Long.
Đến địa phận Vĩnh Long, trực thăng liên lạc được với Tiểu Khu và trực thăng được lệnh đáp ngay bờ sông trước Tiểu khu (và phải bay lên ngay thật nhanh, vừa đủ thời gian cho tôi nhảy xuống khỏi trực thăng) vì khắp nơi đều có địch. Tôi vừa nhảy ra khỏi trực thăng là cúi xuống chạy thẳng một mạch vào ngay tiểu khu, dưới lằn đạn AK và súng máy từ trên lầu chuông của nhà thờ Nguyễn Trường Tộ bắn xuống, may mà không sao cả (cách tiểu khu chỉ có một con đường và một bức tường). Tôi gặp anh Trần Bá Di, Tham mưu trưởng Sư đoàn đang lo hành quân giải tỏa cho tỉnh Vĩnh Long. Anh đã xuống tiểu khu cả tuần lễ nay, khan cả tiếng, nói thều thào không ra tiếng nữa, xem chừng như anh đã quá mệt mỏi trong những ngày qua. Tôi sẽ thay thế anh để anh về nghỉ ngơi kể từ giờ nầy.
Tôi bắt đầu hành quân giải tỏa từ thành phố ra phi trường, và suốt gần 3 tháng, chiếm lại quận Chợ Lách và toàn bộ các xã đã mất trong Tết Mậu Thân, trừ xã Hựu Thành và Khu trù mật Cái Sơn đã mấy năm nay không vào được.
Bình tĩnh rồi tôi mới nhận thấy những lời mà Ngài đã nói với tôi trước đây về Ngài Phan thanh Giản đã ứng hiện quá rõ qua 2 sự việc sau đây :
1.- Ngay trước Tòa hành chánh tỉnh, trên con đường chính dẫn xuống chợ, có một tượng bán thân của Ngài Phan Thanh Giản bằng đồng (bộng ruột). Tôi đến tận nơi quan sát, thì thấy bức tượng lãnh một viên đạn suốt từ ngực ra đến sau lưng, và anh em Địa Phương Quân cho biết từ ngày mồng 2 Tết Mậu Thân đến nay Việt Cộng chỉ tiến đến ngang bệnh viện rồi ngừng tại đó, chớ không đột nhập bệnh viện, mà cũng không tiến đến Tòa hành chánh hay đến chợ được. Sau đó tôi đã đưa tượng bán thân của Ngài vào thờ ở Miểu Quốc Công ngay tại tỉnh lỵ.
2.- Suốt gần một tháng từ khi tôi về đến tiểu khu, gần như đêm nào Việt Cộng cũng có pháo kích vào chợ và vào dinh Tỉnh trưởng. Nhưng tất cả đều rơi và nổ trên sông, tuyệt đối không gây được một thiệt hại vật chất nào trên bờ hay trên phố chợ.
Lúc vui miệng, tôi có nói cho đại úy Quí thuộc Phòng 2 Sư đoàn 9 nghe về hai sự kiện nầy, kể cả những lời mà Ngài đã nói với tôi tại Châu Đốc. Ngờ đâu đại úy Quí cũng là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cũng đã gặp và biết Ngài (qua Trung tá Trọng), nên nhờ đó lần hồi tôi mới được đại úy Quí cho biết "Đại Bạch Hổ" chính là Ngài Tả Quân Lê văn Duyệt và "Tiểu Bạch Hổ" là Ngài Lê văn Khôi. (Thật đúng như lời Ngài đã nói với tôi : "đến một thời điểm nào đó thì tôi së nhận ra ngay" là "Ta cũng ở gần nhà con đó ")
Tháng 6 năm 1968
Tôi đang bay trên vùng Trà Ôn trong một cuộc hành quân, thì được Trung Tâm Hành Quân báo cáo :
- Có hai ông già đi trên một chiếc ghe "cà dom" ghé ngay cầu tàu của Tỉnh nói là đến thăm Đông Phương.
Tôi biết ngay là Ngài rồi, nên trả lời ngay :
- Đông Phương đây, cho người dẫn quý vị đó lên nằm nghỉ ở phòng Phật của tôi trên lầu, tôi sẽ về ngay.
Tôi bay về và lên gặp Ngài ngay. Thấy Ngài có vẻ vui, tôi vái chào Ngài và nói:
- Dạ, có gì mà Ông đến ngay đây vậy ?
- Không có gì đâu, tại hai thằng Tư và thằng Năm này. ,Ta đã nói ở đây yên rồi mà tụi nó không tin Ta, nhất là thằng Tư nó muốn xem lại bộ mặt tỉnh Vĩnh Long của nó sau biến cố Mậu Thân, nên sẵn ta đi chơi quanh đây, nên mới ghé lại cho tụi nó gặp con, và cho thằng Tư thăm Vĩnh Long luôn....
- Con đã đưa tượng bán thân của Ngài Phan Thanh Giản vào thờ ở Miểu Quốc Công rồi...
- Nó lãnh thế cho dân ở đây một viên đạn đó.
- Dạ thưa con biết .
Ngồi chơi một lúc, dùng cơm xong, Ngài từ giã tôi và xuống ghe ra đi, vào khoảng xế chiều.....
Rồi từ đó hằng năm lúc nào rảnh rỗi là tôi lên Châu Đốc thăm Ngài.
Tháng 5 năm 1972 Lần nầy, tôi muốn lên thăm Ngài trước khi tôi rời khỏi Tỉnh, về lại binh chủng Thiết Giáp.
- Thưa Ông (tôi bắt chước hai ông già gọi Ngài là Ông), con sắp rời khỏi tỉnh rồi, chắc tháng sau, sau khi Vĩnh Long làm lễ khánh thành "Tháp Xá Lợi Miền Tây". Con thấy dân chúng ở đây cũng có tâm đạo lắm, nên dù đi khỏi đây con cũng thấy mến họ lắm.
Ngài hiểu ý của tôi ngay, Ngài nói:
- Không sao đâu, đã có thằng Giản nó lo !
Ăn cơm xong với Ngài, lúc tôi sửa soạn ra về Ngài nói :
- Ta muốn con đem vợ con của con lên đây ở với Ta, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, không đói đâu. Còn con thì cứ phải ở lại Sài Gòn ...
- Mấy đứa con của con còn đi học, lên đây ở với Ông rồi làm sao tụi nó đi học được đây ?
- Sao lại không được ? Mấy đứa nó sẽ học hành tới nơi tới chốn hết, thành tài hết đó nghen !
- Dạ để về con tính lại...
Trên đường về tôi suy nghĩ hoài về những lời dạy của Ngài sau bữa cơm trưa. Tôi nghĩ quá gần: làm sao cho vợ con mình xuống Châu Đốc được, trong lúc mình đang về lại Sài Gòn? Nhà đâu mà ở, trường đâu mà học ? Thôi thì ta nghe vậy hay vậy, làm sao được ?
1974
Đến năm 1974 tôi lại bay xuống Châu Đốc và sang thăm Ngài. Lần nầy Ngài tỏ vẻ không bằng lòng:
- Ta đã bảo con đưa hết vợ con xuống đây, còn con thì phải ở lại Sài Gòn. Mà cho tới giờ nầy con còn chưa chịu nghe lời Ta."
Tôi chỉ còn nước dạ dạ mà thôi, không nói gì được hết...
Cơm nước xong tôi xin phép Ngài ra về, Ngài vẫn còn dặn vói thêm y như vậy một lần nữa.
1975
Rồi từ đó tôi không còn có dịp lên Châu Đốc nữa... và không còn được gặp Ngài nữa... Cho đến tháng 5 năm 1975, có lần lang thang đi ngang Lăng Ông Bà Chiểu, tôi bỗng giựt mình, sực nhớ tới lời của Ngài đã mấy lần căn dặn tôi : "con phải ở lại Sài Gòn, đưa vợ con về Châu Đốc ở ...." Như thế là Ngài dạy tôi quá rõ ràng mà tôi ngu quá không chịu hiểu: tức là "vợ con tôi phải rời khỏi Sài Gòn, còn tôi thì phải chịu ở lại Sài Gòn"! Đúng quá rồi ! Vợ con mình đã được đi qua Mỹ rồi, còn mình thì "bị Ngài bắt mình phải lái xe vào ngủ ngon lành ở Bộ Chỉ Huy Pháo Binh ngày 29 tháng 4" nên phải bị kẹt ở lại đây thôi! Đúng là "định mệnh đã được an bài" một câu mà Ngài vẫn bảo "mình phải nhớ nằm lòng" .
Từ hôm đó dù tôi có ý trách Ngài sao quá úp mở kín đáo, nhưng tôi đã có phần nào "an Tâm" vì đã "an phận" rồi , không còn lo lắng gì về tương lai của mình nữa ! Số mạng đã được an bài !
Tháng 8 năm 1987
Khi được ra khỏi nhà tù cộng sản (8/1987), tôi lật đật lên ngay Châu Đốc để tìm lại Ngài. Nhưng vô ích, vì không còn một chút dấu vết nào của căn nhà bên kia sông nữa ! Tôi lên núi Thất Sơn, được một người đang ở ngay nền chùa Cao Đài cũ trên núi, cho người đưa tôi lên lễ "Vồ Chư Thần" ở trên Núi ông Cấm ... Dịp nầy tôi có làm lễ tạ ơn chư Thần, và âm thầm tạ ơn Ngài nữa .
