Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Suy Nghĩ từ Hải Ngoại 2016

NĂM CŨ NĂM MỚI

MẶC GIAO

      Năm 2015 mới qua đi, năm 2016 vừa đến. Trong lúc giao thời tống cựu nghinh tân, chúng ta thử nhìn lại năm cũ và phóng tầm mắt về năm mới để xem tình trạng đất nước Việt Nam của chúng ta ra sao và có gì hứa hẹn cho tương lai.

      Trong năm vừa qua, điều đáng ghi nhận nhất là chế độ cộng sản chưa đi đến chỗ tan vỡ nhưng bị nhân dân chống đối một cách mãnh liệt. Những tổ chức dân sự như Liên Đoàn Lao động VN Tự Do, Hội Nhà Báo tự do, Mạng lưới Bloggers VN, Dân oan... đã được tổ chức và kết hợp ở cấp toàn quốc, công khai hoạt động dù không được nhà nước cho phép, đang trở thành một sức đối trọng với quyền hành nhà nước. Điều này đã khiến nhà nước rất e ngại. Bằng chứng là họ đã gia tăng đàn áp, bắt bớ. Những nhà đấu tranh trẻ và kiên cường như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên đã bị bắt, bị đánh đập dằn mặt,trước khi được thả. Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng bị hành hung có thương tích và bị bắt lại sau 4 năm bị tù và 3 năm quản chế vừa hết. Nhà cầm quyền viện điều 88 Luật Hình sự  kết tội ông phá hoại an ninh quốc gia.                                  

Nhìn bề ngoài, người ta có thể hời hợt nhận xét là đa số quần chúng giữ thái độ dửng dưng với tình hình đất nước. Dân chỉ lo kiếm sống. Lớp khá giả hơn thì chỉ bận tâm tới việc kiếm tiền bằng mọi cách để hưởng thụ. Nhưng một sự kiện không thể chối cãi là lòng dân không mấy ai ưa chế độ. Nhà nước làm gì cũng bị dân chê, từ phản đối chặt cây xanh, chống việc bỏ môn sử ở học đường, đến đánh cảnh sát giao thông và mang cả quan tài chặn xa lộ.

Thêm vào đó, hầu như ai cũng chống đối nhà nước về thái độ hèn yếu với Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh hải và các đảo ở Biển Đông. Thậm chí 127 trí thức và các cựu đảng viên cao cấp cũng mới ra kiến nghị đòi đổi tên đảng, đổi tên nước và thực hiện tự do dân chủ nhân dịp đại hội đảng sắp tới. Có thể nói, dân Việt Nam đã chán chế độ cộng sản lắm rồi, mong sớm có thay đổi. Cộng sản rất sợ một sự thay đổi đến từ áp lực nhân dân

      Năm cũ cũng đánh dấu việc quản trị kinh tế lỏng lẻo nếu không nói là vô trách nhiệm. Dù tổng sản lượng nội địa có thể tăng 5 hay 6%, nhiều ngân hàng đã bị đóng cửa, có ngân hàng được rao bán với giá 0 đồng. Ngân sách nhà nước đã cạn. Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh cho biết ngân sách trung ương năm 2016 chỉ còn 45,000 tỷ Đồng. Nếu dùng trả nợ thì không còn tiền trả lương công chức, cán bộ.

Trong hai năm, ngân sách phải trả hơn 16 tỷ Mỹ-kim nợ trái phiếu. Tỉnh Bạc Liêu đã hết tiền hoạt động. Tỉnh Cà Mau cũng cạn ngân sách và nợ như chúa Chổm. Huyện Thới Bình, Cà Mau, không còn tiền trả lương cho các giáo viên. Chính phủ đã yêu cầu Quốc Hội nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3% và trần nợ công 65% so với tổng sản lượng nội địa cho năm tới. Để có tiền điều hành quốc gia, chính phủ phải vay nợ đầm đìa. Vay thì sẽ phải trả, cả vốn lẫn lời. Ai sẽ trả đây, nếu không phải là dân?

      Ngoài lý do quản lý kinh tế yếu kém, một số những nguyên nhân khác đã được chính các đại biểu Quốc Hội tố cáo trong khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 24-10-2015:

 

      - Bộ máy chính quyền cồng kềnh với 3 cấp (hành chánh trung ương, hành chánh địa phương, đảng bộ từ trung ương tới địa phương). Dân làm sao nuôi nổi bộ máy khổng lồ này? (Đại biểu Trần Du Lịch). Cần ghi nhận là Việt Nam có 2.8 triệu công chức, cán bộ cho 91 triệu dân, trong khi Hoa Kỳ có 1.8 công chức cho trên 300 triệu dân. Bình thường, một đảng chính trị phải tìm lợi tức hợp pháp (quan trọng nhất là sự đóng góp của chính các đảng viên) để nuôi cán bộ và tài trợ các hoạt động của mình, không thể lấy tiền từ ngân sách quốc gia để làm việc này.

       - Có ít nhất 1/3 cán bộ, công chức dư thừa, chỉ có việc sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Vậy phải giảm biên chế (ĐB Đỗ Văn Đương).

       - Có nhiều người bỏ ra vài trăm triệu để chạy vào công chức, dù lương thấp. Vậy chỉ tạo điều kiện cho tiêu cực (tham nhũng) phát sinh (ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm).

       - Đi nước ngoài công cán và nghiên cứu bằng tiền ngân sách cho những cán bộ sắp về hưu. Quản lý kinh tế khó hiểu, mở cửa cho tham nhũng, cụ thể như từ chối những dự án đầu tư tiền vốn lên vài ngàn tỷ đồng, rồi sau lại thấy những dự án này chen được vào danh sách phê duyệt. "Có những doanh nghiệp ma qua xuất nhập khẩu trong một ngày đã quay vòng hơn 25 tỷ tiền thoái thuế" (Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan).

       Đó là mới chỉ kể vài nguyên nhân do chính ngững người trong guồng máy nói ra. Không ai dám nói tới những lãng phí hàng ngàn tỷ dùng để xây tưọng đài Hồ Chí Minh trên khắp nước, và những đại công trình bị rút ruột nên sớm hư hỏng, như tường gốm dài nhất thế giới, xa lộ xi măng cốt gỗ, cầu xi măng cốt tre, xây các trụ sở hành chánh quận và tỉnh huy hoàng tráng lệ....

      Thành quả duy nhất là Việt Nam được nhận vào TPP với giá rất rẻ tôn trọng nhân quyền. Hiệp ước chưa được thi hành, và giá cũng chưa phải trả ngay, hay mới trả tượng trưng. Nhưng từ nay tới ngày hiệp ước có thể đem lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam thì tình hình Việt Nam sẽ biến chuyển ra sao? Liệu có những thay đổi tích cực để hòa nhập với thế giới văn minh?

      Năm 2015 cũng là năm việc xâu xé trong nội bộ đảng cộng sản được công khai hóa như chưa từng thấy. Không nói ra nhưng hai phe Nguyễng Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã sát phạt nhau không thương tiếc. Đã có hai vụ mất mạng của Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Bá Thanh.

Vụ Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng, cũng kết thúc ly kỳ. Là một người năng nổ, hay tuyên bố, xuất hiện nhiều, đầy hứa hẹn trong việc thăng quan tiến chức trong đại hội đảng sắp tới, vậy mà chỉ trong một cuộc đi Paris, sự nghiệp của Phùng Quang Thanh như đang bị chôn vùi. Đầu tiên là tin bị ám sát với đầy đủ chi tiết. Sau đó là tin vẫn còn sống trở về. Nhưng về rồi là ngậm miệng, không tuyên bố vung vít như trước, ít xuất hiện. Bây giờ chỉ còn giữ vai trò làm vì. Con trai ông này cũng là một đại tá, đứng đầu một cơ sở kinh doanh rất lớn của quân đội, nghe đâu cũng đã mất hết chức quyền. Sập bẫy của ai mà tang thương thế?

      Tháng 12-2015, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng họp để đề cử nhân sự Bộ Chính Trị cho đại hội sắp đến, tức là chọn sẵn những người ở cấp lãnh đạo tối cao để Đại Hội đảng lần thứ 12 bỏ phiếu chấp thuận cho có lệ, khỏi cần ứng cử, đề cử, lựa chọn cho mệt. Ông Bùi Tín đã phải thốt lên: "Chuyện thật mà cứ như đùa. Vì không thể tưởng tượng được cả 2 cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng CS là Ban Chấp Hành Trung Ương và Bộ Chính Trị khóa XI lại mù mờ về Điều lệ đảng đến như vậy... Không hề có điều khoản nào quy định Ban Chấp Hành Trung Ương khóa trước lại họp đề cử, như là bầu chính thức Bộ Chính Trị khóa tiếp theo. Theo Điều lệ đảng CSVN đó là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Đại hội XII, sẽ họp vào tháng 1-2016" (diendantheky.net, 18/12/2015).

