Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Ts Nguyễn Quốc Khải: Thế gian này không có gì bất di bất dịch


 




Giáo sư Nguyễn Quốc Khải (đông bắc Hoa Kỳ)
Cựu tham vấn và chuyên viên kinh tế của World Bank
CAMSA/Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu
"Thế gian này không có gì bất di bất dịch"
(quý vị bấm nghe audio)
http://freevietnews.com/audio/GsNguyenQuocKhai_ChucTet2016.mp3


Thế gian này
không có gì bất di bất dịch


Hải ngoại Xuân Bính Thìn 2016

Kính thưa quý cụ, quý ông bà, quý bác, quý anh chị em:

Năm hết Tết đến, đây là một thời điểm tốt để kiểm điểm tình trạng kinh tế của Việt Nam. Kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của chúng ta.

Cách đây bốn chục năm, thu nhập quân bình đầu người hàng năm khoảng 100 Mỹ Kim. Việt Nam lúc đó là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới. Nhờ chuyển đổi từ mô hình kinh tế Liên Xô sang kinh tế thị trường, ngày nay chúng ta đạt được mức thu nhập quân bình đầu người hàng năm khoảng 2,000 Mỹ Kim.

Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới (NHTG) tỉ lệ số dân nghèo từ 60% vào năm 1993 xuống còn 20% vào năm 2012. Nếu theo định nghĩa mức nghèo từ 2 Mỹ kim trở xuống cho một ngày, tỉ lệ người nghèo ở Việt Nam là 87% vào 1993 và 15% vào 2012. Đây là một thành quả tuy trễ vài chục năm, nhưng cũng đáng mừng.

Tuy nhiên việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn vì sự can thiệp sâu xa của nhà nước. Những khu vực kinh tế chiến lược vẫn hoàn toàn nằm trong tay của nhà nước. Những dự án đầu tư lớn đều do nhà nước quyết định. Những công ty quốc doanh vẫn chi phối nền kinh tế.

Khu vực tư nhân vì vậy phát triển chậm. Hậu quả là năng suất quốc gia thấp, khả năng cạnh tranh của Việt Nam thua kém, và Việt Nam bị tụt hậu so với nhiếu quốc gia Á châu. Theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam liên tục đứng hạng chót so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mã Lai, Trung Quốc, Thái Lan, Nam Dương, và Ấn Độ. Chúng ta đã thất bại để trở thành con rồng của Á châu như đã có một thời chúng ta mơ ước.

Việc đổi mới nửa vời ở Việt Nam, tự do thị trường và độc tài chánh trị, đã đưa đến một hậu quả mà hầu như ai cũng có thể tiên đoán được. Đó là tham nhũng và cách biệt giầu nghèo. Một ước tính cho thấy cứ 10 Mỹ Kim đầu tư vào dự án do nhà nước kiểm soát, 7 Mỹ Kim chui vào túi của các quan tham nhũng. Khoảng 50%-70% ngân sách quốc gia bị ăn cắp.

Theo tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International), Việt Nam là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới, bị xếp vào hạng 112 trong 169 quốc gia được điều nghiên trong năm 2015.  Phần lớn những dự án đầu thầu của nhà nước đều rơi vào tay những nhà đấu thầu Trung Quốc cũng vì tham nhũng.

Sức tiêu thụ không kiểm soát của những người giầu bất chính và mau chóng làm cho vật giá leo thang vô tội vạ, khiến người đã nghèo lại càng nghèo thêm. Cách đây mấy ngày, tôi được thấy hình ảnh mấy em bé Việt Nam không có đủ quần áo ấm để mặc, giầy dép để đi vào mùa đông này, tôi không cầm được nước mắt. Trong khi đó, báo chí ngoại quốc tường thuật rằng những người giầu có ở Việt Nam mua một áo thun hiệu Hermes trị gía 500 Mỹ Kim, chiếc đồng hồ hiệu Versace trị giá 15,000 Mỹ Kim, một bộ bàn ăn trị giá 65,000 Mỹ Kim, hơn cả mức thu nhập trung bình của người Mỹ.

Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) báo cáo rằng trong khoảng thời gian 2004-2010, thu nhập của 10% số người nghèo nhất ở Việt Nam còn giảm đi 20%. Trong khi đó, thu nhập của 5% số người giầu nhất tăng 25%. Khoảng cách giầu nghèo còn tệ hại gấp bội ở nông thôn. Hàng triệu nông dân bị nhà nước thu hồi đất để làm nhà máy và đường xá. Vào đầu thập niên 1990, khoảng 92% gia đình ở nông thôn sở hữu đất. Vào năm 2010, khoảng 25% gia đình ở nông thôn không có đất để trồng trọt. Tình trạng tham nhũng và cách biệt giầu nghèo nếu tiếp tục sẽ đưa đến tình trạng bất ổn trong xã hội.
 
Ô. Nguyễn Phú Trọng được giữ chức vụ Tổng Bí Thư thêm vài năm nữa là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo con đường kinh tế với định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay. Chúng ta sẽ không thấy được những sự cải tổ chính sách kinh tế và chính trị mạnh mẽ trong tương lai gần từ các quan chức nhà nước và Đảng Cộng Sản.

Việc thực hiện những cam kết về Thỏa Hiệp Đối Tác Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt về quyền lao động, có thể gặp khó khăn.  TPP sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế và bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.  Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất từ TPP.

Nhân dịp Tết Bính Thân, tôi xin kính chúc quý cụ, quý ông bà, quý bác, quý anh chị em tiếp tục tranh đấu ngày một mạnh mẽ và rộng lớn hơn để mọi người sớm có tự do, để cho nhân quyền được tôn trọng và đất nước sớm có dân chủ. “Nơi nào có đàn áp, nơi đó có đấu tranh.”

Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ tự nguyện nhả quyền lợi đang nắm trong tay họ, mặc dù họ thừa biết rằng bổng lộc họ đang hưởng ngày hôm nay, ngày mai cũng có thể mất. Trong thế gian này không có gì bất di bất dịch. Ngay sau khi thôn tính được miền Nam bằng võ lực, chế độ xã hội chủ nghĩa đã xụp đổ tan tành. Thời gian về phía người dân chúng ta.

Chúng ta rất vui mừng là phong trào dân chủ ở trong nước đang lớn mạnh với những người con thương yêu của đất nước như Nguyên Khang, Phương Uyên, Thục Vy, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Chúng ta tiếp tục kiên trì đấu tranh để đòi công bằng và quyền làm người cho đến ngày hòa bình thật sự đến với quê hương.

Kính chào quý cụ, quý ông bà, quý bác, quý anh chị em. 

Nguyễn Quốc Khải
Nhà báo độc lập
Chủ tịch Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam
"The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing"--Edmund Burke.
"When Journalists are silenced, people are silenced"
--Anonymous.

Kính nhờ quý vị quý bạn tiếp tay phổ biến tâm tư  đồng bào hải ngoại ưu ái gởi đồng bào quốc nội, qua 25 audio Chúc Tết Bính Thân 2016 đính kèm --- gởi qua Emails, Paltalk, FaceBook, Yahoo/GmailGroups, Radio, Website, Blogs… Nội dung các bài phát biểu (text) và AUDIO sẽ được lần lượt gởi ra và lưu trữ tạii http://freevietnews.com/audio


(quý vị bấm nghe audio)
25 AUDIO NHẬN ĐỊNH VÀ CHÚC TẾT 2016


 







Hải ngoại ngày 4 tháng 4, 2010

Đề Nghị Thành Lập
Quỹ Dân Chủ cho Việt Nam

http://audio.freevietnews.com/20100404gs_nguyenquockhai_e.m3u

 Gs Nguyễn Quốc Khải

04-04-2010

 Nhân dịp ngày 8/4 kỷ niệm bốn năm thành lập, tôi xin có lời chào mừng Khối 8406 hoạt động mạnh mẽ trong thời gian vừa qua dưới sự lãnh đạo của LM Nguyễn Văn Lý và LM Phan Văn Lợi.  Ngày 8 tháng 4, năm 2006 đánh dấu một thời điểm quan trọng trong tiến trình đấu tranh bất bạo động để đem lại tự do và no ấm cho gần 90 triệu người dân Việt.

