Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Giao Chỉ: Những bài Ca gọi Hồn Dân Tộc

Quang Trung - Ngoc Han



Những Bài Ca Gọi Hồn Dân Tộc


nhà văn Giao Chỉ


Những năm dài trải qua

23 tháng 5 năm 2010 sẽ là ngày IRCC Dân Sinh tổ chức văn nghệ với tựa đề 35 năm nhìn lại. Hôm đó là ngày Chủ nhật. Quan khách đến vào lúc 3 giờ chiều. Triển lãm ngoài trời. 3 giờ 30 cửa rạp mở. Nếu có đủ khách tham dự từ trên lầu xuống đất cũng phải mất 30 phút mới ổn định chỗ ngồi cho gần 3000 ghế. Ðây sẽ là những ngày tháng, giây phút không trở lại. Sẽ không có 35 năm ghi dấu lần thứ hai. Thời gian sẽ qua đi và không bao giờ trở lại.


Quý vị có thể hỏi chúng tôi là sân khấu sẽ diễn tiến ra sao trong 3 giờ đồng hồ mà văn chương cường điệu có thể gọi là buổi trình diễn văn nghệ lịch sử.


Xin thưa rằng, chuyện gì thì cũng phải có đầu đuôi. Rạp hát CPA là tên gọi tắt của trung tâm trình diễn nghệ thuật San Jose. Ðây là một nhà hát lớn rất cổ điển của một thành phố lâu đời tại Bắc California. Trong 15 năm qua lần lượt các ông bà bầu đã tổ chức biết bao lần văn nghệ. Từ Thúy Nga đến Asia. Cùng với nhiều nhà tổ chức chuyên nghiệp và tài tử tại địa phương. Hàng chục ngàn khán giả Việt Nam đã quen thuộc với CPA ngay ở down town San Jose.


Riêng chúng tôi chỉ mới thuê rạp này hai lần. Năm nay 2010 là lần thứ 3. Lần thứ nhất vào cuối của thập niên 70 nếu chúng tôi còn nhớ rõ. Ðoàn văn nghệ quốc gia San Jose trình diễn.. Ca sĩ phương xa về dự có Nguyệt Ánh và Việt Dzũng lúc đó còn là những tiếng hát tài tử. Ngày đó từ sân khấu đến hội trường đều khóc cho “Món quà gửi về quê hương” của Việt Dzũng. Từ lần thứ nhất đến lần thứ hai cách xa 30 năm.


Rồi đến năm 2008, chương trình lịch sử ngàn người viết đem chúng tôi trở lại CPA. Nỗ lực xây dựng một sân khấu khác biệt để xứng đáng với ý nghĩa cộng đồng, di tản, đấu tranh và văn hóa. Thành quả cũng đã hoàn tất được phần nào và ghi lại trong một DVD đầy ý nghĩa đã gửi đến quí vị.


Bây giờ qua năm 2010, chúng tôi sẽ làm gì cho hợp với ý nghĩa 35 năm nhìn lại trên sân khấu CPA. Làm thế nào để hòa nhập trên sân khấu trình diễn hơn 200 người với gần 3000 người dưới hội trường.


Năm nay cả hai đại công ty Asia và Thúy Nga đều đưa nhau lên trình diễn ở Las Vegas nhiều lần với chi phí hàng triệu Mỹ Kim. Về chi phí tài chánh bạc triệu thì quả thực không tổ chức văn nghệ nào theo nổi. Nếu tài chánh không có, lấy đâu ra kỹ thuật xuất sắc và nghệ sĩ danh tiếng.


Nhưng điều quan trọng nhất là dù cho sân khấu có dàn trải châu báu ngọc ngà cùng với nghệ sĩ với áo quần rực rỡ muôn mầu nhưng vẫn có sự cách biệt giữa sân khấu với phía dưới là thế giới riêng biệt của khán giả. Biên giới của hai phía hoàn toàn tách biệt.


Với hội trường văn nghệ 35 năm nhìn lại, IRCC Dân Sinh mong muốn sẽ xóa được biên giới của thưởng ngoạn và trình diễn.


Vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng là phải tìm cho được những bài ca có thể hát từ dưới khán giả lên đến sân khấu.


Ðó là câu chuyện đi tìm những bài ca gợi nhớ quê hương, Những bài ca Việt Nam tiêu biểu cho thế kỷ thứ 20.

 

Những bài ca gọi hồn dân tộc.


Xin quý vị cùng chúng tôi nhớ về những kỷ niệm cũ của thời kỳ 54-75 để xem lại những bài ca nào có thể dùng cho sân khấu 35 năm nhìn lại tại San Jose.


Trong thế vận hội thế giới mùa hè hai năm trước tại Trung Quốc, bao nhiêu quốc ca thế giới đã được cử hành. Mới đây thế vận hội mùa đông tại Canada cũng được nghe biết bao nhiêu quốc ca toàn thế giới mỗi khi có tuyển thủ lãnh huy chương vàng. So với thế giới bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa vẫn xuất sắc, trầm hùng nhất. Tuy nhiên quốc ca là nghi lễ mở đầu. Quốc ca không thể là bài ca hát để trình diễn,


Chúng ta vẫn phải đi tìm những bài ca có mẫu số chung, có âm điệu hùng tráng, có ý nghĩa thiêng liêng và dễ nhớ, dễ hát cho mọi người. Làm sao cho cả ngàn người cùng cất tiếng và xóa bỏ được biên giới giữa hội trường và sân khấu.


Phải có những bài ca dù không phải quốc ca nhưng khán giả hăng hái đứng dậy hát, vỗ tay theo nhịp điệu và hòa mình vào lời ca tiếng nhạc. Chúng ta phải tìm cho ra những bài ca thân thuộc như anh chị em một nhà, mà đã bị bỏ quên.


Trước hết là bài ca dành cho nữ quyền lên tiếng. Bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Hùng Lân.

 

Cô gái Việt:


Trong số những bản hùng ca của miền Nam Việt Nam, gần như chỉ có bác Hùng Lân cho chúng ta được món quà duy nhất viết về phụ nữ Việt Nam. Ðó là bản cô gái Việt sáng tác năm 1955. Như vậy cô gái Việt đứng lên đáp lời sông núi đã được 55 tuổi tính đến năm 2010.