      Ông Bùi Tín ơi! Ông ở với đảng cộng sản suốt mấy chục năm mà ông không biết sao? Với cộng sản, chuyện thật nào mà chẳng như đùa? Luật lệ đặt ra là để phục vụ kẻ đang nắm quyền, có phục vụ mọi người đâu. Những lúc nhất trí thì làm bộ tôn trọng điều lệ, nhưng mọi quyết định đều đã được lấy sau hậu trường cả rồi. Lần này, giải quyết hậu trường không xong thì anh nào đang có quyền cứ làm càn bừa đi, gỡ gạc được chút nào hay chút ấy. Không thể giặt khăn dơ trong bóng tối thì đưa ra giặt ngoài ánh sáng. Tình trạng giành giật nội bộ trong đảng CS nó trầm trọng thế đấy. Đại Hội sắp tới sẽ có nhiều màn ngoạn mục. Bà con ráng chờ để xem miễn phí.

      Nói chung, trong năm qua, thế nước lòng dân, nội bộ đảng đều suy xụp, không có gì để bảo đảm cho một năm mới tươi đẹp. Năm mới sẽ có những vấn đề mới, đặc biệt là thay đổi lãnh đạo.

ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ NÀO CHO NĂM 2016?

      Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong năm mới cũng tùy thuộc vào tình hình thế giới, nhưng phần lớn là vào thành phần lãnh đạo chóp bu Việt Nam. Thành phần này sẽ được chọn lại trong đại hội đảng lần thứ 12 được diễn ra từ ngày 21 đến 28-1-2016. Căn cứ vào tình trạng đấu đá trong nội bộ đảng trong năm qua, mọi người đều thấy rõ đảng hiện có hai phe, hai khuynh hướng đang tranh dành nhau: phe bảo thủ do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu và phe cải tổ do Nguyễn Tấn Dũng là thủ lãnh. Gọi vậy cho tiện phân biệt, không ai biết rõ đó là những chủ trương thiệt hay chỉ là những chiêu bài để tranh thủ đảng viên và quần chúng.

      Phe bảo thủ chủ trương giữ đảng và trung thành với những nguyên tắc và giáo điều lỗi thời của chủ thuyết Mác Lê, những bài học của Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, cộng thêm việc dựa vào Trung Quốc là chính, liên lạc với Hoa Kỳ và Tây Phương là phụ, chỉ để tìm lợi ích kinh tế. Chủ trương này không thuyết phục được ai. Nó chỉ có tác dụng trấn an Trung Quốc, đảng viên và những nhóm lợi ích muốn giữ nguyên trạng để tiếp tục nắm quyền và hưởng lợi. Nếu phe này thắng thế, tình hình Việt Nam sẽ vẫn như cũ và chắc chắn càng ngày càng tệ.

      Phe chủ trương cải tổ có lợi thế dễ thu phục dư luận hơn vì tuyệt đại đa số dân Việt Nam, kể cả rất nhiều đảng viên, đã chán chường với tình trạng hiện tại, muốn có sự thay đổi, dù chưa biết thay đổi ra sao. Dù có lợi thế, phe cải tổ vẫn phải rất thận trọng khi hành động. Trước hết phải nắm được quyền hành ở cấp cao nhất. Thế của nguyễn Tấn Dũng có dấu hiệu đang lên, làm lu mờ Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng. Tuy nhiên thế lực chống Dũng vẫn còn mạnh. Dũng đã phải cài đặt, ban thưởng, nuôi dưỡng đàn em khắp nước trong thời gian dài với hy vọng nắm được đa số phiếu bầu trong đại hội đảng. Với chức vụ thủ tướng trong hai nhiệm kỳ, Dũng có nhiều quyền hành và phương tiện để làm việc này. Tuy nhiên vẫn không có gì bảo đảm chắc chắn vì còn yếu tố Trung Quốc với tiền và người mai phục trong guồng máy đảng cộng sản VN.

      Một khi đã nắm được vai trò lãnh đạo chóp bu, kẻ chiến thắng không thể ra lệnh thực hiện đường lối, chính sách của mình ngay lập tức. Việc đầu tiên là phải thu quyền hành về một mối, tức từ từ loại bỏ những phần tử chống mình hay không đồng ý với mình. Sau đó là thay đổi nhân sự chỉ huy ở các cơ quan trung ương và các lãnh đạo địa phương, kể cả quân đội. Việc này Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện một phần trong thời gian gần đây. Khi đã nắm chắc guồng máy trong tay, khi không còn mối nguy chống đối, lúc đó kẻ chiến thắng mới có thể mạnh dạn đưa ra dường lối cải tổ. Vì vậy, chúng ta đừng chờ những thay đổi xảy ra ngay sau đại hội đảng cuối tháng Giêng 2016. Tình hình sẽ chỉ nhúc nhích, và những thay đổi thật sự, nếu có, cũng chỉ xảy ra sau 6 tháng sau hay vào cuối năm.

      Cải tổ gì? Như thế nào?

      Ba trường hợp có thể xảy ra

      1/ Cải tổ đảng để giữ đảng: Giữ sự thống nhất quyền hành của đảng và tập trung quyền hành từ trung ương đến địa phương, cố gắng chấm dứt nạn xứ quân như hiện nay. Không để các lãnh chúa địa phương làm vương làm tướng, như Nguyễn Bá Thanh làm vua con ở Đà Nẵng. Cũng có thể cải cách một vài hình thức cai trị, bớt tham nhũng, bớt làm khó dân để xoa dịu sự bất mãn của quần chúng và đáp ứng một phần những đòi hỏi của những đối tác nước ngoài. Đó chỉ là cải tổ guồng máy và cách vận hành nội bộ đảng. Đảng vẫn độc tôn. Nhà nước vẫn từ đảng duy nhất mà ra. Không có tam quyền phân lập. Không có đa đảng. Không có các quyền tự do. Nhưng nếu tưởng rằng đã nắm chắc quyền hành và vẫn hành động như cũ, đảng sẽ không tránh khỏi phản ứng quyết liệt của nhân dân. Hãy nhớ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Gorbatchev đâu có muốn giải thể đảng cộng sản Liên Xô. Ông chỉ muốn đổi mới bằng khẩu hiệu Perestroika (tái cấu trúc) và Glassnot (cởi mở, trong sáng) để cứu đảng và cứu nền kinh tế Liên Xô. Nhưng một khi độc tài hé cửa là cơn lũ quần chúng tràn vô. Đảng cộng sản phản công, ra lệnh đàn áp, nhưng công an chìm nổi đã chạy hết rồi, quân đội không bắn vào dân, nhiều tướng tư lệnh sư đoàn án binh bất động, dù đã nhận được lệnh đàn áp. Chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ năm 1991.

      2/ Cải tổ kiểu Putin: Đổi tên đảng, hoặc có thể tuyên bố giải tán đảng cộng sản, công bố áp dụng chế độ tự do dân chủ, nhưng vẫn giữ vai trò độc tài, độc tôn một cách trá hình. Trong trường hợp này, một nền dân chủ giả tạo sẽ được thành hình. Cho phép chế độ đa đảng nhưng chỉ cho phép những đảng nào mà nhà cầm quyền kiểm soát được. Đảng nào đối lập thật sự sẽ bị làm khó dễ, bị phá phách, và lãnh tụ có thể bị bỏ tù với luật lệ bị bóp méo, có khi còn bị thủ tiêu. Tự do ngôn luận được cho phép, nhưng chỉ được phép phê bình nhà cầm quyền đến giới hạn nào đó thôi.

Vượt qua giới hạn là ở tù hay đi ngoại quốc không được trở về. Các nhóm lợi ích vẫn bao quanh quyền lực để làm ăn chung và chia chác quyền lợi. Guồng máy công an, công chức vẫn gồm đa số nhân viên của chế độ cũ. Hiến pháp được nhào nặn theo ý lãnh tụ. Lãnh tụ Putin đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ, không được phép làm liền nhiệm kỳ thứ ba. Ông đưa đàn em ra làm tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp. Còn ông giữ chức vụ thủ tướng toàn quyền. Hết một nhiệm kỳ, tổng thống đàn em phải xuống, Putin lại lên ngôi tổng thống hai nhiệm kỳ nữa. Cứ thế mà tiếp tục, Putin sẽ làm lãnh tụ cho tới khi chết.

      Câu hỏi được đặt ra: tại sao dân được quyền bầu cử mà cứ nhắm mắt bầu Putin hoài? Câu trả lời rất dễ: Không có dân chủ thực sự. Các đảng đối lập đã bị xiết cổ, các lãnh tụ sáng giá đã đi tù hay chết, còn toàn những lãnh tụ đối lập hạng hai, hạng ba phải đương đầu với kẻ có tiền, có quyền, làm sao có thể thắng? Những trò bầu cử gian lận đã bị tố cáo nhưng chẳng có cơ quan nào có thẩm quyền xét xử. Thêm vào đó, Putin chơi trò mị dân. Chiếm Crimée, đòi tách một phần phía đông Ukraine, làm dân chúng bùng lên lòng yêu nước và tự ái dân tộc, không thèm biết bị Tây phương chế tài vì tội xâm lăng khiến kinh tế suy xụp. Kinh tế khủng hoảng. Giá dầu tuột dốc.

