{nl}
Ðức TGM Ngô Quang Kiệt đã rời khỏi Hà Nội cả hơn tuần lễ rồi nhưng dư luận vẫn chưa hết bàn tán về sự ra đi của Ngài và giáo dân Hà Nội cũng vẫn chưa vơi đi nỗi buồn bã, hụt hẫng về sự thiếu vắng vị chủ chăn đáng kính của họ.
Trên các phương tiện truyền thông đã có nhiều bài nhận định, phân tích, bình luận, phỏng vấn v.v. liên quan đến việc ra đi của Ðức Tổng Giuse. Cũng đã có cả Giám mục, linh mục lên tiếng về việc này nhưng xem ra “Sự kiện Ngô Quang Kiệt” sẽ còn là đề tài bàn luận kéo dài, chưa biết cho đến khi nào.
Một số bạn hữu của tôi yêu mến Ðức Tổng Giuse tỏ ra vô cùng quan tâm đến những tin tức có liên quan đến Ngài đã hỏi tôi nghĩ gì về việc ra đi của Ngài. Tôi đã trả lời với họ cách dứt khoát rằng: Là con cái của Giáo hội tôi tuyệt đối vâng phục bề trên nhưng thú thật tôi hoàn toàn không thấy an tâm về việc ra đi của Ngài vì hai lý do. Thứ nhất việc thay thế Ngài đã diễn ra không bình thường. Thứ hai khi ra đi Ngài đã bị đối xử qúa bất công nếu không muốn nói là “Cạn tầu ráo máng” đối với một mục tử được nhiều người ngưỡng mộ như Ngài.
Việc ra đi của Ngài thực ra tôi đã nghĩ đến ngay từ sau lần Ngài gặp gỡ các viên chức của UBND thành phố Hà Nội với những lời tuyên bố thẳng thừng về vấn đề tự do tôn giáo đã làm cho họ bất ngờ đến sửng sốt. Sau đó bằng những cách thức khác nhau, nhiều lần họ đã công khai đòi đẩy Ngài ra khỏi Hà Nội. Dưới một chế độ độc tài, sắt máu một khi họ đã dụng tâm đẩy Ngài đi thì họ thiếu gì những mưu ma chước qủy.
Tôi thấy việc ra đi của Ngài càng rõ nét hơn sau biến cố Ðồng Chiêm, một biến cố mà nhiều người cho rằng CSVN cố tình tạo ra để khiêu khích Ngài và cũng để trắc nghiệm tinh thần hiệp thông trong Giáo hội Việt Nam. Khi CSVN triệt hạ cây Thánh gía trên núi Thờ của giáo xứ Ðồng Chiêm, tòa TGM Hà Nội đã lên tiếng phản đối và ngay lập tức được sự đồng tình của các Gíam mục miền Bắc và của Ðức cha Kontum. Sau này còn được sự hỗ trợ của TGM Thomas Collins của Tổng Giáo phận Toronto, Canada và nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ của Giáo hội Ba Lan. Thế nhưng chỉ bao nhiêu đó thôi thì đâu có đủ để ngăn cản những hành động man rợ của CSVN trong việc đàn áp giáo dân và cố tình không để cho Ngài được yên thân giữa lúc Ngài đang bị chứng mất ngủ trầm trọng. Giáo dân bị đánh đập tàn nhẫn, bị bắt bớ giam cầm, bị khủng bố đủ cách còn bản thân Ngài thì bị khuấy nhiễu liên tục. Ngay tại Ðan viện Châu Sơn nơi Ngài nghỉ tĩnh dưỡng cũng bị bố ráp, lùng xục giữa đêm khuya.
Là người can trường Ngài không nao núng trước những thủ đoạn đê tiện và Ngài cũng chẳng nghĩ đến sự an nguy của bản thân. Thực tế đã chứng minh điều này: người ta càng giở trò thì uy tín của Ngài càng lên cao. Không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các giáo phận khác, không chỉ đối với người Công giáo mà đối với mọi người yêu Sự thật và Công lý không phân biệt tôn giáo, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng Ngài không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến giáo dân, những con chiên hiền lành hàng ngày bị ngược đãi chỉ vì hành động “Giận cá chém thớt”.
