Thép Đen - Hồi ký của Đặng Chí Bình, do Trần Nam thực hiện. Thép Đen - Thiên Hồi Ký của một điện viên, một trong những chiến sĩ của bóng tối thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hoạt động tại miền Bắc và đã sa vào tay giặc. Thép Đen phơi bày tất cả những sự thật kinh khiếp vượt trí tưởng tượng của con người tại một vùng đất mịt mù hắc ám của loài quỷ dữ mà người viết như đã đội mồ sống dậy kể cho ta nghe những cơ cực lầm than của xã hội miền Bắc và cuộc đời tù đày bi thảm của những chiến sĩ vô danh của chúng ta, những người đã âm thầm chiến đấu và gục ngã vì lý tưởng Tự Do và Đại Nghĩa Dân Tộc...
Ở đây chỉ có tập I và II, từng được phát thanh trên đài phát thanh Quê Hương từ San Jose, California - Hoa Kỳ, trong chương trình đọc truyện do Trần Nam phụ trách.
Thép Đen tập I và II do nhà xuất bản Đông Tiến phát hành từ năm 1987. Đến năm 1991, tác giả tự xuất bản tập III và đến năm 2005 thì hoàn tất tập IV. Quý vị có thể hỏi mua sách hay dĩa đọc truyện qua địa chỉ sau đây:
Dang Chi Binh
PO Box 255-571
Dorchester, MA. 02125, USA
Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả và thính giả khắp nơi một bộ hồi ký có một không hai, của một trong những điệp viên hoạt động trong bóng tối, một chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Không chống cũng không sợ
Ngô Nhân Dụng
Một độc giả viết thư bênh vực đảng Cộng Sản Việt Nam trong cách họ đối xử với Trung Quốc, chỉ trích những ai khích động người Việt chống Trung Quốc dù biết là sức nước mình không chống nổi. “Tôi tin ở Ðảng,” vị độc giả viết, “Ðảng lúc nào cũng bảo vệ chủ quyền của đất nước. Hiện nay đến Mỹ cũng sợ Trung Quốc, Việt Nam đánh Trung Quốc chẳng khác nào lấy trứng chọi với đá!”
Trước hết, phải xác định một điều: Không có người nào cổ động Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc. Không ai có ý định lấy trứng chọi với đá! Không nên vu oan cho người Việt để bênh vực đảng của quý vị.
Hai năm trước, những thanh niên biểu tình phản đối việc chính phủ Trung Quốc lập huyện Tam Sa để chính thức hóa chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản đối việc Trung Quốc quảng cáo Thế Vận Hội vẽ cái bản đồ thè lưỡi liếm tất cả hải phận nước ta. Các “bạn trẻ” này (trong đó có nhạc sĩ Tô Hải đã ngoài 80 tuổi), có tính xách súng ra biển tử chiến đòi lại Hoàng Sa ngay không? Chắc là không. Năm nay, học giả Nguyễn Huệ Chi và các nhà trí thức đang yêu cầu ngưng không cho khai thác Bauxite, họ có muốn gây chiến để buộc Trung Quốc rút các công ty khai mỏ của họ về nước hay không? Cũng không. Ông Ðiếu Cày, cô Mẹ Nấm, có ai hô hào tuyên chiến với Trung Quốc hay không? Không nốt.
Không người Việt Nam nào hiếu chiến và dại dột như vậy, đời xưa cũng như bây giờ. Lê Lợi, Nguyễn Huệ, có ông nào chủ trương chống Trung Quốc hay không? Cũng không. Họ dấy quân trừ bạo chỉ vì không chịu được nhục nhã, vì bị áp bức mà phải ngẩng đầu lên, phải đứng dậy. Mỗi lần đánh đuổi được quân xâm lăng rồi, các cụ nhà mình lại lập tức “dâng biểu cầu hòa” và hứa cống tiến.
Cho nên, không nên vu oan giá họa cho những người Việt yêu nước. Gán cho những thanh niên Việt Nam mặc áo in những chữ “Hoàng Sa của Việt Nam” là muốn gây chiến với Trung Quốc là cả vú lấp miệng em. Những thanh niên đó chỉ muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết là người Việt không ngu. Và không hèn. Họ đòi những người cầm quyền ở Việt Nam phải xác nhận chủ quyền của nước mình trên những phần đất do tổ tiên để lại, một cách cương quyết hơn. Phải dùng mọi biện pháp ngoại giao và dùng các định chế công lý quốc tế để đòi lại chủ quyền. Phải công bố các cuộc tranh luận giữa hai bên từ đầu tới giờ, đưa ra các bằng cứ cho cả thế giới thấy ai phải, ai trái! Phải bảo vệ các ngư dân vẫn bị hải quân Trung Quốc bắt cóc, đánh đập, cướp bóc. Người ta lên tiếng vì không thể im lặng chịu nhục mãi.