Vậy mà Putin vẫn đưa máy bay và vũ khí đắt tiền tham chiến ở Syria, gọi là để đánh quân khủng bố ISIS, nhưng thực tế là để bênh đồng minh độc tài Assad và muốn được xí phần trong canh bạc máu. Nhưng với những hành động này, dưới mắt dân Nga, Putin được coi là người hùng vĩ đại, một Nga Hoàng thời đại mới..

      Một "người hùng" nào đó của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp cải tổ và đổi mới kiểu này. Nhưng khi kinh tế sụp đổ, khi dân mở mắt nhìn ra sự thật và những trò lừa bịp, lúc đó dân Việt Nam cũng như dân Nga sẽ lại phải làm một cuộc nổi dậy để thay đổi lớp cầm quyền.

      3/ Cải tổ kiểu Miến Điện (Myanmar): Cách khôn ngoan nhất là cải tổ như Miến Điện. Đó là những người đang nắm quyền chủ động cải tổ theo sách lược và lịch trình do mình đưa ra, tránh bị áp đặt bởi một tình hình bất lợi. Đó là cách tập đoàn quân phiệt Miến Điện, khi thấy cơn bão phẫn nộ của quần chúng đã dâng cao, biết làm giảm cơn bão và tìm lối hạ cánh an toàn cho chính mình. Chưa nói đến chuyện yêu nước hay thương dân.

      Tiến trình dân chủ hóa này được thực hiện trong bốn năm, khởi đầu từ 2011. Lúc đó, tập đoàn lãnh đạo Miến Điện thấy không thể tiếp tục nhờ cậy Trung Quốc để phát triển kinh tế, đã tìm cách "thoát Trung", hủy bỏ nhiều dự án đã ký kết với Trung Quốc, trong đó có dự án xây đập Myitsone. Thoát Trung thì phải ngả sang phía Mỹ và khối Tây Phương để có chỗ dựa. Ngả sang khối này thì không thể giữ chế độ độc tài, bắt buộc phải mở cửa cho tự do dân chủ để có thể dễ dàng buôn bán làm ăn và nhận viện trợ. Đó là lối suy luận hợp lý với cái nhìn thực tiễn.

      Việc đầu tiên là họ sửa đổi hiến pháp, chấp nhận đa đảng, cho phép các đảng phái tự do hoạt động, tham gia các cuộc bầu cử. Nhờ đó, trong một cuộc bầu cử bổ túc một phần dân biểu quốc hội, lãnh tụ đối lập, Bà Aung San Suu Kyi, người đã bị quản chế 20 năm, được trả tự do, đã hướng dẫn đảng National League for Democracy (NLD) chiếm hầu hết các ghế trong cuộc bầu cử này. Bà trở lại quốc hội với tư cách thủ lãnh đối lập.

      Tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do kinh doanh được tái lập. Khi những áp lực được giải tỏa, những căng thẳng chính trị và xã hội sẽ giảm thiểu, đem lại sự an bình trong đời sống.

      Trong thời gian chuyển tiếp, tập đoàn quân nhân thành lập một chính phủ lâm thời với tướng Thein Sein giữ chức vụ tổng thống. Sau 4 năm, ngày 18-11-2015, chính phủ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới. Dù quân đội đòi được biếu không 25% số ghế không phải bầu, đảng NLD của Bà Aung San Suu Kyi vẫn chiếm đa số áp đảo với 348 ghế tại Hạ Nghị Viện, đánh bại đảng Union Solidarity and Development Party (USDP) của quân đội. Đảng NLD cũng chiếm đa số ghế tại Thượng Nghị Viện.

      Theo dự trù của hiến pháp, tân tổng thống Miến Điện sẽ được lưỡng viện quốc hội bầu vào tháng 2-2016 và nhiệm kỳ bắt đầu ngày 30-3-2016. Tổng thống sẽ chọn thủ tướng để lập chính phủ. Không ai khác hơn là Bà Aung San Suu Kyi. Bà không thể ứng cử tổng thống vì hiến pháp do mấy ông nhà binh soạn có điều khoản cấm tranh cử tổng thống những ai có con với một người ngoại quốc (Bà có chồng người Anh đã mất và hai con đã lớn). Tuy nhiên, với đa số dân biểu và nghị sĩ cả hai viện thuộc đảng NLD, quyền hành của bà sẽ rất lớn.

      Từ nay đến ngày hoàn thành việc chuyển giao quyền hành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, điều e ngại duy nhất là tập đoàn quân nhân không giữ lời hứa. Nhưng dân Miến Điện đã được trấn an khi Tổng Thống đương nhiệm Thein Sein công khai chúc mừng Bà Aung San Suu Kyi được nhân dân tín nhiện.  Tướng Tổng Tư Lệnh Quân Đội Min Aung Hlaing cũng đã tuyên bố: "Chế độ hiện tại đã hứa chuyển giao quyền hành một cách hòa bình. Quân đội sẽ làm hết sức trong việc cộng tác với tân chính phủ để thực hiện sự hòa giải quốc gia".

      Nếu mọi sự hoàn tất tốt đẹp, việc thay đổi chế độ ở Miến Điện coi như được diễn ra trong hòa bình, không đổ máu, không hận thù, không hư hại tài sản quốc gia. Những người nhận quyền là nhận từ dân. Những người chuyển quyền có thể ngửng mặt ra đi an toàn, không sợ bị nguyền rủa hay đánh hội đồng.

      Liệu những người lãnh đạo đảng cộng sản VN sau đại hội đảng kỳ 12 có dám làm một cuộc thay đổi cục diện đất nước như các tướng lãnh chỉ huy tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã làm không?

      Liệu có một cá nhân nào, Nguyễn Tấn Dũng hay ai khác, dám can trường lãnh trách nhiệm xóa bỏ đảng cộng sản để cứu nguy đất nước và dân tộc?

      Người ta đã nói nhiều đến Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò này suốt năm qua. Nguyễn Tấn Dũng cũng có những lời nói và việc làm gây cảm tưởng đương sự sửa soạn đóng vai trò này. Vấn đề đặt ra là đồ tể bỏ dao có thể trở thành Bồ Tát ngay được không? Phản ứng của đa số đảng viên đảng cộng sản ra sao? Nguyễn Tấn Dũng đã có đủ thế lực để trấn áp hay thu phục họ không? Kế hoạch "thoát Trung" đã sẵng sàng chưa? Phản ứng của Trung Quốc sẽ thế nào? Thỏa thuận ngầm hay công khai với Mỹ đã đủ để bảo đảm an toàn chưa?  Nhiều câu hỏi cần giải đáp. Nhiều vấn đề cần giải pháp. Người trong cuộc nếu dám làm thì phải hiểu và phải biết cách giải quyết.

      Dĩ nhiên, thực hiện giải pháp này rất khó khăn, nhiều bất trắc. Nhưng ai thực tâm dám làm sẽ được toàn dân đứng sau lưng, cộng thêm 3 triệu người Việt hải ngoại sẽ đem cả sức mạnh tinh thần lẫn phương tiện hỗ trợ cho cuộc đổi mới, điều mà Miến Điện không có.

      Năm 2016 sẽ là năm đầy hy vọng cho dân tộc Việt Nam. Đã đến lúc phải thay đổi. Muốn có thay đổi nhiều hay ít, tốt hay xấu, dân Việt Nam phải tỉnh thức, phải đóng vai chủ động, không để bị áp đặt. Cũng đừng lóe mắt với vẻ bề ngoài để không nhìn rõ sự thật. Thấy sự thật để đi đúng đường, ủng hộ đúng người. Và để tránh ân hận vì lại bị lầm.

      Điều quan trọng khác là
tìm ra được một Aung San Suu Kyi Việt Nam.

29-12-2015

Mặc Giao








HÃY NÓI DÙM TÔI

Có ai còn thân nhân là cộng sản chóp bu
Hãy nói dùm tôi hộ mấy câu

Dân Việt Nam đang đứng trước lằn ranh
SÁNG TỐI mịt mù!
Tiếp bước theo Tàu là vào bóng tối thiên thu!
Xây thêm nhà lao
Và nén chặc căm thù
Nung lòng yêu nước
Như mặt trời lên nóng rực!

Tuổi trẻ thấy,
Nên tìm đường vượt thoát
Cả con em người cộng sản cũng theo sau
Tại sao?
Không bước vào vùng ánh sáng vinh quang?
Có Tự Do và cơm áo đàng hoàng
Thiên thời đó, còn chờ gì nữa!?
Thế giới tự do như thiên đàng đang mở cửa!
Hãy vào đi, cho dân Việt được an vui
Và nước Việt được trường tồn vĩnh viễn

Tuổi trẻ ơi,
Có ai còn yêu Nước?
Hãy đứng lên!

