{nl}Trên 200 đại biểu thuộc 20 quốc gia Châu Á họp Hội nghị Dân chủ Á châu tại Hán Thành hậu thuẫn tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam
PARIS, ngày 23.9.2009 (QUÊ MẸ) - Trên 200 đại biểu thuộc 20 quốc gia Châu Á và 10 quốc gia Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ đã đến thủ đô Hán Thành, Nam Hàn, tham dự Hội nghị lần thứ ba của "Diễn Ðàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu" từ ngày 16 đến 18.9.2009. Chủ đề Hội nghị lần thứ ba là "Duy trì dân chủ hóa Á châu : Thách thức Kinh tế và Công bằng xã hội".
"Tuyên ngôn Hán Thành" kết thúc Hội nghị đã khẳng định quyết tâm của "Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu" là "mối kết liên vững chắc giữa dân chủ, kinh tế và công bằng xã hội", cũng như nhấn mạnh rằng kinh tế và các quyền xã hội đều quan trọng như các quyền dân sự và chính trị.
Khai mạc vào sáng thứ sáu, 16.9, với những lời chào mừng hội nghị và đánh giá tình hình dân chủ tại Á châu của ông Jose Ramos-Horta, Tổng thống Cộng hòa Timor-Leste và ông Tsakhiagiin Elbegdorji, Tổng thống nước Mông Cổ. Ðồng thời toàn thể hội nghị cùng đứng lên giữ một phút mặc niệm đối với sự mất mát của hai khuôn mặt dân chủ châu Á : cựu Tổng thống Ðại Hàn Kim Ðại Trọng và cựu Tổng thống Phi Luật Tân bà Corazon Aquino.
"Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu" (World Forum for Democratization in Asia) ra đời năm 2005, là một liên minh của 5 tổ chức thành lập và cũng là năm thành viên Ban Thường vụ, gồm có : Ðài loan Dân chủ Cơ kim hội do ông Lâm Văn Trình làm chủ tịch, Á châu Cải cách Dân chủ Liên minh ở Singapore do ông Chee Soon Juan làm chủ tịch, Ðông Nam Á Quốc hiệp Thế đại Võng lạc, Miến Ðiện, do chị Deborah Stothard làm chủ tịch, Quốc tế Ðối thoại Xướng nghị Tổ chức ở Phi Luật Tân do ông Augusto P. Miclat làm chủ tịch, Á châu Tụ điểm cho Diễn đàn Xã hội Dân sự Quốc tế Dân chủ ở Mông Cổ do cô T. Undarya phụ trách, và Diễn đàn Dân chủ Á châu do ông Võ Văn Ái làm chủ tịch. Hiện nay Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu có 20 quốc gia thành viên tại Châu Á.
Tại Hội nghị, thay mặt cho Việt Nam, ông Võ Văn Ái trình bày hiện tình đàn áp và khủng bố các nhà hoạt động cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Ðại cương có những điểm chính yếu sau đây :
"Ngày tôi phát biểu tại "Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu" lần thứ nhất ở Ðài Bắc, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi xã hội độc tài. Thế nhưng 4 năm sau, Việt Nam vẫn còn là một xã hội đóng kín. Dù rằng có mở cửa kinh tế, nhưng vẫn là chế độ độc đảng của một nhà nước Cộng sản, nơi các quyền cơ bản, tự do, và dân chủ bị chối bỏ.
"Hiển nhiên có đôi chút thay đổi. Ngày nay ở Việt Nam người ta được tự do đề cập tới thị trường chứng khoán, tự do mua máy vi tính, Ti vi… của Ðại Hàn. Ngay cả vấn đề tình dục không còn bị cấm cản. Nhưng ai đó gửi E.mail bàn về dân chủ hay nhân quyền sẽ bị bắt giam tức khắc.