Về đến Sài Gòn, tôi đến Lăng Ông Bà Chiểu đảnh lễ Ngài trong đền thờ xong, tôi ra lễ ở Mộ Ngài. Chừng đó tôi mới vỡ lẽ ra, vì thấy được hai con Cọp bằng xi măng sơn trắng nằm hai bê Mộ! Có lẽ vì thế mà Ngài dùng danh hiệu "Đại Bạch Hổ", và "Tiểu Bạch Hổ" là danh xưng của Ngài Lê văn Khôi .
1998
Tôi xin kết thúc câu chuyện có vẻ "hoang đường" nầy bằng một đoạn còn "rất hoang đường" hơn nữa, để xin cầu nguyện Hồn Thiêng Sông Núi sớm giúp cho dân tộc Việt Nam vĩnh viễn dứt hết nghiệp đọa đày và chóng thoát khỏi ách độc tài cộng sản ...
Cho đến ngày tôi rời khỏi Việt Nam (5/1992) tôi không còn đến viếng Lăng Ông của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt được nữa. Nhưng Ngài cũng vẫn còn gián tiếp cho tôi biết là Ngài vẫn còn giúp đệ tử của Ngài.....
Số là qua đến Hoa Kỳ từ năm 1994, tôi vẫn cho người về Việt Nam để giúp tôi vài công việc. Người nầy đến năm 1998 mới cho tôi biết là
"anh ta được sai đi làm những công tác liên quan đến Tâm Linh và Đạo Giáo" bằng những mệnh lệnh được "
truyền âm trực tiếp vào tai anh, những mệnh lệnh tuy ngắn gọn nhưng rất rõ ràng". Lệnh được truyền vào tai anh, ấn định từ ngày rời khỏi Hoa Kỳ đến từng chặng lộ trình từ Sài Gòn, phải đi khắp các nẻo đường của đất nước, ngày nào phải đi đâu, ngừng xe ở đâu và làm gì .. v.v.. cho tới ngày rời Việt Nam về lại Hoa Kỳ .
Công tác hoàn tất vào cuối năm 1998 và câu nói truyền âm mà anh ta được nghe lần cuối cùng trước khi về Mỹ là :
- "Về báo cho thằng S. là bàn cờ đã gài xong, sắp đến hồi kết thúc, chỉ chờ nước chiếu bí nữa mà thôi". Anh bạn tôi cũng lắc léo hỏi lại
- "Thằng S là ai ?"
thì được một câu trả lời nhẹ nhàng nhưng âm thanh nghe muốn bể cả lỗ tai :
- "Là cái thằng đã sai mầy đi về Việt Nam đó !"
Con xin cúi đầu đảnh lễ Thầy và xin kính cẩn tạ ơn Thầy....
Anh bạn nói trên của tôi hiện đang ở một thành phố lớn ở Hoa Kỳ và hai vợ chồng anh ta đã ăn chay trường từ mấy năm nay. Và trong nhà anh, ngoài bàn thờ Phật Thích Ca ra, anh còn dành một phòng riêng rất tôn nghiêm thờ các vị "cựu thần" như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, các Ngài Tả Quân Lê văn Duyệt, Phan Thanh Giản , Nguyễn Trung Trực .." hương đăng trà quả, cúng lạy mỗi đêm... đề cầu nguyện cho Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam sớm được hưởng cảnh thanh bình trong Tự Do và Dân Chủ thật sự .
Washington ngày rằm tháng giêng năm Giáp Thân.
Dương Hiếu Nghĩa
Ôn Cố Tri Tân
Dương Hiếu Nghĩa
Sau ngày quốc hận 30/4/1975, có một số anh chị em quân dân cán chánh, tuy may mắn được di tản ra nước ngoài, nhưng không có dịp "may" chứng kiến tận mắt được những hành động ngu xuẩn, tàn ác đến man rợ của những người tự xưng là "giải phóng cho đồng bào miền Nam", của những người cộng sản Việt Nam từ miền Bắc vào, của những người gọi là cùng một dòng máu Lạc Hồng, những người Việt Nam tự hào được mang dép râu đội nón cối!
Có thể nói đây là một trang sử bi thảm nhất của người dân Miền Nam Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Những đồng bào được may mắn rời khỏi Việt Nam trước tháng 4/1975, và những em cháu thuộc những gia đình nầy (những con em của tất cả người Việt Nam được chào đời trên các nưóc phương Tây tự do) không bao giờ hình dung được cái ngày lịch sử đen tối nầy, vì cộng sản Việt Nam đã cố tình sửa lịch sử, ngay từ đầu chiến dịch tiến chiếm Miền Nam. Đến giờ nầy, có người trong chúng ta không muốn tin chuyện này. Do đó, chúng tôi muốn kể lại những gì đã xảy ra tại Sài Gòn và những vùng phụ cận trong những ngày trước và sau 30/4/1975. Những chuyện này là những điều mắt thấy tai nghe..., để tạm gọi là "ôn cố". Đồng thời, chúng tôi cũng kèm theo vài mẩu chuyện nho nhỏ trong hiện tại, tạm gọi là "tri tân", để cùng những anh em bạn già sống tha phương cầu thực chúng mình trao đổi nhận định, và để các thế hệ con cháu chúng mình có thêm dữ kiện chính xác về bản chất của chánh sách và của con người cộng sản Việt Nam.
Chúng ta gọi ngày 30/4 là "ngày quốc hận" vì nước Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta bị xóa tên khỏi bản đồ của thế giới từ ngày 30/4/1975, vì cộng sản Bắc Việt đã xé bỏ Hiệp Định Balê 1973 mà chúng đã vừa long trọng ký kết, lại vừa xua quân công khai tiến chiếm Miền Nam Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngày mất nước, khách quan, chủ quan, xa, gần v.v.. chúng tôi không muốn bàn thêm ở đây, vì trong hơn 20 năm qua đã có rất nhiều sách báo, hồi ký, Việt có, Mỹ có, Pháp có, tất cả đều có phân tách rất rõ ràng rồi. Chúng tôi chỉ muốn trước hết kể lại một số chuyện thật, vui buồn lẫn lộn, có liên quan đến ngày quốc hận nầy, để gọi là đóng góp thêm một ít tài liệu vào trang lịch sử đau thương của Đất Nước
Tinh Thần Bất Khuất và Tính Liêm Sỉ của Những Người
Bị Bắt Buộc Phải Ngừng Chiến Đấu, Đầu Hàng Kẻ Địch
Ngày 28/4/75, toàn bộ phi trường quân sự Biên Hòa di tản về Tân sơn Nhứt . Từ 10 giờ đêm cộng sản pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhứt và những vùng phụ cận. Chúng pháo kích bằng hỏa tiển và đạn pháo 130 ly cho đến sáng, gây rất nhiều thiệt hại không những cho các đơn vị không quân, mà cho cả dân chúng vùng phụ cận (nhất là vùng Lăng Cha Cả và Trương minh Ký) cũng bị thiệt hại lây về nhân mạng cũng như vật chất.
Ngày 29/4 lúc 9 giờ sáng, Ông Dương Văn Minh với tư cách là Tổng Thống VNCH (mới được 2 ngày) đã gởi một phái đoàn vào gặp phái đoàn VC tại trại Davis (Tân sơn Nhất). Phái đoàn gồm có Luật sư Nguyễn Văn Huyền (Nghị sĩ, Phó Tổng thống của Dương Văn Minh), Vũ văn Mẫu (Thủ Tướng của Dương văn Minh) và chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh (Quyền Tham mưu trưởng QLVNCH từ 29/4/75, sau nầy được biết là đã làm tay sai cho VC từ đầu thập niên 70 và từ đó đã trở thành một VC nằm vùng). Không biết họ đã bí mật thỏa hiệp được với VC những điều gì, đã rời trại Davis khoảng 10 giờ. Ông họp Hội Đồng Chánh Phủ sau đó và cho biết là địch (MTGPMN) đã bác bỏ đề nghị của ông (hai Bên bàn thảo để giãi quyết vấn đề nội bộ của nhau, về một giải pháp chánh trị cho Miền Nam Việt Nam). Ông tuyên bố là chỉ còn một cách duy nhất là đầu hàng địch mà thôi, và đến 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 thì tướng Minh đọc lời tuyên bố "đầu hàng vô điều kiện" và tiếp theo đó tướng Hạnh nhân danh QuyềnTổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH kêu gọi quân nhân các cấp "hạ súng xuống, ngưng chiến đấu".