Trùng Dương
Hải ngoại ngày 1.1.2016

 

 

 

 

 




Xin nghĩ đến đồng bào ngày cuối năm

Ngày 30 tháng 12, 2015

KG. Quý Vị Mạnh Thường Quân

Thưa Quý Vị,

Chúng tôi xin kính chúc Quý Vị sự bình yên và hạnh phúc trong bầu không khí lễ hội của ngày cuối năm 2015, và cũng xin chúc Quý Vị sức khoẻ và thắng lợi trong năm mới. Xin cảm ơn Quý Vị đã yểm trợ chúng tôi trong các công tác cứu đồng bào ở ngoài Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhờ sự yểm trợ ấy mà chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả trong 7 năm qua:

* Giải cứu hay hỗ trợ giải cứu 11,000 nạn nhân bị buôn làm nô lệ mãi dâm hay lao động;

* Giúp đỡ và bảo vệ 800 đồng bào xin tị nạn, trong đó 400 người đã được xét là tị nạn và 250 người đã định cư ở các quốc gia Phương Tây;

* Yểm trợ cho gần 100 nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị tù đày hay gặp nguy hiểm, về các mặt pháp lý, quốc tế vận và tài chính ($400,000).

Các hoạt động này hoàn toàn dựa vào những đóng góp của quý ân nhân trong cộng đồng Việt và của chính chúng tôi tự bỏ ra -- chúng tôi không nhận được sự tài trợ từ bất kỳ tổ chức quốc tế hay chính quyền nào.

Ở Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương nơi chúng ta sinh sống, cuối năm cũng là mùa từ thiện. Chúng tôi ước mong Quý Vị dành ít phút để nghĩ đến và thương cảm cho nhiều đồng bào đang lầm than, bôn ba ở các chân trời góc biển. Họ thèm có một mái nhà ấm cúng, mơ ước được quây quần cùng thân bằng quyến thuộc, và đang đối mặt với nhiều hiểm nguy và trắc trở.

Nếu như Quý Vị có ý định đóng góp cho những mục đích từ thiện và nhân đạo trước ngày cuối năm, thì xin nhớ đến chúng tôi và hàng nghìn những đồng bào mà chúng tôi hằng ngày giúp đỡ và bảo vệ. Không có sự yểm trợ của Quý Vị, chúng tôi sẽ phải bó tay. Mọi đóng góp đề ngày trước 1 tháng 1, 2016 đều được khai trừ thuế với chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ cho năm 2015.

Người mình có câu: Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người. Quả vậy, Quý Vị đã làm phúc và hỗ trợ cho chúng tôi để cứu cho 12 nghìn đồng bào trong những năm qua. Đây là một kỳ công không nhỏ.

Kính thư,

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch
BPSOS

Để đóng góp, xin gởi ngân phiếu về cho:

BPSOS/RCS
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041 USA

Hoặc qua trang mạng: http://bpsos.org

Cô giáo của tôi và lòng yêu nước


Dấu ấn 40 năm

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 29 tháng 12, 2015

http://machsongmedia.com

Ở tuổi 16, tôi có một cô giáo dạy Anh văn rất đặc biệt. Cô đã thổi vào tâm hồn của người thiếu niên năm nào ý thức về quê hương, lòng yêu nước, và bổn phận công dân khi đất nước lâm nguy. Những điều ấy đã định hướng cuộc đời của tôi trên 40 năm qua. Tôi luôn nghĩ đến Cô với tất cả niềm kính trọng và biết ơn. Cô tên Vinh.

Sau khi tốt nghiệp trường dược, Cô du học Anh quốc, ngành văn chương Anh. Về nước, Cô khởi đầu chức nghiệp giáo viên với lớp của chúng tôi. Năm ấy tôi làm trưởng lớp. Cô Vinh lúc ấy ở độ tuổi 25, 26.

Ngày đầu nhập học, lũ học sinh chúng tôi, trai và gái, đều ngạc nhiên một cách thích thú khi Cô Vinh bước vào lớp. Cô còn trẻ lắm, trông không lớn hơn chúng tôi là bao nhiêu. Vóc người nhỏ nhắn, thon thả và tính tình nhanh nhẩu, tươi tắn làm cho Cô trông lại càng trẻ, tưởng chừng như cô gái vừa xong trung học.

Mặc dù theo Tây học, Cô lại giữ nề nếp truyền thống Việt Nam. Đặc điểm của Cô Vinh là luôn luôn mặc áo dài thướt tha, trong khi các cô giáo khác ở trường tôi hay mặc đồ đầm.

Để làm cho lớp sinh động, Cô hay chơi trò đố chữ. Vừa bước vào lớp, Cô xướng ngay một chữ tiếng Anh và đố học sinh cho chữ tiếng Anh đồng nghĩa, và có khi nghịch nghĩa. Rồi Cô lại bồi thêm chữ nữa, rồi chữ nữa... Vì biết Anh văn từ tiểu học, tôi đối đáp nhanh và không chịu thua chữ nào, làm cho Cô lắm khi phải bật cười.

Ngày qua ngày, đám học sinh chúng tôi cảm thấy Cô Vinh là một người chị gần gũi, thân tình. Các cậu con trai thường hay hỏi thăm Cô về tâm lý nữ giới và Cô rất tự nhiên “tư vấn” cách làm quen và cư xử với bạn gái. Các cô bạn cùng lớp với tôi thì hay hỏi han Cô Vinh về kinh nghiệm trang điểm, trang phục, xử thế ở đời.

Vì là trưởng lớp nên tôi giao du thân mật với các bạn ở trong lớp và khá thân với các thầy cô. Thầy giáo người Pháp dậy môn sử trong lớp của chúng tôi có cảm tình với Cô Vinh, nhưng chỉ âm thầm thôi. Có hôm đang giảng bài trên lớp, thấy Cô Vinh mặc áo dài mầu hồng đi ngang qua, thầy giáo bỏ dở câu nói và đắm đuối nhìn theo. Tôi ngồi ở hàng ghế đầu nên thấy tất cả. Có lần thầy giáo người Pháp bảnh trai này mời Cô Vinh đi xem văn nghệ, nhưng Cô từ chối.

Cô Vinh đã trao con tim cho một bác sĩ quân y người Việt, rất hiền từ và ít nói. Và tên của Thầy, chúng tôi gọi là “Thầy", cũng hiền từ như tâm tính. Những hôm về phép, Thầy đậu xe gắn máy dưới hàng cây phượng vỹ bên kia đường đối diện cổng trường để đón Cô. Đôi khi, bắt gặp Thầy đang đậu xe chờ Cô, tôi đến chào và hỏi thăm thì Thầy ấp úng như thể đang trồng cây si mà bị bắt “quả tang”. Tôi đoán ra ngay rằng Thầy thuộc diện “con nhà lành.”

Có lần tôi rủ đám bạn trong lớp đến thăm Cô Vinh ở nhà. Cô sống với Bố Mẹ và anh chị em nơi căn nhà nhỏ thuộc vùng ngoại ô Sàigòn. Thấy chúng tôi đi xe đạp đến, Bố của Cô Vinh bảo: “Mời mấy anh vào nhà ngồi chơi. Để tôi gọi con Vinh ra.” Chúng tôi ngạc nhiên lắm về cách xưng hô ấy: Bác ấy gọi chúng tôi bằng “anh” còn cô giáo của chúng tôi thì bị gọi là “con Vinh”.

Trong khi các bạn của tôi gần với Cô Vinh vì những tâm sự con trai con gái ở tuổi mới lớn, tôi lại để ý đến những lời tâm tình của Cô về đất nước.

Thỉnh thoảng giữa bài giảng, Cô Vinh lại chêm vào một ít chi tiết về gia cảnh, thân thế. Cô kể rằng Bố của Cô chủ trương gởi con cái đi du học để nên người hữu dụng và học xong thì phải về giúp nước. Mỗi lần chỉ một người con được ra ngoại quốc; người ấy về nước rồi thì người khác mới được xuất ngoại. Như vậy, người con nào học xong cũng cảm thấy trách nhiệm phải về nước để không cản trở việc du học của các anh chị em trong nhà.

“Chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước. Những người được ăn học mà không có lòng phục vụ, thì đất nước còn ra gì? Em trai của Cô du học về thì lập tức lên đường nhập ngũ, đang ở chiến trường miền Trung.”

Cô Vinh còn nói nhiều nữa về quê hương, về cuộc chiến, về nghĩa vụ công dân, về trách nhiệm lịch sử. Tôi say mê nghe những lời tâm sự đứt quãng, mỗi ngày một ít, ấy. Tôi có cảm giác Cô đang nói ra những suy tư và lời tự vấn cho chính mình trước vận nước. Lúc ấy miền Trung đang chịu các mũi tấn công của bộ đội Bắc Việt.

