Tin tổng hợp - Theo dõi những trang blog trong nước, người ta thấy rõ một làn sóng phẫn uất đang muốn noi gương theo những nước Bắc Phi và Trung Ðông, và mới nhất là ngay tại Trung cộng và Bắc Hàn, để đòi dân chủ và lật đổ chế độ bạo quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay. Trên trang Blog Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam viết rằng sự biến động của các nước vùng Trung Ðông đang đấu tranh giành quyền dân chủ trong phong trào Hoa Lài làm mọi người chạnh nghĩ đến số phận của đất nước mình. Tunisia, Ai cập chỉ bị ách thống trị của nhà cầm quyền độc tài vừa mới 30 năm mà họ đã vùng lên đánh đổ, còn Việt Nam đã 36 năm rồi cả một dân tộc bị đảng cộng sản đàn áp mà chưa có được một sự phản kháng ra hồn. Mặc dù đang có được một phong trào đấu tranh đòi dân chủ nhưng còn yếu ớt không đồng bộ nên có cá nhân nào lẻ tẻ nổi lên là bị đàn áp ngay.
Không lẽ ý chí bất khuất của người Việt Nam đã bị liệt kháng, không lẽ người Việt Nam giỏi nhẫn nhục và chịu đựng hơn dân tộc các nước hay sao. Blogger Công Lý Và Sự thật thì tỏ ra quan ngại về tình hình trong nước hiện giờ khi cho rằng vẫn chưa có triển vọng gì, ngoài một số ít người tìm hiểu tình hình và bàn tán về diễn biến ở Trung Ðông, Bắc Phi thôi, chứ số đông trong nước mình rất an phận thủ thường. Có thể nói là chưa động tới quyền lợi của mình thì vô cảm. Một blog khác thì cho rằng các trí thức Việt Nam đang học hỏi và tìm ra phương thức đấu tranh phù hợp với hiện tình đất nước để sau đó hướng dẫn quần chúng. Ẩn số lớn nhất là liệu lớp trí thức Việt Nam hôm nay, nhất là lớp trí thức trẻ, có còn ý chí hay không.
Một người viết Blog cho rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu trí thức Việt Nam không dám vì nghĩ rằng chế độ cộng sản Việt Nam quá mạnh. Ðại hội 11 vừa rồi đã chứng tỏ đảng Cộng sản Việt Nam rất phân hoá trong nội bộ và cũng kiệt quệ về cả trí tuệ lẫn quyết tâm. Không nên vì thấy nó đàn áp hung bạo mà tưởng nó mạnh. Cách đây hai tháng ai có thể nghĩ là các chế độ Ben Ali và Mubarak sắp sụp đổ. Những gì vừa xảy ra chỉ nhắc lại một lần nữa một đặc tính chung của mọi chế độ độc tài bạo ngược, đó là cho tới ngay trước khi sắp sụp đổ chúng vẫn tỏ ra rất vững vàng. Nhưng chúng là những chế độ rất không bình thường và có thể chết một cách rất đột ngột. Nhắc đến Việt Nam, có lẽ công luận không khỏi nêu lên một so sánh trong bối cảnh nhiều ý nghĩa hiện nay.
Vào cuối năm ngoái, một thanh niên có học tên Mohamed Bouazizi vì tình trạng bất công xã hội không tìm được việc làm và bị cảnh sát tát tai, làm nhục, tịch thu phương tiện sinh nhai là nguồn sống duy nhất của gia đình, đã tự thiêu như một hình thức phản ứng hành động bất công cùng cực của xã hội. Và anh Bouazizi 29 tuổi trở thành ngọn lửa khơi mào cho cuộc Cách mạng Hoa Lài ở Tunisia làm sụp đổ chế độ độc tài, mở đường cho hương hoa lài lan toả Bắc Phi, Trung Ðông và rồi Á Châu hiện nay. Thì tại Việt Nam, cộng đồng mạng chú ý đến tin ngắn do các báo trong nước loan tin vào trưa ngày 17 tháng 2 vừa rồi, về vụ một một công dân tự thiêu ngay trước Ủy ban Nhân dân thành phố Ðà Nẵng. Người này sau được xác định danh tánh là Phạm Thành Sơn 31 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin.
Blogger Dân Làm Báo viết ngọn lửa Phạm Thành Sơn đang là tiếng gọi từ con tim và lương tâm của chính người Việt Nam, từ nhịp đập của mạch máu yêu nước đang sùng sục thúc hối. Họ bước khỏi căn nhà ảm đảm và mang theo ngọn lửa này hừng hực sáng trong tâm hồn. Và họ sẽ tìm thấy được ánh sáng Tự Do như ngọn lửa Bouazizi của Tunisia.(SBTN)