|
Tin tổng hợp - 7 giờ tối ngày hôm nay, bão mạnh cấp 10 đã đổ vào Hải Phòng Thái Bình cuốn phăng nhiều mái nhà, 3 du khách bị mất tích, nhiều người bị thương. Tại Hà Nội mưa gió đã quật đổ nhiều cây xanh gây cản trở lưu thông. Theo bản tin cuối ngày của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, lúc 8 giờ tối vị trí tâm bão số 1 tên quốc tế là Côn Sơn ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng Thái Bình, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 đến cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8 đến cấp 9. Tại Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ đã bị cô lập trong bão, một số tuyến đê đã bị sạt lở. Tại bãi biển Ðồ Sơn lúc 7 giờ, gió gầm thét, những cột sóng cao 5 đến 7 thước, cây đổ ngổn ngang trên phố. Nhiều tàu bè bị chìm, một người bị thương. Tại Quảng Ninh, mưa to, gió lớn đã gây mất điện hầu hết các địa phương trong tỉnh. Sở Giao thông đã cấm người đi bộ, xe thô sơ và xe mô-tô qua cầu Bãi Cháy. Tại phường Hồng Hà tỉnh Hạ Long, một bè bị đứt neo trôi xa cách bờ khoảng 40 m, trên bè có 20 người. Khu vực Cảng Mới, lực lượng cứu cấp đã đưa 30 người còn đang ở trên các tàu bè neo đậu tại đây lên trên bờ. Ở khu vực này có nhiều thuyền nan, tàu máy nhỏ bị sóng đánh đắm và hư hỏng nặng. Tại Yên Hưng, bão đã làm tốc mái hàng chục ngôi nhà gia, đổ gần 10 cột điện. Tối nay, huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình điện đã cắt hoàn toàn, gió mạnh cấp 9 kèm theo mưa lớn làm gãy đổ một số cây xanh.
Tại bãi biển xã Hải Hòa huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, sáng nay một thiếu nữ 18 tuổi ở Hà Nội đã tắm biển và bị sóng lớn làm lật phao, cuốn trôi. Tại bãi biển Sầm Sơn chiều cùng ngày, 2 du khách cũng bị cuốn trôi khi tắm biển. Ðến tối nay, lực lượng cứu cấp vẫn chưa tìm thấy 3 người này. Tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh gió rít liên hồi quật đổ nhiều cây xanh, sóng biển đánh mạnh vào bờ kè tạo thành cột sóng cao 5 đến 6 thước. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng đang mưa rất to tới 180 milimét. Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định, bão Côn Sơn có mắt lớn, vùng tâm ảnh hưởng rộng, trọng tâm bão đổ bộ là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ bị đuôi bão quét qua. Do mắt bão rộng lại có đặc điểm hệ thống mây phía nam dầy hơn phía bắc nên sau bão sẽ có 2 vùng mưa lớn là các tỉnh đồng bằng miền Bắc, gồm Nam Ðịnh, Ninh Bình, Hà Nam và Hà Nội. Vùng thứ hai là Thanh Hóa, Nghệ An. Theo đó, mưa ở khu vực đồng bắc miền Bắc phổ biến 200 đến 300 milimét, khu vực miền núi phía Bắc, lưu vực sông Ðà, sông Thao có thể lên trên 300 milimét. Mưa tập trung ngắn từ đêm nay đến hết sáng mai nên khả năng ngập lụt là rất cao. Hiện các tỉnh thành Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình và Ninh Bình đã di tản 18,300 dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hai tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa vẫn chưa di tản dân vì còn tiếp tục theo dõi diễn biến sau bão.