Ít lâu sau các tỉnh miền Trung thất thủ. Tình hình chiến sự căng thẳng và vòng đai bảo vệ Sàigòn ngày càng hẹp lại. Một hôm, bạn bè gọi điện thoại cho tôi báo tin về một vị tướng VNCH vừa tự sát; con gái của Ông thuộc đám bạn của chúng tôi. Sự hồn nhiên vô tư lự của tuổi mới lớn mỗi ngày lại nhuốm thêm mầu u ám. Đám mây đen của nỗi hoang mang và bất ổn bao phủ dần lớp học của chúng tôi.

Vào những ngày cận kề cuối tháng tư, Toà Đại Sứ Pháp ngỏ ý đưa Cô Vinh di tản khỏi Việt Nam. Cô từ khước vì người em trai ở miền Trung đang mất tích.

“Cô là người khuyên em trai về nước và nhập ngũ. Cô không thể bỏ rơi nó,” Cô Vinh tâm sự với lũ học sinh dớn dác và chỉ còn phân nửa -- ngày càng nhiều đứa nghỉ học để theo gia đình đi di tản.

Khi cộng quân đang tiến sát Sàigòn thì Cô Vinh liều lĩnh một thân một mình đi ngược ra miền Trung để tìm em. Cô thuê xe “honda ôm” để vượt từng chặng đường một, băng qua những thôn làng hẻo lánh. Cô đeo hàng chục chiếc đồng hồ “hiệu” khắp hai cánh tay và mặc áo dài tay để che đi. Đến mỗi trạm canh dọc đường cô “tặng” cán bộ chỉ huy một chiếc đồng hồ làm quà mãi lộ. Cuối cùng Cô tìm ra người em trai, đã bị bắt làm tù binh.

Khi Cô về lại thì Sàigòn đã thất thủ.

“Ít ra Cô yên tâm là cậu ấy còn sống,” Cô Vinh tâm sự với tôi.

Nước da vốn ngăm đen của Cô đã trở thành đen sậm. Cô gầy dộc đi.

Chẳng bao lâu sau, chồng mới cưới của Cô, vị bác sĩ quân y hiền từ và ít nói, phải đi tù cải tạo.

Được tin, tôi đến thăm Cô Vinh tại căn chung cư mà Cô đang thuê tạm, ở ngay Quận 1. Bạn bè trong lớp đều đã tứ tán, nên chỉ có mình tôi.

Tôi gõ cửa. Cô Vinh mở cửa mời tôi vào. Sắc mặt và dáng điệu của Cô không còn nét tươi tắn, tháo vát và hồn nhiên ngày nào. Cô dẫn tôi vào căn phòng khách tù mù, dù ngoài trời đang nắng ban trưa chói chang. Mọi cửa sổ đều đóng kín, chỉ có ngọn đèn mờ.

Cô không nói nhiều. Tôi hỏi thăm về Thầy – chồng của Cô, rồi người em trai, rồi gia đình... Cô chỉ trả lời lấy lệ cho xong. Tôi không ngạc nhiên lắm vì quanh tôi, đâu đâu cũng vậy: sự e dè, nghi kỵ và hãi sợ đã thay thế bản chất tin người, hiếu khách và vồn vã của xã hội miền Nam. Niềm tin, là chất keo sơn gắn bó đồng bào với nhau qua bao thăng trầm của lịch sử, chỉ qua một đêm bị chế độ mới xoá sạch, không còn gì.

Tôi ra về mà lòng buồn man mác, buồn cho Cô giáo trẻ mới hôm nào tràn đầy nhựa sống và lý tưởng, buồn cho lớp bạn trai và gái mất tuổi hồn nhiên và đang tản mác bốn phương trời, và buồn cho đất nước đắm chìm trong bóng tối của một chủ nghĩa man rợ.

Đó là lần cuối tôi gặp Cô Vinh.

Bốn năm trôi qua. Bố mẹ tôi đã dắt díu tôi và hai đứa em vượt biển đến Mã Lai rồi 7 tháng sau thì đến Hoa Kỳ định cư, vào mùa hè 1979.

Năm 1983 tôi đang theo chương trình tiến sĩ thì một hôm bất chợt gặp lại Cô Vinh... trong giấc mơ lạ. Trong giấc mơ, Cô nhắc lại lời nói năm xưa: “Chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước. Những người được ăn học mà không có lòng phục vụ, thì đất nước còn ra gì?” Mặt Cô nghiêm nghị như tỏ vẻ trách mắng.

Thức dậy, tôi vã mồ hôi, và tư lự nhiều ngày sau đó về lời nhắc nhở từ quá khứ vọng đến.

Tuần sau, một người bạn ở xa báo tin là Cô Tường, một cô giáo năm xưa và quen với Cô Vinh, vừa đến định cư ở Texas, và cho tôi địa chỉ. Tôi viết thư ngay cho Cô Tường để chúc mừng Cô và gia đình đến được bến bờ tự do. Tôi cũng hỏi thăm về Cô Vinh và kể về giấc mơ.

“Cô ạ, tuần rồi em vừa nằm mơ thấy Cô Vinh. Thông điệp đến từ Cô Vinh là, liệu có thể yên tâm ăn học khi dân tộc đang lầm than và đất nước đang điêu linh? Ở tuổi 16, em đã học được từ Cô Vinh tình yêu tổ quốc nên biết rõ mình phải làm gì. Dù Cô Vinh hiện ở chân trời góc biển nào, em vẫn mang ơn Cô Vinh đã cho em ý thức sống cho nên người.”

Cô Tường cho biết là chính cô cũng nhiều năm dò hỏi mà vẫn chưa tìm ra tăm hơi về Cô Vinh.

Ngày tháng trôi qua, tôi mất liên lạc với Cô Tường; không biết giờ này Cô ra sao.

Cách đây mấy năm, tại một buổi họp bạn trường cũ, có người cho biết là đã liên lạc được với Cô Vinh và Cô hiện đang làm việc ở một Toà Đại Sứ Pháp bên Phi Châu. Tôi chưa viết lời nào thăm Cô vì không dám chắc Cô còn nhớ cậu học trò trưởng lớp năm xưa, ở thế kỷ trước.

Nếu do một tình cờ nào mà Cô Vinh đọc được những giòng chữ này thì xin Cô hiểu rằng, những lời tâm tình ngẫu nhiên của Cô năm xưa đã để lại dấu ấn sâu đậm lên một cậu học trò ở tuổi 16 sang 17. Các người bạn trong lớp của tôi có thể quý Cô vì sự bình dị và thân tình như người chị lớn. Còn với riêng tôi thì Cô là người đã chỉ ra ánh sao Bắc Đẩu giữa cơn gió bụi của cuộc đời, khi mọi ngả đường bỗng trở nên mịt mù vô định. Lời Cô nhắn nhủ mà tôi ghi tạc: Dù trong hoàn cảnh nào, hãy lấy tình yêu quê hương và bổn phận với đất nước để định hướng đường đời.

Ở tuổi niên thiếu, có những thầy, cô đã ảnh hưởng lên tư duy của lũ học sinh chúng tôi. Cô giáo Tường dậy cho tôi truyền thống văn hoá của tổ tiên. Thầy giáo Cửu tạo cho tôi niềm đam mê văn chương Việt ngữ. Cô giáo Villeneuve dẫn tôi đến các nền văn hoá của nhân loại. Thầy giáo Louis mở rộng kiến thức cho tôi về lịch sử thế giới.

Còn Cô Vinh, cảm ơn Cô đã cho em lòng yêu nước.

Viết từ Edmonton,
Canada vào một ngày cuối năm
Nguyễn Đình Thắng

ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN TRIẾT HỌC
CÀ TÀNG 3:
DOMINO COLLAPSE  

Bác sĩ Hồ Hải


MỞ ĐẦU

Cách đây 5 năm, tôi viết bài Trung hoa về đâusau khi bà Hillary Clinton đọc tuyên bố chiến lược chuyển trục từ Trung Đông sang Thái Bình Dương ở Trung tâm nghiên cứu Đông Tây Honolulu. Một năm sau, ông tổ của quyền lực mềm Joseph Nye viết bài úp mở thông tin Hoa Kỳ sẽ độc lập năng lượng trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

Cách đây 1 năm, GS Divid Shambaugh là một trong số vài chục học giả think tank của Hoa Kỳ, ông cùng với các quan chức phục vụ trong Bộ Quốc phòng Mỹ, CIA, Bộ Ngoại giao, và Hội đồng an ninh quốc gia, làm ra chính sách của Mỹ đối với châu Á, và đặc biệt là đối với Trung Quốc, viết bài Sự đổ vỡ đang đến với Trung Hoa. Ngay sau đó trang Economist có bài Hố đen to lớn của Trung Hoa.

