
Tin
tổng hợp - Các tổ chức quốc tế bênh vực cho tự do báo chí trên thế giới
đã đồng loạt lên án việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam mở chiến dịch
bố ráp, trấn áp và bắt giam các nhà báo, giới bloggers có bài viết đụng
chạm đến Bắc Kinh. Trong một công bố đưa ra ngày hôm qua, Ủy ban Bảo vệ
Ký giả CPJ có trụ sở tại New York kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức
cho nhà báo Phạm Ðoan Trang, một phóng viên xuất sắc của báo Vietnam
Net và nhà báo Bùi Thanh Hiếu, người viết blog với bút danh Người Buôn
Gió. Cả hai phóng viên này đã bị bắt hồi tuần trước vì bị cáo buộc các
tội có liên quan đến an ninh quốc gia. Một blogger có tên Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh với trang blog mang tên Mẹ Nấm"cũng đã bị bắt đêm hôm thứ Tư
tại nhà cô ở thành phố biển Nha Trang.
Ba nhà
báo có những bài viết bị nhà nước xem là nhạy cảm, khi đụng chạm đến
quan hệ giữa Hà Nội tới Bắc Kinh, đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt
giữ. Theo CPJ, hành động bắt bớ những người cầm bút này là đáng bị lên
án, nhất là khi các nhà báo này chỉ cho phổ biến các bài vở liên quan
đến vịêc Bắc Kinh xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như
chuyện Trung Cộng được vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, chứ không
liên quan gì đến an ninh quốc gia như cáo buộc của Hà Nội. Cũng trong
ngày hôm qua tại thủ đô Paris Pháp quốc, Tổ chức Phóng viên Không Biên
giới RSF, đã công khai bày tỏ thất vọng về việc chính quyền Hà Nội
trong thời gian gần đây cho bắt giữ hết blogger này đến blogger khác,
và biện pháp đàn áp có hệ thống quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng
Internet.
Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên
giới thì Hà Nội đã tỏ ra quá nhạy cảm về mối quan hệ với Trung Cộng,
đến nổi người ta phải thắc mắc về vai trò của chính phủ Trung Cộng đằng
sau chiến dịch cấm đoán các blogger viết về đề tài Trung Cộng và Việt
Nam. Ông Vincent Brossel, giám đốc điều hành RSF tức tổ chức phóng viên
không biên giới đặc trách Á Châu cho rằng đây là một vấn đề bén nhạy
đối với nhà nước Việt Nam, vì thế họ không muốn ai đụng chạm đến chuyện
đó, có nghĩa là khơi lại chuyện Hà Nội cắt đất, nhượng biển cho Bắc
kinh, song song với việc người dân trong và ngoài nước mạnh mẽ lên án
Trung Cộng tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, trong khi Việt Nam thì muốn ém nhẹm hay giữ yên lặng trước hành
động bá quyền này, họ cũng không muốn ai nói tới việc cho Bắc Kinh gần
như độc quyền khai thác mỏ bauxite tại khu vực Tây Nguyên, có thể dẫn
đến những hậu quả tai hại về nhiều phương diện.
Vì
muốn phơi bày sự lấn áp của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và quyền
khai thác bauxite, đang bị dư luận trong và ngoài nước phản đối kịch
liệt, nên những nhà báo và blogger bị Hà Nội bắt giam, bất chấp sự lên
tiếng của quốc tế. Ðiều đáng nói là cả 3 nhà báo bị giam giữ đều là
những người đấu tranh ôn hoà, bất bạo động, tôn trọng sự thật và đòi
hỏi công lý, lẻ phải, bằng phương cách hợp pháp và hữu lý, đúng với vai
trò, chức năng của người làm báo.
Khi được hỏi
là chuyện Hà Nội bắt bớ, giam cầm, đối xử mạnh tay với những người cầm
bút, chỉ biết nói lên sự thật, phải chăng Hà Nội muốn bịt miệng những
nhà báo chân chính, và biện pháp này, theo ông có làm cho họ sờn lòng
không, ông Vincent Brossel nói không ai muốn tin rằng sức mạnh của bạo
quyền có thể khuất phục được những người cầm bút chân chính yêu nghề,
tuy nhiên thực tế cho thấy, Hà Nội muốn sử dụng võ lực để uy hiếp nhà
báo, blogger, nhân vật bất đồng chính kiến. Bằng chứng hiển nhiên của
những năm 2006 đến nay cho thấy rất nhiều vị lãnh đạo tinh thần, nhà
đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo đã bị giam cầm và
lãnh án tù nặng nề.
Thật là đau lòng khi phải
nhắc lại điều đó, có nghĩa là con người phải đối mặt với hơi cay, dùi
cui, roi điện, lực lượng công an hùng hậu, nhưng quả thật là Việt Nam
muốn sử dụng nhà tù, bạo lực để kềm kẹp, khoá miệng những ai dám công
khai phanh phui sự thật bất lợi cho họ. Có lẽ Hà Nội tin rằng võ lực và
tù đày là phương cách hay nhất để gây sợ hải, gieo rắc kinh hoàng,
khiến nhà báo hay nhà đấu tranh cho dân chủ phải cúi đầu ngậm miệng.
Tuy nhiên cho dù có sách nhiễu, áp bức bằng đủ mọi cách, dường như
phong trào đấu tranh trong nước vẫn tiếp tục chứ chưa bao giờ bị tàn
lụi hay phải bỏ cuộc chịu thua, trái lại cứ tiếp tục được nuôi dưỡng và
lan rộng. Ông Vincent Brossel cũng cho biết RSF đang cậy nhờ vào giới
ngoại giao Âu, Á, Mỹ, Úc, các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền, bênh
vực giới cầm bút, nối kết qua phương tiện Internet, các diễn đàn dân
chủ, bên cạnh đó còn có liên hiệp quốc, các định chế, hiệp hội, các
chánh phủ chống độc tài chuyên chế để thuyết phục, can thiệp và nếu cần
thì làm áp lực ngoại giao, chính trị, kinh tế với Việt Nam, yêu cầu họ
sớm cải tiến dân chủ, thả tù chính trị và tôn giáo vô điều kiện.(SBTN)