{nl}
VRNs (12.06.2010) �" Sài Gòn - Bây giờ đời sống đỡ nhọc nhằn hơn đôi chút, chứ mấy năm trước còn lầm than, gặp cái gì người ta cũng mua cũng bán. Khi có dịp làm thịt được con vịt, người ta cũng để dành lông mà bán, dù chẳng được mấy đồng. Lông vịt dồn thành đống, cân hoài chưa đầy một ký!
Lông vũ nhẹ hơn nhiều thứ trên đời, nên trong thơ văn cũ, người ta dùng cách nói Thái sơn hồng mao (núi Thái, lông chim hồng) để so sánh cái nặng nhất và cái nhẹ nhất. Ðể diễn đạt chí anh hùng của bậc nam nhi, tác giả Chinh Phụ Ngâm dùng hình ảnh “gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”, coi cái chết không nặng như núi Thái, mà nhẹ như lông hồng.
Khi các giá trị bị đảo lộn, có những điều thiêng liêng cao quí cũng được cân chưa bằng lông chim hồng. Công lý là giá trị cao quí, là thuộc tính của Thiên Chúa tối cao, đã bị “thế gian điêu ngoa” coi không bằng một ký lông vũ. Và điều đáng kinh ngạc là ngay cả những bậc vị vọng, có học thức và có sứ mạng bảo vệ chân lý, cũng coi việc lên tiếng cho Công Lý là dư thừa, là không cần thiết, thậm chí là gây chia rẽ!
Công Lý là gì và tại sao lại bị coi nhẹ đến thế? Người bình dân khi giơ cao ngọn nến cháy sáng hay nhành lá thiên tuế biểu lộ lòng ỵêu mến Công Lý thì họ hiểu một cách đơn giản, và chính xác, rằng Công Lý chính là việc thực thi ý Trời. Ngày xưa thánh hiền đã dạy “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”, thuận lòng Trời thì còn mãi, nghịch ý Trời thì phải chết thôi. Người dân sợ phải tiêu vong lắm.
Và họ cũng hiểu rằng Công Lý là phán quyết công minh và là công bằng xã hội. Với lương tri con người, ai cũng nhận ra rằng không thể có Công Lý khi mọi thứ cứ rối tung lên, của người này bay vào tay người khác, rồi người vô tội lại bị hàm oan.
Hãy nhìn các em bé. Thượng Ðế khôn ngoan đã phú cho con người từ khi còn tấm bé đã phân biệt chính tà. Khi em bé đến trường, cô giáo phạt oan hay bạn bè giật mất cây kẹo, bé cứ khóc mãi. Bé không tiếc cái kẹo hay giận cây roi vô tình, cho bằng tủi thân vì bị cướp mất sự công bằng.
Em bé coi công lý như ngọn Thái sơn oai hùng. Vậy mà người lớn coi Công Lý nhẹ như hồng mao. Gần đây nhất, có nơi đất giáo xứ bị đe doạ biến mất, dân Chúa âu lo đến đau lòng, có vị hữu trách cứ đơn sơ cười nói, họp mặt, bắt tay hớn hở “không có kẻ thắng người thua” vì thật ra mục tử có thua cũng chẳng thấy! Chỉ có Công Lý là bay phất phơ, và dân Chúa thì lơ phơ lất phất.
Khi Ðấng Tạo Hoá sáng tạo nên con người, Ngài thổi Thần Khí vào để họ được sống. Thần Khí ấy cũng là Thần Khí của Tự do, Tình yêu, Ân sủng, Công lý và Bình an. Những giá trị ấy làm thành nhân vị con người, và cho dù tội lỗi có ngập tràn thì Ðấng Tạo Hoá cũng không huỷ bỏ nhân vị ấy được. Nỗ lực phục hồi nhân vị cho loài người thụ tạo nằm ở chính chương trình Cứu độ. Không thể nói đến ơn Cứu độ mà không nói đến nhân vị, phẩm giá con người cùng những giá trị làm nền tảng cho ngôi nhà sự sống.
Nhưng làm sao để đề cao Công Lý? Có một điều lạ là bây giờ tác giả nào viết về Công lý đều dễ bị các “đấng làm thầy” cho là muốn dạy đời hay “phê phán, chỉ trích”. Thật ra, bất cứ ai và bất cứ nhóm nào, hễ nhắc đến Công Lý là chỉ lặp lại giáo huấn và chỉ thị của Hội Thánh. Ai dị ứng với hai từ Công Lý thì tự trong tâm hồn họ đã có mặc cảm sâu sắc với Hội Thánh là Mẹ. Họ làm gì để phải mặc cảm thì chỉ có Chúa mới biết, và “dàn đồng ca” của họ mới hiểu.
Linh mục Jerzy Popieluszko của Ba lan đã sống hết mình cho Công Lý, nhiệt tâm rao giảng Công Lý và chắc chắn đã từng bị công kích. Giám mục Stanislaw của Ba lan cũng đã từng rao giảng, nhưng lại đứng về phía đối nghịch với dân nghèo, và ủng hộ những quyền lực tối tăm.
Thời gian không đứng yên, và Thiên Chúa của Công Lý đã ra tay vào lúc thuận tiện. Cha Jerzy Popieluszko đã được Hội Thánh tôn phong lên hàng chân phước. Ðức Tổng Giám Mục Ismael Rolon Silverio của Paraguay mới qua đời cũng được tôn vinh vì suốt đời ngài sống cho Công Lý.
Còn vị “đơn ca áo tím” Stanislaw trước đó không lâu đã phải cúi đầu than khóc xin lỗi dân Chúa, và phải từ chức Tổng Giám Mục. Công Lý phải là ngọn Thái Sơn uy hùng, cho dù có những bàn tay muốn tung Công Lý lên như chiếc lông vũ, coi nhẹ Công Lý như coi nhẹ phận hèn của dân nghèo.
Xin đừng coi thường những người phận nhỏ, vì “Phận nữ tỳ hèn mọn, Chúa đã đoái thương nhìn tới; và Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc.1,48-49).
Chính nơi những người phận nhỏ, Thiên Chúa gieo Công Lý của Ngài.
Gioan Lê Quang Vinh