Nhưng điều đáng tiếc nhất là, từ cách đây hơn 5 năm, cũng trong những ngày cả nước hướng con mắt về đại hội đảng lần thứ 11, tôi đã rút cả ruột gan để viết bài: Thưa các quan phụ mẫu, nhằm muốn đảng cầm quyền phải chuyển ngay hình thái chính trị đơn nguyên tập quyền sang đa nguyên tản quyền để xã hội huy động sức dân, hòa giải dân tộc và tránh sụp đổ, vì không thể chần chờ được nữa, đất nước Việt đang lao vào bóng đêm bão tố mất tất cả, song chẳng ai nghe.

Đến hôm nay thì, chính trị Việt Nam chắc chắn sẽ phải chuyển đổi cấp kỳ, hoặc sụp đổ, hoặc trong nguy cơ chiến tranh có thể là nội chiến hoặc ngoại xâm bất kỳ lúc nào, khi mà kinh tế Trung Hoa rơi tự do chưa thấy đáy. Chỉ mở cửa đầu năm, vào buổi sáng hôm nay 04/01/2016 nhưng chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index đã giảm 6.86% tương đương 242.92 điểm xuống còn 3296.26 điểm.

Ngay lập tức, chính quyền Trung Hoa tuyên bố đóng cửa cả 2 sàn giao dịch Thượng Hải và Thẩm Quyến để ngăn đà lao dốc không phanh có thể dẫn đến bạo loạn chính trị. Mặc dù, tháng 6/2015 Trung Hoa đã 3 lần ngăn đà sụp đổ chứng khoán bằng bơm tiền mua cổ phiếu, nhưng hôm nay, họ không còn có thể bơm tiền được nữa, và là lần đầu tiên phải đóng cửa thị trường chưa bao giờ có trong 30 năm qua!

Nguyên nhân của chính quyền Trung Hoa đưa ra là do 2 yếu tố:

1. Chỉ số sản xuất của Trung Hoa giảm mạnh.

2. Những bạo loạn ở Trung Đông làm tác động thị trường chứng khoán châu Á.

NGUYÊN NHÂN Ở ĐÂU?

 

Nguyên nhân của tất cả mọi nguyên nhân là từ nền chính trị đơn nguyên tập quyền gây ra, làm kinh tế Trung Hoa cũng như Việt Nam như một cơ thể tráng kiện mặc chiếc áo chật rách nát chính trị đầy tha hóa và tham nhũng, vì kinh tế là chính trị.

Sa vào bẫy thu nhập trung bình cao, chính quyền Trung Hoa buộc phải tăng đầu tư công vì khoa học kỹ thuật chỉ đi sao chép và ăn cắp bản quyền phương Tây. Nên Trung Hoa lún vào nợ đầu tư công ở chính quyền địa phương và nhà nước.

 

Dự án Đại nhổ rễ của Trung Hoa: Di chuyển 250 triệu dân từ nông thôn lên thành thị

Dân giàu lâu nay đầu cơ và quan tham rút tiền bỏ chạy khỏi Trung Hoa, các nhà đầu tư cũng rục rịch rút vì viễn cảnh giá nhân công lao động Trung Hoa cao hơn so với các quốc gia trong vùng. Hàng ngàn thành phố ma xây xong cho dự án chuyển 250 triệu dân Trung Hoa từ nông thôn lên thành thị bất thành, vì người dân không tiền và ra thành thị họ không biết làm gì kiếm sống.

Với hơn 1700 thành phố bỏ hoang chứa 64 triệu căn hộ trống rỗng đã xây sẵn, và hàng chục đường sắt cao tốc xây nối liền hơn 1700 thành phố này từ 2005 đến nay, người ta ước tính nó làm nợ công của Trung Hoa lên đến hơn 200% GDP!

Hai cuộc cách mạng Đại Văn hóa và Đại nhảy vọt của Mao đã sai lầm, giờ này ông Tập làm Đại Nhổ Rễ để đến 2030 chuyển 250 triệu dân từ thành thị ra nông thôn liệu có thành? Nhưng e rằng trước khi đến 2030 thì Trung Hoa đã thành lục quốc phân tranh!

Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP - của Hoa Kỳ và 11 quốc gia chiếm 35% GDP toàn cầu với 850 triệu người tiêu dùng cũng là nguyên nhân góp phần lớn để các nhà đầu tư lo ngại.

Đả Hổ Diệt Ruồi của ông Tập Cận Bình cũng là nguyên nhân hàng đầu để làm bom tấn nổ tung nền kinh tế Trung Hoa. Lẽ ra, thay vì ông Tập phải thay đổi mô hình chính trị đơn nguyên tập quyền sang đa nguyên tản quyền khi kinh tế đã tăng trưởng hết mức và có dấu hiệu đi xuống là phù hợp nhất, nhưng ông lại không làm để khoan hết sức dân, giữ tài năng ở lại, mà ông lại theo kiểu độc tài của Mao, nên chỉ trong vòng 3 năm lên cầm quyền, dân Trung Hoa đã rút 1.250 tỷ đô la chạy sang Hoa Kỳ và phương Tây, với hàng chục triệu nhà giàu bỏ đất nước ra đi.

Ông Tập lấy cái sai sau là đả hổ diệt ruồi để lấp liếm cái sai trước của Mao, nó sẽ không thể giữ vững chế độ khi mà nền kinh tế suy sụp nạn thất nghiệp lan tràn, và những bất ổn sắc tộc trên một diện tích 10 triệu km vuông và gần 1.4 tỷ dân.

Trong một tổng kết của Business Insider hồi tháng 5 năm 2011 của Gud Lubin, ông cho thấy, tình hình chính trị bất ổn ở Trung Hoa đã đẩy mỗi năm 10.000 người dân vào tù không có án, còn con số tù nhân được tuyên án không đếm xuể.

Mặc dù sau thống nhất Trung Hoa, ông Mao Trạch Đông đã nghĩ ngay phải chiếm Tây Tạng để chuyển hồ nước chiếm 80% lượng nước ngọt cung cấp các dòng sông châu Á này sang phía Tây khô cằn, nhưng dự án ấy cũng không giúp được Sa mạc Gobi khổng lồ của Trung Hoa có diện tích 1 triệu 285 ngàn cây số vuông này mỗi năm mở rộng thêm 1.400 dặm vuông, vì tình trạng phá rừng trong chính sách đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng để tăng trưởng kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình.

QUY LUẬT CỦA TRIẾT HỌC

Ở các quốc gia đơn nguyên tập quyền nói chung và cộng sản nói riêng thì các chính khách luôn áp dụng 3 chính sách để bóc lột, cai trị dân đen. Ba chính sách đó là:

1. Bóp cái bao tử của dân để thực hiện chính sách nghèo để trị.

2. Ngu dân kém hiểu biết dễ đàn áp bằng bạo lực để trị.

3. Chia rẻ dân đen bằng những thông tin xấu và làm dân nghi ngờ nhau, sợ sệt chính quyền để dễ trị.


Với 3 chính sách trên, lâu nay chính quyền cộng sản độc tài trên thế giới nói chung, Trung Hoa nói riêng đã hoàn toàn có thể khống chế dân từ tư tưởng đến hành động. Và cũng nhờ vào đó, mà chỉ 1 số chính khách nhỏ nhoi chỉ cần chiếm 2% dân số cả nước ngồi lại với nhau thỏa hiệp ăn chia trên xương máu nhân dân, mà không cần lo lắng những con lừa ngu muội dân đen từ có học đến vô học đủ sức kháng cự lại chính quyền. Chính khách muốn vẽ rồng hay vẽ rắn trên hiến, luật pháp là tùy, thậm chí nghị quyết của đảng độc tài cũng đứng trên cả hiến pháp.

Một trong những chính sách ngu dân ở các chế độ cộng sản là, nền giáo dục của các quốc gia này không có tư duy giáo dục để tạo ra những thế hệ trẻ dân đen có trí sáng tạo, có tư duy phản biện, phân tích và ghi nhận sự vật hiện tượng đúng theo triết học.

Chính quyền độc tài họ biến triết học hay ho và duy lý trở thành chính trị học khô khan mà họ vẽ ra theo chế độ của họ đang vẽ đường cho những con cừu dân đen đi theo, nhưng những con cừu dân đen không hề hay biết.

Triết học là khoa học cho tất cả các khoa học. Không có triết học đồng nghĩa với 'không có sáng tạo'. Vì thế cho nên, không lấy làm lạ khi ở Việt Nam có hơn 2 vạn tiến sĩ, thạc sĩ, và 9000 giáo sư cừu, nhưng để nông dân sáng tạo dùm.

So sánh học thuyết Adam Smith và Karl Marx

Trong những quy luật triết học quan trọng cho một hình thái xã hội tốt nhất, khoa học nhất, kiểm soát đạo dức và nhân cách con người không bị cám dỗ bởi bản năng động vật là 3 quy luật duy vật luận của Engels đã tổng kết.

