- |
Tin Thanh Hóa - Các tỉnh phía Bắc của miền Trung Việt Nam đang trải qua một trận nóng kỷ lục kể từ năm 2003 đến nay mà báo trong nước gọi là chảo lửa. Nhiệt độ tại Hà Nội lên tới trên 40 độ C, tương đương với nhiệt độ cao nhất tại đây trong đợt nắng nóng lịch sử giữa tháng 6 vừa qua và được xác định là cao nhất từ năm 2003 trở lại đây. Tại các tỉnh miền Trung, nhiệt độ cao nhất nhiều nơi phổ biến xấp xỉ 40 độ C, một số nơi cao hơn như Tĩnh Gia Thanh Hóa 42.1 độ C, Hương Khê Hà Tĩnh 41.4 độ C, Tương Dương Nghệ An 40.8 độ C.
Nhiệt độ tại Tĩnh Gia được xác định là cao nhất từ trước đến nay. Nắng nóng cộng với gió Lào thổi mạnh đã khiến cho các tỉnh miền Trung bị biến thành một chảo lửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Nguồn tin từ Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn của Việt Nam cho biết dự báo nắng nóng sẽ còn tiếp diễn tại các địa phương trong vài ngày nữa rồi giảm dần,
Trong khi đó người dân các tỉnh miền Trung vẫn phải gồng mình chống chọi với cái nắng cháy da cháy thịt ít nhất một tuần lễ nữa. Theo cơ quan này thì từ nay đến trung tuần tháng 7 ở miền Bắc chỉ có mưa rào nhẹ, miền Trung vẫn chưa có khả năng xuất hiện mưa nên tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt tiếp tục trầm trọng. Tại Nghệ An, chạy xe dọc theo quốc lộ 46, quốc lộ 15A qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Thanh Chương chỉ thấy những cánh đồng nứt toác, khô khốc như hoang mạc. Sở Nông Nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết hơn 25,000 mẫu lúa đã gieo cấy đang có nguy cơ chết cháy, trong đó hơn 8,000 mẫu khả năng không thể cứu vãn.
Chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Nghệ An, cho biết cả tỉnh có 625 hồ đập nhưng gần 600 hồ đập đã phơi đáy, chỉ còn gần 30 hồ còn có thể vớt vát được ít nước. Nhưng nếu trời tiếp tục đổ lửa thì chỉ ít ngày nữa số hồ đập này cũng chết hết. Mực nước sông Lam cũng đã xuống rất thấp, nước mặn xâm nhập sâu hơn 20 cây số khiến hệ thống thủy lợi phía Nam của tỉnh gần như không thể hoạt động. Các trạm bơm ở các huyện Nam Ðàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc đang nằm chết vì không còn nước để bơm, trong khi hàng nghìn hecta lúa ở các huyện này đang ngắc ngoải. Nhiều biện pháp cứu lúa đã được thực thi như nạo vét kênh mương, mua thêm máy phát điện để bơm nước nhưng bây giờ nước dưới kênh cũng không còn để mà bơm nữa. Tại Thanh Hóa đã có tới gần 34,000 mẫu lúa có nguy cơ mất trắng; 23,000 mẫu không có nước để cấy. 250 trong số 406 hồ đã hết nước, những hồ còn lại lượng nước cũng xấp xỉ mực nước chết. Mực nước trên các sông, đặc biệt sông Mã, sông Lèn, sông Chu, sông Bưởi, sông cầu Chày rất thấp, nhiễm mặn đã xâm nhập vào toàn bộ kênh De, sông Càn, sông Hoạt và sâu vào sông Lèn đến 20 cây số, thời gian vận hành các trạm bơm chống hạn bị giảm đáng kể xuống chỉ được 8 đến 12 tiếng trong ngày.
Tại các huyện miền núi Thanh Hóa, người dân phải chọn cách tìm các hang đá để tránh nóng. Ngay giữa Hà Nội, bằng mọi cách, người ta rủ nhau đi trốn nóng. Những nơi có bóng cây, hồ nước như công viên, bờ hồ Gươm, hồ Tây là những nơi trốn nóng lý tưởng. Nắng nóng cũng làm nhiều người đổ bệnh. Tại các bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân đến khám bệnh cao hơn ngày thường rất nhiều. Tại bệnh viện Nhi đồng Trung ương, nắng nóng liên tục cũng khiến trẻ đến khám luôn ở mức cao, với khoảng 1800 đến 2000 trẻ khám mỗi ngày.(SBTN) {nl}{nl}