Bác Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Hường sinh tại Hà Nội 1922 và mất tại Sài Gòn 1986. Năm đó ông mới có 64 tuổi. Từ Hà Nội ông di cư vào Nam năm 1954, thì một năm sau Cô Gái Việt ra đời.


Nhạc sĩ Hùng Lân viết tổng cộng 900 ca khúc, đa số cho thanh niên học sinh và tôn giáo. Bài ca nổi tiếng được đưa vào danh sách dự trù tuyển chọn làm quốc ca là bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông.


(bấm nghe âm thanh)

Việt Nam Minh Châu Trời Đông-HùngLân-HopCa


Bản vui tươi nhất là bài Rạng Ðông (Anh nghe chăng cung kèn rạng đông ...) và bài ca xuất sắc nhất dành cho học sinh là bài Hè Về. (Trời hồng hồng. sáng trong trong... )


Riêng bài đồng ca Cô Gái Việt là một tặng phẩm tuyệt vời dành cho nữ giới. Hơn 5 ngàn nữ quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa không ai là không thuôc bài Cô Gái Việt. Có khi còn quen thuộc hơn cả bài ca chính thức của nữ quân nhân.


Nhạc sĩ Hùng Lân khi động viên đã gia nhập vào quân lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc hạ sĩ quan. Ông là một trung sĩ tài ba của quân đội, về sau là giáo sư của trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn.


Trên sân khấu CPA San Jose năm 2010, chúng ta sẽ dành bài ca Cô Gái Việt để tưởng niệm một nhạc sĩ sáng tác bản nhạc vinh danh phụ nữ Việt Nam trong hậu bán thế kỷ thứ 20.

“Lời sông núi

bừng vang bốn phương trời,

giục chúng ta

đường phụng sự quyết tiến”


Xin hảy tưởng tượng trên sân khấu toàn nữ giới đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi lớp tuổi, Các nghệ sĩ tên tuổi và những bà nội trợ, các chuyên gia, các bà mẹ tần tảo ngược xuôi lo cho gia đình. Tất cả đều có mặt để cùng hát bài ca ghi dấu 35 năm. Chúng tôi dự trù sẽ giới thiệu 35 nhân vật nữ giới, rất đơn giản và rất tiêu biểu sẽ lần lượt xuất hiên.



(xem video vinh danh phụ nữ

Việt Nam-- Thúy Nga Paris)

http://www.dailymotion.com/video/x3z8rj_6297091_events

Mong rằng sẽ có nhiều cô gái Việt từ bốn phương đến với cô gái Việt San Jose để cùng lên sân khấu. Tài tử Kiều Chinh, Trung tá nữ quân nhân Hạnh Nhơn, bà Khúc minh Thơ, khoa học gia Dương nguyệt Ánh, Luật gia Dương như Nguyện ... sẽ cùng các tên tuổi anh thư vịnh Cựu Kim Sơn đứng lên đáp lời sông núi.


(bấm nghe nhạc)

http://mp3.baamboo.com/d/1/2529131/Co-Gai-Viet-Hung-Lan-


Rồi mọi người đều cất tiếng hát bản Cô Gái Việt. Cô Gái Việt của 50 năm trước và của 100 năm sau, vẫn chỉ là một.


Tất cả đều là con cháu của các bực anh hùng trong lịch sử.


“Triệu Trưng xưa

đẹp gương sáng muôn đời.

Giòng máu thiêng

còn đượm nồng vạn trái tim”

 

Mẹ Việt Nam ơi,

chúng con vẫn còn đây.


Bài ca thứ hai là bài hát cho tất cả mọi người. Bài ca trả lời cho hồn thiêng dân tộc, trả lời cho đất mẹ ngàn năm vinh hiển. Bài ca do nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phổ từ thơ Hoàng Phong Linh.


Ðây là một bản hùng ca lịch sử hết sức truyền cảm, nhịp điệu hùng tráng dễ nhớ và dễ hát. Bài ca này rõ rệt là lời kêu gọi toàn dân đứng lên đáp lời sông núi . Ý tưởng và lời ca của bản Mẹ Việt Nam ơi hết sức sáng tạo và không bao giờ lỗi thời. Người Việt có thể cất tiếng 100 năm trước hay một ngàn năm sau.

“ Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây”



 (bấm nghe nhạc)

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây NguyenAnh9 HPLinh NAnh VDung



Nước Việt Nam của đầu thế kỷ 21 vẫn là một giải giang sơn gấm vóc. Ðây là hành làng của biển Ðông, trên một vùng lãnh hải quan trọng nhất Ðông Nam Á, nhìn ra Thái Bình Dương. Phía Bắc là tảng đá khổng lồ nặng nghìn cân của Trung Hoa dòng Hán Tộc, một sắc dân khổng lồ với lịch sử xâm lấn từ ngàn năm trước và còn tiếp tục mãi mãi về sau.


Trong hoàn cảnh đau thương của vụ Trường Sa-Hoàng Sa hiện nay, bài mẹ Việt Nam ơi sẽ là một lời kêu gọi thức tỉnh quan trọng của ngày lịch sử 35 năm nhìn lại. Ban tổ chức đã gởi thư mời chiến sĩ Võ Ðại Tôn tức thi sĩ Hoàng Phong Linh là tác giả của bài thơ Mẹ Việt Nam ơi từ Úc Châu đến với sân khấu CPA tại San Jose.



Mong rằng chính tác giả sẽ có dịp cùng mọi người cất tiếng:


“Mẹ Việt Nam ơi,

chúng con vẫn còn đây.

Không phản bội dòng sữa thơm nuôi dưỡng.

Chúng con nguyền đi dựng lại quê hương.”

                                                        

Ðó là những bài ca “Gọi hồn dân tộc” sẽ được trình diễn trên sân khấu tháng 5-2010. Ban tổ chức xin mời quý vị tham dự. Toàn bộ lời ca sẽ được đăng báo để mọi người cùng hát. Cùng hát trên sân khấu, cùng hát dưới hội trường.


Sự tham dự của tất cả mọi người sẽ làm nên lịch sư với những thước phim, những hình ảnh ghi vào đĩa DVD sẽ được để lại muôn đời. Khi những bài ca gọi hồn dân tộc cất lên, đèn sân khấu rực sáng, đèn dưới hội trường cũng thắp sáng. Máy quay phim từ trên cao sẽ soi sáng từng khuôn mặt. Tất cả đều đứng lên đáp lời sông núi.


