|
Tin New York - Ngày hôm qua Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam, trong chuyến đi Hà Nội lần này. Human Rights Watch nói trong khi gặp chính thức hoặc riêng tư với các viên chức Việt Nam, Ngoại trưởng Clinton nên nhấn mạnh đến ưu tiên của Hoa Kỳ, xem việc Việt Nam phát huy tôn trọng nhân quyền là một phần của mối quan hệ song phương. Ông Phil Robertson là Phó ban châu Á tuyên bố Ngoại trưởng Clinton nên nói rõ là Hoa Kỳ đứng về phía những nhà tranh đấu nhân quyền dũng cảm, những nhà hoạt động dân chủ ôn hòa của Việt Nam, và sẽ không bỏ rơi những người này để tăng cường các quan hệ an ninh và thương mại với Việt Nam. Human Rights Watch nói thêm 10 năm sau chuyến đi Việt Nam lịch sử của Tổng thống Clinton và 15 năm sau khi quan hệ bình thường với Hoa Kỳ, những tiến bộ kinh tế của Việt Nam chưa tương xứng với những nỗ lực tương tự trong việc bảo vệ những quyền cơ bản của con người.
Ngoại trưởng Clinton nên nêu rõ là sự ổn định kinh tế và phồn vinh lâu dài của Việt Nam tùy thuộc vào chuyện bảo vệ các quyền của nhân dân Việt Nam được tham gia đầy đủ trong việc xây dựng tương lai đất nước về mặt chính trị, kinh tế và xã hội Thông cáo báo chí của Human Rights Watch lưu ý Việt Nam vẫn là một nhà nước độc đảng, hạn chế quyền tự do lập hội và tụ tập, nắm chặt các tổ chức tôn giáo và lao động, cấm đoán báo chí độc lập, và khởi tố nghiêm khắc những người chỉ trích công khai nổi tiếng, thường phạt họ những án tù dài ngày.
Ông Robertson nói với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nên tôn trọng các điều khoản về nhân quyền trong Nội quy của ASEAN và nên lãnh đạo khu vực vào một quyết tâm mới để phát huy và bảo vệ nhân quyền. Human Rights Watch kêu gọi Ngoại trưởng Clinton nên yêu cầu Việt Nam 4 điểm: Thứ nhất, trả tự do cho tất cả tù chính trị và tôn giáo. Thứ hai, nhấn mạnh đến chuyện Hoa Kỳ sẵn sàng giao tiếp với Việt Nam về các vấn đề an ninh và thương mại với điều kiện Việt Nam có tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Thứ ba, động viên Việt Nam tôn trọng quyền bày tỏ tư tưởng, chấm dứt các biện pháp kiểm duyệt và nắm chặt báo chí cũng như Internet, chấm dứt việc đánh sập các trang web ủng hộ nhân quyền và dân chủ. Thứ tư, kêu gọi Việt Nam rút lại các luật giới hạn hoặc khép tội hình sự những người bất đồng ôn hòa, rút lại những luật lệ mơ hồ và khó khăn liên quan đến an ninh quốc gia.(SBTN)