Tin tổng hợp - Trước nguy cơ có thể xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng, thành phố Saigon hôm qua mới chịu chấp nhận di tản khẩn cấp các gia đình người dân trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao tại xã Bình Khánh và xã An Thới Ðông huyện Cần Giờ. Theo thống kê của Khu Ðường sông huyện Cần Giờ, hiện có 10 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, riêng xã An Thới Ðông có 5 khu vực, xã Bình Khánh có 2 khu vực với tổng chiều dài khoảng 6000 thước ven bờ các sông, kênh, rạch. Ðợt di dời lần này gồm gần 50 gia đình người dân sống ven 3 con sông lớn Soài Rạp, An Nghĩa và Bà Tổng. Ngoài ra nhà nước cũng ra lệnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập đề án di dời khẩn cấp các gia đình người dân tại 2 xã này. Tại Ðà Nẵng, hàng trăm người dân ở các vùng ven biển khu vực Quảng Nam Ðà Nẵng đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì sóng biển có thể ập đến, cuốn trôi nhà cửa và cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân là vì mùa mưa bão đến gần, song hàng chục công trình phòng chống lụt bão tại đây vẫn đang thi công rất chậm chạp. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ðà Nẵng cho biết hiện trên địa bàn tồn tại hàng loạt điểm nóng về sạt lở như làng Bồ Bàn, Thạch Bàn xã Hòa Phong và xã làng Phú Hòa xã Hòa Nhơn huyện Hòa Vang, làng An Lưu, Mân Quang, phường Hòa Quý thuộc Ngũ Hành Sơn.
Theo thống kê của phường Hòa Hiệp Nam thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Ðà Nẵng, hiện có khoảng gần 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô Ðà Nẵng luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển. Ðất sản xuất, đất sinh hoạt của người dân nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp bởi biển ngày càng ăn sâu vào đất liền. Cạnh đó, một đoạn đê dài gần 2 cây số chạy dọc sông Cu Ðê đoạn cầu Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cây cầu Nam Ô. Tại Quảng Nam, các khu vực Ðầu Voi xã Tiên An, huyện Tiên Phước, núi Hòn Bằng huyện Duy Xuyên, làng Ðông Bình xã Duy Vinh, huyện duy Xuyên, làng Mỹ Hảo Ðại Phong, huyện Ðại Lộcà cũng đang có nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng của cả làng. Từ năm 2003, Nhà nước đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng 3 cây số kè biển Tam Thanh và 1 cây số kè sông đã hoạt động từ giữa năm 2006.
Ðến nay, dù kè biển Tam Thanh bị sạt lở hơn 400 thước nhưng vẫn chưa được sửa chữa, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân. Công trình đê kè Liên Chiểu Thuận Phước được thành phố Ðà Nẵng phê duyệt từ năm 2008, có tổng chiều dài hơn 2000 thước, tổng vốn đầu tư trên 72 tỷ đồng được xem như một con đê quan trọng bảo về hàng ngàn người dân thành phố Ðà Nẵng trong mỗi dịp mưa bão. Tuy nhiên sau gần 3 năm khởi công xây dựng, hiện công trình này vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, một số đê kè chắn sóng đã bị cơn bão năm 2009 đánh tan, đến nay vẫn chưa sửa chữa xong.(SBTN)