Cô gái Việt sẽ lên tiếng trước và tiếp theo là tất cả nam nữ sẽ cất lời gọi mẹ Việt Nam ơi. Từ đó với âm thanh và ánh sáng, với sự nhiệt thành của mọi người, không khí sẽ bừng lên ngọn lửa đấu tranh.



Trung Nu Vuong


Những bài ca tiếp theo là bản hùng ca của triều đại Mê Linh dẹp giặc Ðông Hán:


“Trưng Nữ-Vương

lau phấn son mưu thù nhà,

Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca, Thu về giang san cho lừng danh gái Nam, Bầu trời Á sáng ngời ánh quang....”


Rồi tiếp đến triều đại Ngô Quyền


”.. Ðây Bạch Ðằng Giang

sông hùng dũng

của nòi giống Tiên Rồng,

Giống Lạc Hồng,

giống anh hùng,

Nam Bắc Trung.

Trên trời xanh

muôn sắc đua chen bóng ô.

Dưới đáy dòng nước

ánh sáng vởn vơ nhấp nhô..”


Ngo Quyen



Qua chiến công nhà Trần chúng ta có:

“..Chi Lăng Chi Lăng,

Tiếng ai hò reo vang trời .

Chi Lăng, Chi Lăng,

Bóng ai tranh hùng muôn đời.


Ðến cuộc khởi nghĩa của vua Lê thái Tổ có nước non Lam Sơn:

“Vầng non cao ngất khí thiêng.

Tưng bừng một sáng mùa Xuân mới.

Tiếng reo vang theo từng hơi gió dần xa vời.

Vừng ô lên sương tàn mờ trong mây núi. Bóng quân đi theo tiếng chiêng oai hùng rơi”



Sau cùng là gò Ðống Ða của thời Quang Trung Nguyễn Huệ:


“Từng đoàn dân chúng

trên đế đô tưng bừng đi.

Tìm về thăm

chốn non nước thiêng trang hùng ghi.

Cố bước bước bước

bước trên đường thơm gió mát.

Ta đi đi đi

đi thăm gò xưa chất thây.

Ðống Ða còn chốn đây....”


Ðó là những bài ca phải nhớ, phải ghi lại và phải được hát lên sau 35 năm nhìn lại con đường chúng ta đã trải qua. Vì đây là những bài ca gọi hồn dân tộc


nhà văn Giao Chỉ

San Jose, USA



(post thêm)


Gò Đống Đa


(Văn Cao)


Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi
Tìm về thăm chốn non nước thiêng trang hùng ghi
Cố bước bước bước bước trên đường thơm gió mát
Ta đi đi đi đi thăm gò xưa chất thây
Ðống Ða còn chốn đây
Nhắc xương đầy máu xây
Ngàn tiếng khóc tiếng rít lên,
còn vướng vất giáo, mác, tên
Mấy ai qua mà lòng không nguôi

ÐK:
Cùng thăm nơi xưa ai là người không bái sùng
Dòng máu ái quốc lưu truyền trong bao đấng hùng
Ngày ngàn quân Thanh chết
Dưới toán quân Việt Nam
Thề quyết phấn đấu đồng tâm hy sinh
Làm sao cho hơn thời xưa
Rồi cất sức sống ngày mai
Máu đào đồng bào kết hòa cùng máu quốc kỳ

Lời đoàn quân trước trong gió rung bao cờ bay
Còn rền theo trống chiêng lắng khua trong chiều nay
Hỡi dũng sĩ ái quốc ngại gì bao nguy khó
Giữ đất nước thống nhất bao người đang ngóng ta
Tiến quân hành khúc ca.
Thét vang rừng núi xa
Giục chiến sĩ cất bước mau.
Từng toán trước đến toán sau
Nối nhau đi cuộc hành binh qua


Cô Gái Việt

          Hùng Lân

Lời sông núi bừng vang bốn phương trời
Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến
Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời
Giòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim

Dẫu không cùng tài trai vui tranh đấu
Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu
Dù thành thị hay thôn trang ai ơi
Lòng hẹn lòng bạn gái ta xây đời

Chị em ơi! Quê nước chờ mong
Ta sớm lập công
Tô thắm giang sơn Việt Nam
Ngoài những phút quán xuyến tề gia
Hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn

Kìa cô nhi không chút tình thân
Đây lớp tàn nhân
Năm tháng đau thương thầm trôi
Cùng cương quyết góp sức đồng tâm
Muôn dân vui một đời vàng sáng tươi


Xem đoạn Video "Cô Gái Việt"

nói về SàiGòn, Duyên Anh soạn

Thúy Nga Paris 1985

và bài hát Cô Gái Việt do

Phượng Mai, Minh Đức

Phương Hồng Ngọc trình diễn

http://vids.myspace.com/index.cfm?fuseaction=vids.individual&VideoID=3027979



Võ Đại Tôn: “Sao anh đi mà không bảo gì nhau”?

Ðường về quê hương:

Ðường đời trăm vạn nẻo,
Đâu lối về quê hương?
Giao-Chỉ

Nhân dịp 35 năm nhìn lại con đường, mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu thập niên 80 tại San Jose. Những anh bạn trẻ Ðỗ Hùng, Nguyễn Trung Cao và Hồ văn Sinh….. tổ chức đón người khách từ Úc Châu qua. Ông Võ Ðại Tôn đang đi khắp năm châu bốn bể đã ghé lại San Jose hô hào tìm đường Phục Quốc,. Thời kỳ đó không ai nói chuyện đấu tranh chính trị. Không ai nói hòa hợp hòa giải. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, các tổ chức đang kết hợp để hình thành mặt trận Kháng chiến. Lãnh đạo là vị đề đốc hải quân. Bên Pháp nhiều nhóm cách mạng cũng bàn chuyện ngồi lại với nhau. Trong đó có phi công Mai Văn Hạnh. Thời đó, chống Cộng là phải tìm đường về Ðông Nam Á. Giải phóng quê hương là phải chiến đấu vũ trang.

Ban Thùy Dương cất tiếng hát:

Này em, anh sẽ về bên kia biên giới,
Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người.

