{nl}
Kính gởi quý Linh Mục Tu Sĩ Giáo Dân Tam Tòa và đồng bào quốc nội lời nhận định, tâm tình và cầu nguyện hiệp thông của giáo sư Nguyễn Lý Tưởng về sự kiện giáo dân Công Giáo ở Tam Tòa Giáo Phận Vinh nổi dậy đòi nhà nước Việt Cộng trả lại đất đai nhà thờ và tài sản của Giáo Hội, phản kháng công an Quảng Bình đánh đập Linh Mục và
Giáo dân Tam Tòa.
Ông Nguyễn Lý Tưởng là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, cựu Dân Biểu của tỉnh Thừa Thiên nơi có cố đô Huế. Ông bị giam tù 14 năm sau năm 1975. Hiện ông là thành viên điều hành Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại.
(bấm nghe âm thanh)
http://audio.freevietnews.com/20090802_gsnguyenlytuong.m3u
Tam Tòa anh hùng, đoàn kết, cương quyết, sẳn sàng tử đạo!
Hải ngoại ngày 2 tháng 8, 2009
Kính thưa Ðồng Bào quốc nội,
đặc biệt Giáo dân Tam Tòa Quảng Bình và Giáo Phận Vinh.
Tôi cũng xin giới thiệu, tôi là Nguyễn Lý Tưởng, năm nay 70 tuổi là một giáo dân thuộc Giáo Phận Huế. Trước năm 1975, tôi là giáo sư, Dân Biểu Việt Nam Cộng Hòa ứng cử tại tỉnh Thừa Thiên. Sau 1975 tôi bị tù "cải tạo" dưới chế độ Cộng sản Việt Nam 2 lần, tổng cộng 14 năm.
Kính thưa đồng bào, hơn 10 ngày qua, tôi theo dõi tin tức qua báo, đài ở hải ngoại, được biết vào sáng Chúa Nhật 20 tháng 7, 2009 vừa qua, công an tỉnh Quảng Bình đã khủng bố đàn áp đồng bào Công Giáo đang họp nhau tại khu vực nền nhà thờ Tam Tòa, Ðồng Hới, để cử hành nghi thức thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật. Công an đã dùng dùi cui, gậy gộc, lựu đạn, hơi cay và dùng xe kéo đổ ngôi lán mà giáo dân vừa dựng lên, để dùng làm nơi cầu nguyện.
Công an đã bắt đi hàng chục người, trong đó có 7 người bị kết tội gây rối trật tự công cộng. Ðó là Mai Xuân Thu 56 tuổi, Cao Thị Tình 52 tuổi, Nguyễn Quang Trung 36 tuổi, Mai Lòng 23 tuổi, Hoàng Hữu 54 tuổi, Hoàng Thị Tý 21 tuổi và Nguyễn Văn Dần 35 tuổi.
Ngoài ra họ còn đánh các Linh Mục và giáo dân từ các nơi xa về thăm Tam Tòa, như các Cha Phú Cha Bính vân vân. Tòa Giám Mục Vinh tại Xã Ðoài đã kêu gọi giáo dân thể hiện tình liên đới và hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa. Và sáng Chúa Nhật 26.7.2009 tại các nhà thờ của 18 Sở Hạt trong số 19 Giáo Hạt thuộc Giáo Phận Vinh, có khoảng 250,000 người đã đến dự Thánh lễ cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa.
Lần đầu tiên, kể từ năm 1945 đến nay, dưới chế độ Cộng sản, đồng bào Công Giáo đã treo biểu ngữ bày tỏ thái độ phản kháng trước hành động đàn áp tôn giáo, khủng bố giáo dân của chính quyền Cộng sản Việt Nam. Tại SàiGòn cũng đã có Thánh Lễ hiệp thông với giáo dân Tam Tòa, được tổ chức tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Kỳ Ðồng.
Riêng tại Giáo Phận Orange miền Nam California Hoa Kỳ, hôm qua Thứ Bảy 1 tháng 8, 2009, Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam đã tổ chức Ðêm Thắp Nến Cầu Nguyện cho giáo dân Tam Tòa, với sự hiện diện của các tôn giáo bạn và các đoàn thể trong Cộng Ðồng người Việt. Bữa hôm nay Chúa nhật ngày 2.8.2009, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, các đoàn thể đấu tranh cùng đồng bào người Việt tị nạn cũng tổ chức Ðêm Thắp Nến Cầu Nguyện tại Phước Lộc Thọ, đường Bolsa, thành phố Westminster, California Hoa Kỳ, là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng sản, để cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa.
Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange California đã ra một Tuyên Cáo mang chữ ký của Linh Mục Nguyễn Uy Sĩ, Chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ, kiêm Giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, California. Và ông Nguyễn Văn Liêm tân Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam, Giáo phận Orange California Hoa Kỳ và 14 Cộng Ðoàn tức 14 Giáo xứ Việt Nam thuộc Giáo Phận Orange.
Trong tâm tình hiệp thông với Giáo xứ Tam Tòa, hướng lòng về Giáo Hội Mẹ, cầu nguyện cho công lý và hòa bình được thể hiện trên quê hương, Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange trân trọng tuyên cáo:
Thứ nhất: Cực lực lên án hành động dã man của nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Quảng Bình đối với các Linh Mục và giáo dân tại Giáo Phận Vinh.
Thứ hai: Ðòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Quảng Bình trả tự do tức khắc và vô điều kiện các giáo dân đang bị giam giữ.
Thứ ba: Hiệp nhất với Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và đồng hành với toàn thể Linh mục Tu sĩ nam nữ và giáo dân Giáo xứ Tam Tòa, như chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu Kitô.
Thứ bốn: Cầu nguyện cho sự kiên trung và niềm tin sắt con của giáo dân và Giáo xứ Tam Tòa được luôn vững mạnh.
Thứ năm: Hiệp thông với Giáo Hội tại Quê nhà, đặc biệt các Linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc Giáo xứ Tam Tòa đang đòi hỏi Công Lý và Tự Do Tôn Giáo khi đòi lại đất đai bị cưỡng chiếm.
Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Tình Yêu qua lời cầu bầu của Mẹ Maria La Vang và các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ban cho Giáo xứ Tam Tòa lòng kiên trung, niềm tin sắt son, để trải qua những thử thách trong việc mưu tìm Công Lý.
Trên đây là chúng tôi tuyên đọc nội dung Tuyên Cáo Hiệp Thông và Cầu Nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa, của Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange.
Kính thưa quý vị, kính thưa đồng bào,
Cá nhân tôi tuy là một người Công Giáo thuộc Giáo Phận Huế, nhưng có rất nhiều liên hệ thân tình với bà con Tam Tòa và Giáo Phận Vinh. Thứ nhất, ông Dương văn Ðức em ruột mẹ tôi trước 1954 làm việc 20 năm tại Ty Khí Tượng Ðồng Hới tức là Meteor Ðồng Hới, có vợ là bà Hoàng Thị Cho, người Tam Tòa. Gia đình cậu tôi đã trở thành giáo dân của Giáo xứ Tam Tòa.
Thứ hai, Linh mục Phanxicô Xavier Dương văn Nguyên, anh ruột mẹ tôi, làm Cha Xứ An Lạc Lệ Thủy Quảng Bình, bị Việt Minh bắt năm 1951, bị giam giữ tại miền núi, và chết tại Giáo xứ Kim Lũ thuộc Giáo Phận Vinh. Nay còn ngôi mộ của ngài, mà giáo dân gọi là "mộ của Cha Thánh tử đạo". Thứ ba, cha tôi là Nguyễn văn Khánh, bị Việt Minh bắt giam và chết tại Trại Ðưng, Hà Tĩnh, gần xứ Làng Truông của Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều. Cha Kiều sau này vào miền Nam và chết tại Bình Giả Bà Rịa.
Bà con của tôi nhiều người đã chết Trại Ðưng, Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh. Ông Dương Minh Khai là anh con cậu của tôi đã từng bị tù vì Việt Minh từ năm 1946 tại Trại Ðưng. Năm 1952 cùng giáo dân Giáo Phận Vinh tranh đấu chống Việt Minh, cùng bị tù với Linh mục Nguyễn Ðình Huề người Nghệ An. Vụ này có đến 250 giáo dân bị bắt giam cho đến 1954. Nhiều người bị chết.
