Translate this page: English French German Spanish Vietnam

Dư Âm “The Vietnam War” – Cựu Chiến Binh Gặp Nhau Trong Tình Đồng Đội


Sơn Hà - Dec-2017

Phim "The Vietnam War" gồm 10 tập dài 18 tiếng đồng hồ, được trình chiếu trên hệ thống truyền hình công cộng của Hoa Kỳ - PBS (Public Broadcasting Service), và còn được bày bán trong các tiệm sách qua dạng DVD và sách in. Ngoài ra, PBS còn sử dụng phương tiện Internet để truyền đi loạt phim “The Vietnam War”; ráo riết vận động khắp nơi, trong suốt Tháng Mười, Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai.

Loạt phim này gây nên làn sóng phẫn nộ dữ dội trong cộng đồng người Việt và các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam. Hai nhà sản xuất và đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, mất hơn 10 năm, tốn phí khoảng 30 triệu Đô La để thực hiện và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới giới. Câu hỏi là phim này nhắm vào mục tiêu gì và tại sao PBS tiếp tay cho cuốn phim "The Vietnam War"? Hồi năm 1983, PBS đã tài trợ và phổ biến tập phim gồm 13 tập mang tên “Vietnam: The Television History”. Bây giờ, PBS tài trợ khoảng 20% số tiền phí tổn để sản xuất phim “The Vietnam War”.

Một ngày Chủ Nhật đầu Tháng Mười Một, thành phố Spokane hứng chịu một trận tuyết khá nặng đầu mùa đông, phủ trắng thành phố. Các bô lão Việt và Mỹ, phần lớn là cựu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ, đã lội tuyết, góp mặt đông đủ tại phòng hội của thư viện Shadle Park của thành phố Spokane trong hai tiếng đồng hồ, để trao đổi một ít kinh nghiệm về chiến tranh Việt Nam. Mục tiêu của họ không phải để lên án, mà là thắt chặt tình đồng đội của những người lính từng chiến đấu trên cùng chiến tuyến.

Ông Hội trưởng Hội Cao Niên Việt - Mỹ Spokane cho biết Hội đã gửi thư mời rộng rãi đến các thành viên của hội, các hội cựu chiến binh Hoa Kỳ, và các thân hữu Việt – Mỹ trong thành phố Spokane và các thành phố phụ cận. Trong cử tọa, có người đến từ tiểu bang Idaho xa xôi, và có cả ba nhân viên của đài truyền hình KSPS, tức là chi nhánh của hệ thống PBS. Có hai vị giáo sư đến từ đại học Gonzaga và Eastern State University. Về phía chính quyền thành phố Spokane, có ông nghị viên Mike Fagan.

https://freevietnews.com/cnr/data/upimages/photo1_mikefagan.jpg
ông Mike Fagan, nghị viên thành phố Spokane, Washington nói chuyện với các cựu quân nhân Việt và Mỹ

Nội dung chương trình, sau nghi thức chào quốc kỳ, bài diễn văn của ông hội trưởng Hội Cao Niên Việt Mỹ, ông Phạm Bang, trích một đoạn của ông Reed Irvine, giám đốc cơ quan Accuracy In Media nói rằng: “Nhà báo nổi tiếng của New York Time, James Reston, đã viết từ năm 1975, …các phóng viên, các máy chụp hình, đã có công trong việc mang lại sự thất trận cho Nam Việt Nam. Một bài học quan trọng là đã để kẻ thù lợi dụng các cơ quan truyền thông tự do không kiểm soát của chúng ta để đạt được mục tiêu của chúng. PBS đã không đếm xỉa gì đến bài học quan trọng này. Chẳng hạn như trận Mậu Thân là cuộc thắng trận vẻ vang, mà quân đội chúng ta đã đạt dược trên bãi chiến trường đã được cơ quan truyền thông của chúng ta chuyển thành một cuộc thất trận”.  Năm 1983, PBS đã làm như vậy, phổ biến 13 tập trong loạt truyền hình nhan đề “Vietnam: A Television History”, đến năm 2017, PBS lại làm một việc tương tự với phim \"The Vietnam War\" gồm 10 tập.