Để chính quyền tốt, mô hình xã hội phải giảm quyền lực của chính quyền bằng áp dụng quy luật thống nhất các mặt đối lập và mâu thuẫn của mâu thuẫn. Muốn giảm quyền lực của chính quyền thì phải có đối lập, tức là phải đa nguyên. Nhưng để hoạt động tốt mô hình này mà không loạn thì cần tam quyền phân lập để giữ kỹ cương xã hội. Ngoài ra, muốn không loạn, nhưng vẫn giữ vững an ninh, biên cương lãnh thổ… thì phải đưa quân đội và cảnh sát ra khỏi trò chơi chính trị. Không những thế, để tự lực tự cường thì mô hình xã hội phải biết khoan sức dân bằng tư hữu hóa tư liệu sản xuất.

Khi mô hình xã hội đã được đa nguyên tản quyền và kích sức dân rồi thì ắt quy luật lượng chất sẽ được thúc đẩy nhanh tiến trình phục hưng xã hội.

Các quốc gia độc tài bị các chính khách phá bỏ 3 quy luật này chỉ có thể trụ vững thời gian bằng thập niên. Không thể trụ vững thời gian tính bằng thế kỷ. Đơn cử Liên Xô và Đông Âu cũ chỉ được 70 năm. Bây giờ thì đến Trung Hoa và đàn em của Trung Hoa chỉ trong vòng 1 thập niên nữa là sẽ tự giết nhau, và tự sụp đổ để cải tổ, mà không cần một tác động bên ngoài nào.

"Thiên nhiên và các quy luật của thiên nhiên đang dần mở cửa, đã có Newton!" Đó là câu nói nổi tiếng của giữa cuối thế kỷ XVII, khi ông tìm ra 3 định luật mang tên ông sau khi nhìn quả táo rơi. Nhưng đó là thời kỳ nền kinh tế nông nghiệp đang chuyển sang nền kinh tế công nghiệp. Còn bây giờ, nhân loại đã chuyển sang nền kinh tế tri thức, đã có quả táo cắn dở của Steve Jobs và cửa sổ nhìn ra thế giới của Bill Gates.

Ở nền kinh tế tri thức, quyền lực của người dân ngày càng được củng cố nhờ vào cuộc cách mạng thông tin. Các quốc gia có chế độ độc tài không thể che đậy các quy luật triết học để cai trị hà khắc như thời chiếm hữu nô lệ bằng bạo lực.

KẾT

Cái gì sai quy luật triết học ắt sẽ lụi tàn, nếu các chính khách độc tài không thức tỉnh thì vòng luân hồi của chiến tranh, đổ máu ắt sẽ lập lại. Lâu nay chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại không phải vì chế độ này và đảng cầm quyền đủ sức lãnh đạo, mà là do sự hỗ trợ trước 1990 của Liên Xô và sau 1990 của Trung Hoa. Liên Xô đã sụp, nước Nga bây giờ không lo nổi thân mình, và Trung Hoa đang sụp, thì quá dễ dàng thấy tương lai của cộng sản ở Việt Nam sẽ đi về đâu trong vòng chỉ 10 năm tới!

Bác sĩ Hồ Hải


Tản mạn cuối năm 2015

Trong buổi tối giá lạnh của mùa Đông El Nino, chợt cảm thấy tâm hồn như chùng xuống, mặc dầu mới tuần trước đây, cùng với vài tỷ người mừng kính Thiên Chúa giáng trần để cứu nhân loại. Điều làm cho tâm bất an là tuy Tin Mừng mà Thiên Chúa mang xuống trần gian đem lại cho người ta nhiều hy vọng, nhưng thực tế, nhìn chung quanh vẫn thấy con người vẫn chìm trong khổ đau, sự Ác vẫn hiện diện một cách trắng trợn và người ngay lành vẫn bị chà đạp, bị giết một cách thảm thương.

Thiên hạ vẫn giết lẫn nhau vì tình, vì tiền hay vì tư thù; kẻ ác vẫn cắt cổ người lương thiện, kẻ có vũ khí và quyền lực trong tay vẫn chà đạp lên nhu cầu Sống Bình An của con người, các nhà lãnh đạo độc tài vẫn bao vây tư tưởng, vẫn cấm đoán người dân phát biểu theo ý mình.

Vậy, sự kiện Thiên Chúa hạ sinh có phải là một thất bại không? Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa có phải là một ảo tưởng của Người Cha nhân từ, muốn cứu con cái mình, nhưng lực bất tòng tâm không?

Câu hỏi này, hình như khó nhận được câu trả lời thích ứng, cho nên, số người tin theo đạo Chúa, mỗi ngày mỗi vơi. Nhiều nhà thờ đóng cửa. Nhiều địa hạt Công Giáo khai phá sản. Người đi tu thì ít hơn người bỏ tu hoặc vẫn còn tu nhưng đi chệch hướng với đường đi của Thiên Chúa. Nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội sống lơ là, mũ ni che tai, lo xây nhà thờ to lớn, mặc cho tiếng thở vất vả trong đời sống tối tăm của con chiên vẫn đều đặn bên tai mình.

Nếu cứ đà diễn tiến này, thì chẳng bao lâu nữa, đạo Chúa hay ngay cả các Tôn Giáo hiền hòa khác sẽ trở thành những kỷ niệm truyền thống của nhân loại vào thập kỷ 3000. Người ta sẽ không còn tin theo một tôn giáo nào nữa, mà chỉ tin vào sức mạnh của chính mình. Lúc đó, thế giới sẽ thành một nơi hỗn mang, man rợ như những thế kỷ đầu tiên của con người Neanderthals, đã biến mất khoảng 40,000 năm trước đây.

Nhưng thực tế có phải bi quan như thế không?

Không! Thật sự không phải như vậy. Nếu nhìn sâu vào vấn đề khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta thấy có một câu hỏi chính: Khổ đau đến từ đâu?








Có hai loại khổ đau: khổ đau chủ quan (hay khổ đau nội tại) và khổ đau khách quan (hay khổ đau ngoại xâm). Khổ đau chủ quan đến tự nội tâm của chính con người. Có những người luôn sống bằng ảo vọng, bằng sự mê say, ham thích những điều vượt quá tầm tay của mình nên lúc nào cũng thấy khổ. Học ít, đi làm lương kém, nhìn thấy bạn bè hay những người khác giầu sang thì cảm thấy khổ. Yêu người không yêu mình thì đau buốt tim gan. Có con cái hư hỏng vì lỗi của mình không giáo dục đến nơi đến chốn thì chán nản.

Ăn uống không điều độ sinh bệnh tật thấy đau đớn cả ngày. Đôi khi ăn chay trường, sống hiền hòa mà bỗng dưng mắc bệnh, thì bất mãn với ông Trời. Bố mẹ bất tài, nghèo khổ, làm con cái khổ theo. Cũng có những trường hợp dồi dào khả năng, chịu thương chịu khó, nhưng số kiếp vất vả, làm hoài không khá, thì kêu “Trời ơi! Sao nhẫn tâm đến thế?”

Dân gian mình thường hay nói: Người ấy nghèo khổ quá! “Nghèo” thì luôn đi đôi với “Khổ”! Đó là những cái Khổ đau nội tại, phát sinh từ chính tư tưởng của mình rồi chi phối hành động của con người, làm cho người ta thấy Khổ.

Nhưng thật ra, có sự Khổ nội tại như thế không? Giả dụ những người Khổ đau đó mà ở chung với nhau trong cùng một môi trường, mỗi người có một nỗi khổ của mình, thì có thấy Khổ không? Thưa: Không! Tình cảm Khổ Đau chỉ xuất hiện khi có một đối tượng khác không Khổ đau đứng gần, thì mới có sự SO SÁNH giữa sự thiếu thốn của mình với sự đầy đủ của người khác, thì mình mới thấy khổ!

Có những cô lái đò, áo quần khâu vá chằng đụp, suốt ngày vất vả nhưng lúc nào cũng có nụ cười trên môi vì quan niệm của người ấy là “biết đủ là đủ” (Tri túc, tiện túc, hà thời túc).

Cô lái đò không so sánh mình với ai, nên lúc nào cũng vui. Những người khác, một khi đã thấm nhuần một Chân Lý mà Đức Phật đã chỉ ra: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ! Bốn cái Khổ mà con người không thể tránh được, thì sẽ không thấy Khổ, nhất là nếu biết “diệt” cái “dục” tức là lòng muốn của mình đi, cũng sẽ không bao giờ biết đến chữ Khổ nữa. Như vậy, Khổ Đau chỉ là một tư tưởng nẩy sinh khi có sự So Sánh, Đối Chiếu mà thôi. Nếu nhân loại không So Sánh, Đối Chiếu với bất cứ ai, thì sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình Khổ!

Còn Khổ Đau Khách Quan (hay Khổ Đau Ngoại Xâm) đến từ bên ngoài con người đập thẳng vào trái tim nhân loại. Khổ đau khách quan đến từ những tổ chức, những cá nhân không còn nhân tính, lúc nào cũng muốn áp đặt sức mạnh thô bạo, ác độc của mình lên những con người yếu đuối, không vũ trang, để thể hiện quyền uy của mình, để cho thiên hạ sợ mà phải thờ kính mình.