Võ Ðại Tôn là đóm lửa quê hương về từ Úc Châu. Hoàng Cơ Minh là đốm lửa của Mỹ Châu và Trần Văn Bá là đốm lửa Âu Châu.

San Jose không ai biết nhiều về Võ Ðại Tôn. Một vài người nhắc đến tên thi sĩ Hoàng Phong Linh qua bài thơ “Mẹ Việt Nam ơi!”. Tuy nhiên, với niềm hưng phấn trong không khí phục quốc, San Jose đã đón tiếp ông Võ Ðại Tôn hết sức nồng nhiệt. Tờ San Jose Mercury tường thuật tin tức và hình ảnh trên 1 trang báo lớn.

Sau đó, anh em tiễn đưa người Kinh Kha thời đại lên đường.

Võ Đại Tôn trong
cuộc họp báo Hà Nội, 1982

Bẵng đi 1 năm sau, chợt thấy hình ảnh cuộc họp báo hào hùng của Võ Ðại Tôn tại Hà Nội trên TV toàn thế giới. Lúc đó hải ngoại mới biết tin ông bị bắt, bị tra tấn, rồi ông trá hàng và lừa CS Hà Nội trong một cuộc đấu tranh chính trị đâu ra đấy.

Vào tháng 7 năm 1982, Bắc Cali tổ chức ngày biểu dương tinh thần Võ đại Tôn hết sức rầm rộ. Rồi từ đó không còn tin tức gì nữa.

Người vợ đợi chờ:

Ngay lúc ông Võ Ðại Tôn đến San Jose, khi tửu hậu trà dư, chúng tôi thường tự hỏi ông này gia đình ra sao mà lại bỏ nhà đi khơi khơi như thế. Vợ con ở đâu? Kịp đến khi ông bị bắt, câu hỏi thường tình cũng vẫn đặt ra và không có câu trả lời. Vợ con ra sao?

Nhân dịp gia đình con chúng tôi đổi qua Úc làm việc 2 năm. Con gái sanh cháu đầu lòng. Bà ngoại qua Sydney nuôi cháu. Ông ngoại Giao Chỉ tháp tùng qua cái xứ mệnh danh là miền dưới của địa cầu. Chúng tôi có dịp ghé thăm và tìm hiểu chuyện gia đình của anh chị Võ Ðại Tôn. Lúc đó là vào đầu năm 1990, chị Tôn đã trải qua gần 10 năm đợi chờ bươn trải nuôi con trong cô đơn và gần như tuyệt vọng tin chồng.

Trong gian nhà đơn chiếc, chúng tôi còn thấy tấm hình sơn dầu thật lớn của anh Tôn ngay tại phòng khách. Hỏi thăm chị chuyện gia đình, người vợ trẻ chung thủy với nét mặt xa vắng và dè dặt cho biết rằng vẫn không biết tin tức chính xác của chồng từ lúc anh ra đi. Chị nói rằng vào thời gian 10 năm trước anh vẫn thường đi đó đây rồi lại trở về, Lúc đó vợ con chỉ trông cậy vào mình anh. Gia đình mới định cư ỏ Úc Châu. Con còn nhỏ, vợ không biết lái xe, nhà không có lợi tức gì chắc chắn. Sao anh đi mà không bảo gì nhau?

Chúng tôi ngồi nói chuyện nhưng ai cũng biết rằng làm sao người chồng ra đi như thế mà lại nói thật mọi điều cho vợ. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng chính người đi cũng đang lần dò đường về mịt mù tăm cá. Có gì chắc chắn mà giãi bầy? Ðâu có phải như ngày nay đi máy bay nên biết rõ ngày giờ chia tay và giây phút tái ngộ khi trong tay có sẵn vé khứ hồi.

Chuyện tình Tuyết Mai.

Người vợ trẻ của anh Võ Ðại Tôn sinh ra tại Lào nhưng trưởng thành tại miền Nam. Cô học Văn Khoa rồi sang Luật khoa của đại học Saigon. Ði dạy trung học và làm xướng ngôn viên đài truyền hình số 9 đọc tin thời sự buổi tối.

Bản tin cuối cùng, cô giáo trung học duyên dáng và trẻ trung của TV Việt Nam đã đọc vào đêm 28 tháng 4-1975.

Tuyết Mai của đài số 9 lập gia đình với anh Võ Ðại Tôn năm 1972 khi anh Tôn là Trung Tá Giám Ðốc nha công tác của Bộ Chiêu Hồi.

Sau tháng 4-75 cả 2 vợ chồng tìm đường vượt biên qua Mã Lai trong khi thân phụ của cô ở lại đi tù “cải tạo”. Về sau ông chết trong tù.

Hai vợ chồng vượt biên đã được Mã lai chấp nhận định cư ngay tại thủ đô Kuala Lumpur. Với khả năng Anh ngữ và kinh nghiệm về tình báo, anh Tôn được nhận vào làm tại Bộ quốc phòng Mã Lai. Qua năm 1976 gia đình chính thức xin về định cư tại Úc Châu. Con trai đầu lòng và duy nhất của anh chị sinh ra năm 1978 tại Úc với tên Võ Ðại Nam và lúc nhỏ gọi là Cu Lỳ.

Sau này, khi ra đi anh Tôn có để lại cho vợ con quán cà phê Cu Lỳ, bán sách báo và cũng là nơi chiến hữu tới lui, liên lạc. Anh đi một thời gian thì chị cũng dẹp tiệm để tìm công việc vững chắc hơn.


Nhật ký đoạn trường:

*Tháng 2 năm 1981, Võ Ðại Tôn đã ra đi.

*Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1981, chỉ nhận được vài tin tức từ Bangkok gửi về cho biết là anh Tôn đã vào mật khu kháng chiến Lào Tự Do của Tướng Vang Pao ở Ðông Bắc Thái Lan, sau đó thì bặt tin luôn.

*Cuối năm 1981,Tuyết Mai tập lái xe, xin việc làm ở bưu điện Úc, nuôi con chờ chồng vẫn biền biệt tăm hơi.

*Ngày 13 tháng 7 năm 1982 được điện thoại từ Mỹ của Ông Việt Ðịnh Phương, chủ bút báo Trắng Ðen gọi qua Úc lúc 12 giờ khuya. Báo cho biết là Võ Ðại Tôn đã bị bắt và bị đưa ra họp báo quốc tế tại Hà Nội. Khi nghe điện thoại, nhận tin lần đầu tiên kể từ ngày anh Tôn ra đi, Mai khụyu xuống gần như bất tỉnh. Sau đó cũng không được tin tức gì nữa.

