{nl}
"Sự thật ở đâu?" vẫn còn là nỗi khắc khoải khôn nguôi, nếu người ta không nhớ rằng chính Ðức Giêsu đã mạc khải “Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống”, và sứ mạng Giáo Hội chính là loan báo Sự Thật mà Người đã mạc khải, không che giấu và không sợ hãi.
Ðối thoạiMột sinh viên của tôi kể câu chuyện rất hài hước rằng trên chuyến xe đò về Daknông, mấy người bạn của anh học ngành kỹ thuật, không biết tiếng Anh, ngồi gần một hành khách ngoại quốc. Ông khách hỏi mấy câu gì đó các bạn ấy không hiểu, thế là một bạn đưa tay ra dấu như con dao cắt ngang cổ. Ông khách hết hồn, nghĩ là chàng trai doạ giết nên ông ngồi im ru. Các bạn bật cười vì các bạn chỉ muốn đùa rằng “Biết chết liền!”.
Rõ ràng việc đối thoại bất thành. Trong các lớp ngoại ngữ, một trong những hoạt động chính yếu là đối thoại. Khi làm ăn kinh doanh, người ta cũng cần đối thoại. Giữa xã hội, các các nhân và tổ chức cũng coi đối thoại như phương thế hữu hiệu để thành công.
Nhưng đối thoại là gì, đối thoại để làm gì và đối thoại như thế nào vẫn còn là vấn đề làm nhức óc nhiều người. Thậm chí những người hay dùng những từ đối thoại lại dường như không nắm được nội hàm của từ ngữ hoặc lạm dụng từ ngữ vì những lý do thuần cá nhân. Do đó, khi một người có trách nhiệm nói đến đối thoại thì lập tức làn sóng phản ứng tiêu cực lan nhanh.
Trong các lớp ngoại ngữ, đối thoại là để thực hành việc nói thứ tiếng mà học viên đang học. Người ta không chú ý đến chính kiến của người nói cho bằng khả năng sử dụng ngôn ngữ. Khi hai cá nhân hay hai tổ chức đối thoại với nhau, họ nhằm mục đích tìm hiểu nhau để nối kết sự giao hảo hoặc để mang lại lợi nhuận cho nhau.
Vậy đối thoại là gì? Từ điển tiếng Việt định nghĩa đối thoại là “nói chuyện qua lại trực tiếp giữa hai người hoặc nhiều người.” Nói chuyện với những mục đích rõ ràng khác nhau, nhưng đối thoại tựu trung là để hiểu nhau hơn.
Ðối thoại cũng cần phải có những điều kiện cần thiết, mà điều kiện đầu tiên là phải cùng ngôn ngữ, ngay cả ngôn ngữ cử điệu cũng phải cùng hệ. Các bạn sinh viên ở trên và ông khách Tây đã không những không xích lại gần mà còn trở nên đối nghịch vì cố gắng đối thoại trên những căn bản vô cùng khác biệt, những khác biệt không thể “hoá giải” trên chuyến xe đò.
Ðiều kiện thứ hai để đối thoại thành công là cà hai bên phải có thiện chí. Làm gì có đối thoại giữa chiên và sói, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những con người chỉ biết cầm nến hát kinh Hoà Bình và những con người cầm dùi cui đi với chó nghiệp vụ. Khi bên có thiện chí biết bên kia không có thiện chí mà vẫn kêu gọi đối thoại thì có nguy cơ đối thoại biến thành sự vâng phục bất chính.
Ðiều kiện thứ ba, điều quan trọng nhất, là “Phải coi luật luân lý phổ quát, được khắc ghi trong tâm hồn con người, là luật hữu hiệu và không thể xoá bỏ như một biểu hiện sống động của lương tri được chia sẻ của nhân loại, một “quy tắc thành văn” để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng tương lai thế giới” (ÐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50). Sẽ là ảo tưởng khi muốn đối thoại với những con người chà đạp luật luân lý, luôn đặt nền tảng trên sự giả dối, kết án và bạo lực.
Xã hội ngày nay làm cho những tâm hồn thiện chí hoang mang, lắm khi thất vọng. Những bậc quyền cao chức trọng của các tôn giáo là những người hướng dẫn xã hội đi về Siêu Việt, thì chính họ phải hiểu những gì họ làm. Không thể nói chung chung. Nói chung chung để rồi kết án người khác không sống đúng tinh thần đối thoại là điều bất công.
Ðối thoại là cần thiết. Ngôn ngữ là đặc trưng của loài người. Nhưng đối thoại với điều kiện nào và đối thoại với ai là điều đáng suy nghĩ. Ðối thoại để nâng cao phẩm giá con người là điều phải thực hiện, còn đối thoại để làm vừa lòng giai cấp thống trị lại là cách thế hữu hiệu nhất để loại bỏ người nghèo và người đau khổ ra khỏi sứ mạng các tôn giáo.
Nhìn xuống dân nghèo, hỏi họ cần gì và xoa dịu nỗi đau của họ là cách đối thoại tuyệt vời nhất, và dĩ nhiên là khó khăn nhất. Còn gõ cửa quyền lực, nghe răn bảo và gật đầu cũng là đối thoại, nhưng sợ rằng danh thì đối thoại mà thực lại là vâng nghe những lời độc thoại mà thôi.