"Ngay vào lúc tôi phát biểu ở đây, thì nhà cầm quyền Hà Nội đang mở chiến dịch lớn bố ráp những ai phê phán đảng Cộng sản. Tháng 8 và tháng 9 vừa qua, công an sa thải nhà báo Huy Ðức, bắt bớ các nhà báo hay bloggers Bùi Thanh Hiếu, Phạm Ðoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Luật sư hoạt động nhân quyền Lê Công Ðịnh bị cấm hành nghề hồi tháng 5 và đang chờ đưa ra xét xử cùng với nhóm 27 người hoạt động dân chủ.
"Năm ngoái nhiều thanh niên, sinh viên bị bắt vì dự tính biểu tình hiện vẫn còn giam giữ. Sức khỏe nhiều người sa sút. Do sự báo động của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam của chúng tôi, Tổ Hành động Chống bắt bớ tùy tiện của LHQ đã lên tiếng đòi trả tự do cho 10 người trong họ, như blogger Ðiếu Cày và Trương Minh Ðức. Tổ Hành động Chống bắt bới tùy tiện của LHQ cũng lên tiếng tố cáo Hà Nội bắt bớ trái phép những người này nhằm "cấm đoán các hành xử tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp".
"Những bình phẩm của giới người trên đây đều bị ghép vào "tội" phê phán chính sách của Ðảng đối với Trung quốc. Họ phê phán Ðảng hèn yếu trước cuộc xâm lấn của Trung quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay những nhượng bộ đất và biển qua hai Hiệp ước ký kết với Trung quốc mà chẳng tham khảo ý kiến quần chúng. Họ cũng tố cáo việc giao cho Trung quốc khai thác Bô-xít Tây nguyên mang đến nguy cơ mất nước trầm trọng. Hàng nghìn thợ thuyền Trung quốc đã có mặt tại vùng yết hầu quân sự ở vùng ba biên giới Lào-Cam bốt-Việt Nam.
"Sự nổi dậy tự phát từ tinh thần dân tộc và tiếng nói của giới trẻ rất có ý nghĩa. Vì lần đầu tiên cho thấy thế hệ sinh ra dưới chế độ Cộng sản đã thức tỉnh trong ý thức chính trị, mà cho tới nay người ta chỉ thấy họ nằm trong thành phần tiêu thụ và thụ hưởng theo các trào lưu Tây phương.
"Sự phê phán chính quyền được bộc lộ qua phương tiện truyền thông mới gọi là Blog. Hiện nay phong trào Blog lan tràn rộng rãi tại Việt Nam, được ước tính có khoảng 24 triệu người tham gia trong dân số 88 triệu người. Ðiều mới mẻ là đa số các bloggers không thuộc giới bất đồng chính kiến. Họ là những đảng viên Cộng sản kỳ cựu, nhà văn, học giả, phụ nữ hay sinh viên, những thường dân muốn tìm hiểu các nguồn tin độc lập, hoặc mở diễn đàn trao đổi, là những điều họ không thể tìm thấy trong các cơ quan truyền thông, báo chí của nhà nước. Chủ đề của một số Blog bàn tới sự sụp đổ bức tường Bá linh, Hiệp ước bí mật năm 1939 giữa Staline và Hitler, v.v… Cũng có khi đăng tải những sách cấm kỵ, như cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" của nhạc sĩ nổi danh Tô Hải. Qua cuốn sách này người đọc tìm ra những hành xử ác độc, vô nhân của Ðảng Cộng sản qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hiển nhiên Blog này đã bị đóng cửa.
"Song song với cuộc đàn áp, khủng bố, Hà Nội thực hiện một chiến lược truy bức mới đối với giới bất đồng chính kiến bằng cách bao trùm lên xã hội một bầu khí sợ hãi. Tuy nhiên nhà nước không để cho sự sợ hãi biến thành tuyệt vọng. Vì Ðảng thừa hiểu sự tuyệt vọng của người dân là đầu mối nguy cơ cho chế độ. Do đó mà mấy năm qua, Ðảng thúc đẩy sự ra đời của những "phong trào dân chủ giả hiệu" nhằm đánh lừa công luận quốc tế. Giả hiệu cốt cho dân chủ không biến thành đa nguyên. Tuy cho phép xuất hiện những cá nhân đòi hỏi dân chủ, nhưng cấm cản sự hình thành tổ chức với lượng người gia nhập. Ðảng cũng cho hình thành một số xã hội dân sự nhưng do Ðảng điều hành và kiểm soát. Tất cả chỉ nhắm vào việc tuyên truyền quốc tế.
