{nl}
Trong lúc miền Trung đang vật lộn với cơn lũ lịch sử trong nửa thế kỷ, cơn bão Megi mạnh cấp 17 đang tiến thẳng vào biển Ðông. Dự trù vào chiều nay, siêu bão sẽ vượt qua Phi Luật Tân, đe dọa trực tiếp đến vùng biển Việt Nam. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão Megi đạt tới cấp 17 tức 202 đến 221 cây số một giờ, giật trên cấp 17. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây nam với tốc độ 25 cây số mỗi giờ. Trưa hôm nay tâm bão ở nằm trên khu vực phía bắc đảo Luzon với sức gió không đổi. Trong khoảng 2 ngày tới, bão giữ nguyên hướng di chuyển với tốc độ chậm lại chút ít. Chiều tối và đêm mai bão Megi sẽ đi vào khu vực phía đông của biển Ðông. Khoảng trưa ngày mai tâm bão chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 cây số về phía Ðông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 cây số, từ cấp 6 trở lên có bán kính lên tới 400 cây số. Trên đường đi của bão, gần sáng và ngày mai vùng biển phía Ðông khu vực Bắc biển Ðông gió sẽ mạnh dần lên. Ảnh chụp vệ tinh với mắt bão rõ ràng cho thấy phạm vi cũng như cường độ khủng khiếp của siêu bão Megi. Mức độ nguy hiểm của cơn bão được các đài dự báo khí tượng trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên do cấp độ và tính chất phức tạp của một siêu bão, hiện chưa thể đưa ra dự báo dài ngày về hướng di chuyển của Megi.
Theo Ðài khí tượng thủy văn Nhật Bản và Hải quân Mỹ, cơn bão sau khi vào biển Ðông sẽ vòng lên phía bắc vào khu vực bán đảo Lôi Châu Trung Quốc và Hong Kong. Với khả năng này, ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão tới Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên theo dự báo của cơ quan khí tượng Hong Kong, siêu bão này gần như giữ nguyên hướng di chuyển về phía tây và nếu khả năng này xảy ra cơn bão sẽ tấn công thẳng vào các tỉnh miền Trung Việt Nam. Ðây là cơn bão mạnh nhất vào năm đổ vào Phi Luật Tân và biển Ðông.
Trước đe dọa của siêu bão Megi, Hà Nội đã gửi công điện tới các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan yêu cầu theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết về cơn bão để chủ động phòng tránh cơn bão cấp 17 mạnh nhất thế giới trong 5 năm qua. Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết khi ở ngoài khơi Phi Luật Tân, bão Megi mạnh cấp 17, nghĩa là đạt tới độ cao nhất trong thang bảng cấp bão. Ngày hôm nay khi vào Phi Luật Tân, siêu bão đã giảm cường độ còn cấp 14, tức là từ 150 đến 166 cây số một giờ, giật cấp 17, nhưng khi vào biển Ðông thì sẽ mạnh lên từ 1 đến 2 cấp do được tiếp thêm năng lượng từ biển. Việt Nam gọi cơn bão này là cơn bão số 6, nhưng bão có thể thay đổi hướng di chuyển.
Hà Nội cho biết hiện tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có 374 tàu với hơn hơn 4000 ngư dân đang đánh bắt. Trong đó khu vực nguy hiểm là quần đảo Hoàng Sa có 13 tàu với 173 ngư dân, gồm cả tàu được Trung Cộng thả nhưng chưa về được do chết máy. Các tỉnh có tàu là Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận đã bắt đầu kêu gọi người dân vào bờ. Ở trên bờ, các tỉnh cũng đang lên kế hoạch di tản dân thật chi tiết, vì bão vào cấp 13 như Xangsane năm 2006 thì các nhà xây thô ở miền Trung đều sập hết, ngay cả nhà xưởng xây kiên cố của nhiều công ty cũng sập. Nay với cấp 17, nếu bão này đổ vào Việt Nam thì chắc chắn thiệt hại sẽ rất lớn.(SBTN)