*Tiếp tục sống cô đơn chờ tin của chồng, nuôi con ăn học và đi làm vất vả. Hoàn cảnh sống như góa phụ. Có nhiều đêm đang ôm con ngủ, nghe điện thoại, mừng quá, tưởng rằng có tin tức của chồng. Nhưng đầu giây có khi là tiếng ai đó chửi bới, hoặc tán tỉnh sàm sỡ. Lại âm thầm khóc trong bóng đêm cô đơn.

*Năm 1983 hai mẹ con qua Thụy Sĩ vào văn phòng Liên Hiệp Quốc để vận động nhờ hỏi thăm tin tức của VÐT nhưng cũng không ai biết.

*Năm 1985, một buổi trưa xin sở làm cho nghỉ bệnh, tình cờ bật tivi đài số 7 của truyền hình Úc lên coi, thấy có hình của anh Tôn họp báo ở Hà Nội. Ðài này đang chiếu cuốn phim về “10 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, 1975-1985”.

*Gọi điện thoại ngay vào đài truyền hình số 7, hỏi thăm về cuốn phim tài liệu này và tin tức của Võ Ðại Tôn. Ðài truyền hình cho biết đó là cuốn phim thời sự do phóng viên truyền hình tên là NEIL DAVIS, thực hiện cho NBC, hiện nay Neil ở Bangkok, Thái Lan.

*Tuyết Mai xin nghỉ việc một tuần lễ, bay qua Bangkok tìm gặp NEIL DAVIS. Ký Giả DAVIS đã kể lại việc ông ta tham dư buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội của Võ Ðại Tôn, nhưng sau đó thì không biết thân phận Võ Ðại Tôn sẽ ra sao.

NEIL DAVIS có cho Tuyết Mai một copy cuộn phim họp báo đó, và nói rằng thái độ bất khuất của Võ Ðại Tôn đó là sự kiện hi hữu trong đời làm phóng sự của ông ta. (Sau này NEIL DAVIS chết trong một cuộc đảo chánh ở Thái Lan khi đi quay phim). Với cuốn phim, Tuyết Mai có được hình ảnh của chồng qua cuộc họp báo ở Hà Nội, và chỉ biết âm thầm khóc.

*Kể từ ngày VÐT ra đi vào năm 1981 cho đến 1991 là đúng 10 năm dài, TM phải đơn độc đi làm nuôi con và vẫn thủy chung đợi chờ. Không có tin tức sống chết của chồng ra sao. Ði vận động với chính giới Úc Châu, với Quốc Hội Úc, nhưng không ai biết tin tức và các cuộc vận động cũng không có kết quả.

*Ðến tháng 12 năm 1991, bộ Ngoại Giao Úc Ðại Lợi bất ngờ cho biết là Võ Ðại Tôn sẽ được thả về Úc, qua sự vận động của chính giới quốc tế và của Úc Châu. Sững sờ, không tin vì đã quá mỏi mòn chờ đợi. Bộ Ngoại Giao Úc lại nói đây là tin tức nhận được từ Việt Nam. Nhưng cho đến khi nào Võ Ðại Tôn đặt chân lên đất Úc thì mới chắc chắn, vì mọi quyết định từ phía Việt Nam có thể thay đổi vào phút chót.

*Sau cùng, họ lại thông báo thêm, và qua tin tức loan báo của đài phát thanh BBC, VOA, thì Võ Ðại Tôn bị tù đúng 10 năm 1 tháng 17 ngày.Sẽ về đến Sydney vào ngày 11 tháng 12, năm 1991. Ðó là ngày Quốc tế Nhân Quyền.

*Tuyết Mai cùng một số đồng hương đã tụ tập tại phi trường quốc tế Sydney từ sáng sớm 11.12.1991. Nhưng chờ đợi trong hồi hộp đến trưa mới thấy một ông già khẳng khiu từ máy bay bước ra. Ðứa con trai nhỏ ngày nay đã thành một thiếu niên, không nhận ra cha mình.


Ông Võ Đại Tôn sau hơn 10 năm tù trở vê

*Sau hơn 10 năm biền biệt tăm hơi. Tuyết Mai nghẹn ngào không còn nước mắt để khóc khi thấy thân xác nguời chồng tàn tạ thảm thương. Ngày ra đi là một đàn ông trung niên, ngày trở về là một ông già tàn tạ, bước đi không vững. Con không biết cha là ai, vợ thì ngỡ ngàng trước thực tế hình hài, mặc dù trong lòng rộn ràng bao cảm nghĩ thương yêu nhưng vẫn không còn nước mắt để khóc mừng ngày đoàn tụ.

Ðoạn kết của chuyện tình,
đoạn kết của con đường Phục quốc

Khi anh chị Võ Ðại Tôn qua Hoa Kỳ tìm cách định cư thời kỳ 90, chúng tôi có dịp tiếp xúc nhiều lần. Quả thực con đường hội nhập muộn màng của anh chị có khi còn khó khăn hơn cả đường về quê hương thuở trước. Gia đình không có hoàn cảnh hợp lệ để hưởng trợ cấp. Người chiến sĩ phục quốc về già không tìm được công việc thích hợp tại Hoa Kỳ. Cô vợ trẻ đi may thuê gặp toàn chuyện nham nhở buồn phiền.

Giữa một cộng đồng đông đảo, nhiệt thành, tích cực nhưng phân hóa. Không có chỗ đứng cho người anh hùng thấm mệt. Gia đình nhỏ bé của anh chị lại phải từ giã Mỹ Quốc trở về Úc Châu, tìm lại sự thông cảm anh em với chút tình xưa nghĩa cũ. Ðó là những dữ kiện và tin tức của mặt nổi bên ngoài.