Sự thậtMột người khách đến bấm chuông cửa và hỏi đứa bé: “Bố cháu có ở nhà không?” Chú bé biết là bố ở nhà, nhưng nếu nói cho khách biết thì sợ bố sẽ lánh mặt. Ðể bảo vệ sự thật là bố có ở nhà, chú bé đành nói dối: “Dạ bố con đi vắng”!
Có lẽ không đâu trên thế giới này người ta che giấu sự thật dễ dàng như ở nước ta. Nguyễn văn Vĩnh đã từng than thở “An nam ta có cái lạ là gì cũng cười”, bây giờ nếu ông còn sống ông sẽ lại than “có thêm cái lạ là gì cũng thêm bớt”.
Cậu bé đi mua cho mẹ một ký nho. Khi cậu về đến nhà, người mẹ cân lại thấy chỉ có 800g. Bà chạy ra chợ hỏi tội cô bán nho cân thiếu. Cô bảo: “Chị cân lại con chị trước đi!”. Cô bán nho cân gian hay cậu bé ăn bớt, hay cả hai?
Từ lúc còn nhỏ xíu, học sinh đã được dạy gian dối để giúp cô giáo thao giảng đạt điểm cao, để nhà trường có thành tích, để bố mẹ vui lòng. Ði học có mấy người không quay cóp khi làm bài. Khi tôi kể với sinh viên rằng trước đây khi tôi học các cha dạy, ai quay bài có thể bị đuổi học, sinh viên cười ồ tưởng tôi nói đùa. Họ không hiểu rằng có những nơi mà sự thật được tôn trọng, ngay trên đất nước này.
Sự thật là điều hiển nhiên, thực sự có mặt hoặc xảy ra. Sự thật vẫn có đó dù người ta che giấu. Cái bi đát là khi người ta che giấu sự thật, lòng họ càng không yên vì họ biết sẽ có ngày sự thật hiện ra. Những anh phóng viên báo Hà nội mới chẳng hạn, nếu có chút lương tâm ắt sẽ rất lo buồn vì những điều họ nói năm ngoái bây giờ ai cũng biết sự thật.
Tôi ra công an phường để xác nhận giấy tờ cháu bé nhà tôi. Bà công an khu vực đã biết cháu bé, nhưng lại bảo là không biết nên không đóng dấu. Tôi bảo: “Chị nhìn lên năm điều dạy công an đi, phải trung thực và lễ phép với dân, sao chị nói dối?”. Bà ta gân cổ lên cãi. Tôi không ngạc nhiên nhưng bực bội vô cùng.
Ðối với những người có lương tâm ngay chính, nói dối là điều khó khăn. Nhưng trong xã hội này, nói dối đã thành điều quá dễ dàng, thậm chí người ta xác tín điều họ nói dối, lâu ngày sự giả dối được coi là sự thật. Rồi có ngày sự thật được phát hiện, người ta lại bảo những người phát hiện là kẻ nói dối! Tại sao lại như vậy được? Tại sao?
Có một số học trò hỏi tôi rằng biết sự thật để làm gì, vì chỉ cần đi học, đi làm mà sống thôi, giả thật có gì quan trọng. Một phụ huynh sinh viên gọi điện thoại hỏi tôi làm sao để có chứng chỉ B tiếng Anh nộp cho cơ quan nhà nước nơi bà đang làm việc. Tôi trả lời là hãy cố gắng học lại và đi thi. Mấy hôm sau cô sinh viên con của bà đến nói với tôi: “Mẹ em nói cám ơn thầy, nhưng thầy khỏi giúp nữa vì mẹ có chứng chỉ B rồi! Trong cơ quan mẹ em có khoảng mười cô chú góp tiền lại, mỗi người một triệu hai để mua rồi thầy ạ”. Rõ ràng không cần sự thật thì mọi chuyện cũng xong xuôi!
Vậy nói thật để làm gì? Câu trả lời không dễ trong một xã hội vốn không đề cao sự thật và các giá trị căn bản. Nhưng sự thật là nền tảng xây dựng cuộc đời và xã hội, không có sự thật, tất cả sẽ tan tành! Vậy tại sao sự giả dối tồn tại lâu dài? Vì có ma quỷ, cha sự dối trá, đỡ đầu cho nó.
Nói lên sự thật là bảo vệ sự sống, bảo vệ nền hoà bình và nhân phẩm con người. Nói lên sự thật còn là cách giải thoát con người khỏi vòng kiềm toả của “thế gian điêu ngoa”. Chỉ có sự thật mới xua tan cái điêu ngoa đang làm thế gian này lao đao và băng hoại.
Sự thật đem lại hoà bình, đem lại an vui và giúp con người tự tin với giá trị của mình. Những người có quyền chức mà mua bằng cấp thì có hãnh diện gì khi xưng học hàm học vị? Những kẻ nhờ gian xảo mà thành công thì có an lòng với địa vị mình hay không? Ngay cả các vị chủ chăn, khi đã lỡ che giấu sự thật thì liệu có bình an trong đời sống và công việc mục vụ?
“Sự thật ở đâu?” vẫn còn là nỗi khắc khoải khôn nguôi, nếu người ta không nhớ rằng chính Ðức Giêsu đã mạc khải “Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống”, và sứ mạng Giáo Hội chính là loan báo Sự Thật mà Người đã mạc khải, không che giấu và không sợ hãi.
Gioan Lê Quang Vinh
(source: vietcatholic.net)