Từ vị trí được tôn sùng, mà kẻ ác thấy hạnh phúc, thứ hạnh phúc vị kỷ mà người lương thiện lại thấy là gớm ghiếc. Ở chỗ nào có đất, có con người, mà ý niệm Tự Do, Nhân Quyền không được kẻ ác có vũ khí chấp nhận, ở nơi đó, con người bị đàn áp, bị đánh đập, giam giữ, thậm chí bị giết, bị cắt cổ, bị ăn bom đạn.

Đời sống con người ở những nơi này thật vô nghĩa. Như ở Việt Nam, nhà cầm quyền ỷ vào bạo lực của mình mà áp đặt một chế độ phi nhân bản, một chế độ vô cảm với hạnh phúc của con người, một chế độ của Những Con Người Lãnh Đạo Robot, không có tư duy, chỉ cử động theo những chương trình cài đặt (program) đòi ăn, ngủ, vệ sinh, tiêu tiền, làm tình, nói láo, kiếm tiền thật nhiều cho dù phải bán cả Tổ quốc của mình, bất chấp danh dự, nhân phẩm, và giá trị của một con người.

Nói theo kiểu bình dân, những lãnh đạo Cộng Sản là những động vật chỉ biết đớp, hít, hưởng thụ và tiêu hóa, ngoài ra không có một chút giá trị gì của một con người. Nếu so sánh những kẻ lãnh đạo đó với những động vật có tình cảm khác, thì lãnh đạo Cộng Sản còn thua những con chó trung thành, liều chết bảo vệ chủ nhà mà người ta từng tạc tượng và quý mến.

Từ những nhân vật lãnh đạo mà “nhân” ít hơn “vật” đó, mà con người sống trong xã hội ấy bị khổ đau triền miên. Có gì đau khổ hơn là bị cấm đoán suy tư, cấm đoán phát biểu? Có gì chán nản hơn là bị ép vào một guồng máy, đứng xếp hàng, hô to những khẩu hiệu nhàm chán: “Không gì quý hơn Độc Lập,Tự do! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng Chân lý ấy không bao giờ thay đổi!” mà thực tế là không có chút độc lập nào, không có chút Tự do nào!

Đơn giản hơn, là những con người sống trong chế độ Cộng Sản nếu muốn sống thoải mái, không Đau Khổ, phải chửi rủa chính mình, đấu tố ông bà tổ tiên mình, phải xóa sạch lịch sử để được lãnh đạo thương và ban cho ngôi vị cao mà hưởng thụ! Thực tế, số người mê hưởng thụ như thế chỉ có một số ít, còn lại toàn dân thì đau khổ chập chùng, nhất là khi So Sánh cuộc sống Robot của mình với cuộc sống Tự do của dân tộc khác, hoặc của đồng hương mình đang sống trong xứ sở Tự Do!

Vậy, nếu muốn thoát khỏi khổ đau khách quan như thế, con người phải tìm cách thoát khỏi cái guồng máy đó, phải tìm cách bứt dây chuyền, phá tan cái động cơ ép con người đứng vào dây chuyền robot ấy, nghĩa là phải lật đổ cái chế độ phi nhân, vô cảm ấy thì mới hết được Khổ đau. Ngoài ra không còn biện pháp nào khác. Những đề nghị như “người hải ngoại phải tự nguyện kêu gọi Hòa Giải Hòa Hợp với chế độ Cộng Sản” hoặc “phải về nước xây dựng trước rồi mới thay đổi chế độ chính trị sau” là những đề nghị xuẩn ngốc của những cái máy robot khác ở hải ngoại, được cài đặt những chương trình tiêu thụ và tiêu hóa, nhưng không được cài cái “Tâm” của Nhân Loại.


Đến đây, thì một vấn đề khác nẩy sinh: khi sức lực Trần Thế của con người có giới hạn, thì phải nhờ đến một nguồn lực Siêu Nhiên: Thiên Chúa (hay Thượng Đế, ông Trời), là những Lực đã tác tạo ra con người hôm nay. Con người, trong cơn đau khổ, không thể oán trách Thiên Chúa là đã bỏ lơ loài người, vì thực tế, Thiên Chúa đã cho con người có Tự do suy nghĩ và hành động, nhưng Thiên Chúa không tạo ra chiến tranh, không khuyến khích bạo lực, và chẳng bao giờ hướng dẫn con người vào chỗ Đau Khổ!

Chúa Giê Su nói: “Ta đến để đem sự sống vĩnh cửu cho trần thế!” nhưng chính con người đã giết Ngài, đã đánh đập Ngài, và treo Ngài lên thập giá. Từ đó, sự Ác cứ càng ngày càng phát triển một cách khủng khiếp. Trước khi Ngài xuống thế, tội ác đã dẫy đầy nhưng không tràn lan với một cường độ kinh hãi như sau khi Ngài lên trời. Những cuộc chiến sau này nổ ra với số người chết cả năm, sáu chục triệu, đẩy ra các bệnh dịch cũng chết cả chục triệu người và trong tương lai, một trận chiến bằng nguyên tử lực có thể tiêu diệt cả trái đất!

Để đối phó với tai họa khổ đau ghê gớm như thế, chỉ còn cách làm Lành, lánh Dữ, và cầu nguyện. Làm chuyện Lành với những ai đau khổ bên mình, nhất là với những người Dân Oan trong nước. Làm chuyện trả ơn với những Thương Phế Binh bên nhà là những người đã hy sinh một phần thân thể cho lịch sử, cho Tổ Quốc. Và, cầu nguyện với hết cả tâm hồn của một người lương thiện, thì lúc đó, may ra Thiên Chúa mới động tâm mà giải tỏa nỗi khổ đau chập chùng của Dân Việt và đẩy nhóm lãnh đạo Cộng Sản “hèn với giặc, ác với dân” kia ra khỏi giang sơn mình, như lần Chúa Giê Su đã làm là đuổi bọn quỷ dữ ra khỏi thân xác của một người và nhập vào đàn heo, rồi cùng nhào xuống biển


Thứ Tư, ngày 18 tháng 2 năm 2015

CHÀO .......XUÂN

KÍNH CHÚC QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN
"Niên niên hữu dư, bồ bồ đăng cao" (năm nào cũng đầy đủ, bước đi thăng tiến), nhà nhà đầy Ơn Phước! Chúc tăng phúc lộc, tăng ý chí, và mọi người cùng tham gia cuộc đấu tranh giải thể chế độ Việt cộng, đánh đuổi giặc Tàu!

  altalt



Núi sông ghi khắc lời thề anh hùng (Nguyễn Trãi)      
Chào Nguyên Xuân

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài?
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
(Bùi Giáng)

(trích mails)

Hồng Sơn sơn nguyệt võ vàng
Rã tan huynh đệ điêu tàn bặt tin
Một mình đất lạ lùng nhìn
Nhìn đâu thấy được bóng hình xưa xa
Quê hương cố quốc sơn hà
Nhìn đâu nhị nguyệt yên hoa thuở nào


Mấy câu thơ trên là 4 câu thơ cuối trong bài thơ Tố Như Trùng Lai, Bùi Giáng gởi gắm tâm sự với Nguyễn Du.
Nguyễn Du đã chiụ tang cha, tang mẹ và tang 1 người anh. Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, Nguyễn Du bỏ Thăng Long chạy về Tiên Điền. Bùi Giáng là nhân chứng cuối cùng kể từ 30-4-1975. Hai không gian và thời gian khác nhau, nhưng tâm trạng chỉ là một.

Từ 1975 Bùi Giáng đã là chứng nhân đất nước điêu tàn. Huynh đệ rã tan, người thì trong tại cải tạo, người thì làm mồi cho cá mập ở biển đông, người thì lưu lạc nơi xứ người. Còn ai lê lếch bước chân điên ở Sài Gòn không ai hơn người đó chính là Bùi Giáng? Còn đâu hay nhìn thấy đâu nhị nguyệt yên hoa thuở nào! Chỉ còn hai bàn chân cuả Bùi Giáng lê lếch trên thành phố cũ đã đổi tên mới hcm.

Đã cận kề năm mới, tôi uống rượu không thấy vui! Vui gì trong lúc hàng trăm "Huynh đệ" đang ở tù! Vui gì khi đang có hàng triệu trẻ em Việt Nam đang sống trong nghèo đói! Vui gì trong lúc các chị em và mẹ già dân oan đang chui rúc trong những lều bạt ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội!

Cho tôi chửi tiếng mở hàng năm mới ĐMCS!
--Việt (Dân Làm Báo)

DMCS:
https://www.youtube.com/watch?v=xnWxFIH4_dE


Posted on 30 Dec 2015
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • Suy Nghĩ từ Hải Ngoại 2016
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)