
Tin
Hà Nội - Nhiều người đang theo dõi tin tức về việc Hà Nội sắp tổ chức
một Hội nghị Việt Kiều trong hai tuần tới, mà Cộng sản Việt Nam tuyên
bố nhân dịp này sẽ giải thích về biên giới lãnh thổ, một trong những đề
tài từng làm chế độ Hà Nội phải chống đỡ khó khăn với những bài viết
cáo buộc đã nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc. Hội nghị người Việt
Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất dự trù diễn ra ở Hà Nội các
ngày từ 20 đến 24 tháng 11, theo sự loan báo của Bộ Ngoại Giao Cộng sản
Việt Nam thì sẽ có khoảng 900 đại biểu tham dự. Trong số đại biểu này,
có 650 "đại biểu" đến từ các nước, còn số kia là Việt kiều đang có mặt
làm ăn ở Việt Nam.
Cho đến nay danh sách
những Việt kiều về Việt Nam dự Hội nghị bị dấu kín, và những người này
cũng không do ai bầu làm đại biểu. Một cư dân quận Cam Caliifornia,
từng về Việt Nam nhiều lần làm công tác thiện nguyện và cũng từng được
chế độ tuyên dương ca ngợi, tuy nhận được giấy mời tham dự nhưng đã từ
chối, vì cho rằng Hội nghị này được tổ chức nhằm thu hút chất xám của
người Việt nước ngoài chẳng bao lâu sau khi chế độ Hà Nội ra nghị định
buộc giới trí thức không được phản biện công khai, mà chỉ được gửi phản
biện đến các cơ quan liên quan của nhà nước, nghe hay không là chuyện
khác.
Viện nghiên cứu IDS là một tổ chức tư
nhân và độc lập duy nhất ở Việt Nam, sau nhiều đề nghị không được chấp
nhận, đã loan báo tự giải thể để phản đối quyết định của nhà cầm quyền
mà họ cho là sẽ không có ích lợi gì cho đất nước.
Giới
trí thức Việt kiều, rất nhiều người tham gia khảo cứu hay làm cho nhiều
cơ quan, công ty nổi tiếng trên thế giới, được Hà Nội nhắm đến để dụ
dỗ, nhưng không mấy ai nghe theo lời kêu gọi của Hà Nội vì không chấp
nhận làm tay sai cho một chế độ độc tài và tham nhũng. Theo một bản tin
của BBC, ngay ngày đầu tiên của đại hội, các đại biểu sẽ phải dự lễ đặt
vòng hoa tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, và phải viếng lăng Hồ
Chí Minh. Trong một bản tin về đại hội nói trên, Thông Tấn Xã Việt Nam
tường thuật theo lời viên chức ngoại giao nói chủ đề của nó là "Vì một
cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng
đất nước". Nhưng tất cả những ai lên tiếng kêu gọi hoặc vận động cho tự
do dân chủ hay tự do tôn giáo đề bị gán cho cái nhãn phản động lưu
vong, hay thế lực thù nghịch.
Khi chế độ Hà
Nội phải giải thích về các bản hiệp định biên giới cho một nhóm người,
hiển nhiên họ đã biết cộng đồng người Việt hải ngoại rất bất mãn với
các bản hiệp định biên giới và thái độ nhịn nhục, chịu lép trước sự
ngang ngược bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ngay khi ký với Trung
Cộng bản Hiệp Ðịnh Biên Giới Trên Bộ cuối năm 1999 và bản Hiệp Ðịnh
Phân Ðịnh Lãnh Hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh
Bắc Bộ cuối năm 2000, nhiều lời tố cáo phổ biến trên Internet cáo buộc
Hà Nội đã nhượng cho Bắc Kinh khoảng 600 cây số vuông trên đất liền và
10,000 cây số vuông trên biển. Ai cũng đinh ninh là thác Bản Giốc ở
Lạng Sơn là của Việt Nam nhưng sau khi có hiệp định nói trên thì chỉ
còn một nửa. Nhiều dải đồi núi như núi Lão Sơn bị Trung Cộng chiếm năm
1979 khi xua đại quân sang xâm lăng suốt 6 tỉnh biên thùy từ Lào cai
đến Quảng Ninh, đều bị mất. Người ta đang chờ xem Hà Nội sẽ giải thích
như thế nào trong đại hội Việt kiều sắp diễn ra tại Việt Nam.(SBTN)