{nl}
+GM Phaolô Lê Ðắc Trọng Lễ Noel - Giáng Sinh
Lễ Noel là một dịp vui mừng. Nhưng đối với chúng tôi, những người lãnh đạo tôn giáo, các linh mục xứ, lại là dịp lo lắng. Nếu muốn tỏ ra có chính sách tôn trọng và cởi mở đối với tôn giáo, nên thời kỳ đầu, họ rất chú trọng đến việc đôn đốc mừng lễ Noel trọng thể.
Một chính sách phá đạo: tô điểm, cổ động các hình thức bên ngoài, rút cái ruột thâm sâu bên trong. Vả lại, trên thế giới, vào thời kỳ đó, cũng có cái vẻ nô nức mừng Noel. Các nước phương Tây có khuynh hướng biến lễ đó thành lễ hội cho phần đời: diễu phố và ăn réveillon (dĩ nhiên là múa hát, ăn chơi trụy lạc) người ta cho là cốt lõi của lễ.
Các nước Cộng sản nhất là Liên Xô, cổ động mừng lễ rất trọng thể. Dĩ nhiên với những hình thức bề ngoài: ăn chơi, tiệc tùng. Có lễ đêm là để cho có bầu khí khác thường. Người phương Tây rất quí trọng lễ Noel là thế. Không chỉ là lễ “quốc gia”, mà còn là lễ “quốc tế”. Người thành phố ở Việt Nam cũng dễ ưa thích tham gia các phong trào quốc tế đó.
Nơi thành phố, là vì trước đây sống cạnh người Pháp, nên cũng “lây” cái tinh thần Noel của người Pháp, vì sau này các chế độ ngoại quốc lan đến nước ta, thì các phong trào mừng lễ Noel vẫn được duy trì và còn phát triển thêm, nhất là theo chế độ Liên Xô.
Khi chế độ mới xuất hiện ở Việt Nam, lễ Noel rất được cổ động rầm rộ ở các thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội: Noel, Tết Tây, lúc đó có người nghĩ rằng: nó sẽ thay thế các Tết cổ truyền Việt Nam. Và thế là tinh thần tục hóa Noel nhóm lên (ít là ở nước ta, chứ phương Tây đã tục hoá lễ từ lâu).
Chế độ mới! Khởi xướng mới về lễ Noel! Không những được Tây hoá, mà còn quốc gia hoá.
Noel 1958
Hà Nội đã chớm có cái phong trào Liên Lạc Công Giáo. Có ông Bưởi, ông Ngô Tử Hạ là những tiêu biểu Công giáo trí thức tiến bộ. Ông Bưởi tự xưng là Trùm xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, đứng đầu nhóm cấp tiến bình dân, và dĩ nhiên là hung hăng.
Ở Phương Tây người ta chỉ chú ý cái lễ đêm Noel, bởi đó sửa soạn cờ quạt, đèn sáng cho lễ đêm, dải sao lớn v.v…ở Việt Nam, thì các thành phố mới có vẻ rầm rộ vào lễ đêm. ở Hà Nội, lễ đêm chỉ người ngoại quốc mới được vào nhà thờ. Người Việt Nam cố gắng dự lễ âm thầm ở nhà Préau trường Dũng Lạc.
Ngày 24-12-1958. Chính quyền cho người đến treo cờ, giăng cờ ở trước cửa Nhà Thờ Lớn. Dĩ nhiên là cờ Hội Thánh và cờ Quốc gia. Không bàn cho ai trong nhà thờ biết, cứ tự động làm.
Lúc đó người Công giáo đề phòng các phong trào Công giáo tự trị tách rời khỏi Vatican, như các nước Cộng sản quen làm.
Tự động đem cờ quạt đến trang trí, không báo cho cha xứ, có ý nghĩa là chiếm nhà thờ. Mọi người nghĩ thế. Ðể phản ứng lại. Cha xứ Nhà Thờ Lớn, Cha Căn cho kéo tất cả các chuông nhà thờ trong vòng một tiếng đồng hồ để báo động. Cờ dây đ• được mắc, cha Chính Vinh trong Toà Giám Mục chạy ra. Ngài nóng tính, tự tay giật các dây cờ, trèo lên thang giật các băng cờ trước nhà thờ.