Từ bên trong, chiến sĩ Võ Ðại Tôn ngày nay bỏ kiếm cung trở lại với thi sĩ Hoàng Phong Linh, cầm bút viết những vần thơ cảm khái. Còn người vợ. Cô Sinh viên Saigon ngày xưa, cô giáo trẻ dạy trường trung học Long Khánh, cô nữ xướng ngôn viên đài TV số 9 Saigon, ngày nay thực sự cô nghĩ gì? Với tình yêu đầu đời năm 72, qua 3 năm hạnh phúc của đoạn cuối chiến tranh Việt Nam, thoát đi được năm 75 đã là điều may mắn. Những năm đầu định cư, trong khi ai nấy đều lo xây dựng cuộc sống trên quê hương mới thì người chồng còn trăn trở với giấc mơ trở về. “Rồi anh đi mà không bảo gì nhau.”

Vinh quang không thấy và ngày về cũng xa dần, chỉ còn lại những lời ong bướm tán tỉnh suốt năm tháng dài cô đơn mòn mỏi. Rồi thêm vào đó là những tin đồn đau thương đứt ruột từ những trại giam khổ sai bên Việt Nam. Những tiếng thị phi của đồng hương và tin tức đánh phá trên báo chí.

Người chồng yêu quý họ Võ anh hùng đã thành tay Võ đại Bịp. Cả những người bạn cũng gọi anh là kẻ háo danh và ngu đần. Võ đại Tôn trở thành người yêu nước cuối cùng của thế kỷ thứ 20 mang tiếng bạc tình, chạy theo ảo ảnh, không lo cho vợ con. Sau cùng, chung quanh cô vợ trẻ hẩm hiu chỉ còn toàn là những người khôn ngoan, thông minh và hết sức thực tế.

Sau khi anh trở về, chẳng mấy ai còn quan tâm đến vụ họp báo quốc tế làm cộng sản thâm gan tím ruột tại Hà Nội năm 82. Có lá thư gửi đến cho người chiến sĩ trở về đã đang tâm hạ bút viết rằng: “Bác Võ đại Tôn, sao bác không chết đi ?”

Nhưng trải qua bao nhiêu đau thương, bác vẫn còn sống, và người chồng đã trở về. Anh không chết đâu em. Anh về như một phép lạ, dù hình hài tiều tụy. Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen. Khi ra đi vẫn không một lời trăn trối.

Nếu khi đi thì phải nhiều năm em mới quen dần với đau thương. Thì ngày về cũng phải có thời gian em mới quen dần với sự vui mừng. Bây giờ đôi vợ chồng xum họp bên nhau gây dựng lại một niềm ước mơ rất nhỏ.

Một gia đình định cư dang dở, một công việc phục quốc dở dang. Chỉ còn cố hàn gắn lại niềm hạnh phúc về chiều.Tháng 4 nghiệt ngã 35 năm sau, năm 2010 gia đình Võ đại Tôn trở lại San Jose và nước Mỹ. Nối lại cái bắt tay muộn màng trong tình chiến hữu lúc hoàng hôn.

Tuyết Mai vẫn mãi mãi là Cô gái Việt và Hoàng Phong Linh vẫn còn là người thi sĩ trẻ một thời đã viết bài ca bất hủ. “Mẹ Việt Nam ơi! chúng con vẫn còn đây… “

© Giao Chỉ

Source: http://www.danchimviet.com



 Những người Sơn Tây
     

                                      Giao Chỉ, San Jose.

           
     Hai mươi dặm về phía tây bắc Hà Nội là đất Sơn Tây, nơi có con sông Đáy, có núi Ba Vì. Cũng tại đất Sơn Tây, cùng thời với chúng tôi có chàng thi sĩ, có anh nhạc sĩ, có vị tướng công và có ông chính khách. Nhà thơ Quang Dũng, người viết nhạc Phạm Đình Chương, thiếu tướng Lê Nguyên Vỹ và chính khách Nguyễn Cao Kỳ. Những nghệ sĩ làm cuộc sống thăng hoa, tướng công làm ta hãnh diện và chính khách làm ta xấu hổ. Họ đều là những người Sơn Tây.

Đôi mắt người Sơn Tây.
   
Đêm hôm đó là một buổi tối mà cả phòng trà ai cũng muốn được là người đất Sơn Tây. Phòng trà Đêm mầu Hồng, Saigon có chương trình ca nhạc phổ thơ Quang Dũng nên đầy khán giả. Ban hợp ca Thăng Long gần đủ mặt. Hoài Trung lên nói về thi sĩ Quang Dũng, người cán bộ tuyên huấn của trung đoàn Tây Tiến, sinh năm 1921 đã có những vần thơ trác tuyệt. Quang Dũng vốn là nhà thơ của đất Sơn Tây.

 
            





Người đã đưa Sơn Tây qua đất Lào, lên Việt Bắc, về Hà Nội, vào Saigon và giờ đây thơ của ông được phổ nhạc gửi đi khắp bốn phương.“Đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây”. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 khi phổ nhạc thơ Quang Dũng, cũng nhân danh là người con của Sơn Tây. Quê ngoại.


          Tay cầm ly rượu, tay cầm micro Hoài Bắc Phạm Đình Chương hát những bài ông phổ thơ Quang Dũng. Nhạc sĩ hát để tặng cho một người.

          Đó là người hùng Sơn Tây, Nguyễn Cao Kỳ cùng với vợ mới cưới ngồi trong số những khán giả hiện diện. Ông đang là tư lệnh không quân, Tư lệnh đi phòng trà, lính gác từ trong ra ngoài. Khán giả may mắn vào được Đêm màu Hồng ngay từ buổi chiều, mê Sơn Tây quá nên ai cũng muốn là người đất Sơn Tây. Khổ cho tôi chưa, lúc đó còn là một sĩ quan vô danh ngồi một góc, tôi cũng ao ước trở thành người hùng đất Sơn Tây như Kỳ. Bụng bảo dạ, thằng cha này chỉ hơn mình có mấy tuổi mà sao ngon lành quá thể.

          Cùng lúc đó, giữa biên giới gần Tây Ninh, có một chàng trai Sơn Tây khác, chưa bao giờ nếm mùi trà đình tửu điếm Saigon. Trung tá Lê nguyên Vỹ sinh năm 1933 trung đoàn trưởng bộ binh đang dò bản đồ, gọi máy xem các đơn vị đã vào được vị trí chưa. Đất Sơn Tây, cùng một lúc sinh ra những người con khác biệt biết chừng nào.

        

  

  Giữa chàng thi sĩ, nhạc sĩ và người chiến sĩ thì anh chàng lãng tử giang hồ Nguyễn cao Kỳ lại là người nổi nhất.

