|
Tin Saigon - Giá tiêu dùng ở Việt Nam trong tháng Giêng tăng hơn 20% so với năm trước, phản ảnh sự gia tăng của giá lương thực, nhiên liệu và các sản phẩm tiêu dùng khác trong gia đình. Một người tài xế xe buýt ở Hà Nội, cho biết với số lương khoảng 250 đô-la một tháng anh khó lòng nuôi sống gia đình. Tuy có tăng trưởng cao trong một thập niên qua, Việt Nam có mức thâm hụt mậu dịch lên tới 12.4 tỉ đô-la trong năm 2010 và tỉ lệ lạm phát từ đầu năm tới nay đã vượt mức 11%, tuy nhà nước đang tim giữ cho tỉ lệ lạm phát ở mức 7 hoặc 8%. Với mục đích kiềm chế lạm phát và giảm thiểu nhập siêu, Việt Nam đã phá giá đồng bạc với tỉ lệ 9.3% hồi trung tuần tháng này trong lần phá giá thứ tư kể từ năm 2009. Tháng 12 vừa qua cả hai công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Moodys và Standard and Poor đều hạ thấp thứ hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam sau khi tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin do nhà nước làm chủ không trả đúng hạn những khoản tiền của khoản nợ 600 triệu đô-la. Việc thứ hạng tín dụng bị hạ thấp như vậy đang khiến cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn vay tiền ở nước ngoài.
Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của công ty tư vấn Mekong Economics ở Việt Nam, nói kinh tế Việt Nam không gặp khủng hoảng, nhưng vấn đề lạm phát đang gây ra nhiều nỗi khó khăn cho người dân bình thường. Ông McCarty nói thông thường, những người làm công hay lãnh tiền hưu trí với thu nhập dưới mức trung bình chính là những người bị thua thiệt khi tỉ lệ lạm phát cao. Thêm vào đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì tốc độ của việc tạo ra công ăn việc làm mới cũng bị chậm lại. Lạm phát cũng khiến cho giới trung lưu ở Việt Nam khó mua nhà hơn trước. Một số các nhà phân tích thị trường tài chánh tán dương việc Việt Nam quyết định phá giá đồng bạc. Họ nói tỉ giá mới phản ánh giá cả một cách chính xác hơn trên thị trường không chính thức, nơi các nhà đầu tư dùng tiền đồng để mua vàng và đô-la. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế khác cảnh báo rằng nhà nước có thể sẽ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chận lạm phát và bảo vệ cho nền kinh tế.(SBTN)