 Việt Nam hiện nay đang ở trong một tình trạng khó khăn, báo hiệu cho một tương lai không sáng lạn. Việt Nam chậm tiến khá nhiều so với các nước Á châu sau 35 năm cai trị toàn thể đất nước. Chênh lệch giầu nghèo ngày càng lớn. Tham nhũng lan tràn khắp nơi ở mọi cấp bậc. Nạn lạm dụng quyền thế trở thành một thói quen trong xã hội Việt Nam hiện nay đối với bất kỳ người dân nào cần phải nhờ đến các cơ quan của nhà nước. Bất công xã hội ngày càng trầm trọng.

Hệ thống giáo dục tổi tệ nhất vùng Đông Nam Á. Tổ chức tòa án thối nát phụ thuộc hoàn toàn vào Đảng. 

Đời sống của người lao động không được bảo đảm vì luật lao động không bênh vực quyền lợi của họ mặc dù họ sống ở trong một quốc gia được mệnh danh là xã hội chủ nghĩa. Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN, không đại diện thực sự cho người lao động. 

Công nhân trên thực tế không có quyền biểu tình, không có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập, không có quyền tập họp, và không có quyền thương lượng tập thể.  Nửa triệu công nhân Việt Nam phải ra nước ngoài kiếm việc làm. Nhiều người trở thành nạn nhân của nạn nô lệ mới, bị đối sử tàn tệ, bị ăn chặn lương bổng, và không được nhà nước bảo vệ, ngay cả khi vẫn chưa ra nước ngoài.

 




 



Trong hoàn cảnh bi đát như thế, Khối 8406 và một số tổ chức đấu tranh khác đã ra đời. Đây là những niềm hi vọng của gần 90 triệu con dân Việt. Mặc dù thường xuyên bị trù dập, nhưng những nhà đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước vẫn kiên cường tranh đấu.

LM Nguyễn Văn Lý, LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Công Định, Nhà Văn Trần Khải Thanh Thuỷ, Cô Phạm Thành Nghiên, Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Blogger Điếu Cầy, BS Lê Nguyên Sang, BS Phạm Hồng Sơn, KS Đỗ Nam Hải, Nhà Báo Vũ Bình, Ông Huỳnh Việt Lang, Ông Lê Thanh Tùng, TS Nguyễn Thanh Giang, Đại Tá Phạm Quế Dương, …. đã nêu gương can đảm và sự hy sinh vô bờ bến cho đất nước.

 Người Việt ở hải ngoại cần phải góp sức nhiều hơn nữa để hỗ trợ phong trào dân chủ ở trong nước.  Khi trả lời một câu hỏi của nhà truyền thông Dương Phục về ước mong đối với hải ngoại trong cuộc phỏng vấn thực hiện vào ngày 11-3-2010, LS Lê Thị Công Nhân nhận xét rằng:


“Tôi cần nhất ở cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại là lòng dũng cảm. Tôi nói như vậy vì tôi thấy hoàn cảnh của quí vị đang sống so với Việt Nam tốt hơn rất nhiều. Nhưng về sự đấu tranh dũng cảm của quí vị cho công cuộc giải phóng đất nước khỏi chế độ độc tài cộng sản, tôi cảm thấy rằng hình như còn chưa đủ. Chưa đủ về mặt số lượng cũng như chất lượng. 

 

Tôi đang nói về quan niệm biện chứng so với hoàn cảnh của quí vị. Nếu ngồi đó mà nói rằng tôi rất yêu mến, rất ngưỡng mộ v.v. với người này người kia thì cũng tốt thôi, nhưng mà làm như thế không ảnh hưởng gì đến Cộng Sản cả…Cho nên tóm lại, điều tôi cần ở quí vị là lòng dũng cảm.

 

Dù là Việt kiều, dù là đang định cư ở đâu có quốc tịch nào chăng nữa, quí vị nên dấn thân. Sự dấn thân của quý vị tôi tin chắc sẽ có ý nghĩa hơn sự dấn thân của tôi. Bởi vì nếu so với hoàn cảnh sống, khi quý vị dấn thân và chấp nhận mất mất và hi sinh, quý vị được mất mát và hi sinh nhiều hơn. Chúng tôi mất mát hi sinh ít hơn.  [Tôi] làm gì có tự do, để rồi [vẫn] bị tống vào tù.

