Tin Huế - Sóng gió Biển Ðông khởi dậy vì đàn anh Trung Cộng nổi giận sau khi chiến hạm Mỹ vào thăm Ðà Nẵng. Chỉ vài ngày sau khi Trung Tá Hải Quân Lê Bá Hùng chỉ huy chiến hạm Mỹ USS Lassen vào Ðà Nẵng hôm thứ Bảy, một hải đoàn Trung Cộng hôm qua cũng tiến vào vùng biển gần đó ở biển Thuận An kế bên để ngang nhiên vơ vét cá. Vùng biển Thuận An ở Huế và Hội An ở Ðà Nẵng chỉ cách vài chục cây số và cùng nhìn ra đảo Hoàng Sa, nơi trước kia thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị hải quân Trung Cộng đánh chiếm từ năm 1974. Tin trong nước cho biết vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được thông tin tại tọa độ 16.58 vĩ độ bắc, 107.45 kinh độ đông, cách bờ biển Thuận An 24 hải lý về hướng đông bắc, có 17 tàu đánh cá Trung Cộng đang xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm hải sản.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo Hải đội 2 xuất kích 2 biên đội tàu tuần tra đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Sau 2 tiếng đồng hồ, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh của Cộng sản Việt Nam đã đuổi 16 tàu cá của Trung Cộng ra khỏi vùng biển này, đồng thời bắt giữ 1 tàu với 13 ngư dân đều mang quốc tịch Trung Cộng vì đã có hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Sau khi bắt giữ, thuyền trưởng cũng như toàn thể ngư dân trên tàu đã khai nhận hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam để đánh bắt trộm hải sản. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã không dám giữ người lâu mà chỉ quyết định phạt cảnh cáo và phóng thích tàu cùng các ngư dân Trung Cộng ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ðược biết gần đây nhiều tàu cá của ngư dân Trung Cộng đã có hành vi xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam để đánh bắt trộm hải sản. Những trường hợp này, sau khi phát hiện và bắt giữ lực lượng biên phòng đều giải thích và phóng thích tàu thuyền cùng người vi phạm. Không ít trường hợp, lực lượng biên phòng còn giúp đỡ hỗ trợ ngư dân Trung Cộng để họ ra khỏi vùng biển Việt Nam một cách an toàn. Ðiều ghi nhận rằng trong khi ngư dân Việt Nam gặp bão phải tấp vào đảo Hoàng Sa trú nấp, đã bị hải quân Trung Cộng đánh đập, cướp bóc và giam cho tới khi gia đình nộp tiền phạt mới thả. Hành vi của Biên Phòng Thừa Thiên Huế là đẩy đuổi, bắt giữ, cảnh cáo, phóng thích bị cho là quá nhẹ. Trong khi đó ngư dân Trung cộng hay Việt Nam đi lạc sang biển Thái Lan, biển Nam Dương đều bị bắt giam vài tháng cho biết sợ rồi mới thả. Nhiều người cho rằng hành động của Hà Nội chỉ là khuyến khích tàu cá Trung Cộng tiếp tục vi phạm vùng biển Việt Nam khi chỉ cảnh cáo nhẹ như vậy mà thôi.
Trước đó hôm thứ hai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh họp báo ở Hà Nội loan báo rằng Việt Nam đã bày tỏ cứng rắn, trình hồ sơ khiếu kiện lên Liên Hiệp Quốc để đòi Trung Cộng trao trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Hà Nội cũng nói đã bBác bỏ yêu sách đường 9 đoạn trên Biển Ðông của Trung Cộng, coi đây là yêu sách phi lý, không có căn bản về pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Ðông, đặc biệt 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được nhắc lại tại Hội nghị tuyên truyền biển đảo và phân giới, cắm mốc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm thứ ba tại Hà Nội. Quốc hội Cộng sản Việt Nam hiện đang họp cũng dự trù sẽ thông qua Luật về Dân quân Tự vệ, trong đó có điểm nói về phát triển lực lượng dân quân, tự vệ biển, làm nòng cốt bảo vệ người dân trên biển.
Tuy nhiên, ngay vào hôm qua, các tướng lãnh của Cộng sản Việt Nam đã thú nhận rằng việc này có thể sẽ là hành động nguy hiểm đối với tính mạng của ngư dân, và xác nhận lực lượng dân quân tự vệ biển chỉ được vũ trang để thực hiện các chương trình cứu cấp, chứ không mang mục đích đối đầu với Hải quân Trung cộng.{nl}{nl}