{nl}Tin Saigon - Trong khuôn khổ hoạt động chính thức của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF về Ðông Á đang diễn ra tại Saigon, trưa ngày hôm qua nguyên thủ các nước Cam Bốt, Lào, Miến Ðiện, Thái Lan, Cộng sản Việt Nam và các đại biểu đã tham gia buổi làm việc với chủ đề hợp tác trong tiểu vùng Mekong. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết mặc dù có những khác biệt nhưng hợp tác giữa các nước vẫn có thể diễn ra và thực tế đang diễn ra trong khuôn khổ Hiến chương mới của ASEAN. Ông nói sự hợp tác là để khai thác sự gần gũi giữa những con người.
Cho dù đó là Việt Nam với Cam Bốt, Thái Lan với Lào hoặc kết hợp, hoán đổi giữa các hợp tác này thì thấy con người dọc theo các biên giới quan hệ với nhau rất mật thiết, gắn kết với nhau trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển từ thương mại xuyên biên giới đến phát triển giao thông vận tải. Theo ông Abhisit, đó chính là cơ hội lớn cho tăng trưởng, là cơ hội tiềm năng, cơ hội sẵn có quan trọng và điều kiện để phát triển các khung thể chế cũng như cơ sở hạ tầng cho môi trường phát triển chung của tiểu vùng. Cũng nói về việc hợp tác, trong bài phát biểu trước đó của mình, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh khẳng định các nước trong tiểu vùng Mekong đã thiết lập quan hệ chặt chẽ của mình trong khi vẫn giữ vững chủ quyền độc lập theo phương cách tiếp cận và hỗ trợ lẫn nhau.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng việc chỉ trích nghi ngờ lẫn nhau không thể giúp giải quyết các vấn đề chung của chúng ta. Hợp tác tin cậy, bảo vệ tốt môi trường chung sẽ giúp phát triển hài hòa và nâng cao mức sống dân cư của tiểu vùng sông Mekong. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Thein Sein của Miến Ðiện khẳng định nước ông không sử dụng nhiều những nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được cho việc phát triển kinh tế. Miến Ðiện cũng làm thủy điện nhưng chính phủ cũng có các chương trình hữu hiệu bảo vệ nguồn tài nguyên nước và tài nguyên rừng. Bằng kinh nghiệm của mình, Miến Ðiện kêu gọi các nước trong tiểu vùng sông Mekong cách phát triển nào cũng phải bảo đảm không làm cho các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, đặc biệt là tài nguyên nước vì như thế sẽ khó phát triển.(SBTN)