Tin tổng hợp - Vụ khủng hoảng chính trị tại Ai Cập như mọi người đều hiểu có tác động nhiều nhất tới Hoa Kỳ, Do Thái, và các quốc gia Ả Rập Hồi Giáo vùng Trung Ðông. Trung Cộng hay Việt Nam không có mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia Bắc Phi này như thế, nhưng không phải là hoàn toàn không bị ảnh hưởng dù chỉ trong một chừng mực rất giới hạn. Trong một bài trên tờ báo Pháp Lexpress trong tuần qua, Jacques Attali là kinh tế gia, học giả và cựu cố vấn của Tổng thống Francois Mitterrand cho rằng sự kiện vừa xảy ra ở Tunisia cho thấy quốc gia này đã chuyển sang kinh tế thị trường sẽ phải trở thành một nước dân chủ. Và ông viết tiếp sau quốc gia này rồi sẽ tới trường hợp Ai Cập, Việt Nam, Trung Cộng, các nước phía Nam sa mạc Sahara và sau đó nữa mới là Algeria và Syria bởi vì kinh tế thị trường ở đây còn ngập ngừng.
Ông Attali đã dự đoán đúng Ai Cập là trường hợp tiếp theo Tunisia vì hai nước này có những hoàn cảnh rất tương đồng với các nhà lãnh đạo độc đoán đã nắm quyền lực trên dưới 30 năm và sự phát triển kinh tế giống nhau. Nhưng ông không tiên đoán như là nhà tướng số nên trong viễn kiến dựa trên lý luận ấy chưa thể nói chắc chắn mọi biến chuyển sẽ lần lượt xảy ra đúng theo trình tự như vậy ở các nơi khác. Kinh tế thị trường là một trong nhiều điều kiện để xã hội đi tới dân chủ, nhưng còn cần nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nữa thì cách mạng quần chúng Trung Cộng trong mấy ngày qua đã thi hành nhiều biện pháp để ngăn chặn những thông tin về biến động chính trị ở Ai Cập nhưng Việt Nam thì không.
Một quan sát viên cho rằng hoàn cảnh Ai Cập và Việt Nam khác hẳn nhau và biến động chính trị ở Ai Cập không có tác động gì đáng phải dành nhiều quan tâm. Trái lại nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn có những mối lo ngại vì Trung Cộng là một đất nước quá rộng lớn và đông dân, chính quyền trung ương không thể nào hoàn toàn bảo đảm nắm vững tình thế ở tất cả các địa phương nên những biện pháp phòng ngừa được đưa ra thường là cao hơn nhu cầu thực tế cụ thể.
Trong mấy năm gần đây do phát triển kỹ thuật thông tin điện tử, những sự bày tỏ quan điểm đối với các chính quyền độc tài trên thế giới và những vụ nổi dậy của quần chúng ở một số địa phương khiến nhà cầm quyền Trung Cộng tin rằng việc tự do loan truyền thông tin là sự tiếp lửa cho bất ổn. Do đó từ mấy ngày qua, trên trang Sina và Netease là hai cổng thông tin điện tử lớn nhất tại Trung Cộng, phần truy tìm từ ngữ Ai Cập đã bị đóng lại và những ý kiến bình luận phía dưới các bản tin ít oi liên quan đến cuộc nổi dậy ở Cairo do Tân Hoa Xã đưa ra cũng bị xóa bỏ.
Ðối với Việt Nam, Ai Cập giữ mối quan hệ hữu nghị lâu dài nhưng không phải là một quốc gia đối tác có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập năm 2010 hơn $200 triệu trong đó Việt Nam xuất cảng nhiều hơn nhập cảng khoảng $180 triệu, theo số liệu do Phòng Thương Mại và Công Nghệ Việt Nam đưa ra. Phần lớn hàng hóa Việt Nam bán cho Ai Cập gồm nông sản phẩm, thủy sản, hàng dệt may và một số mật hàng tiêu dùng khác. Hai nước đã thảo luận về hợp tác ngư nghiệp và dầu khí, tuy nhiên những dự án này nếu thực hiện được cũng phải trong vòng 3 năm nữa.(SBTN)