          Thiếu Tá Ngọc của San Jose là người thân thiết với ông Kỳ từ ngày ở Hà Nội, rồi đến Saigon và ngay bây giờ tại Hoa Kỳ.

          Anh em ngồi bên cạnh Ngọc “Toét” và Hùng “Xùi” thì chuyện ông  Kỳ kể hàng năm không hết. Cùng với anh Kỳ, chúng tôi xuất thân là dân Càn khu Chả cá, Hà Nội. Ông Ngọc nói như thế. Bây giờ cuộc sống vô thường. Đời là một sân khấu. Ngọc Toét của tôi buông nhẹ câu triết lý.

Quả thực như thế, cùng khóa tư với Hùng Xùi và Ngô Quang Trưởng lại thân thiết với Nguyễn Cao Kỳ mà khi qua Mỹ ông Ngọc vẫn giữ lon thiếu tá, cũng là chuyện lạ.

          Quả thực cuộc đời là một hý trường, dù hay dù dở, dù xấu dù tốt, Kỳ vẫn luôn luôn là một ngôi sao sáng lên mọc từ đất Sơn Tây.

          Sinh năm 1930 thuở nhỏ theo kháng chiến rồi về Thành. Động viên vào lớp sĩ quan Nam Định, sang Pháp học bay. Về nước ông lần lượt bước dần lên bực thang danh vọng. Giữa cơn binh biến từ 63 đến 65, Nguyễn Cao Kỳ trở thành người hùng trong quân đội với chức tư lệnh không quân VNCH. Từ 65 đến 67. Từ giã quân đội, Nguyễn Cao Kỳ trở thành thủ tướng và sau cùng là phó tổng thống của đệ nhị Cộng Hòa.

          Sau 4 năm của nhiệm kỳ đầu, bị ông Thiệu bỏ rơi, Kỳ về làm nông trại tại Khánh Dương. Cùng thời đó ngoài Bắc thi sĩ Quang Dũng đất Sơn Tây đã chịu biết bao nhiêu trầm luân gian khổ từ sau vụ Nhân văn Giai phẩm.  

         Tháng 4-1975 người chiến sĩ xuất thân đất Sơn Tây là thiếu tướng Lê nguyên Vỹ tự tử tại tổng hành dinh Sư đoàn 5 Bộ binh. Bài vị được đem về thờ tại làng cũ đất Sơn Tây ghi danh là tư lệnh binh đoàn Lai Khê. Khi Sài Gòn có lệnh đầu hàng, ông bình tĩnh ăn ba chén cơm. Nói anh em liệu tìm đường thoát thân. Trung tá Đỗ đình Vượng còn nhìn thấy nụ cười của tư lệnh trước khi ông quay vào phòng nổ súng.

        Còn người hùng không quân đất Sơn Tây nói chuyện quyết tâm chiến đấu cứ như đinh đóng cột tại trường Chỉ huy Tham mưu Long Bình. Anh em sĩ quan cao cấp trong khóa học lòng dạ đang tan nát vì gia đình bị kẹt ở miền Trung, bỗng tưởng như thấy lại trời xanh. Ông Kỳ lại tiếp tục hô hào thêm một lần nữa tại họ đạo Tân sa Châu. Dân di cư công giáo nghĩ rằng phen này gặp được người anh hùng xoay lại thời thế.

         Nhưng sau cùng, nhạc sĩ Phạm đình Chương và thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ cùng sống những ngày còn lại tại Hoa Kỳ. Nhạc sĩ tiếp tục phổ thơ, những tác phẩm bất hủ kể lể nỗi niềm về Đêm nhớ Trăng Saigon.

        Ông thiếu tướng cũng di tản kịp thời qua Mỹ và tiếp tục là người tạo  tin tức thời sự trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

         Những chàng trai đất Sơn Tây lần lượt ra đi. Từ chiến sĩ Lê nguyên Vỹ tự sát 1975 trong Nam, thi sĩ Quang Dũng chết trong hiu quạnh 1988 ngoài Bắc, đến nhạc sĩ Phạm đình Chương qua đời trong thương tiếc năm 1991 tại Hoa Kỳ. Bây giờ đến lượt nhà chính khách ồn ào Nguyễn cao Kỳ người đất Sơn Tây ra đi sau cùng 2011

         Định mệnh đã có những cơ duyên lạ lùng. Người đất Sơn Tây chết tại Hà Nội, chết tại Saigon, chết tại Hoa Kỳ. Riêng mình ông sống không giống ai, đến khi ông chết tang lễ cử hành tại Mã Lai.

         Tờ New York Time số vừa qua viết về ông cựu phó tổng thống miền Nam có thể được coi là phản ảnh dư luận Mỹ.

         Ký giả Mỹ viết rằng từ một tay chơi ông Kỳ trở thành tư lệnh không quân miền Nam và thủ tướng tại Saigon thời kỳ 65-67.

         Cháu của ông là Peter Phan nói với AP là ông Kỳ qua đời tuần vừa qua tại Kuala Lumpur, Mã lai hưởng thọ 81 tuổi. Dựa theo hồi ký của  chính ông Kỳ, báo Mỹ viết rằng Kỳ đã từng phục vụ cho cộng sản và quân đội thực dân Pháp. Trên thực tế thời toàn quốc kháng chiến ông Kỳ mới là một thiếu niên cho đến khi trưởng thành bị động viên vào khóa sĩ quan tại Nam Định. Tuổi trẻ chưa hề có ý niệm gì về quốc cộng và hoàn toàn bị lôi cuốn vào dòng đời theo hoàn cảnh.

            Dưới mắt báo chí Hoa Kỳ, vị thủ tướng Việt Nam một thời đóng vai chính khách huê dạng, ông làm chính trường thành kịch trường và tự biến mình thành một kép hát. Cả 2 vợ chồng đều mặc đồ bay, áo liền quần màu đen, khăn tím, kính dâm, tóc dài. Tướng Kỳ đeo súng lục xệ bên hông.

        Trong sách Stanley Karnow tả ông Kỳ như là một tay thổi kèn saxophone ở hộp đêm hạng nhì. Chính ông Kỳ cũng nhắc lại như vậy. Ông tự xưng là con Phật đứng lên chiến đấu để cứu Việt Nam.