Và sau đây là một vài sự việc đã được ghi nhận sau lời tuyên bố của hai ông tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Hữu Hạnh:
- Quá 1 giờ trưa, chúng tôi còn thấy một số anh em thuộc "biệt kích 81 dù" đã bắn hạ một loạt hơn 13 chiến xa T.54 Bắc Việt nằm ngổn ngang trên đường từ Lăng Cha Cả Phú Nhuận, dài lên hướng Củ Chi (hạ một cách dễ dàng) trên đường về trại Hoàng Hoa Thám gần đó, trong lúc đài phát thanh Saigon và đài phát thanh quân đội vẫn lải nhải lập đi lập lại những lời tuyên bố "đầu hàng" của hai ông tướng Minh, Hạnh...
- Từ 12 giờ trưa, các con đường chung quanh sân bay Tân sơn Nhứt và vùng phụ cận vắng lặng như tờ, chỉ có tiếng rốc kết và đạn pháo thỉnh thoảng xégió bay ngang qua nghe rợn người. Không một chiếc xe, không một bóng người, chỉ có xác chết nằm rải rác trên đường và trên vỉa hè, không có một phi cơ nào lên xuống phi đạo.
- Khắp các nẽo đường Saigon Chợ Lớn Gia Định có không biết bao nhiêu súng ống đạn dược đủ cỡ, đủ loại, quân phục đủ màu đủ sắc của đủ mọi quân binh chủng được vứt bỏ ngổn ngang khắp các vỉa hè, thùng rác... vì chỉ có cách nầy họ mới ngừng chiến đấu được ..... và các quân nhân chạy lông nhông đầy đường, có lẽ không nhà quen không thân nhân ở đô thành. Hầu hết đều chỉ có một chiếc quần cụt hay một xì líp che thân, miệng chửi thề tục tĩu vang trời không biết để hoan hô kẻ chiến thắng, hay để chửi người chủ bại đầu hàng địch. Cho đến chiều tối thì Đô Thành mới có vẻ yên tịnh trở lại.
Dân chúng sau những giờ phút ngỡ ngàng rút vô nhà đóng cửạ Ngoài đuờng chỉ có bọn vô gia cư tiếp tục như hai ngày 28 và 29/4, đi lục lạo cướp giật, hôi của, từ các nhà ở hoặc cư xá Mỹ. Dần dần bọn cướp cũng đến các nhà những người bỏ nhà đi lánh nạn.
Cũng như những ngày trước đó, suốt ngày 30/4 người ta tấp nập chen chúc nhau tìm đường rời bỏ quê hương, nhất là sau lời tuyên bố của hai tướng Minh, Hạnh.... từ Giang Cảng Mới trên xa lộ Biên Hòa (new Port) đến Bến Bạch Đằng và dọc theo các bến tàu Tân Thuận, nơi có nhiều phương tiện tàu thuyền, nhất là Hải Quân Việt Nam, đang tìm cách đưa hết chiến cụ ra khơi, vừa giúp di tản cho đủ mọi thành phần quân dân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa, vừa không để một chiếc tàu nào lọt vào tay cộng sản. Trong lúc đó, trên đường bộ từ Bình Đông Chợ Lớn đến Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, giòng người đông đảo gồng gánh ẵm bồng, tay xách nách mang.... liên tục tuôn đi như dòng nước lũ, bằng đủ mọi phương tiện, (kể cả đi bộ), tìm cách đến vùng ven biển Gò Công để kiếm phương tiện ra khơi... mong còn gặp được hạm đội 7 của Hoa Kỳ, tìm tự do.
Các phi công thì tìm mọi cách đưa phi cơ đủ loại của đơn vị ra khỏi Việt Nam, vừa tự mình và gia đình thoát khỏi bàn tay CSVN, vừa không để cho CSVN chiếm đoạt được chiến cụ của Không Lực VNCH. Họ qua Thái Lan, Hongkong, Đài Loan, Đại Hàn v.v.. ngắn nhất cũng là Phú Quốc hoặc ra hàng không mẫu hạm của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, ở ngoài khơi biển Đông... Có nhiều người không đủ nhiên liệu phải hy sinh dọc đường, nhưng cũng nhờ đó CS không thu được bao nhiêu chiến lợi phẩm của Không Quân. (Chiếc Boeing duy nhất của Hàng Không Dân Sự VN cũng được Đ/T Huỳnh hữu Hiền mang đi tạm giao lại cho chánh quyền Hong Kong ngày 30/4, quyết không để bọn CS chiếm hữu).
Nếu ngày xưa Đất Nước ta đã có Ngài Phan Thanh Giản tuẩn tiết vì không giữ nổi Nam Kỳ Lục Tỉnh, thì ngày 30/4/1975 không phải chỉ có một người mà có rất nhiều người đã theo gương "bất khuất và liêm sỉ" của Ngài, thà tuẩn tiết chớ không chịu nhục với kẻ thù, để tạ lỗi với quốc dân đồng bào!!! Đó là các Tướng Nguyễn khoa Nam, Tướng Lê văn Hưng (Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó Vùng 4 Chiến Thuật), Tướng Phạm văn Phú (Tư Lệnh Vùng 2), Tướng Trần văn Hai (Tư Lệnh Sư Doàn 7 Bộ Binh), Tướng Lê nguyên Vỹ (Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh),...
Ngoài ra còn có không ít sĩ quan Quân Lực và Cảnh Sát đã tự sát hoặc cùng gia đình đã tự tử tập thể... không thua gì các tướng tá của quân đội Nhật Bản đã tự mổ bụng để tạ lỗi cùng Tổ Quốc và dân tộc khi Nhật phải chịu gác kiếm đầu hàng năm 1945 vậy... (Các ký giả người Pháp đã chứng kiến ngay tại Sài Gòn rất nhiều vụ tự sát của sĩ quan và cảnh sát VNCH nên đã mô tả đây là một "dịch tự tử" tại Miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975", đặc biệt có trường hợp tự thiêu của một trung tá ngay tại tượng đài chiến sĩ trước quốc hội mà bộ đội Bắc Việt ngăn cản không cho một ai đến gần kể cả ký giả ngoại quốc. Nhưng mỉa may thay, theo như những ký giả nầy mô tả thì "bô đội" không chịu ngăn cản người tự thiêu).
Chánh sách Chiến Lợi Phẩm, Cướp vàVơ Vét Trắng Trợn
Sau khi tiến chiếm được Miền Nam Việt Nam, việc đầu tiên của chánh phủ Bắc Việt (VNDCCH) là "thu chiến lợi phẩm". Đối với Miền Bắc, Miền Nam là thù địch. Do đó, tất cả những "tài sản, tài nguyên, phương tiện sản xuất, công (quốc gia) hay tư (cá nhơn) thuộc Mỹ Ngụy (cả ngụy quân và ngụy quyền) đều được cộng sản liệt vào thành phần chiến lợi phẩm", bên cạnh những quân cụ, quân trang quân dụng của QLVNCH. Đó là chánh sách .
1. Hơn Hai Mươi (20) tấn vàng
Căn cứ theo chánh sách nói trên, ngay chiều ngày 30/4/1975, "Ông tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo" đã phải trao 3 chìa khóa hầm vàng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam cho đại diện Bắc Việt, để ngay tối đêm đó họ chở trên 20 tấn vàng về Bắc (chiến lợi phẩm!).
- Ông Hảo đã có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/75với tướng Dương văn Minh, ccùng với nội các của ông Vũ văn Mẫu và một số nhân sự phản chiến tự xung thuộc thành phần thứ ba (như Dương văn Ba, Hồ ngọc Cứ, Võ long Triều, Nguyễn văn Binh, v.v...). Khi bộ đội miền Bắc vào đến dinh Độc Lập thì ông Hảo đã nói một câu "bất hảo" bất hủ với một sĩ quan chỉ huy Bắc Việt rằng: "Tôi đã ở đây để chờ quí vị, để trao cho quí vị một món quà, đó là trên 20 tấn vàng (vàng bảo chứng thuộc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam)." Vị sĩ quan đó đáp ngay tức khắc: "Đó chẳng phải là quà gì cả, xin lỗi ông, đó là chiến lợi phẩm mà chúng tôi phải tịch thu, ông hãy đưa chúng tôi đi thu ngay đi!." Những câu đối đáp nầy đã đi vào lịch sử, cho cá nhơn ông Hảo và cái gọi là "Chánh Phủ VN Dân chủ Cộng hòa"! Cũng nên biết Hảo là đương kim Tổng trưởng Tài Chánh của chánh phủ VNCH.
- Nhưng sau đó, trong bài diễn văn đọc nhơn ngày quốc tế lao động, Tướng Trần Văn Trà đã cho quốc dân đồng bào biết là (nguyên văn): "số vàng trên 20 tấn đã được Thiệu mang đi lúc chạy ra nước ngoài rồi". (điều nầy về sau được biết trong một phiên họp của Bộ Chánh Trị đảng CSVN vào cuối thập niên 80, Trường Chinh đã thú nhận là số vàng nầy "đã manh múng tiêu pha hết rồi", Bùi Tín cũng xác nhận điều nầy).