Người Việt Nam muốn chính quyền Cộng Sản phải công khai, minh bạch trong việc ngoại giao. Phải ra đứng giữa chợ kêu gọi cả loài người phân xử giúp các cuộc tranh chấp. Không thể tiếp tục bàn những chuyện đất đai, biên giới, lãnh hải một cách lén lút bí mật! Ðất nước là của toàn dân, không thể bàn như chuyện riêng giữa hai đảng Cộng Sản. Mấy chục người trong Bộ Chính Trị các đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc không được hai dân tộc này ủy quyền mà lén lút chia nhau những tài nguyên cây rừng, quặng mỏ, hải đảo do tổ tiên từ ngàn năm để lại. Ðó là nguyện vọng của những người đang bị vu cáo là “chống Trung Quốc.”
Họ khôn chứ không dại. Khi có tranh chấp với một nước láng giềng mạnh, mình phải làm lớn chuyện lên cho cả thế giới biết thì mới hy vọng được cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Trung Quốc mạnh hơn nước mình, nhưng trên thế giới còn nhiều nước mạnh hơn cũng muốn kềm chân không cho Trung Quốc bành trướng phi pháp! Nếu mình cứ tiếp tục họp bàn bí mật, thì thọt, rấm rúi, thì vừa không hiệu quả lại vừa mang nỗi nhục ngàn đời.
Tóm lại, không người Việt Nam trưởng thành nào lại nuôi ý tưởng “chống Trung Quốc.” Không chống, nhưng cũng không sợ Trung Quốc. Ðó là thái độ thẳng thắn cần thiết cho tất cả mọi người Việt Nam. Lối ngoại giao thì thọt, rấm rúi, miệng nói “môi hở răng lạnh,” và “trước là đồng chí sau là anh em,” chỉ chứng tỏ là mình nhát, mình sợ để cho người ta khinh. Không cứ người Trung Quốc, người nước nào họ cũng khinh cho. Ðó chính là “thiên cổ vô cùng chi sỉ” như Nguyễn Trãi đã viết.
Không thể chấp nhận lý luận “Mỹ cũng sợ Trung Quốc” để bênh vực lập trường “Việt Nam cũng nên sợ Trung Quốc!”
Trên thế giới bây giờ không nước nào sợ sức mạnh quân sự của nước nào cả. Trước đây một trăm năm các cường quốc có thể ỷ mạnh đe dọa xâm lăng khiến nước khác phải sợ. Bây giờ không nước nào có thể nuôi tham vọng đó, dù là nước Mỹ. Nhất là khi khả năng vũ lực của Trung Quốc còn lâu mới đuổi kịp Mỹ. Trong Ðại Chiến Thứ Nhất (1914-18) nước nào sản xuất nhiều thiết giáp, nhiều máy bay làm chủ không phận thì chiếm được ưu thế trong chiến tranh. Trong Ðại Chiến Thứ Hai (1939-45) ở vùng Thái Bình Dương nước nào làm chủ được mặt biển, sản xuất nhiều hàng không mẫu hạm thì có lợi thế. Nhưng sức mạnh chiến lược trong các cuộc chiến tranh tương lai là làm chủ không gian, với những vệ tinh nhân tạo và hỏa tiễn liên lục địa. Trung Quốc cho tới giờ vẫn còn đang cố chế tạo tầu ngầm và một hàng không mẫu hạm đầu tiên, giống như Nhật Bản hồi trước năm 1940! Cho nên đừng hù họa dân Việt Nam mà nói rằng các cường quốc khác cũng sợ Trung Quốc!
Nhưng không phải vì thế mà suy nghĩ một cách giản dị là Việt Nam nên “theo Mỹ để chống Trung Quốc.” Hồi 1950 lối suy nghĩ đó có thể còn đúng. Vì lúc đó Mỹ chỉ lo ngăn chặn không cho các nước Cộng Sản bành trướng trên thế giới. Họ giúp Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở Âu Châu. Khi Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, lúc đó Washington mới quyết định giúp Quốc Dân Ðảng củng cố quân sự để bảo vệ Ðài Loan - trước đó họ coi như đã quyết định bỏ rơi ông Tưởng Giới Thạch. Mỹ dính tới Việt Nam cũng do thế chiến lược cần ngăn chặn Cộng Sản Trung Quốc thời đó. Còn bây giờ, ý thức hệ Cộng Sản đã tan rã, Nga, Trung Quốc đang tư bản hóa, gia nhập cuộc đấu mới theo các quy luật kinh tế. Trong thế giới ngày nay, không cường quốc nào chiếm được ưu thế thao túng các nước chung quanh mình. Các chính quyền khôn ngoan phải giao hảo với tất cả các cường quốc, dựa trên quyền lợi kinh tế của họ mà điều khiển chính sách ngoại giao của mình. Chính phủ Ðài Loan vẫn gia tăng giao thương với Trung Quốc nhưng vẫn mua thêm vũ khí mới của Mỹ để tự vệ. Và dân chúng nước họ vẫn tự do biểu tình chống Bắc Kinh, làm hậu thuẫn cho chính phủ trong những cuộc mặc cả.
