{nl}
Tin Sở Kiện - Hôm nay hàng trăm ngàn giáo dân Việt Nam đã cùng các vị Hồng y đến từ Pháp, Mỹ và Ý, long trọng cử hành thánh lễ phát động Năm Thánh 2010, trong tinh thần và hy vọng hoà hợp với chính phủ. Buổi lễ diễn ra tại nhà thờ Sở Kiên, làng Phủ Lý cách thủ đô Hà nội chừng 60 cây số về phia Nam. Năm Thánh chính thức đánh dấu 350 đạo Thiên Chúa đến Việt Nam, và cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 50 Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được thành lập. Kỳ vọng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong dịp này là tiến tới hoà giải với nhà cầm quyền, có thể dẫn đến chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng trong tương lai,m để từ đó tạo mối quan hệ giữa Hà Nội với Toà Thánh cũng như giải quyết vấn đề đất đai của giáo hội bị nhà nước tịch thu từ trước đến nay.
Tối hôm qua Ðức Hồng y Roger Etchegaray, Phó Niên Trưởng Hồng Y Ðoàn; Ðức Hồng y André Armand Vingt-Trois, Tổng Giám Mục của Paris, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Pháp, Ðức Hồng y Francis Law, Tổng Giám Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Cả ở Rôma; Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Saigon, cùng 30 giám mục Việt Nam của 26 giáo phận, gần 1000 linh mục trong đó có hàng chục linh mục ngoại quốc đến từ các nước Âu Mỹ; cùng với khoảng 60,000 tín hữu của các giáo phận miền Bắc đã tham dự Ðại Lễ Khai Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam. Buổi lễ khai mạc bắt đầu sớm ngay từ lúc 5g30 bằng việc rước kiệu thánh tích các Thánh Tử Ðạo kéo dài một giờ dưới sự chủ sự của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam.
Trong suốt cuộc rước kiệu, cộng đoàn được nhắc nhớ lại giai đoạn 261 năm từ 1625 đến 1686, thời kỳ các Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn và các Vua triều Nguyễn ra lệnh bắt đạo. Trong giai đoạn này, có khoảng 130,000 Kitô hữu là nạn nhân của các cuộc bách hại lan rộng trên khắp nước. Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ngã xuống thuộc nhiều thành phần khác nhau, trong đó có những người thuộc thời các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha từ thế kỷ 16, có các vị thuộc thời các nhà truyền giáo Dòng Ða Minh, Dòng Tên(thế kỷ 17, có những người bị sát hại trong các cuộc đàn áp mang tính chính trị vào thế kỷ 19, và có những vị tử đạo trong thời cộng sản thế kỷ 20 và 21.
117 vị tử đạo gồm 96 người Việt Nam, 11 tu sĩ Ða Minh Tây Ban Nha, 10 thành viên của Hội Thừa Sai Paris được tuyên chân phước vào 4 thời kỳ riêng rẽ. Tất cả 117 vị Tử Ðạo Việt Nam này được tuyên hiển thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 bởi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Ðệ Nhị dưới sự phản đối dữ dội của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vào ngày 5 tháng 3 năm 2000, thêm một vị tử đạo trẻ được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị tuyên chân phước là Anrê Phú Yên. Lễ Khai Mạc trọng thể tiếp nối với Tuyên Bố Khai Mạc Năm Thánh của Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy Ban Năm Thánh. Ðại Lễ được cử hành tại Sở Kiện và đây là cuộc quy tụ lớn lần thứ hai ở miền Bắc. Cuộc quy tụ lớn đầu tiên là Thánh Lễ hôm 15 tháng 8 tại Tòa Giám Mục Xã Ðoài, khi hơn nửa triệu người Công Giáo phản đối các cuộc hành hung tàn bạo nhắm vào các linh mục ở Tam Tòa. Trong khi giới truyền thông trong nước hoàn toàn dấu kín tin tức ở Giáo phận Vinh, thì Lễ Khai Mạc ở Sở Kiện hôm Thứ Hai được đưa tin rộng rãi và được diễn dịch như là một bằng chứng cho Chính sách Tự do Tôn giáo nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu Hà Nội đang rất e dè trước sức mạnh của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, và đang tìm mọi cách để đẩy đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt ra khỏi chức vụ này, Cũng hôm Chúa Nhật, nhà thờ Chính tòa Hà Nội chật kín người với 10 ngàn giáo dân tham dự Thánh Lễ đồng tế bởi Ðức Hồng y Bernard Francis Law và Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Tại Bắc Ninh, cách Hà Nội 30 cây số về phía Bắc, Ðức Hồng y André Armand Vingt-Trois của Paris cũng được giáo dân chào đón nồng nhiệt khi ngài đồng tế dâng Thánh Lễ Chúa Kitô Vua với Ðức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Ðạt của Bắc Ninh và Ðức Giám Mục Micae Hoàng Ðức Oanh của Kontum.(SBTN)