Ông hội trưởng nói: “Chúng tôi đạt lời mời quý vị đến đây trong tinh thần kết chặt tình thân của những người đã từng chiến đấu trên cùng chiến tuyến chống cộng sản, đeo đuổi cùng một chính nghĩa là bảo vệ tự do cho 18 triệu người dân Miền Nam… Chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân các bạn là những người đã xả thân vì tự do của người khác. Chúng tôi muốn thắt chặt tình đồng đội đối với những người cùng chiến tuyến, trước mắt là bảo vệ đất nước Hoa Kỳ này. Về phần chúng tôi, vẫn nhắc nhở nhau quyết tâm đánh đuổi giặc cộng sản ra khỏi đất nước Việt Nam”.

https://freevietnews.com/cnr/data/upimages/photo2_shadle_library.jpg
Cử tọa tham dự buổi thảo luận tại thư viện Shadle Park, Spokane, WA ​

Ông nghị viên Mike Fagan của thành phố Spokane đã trân trọng nhân danh chính quyền thành phố nhắc lại bản nghị quyết vinh danh Cờ Vàng vinh danh các chiến sĩ Việt Mỹ, đã từng tham dự trong cuộc chiến Việt Nam, đã được hội đồng thành phố thông qua hồi tháng Tư. Ông đã yêu cầu các cựu chiến binh cùng đứng dậy, đưa tay chào kính một lần nữa, để tưởng niệm những người đã nằm xuống vì chính nghĩa bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam. Ông Fagan vinh danh người Việt tỵ nạn cộng sản đã đóng góp cho thành phố về phần kinh tế và văn hóa đa dạng.
 
Trình chiếu trên màn ảnh có hai video clips. Video số một, trích từ tài liệu phê bình phim “Vietnam: A Television History” do Accuracy In Media sản xuất hồi năm 1984 được tài tử Charlton Heston dẫn truyện. Video số hai là tài liệu của Prager University, do nhà bình luận Bruce Herschensohn diễn giải. Video này được phổ biến ngay sau khi phim “The Vietnam War” được trình chiếu ngày đầu tiên. Về sau, nhiều cử tọa người Mỹ cho biết, hai đoạn phim ngắn ấy đã giúp cho họ hiểu thêm rất nhiều về chiến tranh Việt Nam.

Trong video số một, giáo sư Douglas Pike của đại học Berkeley, California nói rằng, “PBS không theo đúng mục tiêu họ đã tự đặt ra. Để xin được tiền của quỹ quốc gia tài trợ cho các chương trình nhân bản, các nhà sản xuất phải đệ trình một bản đề nghị có liệt kê các mục tiêu, những kết quả hứa hẹn sẽ thực hiện được trong chương trình này. Một là, chương trình này sẽ góp phần cung cấp tài liệu cho việc ghi chép lịch sử. Những điều chúng ta thu lượm được về phương diện ghi chép là một loạt những hình ảnh, từng giai đoạn, có cái đúng, có cái sai, có cái có ý nghĩa, có cái không quan trọng. Đây là một loạt những hình muôn mặt.

“Điều thứ hai, có thể dùng để góp phần vào lịch sử như là thuốc giải độc cho những sự lạm dụng lịch sử. Tôi cho đây là điều tức cười. Nó chỉ góp phần vào việc lạm dụng lịch sử, chắc chắn nó không làm sáng tỏ chút nào.

“Điều hứa hẹn thứ ba là, chương trình này sẽ góp phần hàn gắn tinh thần quốc gia. Ý niệm là nó tạo ra lòng kiêu hãnh của Hoa Kỳ, giúp chúng ta chấm dứt nỗi ám ảnh tinh thần về vấn đề Việt Nam. Đây là một điều láo toét trắng trợn vì lẽ đơn giản là chương trình này không đưa ra một điều gì trên màn ảnh để người Mỹ có thể lấy làm hãnh diện.