2.- Hàng Tiêu Dùng, Máy Móc và Nguyên Vật Liệu Công Nông, Ngư Nghiệp
Từ sau ngày 30/4 suốt cho đến gần 3 tháng sau, hằng ngày đã có trên 300 xe vận tải liên tục chở chiến lợi phẩm về Hà Nội. Họ đã dùng xe vận tải Molotova, xe GMC tịch thu từ các đơn vị của QLVNCH, và xe vận tải trưng dụng của tư nhơn người Hoa để chuyên chở đủ mọi loại chiến lợi phẩm sau đây về Bắc Việt:
- Gạo (thuộc các kho dự trữ an toàn)
- Tất cả các tiện nghi văn phòng đủ loại của các cơ quan quân sự và hành chánh vừa tiếp thu
- Y dược và dụng cụ y khoa lấy hết từ các kho quân y dược trung ương Phú Thọ, và từ các bệnh viện quân dân, công tư, ở Saigon, Gia Định và Chợ Lớn
- Các tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy may đủ kiểu, và các loại tiện nghi dụng cụ về điện
- Máy truyền hình, máy thu thanh và các loại tiện nghi khác thuộc loại âm thanh
- Xe đạp đủ kiểu đủ cỡ, xe mô tô (honda, suzuki v.v.v.) kể cả còn trong thùng.
- Salon, bàn ghế đủ cỡ, đủ loại
- Các loại dụng cụ cơ giới Nông Lâm Ngư Nghiệp (máy cày, máy xới, máy đuôi tôm .v.v...)
- Và đặc biệt nhất là toàn bộ máy kéo chỉ, máy dệt, nhuộm,v.v... tháo gở từ các nhà máy dệt Vimitex, Vinatexco,v.v...
Tại sao chúng tôi nói là đặc biệt? Vì lẽ ra nếu nghĩ đến "sự ấm no của bà con cô bác đồng bào ruột thịt miền Nam" như họ đã nói, thì tại sao Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Bắc Việt không để các nhà máy dệt được tiếp tục hoạt động, sản xuất hàng vải cho dân chúng Việt Nam xài (cả hai miền Nam Bắc)? Hậu quả là từ 30/4/75 cho đến ít nhất năm 1980 người dân mỗi người không có quá 1 bộ đồ bà ba để mặc! Ngoài ra theo các tài xế vận tải QLVNCH kể lại thì trên đường về Hà Nội, họ có lén vứt đi một vài bộ phận quan trọng (phá hoại) nên toàn bộ máy móc không sao ráp lại thành xưởng dệt được cả. Sau này, khi bị tù và bị đưa ra miền Bắc, chúng tôi mới biết rõ, đó là sự thật 100%. Xưởng dệt Nam Định lớn nhất miền Bắc chỉ sản xuất được khoản 300 ngàn mét/tháng, không bao giờ đủ cung ứng cho dân chúng miền Bắc rồị Trong lúc chỉ riêng Vimitex đã sản xuất hơn 3 triệu mét/ tháng. Cho nên khi đã tháo các xưởng dệt của miền Nam đem về Miền Bắc ráp lại không được rồi thìlàm sao có đủ vải cung ứng cho cả dân chúng hai miền Nam Bắc?
Ôi, chiến lợi phẩm chỉ là một đống sắt vụn trong kho ở Nam Định mà thôi! Trong lúc đó, dân chúng thì rách rưới, chỉ có quyền mặc áo ngắn khi ra đường vì thiếu vải! Chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việtnam không còn thấy xuất hiện ở miền Nam Việt Nam nữa (vì không có vải mà cũng vì có lệnh cấm ăn mặc xa hoa). Áo dài chỉ mới được phép sử dụng từ năm 1987.
3. Gia Cư và Gia Sản, Tài Sản Của Quân Cán Chính VNCH
Hầu hết gia đình anh chị em quân cán chánh VNCH đều là nạn nhân đau khổ của chánh sách "chiến lợi phẩm" nói trên. Đúng với chánh sách nầy, thì tất cả mọi thứ, từ nhà cửa (đang ở, dù tự xây cất, mua, hay mướn), ruộng vườn, xe cộ, gà vịt heo chó... cho đến mọi thứ dụng cụ đồ đạt trong nhà, từ cái mùng cái mền cái gối, cái bô, cái bốc, thượng vàng hạ cám... đều là chiến lợi phẩm. Vì một lẽ rất giản dị là tất cả đều "do tiền của đế quốc Mỹ Ngụy mua sắm cho" (nguyên văn), cho nên không có món gì là gia sản của cá nhơn người nào cả. Thật là gọn.
Tại Saigon, nơi có mặt của vài ký giả ngoại quốc thì việc tịch thu nhà cửa còn hơi nhẹ tay, vì họ còn dè dặt chút dư luận quốc tế. Họ chỉ làm mạnh tay từ sau ngày 15/6/75 là ngày cả triệu quân cán chánh đi vào nhà tù cải tạo. Tuy vậy cũng có một vài gia đình lẻ tẻ chống lại lịnh tịch thu, thì ban quân quản lại có chánh sách khác.
Còn ở các tỉnh thì họ thẳng tay. Tất cả gia đình thuộc diện quân cán chánh VNCH đều bị đuổi ra khỏi nhà đang ở, ra mình không, không được mang theo bất cứ món gì, dù là một cái mền để cho trẻ con cần đắp! Họ không cần biết gia đình bị tịch thu nhà sẽ phải đi đâu, ở đâu, ăn uống ngủ nghỉ ra làm sao? Không thể kêu ca vào đâu dưới họng súng AK lăm le sẵn sàng nhả đạn. Thật là hết sức nhân đạo! Thật là hết sức chiếu cố cho "bà con cô bác đồng bào ruột thịt miền Nam đang sống cơ hàn đói rách dưới sự kềm kẹp của đế quốc Mỹ Ngụy" như Bác và Đảng đã nói! Còn rất nhiều loại chiến lợi phẩm lặt vặt khác nữa, nhưng chúng tôi chỉ nêu lên đây vài loại chiến lợi phẩm điển hình thuộc loại công nghiệp và cá nhơn mà thôi.
Đến giai đoạn "đánh tư sản" kế tiếp, CSVN mới thật sự vơ vét thêm đủ loại chiến lợi phẩm khác nữa, của tư nhơn, mà chủ yếu là vàng và gia sản cơ nghiệp của người dân thường có cửa hàng mua bán để sống ở chung quanh các phố chợ lớn nhỏ khắp Miền Nam Việt Nam, nhất là của người Hoa. Lý do cũng rất đơn giản: có cửa hàng tư mua bán là có hợp tác với Mỹ Ngụy, là có bóc lột nhân dân rồi! Tài sản phải bị tịch thu (nhân dân tịch thu!) và gia chủ thì phải được đưa đi cải tạo, hoặc đưa về những vùng kinh tế mới ở các tỉnh khác. Đó là chánh sách! Một gia đình ở quận 11, gần nhà tôi đang trú ngụ, nửa đêm 1 giờ khuya, bị gọi dậy và lùa đi lên xe Molotova bít bùng, (hai vợ chồng và 4 con, 3 cháu), không được đem theo một món gì, dù đó chỉ là một cái mền cho cháu nhỏ, bị chở đi về hướng tỉnh Rạch Giá, cùng với hơn 10 gia đình khác cùng quận.
Đến xã Mông Thọ gần Ngã ba Rạch Sỏi, cách tỉnh lỵ hơn 16 cây số ngàn, vào lúc hơn 4 giờ chiều, xe ngừng lại và cả đoàn người phải xuống xe hết để xe còn trở về Saigon, và đoàn người nầy phải chịu cảnh màn trời chiếu đất cạnh quốc lộ như vậy, không cơm không nước uống cho đến ngày hôm sau mới được xã Mông Thọ lùa vào một vùng đất hoang phía Bắc xã Mông Thọ, được gọi là Khu Kinh Tế Mới cách quốc lộ gần 10 cây số lội ruộng, để rồi sống sao thì sống, vì bị ghép vào tội tư sản mại bản, hợp tác với Mỹ Ngụy. Dĩ nhiên tài sản của họ sẽ "được nhân dân quản lý".
4. Hai chữ Nhân Đạo
Tổng Y Viện Cộng Hòa tại Hạnh Thông Tây (Gò vấp) là một trong những bệnh viện thuộc QLVNCH được cộng Sản Miền Bắc liệt vào hàng "Chiến lợi phẩm" quan trọng nhất khi vào đến Sài Gòn. Ngay chiều ngày 30/4/75 chúng đã đến "tiếp thu" quân y viện nầy, và ra lịnh cho tất cả đều phải ra khỏi bệnh viện "ngay tức khắc". Dĩ nhiên các bác sĩ quân y, các nam nữ trợ y và các nữ trợ tá xã hội, các lao công dân chính đều phải tuân lệnh ai về nhà nấy. Nhưng còn các thương bệnh binh hiện đang được điều trị tại tổng y viện nầy thì sao? Xin thưa là tất cả đều bị "đuổi" ra khỏi bệnh viện ngay tức khắc (tức là ngay từ 2 giờ chiều ngày 30/4/75) không cần biết tình trạng bệnh lý, đã được chữa trị hay chưa, vết thương đã lành hay chưa, không cần biết thời gian nhập viện,v.v..