"Giới trẻ ước vọng dân chủ, nhân quyền, thì Ðảng chỉ cần kết án 3, 7 năm tù, là triệt tiêu ý chí chiến đấu sau khi họ được trả tự do, hết học hành hay mất công ăn việc làm, nên va đầu vào việc lo liệu cho bản thân, gia đình.
"Tuy nhiên, chiến lược này đã chẳng thành công dập tắt tiếng nói chính yếu của các tôn giáo, mà đại biểu là Phật giáo. Sau ba thập kỷ đàn áp khốc liệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Ðại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ vẫn tiếp tục vận động không những cho tự do tôn giáo của đạo Phật, mà còn cho dân chủ, nhân quyền, và công bằng xã hội cho toàn dân Việt. Ðảng Cộng sản với ba triệu đảng viên đã không dập tắt được tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vì người Phật tử có mặt trong khắp các thành phần xã hội, từ thợ thuyền đến nông dân, từ thanh, sinh viên đến giới trí thức, ở mọi lứa tuổi và mọi giai tầng. Cho nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành chất xúc tác và lực lượng kết hợp cho dân chủ và nhân quyền.
Tháng 3 vừa qua, Ðại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cất Lời Kêu Gọi chống việc khai thác bô-xít trên Tây nguyên. Ðây là lời kêu gọi Bất tuân Dân sự - Biểu tình Tại gia. Do biết rằng mọi cuộc biểu tình trên đường phố sẽ bị dẹp tan và bắt bớ, nên Hòa thượng đề xuất cuộc Biểu Tình Tại Gia, một hành động mới có tính chính đáng và hòa bình. Qua Lời Kêu gọi Hòa thượng thách thức nhà cầm quyền Cộng sản phải bảo vệ lãnh thổ cùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thông tri cho toàn dân biết chi tiết hai bản Hiệp ước trên đất liền và trên biển ký kết với Bắc Kinh, và triệu tập một Ðại hội đại biểu toàn dân bất phân chính kiến, tôn giáo trong và ngoài nước để chận đứng việc khai thác quặng bô-xít ở Tây nguyên.
"Từ Phật giáo đến vấn đề Bô-xít quả là hai điều cách biệt trời vực. Nhưng đối với Ðại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ chẳng có lằn ranh giữa hai việc ấy. Hòa thượng quan niệm tự do tôn giáo và môi sinh tốt lành khó hiện hữu khi thiếu dân chủ, và dân chủ đòi hỏi thảo luận và đối thoại. Lời kêu gọi chống kháng bất bạo động của Hòa thượng thể hiện truyền thống đấu tranh của Henry David Thoreau, Gandhi, Martin Luther King, và đang được đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng nồng nhiệt. Ngay tại Việt Nam, nhóm trí thức ở Hà Nội cũng đã hình thành một Trang nhà "Bauxite Việt Nam" và đã thu được 2751 chữ ký kiến nghị chống khai thác Bô xít Tây nguyên gửi tới Quốc hội và giới lãnh đạo Cộng sản, là điều hiếm thấy dưới chế độ.
"Mặc dù các sự phản kháng nói trên chưa biến thành một tập hợp đối lập có tổ chức, nhưng lại phản ảnh sự đồng thuận quan điểm chưa hề có trước đây. Quần chúng trong và ngoài đảng Cộng sản công khai đánh giá chính sách Ðảng trên những vấn đề trọng yếu. Có thể nói đây là vết rạn nứt trên bức tường độc tài Hà Nội. Chúng ta, những nhà dân chủ Á châu, cần theo dõi và hậu thuẫn họ làm cho bức tường sớm đổ sụp.