“Điều hứa hẹn thứ tư là, góp phần vào phương pháp chép sử. Chắc chắn là chương trình này không làm nổi mà ngược lại nó dạy cho người xem phương pháp sai lầm trong việc chép sử. Chương trình này gồm nhiều điều, nhưng không có điều nào là tường trình lịch sử cả”.

Học giả Douglas Pike cảm thấy rằng sự bóp méo còn đi xa quá sự lầm lẫn, quá sự không công bằng. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng cách đối xử của họ đối với Nam Việt Nam còn tệ hại hơn thế nữa. Tôi cho đó là một lối khinh bỉ, lối miêu tả phân chủng những người ấy như không phải là một dân tộc. Thật ra, họ không bao giờ có một tiếng nói tử tế với những người Nam Việt Nam. Họ coi những người ấy không phải là một dân tộc. Thí dụ đầu đề đoạn 106, là “kẻ thù của Mỹ, chứ không phải là kẻ thù của Việt Nam và Mỹ; chỉ là kẻ thù của Mỹ”… Đó đúng là một lối khinh bỉ người Nam Việt Nam, phỉ báng chính phủ, xã hội, vu khống quân lực Nam Việt Nam. Không có một lời cảm tình hay thông cảm với họ. Mà đây là điều khiến cho người Nam Việt Nam tức giận bất cứ họ thuộc thành phần chính trị nào”.

Trong phần cuối của đoạn video này, tài tử Charlton Heston nói: “Không, những người đã được ghi tên phiến đá đen, bỏ mình cuộc chiến, không bị đưa đi trong một cuộc phiêu lưu khờ khạo không mục đích. Mục đích là cao thượng. Nhưng chúng ta đã không đạt được… Chúng ta đã làm đúng khi chống lại cộng sản xâm lăng. Chúng ta đã lầm khi nghĩ rằng cuộc chiến sẽ được quyết định với sức mạnh quân sự của chúng ta. Để kết luận, những tin tức sai lầm, những sự dối trá là những yếu tố quyết định trong chiến tranh Việt Nam”.


https://freevietnews.com/cnr/data/upimages/photo4_vietnamwar.jpg

Video số hai, kể lại những sự thật về chiến tranh Việt Nam. Đó là chính phủ Hoa Kỳ vào thời tổng thống Nixon gặp tai họa trong vụ Watergate đưa đến việc từ chức, rồi phó tổng thống Johnson lên thay thế, đã bị phong trào phản chiến, do tình báo cộng sản giựt dây, gây rối trong xã hội;  khối Dân Chủ trong Quốc Hội lạnh lùng, hoàn toàn cắt viện trợ Nam Việt Nam. Lời hứa của tổng thống Nixon nói rằng, Hoa Kỳ ngưng dội bom miền Bắc, rút quân về và tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nếu Bắc Việt ngưng xâm lăng và chịu ngồi vào bàn hội nghị ở Paris. Nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định thì Mỹ sẽ dội bom lên các khu quân sự của miền Bắc.

Sự thật là cộng sản Bắc Việt, với sự hà hơi tiếp sức của cả khối cộng sản Đông Âu, Liên Xô và Trung cộng, vẫn tiếp tục vi phạm trắng trợn hiệp định Paris nhưng Mỹ lại không giữ lời hứa mà làm ngược lại, là không viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, để mặc một mình Việt Nam Cộng Hòa chống chọi với cộng sản và không có viện trợ vũ khí. Cộng sản  Bắc Việt thì được sự viện của cộng sản, như một con thú dữ rộng tay cấu xé rồi chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Cuối cùng là ngày tang thương, 30 tháng Tư – 1975, và hậu quả là hàng triệu người bị cầm tù, hàng triệu người bỏ chạy ra khỏi nước, tạo nên thảm trạng tỵ nạn cộng sản.