Mặc dù chưa đến Tam Tòa Ðồng Hới lần nào, nhưng tôi đã nhiều lần đến Tam Tòa Ðà Nẵng và có nhiều bạn bè ở đây. Tôi đã được tháp tùng Linh mục Cao Văn Luận, cựu Viện Trưởng Ðại Học Huế, thuộc Giáo Phận Vinh di cư, đi thăm nhiều nơi, nhiều Giáo xứ thuộc Giáo Phận Vinh tại Cam Ranh, Hàm Tân, Phan Thiết. Và có nhiều bạn bè gốc Giáo Phận Vinh, nên tôi biết khá nhiều về Tam Tòa Giáo Phận Vinh.
Khi được tin giáo dân Tam Tòa bị khủng bố đàn áp, bị cướp đi quyền Tự Do Tôn Giáo của họ, tôi vô cùng xúc động. Tôi cảm thấy như chính bản thân mình, và quê hương của mình, Giáo xứ của mình bị khủng bố đàn áp. Giáo xứ Tam Tòa Quảng Bình ở về phía nam Sông Gianh, trước đây thuộc Giáo Phận Huế. Sau ngày 20 tháng 7, 1954, đa số giáo dân Tam Tòa di cư vào Nam. Vùng đất từ bắc vĩ tuyến 17 đến nam sông Gianh không có Linh mục.
Sau Hiệp Ðịnh Genève, Cha Lương Minh Thể ở lại Quảng Bình đã bị cộng sản bắt giam và đã chết. Giáo dân từ bắc vĩ tuyến 17 tức là Vĩnh Linh Quảng Trị đến nam sông Gianh Quảng Bình không có Linh mục. Mỗi năm họ phải đi ra bắc sông Gianh thuộc Giáo Phận Vinh để gặp Linh mục, xin xưng tội rước lễ theo giáo luật. Tức là xưng tội mỗi năm, ít nhất là một lần. Hoàn cảnh của họ rất khổ.
Sau năm 1975, Linh mục Lê Văn Cao, một người quen với tôi ở Quảng Trị đã ra Quảng Bình tìm thăm giáo dân, nhưng chính quyền gây khó dễ, bắt nộp tiền phạt khi đang dâng Thánh Lễ tại tư gia của người Công Giáo của mình. Kể từ năm 1975, sau gần 30 năm, Ðức Tổng Giám Mục Huế đã cùng Ðức Giám Mục Giáo Phận Vinh xin chính quyền tỉnh Quảng Bình, cho cắt đất từ bắc vĩ tuyến 17 trong đó có Giáo xứ Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh.
Nói đến Giáo Phận Vinh, chúng ta phải biết rằng đó là vùng đất anh hùng! Nhiều nhân tài, nhiều Thánh Tử Ðạo. Nhiều giáo dân trung thành bất khuất. Nhà bác học, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ là người Công Giáo thuộc Giáo Phận Vinh. Từ năm 1945, đất Nghệ An thuộc tỉnh Quảng Bình ở trong vùng kháng chiến dưới quyền kiểm soát của Việt Minh.
Sau 1954, đường ra Hải Phòng bị chặn, đường vô Ðồng Hới bị chặn, nên đa số giáo dân Vinh không di cư vào Nam được. Trong khi giáo dân Tam Tòa ở ngay cửa biển Nhật Lệ, có tàu thủy chở vô Ðà Nẵng, nên họ di cư vào Nam gần hết!
Từ năm 1945 đến nay, giáo dân Vinh ở các tỉnh Nghệ An Quảng Bình bị áp bức bất công, phải sống dưới chế độ độc tài cộng sản có chủ trương tiêu diệt tôn giáo, đặc biệt với Công Giáo. Sau năm 1975 tại miền Bắc, Giáo Phận Vinh là Giáo Phận có số giáo dân đông nhất: 500,000. Trong khi Phát Diệm chỉ có 150,000 giáo dân.
Tinh thần của giáo dân Giáo Phận Vinh rất cao. Ðó là tinh thần vâng lời Chủ Chăn và đoàn kết. Vì thế, người dân Công Giáo Vinh vừa anh hùng, vừa sẵn sàng tử đạo. Khi nghe tin vụ giáo dân Tam Tòa bị công an khủng bố đàn áp, thì hàng trăm ngàn giáo dân Giáo Phận Vinh đứng lên bênh vực, hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa!