Có người phản đối cha, việc lễ tự do tín ngưỡng, ai làm gì thì làm. Cha Vinh bắt chéo hai tay ra đàng sau, nói tự do thế này này. Nghĩa là tự do bị trói giặt cánh khuỷu. Chuông nhà thờ cứ réo lên, cho đến khi dẹp hết cờ quạt, các băng khẩu hiệu.
Hôm đó Ðức Khâm Sứ Toà Thánh - Ðức Cha Dooley - vẫn chưa bị trục xuất, còn ở Hà Nội. Ngài đồng ý với việc phản ứng của Công giáo.
Phải mất một tiếng đồng hồ, cuộc xôn xao lộn xộn ở trước cửa Nhà Thờ Lớn mới tan. Ðây không phải là lộn xộn giữa chính quyền và nhân dân, mà là giữa người Công giáo với nhau. Một bên: người Công giáo muốn trung thành với Giáo Hội Vatican, vâng phục Ðức Giáo Hoàng. Còn bên kia là những người Công giáo tiến bộ, do chính quyền thúc đẩy và lập ra.
Công giáo của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, dĩ nhiên theo chủ nghĩa quốc gia, không đi với Ðức Giáo Hoàng. Giáo Hội tự trị này dần dần biến chất, rồi biến mất.
- ở các nước xã hội chủ nghĩa, đều có thành lập nhóm đó một cách chính thức, chịu sự chỉ huy của chính quyền.
- ở Việt Nam, người Công giáo hiểu rõ địa vị vai trò của mình trong Giáo Hội, không tham gia vào hội đó, nên hội không được thành lập cách chính thức, mà chỉ có những nhóm lẻ tẻ ở thành phố lớn như Hà Nội.
Sau việc lộn xộn ngày hôm đó ở sân Nhà Thờ Lớn, lễ Noel được cử hành, với lòng sốt sáng, dĩ nhiên không phải cái sốt sáng bề ngoài.
Về tinh thần: người Công giáo thấy trung thành với đạo lý và với Toà Thánh Rôma.
Bề ngoài: có những dấu chỉ can thiệp vào đạo để khống chế.
Trọng thể: lễ đã xong, nhưng mọi cái khó khăn rắc rối bắt đầu.
Một tháng sau: Cha Vinh, Cha Căn bị gọi ra Toà án Hà Nội, mọi người nghĩ là chỉ để cảnh cáo. Các cha sẽ về. Nhưng phiên toà xét xử về việc đạo không diễn ra một cách đơn giản. Trong toà, ngoài đường, đâu đấy đã được thu xếp chu đáo. Nghĩa là người có đạo không được đến dự phiên toà. Ðường phố không có người Công giáo tụ tập để nghe Toà án, vì sợ có biểu tình.
Ðến trưa, Cha Căn về một mình, người thừ ra, Cha cho biết toà xử Cha sáu tháng án treo, còn Cha Vinh ba năm tù ở. Và lập tức bị tống giam ngay. Thế là từ đó Cha Vinh biệt tích, không biết giam ở đâu. Sau này có tiếp tế thì trao đồ tiếp tế cho nhân viên nhà nước, chứ không được trực tiếp.
Từ đó không tin tức gì về Cha Vinh. Bị giam ở đâu không ai biết. Ba bốn năm sau, nghe nói người đã qua đời ở trại Cổng Trời, gần biên giới Trung Quốc(1).
Từ thời kỳ đó, các việc đạo được đưa vào khuôn khổ dần dần. Có việc phải xin phép �" thường thường là phải báo cáo trước với Uỷ Ban Nhân Dân.
(1) Sau này, được tin chính xác chết ở Cổng Trời, nhờ có bia ghi trên ngôi mộ mà biết ngài ở đó �" và hơn bốn chục năm sau �" Câu chuyện về Cha Vinh ít ai nói đến. Nhờ đó, cũng cho người lặng lẽ đưa hài cốt ngài về Hà Nội. Nếu Chúa cho hiển thánh thì thường có phép lạ. Chưa nói có phép lạ hiển nhiên. Nhưng trường hợp tử đạo, không cần có phép lạ. Lúc này (2004) đề nghị việc phong thánh chưa thuận tiện về mặt xã hội, cái xã hội mà chính ngài chết trong đó, bởi xã hội đó và cho xã hội đó.
+GM Phaolô Lê Ðắc Trọng
(source: http://danchuausa.net/hiep-thong/hoi-ky-nhung-cau-chuyen-ve-mot-thoi-le-noel-giang-sinh/)