Hội trường lặng người theo dõi hai đoạn video chỉ vỏn vẹn trong vòng 20 phút, không khỏi ngậm ngùi cho một dân tộc Việt Nam nước mất nhà tan, và đang bị giặc cộng sản xâu xé, cho đến ngày hôm nay vẫn còn đang bị đọa đày.

https://freevietnews.com/cnr/data/upimages/photo3_vietnamwar.jpg

Nhớ lại câu nói bất hủ của Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Reagan: “Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh ra tại Viêt Nam về sau này”. Điều này đang diễn ra ở Việt Nam.

Phim “The Vietnam War” – Bình Mới Rượu Không Mới

Xem phim “The Vietnam War” người ta sẽ bắt gặp những gì đã làm vào năm 1983, cũng vụ Mỹ Lai, bom Napan ở Xuân Lộc, cũng hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tay khủng bố Bảy Lốp lại được khai thác thêm lần nữa,… Các cuộc xuống đường nhân danh đòi tự do tôn giáo do cộng sản giựt dây. Rất nhiều phần phỏng vấn cán binh cộng sản Hà Nội vẫn còn mang tính tuyên truyền cố hữu. Các đoạn phim quay cảnh chiến đấu của lính cộng sản thì do Hà Nội cung cấp, toàn là những đoạn lấy từ phim tuyên truyền do Hà Nội dựng nên, mà người làm phim gọi là phim tài liệu. Kể cả các đoạn phim ghi ảnh những người lính Mỹ cũng lấy từ các sản phẩm Hollywood mà họ cũng cho là phim tài liệu. Các nhân viên của KSPS (PBS) đang có mặt tại hội trường tỏ ra ngỡ ngàng nói rằng, mọi người nên gửi thư cho nhà đạo diễn Ken Burn để bày tỏ sự bất bình của mình. Biết đâu ông ta thiếu sót.

Làm sao Ken Burn và Lynn Novick có thể không biết những điều này, khi mà họ bỏ ra hơn 10 năm, tốn phí 30 triệu Đô La, gần 80 cuộc phỏng vấn,... để thực hiện bộ phim 10 tập và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới(?). Khán giả bình thường có thể không biết nhưng những người làm phim thì ai cũng biết Ken Burn là một chuyên viên về phim ảnh, có khả năng biến hóa trong lãnh vực phim tài liệu. Đến nỗi trong giới chuyên môn về điện ảnh, người ta gọi một kỹ thuật với tên  “Ken Burn Effects”, mà các editors và producers đều biết. Ken Burn dùng hình chụp và cắt ráp hay cho chuyển động với tốc độ khác nhau khiến cho người xem có cảm giác tấm hình có xê dịch và gây tác động lên người xem. Ken Burn cũng có khả năng rất cao về âm thanh. Để ý về mặt kỹ thuật ta sẽ thấy phim “The Vietnam War” là một tác phẩm với hình ảnh và âm thanh có phẩm chất rất cao. Không phải là thứ phim tài liệu không son không phấn, như ta thường thấy. Ngoài ra, chung quanh hai người này, còn có các cộng tác viên toàn là những người thuộc cánh tả.

Hội Cao Niên Spokane cho biết, điều mà họ mong mỏi không phải là lên án các nhà làm phim hay sản xuất, mà là nhắm đến sự thắt chặt tình thân giữa những người từng chiến đấu trên cùng chiến tuyến. Các cựu chiến binh Việt và Mỹ đã hàn huyên, chia xẻ với nhau niềm thông cảm, đã tỏ ra gần nhau hơn và hứa hẹn ​trong tương lai, ​sẽ tiếp tục gắn bó trong các công tác cộng đồng.

Sơn Hà
(Một ngày mùa đông 2017 - Tây Bắc Hoa Kỳ)





» more Cartoon Collections


» more Cartoon Collections