Sau năm 1954, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã chiếm các cơ sở chung quanh nhà thờ Tam Tòa, như trường học, cô nhi viện, tu viện. Nhưng nhà thờ Tam Tòa vẫn còn. Giáo dân vùng Ðồng Hới còn có nơi để đọc kinh cầu nguyện. Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa "bị máy bay Mỹ ném bom" làm sụp đổ. Lý do: vì bộ đội và phòng không cộng sản vào trú ẩn trong đó. Sau khi Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, Tòa Giám Mục Vinh đã yêu cầu chính quyền cho xây lại nhà thờ Tam Tòa.
http://dcctvn.net/images/picd/d995497.jpg
Ngày 26 tháng 2, 2009, ông Phan lâm Phương chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nói rằng: không thể cho xây lại nhà thờ Tam Tòa cũ, vì muốn giữ lại cái tháp chuông để làm chứng tích thảm họa của chiến tranh. Ngoài ra, nền nhà thờ cũ lại quá chật hẹp. Ông hứa: chính quyền sẽ tạo điều kiện để cho giáo dân có chỗ sinh hoạt, như quy chế tôn giáo đã định. Nhưng đây chỉ là luận điệu lừa dối phỉnh gạt của cộng sản.
Tại sao chỉ có nhà thờ Tam Tòa cần phải để lại, để làm di tích lịch sử, mà những nơi khác ở Hà Nội và miền Bắc cũng "bị tàn phá do bom đạn Mỹ" trong chiến tranh, lại không phải là "di tích lịch sử về tội ác đế quốc Mỹ" ?
Khi Mỹ vào Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao, thì cả 2 bên đều tuyên bố "khép lại quá khứ, nhìn về tương lai". Vậy lập luận của ông Phan văn Phương chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có nghe được hay không ?
Trở lại vấn đề quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, được hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, được quyền sở hữu đất đai, các nơi thờ tự…là quyền của Giáo Hội, theo hiến pháp và pháp lệnh của nước CHXHCN Việt Nam hiện tại. Thái độ cương quyết tranh đấu cho Công Lý của Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh và toàn thể giáo dân Giáo Phận Vinh là một thái độ đúng đắn và có chính nghĩa.
Tinh thần đoàn kết của toàn thể giáo dân Công Giáo thuộc Giáo Phận Vinh, và tinh thần vâng phục Chủ Chăn của giáo dân Vinh, là SỨC MẠNH đáng nêu gương cho các Giáo Phận khác!
Hiện nay cả thế giới đều hướng về Tam Tòa. Người Việt hải ngoại hướng về Tam Tòa và ủng hộ Tam Tòa. Chúng tôi nghĩ rằng đồng bào quốc nội, đặc biệt đồng bào Công Giáo, những người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo hãy có tiếng nói công khai ủng hộ Tam Tòa!
Lực lượng Công Giáo quốc nội còn gì nữa mà chưa chịu lên tiếng, chưa chịu dấn thân hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa ?
Liệu chính quyền tỉnh Quảng Bình và công an Quảng Bình có dám tiếp tục những hành động dã man mọi rợ như thế đối với Tam Tòa được nữa hay không ?
Năm 1885 giáo dân Tam Tòa và Quảng Bình đã bị tàn sát tập thể do phong trào yêu nước cực đoan, tức phong trào Văn Thân chủ trương "bình Tây sát Tả". Nhưng Tam Tòa vẫn tồn tại cho đến bây giờ ! Có hàng chục ngàn dân Tam Tòa hiện đang sống ở Mỹ và Âu Châu, cũng như Ðà Nẵng và các nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi xin cầu chúc cho nguyện vọng của giáo dân Tam Tòa được thành tựu.
"Lạy Chúa là nơi nương ẩn và là sức mạnh của chúng con, xin đoái thương đoàn dân đang kêu tới Chúa"
Xin cám ơn tất cả quý vị.
Nguyễn Lý Tưởng
Giáo Phận Orange, nam California
Ngày 2 tháng 8, 2009
[Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng là nhà giáo dạy môn Quốc văn, Sử địa và Sinh ngữ tại Huế, Nha Trang, Saigon. Nguyên là Tổng Thư Ký Hội Sử Học Việt Nam (1967-1975), tác giả các tập truyện biên khảo và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, "Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai", "Thuyền Ai Ðợi Bến Vân Lâu", "Ðưa em tới Chốn Nhà Hồ", "Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên" là sách Hán Văn dịch ra Việt ngữ cùng các tác giả khác, "Hồi Ký" (từ 1945 đến 1975), "Thảm Sát Mậu Thân 1968 tại Huế" là tuyển tập tài liệu gồm nhiều nhân chứng viết lại)].