Người Việt Nam bây giờ phải dứt bỏ những ảo tưởng thời 1950, theo nước này chống nước kia! Ðối với nước Mỹ, thị trường Trung Quốc lớn hơn Việt Nam gấp bội. Nhưng mặt khác, nước Mỹ cũng không muốn cho bất cứ cường quốc nào đóng vai lũng đoạn vùng Á Ðông. Mọi chính quyền Việt Nam phải giao thiệp hòa hoãn với cả hai nước Mỹ và Trung Quốc. Nhưng phải làm sao cho cả hai nước đó đều kính trọng mình. Các nước trong vùng Ðông Nam Á đều theo chính sách khôn ngoan đó.
Một trăm năm trước, Phan Châu Trinh đã khuyên nhủ đồng bào: “Bạo động là dại; ỷ lại là ngu; chỉ có học!” Tới bây giờ lời khuyên đó còn có giá trị và cần áp dụng! Thời Phan Tây Hồ, cả nước cần học. Ngày nay, chúng ta vẫn cần học, đồng thời cần sử dụng chất sám của toàn dân vào việc phát triển kinh tế. Giới trí thức và thanh niên Việt Nam chỉ đòi hỏi được tự do học hỏi, được tự do nghiên cứu để giúp nước.
Cho nên, đừng ai vu cáo những nhà trí thức và thanh niên đang bầy tỏ thái độ cương quyết đối với Trung Quốc là họ có ý theo nước này chống nước khác. Những người Việt yêu nước đó chỉ muốn chính quyền Cộng Sản phải bảo vệ danh dự của nước Việt Nam. Nước Việt Nam phải tỏ ra không sợ hãi, không ỷ lại, không lệ thuộc vào một quốc gia nào, dù là một cường quốc đang lên bên cạnh nước mình. Không nước nào có thể coi nước mình như một chư hầu, muốn làm gì thì làm! Không nhượng quyền khai thác quặng mỏ một cách dễ dàng, bất chấp những lời phản đối của giới chuyên gia và trí thức. Không quân đội nước nào được quyền bắt bớ, đánh đập, cướp bóc các ngư dân Việt Nam, coi người mình như súc vật. Những người cầm quyền ở Việt Nam phải tranh đấu cho các nguyện vọng chính đáng đó. Ðừng vu cáo người dân yêu nước, đừng dọa nạt, bắt bớ những nhà trí thức can đảm lên tiếng bảo vệ chủ quyền dân tộc!
Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa của nước ta từ năm 1974, vì lợi dụng được cơ hội người Việt Nam đang giết lẫn nhau. Ðảng Cộng Sản do tham vọng Cộng Sản hóa cả nước nên đã dựa vào Cộng Sản Trung Quốc, nhắm mắt cho họ chiếm những hòn đảo của tổ tiên. Ai còn tin tưởng ở đảng Cộng Sản trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước nữa?
Nhưng không người Việt nào có ảo tưởng mình sẽ đem quân chiếm lại những hòn đảo đã mất trong lúc này. Trong một, hai thế hệ nữa người Việt sẽ còn tiếp tục chịu nhục. Cũng như chúng ta vẫn đành chịu mất những vùng đất 5 động mà vua quan nhà Mạc đã dâng cho vua Tàu. Nhưng chính vì thế mà người Việt không được quên nỗi nhục nhã, không để cho con cháu quên những nỗi nhục đó.
Sai lầm của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay là vẫn coi các cuộc tranh chấp với Trung Quốc là việc riêng của hai đảng Cộng Sản, không cho dân Việt Nam được lên tiếng, được bầy tỏ thái độ. Cấm dân chúng bầy tỏ nỗi phẫn uất vì các hòn đảo bị cướp, vì các ngư dân bị bắt cóc và hành hạ thì chỉ chứng tỏ mình sợ hãi và hèn nhát trước các hành động phi pháp của chính quyền Bắc Kinh. Phải chấm dứt thái độ hèn nhát đó.
Khi nào thì các nước lớn kính trọng chủ quyền của các nước nhỏ? Khi họ thấy chính quyền các nước nhỏ được dân ủng hộ để sẵn sàng can đảm bảo vệ danh dự và quyền lợi quốc gia. Khi họ thấy trong nội bộ các nước nhỏ toàn dân đoàn kết một lòng trong mục đích đó. Muốn đạt được hai điều kiện này thì người cầm quyền phải do toàn dân tự do bầu lên chứ không phải là một nhóm tiếm quyền quyết định. Chỉ khi nào dân chúng được tự do phát biểu, được tự do chọn người cầm quyền theo các thủ tục dân chủ, thì chính quyền mới có thế mạnh về ngoại giao. Chỉ khi nào thể hiện ý chí của toàn dân thì một chính quyền mới được các nước khác kính trọng.
Bánh Cuốn Nhân Thịt Chay Dùng chảo non-stick để tráng, đổ dầu ăn vào chảo để nóng. Phải chờ chảo nóng rồi để một muỗng bột vào quấy đều để bột phủ khắp mặt chảo, khoảng 3 phút bánh chín rồi úp chảo ra điã đã thoa dầu ăn thì bánh trên điã. Sau đó thì bỏ nhân vào giữa rồi cuốn lại...
HÍ HỌA
Không nghe, không thấy, không nói (by by Gary Varvel)