"Với những áp lực dấy lên từ bên trong, chúng ta cần sử dụng những cơ cấu bên ngoài để kết thúc sự đổi thay dân chủ. Do sự kiện Việt Nam đang đóng những vai trò quốc tế, nên áp lực gây tạo trong vùng và trên thế giới sẽ đem lại hiệu ứng. Một trong những cơ cấu mới là "Ủy hội liên Chính phủ Ðông Nam Á (Asean) về Nhân quyền" vừa ra đời. Dù rằng cơ cấu nhân quyền này còn phôi thai, được xem như "con cọp không răng", nhưng cơ cấu ấy hiện hữu, chúng ta phải biết sử dụng nó. Và sang năm, 2010, Việt Nam sẽ làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, đây cũng là cơ hội tiến công của chúng ta".
Kết thúc lời phát biểu, ông Võ Văn Ái đã đưa ra 9 điểm hậu thuẫn Việt Nam và đã được Hội nghị đồng thanh quyết nghị thông qua tại khóa bế mạc như sau :
"Sự phát triển kinh tế gần đây tại Việt Nam đã không được chuyển hóa thành sự cải tiến nhân quyền và dân chủ. Thế nên, "Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu" quyết định :
1. Hậu thuẫn chiến dịch đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân bị giam giữ hay quản chế vì lý do biểu tỏ ôn hòa cho dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền, trong số này có Hòa thượng Thích Quảng Ðộ ;
2. Hậu thuẫn những nỗ lực tăng cường sự cam kết quốc tế cho nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam, như tổ chức những cuộc điều trần tại các Quốc hội và phổ biến các thông tin, kể cả tại các nước dân chủ Châu Á ;
3. Vận động qua các cơ cấu khu vực, chẳng hạn như "Ủy hội liên Chính phủ Ðông Nam Á (Asean) về Nhân quyền", đặc biệt trong năm 2010 khi Việt Nam làm chủ tịch luân phiên, bó buộc Việt Nam phải thi hành nghĩa vụ của mình theo Hiến chương "Ủy hội liên Chính phủ Ðông Nam Á về Nhân quyền" để thăng tiến dân chủ, tự do và nhân quyền, cũng như tiếp tục tiến trình tham gia của các xã hội dân sự trong những bước tiến của Hiệp hội Ðông Nam Á ;
4. Hậu thuẫn "Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam" của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, mà 8 điểm chuyển hóa trong Lời kêu gọi sẽ là điểm hội tụ người Việt thuộc các khuynh hướng chính trị và tôn giáo khác biệt để cùng nhau thực hiện việc thay đổi dân chủ ;
5. Tăng cường vận động, trên bình diện khu vực và quốc tế, nhằm hủy tiêu điều luật "an ninh quốc gia" dùng để kết tội tự do báo chí, tự do tôn giáo và tự do hội họp, cũng như các điều 88 và 258 trong bộ Luật Hình sự, và Pháp lệnh 44 về "quản chế hành chính" ;
6. Phát hành "Bạch thư về Cải cách Pháp luật" để báo động với các tổ chức hay chính phủ viện trợ tài chánh cho Việt Nam nhằm bảo đảm cho các cải cách pháp luật tại Việt Nam và các nước Á châu khác tuân thủ những tiêu chuẩn trong các công ước nhân quyền quốc tế ;
7. Hậu thuẫn các cuộc vận động chống khai thác Bô-xít ở Tây nguyên bằng cách phối hợp các sáng kiến như "Lời Kêu gọi Bất tuân Dân sự - Biểu tình Tại Gia" của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ hôm 29.3.2009 và các Kiến nghị gửi Quốc hội hôm 7.5.2009 do các nhà trí thức Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng khởi xướng ;
8. Vận động cho tự do tôn giáo và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của các tổ chức tôn giáo chưa được thừa nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ðiều này đặc biệt quan trọng vì các phong trào tôn giáo là những tiếng nói độc nhất còn lại của xã hội dân sự tại Việt Nam ;
9. Vận động cho giới quan sát quốc tế có thể đến điều tra nhân quyền tại các vùng đồng bào Thượng cư ngụ để giải quyết việc cưỡng chiếm đất đai hoặc đàn áp những người Thượng theo Thiên chúa giáo tại gia.