        Thời kỳ ông thủ tướng “cao bồi” của Việt Nam cầm quyền, đến dự lễ duyệt binh với phu nhân Tuyết Mai. Cả khán đài quan khách Việt-Mỹ đứng lên đón chào theo lời của xướng ngôn viên buổi lễ. Anh hùng và giai nhân cặp kè như các diễn viên trên sân khấu. Quan khách ngoại quốc và ngoại giao đoàn mở to mắt nhìn hoạt cảnh có một không hai trên chính trường miền Nam.

        Đứng bên cạnh khán đài, đại úy tùy viên của tướng Westermoreland nói nhỏ với tôi. Ông Kỳ là chủ nhân của Saigon hoa lệ và cũng là chủ nhân của bông hoa đẹp nhất Saigon. Tôi cũng không biết là anh này nói thực lòng hay mỉa mai.

        Không ngồi trên khán đài, đại tá Loan, xếp xòng an ninh của ông Kỳ chân đi dép, áo trận bỏ ngoài quần, đầu không đội mũ, bên hông đeo súng lục, lẹp xẹp đi tới đi lui, đích thân kiểm soát an ninh tại khán đài.

        Với những hình ảnh đó, Hà Nội luôn luôn tuyên truyền rằng chính phủ miền Nam là bù nhìn của Mỹ, và là những con rối tệ hại nhất.

          Danh tiếng kỳ cục.

        Cuộc đời của ông Kỳ là một chuỗi dài những tin tức, những danh tiếng ồn ào và kỳ cục. Ông là tay ăn chơi ngông nghênh nhất hạng. Lấy vợ, bỏ vợ, rồi lấy vợ, rồi bỏ vợ. Một thời nổi danh là Lady Killer. Ông theo Mỹ rồi chống Mỹ. Ông quyết liệt chống cộng rồi lại lên tiếng bênh vực chính quyền Hà Nội.
 
Ông từ chối ra đi, kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu, nhưng sau cùng ông lại ra đi.

         Ông tham gia các phong trào vận động phục quốc, nhưng đánh trống bỏ dùi, ông quay lại hô hào hòa giải dân tộc. Ông có khả năng hùng biện và luôn luôn nói lời tâm huyết, vì nước vì dân. Ông tự coi là người yêu nước chân thực và nồng nàn. Nhưng thực sự Nguyễn cao Kỳ không hề yêu ai cả. Ông chỉ yêu có Nguyễn cao Kỳ.Từ trong nước ra đến hải ngoại, trong hay ngoài quân đội, trước hay sau 75, ông luôn leo lên đầu lên cổ anh em để múa gậy vườn hoang. Ông dậy dỗ hải ngoại đoàn kết dân tộc. Ông dậy dỗ trong nước chống Mỹ, chống Tàu.

 Từ khi xuất thân là dân càn Hà Nội, cậu Kỳ chỉ muốn chơi trội. Cậu chỉ muốn suốt đời là cái đinh của vũ trụ, cái rốn của địa cầu. Dù trái hay phải, dù xấu hay tốt, dù suôi chiều hay ngược lối, dù lẫm liệt hay cúi đầu nhục nhã, dù đóng vai chính nhân hay phản diện, luôn luôn cậu phải là ngôi sao sáng của chính trường. Cậu là con cầu tự. Con Trời con Phật. Thiên hạ phải đứng chung quanh vỗ tay.

Nhưng đau thương là ở phần chúng ta, bởi vì chúng ta không phải là khán giả của một vở kịch đời, xem qua rồi bỏ. Chúng ta là dân của một nước đã mất vì người lãnh đạo một thời được so sánh với anh thổi kèn saxophone cho một phòng trà hạng bét. Người ta nói rằng, dân tộc thời nào thì có lãnh đạo thời đó. Khổ thân tôi chưa. Tôi lại chính là người dân Việt Nam của thời kỳ đó.

        Bây giờ còn biết nói năng chi.

Dù hết sức kính trọng tướng Lê Nguyên Vỹ, dù cảm phục tài hoa thi sĩ Quang Dũng, dù rất say mê nhạc Phạm Đình Chương, nhưng tôi không còn tha thiết ước mong là người Sơn Tây như thủa xưa ngồi ở Đêm Mầu Hồng. Ước mơ gì kỳ cục. Tôi xin trở về làm dân Nam Định hiền lành như mọi người.

        Ngưòi chính khách cuối cùng đã đi rồi, đem theo cả tiếng bấc tiếng chì. Dân Càn chả cá Hà Nội bây giờ chẳng còn ai. Ngọc Ghẻ chết từ khuya, chỉ còn bác Ngọc Toét ngồi cười ruồi với bác Hùng Xùi ở San Jose. Hai bác đang bàn nhau suôi Nam đón tro cốt anh Kỳ.

        Nghĩa tử vẫn là nghĩa sau cùng.

       Giao Chỉ,
      San Jose.              

    

Hương Xưa - Tuấn Ngọc
 Download
 Download

Hoài Cảm - Thái Hiền
 Download
Bài Ca Hạnh Ngộ - Tuấn Ngọc & Thái Hiền
 Download



 Television's Vietnam: The Real Story (video)
Việt Nam: Câu Chuyện Thật
(Accuracy In Media Inc. 1985

Posted on 05 Mar 2010
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • Đức Giám Mục Mai Thanh Lương: Nhớ Giáo Hội và Quê Hương
  • Mừng Chúa Giáng Sinh 2011 & Chúc Mừng Tết Tây 2012
  • Vinh danh Khối 8406 hoạt động 5 năm
  • Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Tổ Quốc & nhân dân sẽ phá án cho tôi!
  • TS Phan văn Song: Tuổi Trẻ can trường, Tuổi Trẻ bất khuất!
  • Luật sư Nam Thị Hồng Vân: Hội Luật Gia Việt Nam tại California
  • 200 BẢN NHẠC MỪNG GIANG SINH & HAPPY NEW YEAR 2011
  • Thuy-Dzuong Nguyen: The Truth Lenders (Những Kẻ Cho Vay Sự Thật)
  • Tiến sĩ Hà văn Hải: Khối 8406, bốn năm nhìn lại
  • Giao Chỉ: Những bài Ca gọi Hồn Dân Tộc
  • Lm Phan văn Lợi: Lời tâm sự đầu Xuân Canh Dần 2010
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)