Tin tổng hợp - Trước tham vọng của Trung Cộng đòi kiểm soát hầu hết vùng Biển Ðông, Hoa Kỳ đã khẳng định lại quyền tự do thông thương hàng hải và kêu gọi Trung Cộng tôn trọng thông lệ và luật pháp quốc tế. Ðể làm việc này, Washington chủ trương giải quyết trong khuôn khổ đa phương thay vì song phương. Tuần trước nhân Hội nghị ngoại trưởng ASEAN- Hoa Kỳ và Diễn đàn khu vực Ðông Nam Á ARF tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã làm dấy lên sự giận dữ của Trung Cộng khi bà tuyên bố rằng việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Ðông liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Cộng lên án những phát biểu này, coi đây là một sự can thiệp của Mỹ, đồng thời tố cáo Washington có ý đồ quốc tế hóa một vấn đề thuần túy của khu vực.
Tuy nhiên theo giới phân tích, những phát biểu của bà Clinton tại Hà Nội, cùng với việc Washington tái lập quan hệ hợp tác quân sự với Nam Dương nhân chuyến viếng thăm nước này của bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates vào tuần trước, đánh dấu một bước tiến tích cực trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama đối với khu vực châu Á. Theo tờ Wall Street Journal, có hai lý do giải thích vì sao cần có một giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Ðông. Trước tiên là các vụ tàu Trung Cộng quấy nhiễu tàu Mỹ và những yêu sách quá đáng về chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Ðông, bao gồm gần như toàn bộ vùng biển này kể cả hải phận quốc tế và những nơi mà Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Ðài Loan cũng đang đòi chủ quyền. Ðiều này cho thấy là Bắc Kinh không tôn trọng các chuẩn mực giao thông hàng hải quốc tế và tìm cách ngăn chặn các hoạt động quân sự hợp pháp của Mỹ tại vùng biển.
Lý do thứ hai là Trung Cộng chỉ muốn đàm phán song phương để dễ dàng đàn áp quốc gia đàn em của mình như Việt Nam, còn Mã Lai và Phi Luật Tân không thể đứng riêng rẽ mà phải phối hợp với nhau và đặc biệt là với Mỹ. Với cách giải queýt vấn đề như vậy, Hoa Kỳ sẽ làm thất bại chính sách chia để trị của Trung Cộng tại khu vực Ðông Nam Á. Theo giới phân tích, Trung Cộng sẽ gây áp lực mạnh mẽ nhằm buộc các nước ASEAN chấp nhận đòi hỏi của mình. Chính quyền Bắc Kinh sẽ thuyết phục rằng Trung Cộng là một nước châu Á, trong khi đó sự mong đợi vào Mỹ thì mong manh và không chắc chắn. Giới chuyên gia Mỹ, được báo The Wall Street Journal trích dẫn, cho rằng để bác bỏ lập luận trên đây của Trung Cộng, Hoa Kỳ phải có một số hành động cụ thể. Trước hết là dùng sức mạnh quân sự hỗ trợ cho chính sách ngoại giao.
Trong thời gian qua uy thế quân sự của Mỹ ở vùng Ðông Nam Á đã bị xói mòn. Do vậy bộ Quốc phòng cần có một kế hoạch tương xứng với sự hiện diện ngày càng gia tăng về quân sự của Trung Cộng trong khu vực. Bên cạnh đó để thúc đẩy cách giải quyết vấn đề đa phương, Washington nên lập một cơ quan đại diện Quan hệ Ðối tác Khu vực châu Á đặt tại thủ đô một nước đồng minh, giống như cơ quan đại diện của Mỹ tại Brussels, phụ trách quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu. Vấn đề không phải là xây dựng một kiểu liên minh quân sự như NATO ở châu Á mà chỉ nhằm thiết lập mạng lưới đồng minh có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhau tại châu Á. Khi tổng thống Barack Obama mới nhậm chức, chính quyền của ông đã trấn an Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ không phản đối việc Trung Cộng phát triển và trở thành một siêu cường. Quan điểm này đã làm cho Bắc Kinh suy luận rằng Mỹ đã suy yếu và tỏ thái độ hung hăng khi tuyên bố Biển Ðông nằm trong vùng lợi ích của mình. Do vậy giới chuyên gia Mỹ cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ cần phải trấn an các đồng minh và đối tác tại Ðông Nam Á, qua việc tạo dựng những cơ chế hợp tác cần thiết để thực hiện chính sách ngoại giao mới của Mỹ đối với khu vực này.(SBTN)