Hậu quả thật là khủng khiếp cho những thương binh vừa lên bàn mỗ hay vừa được mỗ chưa kịp khâu lại, phải xuất viện ngay, ôm vết thương lang thang ra dân y viện hoặc tìm bác sĩ tư nhờ tiếp tục mỗ hay khâu lại giùm, hoặc tiếp tục tạm chữa trị giùm... nếu không thì chỉ có nước về nhà chờ ngày ra nghĩa địa.. Nhưng khổ nổi nhà ở đâu mà về? đơn vị ở đâu mà về? gia đình ở đâu mà về? Có nhiều quân nhân từ các Vùng Chiến Thuật xa xôi được tản thương thẳng về quân y viện Cộng Hòa. Ngay cả tin tức gia đình còn chưa biết rõ thì làm sao có nơi nương tựa để chữa thương và dưỡng thương? Đây là một câu chuyện bi thảm nhất trong lịch sử chiến tranh Quốc Cộng của dân tộc Việt Nam chúng ta trong những ngày sau 30/4/1975. Chúng tôi được biết sau đó bệnh viện Đô Thành và Nguyễn văn Học (Gia Định) có tạm nhận chữa tiếp giùm khoảng 50 ca khẩn cấp và một số bác sĩ tư cũng có điều trị giúp cho một ít thương bệnh binh nặng đang được giải phẫu dở dang vừa bị đuổi ra khỏi quân y viện.
Ngày 16/6/1975 trước khi đi tù, chúng tôi có dịp đi ngang bệnh viện Cộng Hòa thì thấy tất cả các khoản đất trống trong quân y viện đều được các bác sĩ và y tá Bắc Việt trồng khoai, chuối, rau muống, rau cải... đủ loại, gọi là "tận dụng mặt bằng để lao động tăng gia sản xuất cho đơn vị"! Cho tới năm 1987 khi ra tù, chúng tôi thấy quân y viện Cộng Hòa vẫn còn thuộc cơ quan quân y cộng sản, nhưng được ngăn chia ra làm 3 khu vực bằng những bức tường gạch cao. Vườn tược bên trong của cả 3 khu đều rất xum xuê một cách vô trật tự, đủ mọi giống cây ăn trái ngắn hạn dài hạn, rau cải đủ loại kể cả đủ mọi loại cỏ dại... có lẽ để anh bộ đội và gia đình anh từ Miền Bắc vào tiện nuôi heo, gà vịt và trâu bò trong chương trình tự túc của gia đình và cả đơn vị quân y. Dĩ nhiên các dãy nhà gạch đều bị xuống cấp không thể tả được, vì đơn vị quân y và gia đình họ ở đây chỉ biết có nhu cầu "thực phẩm" nhứt thời, không có vẻ gì gọi là một bệnh viện cả. Nó giống như một trại tạm trú trên đường mòn Hồ chí Minh không hơn không kém.
Và dĩ nhiên thời gian trôi qua, sự việc cũng trôi theo, giờ nầy dân chúng Miền Nam Việt Nam cũng như người Việt Nam ở hải ngoại nầy, có mấy ai còn nhớ gì và biết gì đến buổi chiều ngày 30/4/75, một buổi chiều bi thảm nhất của QLVNCH nhất là của anh em thương bệnh binh Miền Nam Việt Nam đang điều trị tại quân y viện Cộng Hòa, khi bị xua đuổi thẳng tay hết sức "vô nhân đạo" ra khỏi giường bịnh của mình do sự tiếp thu của Cục Quân Y / Quân Đội Nhân Dân của Bắc Việt !
Tôi cũng xin trích thêm ra đây một sự kiện "hào hùng và nhân đạo" nữa của những người tự gán cho mình cái tên rất kêu là giải-phóng-quân của MTGPMN, mà người dân Miền Nam gọi nôm na là Việt Cộng, (từ quyển "la Mort du Viêt Nam" của Tướng Vanuxem, trrang 84 và 85)
- "Bác sĩ Vincent, người Pháp gốc Việt, (Hội Việt Kiều Yêu Nước bên Pháp), thuộc đoàn "bác sĩ không biên giới" (Médecins sans frontière) được cử sang Việt Nam trong phái đoàn y-tế Pháp. Ông là một người có tư tưởng tự do phóng khoán, nên trong cương vị bác sĩ, ông và phái đoàn y tế không từ chối sự khoản đãi rất linh đình của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngày 13/4/75 tại Paris, trước khi qua Việt Nam.Trong bữa tiệc, MTGPMN khuyên phái đoàn không nên liên lạc với Việt Nam Cộng Hòa và hãy chịu khó nằm ở Vũng Tàu đợi gặp giải phóng quân.
Do vậy, ông Vincent và các bác sĩ trong phái đoàn chỉ ghé qua Saigon và đi thẳng ra Vũng Tàu, tạm nằm trong một dân y viện. Vào ngày 29/4/1975, sau mấy đợt pháo kích, người ta tải đến trên 80 người bị thương, có cả dân, và lính dù lẫn lộn. Phái đoàn của bác sĩ Vincent đang lo băng bó và chữa trị cho họ thì có một toán Việt cộng có võ trang đột nhiên đến ngăn cản không cho các bác sĩ làm việc nầy, đồng thời bảo họ phải đưa hết các thương bệnh binh ra khỏi bịnh viện, vì họ đang cần nơi nầy. Phái bộ y tế của bác sĩ Vincent vì lương tâm nghề nghiệp đã từ chối vì không biết sẽ đưa những người thương binh đi đâu bây giờ. Tức thì người chỉ huy V.C. nói ngay với bác sĩ Vincent:
- "Dễ quá mà ! Vừa nói anh ta vừa móc súng lục ra kê vào đầu một anh thương binh gần đó và bóp cò. bác sĩ Vincent phản đối dữ dội, người ta kéo bác sĩ ra một chỗ khác, và bác sĩ Vincent còn nghe có nhiều tiếng súng lục sau đó... đến khi bác sĩ trở lại thì bệnh viện đã trống, người ta nói là đã sẵn sàng cho giải phóng quân sử dụng rồi ! Sau nầy về đến Paris, bác sĩ Vincent khi thuật lại việc nầy, ông dùng danh từ "bọn người man rợ !" (nguyên văn; les barbares)
Những Người Đã Bỏ Mình Vì Nước và Nơi An Nghỉ Cuối Cùng Của Họ
Người Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đã có câu "Chết Là Hết", cho nên khi một người nào đó dù có thù hằn với gia đình mình thế mấy đi nữa mà đến khi chết rồi thì coi như mối thù đó được xóa bỏ hẳn, không một ai còn muốn nhắc đến nữa, vì đó thuộc về quá khứ rồi. Nhưng đối với cộng sản Việt Nam thì không thể như vậy được. Có lẽ vì họ đã tiêm nhiễm quá sâu tư tưởng Mácxít Lêninít hay Stalinít, nên không còn một chút lương tâm con người và mất hết dân tộc tính Việt Nam.
Do đó mà sau ngày 30/4/1975, họ có những hành động quá ư tàn nhẫn, dã man, không có một chút lương tâm đạo lý nào đối với những người quân nhân thuộc QLVNCH đã chết trong cuộc chiến. Đối với họ, sống hay chết đều là kẻ thù cả!
- Họ đã dùng xe ủi đất, (buldozer) ủi sạch và san bằng hai nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một ở Hạnh thông Tây (Gia Định), một ở Thủ Đức (Biên Hòa). Họ san bằng bình địa để vừa gọi là "trả thù cho quân đội và nhân dân miền Bắc", vừa xóa sạch vết tích QLVNCH để cho chủ trương sửa lại lịch sử Việt Nam cận đại của người cộng sản được dễ dàng hơn trong những ngày tháng sắp tới...
Dĩ nhiên, ở khắp các Tỉnh thuộc khắp miền Nam Việt Nam từ Sông Bến Hải đến mũi CàMau họ đều làm y như vậy. Đó là "Chánh Sách của Đảng và Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa". Trong khi tại Hoa Kỳ, qua cuộc nội chiến đẫm máu, dù quân đội hai bên là kẻ thù, nhưng tử sĩ của hai phe Nam Bắc Mỹ đều được chánh phủ cho chôn cất "đàng hoàng trong danh dự" tại những "nghĩa trang quốc gia" và được trọng vọng như nhau.
- Tượng hình điêu khắc "Thương Tiếc" là một tác phẩm mỹ thuật rất có giá trị, đặt trước nghĩa trang quân đội trên xa lộ Biên Hòa bị CSVN phá nát bằng cốt mìn, ủi sạch không còn dấu vết, chỉ vì đó là tượng hình của một người lính Thủy Quân Lục Chiến của QLVNCH, một biểu tượng của kẻ thù !
- Anh Trung úy Nguyễn Văn Ngọc thuộc xã Long Hồ (VĩnhLong) chết cả năm trước, chôn lâu rồi, nhưng hai ngày sau 30/4/75, cũng bị "giải phóng quân" quật mồ lên, cả quan tài lẫn xác được cho nổ tung bằng cốt mìn, giữa chợ, cũng chỉ vì lúc sanh tiền anh quân nhân Nhảy Dù nầy đã có quá nhiều huy chương thuộc loại "diệt cộng". Và dĩ nhiên còn có không biết bao nhiêu chiến binh VNCH khác nữa đã "được chết hai ba lần" một cách dã man như thế, ở khắp Miền Nam Việt-Nam.
