CÁC DỰ ÁN TỶ ÐÔ BỊ RÚT PHÉP, CHO THẤY CĂN BỆNH THÀNH TÍCH NGẶT NGHÈO TẠI VIỆT NAM
{nl}Tin tổng hợp - Hàng loạt dự án FDI lên tới hàng tỷ đô-la bị rút giấy phép đầu tư do không đủ năng lực tài chính, là hệ lụy của việc chạy đua thành tích sau một thời gian dài tại nhiều địa phương. Tỉnh Quảng Nam đang hoàn thành các thủ tục rút giấy phép đầu tư của 3 dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản do thi hành quá chậm, gồm dự án Bãi biển Rồng do hai Công ty Tano Capital và Công ty Global của Mỹ làm chủ đầu tư; Dự án du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund của một nhà đầu tư cũng tại Mỹ và dự án khu du lịch Quê Việt của nhà đầu tư Canada. Trong đó dự án Bãi biển Rồng có giá trị lên tới 4.15 tỷ đô-la.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh cũng đã ký quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư bất động sản của Công ty xây dựng và phát triển AJ Vietstar của Nam Hàn do không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Không chỉ có các dự án liên quan đến bất động sản mới xảy ra tình trạng như vậy. Dự án khu liên hợp thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư dự trù gần 10 tỷ đô-la, được khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2008 đang phải tìm chủ đầu tư mới. Ðây là dự án do Công ty Maju Stabil thuộc Tổ hợp Lion Group của Malaysia làm chủ đầu tư. Ðược biết tỉnh Ninh Thuận đã liên lạc về Malaysia, nhưng nhà đầu tư bặt vô âm tín.
Còn ở Khánh Hòa, tháng 7 vừa qua tỉnh này cũng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina của tổ hợp STX của Nam Hàn. Với tổng mức đầu tư 500 triệu đô-la, dự án được coi là lớn nhất trong số các dự án đầu tư ngoại quốc đã được cấp giấy phép vào Khánh Hòa.
Ngoài một số dự án đã và đang trong giai đoạn thu hồi giấy phép, không ít các dự án FDI hiện nay cũng đang có vấn đề. Như siêu dự án thép 16 tỷ đô-la, chủ đầu tư là Formosa Ðài Loan đã xin nhà nước miễn hạn mức tín dụng, miễn thuế nhập cảng, thuế nhà thầu với lý do nếu không nhận được những hỗ trợ này thì dự án sẽ không thể thực hiện được vì thiếu vốn. Rồi dự án thép Guang Lian Dung Quất sau 4 lần đổi giấy chứng nhận đầu tư, giờ lại tăng vốn, tăng công suất, tăng diện tích đất và kèm theo đó là tăng kế hoạch lên 4 năm nữa. Không khó để nhận ra những hệ lụy sau khi hàng loạt các dự án lớn bị rút giấy phép, đó không chỉ là việc gây lãng phí đất, làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nằm trong diện phải di dời phục vụ dự án. Ðó là chưa nói đến những khó khăn trong công tác quản lý mà nhà nước sẽ phải đối mặt.
Những quan sát viên cho rằng đây là kết quả của các cuộc chạy đua về khả năng thu hút vốn FDI diễn ra phổ biến. Có những tỉnh như Ninh Thuận chỉ cần 1 dự án vốn tới 10 tỷ đô-la, ngay lập tức đang từ thứ hạng cuối cùng đã lọt vào top 10 các tỉnh thu hút nhiều vốn FDI nhất.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Ðầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính từ đầu năm đến nay tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt con số 658 với 11 tỷ đô-la, nhưng rõ ràng ngay cả mục tiêu giải ngay cũng đủ để thấy sự thật không phải là như vậy, và những con số do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trình bày cùng với quốc tế chỉ là những trò bịp bợm để tuyên truyền mà thôi.(SBTN)
Posted on 07 Sep 2010
[
print ]
FreeVietNews