Sau hai ngày làm việc năng động qua nhiều tổ hội thảo, Hội nghị đề xuất "Khung hành động cho hai năm 2009-2011" một chương trình hoạt động cụ thể tại 20 quốc gia Châu Á, (Bhutan, Miến Ðiện, Trung quốc, Lào, Bắc Triều tiên, Tây Tạng, Việt Nam, Cam Bốt, Hồng Kong, Mã Lai, Nepal, Pakistan, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Mông cổ, Phi Luật Tân, Sri Lanka, Thái Lan và Timor-Leste).
Lễ bế mạc hội nghị được tổ chức tại chùa Hoa Yên trên vùng núi thủ đô Hán Thành theo lời mời của Hòa thượng Soo-Kyong. Ông Võ Văn Ái được hội nghị đề cử thay mặt Ban Thường vụ "Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu" cám ơn và kết thúc hội nghị. Ông Ái phát biểu như sau :
"Nam Mô A Di Ðà Phật �" Quán Thế Âm Bồ Tát, (1)
"Thay mặt Ban Thường vụ "Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu", tôi muốn được nói lên lời cám ơn chân thành chùa Hoa Yên và đặc biệt Hòa thượng trú trì Soo-Kyong đã đón tiếp chúng tôi đêm nay. Chẳng có nơi nào thích ứng hơn ngôi hùng điện của Ðạo hạnh, Khoan dung và Từ bi để bế mạc Hội nghị.
"Ở Á châu người ta thường nói Núi tượng trưng cho kẻ Trí, Nước tượng trưng cho người hành động. Chúng tôi là những nhà hành động tại Châu Á và khắp nơi trên thế giới thuộc nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa khác nhau. Tối nay, Chúng tôi đến trước Núi. Cuộc gặp gỡ giữa Núi và Nước, giữa Trí tuệ (Prajna) và Từ bi (Karuna), đã nối kết các nguyên lý nền tảng của đạo Phật.
"Trong thế giới tràn đầy bạo động và khủng bố ngày nay, lòng khoan dung và từ bi của Phật giáo cần thiết hơn bao giờ để kiến tạo con đường đưa tới hòa bình cho nhân loại. Chúng tôi những người có mặt tại đây đêm nay không ngừng phấn đấu qua mọi ngày để đem lại công lý và dân chủ cho mọi sắc dân. Chúng tôi tự hứa phải trợ cứu cho những ai thiếu tự do và nhân quyền cơ bản. Gần ba nghìn năm trước, Ðức Phật cũng đã phát nguyện như thế khi Ngài quyết tâm giải phóng chúng sinh ra khỏi nô lệ, vô minh, đau khổ. Kinh Phật cũng từng nói, cứu chúng sinh là cúng dường chư Phật. Bằng cách thế riêng, và bằng hành động cho dân chủ và tự do, chúng tôi chia sẻ lý tưởng này của đạo Phật và cùng bước theo bước chân của đức Thế tôn.
"Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ giữa chúng ta không chấm dứt trong đêm nay. Mà sẽ là bước đầu cho cuộc phấn đấu chung để thiết lập sự cảm thông, niềm khoan dung và hòa bình cho nhân dân Châu Á và trên toàn thế giới. Một lần nữa, tôi xin ngỏ lời tri ân Hòa thượng Soo-Kyong đã tiếp đón chúng tôi nơi ngôi chùa tráng lệ đầy cảm hứng này".
--------------------
(1) Phật tử Ðại Hàn có lối chào ghép tên đức Phật A Di Ðà và đức Bồ tát Quán Thế Âm : Namu Amitabul Gwanse-umbosal !