Vụ Tam Toà: Cuộc đọ sức không cân
Khi theo dõi những diễn biến xảy ra sau biến cố c?ng sản đàn áp tín hữu giáo xứ Tam Toà ngày 20/7, người ta không khỏi ngạc nhiên trước các đáp ứng nhanh chóng và thích đáng của giới lãnh đạo Toà Giám Mục Giáo Phận Vinh. Mặc dù các giải pháp thỏa đáng cho vấn đề chưa được nhìn thấy ở cuối chân trời, người ta có lý do để tin rằng bạo lực cuối cùng sẽ bị chùn bước.
Ðây là một cuộc đọ sức không cân giữa giới cầm quyền dựa vào bạo lực và những người dựa vào niềm tin tôn giáo.
Ngay khi cuộc biến động vừa xảy ra, nhà nước đã cử một phó thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng, người gốc Nghệ An, vào Quảng Bình để chỉ đạo cuộc đàn áp. Họ đánh giá đây là một biến cố quan trọng, cần dập tắt sự phản kháng của giáo dân bằng mọi biện pháp trấn áp ngay từ đầu.
Trong khi đó, cùng ngày biến động, Ðức Cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên, Giám Mục Giáo Phận Vinh, đặt chân đến New York, Hoa Kỳ. Từ nước ngoài, ngài đã nhanh chóng bày tỏ tình hiệp thông với các tín hữu nạn nhân và nói lên niềm tin tưởng nơi các cộng sự viên của ngài.
Trong lá thư đề ngày 22/7, ngài viết, “Trước tiên cha xin chia sẻ nỗi đau với anh chị em giáo dân Tam Toà, cách riêng những người đã bị công an đánh đập và bắt giữ… Ðược cha Tổng Ðại Diện và qúy cha tường trình sự việc, tôi an tâm, tin tưởng vào sự khôn ngoan và nhiệt thành của qúy cha với gần 500 ngàn giáo dân Giáo Phận Vinh. Tôi an tâm hơn khi biết qúy cha cùng tất cả anh chị em đang cùng ‘một lòng một ý’ làm nên sức mạnh của những người tin Chúa, và đang hết mình với giáo phận trong tình hiệp thông và liên đới”.
Ðối với vị giám mục 82 tuổi sống trong chế độ từ thuở nhỏ, việc nhà cầm quyền đàn áp các nạn nhân vô tội không phải là điều ngạc nhiên. Nhưng nhờ các phương tiện thông tin hiện đại, việc liên lạc giữa toà Giám Mục với các cộng sự trở nên dễ dàng, vì vậy, mặc dù ở nước ngoài, ngài vẫn có thể điều khiển và tiến hành công việc một cách nhịp nhàng.
Vào Chủ Nhật 26/7, trên 200 ngàn của gần nửa triệu giáo dân Nghệ Tĩnh Bình, đã đồng loạt xuống đường, để phản kháng nhà cầm quyền và bày tỏ tình hiệp thông với các nạn nhân Tam Toà. Tại các quảng trường nhà thờ, có nơi tập trung cả 30, 40 ngàn người, họ đã nêu cao khẩu hiệu, “Cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ”.
Lập tức vào ngày hôm sau, 27/7, chế độ đáp ứng bằng cách đánh đập hai linh mục và bắt đi một số giáo dân. Linh mục Nguyễn Ðình Phú, khi vừa đến nền đất nhà thờ Tam Toà, đã bị hành hung bởi một nhóm côn đồ, trước sự hiện diện của công an. Sau đó, linh mục Ngô Thế Bính, đến cơ quan nhà nước để khiếu nại, và khi viên phó tỉnh vừa bước ra khỏi cơ quan, ngài đã bị một nhóm côn đồ, vây đánh trọng thương. Một số giáo dân khác cũng bị đánh đập và bị công an bắt giữ.
Trước bầu khí đàn áp nặng nề, hằng trăm giáo dân xứ Tam Toà đã bỏ nhà cửa, ruộng nương tạm thời lánh nạn sang các vùng khác.
Ðây là chiêu thức khủng bố rập khuôn chế độ độc tài đã từng áp dụng để trấn áp. Tuy nhiên, đòn phản kháng không làm người tín hữu chùn bước mà trái lại, chúng đã làm cho dư luận ngã về phiá các nạn nhân.
Một tuần sau, vào ngày 2/8, toàn thể giáo dân khắp trên 170 giáo xứ lại tiếp tục chiến dịch hiệp thông bằng các cuộc tuần hành và tham dự thánh lễ cầu nguyện tại các nhà thờ.
Trong các cuộc gặp gỡ với các giới chức giáo phận, nhà cầm quyền yêu cầu băng khẩu hiệu cắt bỏ cụm từ “bị công an đánh đập và bắt giữ”, nhưng đã bị từ chối thẳng thừng.
Ðây là sự kiện hiếm khi xảy ra nơi đất nước c?ng sản. Tập thể tín hữu Vinh, dưới sự điều khiển của các chủ chăn, đã không ngần ngại tố cáo sự đàn áp của bạo quyền một cách công khai rõ ràng. Ðó là thông điệp loan truyền sự thật, đòi công lý, được ngang nhiên gửi đến chế độ.
Bức thông điệp cũng được gửi tới những người thiện chí, trong cũng như ngoài nước, rằng trước sự bức bách trấn áp, người tín hữu Vinh không ngại tranh đấu và hy sinh.
Trong cuộc phỏng vấn với một hãng thông tấn quốc tế, linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng Ðại Diện Giáo Phận Vinh, nói rằng người giáo dân Vinh sẵn sàng tử đạo. Ngài nói, “Họ cho tôi hay không có con đường nào lên Thiên Ðàng chắc chắn và nhanh chóng nhất cho bằng tử đạo.”
Về phía dư luận, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có trên hàng trăm bản tin về Tam Toà được phổ biến trên các hãng truyền thông quốc tế. Vụ giáo dân xuống đường và hai linh mục bị hành hung được hãng tin Công Giáo Zenit toàn cầu loan tin. Các Toà Ðại Sứ Mỹ, Pháp, Ðức cũng lưu tâm vấn đề và đã tiếp xúc với các giới chức tại Toà Giám Mục Xã Ðoài.
Cuộc đàn áp đã gây phẫn nộ và tạo tiếng vang nơi cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài nước. Nhiều nơi đã bày tỏ tình hiệp thông bằng các cuộc lễ đốt nến cầu nguyện. Nhiều người, lâu nay vẫn khoan dung với các chiêu thức áp bức của chế độ, qua biến cố nầy, đã thay đổi thái độ. Họ thốt lên, “Ðã qúa đủ! Hãy ngưng ngay các hành vi tàn ác!”
Nhìn toàn cảnh, chúng ta thấy rằng, cuộc đối đầu với bạo quyền đã được điều hành một cách ngoạn mục. Với các biến chuyển đang xảy ra, và cách thức đối phó của Toà Giám Mục Xã Ðoài, chúng ta có lý do để kỳ vọng một giải pháp hợp tình hợp lý rồi sẽ được thực hiện.
- Trần Hiếu {nl}{nl}
Posted on 05 Aug 2009
[
print ]
FreeVietNews