Tin tổng hợp - Theo thông báo của các chiến hữu dân chủ người Việt tại Canada từ cả tháng trước, một phái đoànọ Quốc hội Canada gồm có hai người là nữ Dân biểu Ève-Mary Thái Thị Lạc, Phát ngôn viên nhân quyền của đảng Bloc Québécois, và Thông dịch viên Phạm Huy Bách sẽ đến thăm hai nhà đấu tranh tôn giáo tại Huế là Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Phan Văn Lợi. Bà Dân biểu Thái Thị Lạc, Dân biểu Claude Guimond, chồng sắp cưới của bà, hai Phụ tá người Canada và một Thông dịch viên đã từ Saigon ra Huế và đến Nhà Hưu dưỡng thuộc Nhà Chung của Tổng Giáo phận Huế để gặp hai Linh mục tại phòng Linh mục Lý đang tạm trú để điều trị bệnh tật trong thời hạn một năm theo quyết định của Tòa án tỉnh Hà Nam.
Bà Dân biểu Thái Thị Lạc, 38 tuổi, là người gốc Việt, dân tộc Chăm. Bà Dân biểu cho biết chuyến đi Việt Nam lần này có mục đích gặp gỡ một số Ðại biểu Quốc hội Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngoài ra cũng để gặp gỡ một số nhà đấu tranh dân chủ hay nhân vật có khuynh hướng dân chủ ở cả ba miền. Họ đã bị cản trở không gặp được những nhà dân chủ và những người dân oan, nhưng đã gặp được hai linh mục tại Huế.
Cha Lý cho biết là mình vẫn tiếp tục điều trị bệnh bại liệt tay phải, chân phải và đang điều trị một điểm tụ huyết trên bán cầu não trái và một túi nang ở bán cầu não phải sau gáy. Trước đó đại sứ Canada đã hứa trong tháng 7 sẽ có một toán bác sĩ người Canada sẽ qua Việt Nam để thăm khám và điều trị cho cha. Linh mục Phan Văn Lợi cho biết về tình trạng an ninh của mình là vẫn bị quản chế tại gia bằng khẩu lệnh, nghĩa là hầu như luôn có công an đóng chốt canh giữ gần nhà và bám theo khi ra khỏi nhà; ngoài ra còn bị ngăn cấm đi phục vụ. Hai vị đã trình bày tất cả những vụ tranh đấu ở Cồn Dầu cũng như tại tòa Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà và giáo xứ Ðồng Chiêm ở Hà Nội, giáo xứ Tam Tòa ở Quảng Bình, giáo xứ Loan Lý ở Huế, dòng Thánh Phaolô tại ở Vĩnh Long và hàng vạn vụ việc liên quan đến đất đai khắp cả Việt Nam.
Hai vị cũng đưa ra hai đề nghị kêu gọi Canada hãy vận động tự do ngôn luận, tự do báo chí cho người dân Việt Nam. Ðề nghị thứ hai là xin áp lực nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấm dứt cưỡng bách người dân qua các chương trình tịch thu đất đai để phục vụ các kế hoạch phát triển kinh tế đô thị, và quan trọng nhất là phải trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân.(SBTN) {nl}{nl}