Tin New York - Trong tuần qua Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng Nghị định mới về báo chí của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, với các quy định xử phạt nhà báo về những lỗi mơ hồ và yêu cầu phải đăng nguồn tin là một đòn bồi thêm vào quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nghị định mới về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản sẽ có hiệu lực từ ngày 25 tháng 2. Nghị định ấn định mức phạt từ một đến 40 triệu đồng tức tương đương từ 50 đến 2000 đô-la đối với các phóng viên và báo chí vi phạm những điều khoản quá bao quát và mơ hồ của Nghị định này, ví dụ như không tuân thủ các quy định của Luật Báo chí năm 1990 với yêu cầu thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
Những điều khoản mơ hồ và tùy tiện của Nghị định này là công thức cho quy trình tự kiểm duyệt rộng khắp, theo lời ông Phil Robertson là Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. Ông nói lợi ích của đất nước và của nhân dân được phục vụ tốt nhất là để cho các nhà báo đăng thông tin trung thực, chứ không phải xử phạt họ. Nghị định trao thẩm quyền cho rất nhiều ngành trong nhà nước được xử phạt phóng viên và tòa báo vào bất kỳ thời điểm nào, căn cứ trên các quyết định tùy tiện của lãnh đạo các cấp và từ nhiều cơ quan, về điều gì cấu thành lợi ích của đất nước và của nhân dân. Trong số đó bao gồm Thanh tra chuyên nghành Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường, và nhiều chuyên ngành khác.
Ông Robertson nói dù ở bất kỳ một đất nước nào thì việc trao quyền cho các cán bộ của nhiều ngành, nhiều cấp kiểm soát nội dung truyền thông và xử phạt cũng là một thảm họa, nhưng điều này đặc biệt nguy hiểm đối với Việt Nam, nơi có nạn tham nhũng tràn lan và sâu rộng. Thay vì được áp dụng để cải thiện phẩm chất báo chí, văn bản pháp lý này sẽ lại trở thành một cách kiếm chác mới để quan chức địa phương tham nhũng cho đầy thêm hầu bao của mình.ọ Ðiều 7 của Nghị định này quy định xử phạt đối với các nhà báo không viện dẫn nguồn tin trên báo chí. Ðiều khoản này cũng quy định mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng tương đương 500 đến 1000 đô-la Mỹ, đối với các phóng viên và tờ báo trong trường hợp khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng.
Human Rights Watch cho rằng có vẻ Nghị định mới này về báo chí đã được soạn thảo để dằn mặt những người tố cáo tiêu cực và những nạn nhân bị ngược đãi để họ không hợp tác với báo chí. Nghị định này sẽ làm họ nhụt chí và không dám cung cấp tin tức cho báo giới vì sợ sẽ bị công bố nhân thân, khiến các thế lực liên quan có thể nhận diện để trả đũa họï. Nghị định này dường như xung đột với nội dung của một văn bản pháp luật khác của Việt Nam là Luật Báo chí năm 1990, vì Luật này có ghi trong Ðiều 7 rằng báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.(SBTN)