{nl}
HÀ NỘI 25.11.2009 - Nếu không phải là tất cả Giáo Hội thì hàng giáo phẩm của Giáo Hội ít ra cũng là những khuôn mặt đại diện và những tiếng nói thay cho toàn thể Giáo Hội, thậm chí có thể phản ảnh hướng đi của một Giáo Hội. Thật vậy, điểm các khuôn mặt các chức sắc quan trọng đến tham dự lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Sở Kiện hai ngày 23 và 24 tháng 11 năm 2009, chúng ta có thể đọc được phần nào hướng đi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay và tương lai. Xin kể ra các thành phần quan trọng ấy như sau: ngoài đức hồng y trưởng ban tổ chức, đức giám mục chủ tịch, đức tổng giám mục trưởng ban tổ chức tại Hà Nội, các tổng giám mục và giám mục trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là các đức hồng y đến từ Vatican (Roma) -- trong đó một vị gốc Pháp và một vị gốc Hoa Kỳ -, đức tổng giám mục tổng giáo phận Paris (Pháp), đức giám mục giáo phận Orange County (Hoa Kỳ); đức ông Choi từ tổng giáo phận Seoul (Hàn Quốc), cha bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Paris (Pháp).
Như thế, Giáo Hội Việt Nam đã chọn con đường sống và làm việc, trước hết không quên quá khứ, nhất là khi quá khứ ấy là quá khứ làm nên đức tin và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ðiều ấy đước ám chỉ qua sự có mặt đặc biệt của đức hồng y André Vingt-Trois -- tổng giám mục Paris -- và của linh mục bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Paris, và kể cả đức hồng Y Etchegaray -- người gốc giáo phận Bayonne vùng Basque, một trong những địa phương đã gởi nhiều linh mục sang truyền giáo tại Việt Nam, nếu không từ ban đầu thì ít là từ sau này, như cha Durisboure- từng phục vụ tại vùng Tây Nguyên Việt Nam.
Sau đó, còn là hướng đến tương lai bằng cách liên kết với các giáo hội trên toàn cầu ngày càng sâu đậm và hiệu quả hơn, mà quan trọng nhất là với giáo hội mẹ tại Vatican (thật ra, từ đầu trong quá khứ - nhất là khi thành lập hai giáo phận tông tòa và khi thiết lập các giáo phận chính tòa với hàng giáo phẩm đứng đầu -- Giáo Hội Việt Nam đã luôn luôn sống trong sự đùm bọc của giáo hội mẹ ấy). Ðiều này được diễn tả qua sự có mặt đặc biệt của đức hồng y Etchegaray -- đương kim chủ tịch Hồng Y Ðoàn và nguyên chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, từng làm đặc sứ Tòa Thánh đến thăm Việt Nam. Thứ đến là các giáo hội gần như Giáo Hội Hàn Quốc (với sự có mặt của đức ông Choi thuộc tổng giáo phận Seoul (Hàn Quốc) và xa như Giáo Hội Hoa Kỳ (nếu xét về mặt địa lý) với sự có mặt của đức giám mục Todd Brown giáo phận Orange County. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của sự liên kết này, không chỉ để được học tập và trao đổi kinh nghiệm, hay để tương trợ nhau, mà nhất là để sống đúng mầu nhiệm Hội Thánh -- Hội Thánh không còn là Hội Thánh Chúa Ki-tô nếu không luôn phấn đấu để đạt tới sự duy nhất như Ðức Ki-tô đã muốn khi thiết lập.
Dĩ nhiên, chính khi tiếp nhận một quá khứ và hướng tới một tương lai như thế, Giáo Hội Việt Nam đã biết mình cần làm gì ngay trong hiện tại này. Cần phát huy những điểm hay và giảm thiểu các điểm dở thế nào của quá khứ để hướng tới tương lai. Cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho một Giáo hội tương lai ngày càng liên kết mật thiết hơn với Giáo Hội Mẹ và các giáo hội trên toàn cầu và trong khu vực, không phải để tạo thành một sức mạnh mà là để ngày càng trở nên sẵn sàng hơn cho những sụ phục vụ hữu hiệu và cần thiết hơn. Chỉ có điều cần ghi nhớ là dù có những nỗ lực và sáng kiến nào chăng nữa trong việc này, Giáo Hội Việt Nam luôn hành động trong sự hiệp thông và hiệp nhất với nhau -- rõ ràng và cụ thể nhất qua sự hiệp thông và hiệp nhất của các hồng y và giám mục Việt Nam, thể hiện rõ ràng nhất qua sự có mặt đầy đủ - không kể các vị đau ốm -- trong dịp đại lễ này.
Thật là quan phòng khi Chúa đã tạo điều kiện cho có những sự hiện diện đầy ý nghĩa trong dịp kỷ niệm đại lễ quan trọng này của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam !
(VietCatholic News)