Giữa lúc đó những tiếng nói cần được vang lên để tỏ tình liên đới và để nói lên sức mạnh của sự hiệp thông lại ngậm tăm một cách đáng sợ. Trong một tình huống như vậy thử hỏi Ngài còn có thể có một chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận ra đi? Lúc đó tôi đã “tiên tri” với bạn hữu rằng ngày ra đi của Ngài không còn xa. Tuy nhiên tôi vẫn tin tưởng vào sự khôn ngoan và cẩn trọng của Tòa Thánh trong mọi quyết định. Tôi vẫn tin tưởng vào đường lối ngoại giao bất di bất dịch của Tòa Thánh bấy lâu nay: Không lẫn lộn việc đạo với việc đời. Tôi vẫn nghĩ rằng Ngài sẽ ra đi bằng một cách thức nào đó, đường đường chính chính giữa thanh thiên bạch nhật.
Khi Ngài lên đường đi chữa bệnh bên Rôma, nhiều người đã nghĩ Ngài sẽ không trở về Hà Nội nữa. Tôi cũng nghĩ như vậy vì trước đó, trong dịp Tết Canh Dần Ngài đã trở lại Lạng Sơn thăm giáo dân và lì xì cho mọi người từ linh mục đến giáo dân. Tôi cho rằng Ngài trở lại Lạng Sơn lần này để một lần chót gặp gỡ và kín đáo từ biệt những con người đã một thời gắn bó với Ngài, để một lần chót nhìn lại nơi chốn mà Ngài đã xây dựng Giáo phận khởi sự từ con số không. Lúc đó tôi vẫn đinh ninh có thể đây là một giải pháp để Ngài âm thầm rút vào hậu trường mà không làm mất thể diện cho bên nào. Giải pháp này xem ra có vẻ ổn thỏa.
Thế rồi ngày 12/5 Ngài đột ngột từ Rôma trở về Hà Nội giữa lúc đang có cuộc họp thường niên của HÐGMVN mà trước đó tin tức đã lan truyền rộng rãi về việc thay đổi nhân sự ở tòa TGM Hà Nội. Nguồi tin này còn cho biết rõ danh tính của vị sẽ thay thế Ngài trong chức vụ TGM Hà Nội. Những người quan tâm đến GHVN đều hồi hộp chờ xem điều gì sẽ xẩy ra. Và rồi một chuỗi những sự kiện đã liên tiếp diễn ra qúa nhanh chóng nhưng không bất ngờ (vì những gì xẩy ra hoàn toàn phù hợp với tin tức đã có từ trước). Nào là việc Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức cha Nguyễn Văn Nhơn, gíam mục Ðà Lạt và là đương kim chủ tịch HÐGMVN vào chức vụ TGM Phó với quyền kế vị. Nào là thánh lễ tạ ơn và chào đón TGM Phó tại nhà thờ chính tòa Hà Nội. Rồi việc Ngài ra đi cách bí ẩn trong đêm khua hôm 12/5 trước khi có quyết định của Tòa Thánh chính thức chấp thuận đơn xin từ chức của Ngài vào ngày 13/5.
Nghĩ đến việc ra đi của Ngài tôi thật đau lòng với bao nhiêu điều thắc mắc. Tại sao không tìm một giải pháp tốt hơn để Ngài có thể ra đi danh chính ngôn thuận? Tại sao lại hành hạ Ngài kéo về rồi lại đẩy đi? Tại sao lại nhẫn tâm đối xử tệ bạc với Ngài như vậy? Tại sao để cho CSVN tự tung tự tác đạo diễn một kịch bản để trả thù Ngài cách hèn hạ như vậy? Tại sao? Tại sao? Xin đừng đem Kinh Thánh ra để nói rằng Chúa Giêsu còn chịu cay đắng và nhục nhã hơn Ngài gấp bội. Bởi vì Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đến từ Thiên quốc còn chúng ta, kể cả Ðức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ là người phàm.
Vermont 20/5/2010
Lại Thế Lãng
(http://www.vietcatholic.net/News/Html/80369.htm)