Vatican mong, nhưng Việt Nam chưa muốn…
Những ngày trung tuần và hạ tuần tháng 8/ 2009, hàng loạt các sự kiện xảy ra liên quan tới Giáo Hội Việt Nam, khiến những ai quan tâm tới tình hình Giáo hội Việt Nam không thể không đặt ra những dấu hỏi cho mình.
Những biến cố đan xen
Khởi đầu cho loạt biến cố này là sự kiện giáo phận Ðà Lạt khởi công xây dựng Trung tâm Mục vụ Giáo phận vào ngày 12/8/2009, trên diện tích khu đất được Nhà nước cấp 11 ha.
Ngay sau đó, các ngày 14,15,16/8/2009, các cơ quan thông tấn báo chí một chiều đồng loạt sử dụng biến cố xây Trung tâm mục vụ giáo phận Ðà Lạt để kết án giáo dân Tam Tòa.
Ngày 18/8/2009, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát mỏ bauxite Tân Rai, cùng ngày thăm đức cha Chủ tịch HÐGMVN, chụp hình, quay phim và công bố rộng rãi trên các cơ quan truyền thông.
Ngay sau đó, ngày 20/8/2009, tại Hà Nội, chính quyền Hà Nội họp bàn về tôn giáo và ra nghị quyết bằng mọi cách, dù nhún nhường nhất, bẩn nhất, đưa các vị lãnh đạo Giáo hội ra khỏi thủ đô.
Ngày 22/8/2009, Ðại sứ Việt nam tại Ý – Ðặng Khánh Thoại, gặp gỡ vị đại diện ngoại giao của Tòa thánh La mã, thông báo về tình hình Giáo hội Việt Nam và tỏ ý đồng thuận với các phát biểu của Giáo hoàng Benedict 16 với các giám mục Việt Nam. Ðiều đáng nói là sự kiện này chỉ được các cơ quan truyền thông một chiều công bố một tuần sau đó (ngày 27/8/2009), sau khi đã dùng truyền thông kết án nặng nề các linh mục, tu sĩ và giáo xứ Thái Hà.
Một điều khác cũng cần ghi nhận là nội dung những gì ông Ðặng Khánh Thoại nói với vị đại diện Tòa thánh, cũng là nội dung được thống nhất trong cuộc họp của nhà cầm quyền Hà Nội ngày 20/8/2009 và được Ban tuyên giáo chỉ đạo các cơ quan báo chí sử dụng để đánh phá Thái Hà trong suốt các ngày từ ngày 24 – 26/8/2009, trước khi đưa tin chót đóng chiến dịch truyền thông: “nhân cuộc gặp giữa đại diện ngoại giao Tòa thánh với Ðại sứ Việt Nam tại Rôma, vị đại diện Tòa thánh “muốn thúc đẩy quan hệ song phương”.
Cuối cùng là “tin đồn” Ðức Tổng giám mục Hà Nội xin từ chức được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lề trái.
Những liên hệ đáng ngờ
Những ai tinh tế có thể dễ dàng nhận thấy những sự kiện này không phải là những sự kiện ngẫu nhiên, đơn lẻ. Chắc chắn, chúng có một mối liên hệ với nhau mà mục tiêu vẫn là dập tắt lửa công lý bằng miếng mồi: “Tòa thánh mong muốn được thiết lập bang giao với Việt Nam”.
Còn nhớ, trong vụ việc Thái Hà, sau khi HÐGMVN đưa ra một bản “quan điểm” (nghe hay không thì kệ) chứ không phải là “lập trường của HÐGMVN” về Tòa Khâm sứ, thì đã có những ý kiến bên lề của một vài vị lãnh đạo cao cấp trong Giáo hội rằng đây chỉ “đồng cảm” chứ không “đồng thuận”; rằng Tòa Khâm sứ và Thái Hà đã gây thiệt hại lớn cho tiến trình đối thoại giữa Giáo hội Việt Nam với Nhà nước Việt Nam và làm hỏng tiến trình bang giao với Tòa Thánh.
Ai cũng biết phái đoàn Tòa thánh sau đó được Nhà nước mời tới Việt Nam và được săn đón trọng thị, để bàn về tiến trình thiết lập bang giao. Nội dung cuộc gặp không ai được biết, nhưng theo nhiều nguồn tin thì trở ngại lớn vẫn là vụ việc xảy ra tại Tòa Khâm sứ – giáo xứ Thái Hà khiến hai bên đã không thể thống nhất được quan điểm.