Tại Quảng Ninh, từ buổi chiều tỉnh này đã có mưa và gió rất to. Toàn tỉnh đã bị mất điện, Công ty Ðiện lực đang tập trung sửa chữa nhưng chưa biết bao giờ mới xong để cấp có điện trở lại. Gió bão cũng đã giật đổ cột phát sóng của Ðài Vân Ðồn và đổ một cột ăng-ten của trạm phát sóng Viettel tại huyện Vân Ðồn. Tại Ðồ Sơn Hải Phòng, từ 2 giờ chiều gió bão bắt đầu thổi mạnh. Thỉnh thoảng những con gió rít lên từng hồi, làm nghiêng ngã dãy phi lao chắn sóng ven bờ và giật tung một số bảng quảng cáo của những ngôi nhà nghỉ. Sóng biển dâng cao cuồn cuộn vồ đập vào bờ kè. Bãi biển dài vắng hoe, chỉ có một số ít du khách tò mò ra ngắm bão. Một số nhà hàng ven biển thấy gió giật mạnh vội vàng gia cố lại cửa bằng những tấm gỗ phòng chống. Mưa bắt đầu từ sáng, nhưng không to. Ðến khoảng 4 giờ chiều gió bão làm nổ bốt điện ở khu vực 2 của Ðồ Sơn gây mất điện cho cả khu vực. Những cột sóng chồm lên khỏi bờ đã và tiến sâu vào đất liền. Tại bãi biển Hải Thịnh tỉnh Nam Ðịnh, chiều nay gió gầm rít mạnh, biển đỏ ngầu, sóng đánh mạnh vào bờ cao 2 thước. Bãi biển Hải Thịnh thường rất đông khách, nhưng vì bão nên vắng hoe. Dù vậy hầu hết các quán hàng vẫn hoạt động. Người dân nơi đây đã quen với mưa bão nên không thấy quá lo lắng. Khoảng 2 giờ chiều, giữa lúc cơn bão Côn Sơn đang thẳng hướng vào bờ, tại huyện Hậu Lộc là nơi được coi là đầu sóng ngọn gió của Thanh Hóa, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các mùa mưa bão, khoảng 4 giờ chiều nay, gió bắt đầu mạnh lên cấp 5 đến 6 và bắt đầu có mưa. Thủy triều bắt đầu dâng và biển động mạnh.
Huyện Hậu Lộc loan tin có hơn gần 800 tàu thuyền của huyện đã vào nơi trú ẩn an toàn, hiện còn khoảng 40 tàu thuyền đang trú tại Quảng Ninh và Nam Ðịnh. Huyện Hậu Lộc cũng đã tổ chức di gản dân theo hai phương án. Một là di dân tại chỗ đối với các gia đình sống mép biển vào các trường học, trạm y tế và các nhà cao tầng kiên cố. Hai là di dân theo vùng lên tại các xã vùng cao. Hậu Lộc có 5 xã ven biển với trên 7000 gia đình người dân sinh sống. Tuy nằm xa tâm bão, nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế lại hứng đĩa mây dày đặc của bão nên có mưa rất to. Tại Hà Tĩnh, lượng mưa đo được tại Kỳ Anh tới 120 milimét, một số nơi như Hương Khê 60 milimét, Vũ Quang 50 milimét. Bà con gọi đây là cơn mưa vàng vì đã giúp cải thiện nguồn nước ở các hồ đập cũng như mang lại thời tiết mát mẻ cho người dân sau nhiều tháng khô hạn, nhiệt độ cao nhất luôn trên 35 độ C. Trưởng phòng dự báo Trung tâm khí tượng thuỷ văn Bắc Trung bộ cho biết, khả năng đêm nay và ngày mai, khi bão tiến sâu vào đất liền, lượng mưa sẽ tăng và rải đều khắp các tỉnh từ Thanh Hoá đến Nghệ An, Hà Tĩnh
Hiện nay, tất cả hồ đập lớn nhỏ ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang sẵn sàng để tích nước sản xuất sau bão. Tại Quảng Bình, mưa to bắt đầu từ 2 giờ sáng nay, lượng mưa cao nhất tại Ba Ðồn tới 180 milimét, tại Mai Hóa 120 milimét. Bão Côn Sơn đã giúp Quảng Bình giải được cơn khát trong suốt 3 tháng qua. Mưa rất to, nhưng do mặt đất nứt nẻ, các sông hồ cạn kiệt, nên chỉ có tác dụng thấm đất, không tạo thành dòng chảy lớn, không gây lũ lụt nguy hiểm. Hiện hơn 4100 tàu thuyền của tỉnh đã được kêu gọi về nơi trú bão an toàn. Việc chuẩn bị phương án di tản dân đã có, tùy tình hình mưa bão sẽ di dời.(SBTN) {nl}{nl}