- Đến giờ nầy, "nghĩa trang quân đội ở khắp miền Nam Việt Nam đều được trang hoàng tươm tất, lại có yết thị rõ ràng kêu gọi mọi người hãy dừng lại để tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ-Quốc. Nhưng ai nấy đều phải biết rằng những nơi nầy chỉ dành cho cán binh Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ngoài ra hoàn toàn không có chỗ nào dành cho những người lính chiến của VNCH", (trích một đoạn của bài Searching for Nguyễn tấn Hưng, tác giả là Cô Lily Dizon Nguyễn Thị Bằng Phương, con của Đại úy Hưng, cô là biên tập viên báo Los Angeles Times, ngày 29/8/1994, kể lại chuyến đi về Việt Nam tìm cha Cô, nguyên là sĩ quan QLVNCH, SĐ 22 BB, bị mất tích trong trận Tân Cảng, năm 1972).
Đây là những bằng chứng hùng hồn, cụ thể và trung thực nhất về "sự thù hận thiên thu đối với người lính chiến VNCH dù là họ đã chết".
Lấy đó mà suy thì chúng ta sẽ phải thấy rõ ràng như ban ngày, chủ trương và chánh sách của Cộng Sản Việt Nam là "bằng mọi cách xoá bỏ vĩnh viễn tập thể người của chế độ VNCH, chớ không chút nào và không bao giờ có vẻ "quên hận thù" hay "xóa bỏ hận thù" như chúng vẫn thường rêu rao và cho cò mồi rêu rao chiêu bài láo khoét "xóa bỏ hận thù hòa hợp hòa giải dân tộc" (trích một đoạn trong bài Tương Lai Dân Tộc Việt Nằm Trong Tay Ai" của Nguyễn Việt Nữ, báo Xây Dựng).
Và những người làm chánh trị nào còn chút lương tâm và liêm sỉ của người Miền Nam Việt Nam, hãy nhìn kỹ vào thực trạng đau khổ không bến bờ của anh chị em quân cán chính VNCH, đã nằm xuống rồi, cũng như còn sống trong cảnh dốt, đói, khổ trong nước hay đang sống tha phương cầu thực ở quê người, sau hằng chục năm tù tội khổ sai, hãy nhìn tận mặt con người CSVN với chủ trương và chánh sách của ho. Chớ bao giờ mơ hồ hay ngây thơ nghe theo luận điệu phỉnh gạt muôn đời của họ, để tự bán mình cho loài quỷ đỏ, cam tâm làm tay sai tuyên truyền cho giải pháp "xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải dân tộc,v.v...
Câu Chuyện Bài Trừ Văn Hóa Đồi Trụy
Ngay sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là "ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy" ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân miền Nam gọi là cọp 30), tại Sài Gòn Chợ Lớn thì mỗi quận một tiểu ban, ở các tỉnh thì mỗi tỉnh một tiểu ban.
"Văn hóa đồi trụy" được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghệ, phim, ảnh. v.v... được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga).
Mục tiêu mà các "ông cọp 30" chiếm trước tiên là Thư viện quốc gia (national library) ở đường Gia Long. tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết. Tội nghiệp cho mấy bộ tự điển và Encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều bộ sách quý thuộc các ngành công pháp quốc tế, khoa học kỹ thuật, hàng không và cả hàng không không gian,v.v... mà anh quản thủ thư viện đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để làm giàu cho thư viện của Đất Nước, trong phút chốc bị "cọp 30" sơi tái hết! Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ encyclopedia lên xem mà ứa nước mắt... nhưng không dám hỏi thêm vì bị một "cọp 3O" khoảng 16 tuổi tới đuổi:
- "Đi đi, tiếc gì mà coi, xé bỏ đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân, đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Độc lập rồi cần gì ba cái thứ nầy nữa !!" Tội nghiệp! Thật là tội nghiệp!!! (Về sau mãi cho đến 1992 lúc chúng tôi rời VN, thì thư viện quốc gia nầy vẫn còn được cộng sản dùng làm "mặt bằng" cho mướn làm tiệc cưới và tiệc "liên hoan" của cán bộ công nhân viên các cấp).
Mục tiêu kế tiếp là Thư Viện Bộ Giáo Dục, các nhà sách ở khu chợ Bến Thành và dài dài vô đến Chợ Lớn... sau đó tiểu ban đi xét từng nhà khắp đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, ai sợ thì cứ tự mình đốt bỏ... nếu xét gặp thì chắc chắn phải gặp khó khăn với mấy "ông cọp 30 trẻ" nầy.
Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều được liệt vào loại "nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai", cấm lưu hành, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ v.v.. cũng phải được duyệt xếp loại lại (Bà Thiếu tá Cách Mạng đào hát Kim Cương phụ trách phần nầy).
Nói tóm lại, Chánh Phủ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" chủ trương hủy bỏ tất cả những gì mà họ cho là tàng tích của Mỹ Ngụy từ 75 trở về trước, để đem thay thế vào đó những gì mà miền Bắc đang có và đang áp dụng, không cần biết có hợp với dân tộc Việt Nam hay không và cũng không cần lượng xét hậu quả sẽ như thế nào.
Câu Chuyện Về Giáo Dục
Về vấn đề Giáo Dục, từ sau ngày 30/4/75, CSVN đã chủ trương một chánh sách ngu dân để dể thống trị , và chủ trương "phân biệt đối xử" giữa các thành phần sinh viên học sinh, dựa trên tờ khai lý lịch ba đời của mỗi em.
Do đó, tất cả con em thuộc gia đình quân cán chính của VN CH không bao giờ vào được bậc cao học hay đại học vì hàng rào lý lịch mà CSVN cố tình dựng lên trong suốt 20 năm qua. Hậu quả thật tai hại cho cả dân tộc, vì thay vì đầu tư chất xám cho đất nước, CSVN cố tình hạn chế và đè bẹp thế hệ trẻ có thừa khả năng và trí thông minh trên con đường học vấn. Do vậy chỉ có con em thuộc giai cấp của đảng và các cậu ấm con lãnh đạo đảng mới được vào đại học, mặc dầu điểm thi tuyển dưới điểm trung bình rất xa.
Đây là một thời kỳ Tần Thủy Hoàng thứ hai ở Việt Nam, đốt sách và ngăn cấm học trò. Cho dù CSVN có sửa lịch sử cũng không bao giờ gột sạch được tội mình trước hồn thiêng của Đất Nước, trước dư luận quốc tế và quốc nội.
Các giáo viên cấp tiểu học và giáo sư Trung Đại Học còn tiếp tục nghề gõ đầu trẻ mà họ đã lựa chọn vì say mê nghề nghiệp và có lương tâm chức nghiệp. Nhưng có những sự việc "bất khả kháng" mà những Thầy Cô dù có say mê và tận tâm thế mấy, cũng phải đau lòng mà từ bỏ nghề cao quí nầy.
- Dạy Học được xếp vào hàng thứ yếu, sau lao động chân tay. Do đó lương hằng tháng chỉ đủ nuôi gia đình (80.000 đến 100.000 một tháng, tương đương 8 đến 10 dollar năm 1991), tiện tặng lắm cũng tạm cháo rau được chừng hơn nửa tháng, lại còn bị nạn "Nhà Nước không đủ tiền lẻ" nên có khi 3, 4, 5 tháng mới được lãnh lương một lần. Cho nên, "túng phải tính": dạy học là "nghề tay trái" còn đạp xích lô mới là "nghề tay mặt" (những Thầy ở Saigon Chợ Lớn và Gia Định), và đạp xe đạp ôm, đạp xe lôi (những Thầy ở các Tỉnh, Quận). Đó là nghề mà các cô giáo không thể nào làm được...!
Cái cảnh trò ngồi xe xích lô cho thầy đạp được thấy nhan nhản ở Đô thành! Do vậy, ngay những năm của thập niên 90 gần đây, số giáo viên tốt nghiệp trường Sư Phạm (riêng tại Miền Nam Việt Nam) vào nhận việc, chỉ bằng 1/3 số giáo viên nghỉ việc, ra khỏi ngành (thống kê của Bộ Giáo Dục,1990).
- Trường cấp tiểu học thì vẫn để mặc cho thời gian và gió mưa lụt lội, không ai để tâm vào việc tu sửa, nói chi đến việc xây cất thêm cho trẻ em vốn càng ngày càng đông. Cho đến năm 1992, tình trạng các trường ở xã ấp có nơi thì mái dột cột xiêu, có nơi không vách, trông thật thiểu nảọ Xã ấp được giao cho trách nhiệm sửa chửa mà không được cấp ngân sách.
- Một số trường Trung học cấp 1 và cấp 2 vì không có đủ giáo sư, không có học trò, nên chánh quyền Tỉnh, Quận sử dụng "mặt bằng để bán vật tư xây cất" hay cho các công ty quốc doanh thuê làm kho hàng để thu thêm lợi tức, lơi nhuận cho ngân sách.