Có sự liên hệ nào giữa các ý kiến “bên lề” với những điều kiện được Chính phủ Việt nam đưa ra trong cuộc gặp gỡ với phái đoàn Toà Thánh và với “tin đồn” Tổng Giám mục Hà Nội xin từ chức?
Cần biết rằng Nhà cầm quyền Hà Nội luôn biết họ không thể trực tiếp đối thoại với Vatican, nếu không có trung gian là các chức sắc trong Giáo hội. Chiến dịch đánh phá và thuyên chuyển Ðức Tổng Kiệt đã được ông Nguyễn Thế Thảo bạch hoá trong công văn gửi HÐGMVN, trở thành nghị quyết sau đó và được nhắc lại trong cuộc họp về tôn giáo ngày 20/8/2009 vừa qua, trước khi ông Ðặng Khánh Thoại gặp vị đại diện ngoại giao ngày 22/8/2009 tại Rôma.
Sự kiện các cơ quan truyền thông, dưới sự chỉ đạo của bộ 4T, đồng loạt sử dụng bài huấn từ của Ðức Benedict 16, cắt cúp, tô vẽ, tạo dư luận cũng không nằm ngoài chiến dịch này.
Do đó, cần phải thấy rằng những sự kiện xảy ra liên tiếp - 2 ngày một sự kiện, trong tháng tám vừa qua, không nằm ngoài chiến dịch dập tắt lửa công lý mà chính quyền Hà Nội đang âm mưu bằng cách lợi dụng một số người nhẹ dạ, cả tin, “đồng cảm chứ không đồng thuận” nhằm đưa Tổng Kiệt ra khỏi Việt Nam, nếu không ít nhất cũng ra khỏi Hà Nội.
Con bài chiến lược của chiến dịch này nằm ở chỗ “Vatican mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam”. Ðiều này thì không ai là không muốn, chỉ trừ nhà nước Việt Nam. Biết được tâm lý này, chính quyền Hà Nội bắt đầu thả câu. Trước tiên bằng việc cấp đất, cấp phép, viếng thăm như để tỏ thiện chí, đánh vào tham vọng, đồng thời nhằm khẳng định với Toà thánh rằng sự kiện Toà Khâm sứ - giáo xứ Thái Hà thực sự đã phá vỡ cuộc đối thoại tiến tới việc bang giao giữa hai quốc gia như đã được thông tin bằng nhiều cách (không loại trừ khả năng thông tin ấy tới Toà thánh từ Giáo hội Việt nam), để Toà thánh xử lý vụ việc mà không chịu tiếng bắt tay với Cộng sản.
Ðiều này hoàn toàn có cơ sở nếu “tin đồn” Ðức Tổng Kiệt làm đơn từ chức là có thật và sự từ chức ấy chắc chắn là do sức ép chứ không phải do sức khoẻ.
Nếu chiến dịch này thành công thì nhà cầm quyền Hà Nội là người hưởng lợi. Họ không mất mặt với quốc tế về việc đưa Ðức Tổng Kiệt ra khỏi Hà Nội; mượn tay Giáo Hội để dập tắt lửa công lý mà không sợ công luận lên tiếng; dọn đường cho ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Vatican tháng 12/2009 mà tin về cuộc viếng thăm này đã được công bố trước đây cả tháng trời. Hihi…Chưa bao giờ như thế ! Còn vấn đề bang giao, thì…
Những hy vọng mong manh
Những ai quan tâm tới vấn đề thời sự trong nước thì đều biết ông “láng giềng tốt” không chỉ đưa “tầu lạ” mà cả “người lạ” vào Việt Nam. Những vụ bắt bớ gần đây theo nhận định của nhiều người là đều do có bàn tay chỉ đạo của “người lạ”. Do đó, không biết chừng, chiến dịch này cũng có bàn tay của “người lạ” nhúng vào.
