{nl}
Tin tổng hợp - Tin tức tổng hợp sau cơn bão Ketsana mà ở Việt Nam gọi là cơn bão số 9, các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng là Kon Tum với 48 người chết, Quảng Ngãi 35 người và Quảng Nam 25 người. Theo Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, khoảng 3 triệu người bị ảnh hưởng của bão số 9. Hôm thứ sáu vừa qua, Hội đã kêu gọi quốc tế giúp đỡ khoảng 210 ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước khi đổ vào Việt Nam, bão Ketsana đã tàn phá phía đông thủ đô Manila Phi Luật Tân làm 293 người thiệt mạng. Như vậy rõ ràng là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã biết trước sự nguy hại của cơn bão.
Tuy nhiên hậu họa mà đồng bào miền Trung đã phải gánh chịu, khổ đau, tang tóc khôn lường. Trên đường di chuyển ra khỏi Việt Nam, cơn bão này đã đi qua Lào, làm 24 thiệt mạng và nhiều người mất tích. Căm Bốt cũng hứng chịu bão Ketsana và chính quyền nước này cho biết có 17 nạn nhân. Trong lúc Philippines đang khắc phục hậu quả bão Ketsana, thì bão Parma lại kéo đến tàn phá vùng đông bắc nước này, làm 17 người thiệt mạng. Hôm nay bão Parma đang quay lại Phi Luật Tân và tiếp tục gây khốn khổ ở đây. Tại Ðài Loan hôm qua bão Parma có sức gió mạnh 119 cây số một giờ, có lúc lên tới 155 cây số và chính quyền đã phải di tản hơn 20,000 người, trong khi bộ Quốc phòng Ðài Loan chuẩn bị đưa khoảng 35,000 binh sĩ đến các khu làng xa, hẻo lánh ở phía nam để hỗ trợ các hoạt động phòng chống lũ lụt. Vẫn tại Ðài Loan, sáng nay vào lúc 1 giờ 36 phút, hòn đảo này phải hứng chịu một trận động đất mạnh với cường độ lên tới 6.3 độ trên bậc thang Richter. Theo Văn phòng dự báo khí tượng Ðài Loan, thì tâm chấn nằm ở ngoài khơi, cách bờ biển phía đông Ðài Loan khoảng 23 cây số và ở độ sau 15 cây số.
Trở lại với Việt Nam, bão tố đi qua để lại cảnh hoang tàn và cả cái đói gay gắt. Sau nhiều ngày chống chọi với bão trên đầu và nước dưới chân, nhiều người lả đi vì đói. Người ta vội vàng lo tìm cái gì đó có thể ăn được để có thể cầm cự qua ngày. Những bàn tay sẽ chia lúc này cần hơn bao giờ hết. Nhà nước kêu gọi quốc tế cứu trợ, và đã nhận hàng triệu mỹ kim từ Liên Hiệp Âu Châu, từ Mỹ từ Ðức, nhưng chỉ cấp phát cho người dân mỗi người 5 gói mì tôm. Ðó là những người may mắn nhận được cứu trợ, còn nhiều người nhiều ngày qua vẫn không có hạt cơm vào bụng. Một số người ở Kontum phải đi tìm củ mì non ăn cho đỡ đói. Komtum là nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão vừa qua. Ðến nay những con đường di chuyển trong khu vực này vẫn bị tê liệt vì tình trạng sạt lở, nhiều người từ các huyện miền núi phía tây phải leo đèo vượt suối để đi kiếm miếng ăn. Tuy nhiên, ngay cả khi mưa đã ngớt từ hai ngày qua nhưng quốc lộ 14 độc đạo dẫn lên Ðắc Hà, Ðắc Glei vẫn gãy đứt và tan hoang trong đổ nát. Khúc đường chất đầy bùn đất, rác và gỗ rừng trôi dạt vẫn ngổn ngang khiến lưu thông gần như bị tê liệt, không một phương tiện nào có thể qua được. Tình trạng tê liệt giao thông vì bão lụt và sạt lở còn nghiêm trọng hơn từ cầu Tri Lễ Tân Cảnh lên đến tận trung tâm huyện Ðắc Glei. Tất cả các cây cầu đều bị cây rừng và rác bịt kín.
Dọc lưu vực dòng sông Pha Cô, những ngôi làng bình yên ngày nào giờ tan hoang, đổ nát như vừa trải qua trận chiến khủng khiếp. Người dân cho biết họ đã mất sạch hết tất cả, từ nhà cửa, xoong nồi, đến cả quần áo giờ cũng phải đi xin bà con để mặc cho đỡ rét. Tình hình rất bi thảm và họ cũng biết trước là không mong gì ở nhà nước để đến cứu giúp họ, chỉ biết tự lo cho mình trước những tang hoang này.(SBTN)