MATTHEW NGUYỄN
Biến cố Tam Tòa và tiếp sau đó, cho đến hôm nay, xảy ra nhiều diễn biến trong Giáo Hội, với ngổn ngang suy nghĩ... Nếu giải thích chỉ theo một chủ kiến nào đó, có thể đấy là cách nghĩ của "trí khôn thế gian", và chỉ dừng lại ở "suy diễn thế gian" mà thôi.
Phận làm con Chúa, tôi xác tín sự cần thiết phải duy trì tính chất hiệp nhất trong Giáo hội. Tôi không dám suy diễn về sự im lặng nơi này nơi kia, vì có thể sự im lặng cũng là một thử thách trong một giai đoạn, để tìm ra những hành động thích hợp sao cho duy trì và thúc đẩy đức tin nơi hàng triệu Giáo Dân.
Sự im lặng có giá trị và có sức mạnh, nếu trong thâm tâm không vướng sự sợ hãi. Nhưng nếu do sợ hãi, sự im lặng sẽ biến thành "khôn ngoan của thế gian", trong một trò chơi quyền lực mà thôi, và như vậy vô giá trị. Thậm chí còn nguy hại, vì im lặng ấy làm hoang mang Ðức Tin nơi những Giáo Dân – nói rộng ra, nơi người dân “thấp cổ bé miệng” (dù họ không là Kitô hữu, nhưng họ luôn đau đáu đặt niềm cậy trông nơi các đấng bậc của các tôn giáo, vì chỉ còn mỗi niềm tin tâm linh làm cứu cánh trong muôn trùng bể dâu tối tăm hiện nay).
Còn sợ hãi, im lặng sẽ biến thành thỏa hiệp. Không sợ hãi, im lặng có thể là một bí nhiệm huyền diệu.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài nói:
“Khi người dân bị thương tích và khổ đau, Giáo Hội phải lên tiếng bênh đỡ không vì bất cứ khuynh hướng chính trị nào, mà chỉ vì tình yêu và tình liên đới của người con Thiên Chúa", và "Thập Giá là biểu tượng cho sự hi sinh cứu chuộc con người, để mang lại cho sự sống một ý nghĩa mới mẻ, qua đó dạy cho chúng ta biết yêu thương, biết kính trọng sự sống. Tự do tôn giáo là cách biểu lộ cao nhất của quyền con người, đàn áp dập tắt nó là một tội ác".
Tôi nhìn thấy người dân ở Quảng Bình bị thương tích, bị khổ đau; tôi nhìn thấy ở Ðức Giám Mục Cao Ðình Thuyên một yêu cầu đối với chính quyền không được dập tắt niềm tin tôn giáo khi ngài ủng hộ việc dựng Nhà Thờ, dựng Thập Giá tại Tam Tòa. Như vậy, lời nói của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang được chứng thực tại mảnh đất Quảng Bình, Tam Tòa.
Tôi chạnh lòng nghĩ thêm: hành vi trục xuất tu sinh Phật Giáo tại Tu Viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Ðồng, bộc lộ hành vi đàn áp dập tắt tôn giáo. Và, theo lời nói của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đây là một tội ác.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi ngài còn làm Hồng Y tại Krakow, ngài đã lên tiếng ngay tại Nhà Thờ Chính Tòa, lúc đó Ba Lan còn đang sống trong chế độ Cộng Sản:
“Chính phủ không thể hủy bỏ những quyền mà con người sở đắc khi mới sinh ra. Chính phủ không thể thay thế cảm thức về công lý bằng dùi cui gậy gộc được. Chính phủ nào bôi nhọ thanh danh mình như thế thì rồi sẽ đi tới chỗ bị hủy diệt. Mọi sự vi phạm tới quyền tự do đều là việc phá vỡ trật tự luân lý và xã hội. Ðối với những gia đình nào đã có những người mẹ, người cha, hoặc những đứa con đã phải chết để bảo vệ sự tự do; đối với tất cả những ai vì sự tự do mà phải chịu sự bất công đau khổ, thì tôi nói rằng những đau khổ mà họ phải chịu sẽ không trở thành vô ích. Giáo Hội vẫn luôn đồng hành với các con, vẫn luôn đứng về phía các con. Khốn cho chính phủ nào làm cho dân chúng của mình phải chết đói hoặc dùng những hình thức thủ tiêu, tra tấn dã man”.
Ngài nổi tiếng là mềm mỏng đối với nhà cầm quyền, không can dự vào chính trị, nhưng điều đó không ngăn cản ngài phải lên tiếng.
Như vậy, việc lên tiếng về hành xử của chính quyền ngay trong Thánh Ðường, là một cách thức sống đạo, như lời Chúa nói: “Ai theo Ta, hãy vác Thánh Giá theo Ta”.
Dựa trên những chứng tá dẫn trên, tôi đang có được niềm tin vào tinh thần của sự hiệp nhất tối hậu, sâu xa của Ðức Tin Kitô giáo.
MATTHEW NGUYỄN, 10.10.2009
(source: http://huongvedaihoidanchua.net/tiengnoidanchua/3242.html)
{nl}{nl}