- Sỉ số học sinh thì càng ngày càng giảm sút. Có nhiều lớp Thầy trò cộng lại chỉ trên dưới muời người mỗi buổi học, vì các em còn bận giúp cha mẹ làm ruộng làm vườn làm rẫy. Các em còn ham đi chạy hàng lậu (như thuốc hút) dọc theo biên giới, chợ trời,... hơn là đi học (điển hình vùng Gò Dầu, Trảng Bàng, Tây Ninh, và các Tỉnh ven biển). Do đó "nhà nhà làm kinh tế, trò trò làm kinh tế" áp dụng đúng câu "dân giàu nuớc mạnh" của Đảng đề ra, cần gì học! Mà không có trò thì Thầy còn mê nghề gõ đầu trẻ làm sao được nữa?
Chưa nói đến chuyện ngược đời là cộng sản khuyến khích"cho điểm Thầy Cô". Đây là hình thức gián tiếp cho phép bọn học sinh xấu,... "gõ đầu thầy" hay trả thù thầy, khiến cho Thầy phải nghỉ dạy và Cô phải tự tử (2 vụ tự tử, một ở trường Bùi thị Xuân Sài Gòn, và một ở thư viện Cần Thơ), để cảnh cáo chủ trương và chánh sách giáo dục của Đảng và Nhà Nước từ sau 30/4/75.
Tựu trung đây là Chánh Sách Giáo Dục của CSVN đối với đồng bào Miền Nam Việt Nam, chủ trương làm cho người dân càng ngu dốt càng dễ trị. Cho nên nước Việt Nam cho đến năm 1995 vẫn chưa ngóc đầu lên nỗi so với các nước láng giềng ở vùng Á Châu nầy.
Về Đời Sống Của Người Dân
Vào chiếm được Miền Nam, cộng sản đem chánh sách và chủ trương mà họ đã từng áp dụng ở Miền Bắc ra áp dụng ngay. Tức là canh chừng người dân từng hành động, từng lời ăn tiếng nói, và nhất là từng miếng ăn của từng gia đình. Hết sức là ty tiện!
Tất cả các nhà dân đều được bộ đội chia nhau tới "xin ở nhờ"", nhưng thật sự là để điều tra thành phần nhân sự, tư tưởng, hành động, sinh hoạt hằng ngày và nhất là của chìm của nổi.... Ban Quân Quản xúc tiến kiểm kê từng nhà (cộng sản gọi là hộ khẩu) và thành lập "liên gia" để kiểm soát thật chặt chẽ sinh hoạt của mỗi gia đình, từ tư tưởng, lời nói, việc làm của từng người ...mà nhất là thành phần thức ăn của mỗi bữa cơm trong gia đình.
Thật ra lúc nầy không người dân nào có tiền, (vì tất cả ngân hàng đều được lệnh đóng cửa, các xí nghiệp hãng xưởng được lệnh ngưng hoạt động, không dễ gì kiếm được đồng tiền như thời trước 30/4, dù là mua gánh bán bưng). Người lớn thì sinh hoạt học tập chánh trị ban đêm; ban ngày phải đi lao động sản xuất xã hội chủ nghĩa (kiếm bất cứ miếng đất trống nào để trồng khoai trồng sắn) trẻ em thì tạm ngưng học chữ để học hát và làm vệ sinh lượm rác suốt ngày ngoài đường... Đây là một hình thức "tù cải tạo tại gia" áp dụng cho toàn Miền Nam, cải tạo luôn bao tử bằng cách bắt dân phải ăn độn ngô khoai và bo bo.
Người dân Sài Gòn ai cũng có thân nhân họ hàng ở các tỉnh, nên lúc đầu được tiếp tế gạo, thịt từ dưới quê. Nhưng sau đó cộng sản ra lệnh "ngăn sông cấm chợ" để xí nghiệp lương thực quốc doanh độc quyền cung cấp gạo và thực phẩm cho dân theo tiêu chuẩn do Quân Quản ấn định (luôn luôn dưới mức nhu cầu bình thường cho mỗi người, tức là chỉ cho ăn đói triền miên).
Nói cách khác là cộng sản nhất quyết kiểm soát cho bằng được "miếng ăn" của người dân trên toàn Miền Nam theo đúng chánh sách của đảng. Những sự đi lại từ tỉnh nầy sang tỉnh khác được kiểm soát gắt gao (từ quận, từ xã ấp cũng vậy). Các trạm kiểm soát của công an dọc theo các trục lộ trên bộ và trên sông hoạt động ngày đêm 24/24 không để một kí gạo, một con cá, một miếng thịt hay một bó rau nào được mang từ vùng nầy sang vùng khác (vì đây là phần việc của công ty lương thực nhà nước). Điều nầy làm cho người dân Miền Nam khốn đốn (vì quen ăn không quen nhịn, nhất là trẻ con, mãi cho đến cuối thập niên 80, thời Nguyễn văn Linh lệnh ngăn sông cấm chợ mới được thu hồi). Dĩ nhiên trong lúc dân đói thì cán bộ đảng và nhà nước vẫn no nê phè phỡn, nên mới có câu "dân khỏi no, mọi việc đã có đảng và nhà nước no rồi".!
Người nông dân ở thôn quê cũng chết dở sống dở, vì chánh sách hợp tác xã. Ai cũng làm chủ tập thể ruộng đồng, nhưng ông chủ rủi mà đau ốm không có ngày công lao động nào trong tháng thì ngày đó ông chủ bị tập thể khóa miệng và khóa bao tử lại ngay! (không được lãnh lúa).
Người công nhân ở thành thị cũng không hơn gì. Cũng được cộng sản phong làm chủ tập thể công ty, xí nghiệp, nhưng ông chủ rủi mà không giao sản phẩm đúng theo mức khoán của nhà nước thì cũng phải chịu cảnh đói dài (chánh sách khoán sản phẩm). Trái lại, nếu ông chủ vượt chỉ tiêu mức khoán, thì phần gạo được tăng, nhưng sau đó thì nhà nước lại tăng mức khoán lên, v.v.. Cứ như thế mà nhà nước trì kéo với ông chủ nhằm mục đích kéo tiêu chuẩn gạo xuống mức tối thiểu để cho ông chủ đói dài mới thôi.
Nói tóm lại, chánh sách "ngăn sông cấm chợ", "khoán sản phẩm", "hợp tác xã"... đều nhằm mục đích canh chừng từng miếng ăn của người dân, để cai trị dân, bắt người dân vì miếng ăn mà nhất nhất phải chạy theo đảng và nhà nước. Đó là chánh sách, dường lối và chủ trương của cộng sản, được áp dụng cho toàn dân Miền Nam, sinh hoạt ở ngoài xã hội cũng như trong nhà tù không khác, vì cộng sản xem nhân dân là thù địch, nên cộng sản đã biến cả nước thành một nhà tù vĩ đại trong suốt gần hai thập niên từ 30/4/1975.
Phút Ngỡ Ngàng Của Những Người "Tập Kết"
Họ là những người Miền Nam Việt Nam, tập kết ra miền Bắc vào những tháng cuối năm 1954, sau khi nước Việt Nam bị chia đôi, theo Hiệp ước Genève 1954. Họ là cán bộ cộng sản, là bộ đội Việt Minh đa số là du kích, nhưng hầu hết đều là những người dân quê bị cộng sản dụ dỗ, lừa phỉnh, hoặc ép buộc đưa ra miền Bắc. (Xin nhắc lại là đối với quốc tế thì có vẻ như là dân chúng Miền Nam cũng có người lựa chọn chế độ dân chủ cộng hòa miền Bắc. Số người tập kết không quá 200 ngàn người theo thống kê chánh thức của cơ quan kiểm soát đình chiến 1954 (ICC), trong khi riêng dân chúng miền Bắc đã có gần 2 triệu người di cư vào Nam, cũng như sau tháng 4/75 cho đến nay đã có trên 2 triệu người chạy cộng sản, bỏ nước ra đi sống tha phương cầu thực tỵ nạn ở ngoại quốc .)
Vào khoảng tháng 5 và tháng 6/75 họ mới được phép trở về miền Nam trong tư thế bộ đội miền Bắc về giải phóng quê hương,"giải phóng bà con cô bác ở Miền Nam đang sống nghèo nàn cơ cực, đói lạnh rách rưới, dưới ách thống trị độc tài bóc lột tận xương tủy của đế quốc và tay sai Mỹ Ngụy."
Từ khi tập kết ra miền Bắc, họ bị cấm không được liên lạc với thân nhân ở Miền Nam và họ đã được bộ máy tuyên truyền miền Bắc nhồi nhét tin tức một chiều rằng "đồng bào, bà con cô bác ở miền Nam sống rất khổ sở, "ăn thì không đủ no" (không đủ gạo ăn vì bị đế quốc Mỹ vơ vét hết), thậm chí, không có đủ chén bát nên phải ăn cơm bằng miễng dừa (gáo dừa khô), "mặc thì không đủ ấm" thậm chí cha con chỉ có một chiếc quần thay phiên nhau mặc khi cần đi ra ngoài, "ở thì không có đủ nhà để ở", phải sống chen chúc dưới gầm cầu, hay các nhà ổ chuột, "đời sống thì bị kềm kẹp" không còn một chút tự do tối thiểu nào."
