Tin Westminster - Nhật báo Người Việt đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Luật sư Trương Phú Thứ, người sẽ xuất bản hồi ký của bà Ngô Ðình Nhu, người có tên thật là Trần Lệ Xuân, qua đời hôm Chủ Nhật Phục Sinh trong một bệnh viện ở Rome. Ông Thứ cho biết bà trút hơi thở cuối cùng thanh thản và an bình với tất cả các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh, và đã nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng với tràn đầy ân sủng của Chúa Phục Sinh. Luật sư Thứ hiện đang ở Seattle cho biết bà đã sống thui thủi gần suốt cả nửa thế kỷ trong một căn apartment ở Ý Ðại Lợi. Thời gian gần 50 năm sống gần như ẩn dật, không giao thiệp với bất cứ ai có liên quan đến chính trường, không lập gia đình dù đang ở độ tuổi đẹp nhất của một người phụ nữ, dù có nhiều người chính khách, nhiều nhà tài phiệt trên thế giới đeo đuổi, muốn giúp đỡ bà đều lắc đầu, ở vậy nuôi các con học thành tài, cũng đủ cho thấy bà là một phụ nữ đặc biệt.
Ông Thứ là người đã quen biết gia đình bà Trần Lệ Xuân từ khi còn nhỏ, cho biết sau thời gian dài sống một mình ở Pháp, 3 năm trước khi mất, lúc sức khỏe bắt đầu suy yếu, bà Nhu sang Ý sống cùng gia đình người con trai lớn là Ngô Ðình Trác. Bà Nhu mất vì bệnh già, sau gần một tháng nằm bệnh viện. Bà ra đi có sự chứng kiến đầy đủ của các con bà, gồm gia đình Ngô Ðình Trác, Ngô Ðình Lệ Quyên sống cùng bà tại Ý, và Ngô Ðình Quỳnh từ Bỉ cũng kịp quay về. Lễ tang của cựu Ðệ Nhất Phu Nhân Ngô Ðình Nhu được tổ chức tại Ý rất đơn giản, kín đáo, và chỉ trong vòng gia đình, theo lời một vị linh mục người Ý.
Về quyển hồi ký bà Ngô Ðình Nhu, luật sư Thứ cho biết nếu bà còn sống thì họ dự định sẽ xuất bản sách vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm nay. Nhưng giờ bà đã mất, thời gian ra mắt quyển hồi ký có thể phải trễ hơn. Quyển hồi ký này được bà Nhu viết trong thời gian khá dài, có thể đến 10 năm, bằng tiếng Pháp. Lúc đầu bà dự định sẽ tự dịch ra tiếng Anh và tiếng Ý. Sau đó sẽ xuất bản bằng 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Ý và Việt. Tuy nhiên về sau sức khỏe không cho phép, bà Nhu chỉ viết bằng tiếng Pháp. Ông Thứ, cùng ông Nguyễn Kim Quý, một người có bằng tiến sĩ về văn chương Pháp, hiện đang ở Oregon, sẽ dịch sang tiếng Việt. Hồi ký của bà Nhu sắp tới sẽ chỉ xuất bản bằng tiếng Việt. Về nội dung quyển hồi ký với phóng viên Người Việt, người chịu trách nhiệm dịch thuật, in ấn và phát hành cho biết nếu ai tò mò muốn biết những chuyện thuộc về thâm cung bí sử của gia đình họ Ngô, hay muốn nghe bà Nhu thanh minh, cải chính những chuyện bịa đặt về bà, thì sẽ không thể tìm thấy trong quyển hồi ký này.
Thay vì tiết lộ chuyện giật gân, cuốn sách đưa suy nghĩ, tư tưởng của bà Nhu đến cho người đọc. Ông Thứ nói: quyển sách này là những vấn đề bà ấp ủ, bà muốn đưa những suy nghĩ, những tư tưởng của bà đến với mọi người, để mọi người hiểu. Hồi ký của bà không phải như cách người ta vẫn thường viết về những kỷ niệm, những hồi tưởng, những chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện vui chuyện buồn đã xảy ra trong đời. Quyển sách này đáp ứng những chuyện cao hơn, xa hơn. Những tư tưởng hận thù, những lời nói động chạm hay nặng nề đến những người đã làm đảo chính, lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và giết chết chồng bà là cố vấn Ngô Ðình Nhu, đều không được nhắc đến trong hồi ký.(SBTN)
{nl}{nl}{nl}