Chuyện người lạ can dự vào chính trường Việt Nam thì không còn là chuyện lạ. Do đó, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, bao lâu ông láng giềng tốt chưa thiết lập bang giao với Toà thánh thì bấy lâu Việt Nam cũng không dám qua mặt ông anh để phải chịu nhận sự phiền toái. Có thể nói rằng, trong thời điểm hiện tại, Vatican mong, nhưng Việt Nam chưa muốn, bởi thực sự họ chẳng bao giờ muốn cả, nhất là ông láng giềng tốt không bao giờ muốn bạn mình tốt hơn mình.
Do đó, sẽ rất sai lầm, nếu nghĩ rằng biến cố Thái Hà – Toà Khâm sứ là nguyên nhân phá vỡ tiến trình bang giao với Toà Thánh.
Cần nhớ rằng tiến trình thiết lập bang giao đã tiến hành cách đây 15 năm và chỉ khi vụ Thái Hà – Toà Khâm sứ nổ ra, thì Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên mời một phái đoàn ngoại giao Toà thánh tới Việt Nam, còn các lần trước là theo đề nghị của Toà Thánh. Do đó, việc coi Thái Hà - Toà Khâm sứ là nguyên nhân gây đổ vỡ tiến trình bang giao chỉ là cái cớ, nhằm đẩy Vatican vào thế yếu buộc Vatican phải chấp nhận đánh đổi nếu muốn thiết lập bang giao.
Ngôn từ ngoại giao, được các cơ quan truyền thông một chiều tung hứng, rằng: “Vatican muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam”, cho thấy điều đó. Ông muốn chứ tôi không muốn, còn nếu muốn thì phải đánh đổi. Ðánh đổi rồi, tôi có chấp nhận hay không thì đó là quyền của tôi.
Như vậy, phải khẳng định rằng “vấn đề bang giao”, “việc Giáo hoàng thăm Việt Nam” được đưa ra trong thời điểm này chỉ là cái bánh vẽ, dùng để nhử những người nhẹ dạ, cả tin, những người không hiểu được thâm ý của cộng sản. Với chính quyền cộng sản, chỉ cần một quả lựu đạn, cố ý ném xuống cánh đồng ngoại ô Hà Nội, gây chết một con bò, là đủ để Giáo hoàng không bao giờ có thể thăm được Việt Nam với lý do an ninh không bảo đảm. Việc bang giao cũng vậy, sau điều kiện này thì sẽ còn rất nhiều điều kiện mà Vatican và Giáo hội Việt Nam sẽ không bao giờ có thể đáp ứng.
Ðể kết
Vì thế, cần phải khôn ngoan tỉnh táo trước tấm bánh vẽ bọc đường. Việc bang giao, nếu có, phải diễn ra trong vị thế ngang tầm, nhất là phải hướng tới một nền công lý và sự thật, bởi hoà bình đích thực là hoa trái của công lý.
Ðức Gioan Phaolô II, trong sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới 1-1-2002, số 15, viết: "Không thể có hòa bình nếu không có công lý; không thể có công lý nếu không có thứ tha. Ðây là sứ điệp tôi muốn gửi tới những người tin cũng như những ai không tin, đặc biệt những người thiện chí luôn quan tâm tới việc mưu cầu điều tốt cho gia đình nhân loại và tương lai của nó.
"Không thể có hòa bình nếu thiếu công lý, không thể có công lý nếu thiếu tinh thần khoan dung tha thứ. Ðây là điều tôi muốn nói với những ai có trách nhiệm đối với tương lai cộng đồng nhân loại, đang gánh vác vai trò hướng dẫn nhân loại với những quyết định khó khăn nhưng được soi dẫn bởi ý hướng thiện hảo của con người.
"Không thể có hòa bình nếu thiếu vắng công lý; không thể có công lý nếu không có thứ tha. Tôi sẽ không mệt mỏi lập đi lập lại điều này để cảnh giác những ai, vì nguyên do này hay nguyên do khác, đang nuôi dưỡng những tư tưởng hận thù, những ước muốn ăn miếng trả miếng chỉ với mục tiêu phá hoại.”
Việc bang giao là tốt cho Giáo hội Việt, nhưng thật bất hạnh nếu sự bang giao ấy loại bỏ công lý.
4/9/2009
An Dân
(source: DCCTVN - http://www.dcctvn.net/news.php?id=5087)
{nl}{nl}
Posted on 05 Sep 2009
[
print ]
FreeVietNews