Tin Hà Nội - Hội nghị Người Việt nước ngoài toàn thế giới lần đâu tiên vừa kết thúc hôm nay tại Hà Nội. Sau ba ngày hội họp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước đã tuyên truyền rầm rộ cho hội nghị với 900 đại biểu kiều bào, từ gần 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà Hà Nội cho rằng đây là dịp để những Việt kiều gặp nhau để bàn chuyện xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, đến khi kết thúc hội nghị thì báo chí trong nước lại im bặt, không thấy đăng tải những ý kiến của kiều bào cho dù trước đó Chủ tịch nhà nước Cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã kêu gọi các đại biểu nói thẳng, nói thật những điều mà họ còn trăn trở, ưu tư, và cần được trình bày trong tinh thần xây dựng. Theo chương trình, trong thời gian hội họp, các đại biểu hướng trọng tâm vào bốn lãnh vực chính, với trên 30 đề tài tham luận là giữ gìn, phát huy văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng Người Việt ở hải ngoại; Xây dựng cộng đồng người Việt ở nước ngoài; Chuyên gia trí thức kiều bào góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước; và đề tài thứ tư là Doanh nhân kiều bào đóng góp vào việc chấn hưng xứ sở.
Hà Nội khoe rằng thành phần tham dự hội nghị gồm có 68 đại diện hội đoàn, số đại biểu nữ là 231 người, phía nam là 669 người, tuy nhiên giới trí thức chiếm chỉ một phần tư là 188 người, doanh nhân có 428 người. Ðại biểu trẻ nhất 24 tuổi ở Ðức, người cao niên nhất 90 tuổi từ Pháp. Các đại biểu đa số là từ các quốc gia Ðông Âu như Ba Lan và Tiệp Khắc, Lào và Cam Bốt, những đại biểu Việt kiều từ Mỹ, Pháp, Ðức và các nước Tây phương ít hơn nhiều.
Một trong những đề tài chính mọi người chờ đợi là nghe nhà nước thuyết trình về vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, vấn đề chủ quyền của đất nước. Ðề tài này được dành đến ngày cuối cùng là sáng hôm nay trước phiên bế mạc hội nghị. Phó Chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia là Trần Duy Hải đã thuyết trình về chủ đề biên giới và hải đảo, kể cả việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và các nước láng giềng, nhất là với Trung cộng. Hà Nội từng nhiều lần khẳng định không có việc nhượng đất nhượng biển như những cáo buộc đưa ra tại hải ngoại, và cho rằng Việt Nam đã hoàn tất quá trình phân giới đất liền và cắm mốc với Trung cộng, đồng thời tiếp tục đàm phán về vấn đề biển. Vào tuần trước Cộng sản Việt Nam và Trung cộng đã ký 3 văn kiện về biên giới trên bộ, kết thúc 35 năm đàm phán về biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Tuy nhiên sau khi nghe xong báo cáo, đa số những người có mặt cho biết họ chưa thỏa mãn. Một Việt kiều từ Mỹ nói họ thấy tin tức được phổ biến không được chi tiết và đầy đủ, muốn hỏi thêm thì không có phần trả lời câu hỏi, nên chỉ nghe đọc báo cáo rồi thôi. Một Việt kiều từ Pháp thì nói sau khi nghe xong thì cảm thấy Việt Nam bị ép như một kẻ yếu bị kẻ mạnh dùng thế bắt nạt. Một số người thì cho rằng đã đến lúc Hà Nội phải đưa mọi việc ra trước tòa án quốc tế, cũng như vận động sự ủng hộ của thế giới. Một người từ California nói mối quan tâm về lãnh thổ và biển đảo trong cộng đồng Việt kiều sẽ không bao giờ giảm sút, nhưng nếu nhà nước cứ tiếp tục dấu kín và ngăn chặn không cho người dân trong nước đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam, thì điều này sẽ là một điều bị nhiều người chê trách.(SBTN)
{nl}{nl}