 

Các bạn ở nước ngoài, hành động dũng cảm của các bạn cũng quan trọng như là hành động dũng cảm của những người trong nước như chúng tôi. Bên cạnh đó, các bạn có điều kiện tốt hơn rất nhiều. Vậy thì nếu các bạn phải hi sinh, các bạn hãy yên tâm, sự hi sinh của các bạn sẽ được Chúa ghi nhận còn nhiều hơn sự hi sinh của chúng tôi. Có đúng không? Tôi có một tôi mất một, không đáng gì. Các bạn có 10, các bạn mất 10.  Phần mất mát của các bạn nhiều hơn. Đây là một điều hân hạnh.” 

 

Tôi nghĩ đây là một lời nhắn nhủ chân thành cho người Việt ở nước ngoài của LS Lê Thị Công Nhân, một người đấu tranh can trường cho tự do dân chủ được hải ngoại kính phục.

 

Lm Nguyễn Hữu Lễ







LM Nguyễn Hữu Lễ trong bài “Cảm Nghĩ Sau Khi Xem Tấm Hình Bịt Miệng” đã viết tại thành phố Auckland, New Zealand, vào tuần thánh năm 2007, như sau:

"Nếu dân tộc Việt Nam chỉ phản kháng bằng các cuộc biểu tình, các thỉnh nguyện thư, các tuyên cáo, các lời tuyên bố, các bản lên tiếng...mà không có một hành động cụ thể nào kèm theo. Chế độ Bịt Miệng người dân vẫn tồn tại.”

 Tôi thiết tưởng đã đến lúc người Việt ở hải ngoại nên duyệt xét lại chiến thuật tranh đấu cho hợp với hoàn cảnh hiện nay.  Trong ba tháng vừa qua, chúng tôi nhận được gần một chục bản lên tiếng, đặc biệt vào dịp LS Lê Thị Công Nhân được ra khỏi nhà tù và LM Nguyễn Văn Lý được tạm tha, với chữ ký của nhiều tổ chức và đoàn thể, chưa kể đến những buổi hội thảo, trà đàm.

Nếu tôi không lầm thì những nhà đấu tranh ở trong nước kỳ vọng ở chúng ta nhiều hơn những lời khen ngợi hình thức hay những lời kết tội cộng sản dễ bị lãng quên sau khi được phổ biến vì không có hành động cụ thể nào đi theo.

Chúng tôi đề nghị hải ngoại nên thành lập một Quỹ Dân Chủ Cho Việt Nam (Democracy Fund for Vietnam - DFV) để mọi người có thể đóng góp trực tiếp cho phong trào dân chủ ở trong nước một cách dễ dàng. Tích tiểu thành đại. Ban giám đốc của Quỹ này gồm những người uy tín ở hải ngoại sẽ chịu trách nhiệm quản trị quỹ này theo luật để hỗ trợ những hoạt động đấu tranh bất bạo động cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước, bao gồm cả việc trợ giúp gia đình của nhà dân chủ bị bao vây kinh tế.

Ở hải ngoại và trong nước không thiếu gì người có uy tín, đàng hoàng, tử tế để làm thành viên của ban giám đốc Quỹ Dân Chủ Cho Việt Nam. Với Quỹ Dân Chủ Cho Việt Nam, nguồn tài trợ của hải ngoại chắc chắn sẽ dồi dào hơn và việc tổ chức tài trợ sẽ được hệ thống hơn.

Giáo sư Nguyễn Quốc Khải
Chủ tịch Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam
Nguyên là chủ bút báo điện tử Vietnam Review www.vietnamreview.com

Posted on 11 Feb 2016
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • Hải Triều: Việt Nam sẽ vùng lên trong cơn bão Tự Do Dân Chủ
  • Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ chúc Tết 2016
  • Ts Lê Minh Nguyên: Quyết tâm thay đổi vận mệnh dân tộc
  • Ts Nguyễn Quốc Khải: Thế gian này không có gì bất di bất dịch
  • Bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc: Anh hùng hào kiệt thời nào cũng có!
  • Nghi vấn-- vụ cá chết xếp lớp ở bờ biển Việt Nam
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)