Vì thế cho nên khi được về Nam ai cũng nôn nóng, cố mang theo một ít quà cho bà con cô bác thân nhân trong gia đình, người thì mang theo vài cái chén đá, người thì gắng sức mang theo vài cân gạo mà họ đã cố tình bớt xén lại từ tiêu chuẩn gạo hằng ngày của họ. Có người thì mang theo một vài chiếc áo chiếc quần cũ. Có người dành dụm hằng bao nhiêu năm, bọc sẵn được theo mình vài ba chục bạc tiền Hồ,v.v... Tất cả đều chỉ tha thiết mong mỏi mang về để giúp đỡ thân nhân đang sống đói rách ở miền Nam Việt Nam.
Sau đây là câu chuyện điển hình mà tôi đã chứng kiến tận mắt, vì có quen với gia đình nầy:
Từ sáng sớm ngày 1/5/75, anh Tư Xê về đến trước cửa nhà của anh mình! Anh vừa mừng vừa rụt rè, cố tình nhìn đi nhìn lại..thật kỹ... Đúng rồi, đây là con đường Trần Hưng Đạo cũ. ĐDây là ngã tư Nancy cũ, và đây là căn nhà số 618... nhà của anh Hai mình đây rồi, nhưng tại sao nhà cũ không có lầu mà nhà nầy có thêm 2 tầng lầu nữa vậy? Nhà lầu đúc to quá, đẹp quá, chắc không phải là nhà anh Hai mình rồi! Hay là anh Hai mình đã bán nhà đi đâu rồi... và nếu vậy thì làm sao biết anh ấy ở đâu mà tìm bây giờ?
Tư Xê ngồi xuống bên lề đường đối diện căn nhà số 618, nơi mà anh đã rời bỏ "đi bưng" từ năm 1951, rồi từ bưng bị đi tập kết vào năm 1954 không về được lại Sài Gòn để từ giã gia đình... Anh ngồi đó một hồi lâu cố tình chờ xem có ai quen để hỏi thăm về anh mình. Chợt có một người từ trong căn nhà lầu ba tầng nói trên bước ra... một người con gái khoảng 20 tuổi, trắng đẹp, có vẻ con nhà quý phái dù chỉ mặc áo bà ba trắng. Anh lật đật chạy ngay lại hỏi thăm:
- Thưa cô, xin cô cho tôi hỏi thăm một chút.
- Dạ thưa ông hỏi chi?
- Thưa cô trong nhà nầy có ai tên là Hai Minh không cô?
- Dạ có, thưa ông. Cô dè dặt trả lời, hơi lo, vì thấy người vừa hỏi mình là một anh mặc quân phục xanh Bắc Việt, nhưng lại nói giọng Nam.
- Phải vợ ổng tên là Hương không cô?
- Trời ơi! sao mà ông hỏi nhiều quá vậy ông? Phải, Hương là tên của má tôi đó, ông còn muốn hỏi gì nữa không? Cô gái đáp có vẻ hơi giận.
- Như vậy nhà nầy là nhà của anh Hai Minh phải không cô?
- Trời ơi! Vậy chớ ông tưởng là nhà của ai, xin thưa với ông đây là nhà của Ba Má tôi, nhà của gia đình tôi! Xin lỗi ông tôi có việc cần phải đi đây, Ông đứng đó chơi nghen. Cô gái nói xong dợm bỏ đi....
Anh Tư Xê mừng rỡ, cẩn thận xách túi dết lên (vì sợ bễ mấy cái chén trong túi!), bước lại chận cô gái lại và nói:
- Trời đất ơi ! Chú đây cháu, chú là Tư Xê, chú Tư của cháu đây nè, cháu đưa chú vô gặp anh Hai chị Hai đi cháu!
Vào nhà anh em gặp nhau dĩ nhiên mừng mừng tủi tủi, hàn huyên tâm sự.. chừng đó anh Tư Xê mới nhận chân được sự lố bịch hết chỗ nói của mình (là mang 2 kí gạo, 5 cái chén đá từ Hà Nội về gọi là để giúp đỡ gia đình người anh mà theo Bác và Đảng đã nói là đang sống đói rách, ở dưới gầm cầu chữ Y).
Còn không biết bao chuyện na ná như thế đã xảy ra ở Sài Gòn và khắp miền Nam Việt Nam sau ngày mất nước. Hầu hết những anh chị em tập kết khi trở về trong Nam, được thưởng thức bữa cơm "đầm ấm và đạm bạc" với thân nhân và gia đình, họ mới thật sự "vỡ lẽ" và chừng đó mới thật sự thưởng thức được hương vị hết sức ngọt ngào nhưng quá chua chát của những giọng điệu tuyên truyền lẫn kềm kẹp của Bác và Đảng trong suốt 20 năm ở Bắc Việt.
Ôi! Thật là quá tội nghiệp và ngỡ ngàng!!!
Tạm Kết
Có những người không muốn nhớ đến hay cố tình quên đi ngày 30/4/75. Họ không còn nhớ lý do tại sao họ và gia đình phải bỏ quê hương chạy ra ngoại quốc sống tha phương cầu thực. Khi tình trạng gia đình được ổn định, trong túi và trong trương mục ngân hàng đã có đô la gọi là dư dã, khi đã làm chủ được một vài ba căn nhà, một vài cửa tiệm, hay một ít bất động sản, khi con cháu ăn học thành tài đã có công ăn việc làm vững chắc... họ bỗng quên đi nhãn hiệu "tỵ nạn chánh trị" của chính mình, hoặc muốn bóc bỏ đi nhãn hiệu đó một cách vô liêm sỉ.
Họ chạy theo tiếng uyển giọng đờn của kẻ thù xưa, muốn "xoá bỏ hận thù" để về "làm ăn" với kẻ đã từng liệt họ vào thành phần "phản quốc Mỹ Ngụy". Hay họ muốn "hòa hợp hòa giãi" với kẻ thù, mon men về tìm một chỗ đứng nào đó, dù trên là lưỡi lê dưới là lửa đỏ.... Họ núp dưới chiêu bài về lo giúp đồng bào nghèo, khổ, v.v.... nhưng sự thật chỉ là vì chút hư danh hảo huyền, vì quyền lợi riêng tư....
Họ "cố tình" giả điếc giả mù, làm ngơ, chớ làm gì họ không nghe không thấy được những gì bọn cộng sản xăm lăng Miền Bắc đã làm trước và trong những ngày mất nước. Họ biết rõ những gì bọn cầm quyền cộng sản trong 20 năm qua đã làm cho cả nước Việt Nam phải chịu đói chịu nghèo chịu dốt, chịu sống thụt lùi vào thời kỳ đồ đá, trong lúc các quốc gia khác đang tiến nhanh như trên mọi lãnh vực, nhất là về kinh tế.
Chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện cho những người nầy bình tâm trở lại, thấy rõ đâu là chánh đâu là tà, đâu là liêm sỉ đâu là phản bội, để họ cùng đi một con đường với dân tộc trong giai đoạn cần phải nhất tâm tranh đấu để tiến tới một sự giải trừ bọn mafia cộng sản lưu manh, hại nước hại dân hầu đem lại thanh bình, tự do thật sự và ấm no cho dân tộc Việt Nam chúng ta.
Chủ trương và chính sách của đảng cộng sản Việt Nam muôn đời vẫn không sai khác. 30 tháng Tư 1975 đã như vậy, thì 20 năm sau 1995, hay 30 năm sau 2005, cộng sản vẫn là cộng sản, nếu cộng sản còn cố giữ vai trò lãnh đạo đất nước, chắc chắn là đảng cũng chỉ lo cho quyền lợi của đảng cộng sản và các cá nhân trong tập đoàn lãnh đạo mà thôi. Còn tương lai dân tộc, của đất nước ra sao, chúng ta có thể n nhìn về quá khứ thì sẽ thấy được tương lai.
Nếu cộng sản Việt Nam còn ngoan cố dành mãi độc quyền lãnh đạo đất nước, chắc chắn họ chỉ muốn biến đất nước thành "một nhà tù vĩ đại" kiểu Goulak của Liên Xô cũ. Cộng sản Việt Nam ôm chặt nắm xương tàn của "bác Hồ vĩ đại" để thực hiện "mục tiêu vĩ đại" muôn thuở của người "cộng sản quốc tế" mà thôi, cho dù chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn sụp đổ từ lâu.
Nhưng chắc chắn là dân tộc Việt Nam quyết không để cho bọn rợ Hồ đè đầu kềm kẹp mãi. Bởi vì ông cha ta đã có câu: "Tức nước phải vỡ bờ!". Đi ngược lại với lòng dân thì trước sau gì cũng phải bị diệt vong mà thôi!
Dương Hiếu Nghĩa
(Viết 1992, sau khi rời nhà tù VC 13 năm)